Home / Chia Sẻ / Ý Nghĩa Noël

Ý Nghĩa Noël

 

ImmanuelTháng Cầu Hồn buồn bã trở về rồi lặng lẽ qua đi, đó cũng là lúc báo hiệu mùa Đông đang về, và niềm vui lại lóe sáng trong nỗi khao khát mong chờ của Mùa Vọng để bừng lên niềm vui rạng rỡ của Lễ Giáng Sinh.

Kinh Thánh cho biết: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7:14). Emmanuel, Immanuel hoặc Imanu’el (עִמָּנוּאֵל), theo tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”). Trong Do Thái giáo, danh xưng Emmanuel không được dùng cho Đấng Mê-si-a như Kitô giáo vẫn dùng.

CHIẾT TỰ

Chữ phải có nghĩa. Trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, người ta thường hát những bài ca Giáng Sinh – như bài “The First Noël” (The First Nowell, cổ ca truyền thống Anh quốc). Chắc hẳn có người cũng thắc mắc và muốn biết ý nghĩa của chữ “noël”.

Theo Pháp ngữ, “Joyeux Noël” nghĩa là “Merry Christmas” – Giáng Sinh vui mừng, nhưng người Việt thường chúc nhau bằng cách nói “Giáng Sinh an lành”. Tự điển Webster năm 1828 định nghĩa đó là “tiếng reo vui” hoặc “bài ca Giáng Sinh”. Từ “noël” (mẫu tự e có “hai chấm” ở trên) có nguồn gốc là Pháp ngữ, có thể từ cổ ngữ Pháp là “nael”. Chữ này lại được “rút ra” từ La ngữ là “natalis”, nghĩa là “sinh”. Lễ Giáng Sinh là cử hành viẽc Chúa Giêsu mặc xác phàm làm người, tức là “hóa thành nhục thể”, như Thánh sử Gioan đã xác nhận: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).

Một nguồn khác cũng từ Pháp ngữ, người ta cho rằng từ “noël” là do chữ “nouvelles”, nghĩa là “tin tức”. Ca khúc Giáng Sinh phổ biến “The First Noël” (Giáng Sinh Đầu Tiên) có nói: “Giáng Sinh đầu tiên, thiên thần đã nói rằng có các mục đồng nghèo khó…”. Đó là “tin tức”, là Tin Mừng, được thiên thần báo cho các mục đồng, báo cho nhân loại. Tuy nhiên, cách sử dụng hồi đầu và định nghĩa chữ “noël” có vẻ chỉ tập trung vào ý tưởng giáng sinh, và đó có thể là ý nghĩa đích thực.

Có một số tài liệu cho biết nguồn gốc Lễ Giáng Sinh, ít nhất là từ đầu thế kỷ IV. Hồi đó, một số cộng đoàn Kitô hữu đã mừng Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12. Rất tự nhiên, người ta thấy xuất hiện chữ “nael” và “noël” và được dùng theo cách tương tự. Cũng có nguồn cho rằng chữ “noël” được rút gọn từ chữ Emmanuel, Đấng Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta.

Thời Trung Cổ, có vài bài hát giáng sinh bằng Anh ngữ mở đầu bằng chữ “nowell”, tương tự Pháp ngữ là “noël”. Bài hát “The First Noël” lần đầu được in trong cuốn “Carols Ancient and Modern”, do William Sandys biên tập, xuất bản năm 1823. Thông điệp của bài hát này vui mừng thông báo rằng Vua Israel đã sinh ra. Bài hát này nhắc nhở chúng ta về việc noi gương các thiên thần mà loan báo Tin Mừng về Vương Nhi Giêsu Kitô. Ngài sinh ra không chỉ vì dân Israel, mà vì cả nhân loại. Nhờ Ngài mà chúng ta được diễm phúc lãnh nhận ơn tha thứ.

Ý NGHĨA

Ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh là tình yêu thương. Thánh Gioan cho biết: “Thiên Chúa YÊU thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai TIN vào Con của Người thì KHỎI PHẢI CHẾT, nhưng được SỐNG MUÔN ĐỜI. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, KHÔNG phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian NHỜ Con của Người mà ĐƯỢC CỨU ĐỘ” (Ga 3:16-17). Quả thật, tình yêu của Thiên Chúa ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

Kinh Thánh cho biết: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1:23). Tại sao Thiên Chúa làm vậy? Vì Ngài yêu thương chúng ta, và yêu thương đến cùng (Ga 13:1). Tại sao Ngài yêu thương chúng ta nhiều như vậy? Vì Ngài là Tình Yêu (1 Ga 4:8). Tại sao cần có Chúa Giêsu giáng sinh? Vì chúng ta cần Đấng cứu độ. Tại sao chúng ta mừng Lễ Giáng Sinh? Để cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta quá đỗi. Chúng ta mừng Chúa Giêsu giáng sinh bằng cách thể hiện hành động yêu thương cụ thể: thờ lạy Chúa Con, tặng thiệp và quà cho nhau, yêu thương cụ thể đối với những người nghèo và những người kém may mắn hơn mình,…

Như đã nói, ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh là tình yêu thương, là thể hiện lòng thương xót. Thiên Chúa yêu thương và chỉ cách để chúng ta được sống đời đời với Ngài. Ngài ban chính Con Một để cứu chúng ta khỏi án phạt: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:8).

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com Beliefnet.com)

Mùa Vọng – 2015

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN