Ai trong chúng ta cũng dễ dàng cảm nhận được những thiệt thòi của người mù. Họ không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Họ cũng không cảm nhận được niềm vui nỗi buồn nơi khuôn mặt những người thân. Thế giới đối với họ là đêm tối trường kỳ. Tin Mừng hôm nay nói đến một người mù đứng ăn xin tại cổng thành Giêricô. Trong lúc Chúa Giêsu và các môn đệ từ trong thành đi ra, Người đã trông thấy, và, trước lời van xin của anh, Chúa đã chữa cho anh để anh có thể nhìn thấy như bao người khác.
Nếu người mù thể lý đã thiệt thòi như thế, thì người mù thiêng liêng lại còn thiệt thòi hơn. Đức Thánh Cha Benêđitô XVI đã trả lời câu hỏi của nhà báo người Đức, ông Peter Seewald: “Ai chỉ biết tin vào những gì mắt trông thấy, thì người đó mù.” Vị Giáo Hoàng người Đức còn diễn giải thêm về khẳng định này: “bởi vì người đó đã tự hạn chế mình vào một khoảng chân trời hạn hẹp, và không còn nhìn ra được cái cơ bản nữa. Có ai thấy được trí khôn mình đâu. Chính những cái quan trọng nền tảng ta không thể thấy thuần bằng mắt” (Thiên Chúa và Trần thế, Tr 23).
Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mác-cô diễn tả anh mù như một người bị gạt ra bên lề xã hội: anh là một kẻ ăn xin, ngồi bên vệ đường. Khi anh cố gào lên để có ý cho vị Ngôn sứ có tên là Giêsu nghe thấy, thì bị người ta mắng át đi, bởi anh chẳng là gì trong một đám đông ồn ào náo nhiệt. Anh chỉ là một chấm nhỏ li ti trong bức tranh “chợ đời.” Tuy vậy, cũng dưới ngòi bút của thánh Mác-cô, anh mù này lại có một cái nhìn sáng suốt. Trong đám đông hỗn độn ấy, anh nhận ra vị Ngôn sứ đang đi ngang qua là con vua Đavít, điều mà không mấy người trong đám đông hỗn độn ấy nhận ra. “Con vua Đavít là một danh xưng mà truyền thống Do Thái vẫn sử dụng để diễn tả Đấng Messia.
Thì ra, những người có con mắt sáng trong đám đông hôm ấy ở cổng thành Giêricô lại không nhìn thấy sứ mạng của Đức Giêsu. Hơn thế nữa, họ còn đầy thành kiến và khinh thường đối với người mù ăn mày bên vệ đường. Một cách nào đó, họ là những “người mù,” vì họ chỉ công nhận những gì mà họ nhìn thấy bằng con mắt thể lý. Thánh Mác-cô kể lại hai phép lạ Chúa chữa người mù. Trường hợp thứ nhất ở chương 8, câu 22 đến câu 26. Người được chữa lành là người mù ở Bết-sai-đa. Phép lạ chữa người mù lần thứ nhất đi liền với những lời cảnh báo phải thận trọng đối với men Pharisiêu và men Hêrôđê. Chắc chắn thánh Mác-cô muốn khẳng định với chúng ta: quan niệm lầm lạc và ngây thơ trước những cám dỗ chính là một tình trạng mù thiêng liêng nguy hiểm. Nếu chúng ta đọc trình thuật Chúa Giêsu chữa người mù bẩm sinh trong Tin Mừng Thánh Gioan thì sẽ thấy ngoạn mục hơn nữa (x. Ga 9,1-41). Người này mù về thể lý, nhưng tinh thần lại hết sức tinh tường và khôn ngoan.
“Lòng tin của anh đã cứu anh!” Đức tin là điều kiện cần thiết để được hưởng phép lạ. Đức tin cũng mở mắt để chúng ta nhìn thấy những điều kỳ diệu Chúa đã và đang làm trong lịch sử cũng như trong đời sống cá nhân của mỗi chúng ta. Tác giả Thánh vịnh 125 mời chúng ta hãy nhận ra những điều kỳ diệu ấy trong biến cố Thiên Chúa giải phóng dân Israen khỏi ách nô lệ Babylon, đưa người Do Thái về với quê hương xứ sở. Đó cũng là sứ điệp hy vọng mà ngôn sứ Giêrêmia gửi đến cho người Do Thái lưu đày: “Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất… Chúng trở về nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng tới dòng nước, qua con đường thẳng băng, trên đó chúng không còn vấp ngã,” Lời của vị ngôn sứ như một tiếng thét vui mừng trước những điều kỳ diệu Thiên Chúa sẽ thực hiện vì yêu thương dân Ngài. Sau những năm tháng lưu đầy đau khổ nhục nhằn, Thiên Chúa sẽ giải phóng dân Ngài. Những người tha hương sẽ được về với quê cha đất tổ. Trong số đó, có cả những người đui mù, què quặt và bệnh tật (Bài đọc I).
Khi chiêm ngưỡng những kỳ công của Chúa, người tín hữu được mời gọi kể lại hay loan báo những điều tốt lành Chúa đã làm. Người mù ở thành Giêricô, sau khi được Chúa cho sáng mắt, đã đi theo Chúa. Cuộc đời anh từ nay đã sang trang. Trước đây, anh ước ao được sáng mắt để có cuộc sống như mọi người. Nay, khi mắt đã sáng, anh quyết tâm đi theo Chúa Giêsu. Anh nhận Người là lý tưởng của đời anh. Anh đã trở thành môn đệ của Người. Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, hay còn gọi là Khánh nhật truyền giáo. Chúng ta hãy ý thức bổn phận loan báo Tin Mừng của người tín hữu. Truyền giáo là sứ mạng của Giáo Hội. Truyền giáo cũng là sứ mạng của mỗi người tín hữu. Truyền giáo không phải chỉ là những thừa sai lên đường đến những xứ sở xa xôi, cũng không chỉ là những nhà giảng thuyết uyên thâm lỗi lạc, mà còn là những nghĩa cử sẻ chia, những tâm tình thân ái mà chúng ta dành cho nhau trong cuộc sống thường ngày.
“Xin cho con được thấy!” Đó là lời van xin của anh mù, đang ngồi ăn xin bên vệ đường, lối vào thành Giêricô. Đó cũng là lời cầu xin của chúng ta để nhận ra tình thương của Ngài đang ấp ủ đồng hành chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta. Chúa Giêsu là thày Thượng tế vĩnh viễn theo phẩm hàm Menkisêđê sẽ chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Chúa Cha (Bài đọc II).
“Đời người giống như việc đi đường vậy, một bên là gian khổ, một bên là cảnh đẹp. Ánh mắt bạn phóng được đến đâu, đó chính là cảnh giới của cuộc đời bạn. Nếu thường xuyên nhìn thấy những người ưu tú hơn mình, điều đó cho thấy bạn đang trên đường lên dốc; Còn nếu thường xuyên nhìn thấy những người không bằng mình, điều đó cho thấy bạn đang xuống dốc và người khác đang phải cố gắng để lên dốc. Thay vì oán thán, thà thay đổi cách nghĩ, mọi chuyện sẽ bớt nặng nề đi rất nhiều!” (Sưu tầm)
TGM Giuse Vũ Văn Thiên