Chúa Giêsu không lên án tiền bạc, nhưng gắn chặt với của cải thì gây chia rẽ gia đình và chiến tranh. Đây là tâm điểm bài giảng thánh lễ sáng thứ hai 19-10 của Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.
Đừng để tôn giáo thành một ‘hãng bảo hiểm’
Suy niệm các bài đọc trong ngày, Đức Giáo hoàng Phanxicô thẳng thắn nhắc nhở các tín hữu rằng chúng ta không thể thờ hai chủ, hoặc là của cải hoặc là Thiên Chúa. ‘Chúa Giêsu không phản đối của cải, nhưng ngài cảnh báo việc liều thân vì tiền bạc, một việc biến tôn giáo thành một hãng bảo hiểm. Hơn nữa, gắn chặt với tiền bạc thì gây chia rẽ, như trong Tin mừng kể lại chuyện hai anh em tranh cãi về gia tài thừa kế.
Chúng ta hãy xem biết bao gia đình mà chúng ta biết, có những thành viên đấu đá với nhau, không thèm mở miệng chào nhau, thù ghét nhau, chỉ vì thừa kế. Đây chỉ là một ví dụ mà thôi, trong hoàn cảnh này tình yêu gia đình, tình yêu cho con cái, anh chị em ruột thịt, cha mẹ, không còn gì có giá trị hàng đầu nữa, mà thế vào đó là tiền bạc, và chuyện này gây hủy hoại. Thậm chí còn đem lại chiến tranh, các cuộc chiến chúng ta đang thấy ngày nay, đúng thế, chắc chắn là có vì lý tưởng, nhưng còn là vì tiền bạc nữa, tiền để mua bán vũ khí, tiền lợi nhuận từ chiến tranh. Và như thế, một gia đình, là tất cả chúng ta, biết rằng chúng ta bị chia rẽ. Chúa Giêsu nói rất rõ ràng: ‘Hãy cẩn thận tránh xa khỏi mọi loại tham lam, nó đầy nguy hiểm.’ Lòng tham, cho chúng ta sự bảo đảm bất thực và nó còn khiến bạn cầu nguyện nữa, nhưng là cầu nguyện với một trái tim gắn chặt với của cải vật chất, và cuối cùng luôn luôn là một cái kết tồi tệ.’
Một ông chủ giàu có không chia sẻ của cải với nhân công của mình
Chúa Giêsu kể về dụ ngôn người giàu có, ‘một ông chủ giỏi, với đồng ruộng bạt ngàn vụ mùa bội thu, nhưng ông không nghĩ được rằng: ‘Ta sẽ chia sẻ với nhân công của ta, để họ cũng có thêm một ít cho gia đình mình,’ thay vào đó ông lại tự nhủ rằng, ‘Ta làm gì đây, xem nào ta chẳng có chỗ nào để cất trữ những gì ta thu tích được. À há, vậy ta sẽ phá kho cũ, mà xây những kho lẫm mới to lớn hơn.’ Thêm nữa, và thêm nữa, cơn khát giàu có không bao giờ dừng lại. Nếu lòng bạn gắn chặt với của cải, thì khi bạn có rất nhiều, bạn còn muốn thêm nữa. Đây chính là thần của những người gắn chặt với của cải giàu có.’
Hãy bố thí, cho đi những gì cần cho chính bản thân mình, với tình yêu
‘Con đường đến với ơn cứu độ chính là con đường của Tám mối Phúc thật. Trước tiên là tinh thần nghèo khó, không gắn chặt với của cải giàu có, nhưng là lấy của cải để phục vụ tha nhân, để chia sẻ, giúp đỡ nhiều người. Dấu chỉ cho chúng ta biết chúng ta không rơi vào ‘tội thờ ngẫu tượng’ này, chính là việc bố thí, cho những ai đang cần kíp, và không phải chỉ đơn thuần là bố thí của dư dả, nhưng là trao đi cho đến tận khi hi sinh ‘một của riêng’ thậm chí ‘một của cần thiết cho bản thân.’ Đây là một dấu chỉ tốt, cho thấy tình yêu của một người dành cho Chúa thì lớn hơn sự gắn chặt với của cải. Vậy nên, có ba câu hỏi chúng ta có thể đặt ra cho mình:
Câu hỏi thứ nhất: ‘Tôi có trao đi hay không?’ Thứ hai: ‘Tôi trao đi bao nhiêu?’ Thứ ba: ‘Tôi trao đi thế nào?’ Tôi có trao đi như Chúa Giêsu trao đi, với một sự trìu mến yêu thương, hay như kiểu đóng thuế? Tôi trao đi thế nào? Có người sẽ hỏi, ‘Nhưng cha ơi, ý cha là gì?’ Khi giúp một ai đó, bạn có nhìn vào mắt người đó không? Bạn có chạm đến tay người đó không? Thân xác của họ là thân xác Chúa Kitô, người đó là anh chị em của chúng ta. Ngay lúc đó, bạn như Chúa Cha, Đấng không để chim trời không có của ăn. CHA trao đi với tình yêu như vậy đó!
Chúng ta hãy xin Chúa ơn được thoát khỏi thói thờ ngẫu tượng này, thói gắn chặt với của cải này. Hãy xin ơn nhìn lên Ngài, dư đầy trong tình yêu của Ngài, và đầy lòng quảng đại, lòng thương xót của Ngài. Hãy xin ơn biết giúp đỡ người khác bằng việc thực hành bố thí, như Chúa Giêsu đã làm.
‘Nhưng cha ơi, Chúa không để mình mất đi sự gì!’ Chúa Giêsu Kitô, ngang hàng với Thiên Chúa, đã tự hủy mình như thế. Ngài hạ thấp chính mình, biến mình thành không. Đúng, Ngài cũng tự tước lấy chính bản thân mình.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio