Home / Chia Sẻ / XÉT ÐOÁN

XÉT ÐOÁN

XetDoanÐừng tự xét đoán, tự nó đã nói lên phần nào tính chất mơ hồ rồi.  Xét đoán được ghép bởi hai động từ khác nhau là xét và đoán.  Xét là tìm hiểu.  Ðoán là phỏng chừng.  Xét thì khó vì phải tìm hiểu hoàn cảnh, phải kiếm nguyên nhân, phải phân tích để có dữ kiện rõ ràng.  Ðoán thì dễ hơn, chỉ cần ước lượng là thế, phỏng chừng như vậy.  Ðộng từ đoán dựa trên những điều không đủ chắc, không rõ sự thật.  Khi nói xét đoán một người thì có phần xét và cũng có phần đoán.  Nhiều khi phần đoán lại nhiều hơn phần xét.  Sai lầm nẩy sinh từ đó.

Trước khi tìm hiểu Kinh Thánh nói về vần đề xét đoán, tôi muốn nhìn xét đoán trong một yếu tố liên hệ giữa con người trên bình diện tự nhiên.  Yếu tố đó là: phức tạp của vấn đề trong việc xét đoán.  Có hai thứ phức tạp.  Phức tạp nơi đối tượng bị xét đoán, chẳng hạn như hoàn cảnh, lương tâm của khách thể.  Và phức tạp nơi chủ thể xét đoán, chẳng hạn như giới hạn tri thức của chủ thể, ảnh hưởng tình cảm của chủ thể khi xét đoán.

Phức tạp nơi đối tượng

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.”  Dòng nước chảy.  Ðã đi.  Sẽ mất mãi.  Chẳng ai có được hai lần cái tâm tình lúc tuổi mười tám.  Hôm qua đứng bên dòng sông.  Hôm nay trở lại.  Dòng sông còn đó.  Tôi còn đây.  Nhưng không phải là tôi của ngày hôm qua.  Không phải là dòng sông hôm cũ. Nước hôm qua của dòng sông đã mất.  Mây trên bầu trời hôm qua đã tan loãng.  Ðâu rồi?  Và tôi, tâm tình cũng đã đổi thay.  Hôm qua gặp dòng sông thì tâm tình của tôi không thể là nhớ dòng sông được, vì đã xa cách đâu mà nhớ.  Hôm nay trở lại, vì có nhớ dòng sông tôi mới tìm đến.  Như vậy, trong tôi đã mang chất nhớ nhiều hơn hôm qua.  Tất cả đều biến chuyển.  Khi xét một vấn đề mà xét trong hoàn cảnh mọi sự đều thay đổi thì khó mà chính xác.  Trong tôi có thương, nhưng đồng thời cũng có giận.  Tôi ghét đó, nhưng tôi vẫn yêu.  Ðâu là ranh giới mà phương pháp khoa học có thể vẽ lằn mức rõ ràng?

Khi xét một vấn đề phải xét trong bối cảnh của nó.  Mà hoàn cảnh của mỗi người là một thế giới chằng chịt những phức tạp chi ly.  Tôi cũng chưa biết rõ về tôi đủ thì làm sao có thể biết rõ về người?  Càng phức tạp thì càng dễ có sai lầm.

Xét một vấn đề lại phải có tiêu chuẩn để xét, nếu không có tiêu chuẩn người ta không thể đi đến kết luận.  Hai cộng với hai không phải là ba.  Vì tôi đã có tiêu chuẩn hai cộng với hai là bốn.  Sống trong tập thể, con người tuân theo tiêu chuẩn của xã hội.  Nhưng tiêu chuẩn luân lý sâu thẳm vẫn do chính Chúa trong tiếng nói lương tâm.  Câu chuyện người đàn bà ngoại tình trong Phúc Âm nói lên rõ điều này.  Với tiêu chuẩn của tập thể mà xét đoán thì bà phải ném đá chết vì những hành động tội lỗi.  Nhưng tiêu chuẩn của Chúa lại khác.  Trước mặt xã hội bà bị kết án.  Trước mặt Chúa bà được thứ tha (Yn 8,1-11).  “Ngươi chỉ nhìn thấy trước mắt còn Yavê trông thấy điều ẩn náu trong lòng” (1Sam 7).  Chính điều “ẩn náu trong lòng” này là yếu tố quyết định tối hậu cho việc xét đoán thì tôi lại không bao giờ biết được.

Ðiều “ẩn náu trong lòng” là lương tâm.  Ðề cập đến lương tâm là đề cập đến vấn đề riêng tư nhất.  Ðã là riêng tư thì làm sao tôi biết.  Mà không biết thì làm sao tôi định lượng giá trị.  Tôi có kinh nghiệm của riêng đời tôi.  Lương tâm người khác thì tôi đành chịu.  Thí dụ, một người ăn trộm một trăm đồng.  Hành động ăn trộm chưa phải là tội.  Nếu họ bị khủng bố, cưỡng bách thì sao có thể là tội?  Tôi thấy hành động ly dị, ngoại tình.  Nhưng nguyên do đưa đến?  Mức độ ý chí lương tâm của họ ra sao?  Tôi không thể biết.  Khi không xét được, không biết đủ sự kiện thì tôi đoán chừng.  Có đoán chừng là có sai lạc.

Hành động phạm tội chưa phải là tội cho đến khi có mặt của ý chí và lý trí.  Mà mức độ ý chí, khả năng lý trí, lương tâm kẻ khác thì tôi không biết.  Như vậy, xét đoán của tôi có thể dựa trên hành động ngoại tại.  Mà hành động bên ngoài, tự nó chưa có giá trị quyết định, thì công việc xét đoán của tôi có giá trị không?  Làm sao có thể có một giá trị vững chắc khi mà giá trị đó xây dựng trên một nền tảng không có giá trị vững chắc?  “Ngươi là ai mà xét đoán gia nhân người khác?  Nó đứng hay nó ngã, mặc chủ nó, song nó sẽ đứng vững, vì Chúa có đủ quyền năng cho nó đứng vững” (Rom 14,4).

Phức tạp nơi chủ thể

Cái phức tạp rõ ràng nơi tôi là sự giới hạn tri thức của tôi.  Có điều hôm qua nhớ, hôm nay đã quên.  Trí tuệ và sự hiểu biết không hoàn hảo thì không bao giờ tôi có một xét đoán hoàn toàn trung thực.  Muốn xét đoán đúng, tôi phải biết rõ, thông suốt.  Ðiều này chỉ có Chúa mới đủ khả năng mà thôi.

Tôi đã có hình ảnh không đẹp về một linh mục.  Gần một năm trời tôi nhìn linh mục với hình ảnh như vậy.  Mùa hè năm đó, linh mục mua cây về trồng chung quanh nhà xứ.  Việc đào hố trồng cây đã không được tính toán kỹ, nên phải làm đi làm lại nhiều lần.  Số tiền trả nhân công quá tốn.  Tôi thấy linh mục làm việc không có chương trình, kế hoạch rõ ràng.  Số tiền ấy để làm được bao nhiêu việc quan trọng khác?  Mùa hè năm sau, trở lại giáo xứ cũ, Chúa đã cho tôi một ân sủng, một kinh nghiệm về xét đoán tha nhân.  Ðối với tôi, linh mục đã là người tiêu tiền của nhà xứ không tính toán.  Mùa hè lần này, trong lúc nói chuyện với cha già đã về hưu, tôi phàn nàn về việc cha xứ tiêu tiền như vậy.  Lúc đó, cha già cắt nghĩa cho tôi hiểu là trong giáo xứ có mấy gia đình nghèo quá không đủ gạo ăn.  Cha xứ thì tế nhị không muốn giúp đỡ họ bằng tiền bạc vì họ sẽ mang ơn.  Cha đã bày việc để gọi mấy đứa con của họ đến nhà xứ làm, hầu cha xứ lấy cớ trả công cho họ.  Hành động quá tế nhị đến nỗi họ không hề biết là cha xứ muốn giúp đỡ gia đình họ.  Cha muốn họ nghĩ là tiền lương do công của con họ làm để họ khỏi phải mang ơn ngài.

Nghe xong câu chuyện, tôi thấy như nắng chiều nhạt xuống.  Nặng nề trong hồn.  Ðó là hình ảnh quá đẹp của một linh mục sống đức tin.  Tôi thấy mình đã nhỏ nhoi và tầm thường.  Gần một năm trời tôi đã giữ hình ảnh không đẹp về linh mục đó.  Bây giờ tôi mới hiểu những việc rất thường mà tiền công thì cha trả rất nhiều.  Ðối với tôi, linh mục đã là người không biết tính toán để tốn tiền bạc.  Nhưng chính ngài đã tính toán rất cẩn thận để tìm lối giúp đỡ giáo dân của mình.  Tình thương bao giờ cũng có sáng kiến.

Nếu tôi đem câu chuyện linh mục tiêu phí tiền bạc của nhà xứ mà nói cho những người khác để họ cũng có hình ảnh xấu về linh mục như vậy thì tội nghiệp cho ngài biết bao.  Nếu tôi có nói xấu thì chắc ngài cũng không đính chính việc ngài làm.  Những tâm hồn cao thuợng là những tâm hồn dám âm thầm chấp nhận đau đớn cho một lý tưởng.  Những tâm hồn nhỏ nhen khi thấy người khác im lặng thường coi đó như một chiến thắng.  Những xét đoán sai lầm và nói cho người khác để rồi họ không hiểu đúng về một người, trước mặt Chúa có thể là lỗi rất nặng.  Phúc Âm thánh Yoan gọi những xét đoán đó là: “Các ngươi căn cứ vào xác thịt mà xét đoán” (Yn 8,15).

Tôi thiếu tri thức nhận diện dữ kiện để nhìn ra sự thật.  Tri thức nào có đủ khả năng để đi vào những chi ly, phức tạp như văn hóa, giáo dục, tập quán, gia đình, tâm lý, sức khỏe của cả chủ thể xét đoán và khách thể bị đoán xét?

Một nghịch cảnh thông thường, nhưng đáng sợ nằm ẩn kín trong tôi đó là tình cảm của mình.  Thương ai tôi muốn làm vừa lòng người đó.  Tôi nhớ.  Tôi mong.  Nếu nỗi nhớ càng sâu và nỗi mong càng cao thì những sai lầm mà tôi sẵn sàng làm để chiều lòng người đó càng nặng.  Tình cảm có sức ma thuật che mờ lý trí và đẩy ý chí vào hành động cuồng dại.  Nó quá nhẹ nhàng nên tôi không nghe tiếng động. Nó quá sắc nên tôi không thấy vết thương.  Xét đoán của tôi không sao tránh khỏi “căn cứ vào xác thịt mà xét đoán.”

Lạy Chúa, con không thể nhìn thấu suốt tâm hồn tha nhân được, vì thế xét đoán của con bao giờ cũng là xét đoán “căn cứ vào xác thịt.”  Căn cứ vào xác thịt thì có sai lầm.  Khi con xét đoán sai lầm là con gây bất công cho kẻ khác.  Xét đoán của con không làm tha nhân ra xấu thêm, nhưng hậu quả của nó là làm con mất bình an.  Tâm hồn con không còn thanh thản, tươi sáng nữa, mà vương vấn vì những ý nghĩ đen tối.  Con đã tự đem mảnh trời u ám mặc lấy hồn mình.

Từ ý nghĩ xấu về tha nhân sẽ làm con xa tha nhân.  Từ chỗ xa cho đến chỗ nói thêm về tha nhân những điều họ không có là một bước rất gần.  Từ đó, bức tường ngăn cách cứ thế mà xây cao.  Nghi kỵ loang ra như một vềt dầu, làm hoen ố tất cả hồ nước xinh đẹp của cuộc sống.  Khi con xây tường cũng ngăn cách chính mình.  Thí dụ, Phúc Âm đã thuật lại thái độ của Pharisiêu.  “Các người thu thuế cùng những kẻ tội lỗi thường lui tới bên Ngài để nghe Ngài.  Và Biệt Phái kêu trách.  Họ nói: ông ấy tiếp nhận quân tội lỗi và cùng ăn với chúng” (Lc 15,1-2).  Thái độ của những người Pharisiêu luôn luôn là xét đoán.  Xét đoán đem đến đối nghịch.  Pharisiêu đã tự tách biệt họ ra, nhưng sự tách biệt này lại cô lập chính họ với ân sủng thiêng liêng là chính Chúa.

Phúc Âm dạy về xét đoán

Chỉ có Chúa mới thấu suốt tâm hồn mọi người, nên Chúa Cha đã dành quyền xét xử cho một mình Chúa mà thôi: “Mọi việc xử án ban cho Con” (Yn 5,22).  Như thế, khi con phán đoán để xét xử về một người là con giành quyền đó của Chúa.  Thánh Yacôbê cũng viết: “Xét đoán anh em là xét đoán Lề Luật.  Nếu ngươi xét đoán Lề Luật thì ngươi không còn là kẻ giữ Luật, mà là Thẩm Phán.  Chỉ có một Ðấng lập Luật và là Thẩm Phán, Ðấng có quyền cứu rỗi và tiêu diệt.  Ngươi là ai mà dám xét đoán đồng loại” (Yc 4,11-12).  Con lấy quyền không thuộc về con là con đã tái lập lại tội của Adong, Evà ngày xưa là “muốn trở nên như Thiên Chúa biết cả tốt xấu” (Kn 3,5).  Ý nghĩa sâu xa của tội xét đoán là ở đó, chứ không phải chỉ là gây bất công.

Với tiêu chuẩn của xã hội, khi thấy một người sa ngã, xã hội kết án ngay.  Kẻ bị kết án thì đau khổ một mình.  Nhưng nguyên nhân của sa ngã có thể là do một người khác đã rải gai xuống lối đi của họ.  Biết đâu những gai đó đã do chính con gây ra.

Hoàn cảnh, lương tâm của một người là vùng đất vô cùng thánh, con không thể dẵm chân vào được, chỉ có Chúa mà thôi.

Chúa đã căn dặn con trong Phúc Âm thánh Yoan rất chi tiết: “Ta không xét xử ai, và nếu ta có xét xử, thì án của Ta chân thật, vì Ta không chỉ một mình nhưng có Ta và Ðấng đã sai Ta” (Yn 8,15-16).  Trong mọi biến cố, Chúa cầu nguyện với Chúa Cha, rồi thi hành ý của Chúa Cha.  Riêng việc xét xử, thì chẳng những Chúa xét xử theo ý Chúa Cha, hơn nữa, Chúa không xét xử một mình, mặc dù đã được Chúa Cha trao quyền, mà Chúa lại còn xin Chúa Cha xét xử cùng với mình.  Cách cư xử cẩn thận của Chúa làm con lo sợ vì đã bao lần con quá coi thường, xét xử tha nhân.

Thánh Phaolô cũng căn dặn con: “Chính điều ngươi xét đoán kẻ khác, ngươi kết án chính mình ngươi” (Rom 2,1).  Và khi con xét đoán người khác là con “khinh thường kho tàng phong phú là lòng nhân từ, kiên nhẫn và quảng đại của Chúa” (Rom 2,4).

– Nếu con cần lòng nhân từ của Chúa đối với con thì tại sao lại khinh thường lòng nhân từ của Chúa với người khác?

– Nếu con cần lòng kiên nhẫn của Chúa để con có thời gian làm lại cuộc đời sau khi lầm lỗi thì tại sao con lại khinh thường lòng kiên nhẫn của Chúa với người khác?

– Nếu con cần lòng quảng đại của Chúa đối với sa ngã của con thì tại sao con lại khinh thường lòng quảng đại của Chúa với người khác?

Lạy Chúa, con cần ơn Chúa rất nhiều để kìm hãm mình khi con muốn xét đoán kẻ khác, vì đây là lời mời gọi cám dỗ rất nguy hiểm, nó đã gây nên biết bao đổ vỡ, xa cách.  Một thứ cám dỗ rất nguy hiểm được bao bọc bằng những lý do hết sức tinh vi.

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J – Trích trong “Nước Mắt và Hạnh Phúc”

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN