Home / Chia Sẻ / VƯỢT QUA HỘI CHỨNG BẤT HẠNH

VƯỢT QUA HỘI CHỨNG BẤT HẠNH

VƯỢT QUA HỘI CHỨNG BẤT HẠNHTheo một cuộc thăm dò chiều dọc gần đây của Gallup (2006-2021), mức độ bất hạnh đã gia tăng đáng kể và liên tục ở cấp độ toàn cầu – ngay trước và sau cuộc khủng hoảng Covid. Cuộc thăm dò năm 2022, Gallup cho biết: “Mọi người cảm thấy tức giận, buồn bã, đau đớn, lo lắng và căng thẳng hơn bao giờ hết.” Có lẽ đáng lo ngại hơn là tỷ lệ mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng ở người trẻ đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 10 năm – từ 8,1% (2009) lên 15,8% (2019), theo Tạp chí Sức Khỏe Vị Thành Niên (tháng 3-2022). Làm sao chúng ta có thể giải thích dữ liệu này?

Tôi cho rằng câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở cách phân tích triết học có từ thời Aristotle, phân tích thần học có từ thời Thánh Augustinô, và phân tích tâm lý do Abraham Maslow khởi xướng. Trong cuốn “The Four Levels of Happiness” (Bốn Cấp Độ Hạnh Phúc), tôi xây dựng dựa trên hai cách hiểu sâu sắc của Aristotle:

  1. Hạnh phúc là thứ bạn có thể chọn cho mình, mọi thứ khác đều được chọn vì hạnh phúc. Do đó, cách chúng ta định nghĩa hạnh phúc sẽ ảnh hưởng mọi quyết định chúng ta trong cuộc sống. Không gì có thể quan trọng hơn.
  2. Có những mức độ hạnh phúc mà những mức độ cao hơn lan tỏa, kéo dài và sâu xa, còn những mức độ thấp hơn thì lấy cái tôi làm trung tâm, tồn tại ngắn ngủi và hời hợt. Mức độ hạnh phúc cao hơn đem lại hạnh phúc lớn hơn và lâu dài hơn mức độ hạnh phúc thấp hơn. Nếu chúng ta chỉ sống cho những người thấp kém, chúng ta có thể sẽ cảm thấy trống rỗng, xa cách, không thỏa mãn, chán nản, lo lắng và đôi khi tuyệt vọng. Bốn cấp độ hạnh phúc là gì?

Cấp độ 1 (mức thấp nhất): Thỏa mãn những ham muốn thú vui vật chất – rượu ngon, nhà đẹp, vật chất dồi dào và thỏa mãn nhục dục. Mặc dù nó đem lại sự hài lòng ngay lập tức, hấp dẫn bề ngoài và tạo ra niềm vui, nhưng nó không vượt xa bản thân, không tồn tại lâu dài hoặc không tạo sự đóng góp chất lượng.

Cấp độ 2: Hạnh phúc so sánh với cái tôi – tìm kiếm sự thỏa mãn cái tôi và lợi thế so sánh. Nó đặt ra câu hỏi: Ai đạt được nhiều hơn và ai ít hơn? Ai thông minh hơn hay kém hơn? Ai có nhiều quyền lực hơn và ai ít hơn? Ai nổi tiếng hơn và ai ít hơn? Ai đẹp hơn và ai kém hơn? Càng có nhiều lợi thế so sánh trong các lĩnh vực này thì người đó càng hài lòng với cái tôi hơn. Mặc dù việc thỏa mãn cái tôi có thể khá mãnh liệt, nhưng khi nó trở thành mục đích – điều duy nhất sẽ làm chúng ta thỏa mãn, nó sẽ dẫn đến một loạt các trạng thái quan hệ và cảm xúc tiêu cực, kéo theo mức độ trầm cảm và lo lắng cao.

Mặc dù cấp độ 1 và 2 có thể tạo ra sự hài lòng mãnh liệt, nhưng việc nhấn mạnh quá mức vào chúng có thể tạo ra sự bất hạnh sâu sắc. Sự nhấn mạnh quá mức này nằm ở trung tâm của sự gia tăng đáng kể về sự bất hạnh trên toàn cầu được mô tả ở trên – đặc biệt là ở giới trẻ.

Kể từ khi xuất bản Văn Hóa Tự Yêu Mình của Lasch, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một cách thuyết phục rằng những người tự yêu mình không chỉ gây đau khổ cho cuộc sống của những người xung quanh mà còn cho chính cuộc sống của họ (nghiên cứu của NIH – National Institutes of Health, năm 2022). Như cuốn sách của tôi cho thấy, việc lựa chọn sống vì lợi ích so sánh bản ngã, sự ngưỡng mộ, sự thống trị người khác và cảm giác vượt trội sẽ dẫn đến gia tăng rõ rệt về tính ghen tị, mặc cảm, sợ mất lòng tự trọng, sợ thất bại, tủi thân, giận dữ bản ngã, tự trách mình, khinh thường, cô đơn, trống rỗng, trầm cảm và lo lắng do các trạng thái cảm xúc tiêu cực. Cấp độ 2, với tư cách là mục đích cuối cùng, gần như là sự tiêu cực thực sự. Vấn đề là văn hóa, phương tiện truyền thông xã hội và phương tiện truyền thông truyền thống hầu như chỉ tập trung vào quan điểm về hạnh phúc và mục đích trong cuộc sống. Ngày nay, 70% các nền văn hóa của chúng ta, đặc biệt là giới trẻ, đều theo quan điểm này (cả ngấm ngầm và rõ ràng). Không gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ trầm cảm, lo lắng, giết người và tự tử trong giới trẻ tăng gấp đôi.

Vậy làm thế nào để vượt qua nỗi bất hạnh sâu sắc này? Tóm lại, nhấn mạnh nhiều hơn vào hạnh phúc cấp độ 3 (đóng góp) và cấp độ 4 (siêu việt/tôn giáo). Hãy bắt đầu với cấp độ 3. Chúng ta không chỉ mong muốn nâng cao thế giới bản ngã của mình (cấp độ 2) mà còn tạo ra sự khác biệt tích cực cho thế giới xung quanh. Hầu hết mọi người đều mong muốn và cần tạo ra sự khác biệt tích cực cho gia đình, bạn bè, cộng đồng, nơi làm việc, nhà thờ, văn hóa, xã hội, và thậm chí cả Nước Chúa. Khi thực hiện các mong muốn này, chúng ta không chỉ đến gần với những người mà chúng ta đóng góp mà còn nhận được sự nâng cao về giá trị bản thân và mục đích trong cuộc sống. Nếu có đức tin, chúng ta cũng đến gần Thiên Chúa hơn. Điều này có thể giải thích tại sao các nghiên cứu cho thấy những người có định hướng phục vụ và đóng góp thì sẽ hạnh phúc hơn, thỏa mãn hơn và an toàn hơn về cá tính cũng như cuộc sống của họ. (nghiên cứu của NIH năm 2013)

Cấp độ 3 có đủ không? Kể từ thời Plato và Aristotle, phần lớn cộng đồng triết học, thần học và tâm lý học đã trả lời là “không.” Một nghiên cứu gần đây của Hiệp Hội Tâm Thần Hoa Kỳ, và nhiều nghiên cứu khác, cho thấy rằng khi so sánh với những người theo tôn giáo, những người không theo tôn giáo có tỷ lệ trầm cảm, lo lắng, lạm dụng chất gây nghiện, căng thẳng gia đình, chống đối xã hội, tự tử,… cao hơn nhiều. (Dervic và cộng sự 2004, Koenig 2009 và 2015, Bonelli và cộng sự 2012, Lassi và Mugnaini 2015, Ronenberg và cộng sự 2016) Nếu những nghiên cứu tâm lý và tâm thần này cũng như những nghiên cứu triết học và thần học về bản chất siêu việt của con người là đúng, thì hạnh phúc, sự thỏa mãn và bản sắc của chúng ta – chưa kể đến sự cứu rỗi vĩnh cửu của chúng ta – đều phụ thuộc vào việc thực hành tôn giáo, tâm linh. Có vẻ như Thánh Augustinô đã đúng khi cầu nguyện: “Vì Chúa đã dựng nên chúng con cho chính Ngài, và lòng chúng con bồn chồn cho đến khi được yên nghỉ trong Ngài.” (Tự Thuật, quyển 1)

Nhiều người trong chúng ta không thể nhảy vào đức tin chỉ vì nó sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn. Chúng ta muốn có một số bằng chứng cho thấy một thực tại siêu việt thiêng liêng (tức là Chúa) thực sự tồn tại và quan tâm chúng ta cũng như những lựa chọn của chúng ta. Trong cuốn sách của tôi (chương 11-12), tôi đưa ra bằng chứng khoa học và hợp lý đáng kể về Thiên Chúa (Tạo Hóa/quyền lực siêu việt) và cuộc sống sau khi chết từ các nghiên cứu y học được kiểm duyệt về trải nghiệm cận kề cái chết, sự minh mẫn cuối cùng và trí thông minh trong các bệnh nhân não úng thủy cũng như bằng chứng khoa học đương đại (đặc biệt là vũ trụ học) về sự khởi đầu (ngụ ý sự sáng tạo) của thực tại vật lý (cho dù đó chỉ là vũ trụ, đa vũ trụ, vũ trụ to lớn hoặc vũ trụ trong không gian đa chiều của lý thuyết chuỗi). Tôi cũng khám phá bằng chứng về trí thông minh siêu việt từ việc tinh chỉnh sự sống trong các điều kiện và hằng số ban đầu của vũ trụ cũng như những mong muốn siêu việt của chúng ta về sự thật, tình yêu, lòng tốt, vẻ đẹp và sự tồn tại hoàn hảo.

Điều thú vị là hầu hết các khoa học gia đều đồng tâm nhất trí về sự hiện hữu của Thiên Chúa và cuộc sống sau khi chết. Theo khảo sát mới nhất của tổ chức Pew, 51% khoa học gia (nói chung) và 66% khoa học gia trẻ tin vào Thiên Chúa hoặc một sức mạnh siêu việt. Ngoài ra, theo khảo sát mới nhất của Tạp chí Tôn Giáo và Sức Khỏe, 76% bác sĩ tin vào Thiên Chúa hoặc một sức mạnh siêu việt – và theo tổ chức nghiên cứu HCD và Viện Finkelstein, 73% bác sĩ tin vào thực tế của phép lạ (theo tự nhiên) và những hiện tượng khoa học không thể giải thích được. Có vẻ như những bằng chứng trên đã cho phép phần lớn các khoa học gia và bác sĩ đạt được niềm tin hợp lý, có niềm tin vào Thiên Chúa và sự quan phòng.

Niềm tin đơn giản vào Chúa có đem lại hạnh phúc, thỏa mãn và mục đích cao cả trong cuộc sống? Mặc dù nó giúp chúng ta đi tiếp nhưng vẫn chưa đủ. Những nghiên cứu trên chỉ ra rằng việc liên kết và thực hành tôn giáo mới là điều thực sự đưa hạnh phúc của chúng ta lên mức cao nhất, viên mãn nhất. Các tín hữu tham gia cộng đồng tôn giáo, cầu nguyện và cố gắng đến gần Chúa hơn về mặt tinh thần và đạo đức, không chỉ thấy mình hạnh phúc và mãn nguyện mà còn được cuốn hút vào sức mạnh yêu thương của Chúa Quan Phòng kéo họ hướng tới mục đích vĩnh cửu thực sự và phẩm giá của họ.

ROBERT SPITZER

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …