“Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn hối cải ăn năn”.
Với Giakêu, Đức Cha Michel Aupetit, đặt hai câu hỏi và ngài có câu trả lời khá thú vị. Ai leo lên cây? Khỉ! Ai leo xuống cây? Người! Dẫu đó là một mô tả giản lược về sự tiến hoá, nhưng nó vẫn nói lên một điều gì đó hối thúc bạn “Xuống mau đi!” để bạn có thể gặp ‘Một Ai đó’ mà người ấy có thể biến đổi trái tim bạn, linh hồn bạn; ‘một Ai đó’ sẽ khiến niềm vui của bạn phải vỡ oà.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay man mát một niềm vui; đúng hơn, vỡ oà niềm vui khi một lần nữa, Thiên Chúa tỏ ra rất từ bi nhân hậu. Bài đọc Khôn Ngoan nói, “Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi”. Cụ thể, trong Tin Mừng hôm nay, Giakêu, ông không còn leo lên cây như ‘khỉ’; nhưng nghe lời gọi “Xuống mau đi!” của Chúa Giêsu, ông leo xuống để làm ‘người’.
Đó là một Thiên Chúa mà trước mặt Ngài, “Cả vũ trụ ví như hạt cát trên bàn cân”. Vậy mà Đấng uy quyền phép tắc đó lại là Đấng “nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi và quá khứ của Giakêu, một con người, một sinh linh, một linh hồn vốn đã hư mất. Chúa Giêsu đã tìm thấy và cứu thoát ông. Tin Mừng kể chuyện Ngài đi qua Giêricô và kìa, Giakêu đang tìm cách nhìn xem Ngài. Khổ nỗi, ông thấp bé! Vì thế, hồn nhiên như một trẻ thơ, Giakêu trèo lên một cây sung; Ngài dừng lại, gọi ông, “Giakêu, xuống mau đi vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. “Xuống mau đi” vì tôi đã quá vất vả, nay mới tìm được ông! “Xuống mau đi” vì tôi không cần phải đi đâu xa nữa, tôi đã tìm được người tôi tìm! “Xuống mau đi” vì người ta khinh dể ông bao nhiêu, tôi trân quý ông bấy nhiêu! “Xuống mau đi” vì tôi đang đói, không phải đói một bữa ăn nhưng đói linh hồn ông! Những lời “Xuống mau đi” ấy là một hối thúc dịu dàng, một đề nghị bất chợt, một thỉnh cầu đến kinh ngạc. Trước ánh mắt ấy, trước lời gọi ấy, Giakêu tưởng như mơ… ông vội vàng leo xuống.
Sự kiện Tin Mừng hôm nay có một ý nghĩa lịch sử rất thú vị. Theo Thánh Kinh, Giêricô là thành đã bị phá huỷ thời Giosuê và không được xây dựng lại, sử sách gọi nó là “Thành Bị Lãng Quên”. Vậy mà Chúa Giêsu vẫn tiến vào và đi qua nó. Về mặt địa lý, thành này thấp hơn mực biển; về mặt xã hội, thành hoang phế này chỉ dành cho tiện dân, không đáng sống. Ấy thế, Chúa Giêsu vẫn đi vào, Ngài không sợ đến với tầng lớp thấp nhất, ty tiện nhất mà đại diện là Giakêu. Giakêu, một người thu thuế giàu có bởi việc bóc lột đồng hương. Trong mắt dân, Giakêu là người xấu xa, không thể được cứu thoát. Vậy mà, điều đó không có trong cái nhìn của Chúa Giêsu, Ngài gọi ông bằng tên, “Giakêu”, nghĩa là “Thiên Chúa nhớ đến”. Thú vị thay, trong thành bị lãng quên, Thiên Chúa nhớ đến một người tội lỗi; Ngài đã gọi ông, “Xuống mau đi” và ông nghe theo!
Anh Chị em,
“Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi!”. Nhờ đó, ánh mắt gặp được cái nhìn, cõi lòng gặp được con tim. Giakêu không chỉ nhìn thấy dáng vẻ bên ngoài của con người có tên Giêsu nhưng qua Giêsu, ông còn nhìn thấy cả một chân trời mới, chân trời diệu vợi từ ái xót thương của Thiên Chúa. Thấy được lòng Chúa, Giakêu xé nát lòng mình; gặp được khả năng tha thứ của Chúa, Giakêu tìm được khả năng hoán cải bản thân. Ông cảm nghiệm được sự tan chảy của con tim, tim bằng đá nay thành tim thịt, tim đã chết nay thành tim sống; như sa mạc khô khốc đón cơn mưa đầu mùa, linh hồn băng giá nay cháy lửa yêu thương. Ở đây không có sợ hãi, bởi sợ hãi không làm phát sinh hoán cải. Chúa Giêsu đã đến gần ông một cách nhân ái vì chỉ có tim mới thay được tim, chỉ có lòng mới đổi được lòng. Giakêu đứng lên tuyên bố, “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”, ông vừa xưng thú vừa làm việc đền tội. Chớ gì hôm nay, bạn và tôi nghe được lời gọi “Xuống mau đi!” của Chúa Giêsu và làm theo như Giakêu; niềm vui ắt cũng vỡ oà!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi ngày Chúa gọi con “Xuống mau đi” nhưng con chỉ muốn lờ đi để tiếp tục làm ‘khỉ’. Xin biến đổi trái tim con, sự cứng cỏi của con, hầu con cũng có thể vỡ oà niềm vui!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế