Home / Chia Sẻ / VUI BUỒN THÁNG BẢY

VUI BUỒN THÁNG BẢY

VUI BUỒN THÁNG BẢYCó phải con người bị hacker đã cài đặt mặc định phần mềm gián điệp “BaTaLaChu” (bà tám lắm chuyện) chăng? Bởi vì không hiểu sao mà ngày nào người ta cũng thích nói liên tu bất tận (thật ít, giả nhiều – thế mới khổ!). Lúc nào người ta cũng có đủ thứ chuyện trên trời dưới đất để nói– từ Âu sang Á, từ đời tới đạo, từ xạo tới lừa, từ cổ tới kim, từ Nam ra Bắc,… Trong đó có hân hoan chuyện vui thì cũng có ngậm ngùi chuyện buồn.

Mỗi mùa đều có nét đặc trưng, mỗi tháng cũng vậy. Theo âm lịch, Tháng Bảy có liên quan chuyện tình yêu: Mưa Ngâu – chuyện tình Ngưu Lang và Chức Nữ.

Theo Phụng Vụ, Tháng Bảy cũng liên quan tình yêu – lòng thương xót: Tháng biệt kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, và tất nhiên liên quan chức linh mục do chính Chúa Giêsu thiết lập khi cùng các môn đệ ăn mừng Đại Lễ Vượt Qua.

Trước đó, trong thời gian đi rao giảng Nước Trời, Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Ngài nói với môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9:37-38). Việc truyền giáo và cầu nguyện cho việc truyền giáo luôn quan trọng và cấp bách.

  1. VẤN ĐỀ ƠN GỌI

Trên trang NCRegister.com có cuộc đối thoại giữa Joan Frawley Desmond và Tiến sĩ Paul Vitz – một học giả thuộc Viện Tâm Lý và là giáo sư danh dự Khoa Tâm Lý thuộc ĐH New York. Ông cũng là giáo sư phụ giảng tại Viện Gioan Phaolô II về Hôn nhân và Gia đình tại Washington (Hoa Kỳ).

Mối quan tâm của ông gồm cách mà tôn giáo liên quan tâm lý học, và ông đã xuất bản cuốn “Psychology as Religion: The Cult of Self-Worship, Faith of the Fatherless: the Psychology of Atheism and Sigmund Freud’s Christian Unconscious” (Tâm Lý như Tôn Giáo: Giáo Phái Tự Tôn thờ, Niềm Tin Mồ Côi: Tâm Lý Học của Thuyết Vô Thần và Tiềm Thức Kitô Giáo của Sigmund Freud).

Học giả Vitz đã phát biểu tại Washington, D.C.,trong một hội nghị chuyên đề về việc thành lập chủng viện. Hội nghị này do Viện Tâm lý Học (Institute for the Psychological Sciences) tổ chức.

  1. VIỆC HÌNH THÀNH TÂM LINH TÂM LÝ THAY ĐỔI BAO NHIÊU?

Có hai điều xảy ra. Cách mà tâm lý học được dùng trong quá khứ đã có hại vì các xu hướng của việc dùng tâm lý học, nhất là với sự tôn trọng đối với các vấn đề về giới tính. Các tâm lý gia thường thúc đẩy các vấn đề thế tục và tự do cũng như tình trạng bị tục hóa và tự do hóa về cách tiếp cận và các vấn đề cá tính.

Thái độ của truyền thống Công giáo thường được hệ thống hóa còn non nớt (immature) hoặc khắt khe (rigid). Các ứng sinh vào chủng viện có niềm tin chính thống bị loại (excluded), còn những người có thái độ không truyền thống lại được chấp nhận và khuyến khích.

  1. KHI NÀO BẮT ĐẦU CÓ SỰ THAY ĐỔI?

Mới đây đã có thay đổi vì chính tâm lý học đã cải thiện và ít đối nghịch với tôn giáo. Hệ quả rất tiêu cực của các vụ bê bối về tình dục đã làm rõ ràng là chúng ta chưa dung thứ nhiều về cách hiểu thế tục đối với giới tính.

Tâm lý học hiện nay ít tin tưởng sự chiến thắng của quan niệm lý tưởng và tự do. Cách nhìn toàn bộ của các thập niên 1960 và 1970 đã suy tàn. Việc lạm dụng tâm lý học là một phần trong hệ tư tưởng thời đại (zeitgeist) của các thập niên 1960 và 1970. Viện tâm lý học đang nỗ lực cung cấp một dạng tâm lý học lành mạnh có thể hữu ích cho các bệnh nhân và các cơ sở Công giáo cần chuyên môn này.

  1. HIỆN NAY CÁC GIÁM ĐỐC CHỦNG VIỆN ĐEM LẠI MỐI QUAN TÂM NÀO?

Có những mối quan tâm lâu năm nhất. Nhưng cũng có những mối quan tâm mới, chẳng hạn như hệ quả của các gia đình tan vỡ ảnh hưởng khả năng của ứng sinh về việc phục vụ trong chức vụ linh mục. Vấn đề nghiện hình ảnh “đen” trong quá khứ. Ít thường xuyên hơn là các ứng sinh bị gia đình thúc ép làm linh mục. Vấn đề như vậy xảy ra trong các gia đình Công giáo tương đối bảo thủ bị rút ra khỏi văn hóa, và các ứng sinh cố gắng làm vui lòng cha mẹ. Thật ra các chủng sinh phải tự do chọn lựa chức linh mục và phải được kêu gọi tới chức linh mục. Ơn gọi đó có thể khó nhận thấy nếu cá nhân bị sức ép.

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CŨ TIẾP TỤC LIÊN QUAN CHỦNG VIỆN VẪN CHE MẮT CÁC ỨNG SINH LÀ GÌ?

Các vấn đề truyền thống về sự chín chắn và ý muốn tự do. Họ phải chín chắn về tình cảm và có tính cách tốt. Họ nên có trí thông minh và mức học vấn trên trung bình. Họ phải có khả năng là người cha tinh thần cho các giáo dân, và đó là vai trò quan trọng khi chúng ta có quá nhiều những người con phải chịu đựng vì thiếu vắng người cha trong cuộc sống. Nhưng tầm quan trọng của người cha lại thường xuyên bị chất vấn trong văn hóa của chúng ta.

Có điều rất lý tưởng trong tài liệu tâm lý về tầm quan trọng của người cha, ngay khi nhiều người vẫn bám vào động thái tự do thế tục dở hơi làm giảm giá các gia đình nguyên vẹn.

  1. NHIỀU NGƯỜI NÓI VỀ VIỆC BỊ GÒ BÓ, KHÔNG BIẾT VAI TRÒ CỦA HỌ NÊN LÀ GÌ TRONG THẾ GIỚI HẬU BÌNH ĐẲNG. TẠI SAO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, ĐA SỐ SINH VIÊN LÀ NỮ?

Sự thay đổi về tính đồng nhất nam giới ảnh hưởng công việc của các giám đốc chủng viện. Thật vậy, tôi nghĩ có nhiều người biết điều, họ đang đặt vấn đề về giá trị và chi phí cho giáo dục đại học. Điều đó có còn là sự đầu tư đúng hay không?

Theo phán đoán của tôi, những gì đang diễn ra tại các trường đại học không quan trọng lắm. Tuy nhiên, sự thiếu vắng tính đồng nhất nam giới rõ ràng lại là vấn đề quan trọng hơn.

Ngày nay, chúng ta cần hiểu về cương vị người cha là “đá góc tường” (capstone) của sự phát triển nam tính, cũng như cương vị người mẹ là “đá góc tường” của sự phát triển nam tính. Nhưng tầm quan trọng của cương vị người cha bị làm ngơ. Văn hóa đề cao chất nam tính của James Bond là lôi cuốn giới tính và mạnh mẽ, và cách đó cổ vũ sự non nớt (chưa chín chắn). Thường thì người cha quan trọng, nhưng hiện nay họ lại bị coi thường. Khủng hoảng về văn hóa là khủng hoảng về người cha.

  1. NHIỀU THANH NIÊN BỊ NGƯỜI CHA BỎ RƠI, NHƯNG HỌ ƯỚC MUỐN LÀM LINH MỤC?

Họ xuất thân từ nền văn hóa do vấn đề này. Thường thì các chủng sinh có những người cha tốt thay thế– đôi khi các linh mục có thể trở thành người cố vấn cho họ.

  1. CÓ MỘT THANH NIÊN VÀO CHỦNG VIỆN SAU KHI HOÀN TẤT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ IRAQ. TỔNG GIÁO PHẬN LO VỀ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ VÀ ĐÃ NHỜ MỘT VỊ LINH HƯỚNG ƠN GỌI KHUYẾN KHÍCH KHOẢNG 30 ỨNG SINH NHẬP CHỦNG VIỆN. ĐIỀU GÌ XẢY RA TRONG VIỆC THI HÀNH NGHĨA VỤ QUÂN SỰ, MẶC DÙ THIẾU LINH MỤC TUYÊN ÚY? CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ CÁCH PHÁT TRIỂN NÀY?

Con trai tôi đi Hải quân 4 năm, nó đã đi khắp Baghdad với cương vị sĩ quan Hải quân. Nó cảm thấy có ơn gọi khi vào nhà thờ hầm Vô Nhiễm ở Washington, D.C., và nó đi lễ ở đó. Tại Iraq, nó tham gia một nhóm nhận thức (discernment group) trong đơn vị.

Có điều gì đó về chiến tranh làm nó tập trung vào các vấn đề quan trọng – trong khi nhiều thanh niênở Mỹcố gắng phát triển mục đích. Nhưng những người đang tại ngũ đáp lại tiếng gọi chỉ là số ít trong số các ứng sinh.

  1. CÓ LẦN GIÁO HỘI CÓ CÁC TIỂU CHỦNG VIỆN, VÀ Ở MỘT SỐ NƠI TRONG THẾ GIỚI THỨ BA, HỌ VẪN TIẾP TỤC. THEO SAU CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC CỦA CÁC GIÁO SĨ, VIỆC ĐƯA CÁC THIẾU NIÊN NAM RA KHỎI XU HƯỚNG VĂN HÓA ĐÓ VÀ TÁCH CHÚNG RA BẰNG CÁCH ĐƯA VÀO CÁC TIỂU CHỦNG VIỆN ĐƯỢC COI LÀ ĐỂ KHUYẾN KHÍCH SỰ THIẾU CHÍN CHẮN VỀ GIỚI TÍNH. QUAN ĐIỂM VỀ VIỆC NÀY LÀ GÌ TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY?

Theo hiểu biết của tôi, các vụ bê bối lạm dụng tình dục không có gì phải làm đối với các tiểu chủng viện. Chúng ta thường thấy nhiều, và với hàng ngàn thiếu niên nam. Về lịch sử, nhiều linh mục đã được đào tạo, và đó là một phần trong chương trình đào tạo từ thời sơ khai của Giáo hội.

Vào thập niên 1960, rõ ràng những gì xảy ra là đạo Công giáo nơi các tiểu chủng viện đã phai mờ. Số các ứng sinh giảm và hầu hết các cơ sở đó bị đóng cửa, nhưng đã có cách canh tân về mối quan tâm trong các chương trình này.

  1. HÊN CHUYỆN VUI –XUI CHUYỆN BUỒN

Ngày xưa, Chúa Giêsu rong ruổi khắp nơi suốt ba năm trời để thi hành sứ vụ Chúa Cha ủy thác, Ngài đã gọi 12 môn đệ là những người rất ư bình thường, không giỏi giang xuất chúng, bởi vì Thiên Chúa chỉ cần tình yêu mến của họ dành cho Ngài.

Phêrô là người mà Chúa Giêsu biết sẽ chối Ngài, nhưng Ngài cũng biết ông yêu mến Ngài nhiều. Rồi Ngài đã ba lần hỏi ông có yêu mến Ngài không, và ông đều trả lời “có” (Ga 21:15-17). Đó là Ngài muốn ông tự xác định chứ không phải Ngài không biết nên cần thử lòng. Mátthêu là dân thu thuế, giới này bị người ta coi là tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu vẫn gọi ông, và ông đã mau mắn bỏ mọi sự để đi theo Ngài (Mt 9:9; Mc 2:13-14; Lc 5:27-28).

Có những vị đại thánh cũng đã từng là những người tội lỗi – như Thánh Augustinô (354-430) đã từng là dân ăn chơi phóng đãng, hoặc Chân phước Bartolo Longo (1841-1926) đã từng rời bỏ đức tin và theo giáo phái Satan. Và còn nhiều trường hợp khác nữa. Nhưng rồi họ đã tỉnh ngộ, hoán cải và trở thành tông đồ nhiệt thành của Thiên Chúa.

Ngày nay, khắp thế giới cũng có rất nhiều trường hợp trở thành linh mục rất lạ lùng. Ngay tại Việt Nam cũng không thiếu. Chẳng hạn, Lm Trần Văn An (Dòng Biển Đức Thiên Bình) đã từng hư hỏng, xì ke ma túy, vào tù ra khám; hoặc cố Lm Nguyễn Viết Chung (CM – Tu hội Truyền giáo Vinh sơn, 1955-2017) trước đó là một bác sĩ Phật giáo, nhưng ngài đã bỏ sự nghiệp để bước theo tiếng gọi của Thầy Giêsu.

Cuộc đời luôn có những điều đan xen kỳ diệu, có khi kỳ cục hoặc kỳ quặc. Giáo Hội trần thế là Giáo Hội chiến đấu, cũng có nhiều vấn đề phức tạp. Nhưng chắc chắn ma quỷ cũng không thể làm gì được, bởi vì Chúa Giêsu đã minh định với Giáo hoàng tiên khởi Phêrô: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16:18).

Có những cái phải thì cũng có những cái trái, có lúc hên chuyện vui thì cũng có khi xui chuyện buồn, như người Việt có câu: “Con sâu làm rầu nồi canh”. Thực tế đôi khi rất phũ phàng. Cái xấu như cái gai làm chúng ta bị thương, vết thương đó lớn hay nhỏ cũng dễ “chạm” vào nó, khiến chúng ta đau đớn và dễ bị tổn thương.

Thật vậy, trong thời gian này Giáo Hội tại Chile đang bị khuynh đảo vì chuyện giáo sĩ lạm dụng tính dục. Tình trạng đó liên quan Lm Fernando Karadima (sinh năm 1930), thuộc Gx Thánh Tâm Chúa Quan Phòng (Chile), bị phát hiện từ đầu năm 1984, và đã bị kết án tù chung thân. Buồn lắm, nhưng đó là công lý!

Và cũng thật buồn bởi vì Giám mục Juan Barros Madrid, GP Osorno, đã bao che cho linh mục kia. Trung tuần tháng 6-2018, ĐGH Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của ba giám mục Juan Barros Madrid (GP Osorno), Cristián Caro Cordero (GP Puerto Montt), và Gonzalo Duarte García de Cortázar (GP Valparaíso). Vừa qua, TGP St. Paul và Minneapolis đã phải chi 210 triệu USD cho 450 nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tính dục. Luật sư của các nạn nhân, ông Jeff Anderson, nói rằng tổng số tiền 210.290.724 USD sẽ được chi trả cho những người còn sống, mỗi người được nhận một số tiền nhất định.

Từ những năm 1980, thiếu niên Jim Keenan đã bị một linh mục lạm dụng; còn thiếu niên Marie Mielke bị lạm dụng trong thời gian từ năm 1997 tới năm 2000, người lạm dụng là một đại chủng sinh và trở thành linh mục của TGP St. Paul. Chắc chắn chấn thương tâm lý nơi các nạn nhân rất khó chữa lành!

Ăn no rửng mỡ. Giáo sĩ là người phục vụ mà cứ khoái được phục vụ. Sướng quá hóa hư thân. Thế nên ĐGH Phanxicô đã mạnh mẽ lên tiếng nói rằng Giáo Hội PHẢI “nói thẳng, nói thật”. Bao che là đồng lõa. Người ta càng lo sợ thì càng che giấu, càng che giấu thì càng nguy hiểm, và chỉ có sự thật mới khả dĩ giải thoát chúng ta (x. Ga 8:32). Có bệnh mà không chịu chữa thì chỉ có chết mà thôi!

Thánh Phaolô đã từng nhắc nhở Gm Timôthê: “Tôi nhắc phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh, đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa, nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2 Tm 1:6 và 8).

Lạy Thiên Chúa công minh chính trực, xin giúp chúng con biết chân nhận chính mình để khiêm nhường đúng mức, sẵn sàng dấn thân phục vụ đúng Tôn Ý Ngài, can đảm bảo vệ chân lý và công lý. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …