Home / Tiêu Điểm / Xem lại Chuyện Ân xá

Xem lại Chuyện Ân xá

Đức Phanxicô mở cửa thánh

Khi Đức Giáo hoàng Phanxicô mở Năm Thánh Lòng thương xót, ngài hứa rằng các Kitô hữu có thể có được đặc xá trong năm này. Điều này khiến nhiều người Công giáo La Mã thời nay, thậm chí cả người Tin Lành và phái Phúc âm, gãi đầu và hỏi vài câu hỏi khó: Người Công giáo vẫn còn dùng ân xá sao? Chúng ta chẳng học điều gì từ Luther và cuộc Kháng cách sao? Chúng ta thực sự tin rằng các hành động nghi thức nhất định, như đi qua những cánh cửa nhà thờ, sẽ thuận tiện hóa con đường lên thiên đàng sao?

Đây là những câu hỏi có có căn cứ và cần được giải đáp. Thực sự, ân xá là gì?

Trong tông sắc Dung mạc Lòng thương xót (Misericordiae Vultus) Đức Giáo hoàng Phanxicô nói thế này về lòng thương xót:

“Năm Thánh cũng bao gồm Ân Xá, một yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Thiên Chúa xót thương chúng ta vô bờ bến. Nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài, tình yêu xóa bỏ tội lỗi của con người. Việc giao hòa với Thiên Chúa trở nên khả thi nhờ mầu nhiệm Vượt Qua và qua trung gian của Giáo Hội. Thiên Chúa luôn sẵn sàng để thương xót, và không bao giờ mệt mỏi trong việc thương xót với những cách thức mới mẻ và bất ngờ. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về tội lỗi. Chúng ta biết mình được kêu gọi để trở nên hoàn thiện (x. Mt 5,48), nhưng chúng ta vẫn cảm thấy gánh nặng của tội lỗi. Chúng ta nhận ra sức mạnh của ân sủng đang biến đổi chúng ta, cùng lúc chúng ta cũng cảm nghiệm sức mạnh của tội lỗi đang chi phối chúng ta. Dù nhận được ơn tha thứ, chúng ta vẫn nghiệm thấy trong cuộc sống những mâu thuẫn phát sinh từ tội lỗi. Nhờ bí tích Hòa Giải, Thiên Chúa thứ tha tội lỗi, những tội ấy hoàn toàn bị xóa bỏ; tuy nhiên, vẫn còn đó những dấu vết xấu xa do tội lỗi để lại trong lối hành xử và cách suy nghĩ của chúng ta. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn mạnh hơn. Lòng thương xót trở thành những ân xá của Chúa Cha, qua trung gian Hiền Thê của Đức Kitô, được ban cho tội nhân vừa lãnh ơn giao hòa, sẽ giải gỡ người ấy khỏi tất cả những hậu quả của tội lỗi, để có thể hành động với đức ái và lớn lên trong tình yêu, hơn là lại rơi vào tội lỗi.

Giáo Hội sống trong tình hiệp thông với các thánh. Trong bí tích Thánh Thể, tình hiệp thông ấy, do Thiên Chúa ân ban, trở nên mối dây thiêng liêng nối kết các tín hữu với các thánh và các chân phước, một cộng đoàn đông đảo không sao đếm được (x. Kh 7,4). Sự thánh thiện của các ngài sẽ hỗ trợ cho sự mỏng dòn của chúng ta, và như thế, với lời cầu nguyện và đời sống của mình, Mẹ Giáo Hội có thể nâng đỡ sự yếu đuối của người này bằng sự thánh thiện của người khác. Lãnh nhận ân xá của Năm Thánh chính là vui hưởng lòng thương xót của Chúa Cha, với quyết tâm để cho ơn tha thứ của Ngài tác động trên toàn bộ đời sống người tín hữu. Ân xá cũng là cảm nghiệm sự thánh thiện của Giáo Hội đang thông ban tất cả hoa trái nơi công trình cứu độ của Chúa Kitô, để ơn tha thứ và tình yêu Thiên Chúa có được những kết quả tuyệt vời nhất. Chúng ta hãy sống Năm Toàn Xá này cách sốt sắng, hãy khẩn cầu Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và tuôn đổ chan hòa ân xá đầy xót thương của Ngài trên chúng ta.”*

Đức Giáo hoàng đang nói gì ở đây? Rõ ràng, ngài không dạy về khái niệm quá phổ biến và không chính xác rằng, ân xá là cách để rút ngắn thời gian trong luyện ngục. Đúng hơn, ngài đang gắn kết ý niệm ân xá với hai điều: Thứ nhất, ân xá là sự chấp nhận và mừng kính sự nhưng không tuyệt vời của lòng thương xót Chúa. Một ân xá có hiệu lực, là sự chấp nhận ý thức hơn về lòng khoan dung, là chấp nhận có ý thức về một tình yêu, lòng thương xót và sự tha thứ mà chúng ta hoàn toàn không xứng đáng. Tình yêu có thể khoan dung. Cha mẹ có thể khoan dung với con cái. Do đó bất kỳ lúc nào chúng ta cầu nguyện hay cử hành phụng vụ với ý xin ân xá, thì nghĩa là lời kinh và và phụng vụ đó khiến chúng ta ý thức hơn và biết ơn hơn về lòng thương xót khoan dung của Thiên Chúa. Chúng ta sống trong một lòng thương xót không tả nổi mà chúng ta hầu như không ý thức được. Trong Năm Thánh Lòng thương xót, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta có những lời kinh và việc làm cụ thể để cho chúng ta ý thức hơn về lòng thương xót khoan dung này.

Hơn nữa, Đức Phanxicô liên kết khái niệm ân xá với một khái niệm khác, cụ thể là sự hiệp nhất và chung lòng giữa chúng ta với nhau trong Thân thể Chúa Kitô. Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng mình hiệp nhất với nhau trong một mối dây hệ thống, thiêng liêng, vô hình và sâu sắc, một mối ràng buộc rất thật làm cho chúng ta nên một thân thể, với cùng dòng máu và sự sống chảy suốt tất cả chúng ta. Như thế, trong Thân thể Chúa Kitô, giống như trong mọi cơ thể sống, có một hệ miễn dịch nên nếu ai đó làm gì, dù tốt hay xấu, cũng ảnh hưởng đến toàn thân thể. Do vậy, như Đức Giáo hoàng xác nhận, bởi có một hệ miễn dịch duy nhất trong Thân thể Chúa Kitô, nên sức mạnh của người này có thể củng cố cho yếu đuối của người khác, những người nhận ân xá, nhận một ơn mà mình không xứng đáng.

Bước qua cửa thánh là ý thức hơn về lòng thương xót khoan dung của Thiên Chúa và về cộng đoàn sự sống tuyệt vời mà chúng ta là một phần sống trong đó.

*Bản dịch chính thức của Ủy Ban Giáo lý  – http://giaolyductin.org/misericordi-vultus-dung-mao-long-thuong-xot-tong-sac-mo-nam-thanh-ngoai-thuong-ve-long-thuong-xot.html

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Nguồn: Phanxicovn

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …