Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói: “Tin tưởng và chỉ có tin tưởng mới dẫn chúng ta tới tình yêu”. Vâng tình yêu rất quan trọng. Chúa Giêsu là Thiên Chúa Ngôi hai, Ngài cũng chỉ vì tình yêu mà giáng sinh làm người và chết vì lũ tội nhân chúng ta. Ngài căn dặn: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34). Và Ngài gọi đó là Điều Răn Mới.
Tình yêu là biết chạnh lòng thương, là lòng trắc ẩn, là lòng thương xót, là đức mến hoặc đức ái, quan trọng cả đời này và đời sau. Thánh Margaret Mary Alacoque nói: “Hãy yêu mến Chúa bằng cả sức lực, hãy luôn nghĩ về Ngài, hãy để Ngài hành động trong bạn, với bạn và cho bạn, theo ý Ngài muốn, đừng lo lắng về điều gì khác”. Còn Thánh tiến sĩ Thomas Aquinas nói: “Hãy để mọi người chăm sóc những gì thuộc về họ, và đừng phiền lòng về những gì người ta nói hoặc làm trên thế gian này”. Tình yêu đơn giản mà nhiêu khê, nhỏ bé mà vĩ đại, trừu tượng mà cụ thể.
Trong nhạc phẩm “Kiếp Nào Có yêu Nhau” (nhạc Phạm Duy, thơ Hoài Trinh), có câu: “Đừng nhìn em nữa, anh ơi! Hoa xanh đã phai rồi, hương trinh đã tan rồi. Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa, anh ơi! Đôi mi đã buông xuôi, môi răn đã quên cười. Hẳn người thôi đã quên ta!…”. Thật là da diết và trĩu buồn khi nghe người ta hẹn nhau thế này: “Kiếp nào có yêu nhau, thì xin hẹn đến mai sau…”. Lời hẹn xa vời vậy ư? Tại sao không thể yêu nhau kiếp này? Ở đây chúng ta hiểu nghĩa yêu thương theo diện rộng chứ không hạn chế trong “khuôn khổ” của tình yêu giới tính, và được hiểu theo tinh thần Kitô giáo.
Tháng Cầu Hồn nhắc chúng ta nhớ tới những người đã qua đời, tức là nhắc chúng ta về tình yêu thương, không chỉ với người đã khuất mà còn với những người còn sống với chúng ta. Nhìn thấy nhau hàng ngày còn không nhớ thương nhau thì mong gì khi đã khuất bóng xa mờ!
Thật vậy, người Việt vẫn thường nói: “Lúc sống thì chẳng cho ăn, đến khi đã chết làm văn tế ruồi”. Sống thì coi nhau như kẻ thù, chết thì khóc thét. Để làm gì? Vô ích! Có chăng chỉ là “che mắt” thế gian. Giả hình! Đúng là “được thương thì xương không còn”. Phũ phàng quá! Vì thế, một danh nhân đã nói: “Hãy sống như mình sắp chết, và hãy hành động như mình bất tử”. Nghĩ về cái chết là tư tưởng người ta cho là bi quan, yếm thế, nhưng không phải vậy, vì lá vàng hay lá xanh cũng vẫn có thể rụng bất cứ lúc nào. Đôi khi lá vàng lại phải khóc lá xanh đấy thôi! Thiết tưởng, ai biết nghĩ đến cái chết là người khôn ngoan và sống tích cực, vì khi nghĩ đến cái chết, người ta khả dĩ trưởng thành tâm linh hơn, và nhờ đó mà người ta cũng biết sống yêu thương hơn.
Nhà sinh tử học Elisabeth Kübler-Ross (1926-2004, Hoa Kỳ) nói: “Nếu bạn có thể coi cái chết là người bạn vô hình thân thiết trên lộ trình sự sống của bạn, nó sẽ nhắc nhở bạn một cách ôn hòa, không nên chờ đến ngày mai mới bắt tay làm những việc mà bạn phải làm thì bạn sẽ học được cách sống đúng với ý nghĩa cuộc sống mà bạn đang có, chứ không sống dật dờ cho qua ngày đoạn tháng”. Còn triết gia Heidegger (1889-1976, Đức) nói: “Chính sự giao thiệp với cái chết của chính mình như là giới hạn tuyệt đối nên con người càng thấy rõ ý nghĩa và tính cấp thiết đích thực của việc làm người”.
Steve Jobs (1955-2011, đồng sáng lập tập đoàn Apple) luôn biết tự cảnh giác: “Hãy nhớ rằng bạn sẽ phải chết là cách tốt nhất để có thể tránh được cạm bẫy của ý tưởng rằng bạn có cái gì đó để mất”. Ông còn nói câu độc đáo này: “Cái chết là phá minh vĩ đại nhất của sự sống. Nó là tác nhân làm thay đổi cuộc sống, nó xóa cái cũ để mở đường cho cái mới”. Triết lý cao siêu quá!
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ nói: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng”. Thế nhưng đó cũng mới là lý thuyết, là khát vọng, thực tế chưa được thể hiện đúng mức. Chỉ có cái chết mới là sự bình đẳng đích thực và tuyệt đối. Vì mọi người chắc chắn sẽ chết, dù người có quyền cao chức trọng, tiền muôn bạc vạn, hoặc người nghèo rớt mồng tơi, tất cả đều ra đi với hai bàn tay trắng. Dân gian Việt Nam diễn tả sự bình đẳng đó qua bốn câu lục bát:
Vua Ngô băm sáu tàng vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì!
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô?
Nhắm mắt. Xuôi tay. Tắt thở. Chẳng ai hơn ai. Cũng vẫn con người đó, sống thì gọi là người”, chết thì gọi là “ma”. Nghe lạ mà không lạ chút nào, bởi vì người ta vẫn gọi là “đám ma” chứ có ai nói là “đám người” đâu nào! Kiếp này có liên quan kiếp sau, không phải là “kiếp sau” theo “vòng luân hồi” hoặc “luật nhân quả”, mà là theo ý nghĩa của Kitô giáo. Trong Truyện Kiều, câu 2997-2998, cụ thi hào Nguyễn Du nhận định:
Rõ ràng hoa rụng hương bay
Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi
Cuộc Phán Xét Chung (Mt 25:31-46) cho thấy “mối liên quan” giữa kiếp này và kiếp sau, đúng là “kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi”. Tư tưởng của cụ Nguyễn Du vẫn phù hợp với chúng ta đấy!
Con người luôn trăn trở về thân phận của mình. Không chỉ là băn khoăn về sự chết, mà ngay cả những lúc đêm đen buông xuống, không gian tĩnh mịch, người ta không thể không trầm tư suy nghĩ. Có mấy vần thơ khuyết danh trăn trở về con người như thế này:
Trăm năm một giấc mộng dài
Bàng hoàng tỉnh dậy là ai hay mình?
Là mình sao chẳng giống mình
Là ai sao lại chính mình nằm đây!
Càng trăn trở, càng băn khoăn, càng thắc mắc, càng tìm hiểu, nhưng con người vẫn chẳng có ai thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của cuộc đời này. Yêu thương là chìa khóa vạn năng, chỉ có “chìa khóa” này mới mở được mọi cánh cửa, kể cả Cửa Thiên Đàng.
Yêu thương được Chúa Giêsu phác họa thành Cây Thánh Giá. Thánh Gioan Kim Ngôn có bí quyết giúp chúng ta sống yêu thương ở đời này: “Cây Thánh Giá là hy vọng của Kitô hữu, là sự sống lại của kẻ chết, là sự hướng dẫn cho kẻ mù, là cây gậy cho người què, là sự an ủi cho kẻ nghèo khổ, là sự kềm hãm của kẻ giàu sang, là sự hành hạ đối với kẻ xấu xa, là sự chiến thắng vượt trên ma quỷ, là người chỉ đạo cho thanh niên, là bánh lái cho người vượt sóng, là cửa biển cho người đi xa, là thành lũy cho người bị vây hãm”.
Yêu thương thì phải từ bỏ mình và vác thập giá. Đó là điều không dễ. Thế nên Chúa Giêsu mới khuyến cáo. Vâng, yêu người khó lắm, như Thánh LM Gioan Maria Vianney xác định: “Lý do chúng ta không có cách giải quyết tốt vì chúng ta coi trọng mình quá nhiều”.
Yêu nhau kiếp này mới là điều quan trọng và cần thiết. Người chết rồi làm sao thương đây?
Lạy Thiên Chúa của con, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người (Kinh Hòa Bình, Thánh Phanxicô Assisi); xin dạy con đường lối Ngài, để con vững bước theo chân lý của Ngài; xin Chúa hướng lòng con, để con biết một niềm kính tôn Danh Thánh (Tv 86:11); xin dạy con đường lối thánh chỉ, con nguyện đi theo mãi đến cùng (Tv 119:33); xin dạy con hiểu cho tường, xét cho đúng, vì con vẫn tin vào mệnh lệnh Ngài (Tv 119:66). Xin Ngài thương xót mà tha thứ cho con vì con bất túc nên luôn làm phiền Ngài và cầu xin Ngài quá nhiều!
TRẦM THIÊN THU
Đêm tịch liêu, 4-11-2014