Home / Chia Sẻ / Vô thần và Đức tin

Vô thần và Đức tin

Ronald Rolheiser, 2010-11-14

Cách của Chúa không phải là cách của chúng ta! Điều này thật sự là đúng hơn chúng ta thường nghĩ.

Chúa là bất khả tư nghì. Có nghĩa là không thể nào nắm bắt Chúa trong suy nghĩ hay hình dung Chúa trong tưởng tượng của chúng ta. Chân lý này là một trong những điều đầu tiên mà giáo hội khẳng định trong hiểu biết về Chúa, được coi là một tín điều ở Công đồng Lateran IV, năm 1215, rằng, về mặt siêu hình học, Chúa rất khác so với bất kỳ điều gì chúng ta biết hay tưởng tượng, đến nỗi tất cả mọi khái niệm và ngôn ngữ của chúng ta có về Chúa đều luôn luôn phiến diện chứ không đầy đủ. Có thể biết Chúa, nhưng không bao giờ có thể hình dung hay nắm bắt Chúa trong suy nghĩ.

Tại sao không? Tại sao chúng ta không bao giờ có thể hình dung hình ảnh Chúa hay nói về Chúa một cách đầy đủ?

Bởi vì Chúa là vô hạn mà trí óc chúng ta thì hữu hạn. Theo định nghĩa, sự vô hạn không bao giờ có thể đặt vào bất kỳ khuôn khổ nào. Điều này nghe có vẻ trừu tượng, nhưng không phải vậy. Chẳng hạn: Bạn cố tưởng tượng con số nào lớn nhất bạn có thể đếm được. Ngay lập tức bạn nhận ra rằng đó là điều không thể, bởi vì các con số là vô hạn, và bao giờ cũng còn một con số lớn hơn con số mình nghĩ ra. Không thể nào nghĩ ra được con số nào lớn nhất. Điều này thậm chí còn đúng hơn đối với bất kỳ hình ảnh nào mà chúng ta cố gắng tưởng tượng để hình thành một hình ảnh về Chúa và cái cách chúng ta cố gắng hình dung về sự tồn tại của Chúa. Chúa là vô hạn mà sự vô hạn thì không thể nào nắm bắt được hay hình dung được trong bất kỳ suy nghĩ hữu hạn nào.

Hiểu được vậy là điều rất quan trọng, không phải để bảo vệ một luận điểm lý thuyết nào đó, mà để chúng ta hiểu được về đức tin. Chúng ta có xu hướng đánh đồng đức tin yếu với sự tưởng tượng yếu, cũng y như việc chúng ta có khuynh hướng đánh đồng vô thần với việc thiếu khả năng hình dung về sự hiện diện của Chúa.

Chẳng hạn, hãy hình dung hai cảnh khác nhau trong cuộc sống của bạn: Trường hợp thứ nhất: bạn vừa trải nhiệm phút thăng hoa tôn giáo. Thông qua cầu nguyện hay một trải nghiệm tôn giáo hay trải nghiệm con người, bạn có một cảm tưởng mạnh mẽ về Chúa ngay trong thực tại. Ở giây phút cụ thể đó, bạn cảm thấy chắc chắn Chúa tồn tại, và có một cảm nhận rõ rành rành rằng Chúa có thực. Đức tin của bạn mãnh liệt. Không chừng bạn có thể đi trên mặt nước được! Rồi tưởng tượng một lúc khác: Bạn nằm trên giường, trăn trở, bứt rứt, thấy xung quanh hỗn loạn, đăm đăm nhìn vào đêm tối, không thể nào hình dung về sự tồn tại của Chúa, và không thể nào coi mình là có đức tin. Dù cố gắng mấy đi nữa, bạn cũng không thể nào gợi lên bất kỳ cảm nhận nào rằng Chúa tồn tại. Bạn cảm thấy mình là người vô thần.

Liệu điều đó hàm ý trong trường hợp đầu bạn có đức tin mạnh, còn trường hợp thứ hai thì đức tin yếu hay không? Không. Nó có nghĩa là ở lúc này bạn có một sự tưởng tượng mạnh mẽ còn lúc kia bạn có sự tưởng tượng yếu. Đức tin vào Chúa không được nhầm lẫn với khả năng tưởng tượng ra hay không tưởng tượng ra sự tồn tại của Chúa. Sự vô hạn không thể bị đặt vào bất kỳ khuôn khổ nào của sự tưởng tượng. Có thể biết Chúa, nhưng không thể hình dung một hình ảnh về Chúa. Có thể trải nghiệm Chúa, nhưng không thể tưởng tượng ra Chúa.

Nicholas Lash, trong một bài viết hết sức sâu sắc về Chúa và đức tin, cho rằng vị Chúa mà người vô thần chối bỏ, rất nhiều khi chỉ là một ngẫu tượng của trí tưởng tượng của chúng ta: Chúng ta chẳng cần làm gì nhiều nhặn, chỉ cần để ý là phần lớn những người cùng thời vẫn thấy “hiển nhiên” rằng chủ nghĩa vô thần không những là chuyện có thể, mà còn lan tràn, và về mặt trí tuệ lẫn đạo đức, nó có nhiều điều đáng được khen ngợi. Điều đó có thể đáng hoan nghênh nếu vô thần là không tin có “một người không có cơ thể” mà “bất tử, tự do, có thể làm bất cứ điều gì, biết bất cứ điều gì” và “chính là đối tượng đúng đắn để con người thờ phụng và tuân theo, vị sáng tạo và duy trì vũ trụ.” Tuy nhiên, nếu chúng ta nói “Chúa” theo nghĩa là sự bí ẩn, thể hiện trong Chúa Kitô, từ không thành có, thì mọi thứ, mọi sự vật đều liên quan đến Chúa trong từng chuyển động và từng mảnh hiện thể của mình, dù chúng/họ có để ý điều đó và có cho là như vậy hay không. Chủ nghĩa vô thần, nếu có nghĩa là coi không liên quan gì tới Chúa, là tự mâu thuẫn chính mình, và nếu nó thành công thì sẽ tự diệt.

Thomas Aquinas có một câu mà nhiều người biết đến: Chúa là hiển nhiên/tự bản thân đã rõ ràng không cần chứng minh, mặc dù không phải là hiển nhiên đối với chúng ta. Một cha dòng Hiến sĩ bạn tôi có cách diễn đạt  điều này ít mang tính triết học hơn. Ông thích nói rằng: “Chúa, theo như tôi hiểu, là không dễ hiểu.” Điều đó đúng với tất cả chúng ta, theo những cách sâu sắc hơn ta tưởng.

Khi nhà tiên tri I-sa-ia thấy Chúa trong thị kiến, tất cả những gì ông có thể làm là lắp bắp những từ: Thánh, thánh, thánh, Chúa là Chúa của các đạo binh! Nhưng chúng ta hiểu nhầm ý ông muốn nói bởi vì chúng ta hiểu “thánh” theo sắc thái luân lý của từ này, là đức hạnh. Tuy nhiên, I-sa-ia nói từ đó theo sắc thái siêu hình của nó, nghĩa là nói tới sự siêu việt, tính chất khác của Chúa, sự khác biệt của Chúa so với chúng ta, tính chất bất khả tư nghì của Chúa. Cốt yếu, ông nói rằng: Khác, hoàn toàn khác, hoàn toàn bất khả tư nghì, là Thiên Chúa các đạo binh!

Việc chấp nhận rằng Chúa là bất khả tư nghì và rằng tất cả suy nghĩ của chúng ta và những kiến tạo tưởng tượng của chúng ta về Chúa là phiến diện sẽ giúp ích chúng ta theo hai cách: Chúng ta thôi không đánh đồng đức tin với khả năng tưởng tượng của mình, và, quan trọng hơn, chúng ta thôi không tạo ra Chúa theo tưởng tượng của riêng mình và giống minh.

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: phanxicovn

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …