Home / Liên Giáo phận / Giáo tỉnh Sài Gòn / TGP Sài Gòn / XOA DỊU NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH

XOA DỊU NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH

 

CĐ LCTX TGP Sài Gòn: Bác ái mùa Vọng 2014

 

Là người Công Giáo, không ai lại không biết đến SỨ ĐIỆP BÌNH AN mà Thiên Chúa đã ban cho loài người trong Đêm Giáng Sinh. Theo Kinh Thánh, bình an luôn đi đôi với hạnh phúc. Và một trong những điều kiện “ắt có và đủ” để nhận được ơn bình an từ Thiên Chúa là phải thực thi lòng thương xót với tha nhân: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7).

Có rất nhiều lời dạy của Đức Giêsu và các thánh về đời sống bác ái mà các Kitô hữu phải xem như những định hướng cho đời sống đức tin.

Thánh Phaolô xếp đức ái là nhân đức cao trọng nhất trong đời sống đức tin: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13, 13). Một cách quyết liệt, Thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26). Với Thánh Gioan Tẩy Giả: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3, 10).

Trong Phúc âm Mác-cô, Đức Giêsu nói về điều còn thiếu của chàng thanh niên giàu có: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Tôi” (Mc 10, 21). Mỗi chúng ta cũng đang thiếu điều quan trọng đó.

Biết con người thường hay dựa vào hoàn cảnh sống để biện minh cho hành vi tội lỗi của mình nhằm thoát khỏi “lưới trời lồng lộng”. Trong nhật ký Lòng Thương Xót, Thánh Faustina được Chúa Giêsu cho biết: “Con có bổn phận phải thi hành lòng thương xót đối với những người lân cận của mình, bất cứ lúc nào và ở đâu, không được thoái thác hay né tránh, chữa mình”. Chúa Giêsu nói rất thẳng thắn, không úp mở, và nói chi tiết.

Vậy chúng ta còn chần chờ gì nữa? Hãy mau đứng dậy và vào đời, đến với những con người bé mọn, vì đó là làm cho chính Đức Giêsu Kitô (x. Mt 25:31-46). Hãy dùng những bông hoa bác ái để đổi lấy Nước Trời vĩnh hằng.

Theo chương trình bác ái được đề ra, mỗi năm Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót (CĐ LCTX) Tổng giáo phận (TGP) Sài Gòn phải thực hiện ít nhất hai chuyến đi bác ái vào mùa Chay và mùa Vọng. Điểm đến của chương trình Bác ái mùa Vọng năm nay là Nhà hưu dưỡng Bắc Ninh và Mái ấm Thiên Thần.

Ngày 18/12/2014, chúng tôi khởi hành từ nhà thờ giáo xứ Tân Định lúc 7 giờ. Nhưng do lượng hàng hóa phát sinh thêm và số người đi đông hơn so với dự kiến nên giờ khởi hành trễ hơn.

8 giờ 30 xe mới bắt đầu lăn bánh. Lúc này mặt trời đã ló dạng. Ánh nắng yếu ớt của buổi sáng không làm giảm không khí lạnh của những ngày cuối năm. Cái lạnh se se vừa đủ để mọi người có cảm giác mùa đông đã về, báo hiệu Con Thiên Chúa sắp giáng trần, đem Sứ Điệp Bình An đến cho nhân trần. Thời tiết hôm đó rất thuận lợi cho chuyến đi.

Khoảng 9 giờ 15, chúng tôi đến Nhà hưu dưỡng Bắc Ninh. Đón chúng tôi là Cha giám đốc Giuse Nguyễn Văn Nam. Lời nói đầu tiên của Cha hết sức chân chất: “Nhà hưu dưỡng không có phòng khách khang trang, đẹp đẽ, mong các ông bà thông cảm”.

Anh G.B. Maria Nguyễn Thế Vịnh, đại diện đoàn, nêu mục đích và ý nghĩa của chuyến đi. Sau đó, Cha giám đốc giới thiệu sơ lược về Nhà hưu dưỡng Bắc Ninh, đồng thời thay mặt nhà hưu dưỡng nhận quà và ngỏ lời cám ơn.

Nhà hưu dưỡng Bắc Ninh tọa lạc tại số 25, đường 9, khu phố 1, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức. Hiện nhà hưu dưỡng có 7 linh mục, 2 thầy và 2 sơ. Trong đó có hai linh mục cao niên nhất: 92 và 93 tuổi.

Kỷ vật của nhà hưu dưỡng tặng cho đoàn là ba quyển sách suy niệm Lời Chúa năm A, B, và C, do chính Cha giám đốc biên soạn, kèm theo lời nhắn nhủ: “Tùy nghi sử dụng để loan truyền Lời Chúa”.

Đến thăm nhà hưu dưỡng các linh mục Bắc Ninh, chúng tôi muốn biểu lộ tinh thần “Uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Các linh mục luôn trung thành với ơn gọi theo Chúa, phục vụ cộng đoàn dân Chúa. Các ngài đã cố theo gương sống Chúa Kitô, từ bỏ chính mình và gia đình để phục vụ cho đến cùng. Chính Đức Giêsu đã cảnh báo những ai muốn chọn đời sống tận hiến để đi theo Ngài: “Con chồn có hang, con chim có tổ, con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58).

Tạm biệt Nhà hưu dưỡng Bắc Ninh, xe chúng tôi hướng ra xa lộ Hà Nội, rẽ vào đường Đỗ Xuân Hợp, để đi đường cao tốc Long Thành –  Dầu Giây. Theo lộ trình này, chúng tôi rút ngắn được khoảng 30km so với đi đường quốc lộ 51. Khoảng 11 giờ 30, chúng tôi đã có mặt tại nhà nuôi dạy trẻ khuyết tật Mái Ấm Thiên Thần – thuộc Dòng Nữ Trợ Thế Thánh Tâm Chúa Giêsu, tọa lạc tại số 296, khu 3, tổ 9, ấp Đông Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Dòng được chính thức thành lập ngày 31/05/1881 tại Ciempozuelos (Madrid – Tây ban Nha), do Thánh Benito Menni, linh mục Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa, với sự cộng tác của Mẹ Maria Josefa Recio và Mẹ Maria Angustias Giménez.

Sứ mạng của Dòng là thực hành đức ái Trợ Thế, đối tượng chính là các bệnh nhân tâm thần và những người khuyết tật, đặc biệt trẻ em nghèo khổ, bị bỏ rơi,…

Mái Ấm Thiên Thần hiện đang nuôi dưỡng khoảng 55 trẻ mồ côi, bệnh tâm thần, khuyết tật. Đa số các em đều còn nhỏ, có nhiều em chỉ vài tháng tuổi. Hầu hết các em không lành lặn, bị các chứng bệnh như bại não, hội chứng down, thần kinh, não úng thủy,… Các em bị bệnh tật hành hạ ngày đêm, rất khổ.

Các sơ ở đây cho biết, kinh phí nuôi các em chủ yếu dựa vào kinh phí do các sơ làm ruộng, làm vườn và chăn nuôi, rất mong được sự tiếp sức của các nhà hảo tâm.

Cơ duyên đến với mái ấm Thiên Thần của các em có phần giống nhau là đều bị bỏ rơi. Em thì mới sinh ra đã bị bỏ rơi tại bệnh viện, em thì bị bỏ ngay trước cửa trung tâm, em thì được người dân phát hiện và đưa về mái ấm,…

Các sơ hướng dẫn chúng tôi vào thăm các em. Thật xúc động, nơi các em đang ở giống như một bệnh viện thu nhỏ. Khoảng sân ở giữa có các ghế ngồi và vài chiếc xích đu là nơi các em vui chơi. Vào bên trong vài bước là hành lang. Dọc theo hành lang có nhiều em đang ngồi trên những chiếc xe lăn (các em này không thể đi được). Hai đầu hành lang là hai phòng đối diện nhau, gồm 14 giường dùng cho các em bệnh nặng, không thể tự chăm sóc cho mình. Tất cả các giường đều có các em đang nằm để chờ được chăm sóc. Tại đây, các em đều phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của các sơ, từ ăn, uống và cả những sinh hoạt cá nhân bình thường như tiêu, tiểu,… Theo quan sát của chúng tôi, tại Mái Ấm Thiên Thần, các sơ cùng lúc thể hiện ba vai trò: mẹ hiền, cô giáo và y tá. Việc làm của các sơ thể hiện đầy đủ chuẩn mực của lòng thương xót, rất đáng khâm phục.

Trước lúc chia tay, hai em đại diện Mái Ấm Thiên Thần hát tặng chúng tôi bài hát Bài Ca Tạm Biệt: “Gặp nhau đây rồi chia tay, ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây. Niềm hăng say còn chưa phai, đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy. Còn trong ta tình bao la, cuộc tình tươi thắm bừng lên trong ước mơ. Lời suy tư, lời đêm qua, dặn lòng ghi nhớ lời yêu thương nhắn về”.

Lời của bài hát thể hiện những ước mơ của các em. Đây là những giây phút “vàng” trong cuộc đời mà các em muốn được kéo dài, không bao giờ chấm dứt, vì cuộc sống của các em rất cần được vui đùa, được chăm sóc, thương yêu, và nhất là cần sự chia sẻ của mọi người. Người viết rất đồng cảm với NS Trịnh Công Sơn khi ông nêu lên điều cần có trong đời sống của một kiếp người: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…” (ca khúc “Để Gió Cuốn Đi”).

Rời mái ấm Thiên Thần, chúng tôi thực sự xúc động với những mảnh đời bất hạnh mà chúng tôi tận mắt chứng kiến. Chúa Giêsu đã chỉ ra điều kiện để đi theo Ngài: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 17, 24). Các em đã có đầy đủ điều kiện để đi theo Đức Giêsu, cuộc đời các em là những chuỗi ngày “vác thập giá” theo Đức Giêsu lên núi Sọ. Chắc chắn trong giấy thông hành cho cuộc sống mai sau của các em đã được ghi sẵn nơi đến: Vương Quốc Nước Trời.

Trước khi về Sài Gòn, đoàn ghé viếng Nhà Thờ Mồ để cầu xin Chúa ban cho các thành viên trong đoàn được sống đức tin cách trọn vẹn.

Tưởng cũng cần nhắc vài nét về lịch sử hình thành Nhà Thờ Mồ: Nhà thờ Mồ Tử Đạo Bà Rịa nằm cách Nhà thờ Chính Toà khoảng 300m, trên khu đất trước đây là nghĩa trang giáo xứ. Dù chỉ là một ngôi nguyện đường khiêm tốn, không có dáng vẻ gì đặc biệt, nhưng đây chính là nơi cất giữ cả một ký ức hào hùng của cộng đoàn tín hữu Bà Rịa, nơi mà 288 tín hữu – thuộc các họ đạo Phước Dinh (Phước Lễ hiện nay), Thôm (Long Tân), Thành (Long Điền) và Đất Đỏ, thuộc Giáo phận Bà Rịa – bị thiêu chết dưới triều đại vua Tự Đức. Các vị tử đạo ở đây chưa được Giáo Hội tôn phong hiển thánh, người ta chỉ biết các ngài qua các tư liệu ngắn ngủi như bà Maria Liệu, 76 tuổi, chết tại ngục Long Kiên; ông Giuse Vệ, 75 tuổi, ở ngục Phước Lễ; hoặc cặp song sinh Antôn Trước – Antôn Sau chào đời trong ngục Phước Thọ (Đất Đỏ), tử đạo khi mới 3 tháng tuổi. Những cái chết hào hùng của các ngài đã vun trồng sự sống cho bao thế hệ, đang làm cho đức tin trở nên sống động trong từng người tín hữu của vùng Bà Rịa hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.

Vẫn còn sớm, chúng tôi ghé thăm nhà thờ Chánh Tòa Bà Rịa để tham quan. Có thể nói rằng kiến trúc của ngôi nhà thờ này thuộc hàng đẹp nhất của các nhà thờ tại Việt Nam.

Rời nhà thờ Chánh Tòa Bà Rịa, chúng tôi lên xe trở về Sài Gòn. Chuyến đi kết thúc tốt đẹp, ai nấy đều cảm thấy niềm vui dâng trào, được nhân lên nhiều lần bởi những cảm xúc khi được trực tiếp gặp gỡ những mảnh đời bất hạnh.

Cộng đoàn LCTX TGP Sài Gòn chân thành cám ơn Quý ân nhân đã giúp đỡ để chúng tôi hoàn thành tốt đẹp chuyến đi bác ái này. Xin mượn lời Sứ Điệp Bình An mà Thiên Chúa ban cho nhân loại trong đêm Ngài giáng trần để gởi đến Quý ân nhân lời tri ân:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người thiện tâm

(Lc 2:14)

Chúc mừng Giáng Sinh 2014 và Năm Mới 2015

Giuse Phạm Đình Vinh

Xin bấm vào đây để xem thêm hình

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …