Home / Chia Sẻ / YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA

YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA

YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA“Ta muốn con yêu thương như Ta yêu thương.”

Đó là lời thường xuyên lặp lại trong tôi, đến với tôi khi tôi buồn, khi cơn bão nghi ngờ đang hoành hành đe dọa bao trùm lấy tôi. Tôi nghe lời đó khi tôi không hiểu những điều Đức Kitô đang yêu cầu tôi hoặc đường đời tôi trở nên cô đơn. Đó là lời thúc đẩy tôi trên Con Đường Thập Giá và dẫn tôi đến niềm vui biến đổi mà chỉ có cái-chết-cho-chính-mình mới có thể mang lại. Cuối cùng, tôi phải chọn tình yêu, tất cả chúng ta làm như vậy. Sự phục sinh chỉ có thể đến nếu chúng ta cam kết chịu chết giống như cái chết của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Điều đó chỉ đến khi chúng ta đầu hàng theo cách của Ngài, chứ không theo cách của chúng ta.

Đó là lời rõ ràng nhất mà tôi từng nhận được khi cầu nguyện. Trong thời gian thử thách, chuẩn bị, và sự kết án mà lời đó đã vượt qua theo cách thuyết phục tôi theo đường lối của Thiên Chúa. Tôi nhớ lúc tôi nghe lời đó với tình yêu và sự dịu dàng lớn lao nhất trong lời cầu nguyện. Tôi đã chèo thuyền trên hồ yêu thích của tôi trong khu vực. Ở đó, tôi cầu nguyện và trút bỏ nỗi thất vọng của mình xuống nước và tìm kiếm Chúa Ba Ngôi Chí Thánh trong các công trình sáng tạo kỳ diệu của Ngài. Khi tôi chèo thuyền với tất cả sức mạnh, nhiệt thành cầu nguyện để hiểu Chúa muốn gì ở tôi, lời đó đã đến với tôi theo cách mà chỉ Người Cha nhân từ mới có thể trao cho đứa con của Ngài đang vất vả. Thật phù hợp khi Thiên Chúa gặp tôi trên mặt nước, vì Chúa Thánh Thần bay lượn trên mặt nước.

Lời đó có sức mạnh lắm, chính xác là tôi đang được mời gọi yêu thương. Có chiều sâu mà tôi không hiểu hết vào lúc đó, ngay cả khi tôi đã quy phục. Lời đó có ý nghĩa gì đối với con đường nên thánh của tôi vẫn đang mở ra. Thiên Chúa mặc khải mọi điều cho chúng ta theo thời gian. Tôi biết Ngài đang yêu cầu tôi đi trên một con đường mới. Một điều mà nhiều người sẽ không hiểu và điều đó khác với bất kỳ ai khác mà tôi biết.

Mặc dù tôi không hiểu con đường đó vào lúc này, ở độ sâu nào đó, ít nhất tôi cũng hiểu rằng Đức Kitô đang mời gọi tôi sống thân mật hơn với Ngài. Ngài giao sứ mệnh cho tôi, và để làm được như vậy, tôi phải chịu thử thách, bây giờ tôi thấy những thử thách về lòng trung thành với Thiên Chúa tăng lên trong theo mức độ sẵn sàng của mình để đến nơi mình không muốn đến. Lời đó đến để chứng tỏ sự sẵn sàng quy phục Ngài và theo ý Ngài, cho thấy tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và tha nhân ít hay nhiều ở những lúc khác nhau trong cuộc sống của chúng ta.

  1. TÌM HIỂU TÌNH YÊU

Tình yêu là một từ ngữ bị hiểu sai nhiều, ủy mị quá mức và hời hợt theo văn hóa của chúng ta. Ngay cả trong Giáo Hội, có rất nhiều sự nhầm lẫn về ý nghĩa của tình yêu và những gì nó đòi hỏi. Chúng ta được nuôi dưỡng để tin rằng tình yêu là cách chúng ta cảm thấy và những gì chúng ta có được từ đó. Chúng ta tin rằng tình yêu là cái gì đó theo điều kiện của riêng mình. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách hiểu của Kitô giáo về tình yêu. Chúng ta được mời gọi đến với tình yêu siêu nhiên – agape.

Mặc dù có các hình thức khác nhau của tình yêu dựa trên mối quan hệ của chúng ta với nhau, nhưng có một động lực nền tảng, đó là tình yêu Thiên Chúa tuôn đổ trên Thập Giá. Lần đầu tiên tôi nghe thấy lời nói “Ta muốn con yêu thương như Ta yêu thương” khi đang cầu nguyện, tôi nghĩ điều đó có nghĩa là tôi cần phải tiến hành những trận chiến mà Ngài đang yêu cầu tôi và đồng ý với con đường mới mà Ngài yêu cầu tôi bước đi. Đó là ý nghĩa rất cơ bản của những từ ngữ, nhưng những gì Ngài thực sự đang làm là mời gọi tôi đến với Thập Giá. Đó là nơi mà Ngài đang mời gọi tất cả chúng ta đi đến.

Khi chúng ta trải qua Mùa Phục Sinh này và cử hành niềm vui chiến thắng của Đức Kitô đối với tội lỗi và sự chết, điều quan trọng là phải luôn ghi nhớ rằng sự phục sinh không thể có nếu không có sự khải hoàn của Thập Giá. Vì vậy, trong cuộc sống chúng ta thường muốn sống lại mà không cần lễ tế trên Thập Giá. Chúng ta muốn yêu theo những cách an toàn, cảm tính và thường hời hợt mà không thử thách chúng ta. Chúng ta muốn tình yêu luôn cảm thấy tốt. Nếu đúng vậy, đó không phải là tình yêu mà chúng ta đang tìm kiếm, đó là chủ nghĩa vị kỷ. Tình yêu phải đi xuyên qua chúng ta đến những tầng sâu thẳm nhất trong tâm hồn chúng ta.

Để yêu thương như Đức Kitô, chúng ta phải cởi mở. Tình yêu đòi hỏi chúng ta phải có tay chân bị đâm thâu, đội vòng gai, và bị ngọn giáo đâm thâu. Đó mới là con đường dẫn đến vinh quang. Để sống tình yêu sâu sắc của Thiên Chúa dành cho chúng ta và yêu người lân cận như Ngài đã yêu, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận tất cả mọi đau khổ, thất vọng, phản bội, từ chối và khó khăn của cuộc sống này với một trái tim rộng mở, sẵn sàng bị tổn thương, nhưng vẫn quyết tâm yêu thương.

Chúng ta phải quên đi mọi ước muốn, nhu cầu và ham muốn của mình để tiếp tục dấn thân, ngay cả khi không được đáp lại hoặc đánh giá cao. Bất kể ơn gọi của chúng ta trong cuộc sống, tất cả chúng ta sẽ trải qua nhiều lần bị từ chối đáp lại tình yêu của chúng ta. Trong văn hóa hiện tại của chúng ta, phần lớn những gì chúng ta cung cấp sẽ bị từ chối, nhưng chúng ta phải kiên trì yêu thương, ghi nhớ tình yêu vĩ đại mà Đức Kitô dành cho tất cả mọi người.

Chúng ta được mời gọi trung thành yêu thương như Đức Kitô đã yêu thương. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ luôn thành công, thậm chí còn thất bại nhiều lần, nhưng chúng ta được mời gọi tiếp tục yêu thương. Cuối cùng, sự trung thành của chúng ta mới là điều quan trọng.

Mới đây, một linh mục nói với tôi trong tòa giải tội, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, rằng tôi phải trung thành với những gì Chúa đang đòi hỏi ở tôi. Chính sự trung thành của tôi mới là vấn đề. Linh mục đó yêu cầu tôi suy gẫm về đức tin của người phụ nữ Canaan trong Mt 15:21-28. Bà cầu xin Chúa chữa lành cho con gái bà. Chúa đã ví bà ấy là một con chó. Không thất vọng, một lần nữa bà cầu xin Chúa chữa lành cho con gái. Tình yêu của một người mẹ không có giới hạn. Chúa đáp lại bằng cách nói: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Ngài muốn rút ra niềm tin đáng kinh ngạc của bà qua sự kiên trì của bà.

Đức Kitô đang tìm kiếm đức tin và tình yêu lớn lao của chúng ta với những người khác. Ngài thưởng cho chúng ta dựa trên niềm tin, niềm hy vọng và lòng bác ái của chính chúng ta. Nếu chúng ta không sẵn sàng kiên trì và chịu đựng trong tình yêu, Ngài sẽ không thể làm những điều vĩ đại thông qua chúng ta. Sẽ có lúc chúng ta phải chịu đựng khi bị đối xử như thể chúng ta là một con chó. Lời mời gọi yêu thương với tư cách là một Kitô hữu trái ngược với bản chất sa ngã của chúng ta và thế giới.

  1. YÊU NHƯ CÁC THÁNH

Các thánh thường bị từ chối bởi chính những người mà Chúa Kitô yêu cầu họ yêu thương và phục vụ. Vô ích nếu theo cảm tính về các vị thánh. Họ đã phải chịu đựng những khó khăn và bạo lực với cái tôi của chính họ để cho phép Thiên Chúa thanh tẩy và tinh luyện họ, để họ có thể tự do yêu thương càng ngày càng nhiều hơn. Họ hiểu rằng tự do thực sự chỉ có thể có được khi chúng ta để cho Thiên Chúa cắt tỉa bản ngã của mình và đặt vào đó một trái tim bằng xương bằng thịt khao khát cho đi bằng mọi giá. Tình yêu không phải là về chính tôi, mà là về Thiên Chúa và phục vụ người khác.

Khi sợ hãi, chúng ta cố giữ lấy bản ngã của mình, không muốn buông bỏ sự kiểm soát và ham muốn của chính mình. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta càng cho đi trong tình yêu thương, đặc biệt là qua đau khổ khi yêu thương người khác, chúng ta càng tràn đầy Tình Yêu Thiên Chúa. Chúng ta thấy mình tràn ngập tình yêu và muốn chia sẻ tình yêu đó với những người khác. Việc chúng ta sẵn sàng yêu như Đức Kitô yêu sẽ đánh thức niềm khao khát sâu xa nhất trong những người xung quanh để họ cũng muốn làm như vậy. Đó là lý do tại sao rất thường xuyên thấy các thánh được tìm thấy theo các nhóm trong lịch sử Giáo Hội.

Đức Kitô nói với chúng ta rằng thế giới sẽ biết chúng ta là môn đệ của Ngài qua dấu chỉ yêu thương. Ngài kêu gọi tất cả chúng ta yêu thương như Ngài yêu thương. Thế giới có thể nhìn thấy tình yêu của chúng ta không? Chúng ta có tìm cách yêu thương trọn vẹn như Ngài không? Văn hóa của chúng ta đang thiếu chứng nhân đích thực. Nhiều người trong Giáo Hội đang bị quá tải, bị thương và đang gặp khó khăn, cần bằng chứng vui vẻ của chúng ta. Dân tộc phục sinh cũng là dân tộc bị đóng đinh, một dân tộc tìm cách đặt người khác trước mình theo hình ảnh của Đức Kitô. Chúng ta phải là những đường dẫn tình yêu của Ngài trong thế giới đau khổ này. Đó là cách chúng ta sống niềm vui của Lễ Phục Sinh. Để có được Niềm Vui Phục Sinh, chúng ta phải sẵn sàng chết cho chính mình vì lợi ích của người khác, bất kể cái giá mình phải trả.

CONSTANCE T. HULL

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Mùa Phục Sinh – 2021

Xem thêm

TẤM LÒNG THANH

TẤM LÒNG THANH

  Mừng Chư Thánh Hiển Vinh Nơi Thiên Quốc Xót Các Hồn Thanh Luyện Chốn …