Home / Chia Sẻ / Việc từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI

Việc từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI

h4Những sợi vải len, sợi chỉ của một tấm thảm

Một biến cố lớn gây sôi động ngạc nhiên đến độ sững sờ cho toàn thế giới xảy ra trong Hội Thánh Công gíao năm 2013 là biến cố thoái vị của Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI., ngày 11.02.2013.

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. đã thoái vị khỏi trách nhiệm đứng đầu Hội Thánh Công gíao, đi nghỉ hưu. Nhưng không vì thế, ngài biến mất hẳn khỏi sân khấu đời sống trong Hội Thánh. Trái lại, ngài vẫn còn hiện diện trong những tác phẩm, những suy tư ngài đã viết. Và trong những bài báo sách vở bình luận khảo cứu về Joseph Ratzinger, Benedictô XVI., người ta đã cùng đang còn viết về tư tưởng con người của ngài

Đây là một trường hợp ít khi xảy ra trong Hội Thánh cùng cho cả với người đi hưu trí. Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu Benedictô XVI. trở thành một hiện tượng trí thức về tư tưởng thần học trong Hội Thánh Công gíao. 

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. thoái vị gây nên làn sóng từ bỡ ngỡ kinh hoàng, đến mức câm điếc tựa như „ tia sấm chớp giữa trời thanh quang“ (lời đức Hồng Y Sodano phát biểu hôm 11.02.2013). Và sau đó những suy đoán về lý do tiềm ẩn đàng sau biến cố đó vẫn không ngừng, cho dù từ ngày 13.03.2013 Hội Thánh đã có Đức Giáo Hoàng mới Phanxico. 

Về phần mình, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. hôm 11.02.2013 trước Hồng Y đoàn nhóm họp ở Vatican đã loan báo cho toàn thể Hội Thánh: 

“Sau khi nhiều lần xét mình kỹ lưỡng trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự chắc chắn rằng sức lực của tôi, vì tuổi cao, không còn thích hợp nữa để thi hành sứ vụ Phêrô một cách thích đáng nữa. Tôi ý thức rõ sứ vụ này, do yếu tính thiêng liêng, phải được chu toàn không những bằng hoạt động và bằng lời nói, nhưng còn bằng đau khổ và cầu nguyện. 

Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, đang chịu những biến chuyển mau lẹ và bị giao động vì những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin. Để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có nghị lực cả thể xác lẫn tâm hồn. Nghị lực mà trong những tháng gần đây bị suy giảm nơi tôi đến độ tôi phải nhìn nhận mình không có khả năng thi hành tốt sứ mạng đã được trao phó cho tôi. 

Vì thế, với ý thức rõ ràng về hành vi hệ trọng này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ Giám Mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, được ủy thác cho tôi do tay các Hồng Y ngày 19 tháng 4 năm 2005.“.

Nghe cùng đọc biết như vậy. Nhưng người ta vẫn thắc mắc chung quanh sự việc đó. Người ta không thể tin được vị Gíao hoàng Benedictô XVI., giáo sư thần học gia Ratzinger, luôn đặt nặng suy luận của lý trí cùng mấu chốt lịch sử trong suy nghĩ viết lách lên hàng đầu lại có thể đơn giản làm một việc „ tựa như ngẫu hứng“ như vậy?

Người ta cũng không thể tưởng tượng nổi ra được rằng trong hội Thánh Công Giáo một vị Giáo hoàng lại có thể từ chức thoái vị đi nghỉ hưu. Hay như Đức Hồng Y Stanilaw Dziwisz có suy nghĩ “ không được xuống khỏi thập gía „?

Người ta cũng nêu ra suy nghĩ, phải chăng ngài bị áp lực nào đó bắt phải hành xử như thế ?

Càng đi sâu tìm hiểu, người ta khám phá ra những vết dấu con đường chỉ rõ hơn tới quyết định từ chức thoái vị của ngài khỏi trách nhiệm sứ vụ mục tử đứng đầu Hội Thánh Công Giáo. Có thể nói được, những dấu vết đó tựa như những sợi vải len, sợi chỉ cho tấm thảm được dệt bện hiện thực thành hình, đã được lấn lượt sắp sẵn ra trong thời gian rồi.

1. Trong cuộc phỏng vấn

Năm 2010 Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. đã có cuộc nói chuyện phỏng vấn với ký giả Peter Seewald, và sau đó được xuất bản in thành sách dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ trên thế giới. Có bản dịch ra tiếng Việt Nam: Biển Đức XVI. Ánh sáng thế gian, Giáo Chủ, Giáo Hội và những dấu chỉ thời đại, Trao đổi với Peter Seewald, do Phạm hồng Lam chuyển dịch theo bản Đức ngữ ấn bản lần thứ hai, Licht der Welt. Herder 2010, Phong trào Giáo dân Việt Nam hải ngoại tháng Hai 2011.

Trong cuộc phỏng vấn dài có hai câu hỏi và trả lời liên quan chặt chẽ tới việc từ chức sau này.

1.1 Ký giả Seewald: Đa phần những vụ lạm dụng, tình dục nơi trè con, đã xảy ra nhiều chục năm trước. Nhưng giờ đây chúng đè nặng trên nhiệm kỳ gíao chủ của ngài. Ngài có nghĩ tới việc từ chức không?

Benedictô XVI: Mình không được bỏ chạy trước cơn nguy lớn. Vì thế lúc này không phải là thời điểm để từ chức. Chính đây là lúc mình phải đứng vững để giải quyết tình thế khó khăn. Người ta có thể từ chức trong thời điểm yên hàn hoặc khi thấy mình không còn kham nổi nữa. Trong cơn nguy biến không được chạy trốn và để lại của nợ cho người khác giải quyết.

1.2. Seewald: Nghĩa là Ngài cho rằng có thể từ chức trong một hoàn cảnh nào đó?

Benedictô XVI.: Vâng, Khi một Giáo chủ hiểu rõ mình không còn khả năng về thể lý, tâm lý và tinh thần để cáng đáng nhiệm vụ được giao phó nữa, thì vị đó có quyền từ chức, và trong một số hoàn cảnh vị đó có nhiệm vụ phải từ chức. ( Ánh sáng thế gian trang 52.)

Khi đọc câu trả lời này, người ta có cảm tưởng Đức Giáo Hoàng nói đến lý thuyết đã được định nghĩa trong bộ Gíao luật CIC can. 332 § 2 về việc một vị Giáo hoàng có thể được từ chức. Và không ai nghĩ rằng đó là một sợi vải len, sợi chỉ đang được bện dệt cho tấm thảm từ chức dần dần được hiện thực thành hình. Bây giờ mới vỡ lẽ, ngài đã suy nghĩ chuẩn bị tinh thần chín chắn kỹ lưỡng cho việc này từ trước rồi.

2. Cuộc hành hương viếng mộ Thánh giáo hoàng Coelistin V. 

2.1. Cuộc hành hương đến mộ vị Thánh giáo hoàng Coelistin V. ở thánh đường Santa Maria di Collemaggio bên nước Ý ngày 29.04.2009 vào thời điểm thánh phố Aquila bị trận động đất làm sụp đổ nhiều nhà cửa của thành phố cổ, trong đó có ngôi thánh đường Maria di Collemaggio. Nơi đây có ngôi mộ nổi làm bằng kiếng an táng Thánh giáo hoàng Coelistin V. Ngôi mộ này như một phép lạ không bị hư hại gì đang khi ngôi thánh đường bị sụp đổ.

Vị Thánh gíao hoàng Coelistin V. tên là Pietro del Murrone sinh năm 1209 thuộc gia đình nông dân miền Abruzzen nước Ý. Ngài là một Tu sỹ Dòng Benedictô, sống đời tu sỹ khắc khổ trong những buồng nhỏ đục vào hang núi đá. Chính ngài đã lập Tu viện Dòng Coelistin và trở thành Tu viện trưởng của Tu viện Faifoli. Ngay lúc sinh thời, ngài đã được ca tụng như là một vị Thánh.

Sau khi Đức Giáo Hoàng Nicolau IV. ngày 04.04.1292 băng hà, thời gian trống Tòa kéo dài hai năm liền. Các Hồng Y không bầu được người kế vị thay thế Đức Giáo Hoàng qua đời, vì những tranh tụng giữa hai dòng tộc quyền qúi người Roma Colonna và Orsini về việc bầu ai là người kế vị Giáo hoàng đã qua đời Nicolaus IV.

Sau cùng ngày 05.07.1294 các vị Hồng Y đã thống nhất chọn bầu Tu viện trưởng Pietro del Murrone làm người kế vị lên làm Giáo hoàng với thánh hiệu Coelistin V.

Vị tân giáo hoàng Coelistin V. là một Tu sỹ sống đời tu hành ẩn dật chỉ chuyên lo việc ăn chay cầu nguyện, nên thiếu khả năng kinh nghiệm trong việc điều hành một cơ cấu rộng lớn, nhất là Hội Thánh hoàn cầu. Vì thế ngài càng ngày càng bị lệ thuộc nhiều vào các vị cố vấn, nhất là Hồng Y Benedetto Caetani. Tuy là giáo hoàng nhưng ngài chưa bao giờ về Roma ở được, mà phải ở Neapoli do Vua Carolo II. bắt buộc.

Vì cảm thấy mình không thể cáng đáng nổi trách vụ to lớn nặng nề, cùng thêm sức khỏe yếu kém – lúc được bầu chọn làm Giáo hoàng ngài đã 85 tuổi rồi – lại thêm những bị lệ thuộc ràng buộc về công việc hành chánh cũng như chính trị, và nhất là lòng mong muốn được trở về đời sồng ẩn tu. Nên ngày 13.12.1294, ngài tự ý tình nguyện xin thoái vị khỏi chức vụ Giáo hoàng của Hội Thánh Công gíao.

Vị kế nhiệm ngài, Đức Giáo Hoàng Bonifatius VIII., vì sợ xảy ra sự chia rẽ bè phái tách ly trong Hội Thánh, nên đã bắt ngài phải sống cô lập ở Frosinone vùng Lazio bên nước Ý như một „tù nhân danh dự“cho tới lúc qua đời ngày 19.05.1296. 

Ngày 05.05.1313 ngài được Đức Giáo Hoàng Clemente V. phong lên hàng Thánh. Và như thế là cung cách phục hồi danh dự cho ngài, nhất là việc chính thức công nhận sự từ chức thoái vị tự nguyện của ngài 1294. Mãi tới 1326 thi hài ngài được chuyển về chôn cất trong thánh đường Santa Maria di Collemaggio thành phố Aquila. 

Thánh gíao hoàng Coelistin V. trở thành quan vị Thánh bổn mạng của những người đóng sách vở và thành phố Aquila rất tôn sùng kính mộ ngài.

Ngày 29.04.2009 Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. đã đến thăm viếng thành phố Aquila bị trận động đất tàn phá gần như hoang tàn. Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. đã vào thánh đường Santa Maria Collemaggio đang đổ nát, nơi đây có ngôi mộ nổi làm bằng kiếng của vị Thánh gíao hoàng Coelistin V. không bị hư hại gì. Đức Benedictô đến viếng cầu nguyện trước ngôi mộ thi hài vị Thánh Coelistin, và âm thầm tháo dây Pallium đang đeo đặt lên ngôi mộ – dây Pallium tượng trưng cho quyền bính của vị Giám mục Roma, mà ngài đã lãnh nhận khi trở thành giáo hoàng năm 2005.

Cử chỉ của Đức Giáo Hoàng Benedictô lúc đó đã khơi dậy sự chú ý của mọi người trên thế giới. Nhưng không nghĩ xa hơn.

Cử chỉ này nay được nhìn dưới ánh sáng rõ hơn. Đó không chỉ là đạo đức lòng kính trọng của vị giáo hoàng đương nhiệm với vị Thánh Giao hoàng tiền nhiệm của mình. Nhưng Giáo hoàng Benedictô XVI. qua đó muốn tìm sự nối tiếp lịch sử đời sống mình với lịch sử đời sống vị tiền nhiệm của mình, người đã từ chức thoái vị khỏi trách nhiệm sứ vụ mục tử là Giáo hoàng.

2.2 Cuộc thăm viếng ngày 04.07.2010, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 800. năm của vị Thánh Giáo hoàng Coelistin V. ở nhà thờ chính tòa Sulmona, nơi hòm đựng di hài Thánh Coelistin được di chuyển tới đặt trước bàn thờ chính.

Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. đã ca ngợi Thánh giáo hoàng Coelistin V. là gương mẫu của Hội Thánh.

Qua hai cuộc thăm viếng di hài ngôi mộ của vị Thánh giáo hoàng tiền nhiệm của mình, đức Benedictô XVI. đã như đi đến quyết định từ chức. Vì Ngài đã qua cử chỉ đặt dây Pallium trên mộ vị Thánh và ca ngợi là „gương mẫu của Hội Thánh“ hẳn chắc đã căn cứ theo đó làm thước đo cho sự từ chức thoái vị của mình, như vị tiền nhiệm Coelistin V. đã làm ngày xưa cách đây 700 năm.

3. Những tiền suy tư thần học cách đây hơn 40 năm

3. 1. Tập san Theologische Quatalschrift Nr. 149, 1969, trang 105- 116.

Ngược dòng thời gian, từ năm 1966 – 1969 Linh mục Joseph Ratzinger là giáo sư giảng dậy bộ môn Tín lý ở phân khoa thần học Công Giáo thuộc đại học Tuebingen. Phân khoa thần học của đại học Tuerbingen phát hành tập san Theologische Quartalschrift mỗi năm hai số, nghiên cứu thảo luận vể một đề tài thần học chuyên biệt.

Số hai năm 1969 tập san viết khảo luận về đề tài Chức vụ Gíam mục và giới hạn thời gian của chức vụ – Das Bischofsamt und seine zeitliche Begrenzung zum Gegenstand. Trong số này có bài viết với đề tài: Befristete Amtszeit residierender Bischoefe?Ein Vorschlag – Thời hạn ấn định trách vụ mục tử của vị Giám mục đương nhiệm ? Một đề nghị.

Bài viết đưa ra đề nghị thời hạn trách vụ mục tử của một Giám mục giới hạn trong tám năm.

Bài viết đề nghị đưa ra những giải thích cặn kẽ cùng lý do tại sao lại đề nghị như vậy. Bài viết dài 12 trang nơi đầu bài có hình ba ngôi sao, và phần chú thích ngay bên dưới trang đầu bài viết tên những những bậc học gỉa giáo sư. Đó là những tên của những vị cùng xuất bản tập san Theologische Quartalschrift đang là giáo sư giảng dậy ở đại học Tuebingen, trong số đó có tên Giáo sư Joseph Ratzinger, người từ 1966-1969 là giáo sư giảng dạy môn Tín lý ở phân khoa thần học thuộc đại học Tuebingen: Alfons Auer, Guenter Biemer, Karl August Fink, Herbert Haag, Hans Kueng, Joseph Moelle, Johannes Neumann, Joseph Ratzinger, Josef Rief, Karl Hermann Schelkle, Max Sekler, Peter Stockmeier.

Trên thực tế, việc giới hạn thời gian trách nhiệm mục vụ của Giám mục và Hồng Y không đặt thành vấn đề nữa. Thay vào đó là giới hạn tuổi tác. 

Câu thắc mắc được nêu ra, đề nghị giới hạn thời gian như đề nghị của bài viết Tuebingen 1969 có thể áp dụng cho các vị Gíao hoàng được không. Nhưng cũng không được quên việc giới hạn thời gian trách vụ mục tử khác với việc từ chức thoái vị. Vì đó là việc của các Giám mục, của các Vị Gíao hoàng.

Bây giờ đọc lại bài viết năm 1969 của Tuebingen có sự đóng góp đồng ý của Giáo sư Ratzinger, người ta nhận ra, ngay từ sớm thuở xưa Linh mục giáo sư Ratzinger trong tâm tưởng ít nhất đã nghĩ đến hay sự gằng co suy nghĩ về việc trách nhiệm của người đứng đầu điều hành chức vụ cao cả trong hội Thánh không thể bị bắt buộc gắn chặt giữ cho tới chết.

Bài viết Tuebingen năm 1969 đưa đề nghị giới hạn thời gian tám năm cho vị Giám mục chịu trách nhiệm đứng đầu mục vụ. 

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. tính từ ngày được bầu chọn trở thành Giáo hoàng, Giám mục Roma hôm 19.04.2005 cho đến ngày từ chức thoái vị 28.02.2013, thời gian trị vì chịu trách nhiệm đứng đầu Hội Thánh được 07 năm, 10 tháng và 09 ngày. Như thế so với đề nghị giới hạn 8 năm, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. cũng đã gần đạt tới sát kề cận. Nhưng ngài đã không vượt qua giới hạn ngưỡng cửa 8 năm.

Đề nghị giới hạn 08 năm như bài viết Tuebingen 1969 tất nhiên không mang ý nghĩa một phần phụ lục như thước đo. Nhưng có thể hiểu được 8 năm tự nó là một dấu chỉ, tuy có nhiều nghi vấn, nhưng dẫu sao cũng là sự quan phòng của Thiên Chúa. 

Sợi vải len, sợi chỉ dệt thành tấm thảm cho việc từ chức của đức giáo hòang Benedictô XVI., Giám mục Roma, đã có những bước chuẩn bị khởi đầu. 

Bài viết Tuebingen năm 1969, mà ngài cùng góp tư tưởng công lao xây dựng, là một trong những sợi vải len, sợi chỉ của tấm thảm đó.

3.2 Về tương lai Hội Thánh

Và lần ngược trở về thời qúa khứ lúc còn là Giáo sư giảng dạy mônThần học ở đại học cùng al` nhà nghiên cứu thần học, linh mục Josph Ratzinger đã có suy tư về đời sống tương lai Hội Thánh“

„Tương lai Hội Thánh có thể và sẽ chỉ nhờ vào sức mạnh của đời sống đức tin có căn rễ sâu thẳm. Sức mạnh đời sống đức tin không phát xuất từ toa đơn thuốc hay do công thức mà có. Nó cũng không thành tựu do những người thoáng qua trong giây lát ồ ạt chạy theo. Nó cũng chẳng nảy sinh do những phê bình chỉ trích của những người khác, mà họ tự cho mình là có khả năng bất khả ngộ. Nó cũng không xảy ra do con đường thoải mái dễ chịu, mà tránh né sự đau khổ, sự hy sinh cố gắng. 

Chúng ta có thể nói cách khác tích cực hơn: tương lai Hội Thánh sẽ tùy thuộc ở nơi đời sống thánh thiện của các người có đời sống thánh thiện đem lại làn gió đổi mới. Tùy thuộc nơi những người chấp nhận nhiều hơn là những khúc đoạn thời điểm tân thời. Tùy thuộc nơi những người biết nhìn nhiều hơn, biết lắng nghe hơn cùng biết từ bỏ những đòi hỏi trong đời sống hằng ngày, dù chỉ là những điều nhỏ bé.“ (Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., Glaube und Zukunft, Koesel Muenchen 1970, Neuausgabe 2007, tr. 148-149).

Phải chăng suy tư này ngày xưa của thần học gia Ratzinger như sợi vải len, sợi chỉ đã manh nha dệt nên tấm thảm đời sống của mình sau này, khi ngài từ bỏ thoái vị khỏi ngôi vị giáo hoàng. Việc làm từ bỏ tuy có hoài nghi hoang mang, nhưng góp phần xây dựng tương lai Hội Thánh mang tính chất tích cực nhiều và sâu rộng. 

4. Trong suy nghĩ sửa soạn

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. đã chọn thời điểm công bố việc từ chức của mình sau một thời gian dài đắn đo suy nghĩ. Nó là kết qủa của những năm tháng tìm hiểu, cầu nguyện chuẩn bị, và chọn lựa để sao cho sự chuyển tiếp xảy đến không bị chao đảo phân chia lúng túng cho Hội Thánh.

Hôm 08.02.2013, ba ngày trước khi công bố quyết định thoái vị, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. đã thăm viếng đại chủng viện của Giáo phận Roma nhân ngày lễ Madonna della Fiducia. Trước 190 chủng sinh, ngài đã nói chuyện với họ khoảng 26 phút như „lectio divina“ dựa trên bức thư thứ nhất của Thánh Phero, vị giáo hoàng tiên khởi của Hội Thánh công gíao.

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. đã nói đến địa vị người đứng đầu, đại diện Chúa Giêsu Kito của Thánh Phero trong Hội Thánh đã được Chúa trao cho. Và ngài nói đến sự tử đạo theo đường ngang chân trời ở trần thế mà ngày xưa Thánh Giáo Hoàng Phero đã phải chịu cho tới lúc qua đời trong ánh sáng mầu nhiệm thập gía: „ Thánh Phero đã chấp nhận đau khổ thập gía, và ngài mời gọi chúng ta, chập nhận khía cạnh tử đạo của đạo Chúa Kito dưới nhiều cung cách hình thức khác nhau. Vâng, thập gía có nhiều hình thức khác nhau, nhưng không ai có thể là tín hữu Chúa Kito mà không sống theo Đấng đã vác thập gía cùng chết trên đó, cùng không chấp nhận chịu tử đạo.“

Suy luận trên đây của Đức Giáo Hoàng có lẽ đã như ơn soi sáng của Chúa âm ỷ từ lâu trong tâm trí ngài, và đã giúp ngài ba ngày sau đó đi đến công bố quyết định từ chức thoái vị khỏi ngôi vị giáo hoàng, chấp nhận con đường tử đạo thập gía dưới hình thức sống yên lặng cầu nguyện như một vị ẩn tu trong tu viện. 

Theo tâm sự của Đức Ông Georg Ratzinger, người anh ruột của Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI., quyết định từ chức của em mình đã ngã ngũ từ những tháng trước đó rồi.

Vị Chủ nhiệm báo Ossevatore Romano cho biết từ nhiều tháng trước đây rồi, Đức Giáo Hoàng đã đi đến quyết định từ chức, và trên đường trở về sau chuyến thăm viếng mục vụ ở Mexicô tháng ba 2012 ngài đã hé lộ cho biết rồi.

Khi tấm thảm đã dệt thành hình, lúc đó người ta không chỉ ngạc nhiên trầm trồ sửng sốt, mà còn lần đi tìm dấu vết những sợi vải len, sợi chỉ dệt thành tấm thảm có từ đâu.

Đó là sự thú vị, cùng là sự năng động phát triển trong đời sống ở mọi lãnh vực.

5. Những ý kiến suy nghĩ và cuộc sống nghỉ hưu

Quyết định từ chức thoái vị của Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. cách đây một năm đã gây ra làn sóng ngạc nhiên cho mọi người. Nhiều người còn có cảm giác bất bình không bằng lòng nữa. 

Nhưng đó không là việc việc ngẫu hứng, hay do bị áp lực nào bắt buộc cùng thúc đẩy. Có thể nói được, đó là một hành trình suy nghĩ đắn đo cân nhắc chín chắn từ trước lâu dài nơi ngài rồi.

Việc từ chức thoái vị của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. đi nghỉ hưu cũng không mang mầu sắc tính cách thần bí chạy trốn thực tế để tìm về chốn thiêng liêng mầu nhiệm bí ẩn. 

Trái lại, nó hoàn toàn mang tính chất của một con người có đời sống chân thành với chính mình và với Thiên Chúa. Đó là nếp sống bản chính chan hòa tính chất tự nhiên của một con người có trách nhiệm, khi thấy mình không còn có thể cáng đáng làm việc được nữa, thì xin thôi ngừng nghỉ.

Nếp sống này nói lên chiều sâu nội tâm của một anh hùng quân tử có lòng khiêm nhường cao độ. Vì đã can đảm từ trên ngai cao bước xuống thấp bên dưới. Đây là cung cách lối sống đạo Đức Chan chứa tình yêu lòng bác aí, như Chúa Giêsu Kito đã hạ mình đến với con người, đã qùy xuống rửa chân cho các Môn Đệ.

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI., Joseph Ratzinger, là vị học gỉa thần học uyên bác, đọc sách rất nhiều, nhất là các sách về các Thánh Giáo phụ trong Hội Thánh Công Giáo. Sáng tác viết sách bài vở là ơn gọi và cũng là sở thích riêng của ngài. Ngài có đôi con mắt nhìn sắc bén, cùng khối óc suy luận phân biệt cùng tổng hợp trong sáng. Và điểm nổi bật là ngài là người từ tốn luôn để ý lắng nghe người khác, trước khi nói ra ý kiến riêng của mình.

Qua việc từ chức đi nghỉ hưu đã tỏ hiện nếp sống thế nào của con người trí thức biết nhận ra giới hạn thể lý lẫn tinh thần trí khôn của mình.

„Trong thế giới ngày nay, đang chịu những biến chuyển mau lẹ và bị giao động vì những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin. Để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có nghị lực cả thể xác lẫn tâm hồn. Nghị lực mà trong những tháng gần đây bị suy giảm nơi tôi đến độ tôi phải nhìn nhận mình không có khả năng thi hành tốt sứ mạng đã được trao phó cho tôi. 

„Vì thế, với ý thức rõ ràng về hành vi hệ trọng này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ Giám Mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, được ủy thác cho tôi do tay các Hồng Y ngày 19 tháng 4 năm 2005.“.

Không như vị tiền nhiệm Thánh giáo hoàng Coelistin V. sau khi từ chức thoái vị bị vị giáo hoàng kế vị Bonifatius VIII. bắt giam lỏng tách biệt một nơi như người tù danh dự cho tới lúc băng hà. 

Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu Benedictô XVI. tự ý lui về sống ẩn dật trong tu viện Mater Ecclesiae ở trong khuôn viên Vatican. Ngài hứa kính trọng và vô điều kiện vâng lời Đức Giáo Hoàng kế nhiệm Phanxico. 

Ngài được kính trọng, được tự do. Nhưng ngài rất giới hạn mình, không xuất hiện trước công chúng, không chen mình vào việc nội bộ cai quản Hội Thánh của vị kế nhiệm bao giờ. Ngài chỉ tiếp những vị khách riêng tư, và chuyên lo việc cầu nguyện thôi, cả việc viết sách thần học ngài cũng hy sinh từ bỏ không làm nữa.

Hôm 04.01.2014 ngài vào bệnh viện Gemelli ở Roma thăm Đức Ông Georg Ratzinger, anh mình đang nằm điều trị. Ở bệnh viện ngài chỉ nói chuyện với các bác sĩ điều trị anh mình thôi. Ngài không đến thăm cùng không nói chuyện với những bệnh nhân khác đang điều trị chữa bệnh ở đó, khác với hồi ngày xưa lúc ngài còn đương nhiệm. 

Cử chỉ hành động này nói lên mức độ lòng tự trọng cao độ của một người trí thức có tâm hồn đạo đức biết nhận phân biệt giới hạn chức vụ của mình. Và như thế không muốn để bị hiểu lầm gây hoang mang cho vị giáo hoàng đương nhiệm Phanxico, cũng như cho những người khác.

Thật là một con người có đời sống nhân đức anh hùng khiêm nhượng cao vời. 

Ngày 28.02.2013 trong phòng khách danh dự Clemente ở Vatican trước 144 Vị Hồng Y đang tụ tập để tiễn biệt Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI lên máy bay đi nghỉ hưu, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. đã chống gậy thăm từng vị và tâm tình cùng họ không bằng những lời từ gĩa, nhưng bằng những tâm tình thâm trầm hướng về tương lai của Hội Thánh. Ngài nói“ 

“Tôi muốn nói với các chư huynh là tôi luôn tiếp tục gần gủi các chư huynh trong lời cầu nguyện, đặc biệt là trong những ngày sắp tới để các chư huynh tràn đầy ơn Đức Chúa Thánh Thần trong việc bầu cử một Giáo Hòang mới. Xin Thiên Chúa hãy bày tỏ thánh ý của Ngài. Trong các chư huynh ở đây, sẽ có một vị Giáo Hòang mới, đối với Đức Giáo Hòang mới, tôi xin hứa là tuyệt đối trung thành và vâng phục hòan tòan vô điều kiện. ”

Sâu sắc hơn nữa, nhân bản cùng thâm trầm trí thức đạo đức hơn nữa, có lẽ không hơn được như thế.

Đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI. là một thần học gia, một học gỉa uyên thâm vừa có bộ óc suy tư bao la thâm sâu, vừa là một người có lòng đạo đức với lối sống khiêm nhượng rụt rè, đồng thời vừa có trái tim nhậy cảm của một nhà nghệ thuật chơi nhạc cụ, cùng vừa có bàn tay khéo léo tài nghệ viết lách chữ nghĩa trong sáng không mỏi mệt, cùng chơi đàn dương cầm điêu luyện.

Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxico đã ca ngợi vị tiền nhiệm Benedicto XVI. của mình: „ Tôi rất qúi mến ngài. Với tôi ngài là người của Thiên Chúa, một người tràn đầy lòng khiêm nhượng, một người chuyên chăm cầu nguyện. Tôi đã rất đỗi vui mừng hạnh phúc, khi ngài được bầu chọn là Giáo hoàng. Và cả khi ngài thoái vị, với tôi ngài là một người cao cả… Chỉ người cao cả mới có thể làm được chuyện này. Ngài là một người của Thiên Chúa, người của cầu nguyện.“

Xin tạ ơn Chúa. 

Và xin ngả mũ cúi đầu bái chào Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu Benedictô XVI, Joseph Ratzinger – Chapeau!

 

Duesseldorf, mùa Xuân Giáp Ngọ 2014

Một năm sau ngày từ chức của Giáo hoàng Benedictô XVI. 2013- Tháng Hai-2014

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Nguồn: Vietcatholic 

Lấy cảm hứng từ:

– Jan-Heiner Tueck Hg., Der Theologenpapst, Eine kritische Wuerdigung Benedickts XVI., Herder Fr.i. Br. 2013, tr. 529-539

– Biển Đức XVI. Ánh sáng thế gian, Phạm hồng Lam chuyển ngữ, Dòng Thánh Phaolo Thiện bản, 2011

– W de.wikipedia.org/wiki/Coelistin_V.

– Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., Glaube und Zukunft, Koesel Muenchen 1970, Neuausgabe 2007, tr. 148-149

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …