Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thời sự tuần qua 30/09/2016: Cuộc gặp gỡ cảm động của ĐTC với các nạn nhân khủng bố tại Nice

Video: Thời sự tuần qua 30/09/2016: Cuộc gặp gỡ cảm động của ĐTC với các nạn nhân khủng bố tại Nice

Diễn biến gây xúc động mạnh, trong đó nhiều người tham dự trong biến cố này đã không cầm được nước mắt là buổi gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và gia đình các nạn nhân của tai ương khủng bố do những nhóm Hồi Giáo cực đoan gây ra trên thế giới, đặc biệt là tại thành phố Nice bên Pháp.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hơn 1,000 người có người thân đã chết vì bạo lực vô nghĩa đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến vào lúc 12 giờ trưa thứ Bẩy 24 tháng 9 tại đại thính đưòng Phaolô Đệ Lục. Ngài xúc động chia buồn, an ủi, ôm hôn, và lau những giọt nước mắt cho họ. Đức Thánh Cha ghi nhận nhiều người tham dự trong buổi tiếp kiến này lâm vào tình cảnh đơn côi vì các thành viên khác trong gia đình bị tước bỏ sự sống bất thình lình và thê thảm.

Các gia đình này đến từ Hoa Kỳ, Maroc, Estonia nhưng đông nhất là các gia đình đến từ thành phố Nice, bên Pháp.

Nice là thành phố nằm ở miền Đông Nam nước Pháp bên bờ Địa Trung Hải . Theo các nhà sử học, thành phố này có lẽ được thành lập bởi người Hy Lạp vào khoảng năm 350 trước Chúa Giáng Sinh và được đặt tên là Nikaia, nghĩa là thành phố của nữ thần chiến thắng Nike, một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp.

Ngày nay, Nice là thành phố lớn thứ hai của nước Pháp bên bờ Địa Trung Hải và là thành phố có dân số đông thứ 5 của nước Pháp.

Thành phố có biệt danh là Nice la Belle, nghĩa là Nis tuyệt đẹp. Đó cũng là tên của một bài hát chính thức của thành phố này được viết bởi Menica Rondelly vào năm 1912.

Sau Paris, Nice là thành phố thu hút đông đảo khách du lịch. Phi trường Nice Côte d’Azur là phi trường lớn thứ ba của Pháp sau hai phi trường ở Paris là Charles de Gaulle và Orly. Từ Paris, du khách có thể đáp chuyến tàu nhanh đi Nice trong vòng chưa tới 6 giờ. Từ Nice đi Marseilles bằng tàu điện chỉ mất khoảng 2 giờ 30 phút.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc gần 11h đêm, ngày Lễ Quốc Khánh của Pháp, tức là ngày 14 tháng 7 vừa qua, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã mở cuộc tấn công vào thành phố xinh đẹp này.

Mohamed Lahouaiej Bouhlel, 31 tuổi, người gốc Tunisi, đã lái một chiếc xe tải, nặng tới 19 tấn, với tốc độ rất nhanh vào một đám đông xem bắn pháo bông mừng Quốc Khánh trên đại lộ Promenade des Anglais. Tên khủng bố đã cố ý lái xe sàng qua sàng lại để giết thật nhiều người. Ít nhất 10 trẻ em bị cán chết. Chiếc xe tải cuối cùng đã dừng lại sau khi càn qua hai kilômét. Tên khủng bố ra khỏi xe và bắn vào đám đông trước khi bị bắn chết trong một cuộc đọ súng với cảnh sát.

86 người bị giết chết và 434 người bị thương, trong đó có những người phải tàn phế suốt đời vì phải cưa chân.

Ngày 21 tháng 7, công tố viên của Paris là ông François Molins cho biết tên khủng bố đã dự trù cuộc tấn công trong nhiều tháng trời và được sự giúp đỡ của nhiều tòng phạm. Cho đến nay đã có 6 người bị bắt.

Phản ứng của Tòa Thánh ngay khi biến cố thê thảm này xảy ra là như thế nào?

Thưa quý vị và anh chị em,

Ngay sau khi xảy ra cuộc tấn công này, Cha Federico Lombardi, lúc ấy là giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết:

“Chúng tôi đã theo dõi vụ việc này trong đêm qua, với những mối quan tâm lớn nhất trước những tin tức khủng khiếp đến từ Nice.”

Ngài nói thêm: “Chúng tôi muốn bày tỏ, về phần của Đức Thánh Cha Phanxicô và của chính bản thân chúng tôi, tình liên đới và sự chia sẻ những đau khổ với các nạn nhân và toàn dân Pháp, trong một ngày lẽ ra phải là một lễ kỷ niệm đẹp đẽ. Chúng tôi tuyệt đối lên án mọi biểu hiện của sự giết người điên rồ, hận thù, khủng bố, và các cuộc tấn công chống lại hòa bình.”

Cuộc tấn công xảy ra chỉ tám tháng và một ngày sau khi các tay súng và những kẻ đánh bom tự sát của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công Paris vào ngày 13 Tháng 11 năm 2015, giết chết 130 người. Bốn tháng trước, một người Hồi giáo có quốc tịch Bỉ có liên hệ với những kẻ tấn công ở Paris đã giết chết 32 người tại một sân bay ở Brussels.

Chưa đầy 2 tuần sau đó, hai tên khủng bố Hồi giáo 19 tuổi đã giết chết cha Jacques Hamel, 85 tuổi khi ngài cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray vào ngày 26 tháng 7.

Cha Jacques Hamel bị quân khủng bố Hồi Giáo cắt cổ ngay khi ngài đang dâng thánh lễ bên trong nhà thờ. Khi bị tấn công bằng dao, cha đã cố gắng chống trả những kẻ tấn công mình với đôi chân và nói: ‘Satan, hãy xéo đi’ và không ngừng lặp lại ‘Satan, hãy xéo đi’.

Trong số những người tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 24 tháng 9, có cả hai người đã bị thương tại nhà thờ Saint Etienne du Rouvray ngày 26/07 vừa qua, là những người đã phải chứng kiến toàn bộ cuộc tử đạo của cha Jacques Hamel, một linh mục thánh thiện, đầy lòng nhân từ.

Trong bản tin xứ đạo Saint-Étienne-du-Rouvray, người ta còn đọc được mấy lời dặn dò của cha Hamel trong đó mời gọi mọi người cư xử với nhau trong tình huynh đệ, trông cậy vào lòng Chúa thương xót. Ngài viết : ‘‘Năm nay mùa xuân còn lạnh. Nếu tinh thần có bị sa sút, hãy vững tâm vì ngày hè sẽ đến.

Ngày hè còn là thời gian gặp gỡ, chia sẻ. Có người đi tĩnh tâm hoặc hành hương. Người khác nghiền ngẫm lời Chúa giúp ta vui sống, hoặc lần giở kinh sách, ngắm nhìn cảnh vật tuyệt đẹp, nhắc nhở ta kỳ công Thiên Chúa. Nào ta hãy lắng nghe Chúa nhắn nhủ ta sống với nhau hòa thuận, trong tình nghĩa huynh đệ. Mùa hè còn thời gian nguyện cầu cho những ai lâm cảnh thiếu thốn, cho hòa bình, cho chung sống hiền hòa. Trong năm lòng Chúa thương xót, nào ta hãy quan tâm đến các điều tốt đẹp.’’

Chiều ngày 17 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande, đến viếng thăm với tư cách riêng và cám ơn ngài vì đã liên đới với nhân dân Pháp trong những vụ khủng bố mới đây.

Cùng đi với tổng thống có bộ trưởng nội vụ Bernard Cazeneuve và đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh, Ông Philippe Zeller. Cuộc hội kiến kéo dài 40 phút.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí trước cuộc tiếp kiến của Đức Thánh Cha, tổng thống Hollande nói rằng: “Sau thử thách kinh khủng là vụ sát hại Cha Hamel, và sau vụ khủng bố ở Nice, Đức Giáo Hoàng đã có những lời có sức an ủi lớn. Tất cả những lời được biểu lộ – kể cả những lời của các vị trách nhiệm Giáo Hội tại Pháp – đều rất quan trọng trong thời điểm này vì góp phần nhắc nhớ sự đoàn kết và gắn bó với nhau của Pháp, sự hòa giải cần được thực hiện và cả tình liên đới của toàn thế giới đối với nước Pháp, nạn nhân của những vụ khủng bố này”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trở lại với buổi tiếp kiến trưa ngày 24 tháng 9 vừa qua.

Mở đầu, để nói lên lòng biết ơn Đức Thánh Cha, ban hợp xướng của nhạc viện Nice đã trình diễn ca khúc ‘‘Nice la belle’’ của Menica Rondelly mà Trúc Ly đã đề cập.

Đức Cha André Marceau, giám mục Nice, đã nói lên tâm tình của các nạn nhân với những câu “Pourquoi” trước bạo lực vô nghĩa và tai họa bất thình lình giáng xuống đầu họ và gia đình. Ngài cũng cám ơn cử chỉ hiền phụ của Đức Thánh Cha dành cho gia đình các nạn nhân.

Tiếp lời Đức Cha André Marceau, Ông Pierre Etienne Denis, chủ tịch Hiệp hội các Nạn nhân Khủng bố cám ơn Đức Thánh Cha và nêu nhận xét rằng: “Những nạn nhân đến đây không phân biệt tôn giáo đều nhận ra lòng nhân ái vô biên của vị lãnh đạo tối cao Giáo Hội Công Giáo.’’ Đó cũng là nhận định của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh, khi ngài nói rắng “Cuộc triều yết này mang ý nghĩa đại kết sâu xa.”

Ông Pierre Etienne Denis đã dâng lên Đức Thánh Cha một giỏ 86 bông hoa cẩm chướng đủ màu, tượng trưng cho 86 nạn nhân vô tội bị chiếc xe vận tải của quân khủng bố cán chết tại Nice.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha xúc động chia buồn với các thân nhân và nói rằng “nỗi đau buồn này càng sâu đậm khi tôi nghĩ đến các trẻ em, thậm chí có toàn bộ một số gia đình bị tước bỏ sự sống bất thình lình và thê thảm như vậy”.

Ngài cũng nhắc nhở rằng “Đối với các tín hữu Kitô chúng ta, nền tảng hy vọng chính là Chúa Giêsu đã chịu chết và sống lại. Ước gì niềm xác tín về sự sống đời đời, – một điều cũng có nơi các tín hữu thuộc các tôn giáo khác-, là niềm an ủi cho anh chị em trong cuộc sống, và là động lực mạnh mẽ để anh chị em kiên trì can đảm tiếp tục hành trình của anh chị em tại thế này”.

Đức Thánh Cha không quên cầu nguyện cho tất cả những người bị thương, trong một số trường hợp có những người bị cưa cắt, trong thể xác và tinh thần. Ngài cũng ca ngợi tinh thần liên đới mà thảm trạng ở Nice khơi lên, đồng thời cám ơn tất cả những người đã cứu giúp các nạn nhân, đặc biệt là hiệp hội Huynh Đệ miền Alpes-Maritimes, bao gồm các tôn giáo khác nhau, trong đó có nhiều tổ chức bác ái Công Giáo.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng “thiết lập một cuộc đối thoại chân thành và những quan hệ huynh đệ giữa mọi người, đặc biệt là những người cùng tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất và từ bi, là một điều ưu tiên cấp thiết mà các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, cần tìm cách cổ võ và mỗi người được kêu gọi thực hiện chung quanh mình. Khi cám dỗ co cụm vào mình, hoặc cám dỗ dùng oán thù và bạo lực để đáp trả bạo lực, lên tới mức độ mạnh mẽ, thì sự hoán cải nội tâm chân thành là điều cần thiết. Đó là sứ điệp Tin Mừng được gửi đến tất cả chúng ta”.

Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã gặp từng người, thăm hỏi, an ủi họ. Nhiều người không cầm được nước mắt.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

Ga 18, 33 - 37a

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Chúa là Vua SUY NIỆM LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ – B (Ga 18, 33 – 37) Chu kỳ …