Home / Chia Sẻ / Xuân Đoàn Tụ

Xuân Đoàn Tụ

netdepvanhoatet(1)Khi thương tiếc Thành Giêrusalem, Chúa Giêsu đã nhắc tới sự đoàn tụ: “Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Mt 23:37; Lc 13:34). Ngài cũng muốn mọi người NÊN MỘT (Ga 17:21-23), tức là Ngài muốn chúng ta đoàn tụ.

Trong Vườn Ghét-si-ma-ni, trước khi chịu khổ nạn để hoàn tất Công cuộc Cứu độ, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha: “Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con” (Ga 17:12-13). Trong đó, Ngài cũng có ý quy tụ mọi người về một mối.

Mùa Xuân là mùa đoàn tụ, dịp may tái ngộ, cơ hội tương phùng, thời gian hẹn hò,… Ngày Tết là ngày hội truyền thống tốt đẹp từ lâu đời.

Với tâm tình đó, NS Thanh Sơn đã sáng tác ca khúc “Ngày Xuân Tái Ngộ”. Được viết ở âm thể thứ nhưng ca khúc này không buồn bã, chỉ tạo ra “chất lắng” giúp lòng người cảm thấy tha thiết về tình cảm đối với những con người.

Với ca từ rất giản dị, đậm tính chất phác của dân Nam bộ, nhưng vẫn đầy chất thơ, NS Thanh Sơn mô tả rất tự nhiên, và ông nói ngay tới sự đoàn tụ trong ngày Tết: “Thấy hoa mai nở biết Xuân về đây, mười hai tháng qua mơ một mùa này. Bạn bè bôn ba khắp hướng, thấy Xuân về trên miền quê hương, ta được phút tương phùng yêu thương”. Chắc chắn đó là niềm mơ ước không của riêng ai.

Tình yêu đa dạng, nhưng “nổi bật” là tình yêu đôi lứa, ông nói tới tình cảm của cô gái đang độ xuân thì với trái tim căng đầy yêu thương, tràn trề hy vọng, chộn rộn mơ ước: “Có cô thôn nữ ước một mùa Xuân, người yêu sẽ mang thật nhiều quà mừng. Một niềm tin dâng chất ngất, hái hoa lộc chúc mừng đầu năm, chúc anh vui bước đường công danh”. Con gái như một “biểu tượng” của mùa Xuân và tình yêu, nhưng đó phải là “cô thôn nữ”, con gái miền quê chân chất, chứ không thể là cô gái se sua, đua đòi, xa hoa,…

Sau đó là lời chúc Xuân tốt đẹp nhất dành cho nhau trong dịp Tết: “Anh hỡi, thấy không anh, mừng Xuân hoa nở khắp trời, chúc anh đạt nhiều thắng lợi, và mừng bác nông phu, vui Xuân nâng chén rượu, quên những ngày vất vả ngược xuôi”. Ông dùng đại từ “anh”, nhưng đó chỉ là ngôi thứ hai số ít đối với mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ, chứ không chỉ riêng nam giới hoặc trai trẻ. Đại từ “anh” ở đây là bất cứ người nào nói chuyện với mình.

Cái gì cũng có khởi đầu và kết thúc, dù vui hay buồn. Và mùa Xuân cũng thế. Xuân đến rồi Xuân đi theo quy luật tự nhiên bất biến. Do đó mà con người luôn lưu luyến những gì vui vẻ, tốt đẹp: “Ngắm hoa mai nở muốn Xuân đừng qua, tình thương vắng xa sẽ được đậm đà. Mùa Xuân gặp nhau quyến luyến, phút giây này xin người đừng quên, rước Xuân về gia đình đoàn viên”.

Sự lưu luyến không chỉ xảy ra khi kết thúc, lúc chia tay, mà nó đã có ngay khi người ta chưa hội ngộ, như trong thi phẩm “Vội Vàng”, thi sĩ Xuân Diệu (1916-1985) đã mô tả:

Xuân đang đến, nghĩa là Xuân đang qua

Xuân còn non, nghĩa là Xuân sẽ già

Một cách nhìn rất tinh tế và đầy tính triết lý. Âu cũng là quy luật muôn thuở mà thôi! Và cũng chính cảm giác lưu luyến đó khiến người ta luôn phải cố gắng sống tốt hơn, yêu thương hơn,…

Đối với các Kitô hữu – nói chung, và với người Công giáo – nói riêng, sự đoàn tụ không chỉ mang tính phàm tục với Mùa Xuân của đất trời mà còn mang tính tâm linh với Mùa Xuân Vĩnh Hằng trên Thiên Quốc. Đó mới là Mùa Xuân đích thực: “Ngài cho dân tiến vào, định cư họ trên núi, núi gia nghiệp của Ngài. Lạy Chúa, chính nơi đây Ngài chọn làm chỗ ở, đây cũng là đền thánh tự tay Ngài lập nên” (Xh 15:17).

Thật là hạnh phúc, nếu chúng ta có thể xác định: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ” [Tv 16(15):5].

Thật là đại phúc, nếu chúng ta được là “chiên” và được Đức Giêsu Kitô cho phép đoàn tụ để vĩnh cư với Ngài: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25:34). Nhưng vấn đề là chúng ta phải thực hành Luật Yêu một cách vuông tròn theo đúng Thánh Ý của Thiên Chúa. Không hề đơn giản và cũng chẳng nhàn hạ chút nào đâu!

Xuân về, Tết đến, trong niềm vui tưng bừng đó, chúng ta hãy cùng nhau chân thành thân thưa với Chúa Xuân:

Lạy Thiên Chúa, tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng [Tv 25(24):7]. Vì lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân [Tv 71(70):5]. Lạy Thiên Chúa, từ độ thanh xuân, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài [Tv 71(70):17].

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

T3T31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  TIỆC BẤT TẬN “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”. “Thiên …