Home / Chia Sẻ / VÔ DỤNG

VÔ DỤNG

vo-dungVô dụng là không có ích lợi. Kẻ vô dụng là người vô tích sự, chẳng làm nên trò trống gì, hoặc sống bám người khác. Kẻ vô dụng không được ai ưa, chẳng được ai thích, và bị nguyền rủa: “Đồ vô dụng!”.

Người ta có thể cảm thấy mình vô dụng về một lĩnh vực nào đó. Cảm giác đó có thể là khiêm nhường, có thể là mặc cảm hoặc tự ti, cũng có thể do nhút nhát. Thật tốt khi biết khiêm nhường nhận mình là vô dụng, nhưng nên tránh cảm giác thấy mình vô dụng vì tự ti mặc cảm. Khi cảm thấy mình “yếu đuối”, bất kỳ ai cũng cần được hỗ trợ hoặc cần được khuyến khích.

Không chịu nổi những điều chướng tai, gai mắt, ngôn sứ Kha-ba-cúc đã từng thắc mắc với Thiên Chúa: “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên: ‘Bạo tàn!’ mà Ngài không cứu vớt?” (Kb 1:2). Rất thẳng thắn! Tại sao? Vì ông cảm thấy “ngứa mắt” và “ngứa tai” trước những điều ác xảy ra hàng ngày: “Sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài, còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau? Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn, chỗ nào cũng thấy tranh chấpcãi cọ. Vì thế, Luật không được tuân giữ, công lý chẳng còn thấy xuất hiện, vì kẻ gian ác bủa vây người công chính nên chỉ còn thứ công lý vạy vọ” (Kb 1:3-4).

Thời nào cũng có bất công, đặc biệt là ở thời chúng ta đang sống! Người có tính bộc trực, thích thẳng thắn thì không thể đứng lặng hoặc ngồi yên, thế nên họ bức xúc mà phải nói. “Thuận ngôn” luôn gây “nghịch nhĩ”, và lời thật cũng thường làm mất lòng. Họ nói ra thì bị ghét, bị kèn cựa, bị trù dập. Thật rắc rối: “Dốt nát bị khinh, thông minh bị ghét”. Kiểu nào cũng khổ. Không thể nào vừa lòng được mọi người. Thà bị ghét chứ đừng để bị khinh! Có một “thực tế buồn” mà người ta thường nói: “Thẳng thắn thường thua thiệt, lươn lẹo lại lên lương”. Chúa Giêsu nói: “Con cái đời này khôn ngoan hơn con cái sự sáng” (Lc 16:8). Tại sao? Vì sự công chính là kẻ thù của con cái ma quỷ (x. Cv 13:10).

Hãy vững tin và hân hoan vì chúng ta có Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ hữu dụng chứ không vô dụng. Tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn” (Tv 95:1-2). Thánh Vịnh 95 rất quen thuộc, vì được Giáo hội sử dụng hằng ngày trong Kinh Nhật Tụng.

Không nên thần tượng bất kỳ ai. Chỉ có Thiên Chúa mới chính là Thần Tượng của chúng ta: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95:6-7). Tác giả Thánh Vịnh nói “ước gì”, nhưng thật ra là chính bổn phận và nhiệm vụ của chúng ta. Thiên Chúa vừa khuyên nhủ vừa khuyến cáo: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm” (Tv 95:8-9). Có nhiều kiểu cứng lòng”, mỗi người mỗi kiểu và với mức độ khác nhau. Nếu không cứng lòng thì chúng ta đâu có phạm tội phản nghịch Ngài!

Khi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của giám mục Timôthê, nhờ lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít và nơi bà cố Êu-ni-kê (ngoại và mẹ của GM Timôthê), Thánh Phaolô nói: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2 Tm 1:6-8). Đó là công vụ, là nhiệm vụ chung, không của riêng ai: làm chứng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Thật vậy, Thánh Phaolô giải thích ngọn nguồn: “Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Kitô Giêsu, nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Kitô Giêsu đã xuất hiện. Chính Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2 Tm 1:9-10). Đồng thời thánh nhân xác định rạch ròi: “Thiên Chúa đã đặt tôi làm người rao giảng Tin Mừng đó, làm tông đồ và thầy dạy” (2 Tm 1:11).

Người nào hướng về ánh sáng thì đối nghịch với bóng tối, lẽ tất nhiên là vậy, vì hai thứ không thể chung nhau. Thánh Phaolô nói: “Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó. Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Kitô Giêsu, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta” (2 Tm 1:12-14).

Một hôm, các môn đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17:5). Lời cầu xin này rất cần thiết, nhưng đôi khi chúng ta thường quên. Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17:6).

Đức tin vô cùng quan trọng, mọi nơi và mọi lúc. Khi thấy cây vả không trái, Chúa Giêsu nguyền rủa nó và nó chết khô, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về tầm quan trọng của đức tin: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em tinkhông chút nghi nan thì chẳng những anh em làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả, mà hơn nữa, anh em có bảo núi này: ‘Dời chỗ đi, nhào xuống biển!’, thì sự việc sẽ xảy ra như thế. Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được” (Mt 21:21-22).

Rồi Ngài phân tích vấn đề: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?” (Lc 17:7-9). Đặc biệt hơn, Ngài căn dặn rằng khi chúng ta đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm thì hãy nói: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17:10).

Một động thái “nhỏ” nhưng rất khó thực hiện, vì thật lòng mà nói thì đã là khó rồi, huống chi là hành động thật! Nói gì hoặc làm gì, ai cũng muốn nhiều người biết, thậm chí người ta còn “nổ” dù làm chẳng ra hồn. Tay trái làm mà không cho tay phải biết thì… “khó chịu” trong lòng lắm. Thực tế đã và đang có nhiều “cấp độ” về bảng vàng, bằng ân nhân, giấy chứng nhận,… Chuyện nhỏ mà hóa chuyện lớn! Phải khiêm nhường thực sự mới khả dĩ nhận mình là “vô dụng” theo phong cách của Chúa Giêsu.

Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con biết sống khiêm nhường thật lòng, xin biến đổi trái tim chai cứng của con trở thành mềm mại và chứa đầy máu yêu thương, nhờ đó mà con có thể hữu dụng chứ không vô dụng. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …