1. Đức Thánh Cha lên đường tông du Hàn quốc
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy đây diễn ra tại phi trường Fiumicino của Rôma lúc 4h chiều theo giờ địa phương ngày thứ Tư 13 tháng 8.
Đức Thánh Cha đã đáp chuyến bay của hãng hàng không Alitalia. Chuyến bay kéo dài 11 tiếng đồng hồ trước khi đáp xuống phi trường quốc tế Hán Thành. Thủ đô của Nam Hàn đi trước Rôma 9 tiếng. Do đó, Đức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường Hán Thành lúc 11:30 ngày thứ Năm 14 tháng 8 theo giờ địa phương.
Sau thánh lễ tạ ơn diễn ra tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đã được tổng thống Park Geun-hye chào đón trong lễ nghi chính thức tại Tòa Nhà Xanh, tức là dinh quốc khách của Nam Hàn.
Lúc 4:30 chiều, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ với các nhà lãnh đạo chính trị và dân sự của Nam Hàn.
Một giờ sau đó, tức là lúc 5:30 chiều, Đức Thánh Cha gặp gỡ các Giám Mục Hàn quốc tại trụ sở của Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn.
2. Sứ điệp video của Đức Thánh Cha gởi nhân dân Hàn quốc
Trước khi lên đường sang Nam Hàn, Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu Hàn Quốc đón nhận ánh sáng của Chúa Kitô và biểu lộ trong đời sống thường nhật.
Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong sứ điệp Video gửi nhân dân Hàn quốc được đài truyền hình KBS và nhiều cơ quan truyền thông khác ở Hàn Quốc phổ biến.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nói:
“Anh chị em thân mến!
Trong vài ngày nữa, với ơn Chúa giúp, tôi sẽ ở giữa anh chị em ở Hàn Quốc. Ngay từ bây giờ tôi cảm ơn anh chị em vì sự tiếp đón và mời gọi anh chị em cùng cầu nguyện với tôi, để cuộc tông du này mang lại những thành quả tốt đẹp cho Giáo Hội và xã hội Hàn Quốc.
‘Hãy trỗi dậy và chiếu sáng!’ (Is 60,1). Tiên tri Isaia đã nói với thành Jerusalem như vậy. Tôi cũng xin mượn lời này để ngỏ lời với anh chị em. Chính Chúa mời gọi anh chị em đón nhận ánh sáng của Chúa, đón nhận trong tâm hồn và phản chiếu ánh sáng ấy trong một cuộc sống đầy niềm tin, cậy, mến, đầy niềm vui Phúc Âm”.
Như anh chị em biết, tôi đến nhân dịp Ngày Giới Trẻ Á châu lần thứ 6. Tôi sẽ đặc biệt mang đến cho các bạn trẻ lời kêu gọi của Chúa: ‘Hỡi giới trẻ Á châu, hãy trỗi dậy! Vinh quang của các vị tử đạo chiếu sáng trên các bạn’. Ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh chiếu tỏa như qua một gương soi trong chứng tá của Phaolô Duẫn Trì Trung (Yun Ji-chung) và 123 bạn chịu chết vì đức tin, mà tôi sẽ tôn phong chân phước ngày 16-8 tới đây tại Hán Thành.
Các bạn trẻ là những người mang hy vọng và nghị lực cho tương lai; nhưng họ cũng là những nạn nhân của cuộc khủng hoảng luân lý và tinh thần thời nay. Vì thế tôi muốn loan báo cho họ và tất cả mọi người về một danh duy nhất trong đó chúng ta có thể được cứu thoát: đó là danh Chúa Giêsu.
Anh chị em Hàn quốc thân mến, niềm tin nơi Chúa Kitô đã ăn rễ sâu nơi đất anh chị em và mang lại hoa trái dồi dào. Những người cao niên là những người giữ gìn gia sản ấy: nếu không có họ thì người trẻ sẽ không có ký ức. Cuộc gặp gỡ giữa người cao niên và người trẻ là bảo đảm hành trình của dân tộc. Và Giáo Hội là đại gia đình trong đó tất cả chúng ta là anh chị em với nhau trong Chúa Kitô. Nhân danh Chúa, tôi đến nơi anh chị em, trong niềm vui được chia sẻ với anh chị em Tin Mừng tình thương và hy vọng.
Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ bảo vệ anh chị em”
3. Họp báo về chuyến tông du Hàn quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô
Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 8 tháng 8, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng sẽ lên máy bay sang Hàn Quốc vào ngày thứ Tư 13 tháng 8. Sau chuyến bay kéo dài 11 giờ, ngài sẽ đến nơi vào ngày hôm sau, thứ Năm 14 tháng 8. Trong ngày đầu tiên tại Hàn quốc, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ với tổng thống và chính quyền địa phương ở Hán Thành.
Vào ngày thứ Sáu 15 tháng 8, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời , ngài sẽ cử hành Thánh Lễ tại sân vận động World Cup Daejeon. Sau đó, ngài sẽ gặp gỡ hàng ngàn thanh niên tham dự Đại Hội Giới Trẻ Á Châu tại Đền Solmoe.
Cha Federico Lombardi cho biết:
“Một nhóm đông đảo thanh niên dự kiến sẽ tham dự Ngày Giới Trẻ Á Châu. Khoảng 6,000 thanh thiếu niên. Tuy không giống như Ngày Giới trẻ Thế giới, nơi có thể có hơn 2 triệu người, biến cố này vẫn có ý nghĩa và quan trọng.”
Thứ Bẩy 16 tháng 8, Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm một trung tâm giúp người tàn tật. Để nhấn mạnh rằng cuộc sống có giá trị, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ một người đàn ông dù khuyết tật trầm trọng, vẫn là một nhân vật rất nổi danh tại Hàn quốc.
Cha Federico Lombardi nói:
“Ông ấy là một nhà truyền giáo, một người thực sự là rất nổi tiếng tại Hàn Quốc. Ông không có tay chân, tức là người có khuyết tật nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông là một tông đồ và ông khuyến khích những người khác vui sống bất chấp những khuyết tật của mình.”
Đức Giáo Hoàng cũng chủ sự lễ phong chân phước cho 124 vị tử đạo người Hàn Quốc. Trước đây, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã phong thánh cho 103 vị tử đạo trong triều đại giáo hoàng của mình. Các vị đã được phong thánh này là những vị thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba sau khi Kitô Giáo được du nhập vào quốc gia này.
Cha Federico Lombardi giải thích về sự khác biệt như sau:
“Trong khi thế hệ đầu tiên của các vị tử đạo đã được người Hàn quốc kính nhớ, đã có những khó khăn trong tiến trình điều tra cuộc sống và trường hợp tử đạo của các vị. Vì vậy, cho đến bây giờ án phong thánh của họ mới kết thúc”
Vào ngày Chúa Nhật 17 tháng 8, Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ với các bạn trẻ trước khi trở lại Hán Thành.
Ngày hôm sau, thứ Hai 18 tháng 8, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải giữa hai miền Bắc và Nam Triều Tiên, chỉ vài giờ trước khi quay trở lại Rôma.
Giống như hầu hết các nước châu Á, người Công Giáo là một thiểu số ở Hàn Quốc. Nhưng có được một sự gia tăng ổn định trong thập kỷ qua. Họ chiếm khoảng 10 phần trăm dân số và khoảng 100,000 người được rửa tội có mỗi năm.
4. Tòa Thánh ra Tuyên Ngôn nghiêm khắc lên án việc hình thành cái gọi là ‘Nhà Nước Hồi Giáo’.
Hôm nay, thứ Ba ngày 12 tháng 8, Hội đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn ra Tuyên Ngôn nghiêm khắc lên án việc tái lập cái gọi là ‘Nhà Nước Hồi giáo’, và cực lực lên án những hành vi man rợ không thể biện minh được.
Hội đồng Tòa Thánh khẳng định rằng:
“Toàn thế giới kinh hoàng chứng kiến cái gọi là ‘sự tái lập Nhà Nước Hồi giáo (Caliphate)’ là điều đã bị Kamal Ataturk, vị sáng lập nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, bãi bỏ ngày 29-10-1923.
Sự phản đối chống lại sự ‘tái lập’ này của đại đa số các tổ chức tôn giáo và các chính trị gia Hồi giáo vẫn không ngăn cản nổi những chiến binh ‘thánh chiến của Nhà Nước Hồi giáo’ phạm và tiếp tục phạm vào những hành vi tội ác khôn tả.
Hội đồng Tòa Thánh này, cùng với tất cả những người dấn thân trong công cuộc đối thoại liên tôn, tín hữu của tất cả các tôn giáo cũng như những người nam nữ thiện chí không thể không đồng thanh tố giác và lên án những phương thức sỉ nhục con người như:
– Chủ trương tàn sát dân chúng chỉ vì tín ngưỡng của họ;
– Hành vi đáng kinh tởm là chặt đầu người, đóng đinh và treo thi thể nơi trường sở công cộng;
– Chính sách tùy tiện bó buộc các tín hữu Kitô và người Yazidi phải theo Hồi Giáo, hay là trả tiền thuế (yizya) hay là phải di cư;
– Việc trục xuất hàng mấy chục ngàn người, trong đó có các trẻ em, người già, phụ nữ đang mang thai và bệnh nhân.
– Hành động bắt cóc các thiếu nữ và phụ nữ thuộc cộng đoàn Yazidi và Kitô như chiến lợi phẩm (sabaya);
– Hành vi cưỡng bức man rợ các phụ nữ phải khâu kín bộ phận sinh dục;
– Việc phá hủy các nơi thờ phượng và lăng tẩm của Kitô giáo và Hồi giáo;
– Hành động chiếm đóng hoặc xúc phạm đến các nhà thờ và tu viện;
– Việc tháo gỡ các thánh giá và các biểu tượng tôn giáo khác của Kitô giáo và các cộng đồng tôn giáo khác;
– Hành vi phá hủy các gia sản Kitô vô giá về tôn giáo và văn hóa;
– Việc bạo hành dã man với mục đích làm cho dân chúng phải kinh sợ để bó buộc họ khuất phục hoặc phải chạy trốn.
Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn khẳng định rằng: Không nguyên cớ nào và chắc chắn là không tôn giáo nào có thể biện minh cho những hành vi man rợ như vậy. Đó là một sự xúc phạm cực kỳ trầm trọng đối với nhân loại và đối với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nhắc nhở.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể quên rằng các tín hữu Kitô và Hồi giáo đã có thể sống chung với nhau qua bao thế kỷ, tuy có những lúc thăng trầm, kiến tạo một nền văn hóa cùng tồn tại và một nền văn minh đáng hãnh diện. Hơn thế nữa, chính trên căn bản đó mà trong những năm gần đây, cuộc đối thoại giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo đã được tiếp tục và tăng cường.
Tình trạng thê thảm của các tín hữu Kitô, của những người Yazidis và các cộng đồng tôn giáo và chủng tộc thiểu số tại Iraq đòi phải có một lập trường minh bạch và can đảm từ phía các vị lãnh đạo tôn giáo, nhất là Hồi giáo, những người dấn thân trong cuộc đối thoại liên tôn và tất cả mọi người thiện chí. Tất cả phải đồng thanh quyết liệt lên án những tội ác vừa nói và tố giác việc lạm dụng tôn giáo để biện minh cho những việc làm ấy. Nếu không như thế thì các tôn giáo này, các tín đồ và thủ lãnh của họ còn có gì đáng cho người ta tin? Cuộc đối thoại liên tôn đã được kiên nhẫn theo đuổi trong những năm qua còn chút uy tín nào nữa không?
Các vị lãnh đạo tôn giáo cũng được mời gọi hãy dùng ảnh hưởng của mình với các chính quyền để chấm dứt những tội ác này, trừng phạt những kẻ phạm tội và tái lập pháp quyền trên miền đất này, đồng thời bảo đảm cho những người bị trục xuất được hồi hương. Trong khi nhắc nhở sự cần thiết phải có luân thường đạo lý trong xã hội loài người, chính các nhà lãnh đạo các tôn giáo này không được quên nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ, tài trợ và cung cấp võ khí cho khủng bố là điều vô luân.
Ngoài ra, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn cũng cám ơn tất cả những người đã lên tiếng tố giác nạn khủng bố, nhất là thứ khủng bố lợi dụng tôn giáo để biện minh cho mình.
Chúng ta hãy hiệp tiếng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô: ‘Xin Thiên Chúa hòa bình khơi lên nơi tất cả mọi người một ước muốn chân thành đối thoại và hòa giải. Không thể thắng bạo lực bằng bạo lực. Chỉ có thể thắng bạo lực được bằng hòa bình!’.
5. Đại thảm họa nhân đạo tại Iraq
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Năm 2003, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã khẩn khoản yêu cầu các nước phương Tây đừng dùng vũ lực để giải quyết các xung đột tại Iraq nhưng kiên trì theo đuổi con đường đối thoại và ngoại giao.
Bất chấp những lời van xin của ngài, ngày 20/3/2003, Hoa Kỳ và các nước phương Tây xua quân vào Iraq, và sau đó giết chết Saddam Hussein. Biến cố này tạo ra một khoảng trống quyền lực, hình thành một mảnh đất mầu mỡ cho các loại chủ nghĩa Hồi Giáo cuồng tín phát triển. Sau những thiệt hại nặng về nhân mạng và những chi phí quân sự quá lớn, Hoa Kỳ rút quân khỏi Iraq vào tháng 12 năm 2011. Chủ nghĩa Hồi Giáo cuồng tín phát triển còn mạnh hơn gấp bội.
Bên cạnh đó, từ tháng 5 năm 2006, thủ tướng Nouri al-Maliki đã xây dựng một nhà nước Iraq có khuynh hướng Hồi Giáo Shiite rõ rệt gây căm phẫn cho người Hồi Giáo Sunni. Kết quả là từ tháng Giêng năm nay, quân khủng bố Hồi Giáo Sunni lần lượt chiếm được Fallujah và các thành phố lớn của Iraq. Ngày 10 tháng 6, quân Iraq tại Mosul thủ phủ của người Công Giáo tại Iraq rã ngũ bỏ chạy trước sức tiến công của quân khủng bố Hồi Giáo. Ngày 29 tháng 6, bọn khủng bố thành lập cái gọi là Nhà Nước Hồi Giáo tại Iraq và Syria, gọi tắt là ISIS và lập tức tiến hành một cuộc thanh trừng tôn giáo quy mô lớn tại Iraq và Syria.
Trong hơn hai tháng qua, Hoa Kỳ và các nước phương Tây tỉnh bơ trước những đau khổ của các tín hữu Kitô Iraq. Họ bị buộc phải cải đạo sang đạo Hồi, bị trục xuất, bị giết, bị bắt cóc, bị cướp đoạt nhà cửa, ruộng vườn, tài sản. Đứng trước những đau khổ của các tín hữu, Đức Giáo Hoàng, và Đức Thượng Phụ Công Giáo Louis Raphaël Sako liên tục kêu lên:
“Chúng tôi kêu gọi với nỗi buồn và sự đau đớn lương tâm của tất cả những người thiện chí, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu, hãy cứu những người vô tội khỏi cái chết. Chúng tôi hy vọng là không quá muộn!”
Hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang thấy đây là những người Công Giáo Chanđê tị nạn đang tụ tập bên trong một nhà thờ tại thủ phủ Erbil của người Kurd. Họ tập trung trong nhà thờ để đọc kinh cầu nguyện. Nhưng đây cũng chính là nơi họ nghỉ ngơi ngày qua ngày sau khi chạy khỏi Mosul, và là những làng mạc trong khu vực bình nguyên Ninêvê.
Sau hơn hai tháng để mặc cho quân khủng bố Hồi Giáo ISIS muốn làm gì thì làm, thái độ của Hoa Kỳ và các nước phương Tây chỉ thay đổi vào hôm thứ Năm 7 tháng 8 vừa qua sau khi một đại thảm hoạ nhân đạo đã diễn ra.
Quân khủng bố Hồi Giáo ISIS sau những chiến thắng dồn dập trên chiến trường và thu được những khí tài chiến tranh bao gồm cả xe tăng và trực thăng do Hoa Kỳ sản xuất đã đẩy lui quân Kurd đến sát thủ phủ Erbil nơi đặt tòa lãnh sự Hoa Kỳ. Thành phố này có nguy cơ thất thủ và Hoa Kỳ có nguy cơ chứng kiến một biến cố Benghazi khi quân khủng bố giết chết đại sứ Hoa Kỳ và các tùy viên tòa đại sứ tại Libya.
Bên cạnh đó, quân khủng bố Hồi Giáo ISIS nay đổi tên là IS, tức là Nhà Nước Hồi Giáo bỏ chữ Iraq và Syria đi với ý đồ muốn thâu tóm không chỉ hai nước này mà thôi nhưng là toàn thế giới đã tấn công cộng đồng người Yazidi tàn sát hơn 500 người đàn ông và bắt đi 300 thiếu nữ làm nô lệ cho chúng. Tình báo Anh quốc cho biết hơn 150,000 người Yazidi gồm cả người già, phụ nữ và trẻ em chạy trốn trên núi Sinjar lang thang trong tuyệt vọng giữa cái nóng 45 độ của mùa hè Iraq. Bộ trưởng ngoại giao Pháp tiết lộ ít nhất 70 người đã chết vì đói khát trong ngày đầu tiên chạy trốn bọn khủng bố IS.
Người Yazidi là một cộng đồng cổ xưa, tập trung ở Iraq nơi dân số lên đến 600,000 người. Tuy nhiên, họ cũng có mặt tại Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ theo một tôn giáo theo đó người ngoài cộng đồng không được chấp nhận và các tín hữu không tiết lộ cho người ngoài về các chi tiết nghi lễ của họ. Về cơ bản, người Yazidi tin vào Đức Chúa Trời và bảy thiên thần bảo vệ thế giới. Họ nói ngôn ngữ Kurd.
Một nghị sĩ người Yazidi nói với tờ Christian Science Monitor: “Trong lịch sử của chúng tôi, chúng tôi đã phải chịu đựng 72 cuộc thảm sát. Chúng tôi đang lo lắng Sinjar có thể là cuộc thảm sát lần thứ 73”.
Thảm họa nhân đạo này cùng với nguy cơ thất thủ Erbil đã khiến tổng thống Obama ra lệnh ném bom chặn đường tiến công của quân khủng bố IS và thả dù lương thực và nước uống xuống vùng núi Sinjar là nơi tương truyền có con thuyền ông Nôe.
Việc ném bom có tác dụng tức thời ngăn chặn được sự sụp đổ của thành phố Erbil. Đồng thời, bất ngờ mở được một thông lộ cho 30,000 người Yezadi chạy thoát sang Syria.
Trong thông cáo báo chí, Hoa Kỳ cho biết vào ngày thứ Bẩy 09 tháng 8, lúc 15:20 giờ quốc tế, một nhóm máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Hoa Kỳ đã tấn công vào một đoàn xe thiết giáp và xe vận tải của quân khủng bố Hồi Giáo ISIS đang xả súng tàn sát những người Yazidi. Các máy bay này đã tiêu hủy hai xe thiết giáp và hai xe vận tải của quân khủng bố.
Tuy nhiên, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã thay đổi chiến lược. Thay vì đi ngênh ngang ngoài đường làm mồi cho máy bay, chúng trà trộn trong dân chúng. Do đó, các chuyên gia quân sự tin rằng ngoại trừ Liên Hiệp Quốc thương thuyết được với quân khủng bố Hồi Giáo IS, khả năng duy nhất để cứu hàng trăm ngàn người bị kẹt ở núi Sinjar là đưa quân đội vào vùng này. Nếu không, chỉ trong vài ngày tới dân chúng sẽ chết vì đói khát dưới cái nóng 45 độ.
Trong những ngày qua, các tổ chức bác ái trong các lãnh thổ do người Kurd kiểm soát đã phối hợp với quân đội Kurd đưa nước và thực phẩm đến cho những người Yezadi đang lang thang tuyệt vọng trên núi.
Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy quân khủng bố IS bắn lên như mưa nên từ trên trực thăng, quân Kurd phải liên tục bắn trả lại để có thể bay đến núi Sinjar.
Đông đảo dân chúng mừng rỡ khi thấy trực thăng xuất hiện và thả đồ tiếp tế xuống cho họ. Sau khi thả hết đồ xuống, chiếc trực thăng đáp xuống và bốc lên một vài người may mắn. Bé gái này đang khóc nức nở vì cha em đã cố hết sức đẩy em lên chiếc trực thăng để may ra em có thể sống sót. Người cha đành ở lại. Chúng ta không biết phần số ông sẽ ra sao. Cầu xin cho ông được bình an và gặp lại con mình.
Khi chiếc trực thăng bay lên cũng là lúc quân khủng bố Hồi Giáo IS bắn như mưa vào chiếc máy bay. Tuy nhiên, chiếc trực thăng thoát được và đã về đến Erbil bình an.
6. Không thể nại đến danh Thiên Chúa để gieo rắc thù hận
Không thể nại đến danh Thiên Chúa để gieo rắc thù hận! Không thể gây chiến nhân danh Thiên Chúa!
Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 10 tháng 8. Ngài đã tái khẩn thiết kêu gọi hòa bình cho Iraq và Thánh Địa. Đức Thánh Cha nói:
“Anh chị em thân mến, các tin tức đến từ Iraq khiến cho chúng ta không thể tin được: hàng ngàn người, trong đó có các tín hữu Kitô, bị đuổi khỏi nhà cửa của họ một cách tàn bạo; trẻ em chết đói chết khát trong khi chạy trốn; phụ nữ bị bắt cóc; con người bị tàn sát; đủ mọi thứ bạo lực; rồi đến việc tàn phá các gia sản tôn giáo, lịch sử và văn hóa. Tất cả những điều này xúc phạm trầm trọng đến Thiên Chúa và nhân loại. Không thể nại đến danh Thiên Chúa để gieo rắc thù hận! Không thể gây chiến nhân danh Thiên Chúa!
Tôi xin cám ơn những người đang can đảm trợ giúp các anh chị em này, và tôi tin tưởng rằng một giải pháp chính trị hữu hiệu trên bình diện quốc tế và địa phương có thể ngăn chặn các tội phạm này và tái lập các quyền lợi hợp pháp. Để bảo đảm tốt hơn cho sự gần gũi của tôi, tôi đã gửi Đức Hồng Y Fernando Filoni, như đặc sứ của tôi tại Iraq. Ngày mai Đức Hồng Y sẽ lên đường sang nước này.
Cả tại dải Gaza sau một cuộc ngưng bắn, chiến tranh đã tái diễn, tạo ra thêm các nạn nhân vô tội, và chỉ làm cho xung khắc giữa người Israel và người Palestine trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta hãy cùng nhau xin Thiên Chúa của hòa bình qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria: “Lạy Chúa, xin ban hòa bình cho những ngày sống của chúng con, và biến chúng con thành những người xây dựng công lý và hòa bình.”
Đức Thánh Cha cũng mời mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân của vi khuẩn Ebola và những ai đang chiến đấu để ngăn chặn nó.
7. Đức Thánh Cha cử Đức Hồng Y Filoni sang Iraq bày tỏ tình liên đới với các Kitô Hữu
Hôm thứ Sáu mùng 8 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo sang Iraq viếng thăm và bầy tỏ sự gần gũi và tình liên đới của toàn thể Giáo Hội với các Kitô hữu bị quân khủng bố Hồi Giáo ISIS bách hại.
Trả lời cuộc phỏng vấn của chương trình Ý ngữ đài Vatican, Đức Hồng Y hy vọng có thể đến thăm các Kitô hữu Iraq và ở lại bên cạnh họ một thời gian để khích lệ họ trong hoàn cảnh đau khổ khó khăn này: phải bỏ nhà cửa ruộng vườn ra đi với hai bàn tay trắng, và đang lang thang tìm một nơi trú ẩn khác. Đức Hồng Y sẽ gặp Đức Thượng Phụ Louis Sako để lượng định tình hình và xem có thể làm gì để trợ giúp họ. Liên quan tới nhận định của Đức Thượng Phụ về nguy cơ diệt chủng, Đức Hồng Y cho biết kể từ khi độc lập khỏi đế quốc Ottoman cách đây 90 năm, các tín hữu Kitô Iraq đã phải nhiều lần gánh chịu các bách hại và ngược đãi vì đức tin.
Cũng trong ngày mùng 8 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phóng lên mạng Tweeter lời kêu gọi mọi người thiện chí hiệp ý với ngài cầu nguyện cho các tín hữu Kitô Iraq và tất cả mọi cộng đoàn bị bách hại.
Sáng thư Hai 11 tháng 8, Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, đã lên đường sang Iraq. Ngài đã từng là Sứ thần Tòa Thánh tại Iraq trong thời chiến tranh hồi năm 2003.
Chiều Chúa Nhật 10 tháng 8, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Đức Hồng Y Filoni và đưa ra những chỉ dẫn cho sứ mạng của Đức Hồng Y, đồng thời cũng trao một số tiền lớn để góp phần cứu trợ cấp thời cho các nạn nhân, như dấu chỉ tình liên đới cụ thể, tham gia những cố gắng của các tổ chức và những người thiện chí để đáp ứng tình trạng thê thảm này.
Đức Hồng Y Filoni cho biết sứ mạng của ngài là khích lệ, mang lại sự tín thác, trợ giúp về tinh thần và tâm lý. Ngài cảm thấy rằng các tín hữu Kitô ở Iraq, sau bao nhiêu khó khăn, có thể nghĩ rằng đây không còn là đất nước của họ nữa. Theo truyền thống, Iraq vốn là một nước trong đó có rất nhiều thực tại cùng chung sống, đó là một đất nước hiếu khách và trong lịch sử, qua bao thế kỷ, các nhóm thiểu số và đa số vẫn sống chung với nhau tại đất nước này. Vì thế, thật là đáng tiếc nếu ngày nay sự phong phú ấy bị mất đi.
Đức Hồng Y Filoni cũng nói rằng sự hiện diện của ngài tại Iraq nhắm khích lệ các tín hữu Kitô, để nói với họ rằng có một tương lai đối với họ. “Tôi xác tín rằng chính quyền sẽ làm tất cả những gì có thể để các tín hữu Kitô ấy có thể sống an toàn, có tương lai và an ninh. Nhưng họ cũng phải cảm thấy rằng Giáo Hội hoàn vũ ở với họ, không bỏ rơi họ, coi họ là quí giá tại phần đất này”.
Sau cùng, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ truyền giáo khẳng định rằng sứ mạng của ngài cũng nhắm gây ý thức nơi chính quyền, khuyến khích họ quan tâm đến các thành phần này trong dân chúng, đồng thời tìm cách giúp đỡ những người dân này một cách cụ thể trong hoàn cảnh hiện nay cũng như trong tương lai gần. Đức Hồng Y cũng muốn cám ơn tất cả những người, từ chính quyền, tới các tổ chức của Giáo Hội và ngoài Giáo Hội, cũng như tất cả những người đang cứu giúp dân chúng Iraq”
Trong khi đó, các Giám Mục Pháp cũng kêu gọi tín hữu toàn nước này lắng nghe tiếng khóc của nhân dân Iraq và mau chóng trợ giúp họ.
Trong thông cáo phổ biến ngày mùng 7 tháng 8, Đức Cha Georges Pontier, Tổng Giám Mục Marseille, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, khẳng định tình hình của các tín hữu Kitô Iraq rất thê thảm, và mỗi giờ mỗi bi đát hơn. Chủ trương khủng bố mù quáng, không được chúng ta chú ý nữa trong mùa hè này, đã gia tăng các tấn kích của nó. Đức Cha kêu gọi các giới chức chính quyền Pháp và Liên Hiệp Quốc có các hành động cụ thể và cứng rắn trước khi quá trễ. Tín hữu Công Giáo Pháp được huy động gia tăng cầu nguyện và hành động thế nào để các anh chị em Kitô Iraq cảm nghiệm được sự gần gũi và tình liên đới. Cộng đoàn quốc tế sẽ bất xứng với tên goi này, nếu không che chở được các nhóm thiểu số trên địa cầu.
8. Tuyên bố của Tòa Thánh về tình trạng khẩn trương của các tín hữu Kitô Iraq
Chiều thứ Năm, ngày 7 tháng 8, Tòa Thánh đã tổ chức một buổi họp báo về tình trạng khẩn trương của các tín hữu Kitô Iraq. Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết:
“Đức Thánh Cha quan tâm sâu sắc trước những báo cáo về những diễn biến đang diễn ra tại miền Bắc Iraq liên quan đến đông đảo thường dân là những người vô phương tự vệ. Các cộng đồng Kitô hữu đặc biệt chịu ảnh hưởng nghiêm trọng: họ phải trốn chạy khỏi những ngôi làng của mình, vì bạo lực ác liệt trong những ngày này đang tàn phá toàn bộ khu vực “.
Cha Lombardi nhắc lại rằng “Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 20 tháng 7, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu lên trong đau đớn: Anh chị em chúng ta đang bị bách hại, họ bị đuổi đi, bị buộc phải rời khỏi nhà cửa mà không có cơ hội để mang theo bất cứ điều gì với họ. Đối với những gia đình và những anh chị em này tôi xin bày tỏ sự gần gũi của tôi và lời cầu nguyện sốt mến của tôi cho anh chị em. Anh em chị rất thân yêu đang bị bách hại, tôi biết rõ bao nhiêu đau khổ mà anh chị em phải gánh chịu, tôi biết rằng anh chị em đang bị tước đoạt tất cả mọi thứ. Tôi chia sẻ với anh chị em trong niềm tin vào Đấng đã chiến thắng sự ác! “
Cha Lombardi nói tiếp:
“Trước những diễn biến tồi tệ đang diễn ra, Đức Thánh Cha đã lặp lại sự gần gũi thiêng liêng của mình với tất cả những ai đang đau khổ trong thử thách đau đớn này. Ngài cũng hiệp ý với những lời kêu gọi đầy nhiệt huyết của các giám mục địa phương của con dân Iraq, thỉnh cầu chung với họ thay mặt cho một cộng đồng mệt mỏi trước những thử thách liên tục, để xin toàn thể Giáo Hội và tất cả các tín hữu vang lên một lời cầu nguyện không ngừng, xin Chúa Thánh Thần ban hồng ân hòa bình.
Đức Thánh Cha cũng khẩn trương kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ tất cả những người bị ảnh hưởng hoặc bị đe dọa bởi bạo lực, và bảo đảm rằng tất cả các hỗ trợ cần thiết – đặc biệt là những hỗ trợ cần thiết khẩn cấp nhất – cho đoàn lũ đông đảo những người đã bị đuổi ra khỏi nhà của họ, là những người mà giờ đây số phận của họ phụ thuộc hoàn toàn vào tình liên đới của những người khác.
Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi lương tâm của tất cả mọi người, và của mỗi một tín hữu, ngài lặp đi lặp lại rằng: “Xin Thiên Chúa của hòa bình truyền cảm hứng cho tất cả mọi người trên thế giới, một mong muốn đích thực cho đối thoại và hòa giải. Bạo lực không thể chế ngự bằng bạo lực. Bạo lực chỉ có thể chiến thắng bởi hòa bình!” (Kinh Truyền Tin, 20 tháng Bảy 2014) “
9. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi ngày 17 tháng 8 là ngày cầu nguyện cho các tín hữu Kitô Iraq
Trước tình cảnh bi đát của các tín hữu Kitô Iraq bị buộc phải bỏ nhà cửa chạy trốn cuộc bách hại không ngừng lan rộng của quân khủng bố Hồi Giáo ISIS, các Giám Mục Hoa Kỳ đang kêu gọi một ngày cầu nguyện cho hòa bình ở Iraq vào Chúa Nhật 17 tháng 8.
Đức Giám Mục Richard Pates, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế về Công lý và Hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã gởi văn thư cho tất cả các giáo phận trong cả nước kêu gọi những sáng kiến dành cho ngày cầu nguyện này cùng với một văn bản của Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, là Thượng Phụ Công Giáo Canđê của Iraq.
Kitô hữu ở thành phố Mosul bị buộc phải hoặc là chuyển sang đạo Hồi hoặc phải đối mặt cái chết sau cuộc xâm lược của bọn khủng bố ISIS. Các nhà cửa, doanh nghiệp và nhà thờ của các tín hữu Kitô đã bị tịch thu hoặc bị phá hủy.
Tuy nhiên, tình hình không dừng lại ở đó. Quân khủng bố Hồi Giáo ISIS với chiến xa và trực thăng chiếm được của quân Iraq đang thắng lớn trên tất cả các mặt trận ở miền Bắc Iraq và thủ phủ của người Kurd nơi hàng triệu Kitô hữu đang lánh nạn có nguy cơ thất thủ trước sức tấn công vũ bão của bọn khủng bố Hồi Giáo và sự thờ ơ của thế giới.
Đức Giám Mục Pates cũng kêu gọi người Công Giáo gặp gỡ các đại diện dân cử của họ để bày tỏ mối quan tâm cho các Kitô hữu trong khu vực miền Bắc Iraq.
Ngài kết luận bức thư của mình bằng cách lặp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô cho hòa bình: bạo lực sinh ra nhiều bạo lực hơn nữa” và “đối thoại là con đường duy nhất cho hòa bình.”
10. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh cáo Ebola có thể là nạn dịch tệ hại nhất trong lịch sử loài người
Tổ chức Y tế Thế giới – gọi tắt là WHO – đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh Ebola đang lan rộng ở một số quốc gia ở Tây Phi và có nguy cơ lan rộng khắp thế giới. WHO cảnh cáo rằng đây có thể là nạn dịch tệ hại nhất trong lịch sử loài người.
Các ổ dịch đầu tiên được phát hiện vào tháng Mười Hai, và đã nhanh chóng lan dần. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cầu nguyện cho các nạn nhân chết vì nhiễm trùng, cho đến lúc đó đã cướp đi sinh mạng của gần 1,000 người.
Đức Thánh Cha nói:
“Chúng ta cũng cầu nguyện cho các nạn nhân của virus Ebola đã lan rộng ra khắp Guinea và các nước láng giềng. Xin Chúa ban thêm sức mạnh cho những nỗ lực nhằm chống lại sự bộc phát của dịch bệnh này và bảo đảm việc chăm sóc và hỗ trợ cho những người cần.”
Guinea, Liberia và Sierra Leone là nước bị tàn phá nhiều nhất bởi dịch bệnh.
Nạn dịch lây nhanh đến mức khủng khiếp tại Nigeria. Sau khi trường hợp đầu tiên được ghi nhận vào đầu tyần qua thì ba ngày sau đã có hơn 1,700 người đã bị nhiễm virus.
Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng đại dịch đã lây nhanh như vậy do sự thiếu chăm sóc sức khỏe, do thiếu kinh nghiệm trong điều trị các vi khuẩn và dòng chảy của những người thường xuyên qua di chuyển từ nước này sang nước khác.
Một bác sĩ và một y tá Mỹ đã được di chuyển khỏi Liberia sau khi nhiễm virus. Một nhà truyền giáo Tây Ban Nha cũng đã được đưa trở lại đất nước của mình sau khi bị nhiễm.
Hiện vẫn chưa có thuốc chủng ngừa cho căn bệnh quái ác này. Những triệu chứng thông thường của bệnh này là sốt cao, suy nhược nhanh chóng và xuất huyết. Tỷ lệ tử vong cho bệnh này là gần 90 phần trăm. Nghĩa là cứ 100 trường hợp nhiễm bệnh thì có đến 90 trường hợp tử vong.
11. Hội Đồng Giám Mục Phi công bố trang Web dành cho chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô
Hội Đồng Giám Mục Phi vừa công bố trang web chính thức dành cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại nước này từ 15 đến 19 tháng Giêng, năm 2015.
Trang web hiển thị một đồng hồ đếm ngược từng ngày cho đến khi Đức Thánh Cha xuất hiện. Bên cạnh đó là logo và chủ đề chính thức của chuyến thăm, đó là “Lòng thương xót và từ bi”, cùng với một bức tranh của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Bên dưới logo là hình ảnh sáu em bé từ các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão Hải Yến đang chào đón Đức Giáo Hoàng với những bức tranh do các em tự vẽ. Trong chuyến thăm của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm các khu vực bị tàn phá nặng nề bởi cơn bão kinh hoàng này.
Trang web cũng đã công bố bài hát chính thức cho chuyến thăm mang tên “Chúng ta tất cả đều là con cái Chúa” cùng với lời cầu nguyện chính thức, sẽ được đọc trong mỗi Thánh Lễ được cử hành trong cả nước từ ngày 01 Tháng Tám năm 2014 cho đến ngày 14 tháng 1, năm 2015.
Cuối cùng, trang web này cũng nhắc lại chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Gioan Phaolô II vào năm 1995 tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Manila. Đó là Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lớn nhất trong lịch sử các ngày Giới Trẻ Thế Giới, với hơn 5 triệu người tham dự.
Nguồn: Viecatholic