Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 31/3 – 06/04/2016: Phục sinh tại Trung Đông

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 31/3 – 06/04/2016: Phục sinh tại Trung Đông

1. Đức Thánh Cha chủ sự buổi Canh Thức Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót

Quý vị và anh chị em vừa theo dõi một phần trong buổi canh thức kính Lòng Thương Xót Chúa.

Chiều thứ Bẩy mùng 02 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng dẫn một buổi cầu nguyện canh thức lòng thương xót Chúa với hàng chục ngàn người tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, trong đó ngài nói về nhiều khiá cạnh đa dạng của Lòng Thương Xót Chúa.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày các suy tư của ngài về Lòng Thương Xót Chúa như một “đại dương bao la đến mức rất khó để mô tả tất cả một cách tổng thể”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng Kinh Thánh trình bày lòng thương xót Thiên Chúa như sự gần gũi với dân Ngài và trong những thể hiện dịu dàng, đặc biệt là trong sách tiên tri Hôsê.

Đi sâu vào những khía cạnh đa dạng của lòng thương xót Chúa, Đức Thánh Cha nói:

“Có biết bao những biểu hiện của Lòng Thương Xót Chúa! Lòng Thương Xót này đến với chúng ta như sự gần gũi và sự dịu dàng, như lòng từ bi và tình liên đới, sự an ủi và tha thứ. Chúng ta càng nhận được, chúng ta càng được mời gọi để chia sẻ với những người khác; chứ không thể giấu kín đi hoặc chỉ giữ lại cho mình. Lòng Thương Xót là một điều gì đó cháy bỏng trong lòng chúng ta, dẫn dắt chúng ta đến tình yêu thương tha nhân, và như thế nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô nơi những người rốt cùng, yếu thế, cô đơn, hoang mang và chiụ nhiều thiệt thòi.”

Buổi canh thức cầu nguyện này trùng hợp với kỷ niệm 11 năm ngày Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời hôm Chúa Nhật 2 tháng 4, 2005.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm đền thánh Lòng Thương Xót trong khuôn khổ Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28 diễn ra vào mùa hè này tại Krakow, Ba Lan.

2. Công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình

Tông Huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô nhằm tổng kết các Thượng Hội Đồng về gia đình sẽ được công bố tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh lúc 11:30 sáng thứ Sáu ngày 08 Tháng Tư.

Tông Huấn này có tựa đề “Amoris Laetitia” (Niềm vui Yêu Thương).

Các văn bản của Tông Huấn bằng tiếng Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được chuyển cho các nhà báo có ghi danh với Tòa Thánh từ 08 giờ sáng theo giờ Roma ngày thứ Sáu 08 tháng 4. Tuy nhiên, các tài liệu này chỉ được công bố sau 12 giờ trưa ngày hôm đó.

Tông Huấn “Amoris Laetitia” sẽ được trình bày trong khuôn khổ một cuộc họp báo. Những vị trình bày tông huấn này gồm:

– Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới,

– Đức Hồng Y Christoph Schoenborn, Tổng Giám Mục giáo phận Vienna, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Áo

– Hai vợ chồng Giáo Sư Francesco Miano, giáo sư triết học luân lý tại Đại học Tor Vergata Roma và Giáo Sư Giuseppina De Simone in Miano, giáo sư triết tại Phân khoa Thần học Nam Italia ở Napoli.

Tông Huấn là kết luận của một quá trình thượng hội đồng hai năm thảo luận về cả vẻ đẹp và những thách thức của cuộc sống gia đình ngày nay.

Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình khóa đặc biệt từ ngày 5 đến 19 tháng 10 năm 2014 có chủ đề là “Những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh Tân Phúc Âm Hoá”. Thượng Hội Đồng này quy tụ 253 tham dự viên trong đó có 181 nghị phụ có quyền bỏ phiếu.

Chủ đề của Thượng Hội Đồng thường lệ năm 2015 là “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và thế giới hiện đại”, diễn ra từ 4 đến 25 tháng 10 năm 2015 với 279 nghị phụ có quyền bỏ phiếu và 90 chuyên gia.

3. Đại Hội Âu Châu kỳ 3 về Tông Đồ Lòng Thương Xót

Chiều 31 tháng 3, Đại Hội Âu Châu kỳ 3 về lòng Thương Xót đã khai diễn tại Roma và kéo dài cho đến Chúa Nhật 3 tháng 4.

Đại hội tiến dành dưới sự phối hợp của Đức Hồng Y Christoph Schoenborn, Tổng Giám Mục giáo phận Vienna, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Áo, và Cha Patrice Chocholsko, Giám đốc Đền thánh Gioan Maria Vianney, ở Ars bên Pháp. Hai vị là Chủ tịch và Tổng thư ký các Hội nghị thế giới về tông đồ lòng thương xót.

Tham dự Đại Hội cũng có các đoàn đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới, kể cả những người Hồi giáo, đạo Sikh và Phật giáo.

Đại hội diễn ra tại Vương cung thánh đường thánh Andrea della Valle, cách Vatican 1 cây số, và có chủ đề là “Lòng thương xót và chính trị tại Âu Châu”, với chứng từ về hệ thống các “thị trấn lòng thương xót” trên thế giới. Đặc biệt có một chứng nhân nổi bật được trình bày là Vị Tôi Tớ Chúa Robert Schuman (1886-1963), nguyên là thủ tướng Pháp và là một trong những người đã khởi xướng Liên hiệp Âu Châu và Hội đồng Âu Châu. Cha Joseph Jos, phó thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho vị Tôi Tớ Chúa này, thuyết trình về đề tài “Robert Schuman và lòng thương xót chính trị tại Âu Châu”, một chủ đề rất thời sự hiện nay, giữa lúc Âu Châu đang phải giải quyết vấn đề di dân và tị nạn.

Đức Hồng Y Schoenborn nói rằng: “Nguy cơ hiện nay là mỗi nước co cụm vào những ranh giới của mình, và những hàng rào, những bức tường được tái lập. Âu Châu đang sống trong thời điểm khó khăn và Giáo Hội có thể góp phần giữa cho đại lục này được thống nhất. Tình bác ái có thể lướt thắng sợ hãi và những trào lưu mới quốc gia chủ nghĩa mà người ta tưởng là những điều đã thuộc về quá khứ”.

Trong Đại Hội cũng có một bài lectio divina, đọc và nguyện gẫm Lời Chúa, với chủ đề “Lòng thương xót”.

Các tham dự viên đã dự buổi canh thức cầu nguyện với Đức Thánh Cha lúc 6 giờ chiều thứ bẩy 2 tháng 4 tại Quảng trường Thánh Phêrô và thánh lễ ngài chủ sự lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật tới đây, 3 tháng 4, lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Trong số các nhóm tín hữu tham dự đặc biệt có 500 thành viên của Phong trào “Huynh đoàn Tông Đồ lòng Chúa Thương Xót”. Phong trào này được thành lập cách đây 20 năm do một thiếu niên 13 tuổi, nay là Linh mục Pasqualino di Dio, thuộc giáo phận Piadda Armerina. Các thành viên Phong trào này sống ơn gọi bí tích rửa tội, phục vụ Giáo Hội, làm chứng cho mọi người về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống qua thái độ tín thác đối với Thiên Chúa và từ bi đối với tha nhân.

Hiện nay tại Italia, phòng trào này khởi xướng và duy trì nhiều hoạt động từ thiện bác ái, trợ giúp người nghèo cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Các đại hội thế giới về lòng thương xót đã được khởi xướng sau khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 qua đời năm 2005, người đã thành lập lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa. Đại hội đầu tiên tiến hành tại Roma năm 2008, rồi tại Cracovia năm 2011, tiếp đến là Bogotà Colombia năm 2014. Đại hội lần tới đây sẽ tiến hành tại Manila Philippines vào tháng giêng năm tới, 2017.

4. An ninh cho khách hành hương ngày quốc tế giới trẻ tại Ba Lan

Ban tổ chức ngày quốc tế giới trẻ ở Hoa kỳ và Ba lan tiếp tục liên lạc với các quan chức ngoại giao và an ninh của các quốc gia này để bảo đảm rằng các khách hành hương sẽ được an toàn trong ngày hội giới trẻ vào cuối tháng 7 năm nay,

Paul Jarzembowski, điều phối viên và trợ lý giám đốc của phân ban giới trẻ và thanh niên của hội đồng Giám mục Hoa kỳ cho biết, an ninh dự kiến sẽ được thắt chặt ở Krakow, Ba lan, nơi sẽ diễn ra đại hội giới trẻ thế giới, vì chính quyền của cả hai quốc gia sẽ thực hiện những biện pháp để ngăn chặn những trường hợp có thể đe dọa các du khách.

Paul Jarzembowski nói với Catholic News Service, những thông tin hiện tại cho thấy là không có đe dọa cho việc tổ chức được ấn định vào ngày 26 đến 31 tháng 7 năm nay. Ông nói: “Gia đình của các khách hành hương có thể an tâm là chúng tôi thường xuyên liên lạc với Bộ ngoại giao, các ban tổ chức ở Krakow và tòa đại sứ Ba lan ở Hoa kỳ.” Ông cũng nói thêm là các khách hành hương, nếu họ cảnh giác, ý thức và cập nhật tình hình an ninh, có thể an tâm rằng Hoa kỳ và đặc biệt là Ba lan, đang làm mọi việc có thể để bảo đảm sự an toàn của các khách hành hương.”

5. Thông điệp Phục sinh của Đức Hồng Y Bechara Rai

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong dịp lễ Phục Sinh vừa qua, nhiều vị Thượng Phụ ở Trung Đông kêu gọi hòa bình và mời gọi các tín hữu hy vọng giữa những khó khăn.

Đức Hồng Y Bechara Rai, Thượng Phụ Giáo Chủ Công Giáo Maronite, có trụ sở ở Bkerké, gần Beirut, nhận định rằng thế giới, đặc biệt cộng đồng chính trị và nhà cầm quyền các dân nước, rất cần những chứng tá về sự phục sinh.

Trong sứ điệp Phục Sinh, Đức Hồng Y Rai tố giác rằng các cường quốc miền và quốc tế đang áp đặt những cuộc chiến tranh tàn phá ở Trung Đông, nhất là trên các lãnh thổ của người Palestine, Iraq và Syria. Các nước mạnh này “khơi lên khói lửa”, tài trợ và cung cấp các dụng cụ chiến tranh ở Trung Đông, và gửi võ khí cho những tên khủng bố và đánh thuê.. nhắm đến những mưu đồ chính trị, những quyền lợi kinh tế và các mục tiêu chiến lược”. Theo Đức Hồng Y Rai, Liban có thể bảo tồn căn tính của mình nếu giữ trung lập và có lập trường rõ ràng giữa các khối miền và quốc tế”.

6. Đức Hồng Y Georges Marie Martin Cottier, nguyên thần học gia Phủ Giáo Hoàng, qua đời

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn sâu sắc của Ngài trước sự qua đi của Đức Hồng Y Georges Marie Martin Cottier, nguyên thần học gia Phủ Giáo Hoàng.

Trong một điện văn gửi cho người em kế của Đức Hồng Y, Đức Giáo Hoàng nói Ngài chia sẻ nỗi buồn “đang tràn ngập nơi những người biết đến người tôi tớ nhiệt thành này của Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Với lòng biết ơn sâu sắc, tôi nhớ đến niềm tin mạnh mẽ của Ngài, sự dịu dàng phụ tử, những hoạt động về văn hoá và Giáo Hội mạnh mẽ của Ngài, đặc biệt là trong việc phục vụ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong tư cách là Thần Học Gia Phủ Giáo Hoàng”.

Đức Giáo Hoàng kết thúc điện văn với lời phó thác Đức Hồng Y cho lòng từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria và sự chuyển cầu của Thánh Đa Minh.

Đức Hồng Y Cottier, sẽ bước vào tuổi 94 vào ngày 25/04 này, nhưng ngài đã qua đời tại Bệnh Viện Agosto Gemelli vào đêm 31 tháng Ba. Đức Hồng Y đã phục vụ trong tư cách là thần học gia của Phủ Giáo Hoàng từ năm 1990 đến 2005 và là cố vấn của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hoá.

Sáng 1 tháng Tư, Đức Hồng Y Angelo Sonado đã cử hành Thánh Lễ an táng tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 8g30.

Chào đời ở vùng đô thị Carouge của Ginevra, Thuỵ Sĩ vào năm 1922, Georges Marie Martin Cottier gia nhập Dòng Đa Minh vào năm 1945. Sau khi học triết học và thần học tại Học Viện Giáo Hoàng Thánh Tôma Aquino tại Rôma, cũng gọi là Đại Học Angelicum, ngài đã được thụ phong linh mục vào ngày 02/07/1951.

Vào năm 1959, Ngài đã bảo vệ luận án tiến sĩ tại Phân Khoa Nghệ Thuật Tự Do của Đại Học Ginevra về chủ đề “Chủ nghĩa Vô Thần của thanh niên Marx và những nguồn gốc Hegel của ông”. Vào năm 1962, Ngài trở thành giáo sư tại cùng một Đại Học cho đến khi nghỉ hưu năm 1987.

Bên cạnh đó, vị Hồng Y người Thuỵ Sĩ cũng đã dạy các khoá về triết học đương đại ở các Đại Học Fribourg, Montreal, và Padua, và Học Viện Công Giáo Paris cũng như Đại Học Công Giáo Thánh Tâm ở Milan.

Ngài tham dự Công Đồng Vatican II trong tư cách là “Chuyên Gia của Công Đồng” và là một “Cố Vấn Công Đồng” trong việc đối thoại với những người không có niềm tin tôn giáo, tham gia vào nhiều cuộc gặp gỡ ở Ljubljana, Budapest, Strasburg, và Mạc Tư Khoa.

Vào năm 1986, Ngài được bổ nhiệm là một thành viên của Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế, trở thành Thư Ký của uỷ ban này vào năm 1989. Tháng 10/2003, Ngài đã được tấn phong Tổng Giám Mục hiệu toà Tullia và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vinh thăng Hồng Y.

7. Thông điệp Phục sinh của Đức Thượng Phụ Foud Twal

Đức Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem, Fouad Twal, trong bài giảng lễ Phục Sinh tại Đền thờ Mộ Thánh, nhận xét rằng giống như các phụ nữ thấy ngôi mộ trống của Chúa Kitô, nhiều tín hữu Kitô cũng để cho mình bị xao xuyến, sợ hãi sự trống rỗng và vắng bóng, nhưng chúng ta đừng để cho sợ hãi đè bẹp. Đức Thượng Phụ gửi một sứ điệp hy vọng và cầu nguyện cho các bệnh nhân, người già và các tù nhân, các nạn nhân của sự dửng dưng và cô lập, và những người đang sống “ngày thứ sáu tuần thánh”, cũng như cho những người có thể sống niềm vui của lễ Phục Sinh, nhưng không thể loan báo Tin Mừng vì những chính sách nghiêm ngặt và nạn cuồng tín mù quáng”.

8. Thông điệp Phục sinh của Đức Thượng Phụ Gregorio Đệ Tam Laham

Đức Thượng Phụ Gregorio Đệ Tam Laham, Giáo Chủ Công Giáo Melkite ở Damascus thủ đô Syria, nhận xét rằng: “Ngày hôm nay, sau 5 năm bạo lực, chiến tranh, tàn phá và máu đổ, thế giới khám phá rằng con đường Damascus, Jerusalem và Palestine được nối với nhau, vì đó là những con đường đức tin, văn minh và gia sản.. Đứng trước những thảm trạng của dân chúng ở các nước Trung Đông chúng ta, đặc biệt tại Syria và Iraq, chúng ta đang tiến bước trên con đường Golgotha. Nhưng cũng như con đường thập giá dẫn đến phục sinh vinh hiển, chúng ta cầu nguyện để tiến qua con đường thập giá ở Syria, chúng ta có thể tiến đến niềm vui Phục Sinh”.

9. Quan sát viên Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong việc kiến tạo hòa bình

Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York đã bày tỏ “sự kính trọng đặc biệt” đối với “những phụ nữ đã có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến cuộc sống của hàng triệu người và sự phát triển của các quốc gia thông qua những công việc vị tha và dài hạn của họ trong lãnh vực giáo dục, y tế và chăm sóc cho giới trẻ”.

Trong một tuyên bố tại cuộc họp mở rộng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh diễn ra hôm 28 tháng 3 năm 2016, Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza đã trình bày đề tài “vai trò của phụ nữ trong phòng ngừa và giải quyết xung đột ở châu Phi”. Ngài nói rằng phụ nữ “thậm chí trong nhiều hoàn cảnh khó khăn nhất, vẫn nổi bật vì lòng dũng cảm, kiên định và sự cống hiến của họ”.

“Phụ nữ và trẻ em gái thường trở thành nạn nhân của hiếp dâm và các hình thức bạo lực trong các cuộc xung đột. Những nạn nhân này tìm được an ninh và sự cảm thông trong các tổ chức được điều hành bởi những người phụ nữ, thường là bởi các nữ tu.”

Nhà ngoại giao Vatican nhắc nhớ cử tọa với “lòng biết ơn và nỗi buồn” về sự hy sinh của bốn nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái là các chị Anselm từ Ấn Độ, chị Marguerite và chị Reginette từ Rwanda, và chị Judit từ Kenya, là “những người đã bị thảm sát bởi những thành phần cực đoan hèn nhát vào ngày 4 tháng 3 tại Aden, Yemen.”

“Họ cống hiến trọn đời mình cho phụ nữ nghèo và người già, hơn một chục người trong số này cũng đã bị giết chết cùng với họ, trong khi một số nguồn tin cho rằng những kẻ khủng bố đã bắt cóc linh mục Ấn Độ là cha Tom và đóng đinh Ngài vào Thứ Sáu Tuần Thánh.”

Đức Tổng Giám mục Auza ca ngợi nỗ lực của Liên Hiệp Quốc và các chính phủ nhằm “nâng cao nhận thức và đi đến một sự thừa nhận đầy đủ hơn về vai trò quan trọng của phụ nữ” trong việc ngăn ngừa xung đột và xây dựng hoà bình.

Nhà ngoại giao của Vatican ghi nhận là phụ nữ có một “năng khiếu đặc biệt trong việc giáo dục con người trở nên cởi mở hơn và nhạy cảm trước những nhu cầu của những người xung quanh họ và xa hơn nữa” và rằng sự đóng góp của họ trong lĩnh vực này “là rất quan trọng trong việc giải quyết xung đột và thúc đẩy hòa giải sau xung đột.”

10. Vụ tấn công khủng bố tại Bỉ là một đòn chí mạng đánh vào người tị nạn

Hôm 31 tháng Ba, bộ trưởng ngoại giao Ba Lan cho biết chính phủ giữ vững cam kết của mình tiếp nhận 7,000 người tị nạn theo những “điều kiện nghiêm ngặt”. Trước đó, ngay sau vụ tấn công khủng bố tại Brussels giết chết hàng chục người, thủ tướng Ba Lan nói nước bà rút lại các thỏa thuận với Liên minh châu Âu.

Thông báo này được đưa trong bối cảnh nỗi thất vọng đang ngày càng tăng giữa các nhà hoạt động nhân quyền và người tị nạn bị mắc kẹt gần biên giới với Macedonia vì sau vụ khủng bố một số nước đã quyết định đóng cửa biên giới của họ và công bố các biện pháp mới để ngăn chặn dòng người chạy trốn chiến tranh và nghèo đói.

Bộ trưởng Ngoại giao Witold Waszczykowski của Ba Lan đã nói với truyền hình Ba Lan rằng nước ông sẽ sẵn sàng để “xem xét lại các đơn xin” của người tị nạn. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nước ông sẽ chỉ chấp nhận những người có danh tính được xác nhận, những người được tìm thấy là không đe dọa an ninh và những người sẵn sàng muốn định cư lâu dài ở Ba Lan. Ông bày tỏ sự nghi ngờ khả năng có thể tìm được 7,000 người tị nạn như vậy. Tuy nhiên, ý kiến của ông gợi ý rằng chính phủ cánh hữu của Ba Lan sẽ giữ cho cánh cửa mở một chút cho những người tị nạn. Sau vụ tấn công tại Brussels, là thủ đô của cả Bỉ lẫn Liên Hiệp Âu Châu, Thủ tướng Beata Szydlo cho biết bà thấy “không có khả năng” chấp nhận bất kỳ người di cư nào.

Nước Áo cũng lên kế hoạch đặt ra nhiều giới hạn hơn nữa trên những người muốn nhập cư. Bộ trưởng Nội vụ Johanna Mikl-Leitner nói rằng theo quy định mới, Áo chỉ nhận đơn xin tị nạn của những người mà Áo bắt buộc phải nhận vào, ví dụ những người đang phải đối mặt với các mối đe dọa về an ninh ở các nước láng giềng với Áo mà người ấy quá cảnh.

Áo đã thiết lập một giới hạn chỉ nhận 37,500 đơn xin tị nạn trong năm nay, sau khi đã nhận gần 90,000 người trong năm 2015. Các quan chức nói cho đến cuối tháng Ba 14,000 người đã nộp đơn.

Bên cạnh đó một số nước dọc theo tuyến đường Balkan truyền thống sang phương Tây đã đóng cửa biên giới của họ. Chính phủ ở Hung Gia Lợi, chẳng hạn, đã dựng lên một hàng rào dây thép gai dọc theo biên giới với Serbia và Croatia và gửi hơn 6,000 binh sĩ đến biên giới.

Những diễn biến này đã gây thêm thất vọng cho hàng chục ngàn người tị nạn bị mắc kẹt ở Hy Lạp, gần biên giới Macedonia và trong các khu vực khác. Một người tị nạn từ Afghanistan nói với các phóng viên rằng dù sao ông cũng không từ bỏ ước mơ để bắt đầu một cuộc sống tốt hơn ở phương Tây. “Chúng tôi không mong muốn gì từ chính phủ Hy Lạp. Chính họ đang gặp khó khăn với nền kinh tế Hy Lạp hiện nay. Chúng tôi đang yêu cầu thế giới, các nước lớn, hãy mở cửa biên giới cho chúng tôi. Chúng tôi đến đây không phải vì tiền. Chúng tôi muốn tìm một nơi an toàn, và một vùng đất thanh bình trên hành tinh này.”

Ông là một trong số hàng trăm người tị nạn, đã cùng các nhà hoạt động nhân quyền và những sinh viên biểu tình trên đường phố Athens kêu gào “mở biên giới.” Hôm thứ Tư 30 tháng Ba, họ đã bày tỏ sự tức giận sau khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn bắt đầu trục xuất những người họ coi là những “người di cư bất hợp pháp” từ Hy Lạp.

11. 20,000 người Trung Quốc được rửa tội vào đêm Vọng Phục sinh

“Ước tính có khoảng 20.000 người đã được rửa tội vào đêm Phục Sinh” tại Trung Quốc, thông tấn xã Công Giáo AsiaNews của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cho biết như trên hôm 29 tháng Ba.

Bất chấp những chính sách bách hại dai dẳng của chế độ cộng sản Trung quốc, làn sóng gia nhập Giáo Hội Công Giáo vẫn diễn ra với một tốc độ đáng ngạc nhiên. AsiaNews cho biết riêng tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Bắc Kinh, 100 người lớn đã được rửa tội trong Lễ Vọng Phục Sinh. Trong khi đó, tại một giáo xứ nhỏ ở ngoại ô thành phố Thượng Hải, 27 tân tòng đã được đón nhận vào một cộng đồng nhỏ bé chỉ khoảng 100 người Công Giáo.

Hàng năm, việc rửa tội tập thể như thế cũng diễn ra vào dịp Giáng Sinh, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và lễ Đức Mẹ Lên Trời, nâng tổng số người lớn được rửa tội lên tới 100,000 người mỗi năm.

Giáo Hội Tin Lành thậm chí còn tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Chế độ Bắc Kinh xem sự tăng trưởng nhanh chóng của Kitô giáo là một hiện tượng đáng báo động. Một số quan chức ước tính số Kitô hữu vào khoảng 100 triệu người, nhiều hơn so với 85 triệu đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

12. Thông điệp Phục sinh của Đức Thượng Phụ Younan

Tại Beirut, thủ đô Liban, Đức Thượng Phụ Ignaxio Joseph III Younan, Giáo Chủ Công Giáo Siriac, nói rằng “Hòa bình ngày nay là điều mà các tín hữu Kitô chúng ta ở Trung Đông, đang thực sự cần và cố gắng đạt tới. Hòa bình là điều rất ý nghĩa ngày nay đối với Giáo Hội Siriac chúng ta và và những người đang bị bách hại trong bao thế kỷ, và đặc biệt trong thời gian gần đây vì những bàn tay man rợ trong thế kỷ 21, như những cuộc tấn công hồi năm 2010 và 2014”.

Đức Thượng Phụ Younan mời gọi các tín hữu “đừng bao giờ nghi ngờ quyền năng cứu độ của Chúa Phục Sinh và đừng bao giờ mất hy vọng, như các cha ông can đảm của chúng ta đã dạy qua bao thế kỷ”. Ngài kết luận rằng: “Mặc dù đủ loại cơ cực vì sự buộc lòng phải di cư, chạy tới Liban, Giordani hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta tiếp tục cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, cầu xin Chúa thương xót tất cả chúng ta, cầu nguyện để thế giới, đặc biệt để các nước Tây Phương có thể tin”.

13. Người Công Giáo Mosul đón Phục sinh trong âu lo khi theo dõi chiến dịch giải phóng Mosul

Hôm thứ Năm Tuần Thánh, chính quyền Iraq loan báo mở chiến dịch giải phóng Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, cũng là thủ phủ của người Công Giáo nước này.

Trong giai đoạn một, mục tiêu của quân Iraq là giải phóng các ngôi làng trong khu vực Nasr, cách Mosul 70km về phía Nam, để có thể vượt qua sông Tigris giải phóng Qayyara, là nơi có nhiều mỏ dầu và có một sân bay quân sự. Đây sẽ được coi là bàn đạp chiến lược để giải phóng Mosul.

Trong khi đó, tại thủ phủ Erbil, gần hai năm sau sự sụp đổ của Mosul vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS, hầu hết các tín hữu Công Giáo của thành phố này đã tổ chức lễ Phục sinh lưu vong lần thứ tại khu tự trị mà họ ẩn náu sau khi chạy khỏi Mosul. Chỉ có một số rất ít người Công Giáo Mosul có khả năng chạy sang các nước Tây Âu và Hoa Kỳ.

Đức Tổng Giám mục Youhanna Boutros Moshe, của tổng giáo phận Erbil cho biết hiện nay giáo phận của ngài có 60,000 tín hữu so với khoảng 30,000 tín hữu trước khi Mosul thất thủ. Hầu hết các giáo xứ đều phải tái tổ chức lại để có chỗ cho anh chị em tị nạn lưu trú.

Cha George Jahola, một linh mục Mosul tị nạn tại đây, nhận xét rằng các tín hữu ở Mosul có truyền thống giữ đạo rất nhiệm nhặt nhờ thế họ duy trì được “sự trung thành với truyền thống và đức tin được truyền từ đời này sang đời khác”

Cha cho biết thêm về hoàn cảnh cộng đoàn mình như sau:

“Chúng tôi đã bỏ nhà thờ, trường học của chúng tôi, các di sản văn hóa và nghệ thuật có niên đại hàng nhiều thế kỷ, các thư viện, các ảnh tượng thiêng liêng, kinh sách..Chúng tôi đã đi với hai bàn tay trắng. Ở đây, chúng tôi đang bắt đầu lại từ số không.”

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …