Thánh Vịnh mời gọi: “Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ, vào trước thánh nhan Ngài giữa tiếng hò reo.” (Tv 100:1-2) Thật là vinh dự lớn lao khi được phụng sự Chúa, điều này sẽ khiến chúng ta vui mừng, và thậm chí còn hơn cả vui mừng, hoan hỷ. Nhưng chúng ta có đang phụng sự Chúa không? Chúng ta làm thế nào? Những cách chính mà chúng ta phụng sự Chúa là thờ phượng Ngài trong Thánh Lễ, lời cầu nguyện, khi thực hiện các công việc thương xót về tinh thần và thể xác, nhưng chúng ta cũng có thể phụng sự Ngài theo những cách khác.
Tất cả cuộc sống của chúng ta phải phục vụ Thiên Chúa trong những hoàn cảnh, sự kiện và trách nhiệm mỗi ngày. Đó là cách các thánh đã sống, và đó cũng là cách chúng ta có thể sống. Chúng ta có thể phục vụ Thiên Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống, mỗi ngày, mọi nơi và mọi lúc. Cách dễ nhất để làm điều này là dâng ngày của chúng ta cho Ngài bằng cách dâng lễ buổi sáng. Sau đó, mọi thứ chúng ta làm trong suốt cả ngày đều được dâng Ngài như một lời cầu nguyện. Ngày của chúng ta cũng có thể được dâng cho một ý chỉ cụ thể, chẳng hạn cầu cho một bệnh nhân hoặc cho hòa bình trên thế giới. Dâng lễ buổi sáng, tôi thường cầu cho các linh mục.
Dâng những đau khổ, bệnh tật, khó khăn và bất tiện của chúng ta là một cách khác để phục vụ Thiên Chúa. Mặc dù chúng ta có thể không vui về hoàn cảnh của mình, chúng ta vẫn có thể trải nghiệm niềm vui bằng cách ở gần Chúa Giêsu và biết rằng bằng cách dâng hiến những đau khổ của chúng ta cho Ngài và kết hợp chúng với những đau khổ của Ngài trên Thập Giá, chúng ta có thể giúp cứu rỗi các linh hồn.
Thường có những việc chúng ta không thích làm hoặc miễn cưỡng làm vì chúng cần thiết, chẳng hạn như hút bụi, đánh máy báo cáo hoặc đi đâu đó trong tình trạng giao thông đông đúc. Bằng cách nhớ lại rằng những gì chúng ta đang làm là chúng ta đang làm cho Chúa, chúng ta có thể vượt qua những cảm xúc tiêu cực và thực hiện nhiệm vụ với niềm vui, vì tình yêu dành cho Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta rất nhiều.
Một người bạn linh mục nhắc nhở tôi rằng chúng ta cũng có thể dâng những trải nghiệm hạnh phúc trong ngày của mình. Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều phúc lành mỗi ngày và nhiều lý do để biết ơn Ngài. Lời cầu nguyện buổi sáng truyền thống bao gồm cả việc dâng những đau khổ và niềm vui trong ngày của chúng ta, mọi thứ đều có thể dâng Chúa như một lời cầu nguyện.
Mọi người đều phục vụ Thiên Chúa theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh sống, công việc, bổn phận, sức khỏe, tuổi tác và nghề nghiệp của mình. Ví dụ, tôi phục vụ Chúa như một người mẹ tâm linh và một người viết văn. Một người mẹ chăm sóc con cái, một y tá chăm sóc bệnh nhân, một thợ máy sửa xe, một kế toán viên kiểm tra hồ sơ kinh doanh và một học sinh làm bài kiểm tra,… đều là những ví dụ về những người thực hiện các nhiệm vụ thông thường trong công việc hằng ngày mà họ có thể dâng Thiên Chúa. Có nhiều cơ hội để phục vụ Thiên Chúa mỗi ngày.
Chúng ta có thể sử dụng những tài năng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để phục vụ Ngài. Khi chúng ta sử dụng tài năng để tôn vinh Ngài, điều đó đem lại cho chúng ta niềm vui. Tôi nghĩ rằng những tài năng của chúng ta có ý dâng Chúa trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, không chỉ trong sự nghiệp hoặc việc tông đồ. Ví dụ, một người có tài viết lách có thể viết thư cho bạn bè và người thân như một cách để giữ liên lạc và gửi thiệp cho những người sống trong viện dưỡng lão vào các dịp lễ, tết. Một người có tài nấu ăn có thể nấu những bữa ăn ngon cho gia đình họ và tình nguyện nấu ăn cho một bà mẹ mới sinh hoặc một người vừa trở về nhà từ bệnh viện.
Giống như các thánh, chúng ta có thể ở gần Thiên Chúa suốt cả ngày. Ngay cả khi chúng ta bận rộn, chúng ta vẫn có thể nhớ rằng Ngài ở cùng chúng ta và yêu thương chúng ta. Trong khoảnh khắc đó, hãy dành một vài phút để nói chuyện với Ngài qua lời cầu nguyện, nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không làm việc cho chính mình mà làm việc cho Ngài, như Thánh Phaolô khuyên: “Anh em có làm gì nói gì, hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Ngài mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3:17)
LOUISE MERRIE
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)