Home / Chia Sẻ / Xin chào – Tháng 9

Xin chào – Tháng 9

Tản mạn chuyện nhà đạo:

Đầu tháng 9, có chút thời gian rảnh lướt qua Phây của nhiều bạn trẻ, tôi đọc được những câu đại loại như: ”Xin chào tháng chín”, “Hello September”.

 Trong lúc đang suy nghĩ không biết lấy tựa đề gì cho bài tản mạn đầu tháng, xin mượn câu chào của các bạn trẻ làm tựa đề cho bài viết này, xin phép được “sống ảo” chút xíu!

“Xin chào tháng 9”. Tháng chín có gì vui? Tháng 9, mùa khai giảng năm học mới, ngày 5.9, ngày “toàn dân đưa trẻ đến trường” hay còn gọi “ngày hội đưa bé đến trường”. Mùa tựu trường làm chúng tôi nhớ lại “những năm tháng kỷ niệm xưa” dưới mái trường nhiều cảm xúc tuyệt vời, hồ hởi, vui tươi, nhất là với các cậu bé mẫu giáo bước vào lớp 1, đi học là vượt qua những thử thách đầu đời xót xa, phải tạm rời xa gia đình và cha mẹ đến trường học.

Tôi còn nhớ bài hát “đi học” hồi nhỏ, mà các cô giáo dạy chúng tôi.

“Hôm qua em tới trường, mẹ dắt tay từng bước…

 Hôm nay mẹ lên nương, một mình em tới lớp 

Hương rừng thơm đồi vắng, nước suối trong thầm thì 

Cọ xoè ô che nắng, râm mát đường em đi” 

Không biết đường đi học có râm mát không, có “cọ xỏa ô che nắng”, nhưng điều tôi biết chắc, đó là tình thương của mẹ cha là bóng mát che chở cho cuộc đời tôi. Ánh mắt của mẹ cha bao giờ cũng dõi theo con, không những ở bước chân chập chững của đứa trẻ đến trường, nhưng cha mẹ còn dõi theo con cái suốt những năm tháng dài của cuộc đời người con. Tình thương của mẹ cha là như thế. Mãi Mãi!

Nói đến chuyện đi học, mùa khai giảng, tôi lại miên man nghĩ đến nền giáo dục nước nhà. Ai trong chúng ta cũng  nhận thấy những khiếm khuyết của nền giáo dục Việt Nam, học hành nhồi nhét kiến thức, học vẹt học tủ, nền giáo dục thiên về thành tích, không đào tạo trở thành con người một cách toàn diện, nhưng chỉ là những con người “thần đồng”, có thể giỏi về kiến thức chuyên môn, nhưng vô cảm, thiếu nhân bản lễ nghĩa trí tín, học sinh học ngày học đêm, học cả ngày Chủ nhật và cả mùa hè. Nếu nói mùa hè đã qua nhường chỗ cho năm học mới, nhưng thực ra, trong suốt hè vừa qua, có bao nhiêu bạn trẻ được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè… Các bạn phải đi học thêm trong hè, học thêm ngang với học chính thức.

Nhân mùa khai giảng năm học mới, người viết xin bàn chuyện học giáo lý, đây quả thật là chuyện nhà đạo. Chủ nhật vừa qua, các giáo xứ bắt đầu khai giảng năm học giáo lý. Nhiều chủ đề năm học, như những câu slogan nhắc nhở các em học theo Chúa Giêsu là người mẫu lý tưởng. Các chủ đề năm học như: Em học với Giêsu, Em học trường Giêsu, Sống yêu thương như Chúa Giêsu, Sống hiền lành như Chúa Giêsu…

Chuyện học giáo lý của nhà đạo mình, cũng nhiều vấn đề phải nói, “lắm chuyện” như chuyện giáo dục tại Việt Nam vậy.

Trong tình hình hiện nay, các giáo xứ ở Sài gòn đều có những chương trình giáo lý dành cho thiếu nhi, thiếu niên, bắt đầu từ 6 tuổi cho đến 18 tuổi. Các lớp giáo lý phù hợp theo từng lứa tuổi của các em. Thường thì, các gia đình Công Giáo gởi gắm chuyện dạy giáo lý các em cho giáo xứ, ở đó có quý Soeur, các anh chị giáo lý viên, Huynh Trưởng, có cha xứ cha phó chăm lo. Nội dung giảng dạy khai triển theo Thánh Kinh, các em học hỏi cuộc đời Chúa Giêsu, các bí tích, giáo huấn của Giáo hội đời sống cầu nguyện, các phần được chia theo sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo ban hành năm 1992.

Trên địa bàn Tổng giáo phận Sài Gòn, đa số các giáo xứ áp dụng sinh hoạt Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể cho việc học giáo lý, tức là ngoài việc học giáo lý, các em được đi vào nề nếp đoàn ngũ hóa, được hướng dẫn về phong trào, kỹ năng chuyên môn, nhân bản, kỹ năng sinh hoạt lều trại. Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể vừa truyền đạt giáo lý, vừa cung cấp cho các em những nội dung nhân bản và kỹ năng chuyên môn, giúp cho các em nhanh nhẹn, tháo vát, bén nhạy và có trái tim yêu thương, nhưng cũng sống đạo tốt qua mối liên hệ thân tình với người Anh Cả Giêsu. Nhiều người cho rằng, Phong trào TNTT như là hình thức “rượu cũ được chứa trong cái bình mới” mà thôi.

Nhìn chung, việc học giáo lý tại các giáo xứ diễn ra tốt đẹp, có phòng học, chia theo các khối lớp, các ngành, sinh hoạt đều đặn vào mỗi Chúa nhật, có sân chơi cho các em sinh hoạt nơi khuôn viên nhà xứ. Các lớp giáo lý bây giờ mô phỏng gần giống ngoài trường học, có kiểm tra bài viết 15 phút, kiểm tra 1 tiết, có thi học kỳ… Các anh chị Huynh Trưởng-Giáo lý viên là những người trẻ, cũng là những sinh viên học sinh năng động nên phương pháp dạy và cách tổ chức lớp học theo mô hình ngoài trường lớp ngoài xã hội.

Chia sẻ đến đây, người viết xin kể chuyện học giáo lý “ngày xưa”, nhưng không xa lắm, chỉ khoảng thập niên 80, 90 trước đây. Lúc đó tại Việt Nam, phong trào TNTT chưa được tái lập tại giáo phận Sài Gòn. Sau năm 1975, các giáo xứ chỉ là dạy giáo lý mỗi tuần vào ngày CN cho các em thiếu nhi mà thôi.

Tôi lớn lên ở một giáo xứ vùng ven ngoại ô Sài Gòn. Bởi vậy, việc học giáo lý rất đơn giản, không có trường lớp, phòng học, cũng không có giáo lý viên như bây giờ. Giảng viên giáo lý của tôi là một cha cố, ngài cũng là linh mục quản xứ. Cứ mỗi buổi trưa thứ 5, Chúa nhật, khoảng 3 giờ, bọn trẻ chúng tôi lại tung tăng đi học giáo lý, trên tay có một cuốn sách giáo lý bé tí khoảng 7 ich, thêm một quyển sách kinh nhỏ. Nội dung sách giáo lý là những câu hỏi thưa, ngoài ra còn có những bài hát giáo lý đơn sơ cha cố tập cho chúng tôi hát, kiểu như “Con kiến đen nằm trong hòn đá đen, mặt trời tối đen, nhưng Đức Chúa Trời cũng thấy”.

Bọn trẻ chúng ta, ai cũng vui thích mỗi tuần được đi học giáo lý hai buổi. Hơn nữa, chúng tôi rất thương cha cố, người giảng viên giáo lý hiền lành chân chất, người giảng viên giáo lý rất đáng kính của chúng tôi. Sau mỗi buổi học giáo lý, chúng tôi lại được chạy nhảy vui đùa trong khu vườn nhà xứ. Chúng tôi được tiếp cận những bài giáo lý vỡ lòng, những chân lý đức tin từ những buổi giáo lý sinh động của ngày xưa đó.

Cha cố “lên lớp” khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ. Mỗi lần lên lớp dạy cho chúng tôi, cha mang theo môt cây roi mây, cuốn sách giáo lý nhỏ, một ít tranh ảnh Chúa và minh họa Tin Mừng. Ngài dạy giáo lý cho chúng tôi bằng việc kể chuyện. Cung giọng ngài nói rất rõ ràng, chắc chắn, nhưng cũng hiền từ dễ nghe vô cùng. Ngài lúc nào cũng mang cây roi bên cạnh, song chẳng bao giờ ngài đánh phạt chúng tôi.

Trước tiên, ngài kể chuyện cho chúng tôi nghe những câu chuyện Thánh Kinh. Xong phần kể chuyện, ngài mở sách giáo lý cho cả lớp đọc thuộc những câu hỏi thưa. Cả nhà thờ, bọn trẻ chúng tôi chia làm hai phe, bên này hỏi bên kia thưa, tí lại đảo ngược lại, bên này thưa bên kia hỏi. Đọc phần hỏi thưa trong sách xong, cha lại cho chúng tôi hát, sau đó ngài mở từng tấm hình Tin Mừng cho chúng tôi xem, cùng với lời giải thích cho những câu chuyện Thánh Kinh thú vị. Tôi đã lớn lên từ những câu giáo lý đơn sơ ấy, rồi lãnh nhận các bí tích Khai tâm, rước lễ lần đầu và Thêm sức.

Bên cạnh cha cố còn có những ông bà quản phụ trách khảo kinh cho bọn trẻ chúng tôi, phụ giúp cha cố những việc lặt vặt như mở cửa, đóng cửa nhà thờ.

Có lẽ “ác mộng” của bọn trẻ chúng tôi khi đi học giáo lý là những ông bà quản. Các ông bà mặt “dữ dằn” sẵn sàng “ban” cho chúng tôi những cây roi mây thật đau điếng, những đứa không chăm chú đọc, không chịu mở miệng hát, cứ mãi lo ra “suy nghĩ về nước Mỹ”, đùa giỡn nhau khi dự lễ hay học giáo lý.

Dường như trong cái thời của bọn trẻ chúng tôi, không có gì để chơi ngoài đá banh, nhảy dây, trốn tìm… nên chúng tôi còn có một thú vui nữa, lên nhà thờ chơi với cha xứ, ngoài những buổi chúng tôi phải đến trường học. Cha nhớ tên từng đứa một, con nhà ai, đứa nào vắng mặt một buổi học giáo lý thôi, vào buổi chiều dâng lễ xong cha lại hỏi thăm phụ huynh.

Ngày nay, các lớp giáo lý đã đầy đủ hơn, có các phương tiện máy móc hỗ trợ giảng dạy, nội dung giáo trình được cập nhật liên tục, nhiều giáo xứ có đầy đủ đội ngũ giảng viên giáo lý, được bồi dưỡng huấn luyện bài bản. Cha xứ không còn phải đứng lớp nữa. Xem ra thời buổi này tuy hoàn cảnh có khác, nhưng nội dung Giáo lý vẫn vậy. Học Giáo lý là nghe kể chuyện về Chúa Giêsu, người giáo lý viên truyền lại kinh nghiệm đời sống đạo cho người học viên, trao cho người học ngọn lửa yêu mến Chúa. Giáo lý viên trước hết phải có lòng say mê yêu mến Chúa, nói về Chúa Giêsu cho người khác với cả niềm vui, sự hứng khởi, đồng thời người GLV cũng yêu mến và đồng cảm với Giáo hội, hiểu biết Giáo hội. Người GLV phải tập luyện hằng ngày, làm sao cho lời nói và việc làm luôn đi đôi với nhau, nhờ đó lời giảng của mình sẽ chinh phục được người nghe. Đó là dạy Giáo lý bằng cả cuộc sống gương mẫu, chu toàn bổn phận của người Kitô hữu.

Trong thời đại truyền thông quá tải như ngày nay, người GLV có tâm huyết với nghề sẽ dễ dàng tìm kiếm những tài liệu, những câu chuyện và chứng từ làm phong phú hơn cho bài giáo án. Người GLV chịu khó đọc những văn kiện chính thức của Hội Thánh, hiểu được ý muốn của Hội Thánh, muốn dạy con cái điều gì, nhất là về giáo huấn xã hội của Hội Thánh.

Chúng ta thấy mỗi năm Mẹ Hội Thánh luôn có những chủ đề mục vụ cho người giáo dân thực hành, sống giá trị Tin Mừng trong hoàn cảnh xã hội đương đại. Thiết nghĩ, người GLV phải nắm bắt thật rõ những đề tài mục vụ đó, để hướng dẫn và chia sẻ với học viên.   

Xin kết bài này bằng một câu chuyện cụ thể: Trong một bài giảng thánh lễ dành cho thiếu nhi. Cha giảng lễ đặt những câu hỏi cho các em, rồi phát quà là cây bút, quyển tập, tràng hạt… Vị linh mục đặt câu hỏi thứ nhất: “Cha đố chúng con, năm nay (2017), Giáo hội mừng biến cố gì về Đức Mẹ”. Cả nhà thờ im phăng phắc, các em thiếu nhi và anh chị Huynh trưởng, không một cánh tay dơ tay lên trả lời. Thế là cha tự trả lời một câu hỏi quá dễ. “100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima 1917”. Cha lại kiên nhẫn đặt câu hỏi thứ hai. “Sứ điệp của Đức Mẹ Fatima là gì vậy các con?”. Cả nhà thờ cũng không ai trả lời. Lần này, vị linh mục nhìn đến các anh chị GLV- HT. “Các anh chị HT trả lời được không?”. Môt lần nữa cả nhà thờ im lặng, chỉ có một vài tiếng xì xào nhưng không rõ ràng. Vị linh mục giảng lễ trả lời tiếp câu hỏi thứ hai. Sau đó, cha nhắn nhủ với các anh chị GLV- HT: “Chúng con những GLV, chúng con dạy giáo lý cho các em, phải tự trang bị cho mình những hiểu biết đầy đủ về Giáo hội. Việc trang bị kiến thức về Giáo hội làm cho đời sống đạo, giờ lên lớp của chúng con thêm phong phú sinh động. Chúng ta đừng học  giáo lý như nhồi nhét kiến thức ngoài đời. Như vậy mệt mỏi lắm, chúng con hãy học và dạy giáo lý với niềm đam mê và hết lòng yêu mến Chúa”.

Giuse Nguyễn Bình An

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …