Home / Chia Sẻ / XUÂN MỘT TẾT BA

XUÂN MỘT TẾT BA

 

 

Phúc Thánh Ân Thiêng XUÂN Đức Chúa

Ăn Năn Sám Hối TẾT Lòng Con

XUÂN MỘT TẾT BA [1]Tại nhà thờ Thánh Gioan Chrysostom ở Inglewood (California, Hoa Kỳ) có một chiếc đồng hồ lớn và có dòng chữ “Tempus Fugit” – thời giờ trôi qua. Thật là chí lý! Tương tự, người Việt có câu: “Thời giờ thấm thoắt thoi đưa, nó đi đi mãi có chờ đợi ai.” Thời gian có vẻ rất chậm mà lại rất nhanh. Mới đó mà đã hết một năm. Và như vậy là lại Tết.

Tết đến bởi vì Mùa Xuân khởi đầu. Chắc chắn chỉ có MỘT Mùa Xuân, nhưng có BA ngày Tết. Điều này gợi nhớ Tam Vị Nhất Thể, tức là tín điều MỘT Chúa BA Ngôi.

Thiên luật bất biến: Năm cũ qua, năm mới đến. Có khởi sự thì cũng có kết thúc – và ngược lại. Cả hai “điểm” đó đều do Chúa sắp đặt, chính Ngài là “An-pha và Ô-mê-ga, Đầu và Cuối, Khởi Nguyên và Tận Cùng.” (Kh 22:13)

Thời điểm khởi đầu của một năm mới khi Mùa Xuân bắt đầu. Đó là mùa đầu tiên trong bốn mùa, và người ta gọi đó là Tết. Theo ngữ nghĩa, chữ Tết được phát âm từ chữ “tiết”, và chữ Nguyên Đán có gốc Hán tự: NGUYÊN là “sự khởi đầu”, ĐÁN là “buổi sáng sớm”. Phát âm đúng là “Tiết Nguyên Đán”, rồi theo thời gian, người ta phát âm “trại” đi thành “Tết Nguyên Đán”. Tết này còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ Truyền, hoặc đơn giản chỉ gọi là Tết. Khi hưng phấn cao độ, người ta thường ví von là “Vui như Tết.” Có vui mới thấy sướng, nhưng thực sự phải có sự bình an.

MỘT

Quả thật, sự bình an là điều rất cần thiết, thế nên ngày đầu năm là ngày cầu bình an cho năm mới. Người ta có lý khi nói: “Đầu xuôi thì đuôi lọt.” Có nhiều cái khởi đầu – cuộc đời, công việc, hôn nhân, sự nghiệp, chức vụ,… và đặc biệt là khởi đầu năm mới. Tất cả những cái khởi đầu đều làm người ta cảm thấy lo – lo đủ thứ, đủ kiểu, đủ mức độ. Lẽ tất nhiên, chúng ta không thể chủ động, không biết tương lai ra sao, vì tất cả là của Chúa: “Lòng con người ấp ủ bao dự tính, duy kế hoạch của Đức Chúa mới trường tồn.” (Cn 19:21) Vì vậy mà người ta cần phải biết tín thác vào Thiên Chúa. Đó là cách sống khôn ngoan. Cuộc sống phải hội đủ ba yếu tố “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” mới xuôi xắn mọi chuyện, không thể thiếu một trong ba yếu tố đó.

Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn động viên chúng ta: “ĐỪNG LO!” (Mt 6:34) Nghĩa là phải phó thác mọi sự cho Ngài. Đừng lo là không lo, không lo thì cũng chẳng sợ. Bí quyết thế nào? Thánh Vịnh gia cho biết: “Hãy trút nhẹ GÁNH LO vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho.” (Tv 55:23) Thế là có được bình an đích thức, mà có bình an rồi thì đúng là “vui như Tết.”

Thánh Phaolô cũng nhắc nhở: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.” (Pl 4:4-6) Sống tín thác là sống “con đường thơ ấu” của Chị Thánh Hoa Hồng Nhỏ Teresa Hài Đồng Giêsu. Và hệ quả tất yếu dành cho những ai biết sống tín thác: “Bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được KẾT HỢP với Đức Kitô Giêsu.” (Pl 4:7)

Ngài nhấn mạnh: “Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6:30-33) Với sức con người thì khó lắm, nhưng với niềm tín thác, chúng ta sẽ làm được nhờ Đức Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu vừa động viên vừa khuyến cáo: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6:34) Nhưng điều đáng quan ngại nhất là lời Chúa Giêsu mời gọi “nên hoàn thiện như Cha trên trời.” (Mt 5:48) Biết cố gắng hoàn thiện là biết khiêm hạ, mà Thánh Elizabeth Seton (1774–1821, SC – Sisters of Charity Federation, lễ ngày 4 tháng 1) cho biết: “Cửa thiên đàng rất thấp, chỉ những người biết hạ mình mới có thể vào được.” Ý tưởng thật là thâm thúy!

Ngày Xuân, khi hòa chung niềm vui với muôn loài và cùng nhau ăn Tết, ước gì chúng ta cũng biết chân thành thân thưa với Chúa như một lời thề hứa cho năm mới: “Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.” (Tv 145:2)

HAI

Mùa Xuân là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, đặc biệt là dịp để gặp gỡ nhau, nhất là những người thân, và cũng là dịp để nhớ ơn tổ tiên.

Sách Huấn Ca mời gọi: “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.” (Hc 44:1) Tại sao vậy? Lý do minh nhiên: “Họ là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.” (Hc 44:10-15)

XUÂN MỘT TẾT BA [2]Đề cập đạo hiếu, Cổ Thư nói rất phù hợp với tinh thần Kitô giáo: “Hiếu hữu tam: Đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ thứ năng dưỡng.” Nghĩa là “Đạo hiếu có ba điều: Hiếu lớn nhất là tôn vinh cha mẹ, hai là không làm nhục cha mẹ, ba là có thể phụng dưỡng cha mẹ.” Cũng có ba điều. Vậy thì con số ba không xui xẻo như người ta nghĩ, mà là con số rất hên và rất đẹp.

Khi mặc lấy xác phàm, chính Chúa Giêsu đã nêu gương về đạo hiếu để chúng ta noi theo. Lc 2:41-51 cho biết rằng sau ba ngày lo việc của Chúa Cha, Cậu Hai Giêsu ở lại Đền Thờ khiến Cha Mẹ lo sốt vó, tìm xuôi kiếm ngược suốt ba ngày liền. Khi gặp lại Cha Mẹ, Cậu Hai Giêsu mau mắn đi xuống cùng với Cha Mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Mặc dù là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng khi mặc xác phàm và làm con trong một gia đình, Chúa Giêsu vẫn vâng lời Cha Mẹ là các thụ tạo của Ngài, và luôn chu toàn bổn phận làm con với Cha Mẹ trong suốt 30 năm sống dưới mái nhà thân yêu.

Người ta xác định: “Nước có quốc pháp, nhà có gia phong.” Xã hội nào cũng có nguyên tắc riêng, ngay cả một nhóm nhỏ cũng có quy ước chung. Truyền thống là điều nên duy trì – nếu đó là truyền thống tốt đẹp và hợp lòng người. Không nên câu nệ bất cứ điều gì.

Trình thuật Mt 15:1-6 cho biết rằng có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và hỏi Ngài: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Ngài trả lời bằng một câu hỏi: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?” Ngài biết chẳng ai trả lời được nên Ngài lý luận: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.” Chắc chắn họ lùng bùng lỗ tai, tức lắm mà không làm gì được, đành “ngậm tăm” mà câm như hến.

Nhóm Pharisêu ỷ mình được “biệt phái” nhưng trí tuệ trống rỗng, óc như đậu hũ mà bày đặt lý luận để bắt bẻ người khác. Kẻ dốt thì ưa chảnh là thế. Họ là “gương mờ” như chúng ta vẫn phải soi vào để biết mình có “mờ ảo” hay không, vì chúng ta thường viện cớ này hoặc lý do nọ để tự biện hộ mình. Nếu như thế thì thật nguy hiểm! Đừng tưởng những gì chúng ta đưa ra đều là vì Chúa, có thể chính chúng ta “chơi ép” Chúa, “điều khiển” Chúa, rồi lại tự tôn bằng cách biện hộ là Ý Chúa. Thật đáng sợ lắm!

Nếu còn cha mẹ cùng đón Xuân này thì thật hạnh phúc, nhưng vẫn nên suy tư điều này: Khi đang uống ly nước giải khát, hãy nghĩ xem cha mẹ thường uống gì. Khi mặc bộ quần áo đắt tiền, hãy nghĩ xem cha mẹ thường mặc ra sao. Khi thoải mái chi tiêu, hãy nghĩ đến những thứ cha mẹ thường dùng thế nào. Cha mẹ đã vì chúng ta mà bỏ bao công sức, đổ bao mồ hôi, chỉ vì mong cho con có cuộc sống tốt đẹp. Những thứ chúng ta đang dùng đều là do công sức của cha mẹ. Vì thế, hãy yêu quý cha mẹ và cố gắng giữ trọn chữ hiếu bằng mọi cách có thể, xứng đáng là người con yêu dấu. Hãy hành động ngay khi cha mẹ còn sống, cụ thể là ngay trong dịp Tết này, bởi vì biết đâu rằng khi chúng ta nhận ra thì đã quá muộn màng rồi. Lúc đó, bao nhiêu nước mắt cũng vô ích mà thôi!

BA

Ngày xưa, đa số dân Việt làm nghề nông – bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, đầu tắt mặt tối, rất cực nhọc mà vẫn nghèo khổ. Tuy nhiên, dân Việt vẫn yêu văn chương, thế nên văn học bình dân rất phổ biến câu vè chứa đầy chất tâm linh: “Lạy trời mưa xuống – Lấy nước tôi uống – Lấy ruộng tôi cày – Lấy đầy bát cơm.” Thật tuyệt!

Cái nghề liên quan cái nghiệp, và tiếng Việt nói là nghề nghiệp. Người ta ví von: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ.” Đó là theo cách phân chia gia cấp thời xưa: sĩ, nông, công, thương, binh. Kẻ sĩ được coi trọng (và cũng tự nhận mình hơn người) vì là giới trí thức, được “ưu tiên” đứng đầu. Nhưng Việt Nam là nước nông nghiệp, thế nên nhà nông lại quyết coi mình trọng hơn nên cho mình phải là nhất. “Nhất sĩ” đấy, nhưng khi bụng đói thì còn “sĩ khí” hay là phải “chạy rông” mà cầu mong nhà nông cho mượn gạo? Thế là lại “nhất nông, nhì sĩ.” Chẳng ai hơn ai, kẻ nào cũng “chết” mà thôi!

Có thể là kinh tế quyết định cuộc sống, nhưng không ăn lấy gì sống mà học hành để trở thành “kẻ sĩ” chứ? Có thể lắm, vì người ta vẫn nói: “Có thực mới vực được đạo.” Đạo còn phải nhờ kinh tế, huống chi đời thường. Cuộc sống như một vòng lẩn quẩn, khó xác định rạch ròi cái nào nhất hay nhì, cao hay thấp. Mỗi người và mỗi thứ đều có một vị trí riêng biệt, không thể tự mãn mà cho mình hơn người khác. Đó là hợm mình, kiêu ngạo!

Là thụ tạo nhưng lại rất “chảnh”, ngạo mạn, ngang ngược, đôi khi vô trách nhiệm. Đúng là vừa dại dột vừa ngu xuẩn, là con cóc bé nhỏ mà muốn to lớn bằng con bò. Triết gia Pascal nói: “Con người không là thiên thần, cũng không là thú vật, nhưng ai không muốn làm thiên thần thì sẽ trở thành thú vật.” Thật chí lý!

 

Ngày xưa, Thiên Chúa đã “đem con người đặt vào vườn Ê-đen để cày cấy và canh giữ đất đai.” (St 2:15) Ngài cho con người làm chủ các thụ tạo khác, được sướng mà không biết hưởng. Con người hóa kiêu ngạo vì nghe lời xúi dại của ma quỷ, thế nên tự chuốc họa vào thân. Thiên Chúa ra nghiêm luật: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3:19)

Từ đó, con người không còn được “ngồi mát ăn bát vàng” nữa, mà phải làm lụng vất vả, đổ mồ hôi trán, dán mồ hôi lưng mới có miếng ăn, đôi khi cũng chẳng đủ ăn. Thế nhưng cái khổ xổ cái khôn, nhờ đó mà con người có kinh nghiệm lao động, biết quý trọng công sức. Cái khó ló cái khôn là thế!

Chắc chắn làm việc là điều cần, không chỉ là bổn phận và trách nhiệm mà còn là cách thay đổi để vươn lên. Nói về những người không muốn chịu trách nhiệm, ưa nhà hạ, lười biếng, Thánh Phaolô xác định: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Tx 3:10) Rất rõ ràng, rất rạch ròi. Danh nhân Benjamin Franklin (1706-1790, Tổng Thống Hoa Kỳ) so sánh: “Well done is better than well said – Làm hay hơn nói giỏi.” Con đường xa nhất là từ cái miệng tới bàn tay.

Trình thuật Mt 25:14-30 là dụ ngôn Những Yến Bạc, cho thấy giá trị của trách nhiệm lao động. Khi sắp đi xa, ông chủ gọi đầy tớ đến để giao trách nhiệm. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Sau khi ông đi xa. Người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán và sinh lời được năm yến, người đã lãnh hai yến cũng sinh lời được hai yến, còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ để chôn giấu.

Một thời gian sau, ông chủ trở về tính sổ và thanh toán với họ. Người đã lãnh năm yến giao thêm năm yến nữa, người đã lãnh hai yến cũng giao thêm hai yến nữa. Ông chủ khen họ là những đầy tớ tài giỏi và trung thành, được giao ít mà đã trung thành thì ông hứa sẽ giao nhiều hơn. Cuối cùng, người đã lãnh một yến cũng tiến lại và thản nhiên nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” Ông chủ lắc đầu và nói: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi.” Thế thì tiêu tùng thật!

Là con người, ai cũng có quỹ thời gian bằng nhau là 24 giờ mỗi ngày, không hơn hoặc kém một giây. Vấn đề là cách sử dụng khoảng thời gian đó như thế nào. Chúa biết rõ ai thế nào nên Ngài giao phần việc tương xứng. Vấn đề không phải là ít hay nhiều, dễ hay khó, giỏi hay dốt, tốt hay xấu, mà là chúng ta có nỗ lực để sinh lời hay không. Được nhiều thì PHẢI sinh lời nhiều, đừng tưởng được nhiều mà sung sướng, cứ ung dung hưởng thụ. Nghĩ cho cùng, được giao nhiều mà thấy “nhột gáy” lắm. Thảo nào người ta nói: “Ngu si hưởng thái bình.”

VĨ NGÔN

Trong năm mới này, ước gì mỗi chúng ta có những quyết tâm mới và thực hiện được để “làm mới” chính mình. Đây là 2 lời động viên trong Kinh Thánh:

[1] Đnl 31:6 – “Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đừng sợ, đừng run khiếp trước mặt chúng, vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi với anh em; Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh em.”

[2] Is 43:1-2 – “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta! Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi, ngươi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn; ngươi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì, ngọn lửa không thiêu rụi ngươi đâu.”

Và đây là 2 điều đặc biệt của bậc thánh nhân:

[1] “Lạy Chúa Giêsu, nếu Ngài muốn điều đó thì con cũng muốn.” (Chân phước Chiara Luce Badano, 1971-1970, chị nói “điều đó” là chứng ung thư xương mà chị chịu đựng và muốn kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.)

[2] “Đừng cầu xin có cuộc sống thoải mái, hãy cầu xin trở nên người mạnh mẽ. Đừng cầu xin cho trách nhiệm tương đương với năng lực, hãy cầu xin cho năng lực tương đương với trách nhiệm.” (Bậc đáng kính Solanus Casey, 1870-1957)

 

Lạy Thiên Chúa, xin ban Thần Khí để chúng con thực sự nên mới trong suốt năm nay – và suốt đời này. Không có Ngài, chắc chắn chúng con chẳng làm gì được, xin hướng dẫn và nâng đỡ chúng con luôn mãi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Miền Xuân Cõi Tết – Canh Tý 2020

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN