Khởi đầu Tháng Mười Một, Giáo hội Lữ hành chúng ta vừa Vui Mừng vừa Hy Vọng. Vui mừng vì chúng ta kính mừng Giáo hội Khải hoàn, và hy vọng vì chúng ta cầu nguyện cho Giáo hội Đau khổ.
- CÁC THÁNH VINH HIỂN
“Bởi vì Chúa mến chuộng dân Người, ban cho kẻ nghèo hèn được vẻ vang chiến thắng” (Tv 149:4).
Lễ các thánh sớm nhất từ đầu thế kỷ IV là lễ tưởng niệm các vị tử đạo. Đầu thế kỷ VII, sau khi những kẻ xâm lăng cướp phá các hầm mộ, ĐGH Boniface IV thu gom khoảng 28 toa xe lửa xương và đưa về để ở hầm bên dưới đền Pantheon (đền thờ chư thần ở Rôma). ĐGH thánh hiến đền này thành Đền thờ Kitô giáo, ngài muốn rằng việc kính nhớ các thánh được tôn kính ở nơi mà trước đây đã được dùng để thờ ma quỷ.
Nhưng việc tái dâng hiến đền Pantheon, cũng như việc tôn kính các vị tử đạo, xảy ra vào tháng Năm. Nhiều Giáo hội Đông phương vẫn tôn kính các thánh vào mùa Xuân, trong mùa Phục Sinh hoặc ngay sau lễ Hiện Xuống.
Tại sao Giáo hội Tây phương mừng lễ các thánh vào tháng 11 là vấn đề khó hiểu đối với các sử gia. Thần học gia Alcuin cho rằng lễ các thánh có từ ngày 1-11-800, như bạn của ông là ĐGM Arno, GP Salzburg, đã làm. Cuối cùng, Rôma theo ngày này từ thế kỷ IX.
- CÁC THÁNH ĐAU KHỔ
“Nếu chúng ta đã CÙNG CHẾT với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ CÙNG SỐNG với Người: đó là NIỀM TIN của chúng ta” (Rm 6:8).
Giáo hội khuyến khích cầu nguyện cho những người đã qua đời từ thời Kitô giáo làm việc bác ái. Thánh Augustinô viết: “Nếu chúng ta không quan tâm những người đã qua đời, chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ”. Các nghi lễ thời tiền Kitô giáo dành cho những người qua đời được giữ như việc tưởng tượng dị đoan, mãi đến thời Trung cổ mới chính thức cầu nguyện cho những người đã qua đời.
Giữa thế kỷ XI, Thánh Odilo, Viện phụ Dòng Cluny (Pháp), truyền cho các tu viện của dòng này phải cầu nguyện và dâng lễ cầu hồn vào ngày 2-11. Thói quen tốt lành này lan rộng từ Dòng Cluny tới cả Giáo hội hoàn vũ.
Sự củng cố về thần học đối với lễ này là việc nhận biết bản tính yếu đuối của con người. Vì một số người đạt được sự hoàn hảo ngay từ đời này, nhưng một số người vẫn còn dấu vết tội lỗi, họ cần thanh luyện trước khi được diện kiến Thiên Chúa. Công đồng Trentô xác định tình trạng ở luyện hình này và việc cầu nguyện của người còn sống có thể “rút ngắn” thời gian thanh luyện.
Nhưng sự dị đoan vẫn liên quan lễ này. Người Trung cổ tin rằng các linh hồn nơi luyện hình có thể xuất hiện vào ngày này ở dạng “phù thủy”, con cóc hoặc ma trơi (will-o’-the-wisps). Thực phẩm đặt ở nghĩa địa được coi là để an ủi những người qua đời. Tuy nhiên, tính tôn giáo của lễ này vẫn còn, trong đó có việc rước hoặc viếng nghĩa địa và trang trí mộ bằng hoa, đèn, nến.
TRẦM THIÊN THU