Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng CN thứ I Mùa Vọng, năm C, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài giảng CN thứ I Mùa Vọng, năm C, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

h1Câu chuyện của John Shea (trong cuốn ‘Giai thoại về những cái chuông’: The legend of the Bells) kể lại rằng: khi Thiên Chúa dựng nên các cây cối, Người ban cho mỗi loài cây một ân huệ. Nhưng ban đầu, khi Người đưa ra một cuộc tranh luận, để xác định xem ân huệ nào có lợi ích nhất.                                                                               

Người nói với chúng:

“Ta muốn các ngươi phải thức tỉnh và tiếp tục coi sóc cả mặt đất trong vòng bảy đêm”.

Những thân cây còn non rất phấn khởi, vì được Người tin tưởng giao phó cho một công việc quan trọng như vậy, đến nỗi trong đêm đầu tiên, chúng nhận thấy việc canh thức không có gì là khó khăn cả.                                                            

Tuy nhiên, trong đêm thứ hai, thì việc đó không còn dễ dàng nữa, và vừa trước khi đến lúc rạng đông, một số cây đã lăn ra ngủ.                                                

Trong đêm thứ ba, các thân cây thì thầm nhắc nhở nhau cố gắng giữ mình, để khỏi bị cám dỗ của cơn ngủ. Mặc dù vậy, điều này chứng tỏ là quá sức đối với một số cây.        

Trong đêm thứ tư, lại có thêm vài cây nữa ngã gục.                                         

Đến đêm thứ bảy, những thân cây duy nhất còn tỉnh thức là cây tuyết tùng,     cây thông, cây vân sam, cây linh sam, cây nhựa ruồi và cây nguyệt quế.

Thiên Chúa nói với chúng: “Sức chịu đựng của các ngươi thật tuyệt vời!          

Các ngươi sẽ được ban cho một ân huệ là giữ được mầu xanh tươi mãi mãi.

Các ngươi sẽ trở thành những kẻ canh gác khu rừng.

Ngay cả trong mùa đông dường như mang lại cảnh chết chóc, thì các ngươi vẫn bảo vệ được sự sống trên những cành cây của các ngươi”.

Kể từ đó, tất cả các cây cối và thực vật đều bị rụng lá và ngủ trong suốt mùa đông, trong khi đó các cây kể trên vẫn thường xanh tươi ngay cả trong mùa đông.

 

Câu chuyện trên minh họa lại hai chủ đề chính của Mùa Vọng:                          

Sự tỉnh thức giữa cảnh ngủ mê, và sự xanh tươi giữa nơi cằn cỗi.

Nơi những cây luôn luôn xanh tươi, chúng ta ghi nhận được một sự thách đố mang tích cách lịch sử, nhưng kiên quyết.

Thế giới chung quanh có thể ngủ mê hoặc cằn cỗi, nhưng những thân cây này vẫn tiếp tục mang lại lời chứng.

Chúng vẫn kiên trì, không phải do sự xác quyết của bản thân chúng, mà nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa.

Chúng chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, trong tư cách là người Kitô hữu là phải tỉnh thức giữa những kẻ ngủ mê, phải xanh tươi giữa những kẻ cằn cỗi.

Để làm chứng cho Thiên Chúa, chúng ta phải yêu thương giữa cảnh hận thù, bình an giữa nơi xung đột, và trong sáng giữa chốn tối tăm.[1]

Tỉnh thức theo nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay là luôn luôn ý thức được mục đích cuộc đời mình là sống xứng với phẩm giá cao cả của mình là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa, nhờ đó đạt hạnh phúc vĩnh cửu

Tỉnh thức trái với ngủ quên, trái với tình trạng mê mải, bị thu hút bởi một sự việc gì, khiến ta quên mất điều ta phải nhớ, điều chúng ta phải làm.

Chúng ta có thể trở nên «mê ngủ», mất tỉnh thức khi ta bị thu hút bởi danh, lợi, và thú vui trần tục. Nhiều người mê mải tìm kiếm tiền bạc, quyền lực… đến nỗi chẳng những quên đi bổn phận mình phải làm cho tha nhân như đói cho ăn, khát cho uống, lên tiếng trước bất công…, mà còn làm những điều bất lợi cho tha nhân nữa như vu khống, gây bất công, thù oán, giết người…                            

Bất kỳ điều gì có thể làm chúng ta say mê trong cuộc đời, thậm chí là những điều tốt như công việc, chuyện làm ăn, sở thích… cũng có thể làm ta mất tỉnh thức.

Ngay cả việc thờ phượng Chúa như dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện… cũng có thể ru ngủ ta, làm ta quên cả bổn phận mình phải làm cho tha nhân. [2] Thờ phượng Chúa kiểu này chắc chắn không phải là kiểu đẹp lòng Thiên Chúa (Is1,1-19). Đáng lẽ việc thờ phượng Thiên Chúa đích thực phải giúp ta ý thức đến bổn phận của ta đối với tha nhân một cách hữu hiệu.

Vậy thì, một cách cụ thể, tỉnh thức chính là luôn luôn ý thức, quan tâm làm những việc mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân như Chúa nói về ngày chung thẩm.

Đến ngày chung thẩm Thiên Chúa chỉ phán xét chúng ta một điều: mỗi người đã làm gì và không làm gì cho tha nhân.

 “những gì các ngươi đã làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25, 40)

 “Hãy đến, hỡi những kẻ cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo thành vũ trụ. Vì khi ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống,

Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc,

Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm, Ta bị tù đầy, các ngươi đã đến với ta” (Mt 25, 34-36)

 

Lạy Chúa, thì ra có rất nhiều điều có thể làm chúng con mê ngủ, không tỉnh thức.       

Điều làm chúng con rất ngạc nhiên là ngay cả những đam mê tốt lành như đam mê làm ăn sinh sống, đam mê đi thờ đi lễ, đam mê làm tông đồ …

Cũng có thể làm con quên đi bổn phận mà con phải làm đối với những người chung quanh chúng con: Những người trong gia đình,  bạn bè, lối xóm…                                            

Chúng con có bổn phận là phải làm cho họ nên tốt lành và được hạnh phúc.              

Xin Chúa đừng để những đam mê ấy làm chúng con mất tỉnh thức nhất là trong mùa vọng này. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] McCathy, CN 1C MV

[2] JKN, CN 1C MV

 

Xem thêm

KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA

KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA

Khi chúng ta già đi, sự cám dỗ không hài lòng với cuộc sống của …