Ronald Rolheiser, 2012-09-30
John Shea viết một bài thơ in dấu vết của thánh Gioan Batít. Bài thơ bắt đầu khi thánh Gioan đang ở trong tù, nghe điệu nhảy trên đầu mình và biết rằng, sau điệu nhảy là ông sẽ bị chặt đầu. Kỳ lạ thay, ông không quá xao động. Vua Hérode đang muốn cho cô con gái của bà Hérodias nữa vương quốc của mình và Gioan cảm nhận ông cũng có thể chết trong chuyện này, dù ông chỉ là một người dở dang. Vì sao ông cảm thấy ông là người dở dang? Vì bài thơ nói như vậy, ông chỉ là vị tiên tri dở dang, chỉ làm lưng chừng công việc của mình. Và thánh Gioan nghĩ như sau:
Tôi có thể tố cáo một vị vua, nhưng tôi không thể tấn phong vua nào.
Tôi có thể tước quyền lực của một ngẫu tượng nhưng tôi không thể vén mở một Thiên Chúa thật.
Tôi có thể rửa sạch tâm hồn trong cát nhưng tôi không thể mặc nó lại cho trắng.
Tôi có thể uống Lời Chúa như uống mật ong nhưng tôi không thể cột giây giày cho Người.
Tôi có thể lên án tội nhưng tôi không thể mang lấy nó.
Đó là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian.
Thánh Gioan Batít ý thức được sức mạnh và sự bất lực của mình. Ông có thể nói cho biết cái gì có thể làm và không thể làm, nhưng sau đó thì ông bất lực, không tạo được một sức mạnh cần thiết nào để sửa chữa lỗi lầm.
Thực chất đó là những gì chúng ta làm trong tất cả mọi trạng huống khi chúng ta phê phán một chuyện gì. Chúng ta thường sôi nổi và khúc chiết khi nói về những chuyện tiêu cực. Giống như thánh Gioan-Batít, không được đánh giá thấp sự đóng góp này. Các Phúc Âm nói cho chúng ta biết, bên cạnh Chúa Giêsu, không có ai quan trọng hơn thánh Gioan Batít. Nhưng cũng như thánh Gioan, chỉ phê phán thôi thì chỉ mới làm một nửa việc, nói tiên tri nửa chừng: Ông có thể tố cáo một vị vua, đưa ra những điểm sai, ông có thể rửa tâm hồn trong cát, bằng cách tẩy sạch các lớp mòn, dơ bẫn tích tụ, nhưng rốt cùng, ông không thể nào sửa được gì. Cần phải có một chuyện khác. Chuyện gì?
Ai đã thử vượt lên tình trạng nghiện thì có thể trả lời câu hỏi này. Có một cái đầu sáng suốt, tầm nhìn sáng suốt cái gì phải làm, một quyết tâm sắt son bỏ thói quen xấu, chỉ mới đi nửa đường, mới giai đoạn đầu, tuy quan trọng nhưng chỉ mới khai mào. Phần sắp tới mới là khó nhất: Tìm đâu và và cách nào để hỗ trợ sức lực cần thiết để thay đổi tư cách và bỏ thói quen xấu? Ai đã từ bỏ được tình trạng nghiện sẽ nói cho bạn biết rằng, cuối cùng, họ không dựa trên ý chí, hay ít nhất không dựa chỉ một mình ý chí mà thôi. Ơn sủng và cộng đồng rất cần thiết và cuối cùng đó là những gì một một mình ý chí thôi, không thể làm được.
Trong các Phúc Âm, có một đoạn Chúa Giêsu nói con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời. Các tông đồ kinh ngạc, thánh Phêrô trả lời:Nếu như vậy thì không thể được! Chúa Giêsu bằng lòng câu trả lời này và nói thêm: Sự gì không được với loài người nhưng với Thiên Chúa thì sẽ được. Ai phục hồi được sau khi bị nghiện thì sẽ hiểu chính xác Chúa Giêsu muốn nói gì. Họ có kinh nghiệm: Họ biết họ không thể nào bỏ được vật gây nghiện – nhưng họ bỏ được, không phải do ý chí riêng của họ, nhưng do sức mạnh bên trên, ơn sủng.
Các Phúc Âm nói về điều này như một lễ rửa tội và nói đến hai loại phép rửa: phép rửa của thánh Gioan và phép rửa của Chúa Giêsu, họ nói thêm rằng phép rửa thánh Gioan là sự chuẩn bị cho phép rửa Chúa Giêsu. Phép rửa của thánh Gioan là phép rửa nào? Đó là phép rửa của lòng ăn năn, ý thức mình đã làm chuyện xấu và quyết tâm rõ ràng cần phải sửa lại hạnh kiểm. Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa gì? Là đi vào trong ơn sủng và cộng đồng, cho chúng ta sức mạnh nội tâm để làm những gì mà nếu chúng ta chỉ dựa trên ý chí, chúng ta không thể làm được.
Nhưng làm sao điều này thực hiện được? Ơn sủng là một loại phép mầu? Không, không phải phép mầu. Tất cả năng lực tâm sinh lý, xýc cảm và thiêng liêng thì, tự bản chất, nó vượt quá tầm hiểu biết theo hiện tượng. Nói theo cách khác, điều đó có nghĩa chúng ta không thể nào hiểu được bộ máy nội tâm. Mỗi năng lực có một huyền bí. Nhưng những gì chúng ta có thể kiểm chứng, đó là kết quả của nó: các thành quả của năng lực thiêng liêng. Ơn sủng làm việc. Nó được xác nhận trong kinh nghiệm nội tâm của hàng ngàn người (kể cả những người vô thần) họ tìm năng lực nội tâm không từ chính họ nhưng lại cho họ phương cách để thực hiện vượt trên ý chí của họ. Bạn cứ tìm hỏi bất cứ ai đã được cai nghiện về vấn đề này.
Khổ thay, rất nhiều trong chúng ta, là những tín hữu trung kiên, không phải lúc nào cũng hiểu bài học này. Chúng ta luôn luôn cố gắng sống theo phép rửa của thánh Gioan, có nghĩa là chỉ dựa trên ý chí. Sống như thế, chúng ta là những nhà phê phán tài tình, nhưng đa phần, chúng ta lại bất lực không thể nào thay đổi chính cuộc sống của mình. Những gì chúng ta đi tìm, và thật sự là chúng ta rất cần, đó là thấm sâu trong phép rửa của Chúa Giêsu, đó là cộng đồng và ơn sủng.
J.B. Thái Hòa dịch
Nguồn: phanxicovn