Home / Chia Sẻ / XIN CHO CON BIẾT MẾN YÊU VÀ PHỤNG SỰ CHÚA TRONG MỌI NGƯỜI

XIN CHO CON BIẾT MẾN YÊU VÀ PHỤNG SỰ CHÚA TRONG MỌI NGƯỜI

Cho đến bây giờ hình ảnh gầy gò của cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Viết Đoàn trong chiếc áo khoác đen cũ sờn vẫn còn làm cho tôi thổn thức bồi hồi…! Hôm đó là khoảng 11 giờ trưa thứ Ba ngày 05 tháng 07 vừa qua, tôi và một số anh em cùng lớp học xưa ở chủng viện Phanxicô Thủ Đức có cả cặp vợ chồng anh bạn từ Mỹ về đột xuất ghé thăm cha Đoàn. Cha ngờ ngợ nhận ra từng người trước đây học chung một lớp và dẫn vào phòng sinh hoạt của ngài. Chúng tôi chứng kiến tận mắt phòng sinh hoạt cũng là phòng ngủ của ngài chơ vơ một chiếc giường bố bạc nâu. Không tivi, đầu đĩa, không máy vi tính, chỉ là những cuốn sách mục vụ bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc xếp ngổn ngang trên một chiếc bàn nhỏ và trên một chiếc kệ nhiều ngăn. Chúng tôi loay hoay lục lọi trong căn phòng nhỏ thấy những nhánh chuối và các lon đồ hộp. Hẳn đây là “lương thực hằng ngày” của cha quản xứ. Cha dẫn chúng tôi tham quan một vòng ngôi nhà thờ còn thô sơ và cho biết đây là giáo xứ Ka-Ming, thuộc giáo hạt Di Linh, giáo phận Đà Lạt, bao gồm 2000 giáo dân đồng bào dân tộc Kơ-Ho.

Lên xe tiếp tục cuộc hành trình, anh bạn việt kiều Nguyễn Mạnh Hồ buột miệng: “Sống như cha Đoàn cả một đời thảnh thơi không lo lắng nghĩ ngợi gì đến cuộc sống vật chất!” Tôi thầm diễn giải thêm câu nói của Hồ rằng cha Đoàn không lo lắng nghĩ ngợi gì đến cuộc sống vật chất của bản thân mình. Ngài chọn kiếp sống đơn nghèo và dành cuộc đời thánh hiến phục vụ những người dân tộc nơi miền cao nguyên hẻo lánh. Ngài noi gương truyền giáo của vị thánh bổn mạng Phanxicô Xaviê và vị thánh “nghèo” Phanxicô Assise.

Cũng cần biết thêm từ năm 1967 đến năm 1974 cha Đoàn đã tu học trong các môi trường Phan Sinh, từ ký túc xá Phanxicô Nha Trang, sau đó vào chủng viện Phanxicô Thủ Đức và trở về Nha Trang tiếp tục đường tu ở đệ tử viện Phanxicô Nha Trang. Sau năm 1975 cha vào đại chủng viện Minh Hòa, giáo phận Đà Lạt và thụ phong linh mục năm 1998. Hẳn là nhiều năm tu học trong môi trường Phan Sinh đã giúp cha Đoàn hấp thụ nếp sống nghèo khó từ các cha thầy dòng Phanxicô. Một thân trơ trọi chăm lo cho các con chiên người dân tộc, không cha phó, không ông từ, bà bõ, nên khi nghe chúng tôi gợi ý mời cha về dự lễ cha thánh Phanxicô vào ngày 04 tháng 10 tới ở trường cũ chủng viện Phanxicô Thủ Đức, cha lắc đầu khẻ nói: “Thôi thì anh em nhớ tới mình và ghé thăm là quý lắm rồi! Công việc ở đây còn bộn bề lắm!”

hLên tới Di Linh không thể không dừng chân tham quan trại phong Di Linh và viếng mộ cố giám mục người Pháp Gioan Cassaigne. Sinh thời vị giám mục này được gọi là người cha hiền của người dân tộc và người phong cùi. Năm 1924 lúc còn là linh mục ngài lập một làng cùi nằm cách nhà thờ Ka La của ngài khoảng một cây số. Ngài mời các nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn đến đây phụ giúp ngài chăm sóc các bệnh nhân cùi bị gia đình và xã hội thời đó bỏ rơi. Năm 1941 ngài được tòa thánh Vatican bổ nhiệm làm giám mục tông tòa giáo phận Sài Gòn. Nhưng đến cuối năm 1950 ở tuổi 60 khi phát hiện mình mắc bệnh phong cùi, ngài xin từ chức giám mục giám quản giáo phận Sài Gòn, trở lại làng cùi Di Linh, tiếp nối con đường phục vụ các bệnh nhân nơi đây. Ngài được Chúa gọi về vào ngày 31 tháng 10 năm 1973. Cùng các bạn đứng trước phần mộ vị mục tử nước ngoài đã dành gần trọn cuộc đời mình chăm lo, cưu mang những người dân tộc khốn khổ và các bệnh nhân cùi lở nơi miền sơn cước hẻo lánh nước Việt, tôi thầm nguyện xin ngài phù hộ và soi dẫn cho tôi biết mở lòng, mở trí xót thương những người bất hạnh tôi gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày.

Cảm nghiệm nhũng công đức của cố giám mục Gioan Cassaigne với các bệnh nhân phong cùi ở Việt Nam làm tôi nhớ đến những công đức của Mẹ Têrêsa Calcutta – mới được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tôn phong hiển thánh vào ngày 04 tháng 9 qua – với các bệnh nhân tương tự ở Ấn Độ. Mẹ Têrêsa nay là thánh nữ Têrêsa Calcutta cho biết: “Chúng tôi có hàng ngàn người cùi. Họ rất vĩ đại, rất đẹp đẽ trong nội tâm dù bên ngoài hình hài họ tật nguyền. Lễ Giáng sinh năm trước tôi sống với họ. Hàng ngàn người cùi của chúng tôi luôn được tiếp đón vào các dịp lễ Giáng sinh. Trong những dịp này tôi nói với họ: ‘Anh chị em là quà tặng Thiên Chúa ban. Chúa yêu thương anh chị em cách đặc biệt. Phong cùi không phải là một cái tội’’’Mẹ Têrêsa kể thêm: “Có một cụ ông bị cùi lở loét toàn thân lại gần tôi và nói: ‘Mẹ nói lại đi, thật tốt cho tôi! Tôi thường nghe nói không ai thích chúng tôi. Thật tuyệt vời khi biết được rằng Chúa yêu thương chúng tôi. Mẹ nói lại đi!’’’

Bài giảng lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có đoạn: “Mẹ Têrêsa trong tất cả các khía cạnh của đời Mẹ là một thừa tác viên phân phát đại lượng lòng thương xót của Chúa, làm cho mẹ trở nên sẵn sàng với mọi người qua sự đón tiếp của mẹ” Kết thúc bài giảng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên mọi người: “ Mẹ Têrêsa thích nói: ‘Có lẽ tôi không nói được ngôn ngữ của họ. Nhưng tôi có thể mĩm cười’ Chúng ta hãy mang nụ cười của mẹ trong trái tim chúng ta và hiến tặng cho những người chúng ta gặp trong suốt hành trình cuộc đời chúng ta, đặc biệt là cho những người đau khổ. Bằng cách này, chúng ta mở ra nhiều cơ hội hân hoan và hy vọng cho các anh chị em của chúng ta. Những người đang chán nản và đang cần sự đồng cảm và yêu thương.”

Lúc sinh thời Mẹ Têrêsa được mời tham dự  nhiều hội nghị quốc tế. Trong những dịp này mỗi lần được mời chủ sự đọc kinh trước hội nghị, mẹ thường mời mọi người cùng đọc “Kinh Hòa Bình” của thánh Phanxicô Assise: “Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…”

Gioan Long Vân, giáo xứ Nhân Hòa

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN