Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thời Sự Tuần Qua 30/12/2016: Đường hướng cải tổ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong năm 2017

Video: Thời Sự Tuần Qua 30/12/2016: Đường hướng cải tổ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong năm 2017

Cuối tháng 12 năm 2014, Đức Phanxicô đã làm choáng váng giáo triều Rôma khi ngài dùng bài nói chuyện cuối năm, mà theo truyền thống thường chỉ giới hạn trong phạm vi trao đổi những lời chúc mừng Giáng Sinh, để thảo luận về những căn “bệnh” tâm linh của những người làm việc tại Vatican.

Trong diễn từ vào dịp này hồi năm ngoái, 2015, Đức Thánh Cha đã tỏ ra nhẹ nhàng hơn.

Ngài nói: “Thật là một bất công rất lớn nếu không biểu lộ lòng biết ơn sâu đậm và khích lệ đúng phép đối với tất cả những người lành mạnh và lương thiện đang tận tụy làm việc, với lòng trung thành và khả năng chuyên môn, cống hiến cho Giáo Hội và người kế vị Thánh Phêrô, sự an ủi, liên đới, vâng phục cũng như kinh nguyện quảng đại của họ”.

Năm nay, ngài lại nhắc lại bài diễn từ hồi năm 2014 và nói rằng thật cần thiết để nói một cách thẳng thắn về những vấn đề Giáo Triều Rôma phải đối mặt với “bởi vì mọi phẫu thuật muốn thành công, trước hết cần phải được chẩn đoán chi tiết và phân tích cẩn thận.”

Trong chương trình thời sự tuần này, Trúc Ly xin được điểm qua vài nét về diễn từ hôm 22 tháng 12 của Đức Thánh Cha trước Giáo triều Rôma.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong buổi tiếp kiến tại sảnh đường Clêmentê trong dinh tông tòa lúc 10 giờ rưỡi sáng 22 tháng 12, trước các nhà lãnh đạo Giáo Triều Rôma gồm hơn 100 Hồng Y và Giám Mục, cùng với một số chức sắc khác, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đả kích những người chống đối “nguy hiểm” công cuộc cải cách Giáo Hội.

Ngài nói thêm rằng: “Cuộc cải tổ chỉ hữu hiệu nếu được thực hiện với những người được đổi mới, chứ không phải với những người mới mà thôi. Không thể chỉ hài lòng với việc thay đổi nhân sự, nhưng cần làm sao để các nhân viên Tòa Thánh canh tân về tinh thần, về nhân bản và khả năng chuyên môn. Trong thực tế, chỉ thường huấn thôi thì không đủ, còn cần phải có sự hoán cải và thanh tẩy trường kỳ. Nếu không có những thay đổi về tâm thức thì các nỗ lực cải tổ sẽ ra vô hiệu.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng cải cách “không kết thúc trong chính nó, nhưng là một quá trình tăng trưởng và tối hậu phải dẫn đến chuyển đổi.”

Trong một nhận xét gây kinh ngạc cho các nhà lãnh đạo Giáo Triều Rôma, Đức Thánh Cha nói rằng phản ứng kháng cự lại cải cách là điều bình thường, nhưng một số hình thức chống đối có thể đã được “Satan truyền cảm hứng”.

Theo Đức Thánh Cha, có những kháng cự công khai, thường nảy sinh từ thiện chí và sự đối thoại chân thành, có những kháng cự thầm kín, nảy sinh từ những tâm hồn sợ hãi hoặc chai đá, được nuôi dưỡng bằng những lời trống rỗng, miệng nói là sẵn sàng thay đổi nhưng thực tế lại muốn mọi sự như trước. Cũng có những kháng cự đầy ác ý, nảy sinh từ nhưng tâm trí bị hướng dẫn sai lạc phát sinh khi ma quỷ gieo những ý hướng xấu trong lòng họ. Loại kháng cự này thường nấp sau những lời tự biện minh, những cáo buộc, dưới chiêu bài những truyền thống, những vẻ bề ngoài, những hình thức, tập quán, hay trong ước muốn tôn vinh cá nhân, không phân biệt được giữa hành vi, tác nhân và tác động.

Như trong quá khứ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không chỉ ra các “đối kháng độc hại” đến từ những người nào. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng cải cách là một điều cần thiết. Cải cách, theo Đức Thánh Cha, cho thấy rằng Giáo Hội “vẫn sống động và vì lý do này luôn cần phải cải cách vì Giáo Hội vẫn còn sống.”

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng cải cách thực sự không thể là hời hợt. Ngài nhấn mạnh rằng sự đổi mới Giáo triều Rôma không thể giống như một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, nhằm loại bỏ những nếp nhăn.

Ngài nói: “Anh em thân mến, chúng ta không cần phải lo lắng về những nếp nhăn trong Giáo Hội, nhưng hãy chú ý đến các vết bẩn!”

Cải cách không chỉ có nghĩa là thay thế các cá nhân ở các vị trí khác nhau, mặc dù việc thay đổi như thế là không thể tránh khỏi. Mục tiêu quan trọng hơn, là “một sự chuyển đổi trong tâm hồn con người.”

Đức Thánh Cha cảnh giác rằng cần đặt dấu chấm hết cho một thực hành lâu đời thường được gọi là “promoveatur amoveatur ut”, tiếng Anh gọi là “kicking someone upstairs”, nghĩa là muốn loại bỏ một người khỏi một chức vụ nào đó thì người ta thăng cấp cho đương sự để mời người ấy đi chỗ khác chơi một cách lịch sự. Cách làm vui vẻ cả làng ấy, cần phải được chấm dứt.

Trong bài phát biểu dài của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã liệt kê mười hai nguyên tắc hướng dẫn cuộc cải cách, mà ngài dự định thực hiện tại Vatican:

§ Chống chủ nghĩa cá nhân
§ Tăng cường những mối quan tâm mục vụ
§ Đề cao tinh thần truyền giáo
§ Tổ chức thật rõ ràng
§ Cải thiện các cơ quan chức năng
§ Hiện đại hoá
§ Tỉnh táo
§ Hỗ trợ
§ Tinh thần đồng đoàn
§ Tính Công Giáo
§ Tính chuyên nghiệp
§ Tính tiệm tiến

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã liệt kê các bước đó ngài đã và đang thực hiện để mang lại những cải tổ tại Vatican:

1. Thiết đặt Hội đồng các Hồng Y tư vấn.
2. Cải cách ngân hàng Vatican, Viện Giáo Vụ.
3. Cải tổ bộ luật hình sự của quốc gia thành Vatican.
4. Thành lập Hội đồng Giáo hoàng bảo vệ các trẻ vị thành niên.
5. Thực hiện hàng loạt các cải cách kinh tế.
6. Thành lập Vụ Truyền thông, hiện đại hóa và sắp xếp các cơ quan truyền thông đại chúng của Vatican.
7. Đơn giản hóa các chuẩn mực giáo luật cho việc tiêu hôn.
8. Các nỗ lực nhằm buộc các giám mục phải trách nhiệm về những sơ suất liên quan đến những lạm dụng tình dục.
9. Hình thành hai bộ mới nhằm kết hợp các chức năng của các Ủy Ban hiện có vào hai Bộ Giáo Dân, Gia đình, Sự sống và Bộ Dịch vụ phát triển nhân bản toàn diện, cũng như cải tổ qui chế Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài phát biểu bằng những lời chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới, đồng thời ngài thông báo tặng cho mỗi Hồng Y và Giám Mục một cuốn sách tựa đề “Nhận định để chữa trị các bệnh tật của tâm hồn”, tác giả là cha Claudio Acquavivia, nhà lãnh đạo đứng thứ 5 của Dòng Tên.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN