Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 31/10 – 05/11/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 31/10 – 05/11/2014

– Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành lễ Các Thánh Nam Nữ tại nghĩa trang Verano của Rôma
– Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành lễ cầu hồn cho các Hồng Y và Giám Mục qua đời năm 2014
– Đức Thánh Cha tiếp Huynh Đoàn Công Giáo canh tân trong Thánh Linh
– Lần đầu tiên sau 125 năm Đức Giáo Hoàng tiếp các Giám Mục Công Giáo Cũ
– Đức Giáo Hoàng tiếp kiến Chủ tịch Nghị viện châu Âu, trước chuyến thăm của ngài đến Strasbourg
– Số người Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ tăng nhưng số linh mục giảm
– Những phát hiện kinh hoàng ở Mễ Tây Cơ
– Khánh thành tượng đài Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 tại Paris.

Đó là những tin chính trong chương trình hôm nay của chúng tôi.

1. Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành lễ Các Thánh Nam Nữ tại nghĩa trang Verano của Rôma

Cũng như năm ngoái, buổi chiều ngày 1 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành lễ Các Thánh Nam Nữ tại nghĩa trang Verano của Rôma

Trong bài giảng ứng khẩu Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư rút ra từ bài đọc thứ nhất trích từ sách Khải Huyền. Đức Thánh Cha đã tập trung vào ba hình ảnh. Đầu tiên là hình ảnh bốn vị thiên sứ cảnh báo chống lại sự tàn phá của Trái Đất. Ngài nói rằng có một ngạn ngữ nằm trong trái tim của tất cả chúng ta: “chúng tôi có thể hủy diệt thế giới tàn khốc hơn”. Thực vậy, con người có khả năng tàn phá thế giới này hơn các thiên sứ: “tàn phá cuộc sống, văn hóa, các giá trị, và niềm hy vọng”. 

“Chúng ta cần đến sức mạnh của Chúa biết bao để chúng ta có thể liên kết với tình yêu của Ngài mà ngăn chặn sự phá hủy kỳ công sáng tạo điên rồ này”. 

Đức Thánh Cha sau đó đề cập đám đông không đếm nổi những con người đề cập đến trong bài đọc. Ngài so sánh các vị với những người bị lãng quên và vứt bỏ trong cuộc sống này. “Có vẻ như những người dân, các trẻ em đói khát và bệnh tật không được tính đến. Họ dường như là những sinh vật khác, không phải loài người. Đám đông cơ man những con người này đứng trước mặt Thiên Chúa “. 

Ngài khích lệ chúng ta nghĩ đến các vị thánh chúng ta không biết đến, là “những người đến từ cơn đại nạn ở nhiều nơi trên thế giới, những người đã được Chúa thánh hóa thông qua những hoạn nạn”. 

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc đến hình ảnh thứ ba là Thiên Chúa: “Chúng ta là con cái Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Nhưng chúng ta hy vọng chúng ta sẽ nên giống như Người. Chúng ta hy vọng Chúa sẽ thương xót dân Người”.

Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu rằng “để hành trình về với Chúa Cha, trong thế giới đầy những tàn phá của chiến tranh, của hoạn nạn, chúng ta phải hành động theo các mối phúc thật. Đó là con đường sẽ cứu chúng ta. Tuy con đường này sẽ dẫn chúng ta đến với những khó khăn và bách hại, nhưng chỉ có con đường này sẽ dẫn chúng ta tiến về phía trước.” 

“Những người đi tiếp trên con đường của các mối phúc thật sẽ gặp gỡ Thiên Chúa và nên thánh”. 

Nghĩa trang rộng lớn Verano được hình thành từ gia đình Verani là một gia đình thế giá trong thời Đế quốc La Mã. Nơi đây đã là một nghĩa trang kể từ thời kỳ này. Kiến trúc sư Ý Giuseppe Valadier đã tạo nên những nét hùng vĩ và đầy ấn tượng của nghĩa trang này. 

Nghĩa trang Verano đã được thánh hiến vào năm 1835 và các công trình vẫn được tiếp tục xây dựng nơi đó trong suốt triều đại giáo hoàng Gregôriô thứ 16 và Piô 9 dưới sự giám sát của Virginius, và Ernestus Immanuel là người đã thiết kế một mái che bốn mặt lớn tại lối vào. 

Tuy nhiên mái che này đã bị lực lượng Đồng Minh thả bom nhầm vào năm 1943 và công việc phục hồi sau đó đã được thực hiện như ta có thể thấy ngày hôm nay khi vào nghĩa trang này với ba lối vào lớn và bốn bức tượng đá cẩm thạch hùng vĩ mô tả việc chiêm niệm, hy vọng, lòng bác ái và sự im lặng. 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc tới vụ đánh bom nghĩa trang Verano và vùng lân cận San Lorenzo của Rôma trong bài giảng của ngài khi lên án sự tàn phá các kỳ công sáng tạo, sự sống và các nền văn hóa đang diễn ra trong thế giới ngày nay và cầu xin Chúa giúp đỡ ngăn chặn cơn sốt điên dại hướng tới sự hủy diệt này. 

Điều thú vị là nghĩa trang cũng có một đài tưởng niệm những người đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành lễ cầu hồn cho các Hồng Y và Giám Mục qua đời năm 2014

Sáng thứ Hai 3 tháng 11, Đức Thánh Cha và các vị Hồng Y và Giám Mục trong giáo triều Rôma đã cử hành Thánh Lễ tưởng nhớ đến tất cả các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời trong năm qua. 

Trong Thánh Lễ, được tổ chức tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu đức tin của chúng ta được tràn đầy niềm vui nơi chân lý và sự sống đời đời. 

Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài trên bài đọc hai trích từ sách Maccabê nói về việc thủ lãnh người Do Thái là ông Giuđa đã quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội cho những chiến binh đã ngã xuống. Ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì vững tin rằng người chết sẽ sống lại (2 Mac 12, 43-46 ). Đức Thánh Cha nói chúng ta phải cảm tạ Lời Chúa vì nhờ lời Ngài buổi lễ này được soi sáng bởi đức tin của chúng ta vào mầu nhiệm phục sinh. 

Toàn bộ Mặc Khải là kết quả của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài trong suốt dòng lịch sử, và đức tin của chúng ta cũng hệ tại nơi cuộc đối thoại này.

Đó là lý do tại sao một mầu nhiệm cao cả, quan trọng và siêu phàm như mầu nhiệm Phục Sinh đòi hỏi một cuộc hành trình dài như vậy trong lịch sử từ khi nguyên tổ chúng ta phạm tội cho đến khi Chúa Giêsu Kitô xuống thế làm người. 

Chúa Giêsu có thể nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11, 25) bởi vì nơi Ngài mầu nhiệm này không chỉ được mạc khải hoàn toàn, nhưng qua Ngài, lần đầu tiên, mầu nhiệm ấy trở thành hiện thực. 

Nhắc lại đoạn Phúc Âm của Thánh Máccô tường thuật về cái chết của Chúa Giêsu và ngôi mộ trống, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng biến cố này tiêu biểu cho đỉnh cao của cuộc hành trình cứu độ trong lịch sử: biến cố Phục Sinh đáp ứng khát vọng của dân Chúa, của mỗi con người và của toàn thể nhân loại. 

Mỗi người chúng ta được mời gọi dự phần trong sự kiện này. Chúng ta được mời gọi để đứng trước Thánh Giá của Chúa Giêsu, như Đức Maria, như những phụ nữ, như viên đội trưởng quân La Mã để nghe tiếng kêu của Ngài, cho đến hơi thở cuối cùng và sau đó là sự im lặng đè nặng suốt ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Để rồi chúng ta được kêu gọi để đi đến ngôi mộ để thấy rằng tảng đá lớn đã được lăn sang một bên và để nghe tin vui: ” Người đã chỗi dậy rồi, không còn đây nữa” (Máccô 16: 6). Đó là nơi nhân loại tìm thấy câu trả lời, đó là nơi là nền tảng, là đá. Nhân loại không thể tìm thấy câu trả lời hay nền tảng đức tin nơi “những từ khôn ngoan và có sức thuyết phục” nhưng trong Lời hằng sống của Thánh Giá và trong mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô. 

Những gì Thánh Phaolô Tông Đồ rao giảng là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Nếu Ngài đã chẳng sống lại, đức tin của chúng ta trở nên trống rỗng và không nhất quán. Nhưng Ngài đã sống lại, Ngài là sự sống lại, nên đức tin của chúng ta được tràn niềm vui của chân lý và sự sống đời đời. 

Vì vậy, hôm nay chúng ta lặp lại truyền thống dâng lễ hy sinh đền tạ cho các anh em Hồng Y và Giám Mục của chúng ta, những người đã ra đi trước chúng ta trong thời gian mười hai tháng qua. Lời cầu nguyện của chúng ta được phong phú hóa bởi những tình cảm, những kỷ niệm, và lòng biết ơn đối với chứng tá của những người chúng ta đã được hân hạnh quen biết, những người mà cùng với họ chúng ta đã chung vai phục vụ Giáo Hội. Nhiều gương mặt của các vị giờ đây tái hiện trước mắt chúng ta, và tất cả các vị đang được Cha trên trời của chúng ta nhìn đến với ánh mắt yêu thương và thương xót. 

Đức Thánh Cha đã dâng lời nguyện xin Đức Mẹ cầu bầu cho các vị Hồng Y và Giám Mục được hưởng niềm vui nơi thành Jerusalem mới, hiệp cùng với tất cả các tín hữu mà các ngài đã phục vụ trên dương thế.

3. Đức Thánh Cha viếng mộ các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm

Theo truyền thống, hôm Chúa Nhật 2 tháng 11, Lễ Các Đẳng Linh Hồn, cùng với một số Hồng Y, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm khu hầm mộ của Vatican ngay dưới bàn thờ chính trong Đền Thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho linh hồn các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của ngài. 

Đầu tiên, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện trước mộ của Thánh Phêrô trước khi đến viếng mộ Đức Giáo Hoàng Bênêdictô thứ 15, Đức Piô 11, Đức Piô 12, Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

4. Khánh thành tượng đài Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 tại Paris

Sáng ngày 25 tháng 10, Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám mục Paris đã khánh thành tượng thánh Gioan-Phaolô II tại công viên thánh Gioan XXIII.

Lúc 10 giờ 30, Đức Hồng Y Vingt-Trois cùng với đông đảo các Giám Mục Pháp và hàng trăm linh mục đã cử hành Thánh lễ Tạ Ơn tại Vương Cung Thánh đường Đức Bà Paris.

Sau thánh lễ ngài đã khánh thành bức tượng trước sự hiện diện của thị trưởng Paris là bà Anna Hidalgo. Công viên thánh Gioan XXIII nằm giữa Vương cung Thánh đường Notre-Dame de Paris và sông Seine. 

Bức tượng cao 3 mét 6, nặng 1 tấn rưỡi do nhà điêu khắc Zourab Tsereteli, người Nga gốc Georgia, và là một tín hữu Chính Thống Giáo thực hiện. Ông Tsereteli, là giám đốc một trường Mỹ thuật Nga, cho biết việc dựng tượng đài này là để thể hiện lòng biết ơn của nước Nga đối với thánh Gioan-Phaolô II đã giúp đất nước này thoát được họa cộng sản, tái lập tự do và dân chủ tại Nga và các nước Đông Âu.

Lúc đầu, Đức Ông Stanislas Jez, Giám đốc Giáo xứ Ba Lan tại Paris, có ý định dựng tượng thánh Gioan-Phaolô II trước thềm nhà thờ Đức Bà Thăm Viếng ở quận I Paris. Tuy nhiên, bà thị trưởng đã muốn đặt tượng ở nơi trang trọng hơn là công viên thánh Gioan XXIII. Lựa chọn này cũng được giáo quyền đồng ý vì cả hai vị đều được phong thánh vào cùng ngày 27 tháng Tư vừa qua.

5. Chiến dịch làm giảm tỷ lệ tử vong của các bà mẹ

Có rất nhiều khó khăn đang tác động lên Nam Sudan, một quốc gia trẻ nhất thế giới. Một trong những khó khăn đó là tỷ lệ tử vong quá cao của các bà mẹ.

Cách xa bệnh viện, sự sụp đổ của hệ thống y tế bấp bênh và nội chiến là một số lý do chính cho tình trạng này. Nhiều bà mẹ buộc phải sinh con trong trại tị nạn, với những tài nguyên y tế rất hạn hẹp.

Garang Kur Apiu, Nhân viên y tế và dinh dưỡng của UNICEF cho biết: “Tình hình chung ngay từ đầu là rất xấu, bạn đã thấy những bà mẹ sinh nở như thế mà không có sự trợ giúp, ở đây không có các dịch vụ y tế và rất nhiều điều đau lòng đã xảy ra”.

Ở Nam Sudan, cứ 100,000 trẻ được sinh ra thì có đến 2,054 bà mẹ qua đời. Ngoài ra, cứ mỗi 100 trẻ em thì có 10 trẻ chết trước 5 tuổi.

Đất nước này chỉ là một ví dụ về tỷ lệ tử vong cao tác động đến khu vực Phi Châu hạ Sahara. Trong khi ở Âu Châu hoặc Bắc Mỹ cứ 4,700 phụ nữ thì có 1 người tử vong, thì ở Phi Châu, cứ 40 phụ nữ có 1 người tử vong.

Mỗi ngày trên thế giới có 800 trẻ sơ sinh bị mất mẹ sau khi ra đời. Ở Phi Châu có đến 400 phụ nữ tử vong mỗi ngày trong khi sinh nở.

Để chấm dứt những con số thống kê nghiêm trọng này, tổ chức phi chính phủ của các bác sĩ lưu động có tên gọi là Amref Flying Doctors đã đưa ra một chiến dịch “Đừng bao giờ tái diễn việc không có mẹ” với mục tiêu đào tạo y tá để có thể hỗ trợ trong việc sinh nở. Đây là tổ chức y tế quốc tế lớn nhất bắt đầu hoạt động và được điều hành ở Phi Châu.

Với sự chăm sóc y tế đầy đủ, các bà mẹ Phi Châu sẽ có thể sinh nở trong điều kiện an toàn hơn, và giống như các bà mẹ khác trên thế giới, sẽ có thể nhìn thấy con cái của họ trưởng thành.

6. Đức Thánh Cha tiếp Huynh Đoàn Công Giáo canh tân trong Thánh Linh

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các thành viên Phong trào canh tân trong Thánh Linh hiệp nhất với nhau trong sự khác biệt và sống linh đạo “hô hấp”.

Trong buổi tiếp kiến sáng thứ Sáu 31 tháng 10, dành cho 1,000 thành viên Huynh Đoàn Công Giáo các cộng đoàn canh tân trong Thánh Linh (Catholic Fraternity of Charismatic Covenant Communities and Fellowships), ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây và giải thích rằng “hiệp nhất trong sự khác biệt là công nhận và vui mừng đón nhận các hồng ân, các năng khiếu mà Chúa Thánh Linh ban cho mỗi người, và dùng chúng để phục vụ tất cả mọi người trong Giáo Hội. Đó cũng là biết lắng nghe, chấp nhận những khác biệt, có tự do nghĩ khác và biểu lộ ra bên ngoài. Anh chị em đừng sợ những khác biệt!”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến cách cầu nguyện của các thành viên Phong trào canh tân trong thánh linh, qua kinh nguyện ngợi khen và chuyển cầu. Ngài ví việc cầu nguyện giống như hai giai đoạn của sự hô hấp: hít vào và thở ra. 

Đức Thánh Cha nói:

“Đời sống thiêng liêng được nuôi dưỡng trong kinh nguyện và được biểu lộ qua sứ vụ: hít vào và thở ra. Trong kinh nguyện, khi chúng ta hít vào, chúng ta lãnh nhận không khí mới của Thánh Linh và khi thở ra chúng ta loan báo Chúa Giêsu Kitô phục sinh nhờ Thánh Linh. Không ai có thể sống mà không hô hấp. Cũng vậy đối với Kitô hữu. Nếu không có kinh nguyện ngợi khen và không có sứ vụ thì họ không sống như Kitô hữu”

7. Lần đầu tiên sau 125 năm Đức Giáo Hoàng tiếp các Giám Mục Công Giáo Cũ

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi đào sâu quan hệ đại kết và sự cộng tác giữa các tín hữu Công Giáo và Công Giáo cũ để đáp ứng tình trạng khủng hoảng tinh thần trong xã hội ngày nay.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Sáu 30 tháng 10, dành cho Phái đoàn của Hội đồng quốc tế các Giám Mục Giáo Hội Công Giáo cũ, quen gọi là Liên minh Utrecht. Giáo Hội này qui tụ những tín hữu ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo sau Công đồng chung Vatican I hồi năm 1870 vì không chấp nhận tín điều Đức Giáo Hoàng được ơn bất khả ngộ khi tuyên tín. Đa số tín hữu Công Giáo cũ sống tại Đức, Hòa Lan, Áo, Thụy Sĩ và Cộng hòa Tiệp. Tổng số tín hữu Công Giáo cũ trên thế giới vào khoảng 115 ngàn người, theo thống kê năm ngoái.

Giáo Hội Công Giáo và Công Giáo cũ bắt đầu đối thoại thần học từ 48 năm nay (1966) và đây là lần đầu tiên kể từ 125 năm nay, Đức Giáo Hoàng tiếp kiến một đoàn Giám Mục thuộc Giáo Hội này.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ghi nhận những tiến bộ mà Ủy ban đối thoại giữa Công Giáo và Công Giáo cũ đã đạt được, qua việc xác định những điểm đồng thuận và những dị biệt giữa hai bên. Nhưng ngài cũng bày tỏ đau buồn vì qua dòng thời gian đã có thêm những bất đồng nảy sinh. 

Đức Thánh Cha nói: “Những vấn đề thần học và Giáo Hội học nảy sinh giữa chúng ta thời chia cách nay lại trở nên khó vượt thắng hơn vì sự cách biệt rộng lớn hơn giữa chúng ta về vấn đề thừa tác vụ và phân định luân lý”.

Theo Đức Thánh Cha, thách đố hiện nay đối với hai bên là kiên trì đối thoại thần học và đồng hành với nhau, cầu nguyện chung và cộng tác trong tinh thần hoán cải sâu xa đối với tất cả những gì Chúa Kitô muốn cho Giáo Hội. Trong sự chia cách này, từ cả hai phía đều có những tội nặng và lỗi lầm phàm nhân. Trong tinh thần tha thứ cho nhau và thống hối, nay chúng ta cần củng cố ước muốn hòa giải và hòa bình.

Đức Thánh Cha cũng cổ võ sự cộng tác giữa các tín hữu Công Giáo và Công Giáo cũ để đáp ứng cuộc khủng hoảng tinh thần sâu đậm đang đè nặng trên các cá nhân và xã hội. 

Hiện nay có sự khao khát nồng nhiệt đối với Thiên Chúa, có ước muốn sâu xa phục hồi ý nghĩa cuộc sống và có nhu cầu cấp thiết phải làm chứng tá đầy sức thuyết phục về chân lý và các giá tri Phúc Âm. Trong lãnh vực này chúng ta có thể nâng đỡ và khích lệ nhau, nhất là trên bình diện các giáo xứ và các cộng đoàn địa phương

8. Hội đồng Giáo hoàng Cor Unum đến thăm Damascus

Từ 28 đến 31 Tháng Mười, thư ký của Hội đồng Giáo hoàng “Cor Unum” là Đức Ông. Giampietro Dal Toso đã đến thăm Damascus để tham dự cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Syria. Đức Ông Toso cũng đã gặp gỡ với các tổ chức khác nhau, đặc biệt là các tổ chức Công Giáo, hiện đang tham gia vào các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại đây. 

Trong các cuộc họp này, các tổ chức Syria đã đánh giá cao sự dấn thân của Đức Thánh Cha và Tòa Thánh trong việc hỗ trợ các cộng đồng Kitô giáo và người dân Syria nói chung đang gánh chịu những hậu quả bi thảm của cuộc xung đột đã kéo dài hơn 3 năm qua, và trong việc khuyến khích đối thoại và hòa giải giữa các bên. 

Các cuộc họp cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các tổ chức cứu trợ Công Giáo. Thông qua sự đóng góp hào phóng của cộng đồng quốc tế, trước những nhu cầu ngày càng tăng, sự hỗ trợ này phải được tăng cường trong tương lai.

Cuộc chiến tại Syria đã bắt đầu từ tháng Ba năm 2011. Cho đến này đã có 192,000 người thiệt mạng, hơn 3 triệu người phải bỏ chạy ra nước ngoài và 6.4 triệu người phải lánh nạn bên trong Syria.

9. Tòa Thánh chuẩn y hiến chế mới của Dòng Đạo Binh Chúa Kitô 

Tòa Thánh đã phê duyệt hiến chế mới của dòng Đạo Binh Chúa Kitô, được đưa ra trong Tổng Công Nghị kết thúc vào tháng Hai năm nay. 

Sau khi nghiên cứu, Tòa Thánh đã yêu cầu một số điều chỉnh chẳng hạn như những đoạn quy chiếu đến để các văn bản của Công Đồng Vatican II. Tòa Thánh cũng yêu cầu việc thêm vào các khoản Giáo Luật sẽ được dùng trong việc giải thích các quy tắc. 

Hiến chế mới cũng nêu rõ mối quan hệ giữa dòng Đạo Binh Chúa Kitô và phong trào Regnum Christi , tức “Vương quốc Chúa Kitô”. 

Phong trào Đạo Binh Chúa Kitô đã được cha Marcial Maciel Degollado người Mễ Tây Cơ thành lập vào năm 1941 khi ngài mới 21 tuổi. Phong trào đã phát triển rất nhanh chóng và trở thành một dòng tu. Cha Maciel có thời đã có được một ảnh hưởng rất mạnh mẽ tại Rôma. Tuy nhiên, tháng Năm năm 2006, một số báo chí tại Italia đã cáo buộc cuộc sống hai mặt của ngài. 

Sau những cuộc điều tra, ngày 1 tháng 5 năm 2010, Tòa Thánh công bố cha Maciel đã phạm vào những hành vi “nghiêm trọng và vô luân” và bị buộc phải lui về ẩn dật để sám hối tại Hoa Kỳ và sau đó qua đời năm 2008 thọ 87 tuổi.

Tháng 7 năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã chỉ định Đức Hồng Y Velasio De Paolis, dòng Scalabrini, giám đốc sở tài chính Tòa Thánh, làm đặc sứ của ngài để giải quyết các vấn đề của Dòng Đạo Binh Chúa Kitô.

Ngoài chức giám đốc Sở tài chính Tòa Thánh Đức Hồng Y De Paolis cũng là thành viên Tòa Thượng Thẩm của Tòa Thánh, cố vấn của 3 cơ quan trung ương. Ngài cũng là chuyên viên giáo luật, đặc biệt trong lãnh vực đời tu

Đức Hồng Y De Paolis kết thúc công việc của mình vào tháng 2 năm 2014, sau cuộc bầu cử vị tổng quyền mới của dòng. Tháng Bảy năm nay, Tòa Thánh cử thêm cha Gianfranco Ghirlanda, chuyên viên giáo luật của Tòa Thánh giúp đỡ trong việc chuẩn bị hiến chế mới của dòng.

Theo thống kê vào cuối tháng 12 năm 2012, dòng hiện có 3 Giám Mục, 953 linh mục, 932 thầy, 954 chủng sinh hoạt động tại 22 quốc gia.

10. Đức Giáo Hoàng tiếp kiến Tân Đại sứ Bỉ… và rất nhiều trẻ em

Hôm thứ Sáu 31 tháng 10, tân Đại sứ Bỉ cạnh Tòa Thánh đã trình quốc thư của ông lên Đức Giáo Hoàng cùng với lời chào:

“Xin dâng lên Đức Thánh Cha những tình cảm trìu mến của bệ hạ chúng tôi, vua Philip và hoàng hậu Matilde”.

Tháp tùng cùng ông Bruno Nève de Mévergnies là các thành viên của phái đoàn đại sứ và gia đình ông. Bốn cô con gái của ông, mỗi người tặng cho Đức Giáo Hoàng một hoa hồng trắng. Mặc dù đứa bé nhỏ nhất quá nhỏ phải được dỗ dành một chút. Đức Thánh Cha hỏi bé: “Con sẽ tặng hoa cho Đức Giáo Hoàng chứ?”

Những đứa trẻ tỏ ra rất ngoan trong suốt cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha và thích nghi với các nghi thức chính thức như khi sắp xếp để chụp ảnh. Chúng là những ngôi sao của cuộc tiếp kiến.

11. Chuyện kinh hoàng: Cảnh sát bắt 43 người biểu tình giao cho bọn buôn bán ma tuý đem đi thiêu sống

Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 29 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin các tín hữu trên thế giới cầu nguyện cho đất nước Mễ Tây Cơ sau khi chính quyền điều tra ra những gì đã xảy ra với 43 sinh viên của trường Đại Học Sư Phạm Igual sau cuộc biểu tình của họ ngày 26 tháng 9 vừa qua. 

Trong một diễn biến gây sửng sốt cho nhiều người, cố vấn an ninh quốc gia Monte Alejandro Rubido cho biết các nhà điều tra đã tìm thấy những chứng cớ mạnh mẽ theo đó bọn cảnh sát địa phương đã bắt cóc các sinh viên biểu tình và trao họ cho những kẻ buôn bán ma túy. Cảnh sát liên bang đã phát hiện ra một ngôi mộ tập thể trong đó 28 thi thể được tin là của các sinh viên bị bắt. Các nhà điều tra tin rằng các sinh viên đã bị thiêu sống. 

Thị trưởng của Igual, một thành phố phía Nam Mễ Tây Cơ, là José Luis Abarca Velázquez và vợ là María de los Ángeles Pineda Villa được tin là hoạt động cho bọn buôn bán ma túy Guerreros Unidos trong vùng. Hai vợ chồng đã bỏ trốn sau khi cảnh sát liên bang chiếm được 13 đồn bót cảnh sát trong vùng bắt giữ 36 sĩ quan và cảnh sát viên địa phương bị tình nghi có liên quan trong vụ này.

Cảnh sát và sinh viên đã xô xát với nhau dữ dội trong cuộc biểu tình hôm 26 tháng 9. Cho đến buổi tối cùng ngày có 6 người bị thiệt mạng trong đó có một sinh viên nằm chết trên đường, đôi mắt bị móc ra mà theo dân địa phương đó là phương thức giết người tiêu biểu của bọn buôn bán ma tuý Guerreros Unidos. 

Một số thành viên của bọn buôn bán ma tuý Guerreros Unidos bị cảnh sát liên bang bắt giữ sau đó đã khai ra ít nhất là 30 viên chức cảnh sát là những người đã lùa các sinh viên lên những chiếc xe tải sau đó giao nộp họ cho bọn buôn bán ma tuý nói rằng họ là những thành viên của một phe đảng ma tuý khác đang cạnh tranh thị trường với bọn Guerreros Unidos.

Các viên chức cảnh sát bị bắt khai ra hai vợ chồng thị trưởng đã ra lệnh cho họ phải dẹp tan cuộc biểu tình “bằng bất cứ giá nào”.

Trước những tin tức kinh hoàng này, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi muốn dâng lên một lời cầu nguyện hướng tâm hồn chúng ta gần gũi với người dân Mễ Tây Cơ, là những người đang đau khổ vì sự mất mát của những sinh viên này và nhiều vấn đề tương tự. Xin cho tâm hồn chúng ta gần gũi với họ trong lời cầu nguyện vào lúc này.”

12. Từ Đức đến Rôma để củng cố các gia đình

Tuy tên tuổi chưa được nhiều người biết đến nhưng tổ chức Kolping quốc tế của Đức nổi tiếng với việc giúp đỡ các gia đình từ khắp nơi trên thế giới. Mới đây, một nhóm 25 thành viên đã đến Rôma trong trang phục áo sơ mi màu cam tươi của họ, để tham gia vào buổi triều yết chung của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô.

“Chúng tôi đến từ Hiệp hội Gia đình Kolping của Đức. Đó là một tổ chức Công Giáo với nửa triệu thành viên từ khắp nơi trên thế giới và tất cả chúng tôi đến từ một thị trấn và vì thế chúng tôi là một nhóm đến đây để viếng thăm Rôma”. “Ý tưởng đầu tiên của chúng tôi, khi chúng tôi đến Rôma, chúng tôi quyết định đến với buổi Triều yết chung”.

Họ nói rằng qua chuyến viếng thăm Vatican, họ hy vọng rằng sẽ có thể giúp đỡ và truyền cảm hứng cho hàng ngàn gia đình ở quê hương Đức của họ.

13. Đức Giáo Hoàng tiếp kiến Chủ tịch Nghị viện châu Âu, trước chuyến thăm của ngài đến Strasbourg

Chủ tịch Nghị viện Âu Châu Martin Schulz đã có cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong một cuộc tiếp kiến riêng, chỉ vài tuần trước chuyến thăm sắp tới của ngài đến Strasbourg.

Theo dự kiến, Đức Giáo Hoàng sẽ phát biểu trước các thành viên của Nghị viện Âu Châu vào ngày 25 tháng 11 tới đây. Trong cuộc hội kiến tại Vatican này, hai vị đã hoàn tất các chi tiết cuối cùng.

Tình trạng di dân ồ ạt ở Địa Trung Hải và tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ là một trong những vấn đề Đức Giáo Hoàng sẽ phát biểu.

Chủ tịch Schulz đã giới thiệu các thành viên trong phái đoàn của ông với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Giáo Hoàng đã tặng mỗi người một chuỗi tràng hạt làm quà tặng

Đức Gioan Phaolô là vị Giáo Hoàng cuối cùng nói chuyện trước Nghị viện Âu Châu vào năm 1988. Cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ trùng với kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ.

14. Số người Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ tăng nhưng số linh mục giảm

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang thấy đây là một điệu vũ Phụng Vụ của người Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Lấy điểm tựa là đôi chân mình, người vũ công quay tít nhiều vòng như một chiếc bông vụ nhưng không té ngã.

Ý tưởng chính của điệu vũ rất gần với bài Lênh Đênh Phận Người của linh mục nhạc sĩ Phêrô Nguyễn Mộng Huỳnh:

Con là chiếc lá khô trôi trên giòng đời rộng. Con là chiếc lá khô bay theo từng cơn gió. Con là chiếc lá khô cuốn mãi theo giòng đời. Con là chiếc lá khô xoay tít trong mù khơi.

Trong tám năm qua từ sau chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đến Thổ Nhĩ Kỳ, dân số Công Giáo của quốc gia đã tăng vọt đến 66% , chủ yếu là từ những người tị nạn chạy trốn cuộc chiến đang tàn phá Syria và Iraq. 

Bảy giáo xứ đã được mở thêm, dù cho số lượng các linh mục và tu sĩ đã giảm mạnh. 

Năm 2006, có 32,000 người Công Giáo trong tổng số 72,070,000 người Thổ Nhĩ Kỳ. Giáo Hội tại đây có 68 linh mục và 86 nam nữ tu sĩ phục vụ trong 47 giáo xứ. 

Hôm 29 tháng 10, phòng báo chí Tòa Thánh cho biết hiện nay Giáo Hội Công Giáo tại đây có 53,000 tín hữu trong tổng số 76,140,000 người Thổ Nhĩ Kỳ theo thống kê đưa ra vào tháng 12 năm 2013. Giáo Hội Thổ Nhĩ Kỳ có 58 linh mục và 54 nam nữ tu sĩ phục vụ trong 54 giáo xứ.

Theo dự trù, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 ngày cuối tháng 11. Ngài sẽ khởi hành từ sân bay Fiumicino ở Rôma vào Thứ Sáu 28 Tháng 11 lúc 9:00 sáng. Ngài sẽ đến Ankara lúc 1:00 trưa và sẽ đến thăm ngôi mộ của Kemal Atatürk, cha đẻ nước Thổ Nhĩ Kỳ thời hiện đại.

Lễ đón tiếp sẽ diễn ra tại Phủ tổng thống, nơi Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu. Ngài cũng sẽ gặp gỡ với vị bộ trưởng Tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào ngày thứ Bảy, ngài sẽ đến Istanbul và đó là phần quan trọng nhất trong chuyến đi. Đức Thánh Cha sẽ đến thăm nhà thờ Hagia Sophia, nơi đã từng là một đền thờ của Chính Thống Giáo, sau đó là Vương Cung Thánh Đường Công Giáo, rồi bị Hồi Giáo chiếm làm đền thờ và bây giờ là một viện bảo tàng. Đức Thánh Cha cũng sẽ viếng thăm đền thờ Xanh của Hồi giáo. Sau đó, ngài sẽ chủ sự Thánh Lễ tại Nhà thờ Chúa Thánh Thần của Công Giáo và tham dự một buổi cầu nguyện đại kết với Đức Thượng Phụ Bartholomew Đệ Nhất.

Vào ngày Chúa Nhật, ngài sẽ tham dự buổi Phụng Vụ tại Tòa Thượng phụ Đại kết nhân lễ Thánh Anrê Tông Đồ.

Cùng ngày hôm đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ khởi hành từ Istanbul vào lúc 5 giờ chiều và về đến Rôma khoảng 7 giờ tối.

15. Hội nghị của các phong trào bình dân kết thúc với tuyên bố ”Hệ thống kinh tế hiện nay đặt lợi nhuận lên trên con người”

Hội nghị quốc tế đầu tiên của các phong trào bình dân do Đức Thánh Cha cổ võ đã kết thúc. 150 vị lãnh đạo đại diện cho các nhóm bị loại trừ trong xã hội từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra tài liệu đúc kết sau ba ngày đối thoại và tranh luận.

Họ lên án “các nền dân chủ bị lũng đoạn” như là các hệ thống “đặt lợi nhuận lên trên con người”. Họ cũng nói rằng “những người bị loại trừ, bị áp bức, và nghèo đói” cần phải có một vai trò lớn hơn trong chính trị.

Lấy tông huấn Niềm vui Phúc Âm (Evangelii Gaudium) của Đức Thánh Cha Phanxicô làm nền tảng, các đại diện của các nhóm nghèo nhất thế giới đã cùng nhau làm việc để chống lại nền văn hóa vứt bỏ.

Họ cũng nói về sự xuống cấp của môi trường do khai thác thiên nhiên vô trách nhiệm vì đồng tiền.

João Pedro Stedile, thuộc Phong trào Lao động nông thôn không có đất đai (Brazil) cho hay: “Một phần trăm các chủ đất là các chủ nhân ông của một nửa đất nước. Và phần còn lại, có 4 triệu gia đình không có đất đai, không thể làm việc vì không còn đất đai nào dành cho họ trong một đất nước rộng lớn như thế”.

Trong suốt hội nghị, họ cũng phải thảo luận về những vấn đề như hoàn cảnh của các lao động bị trả lương bất công hoặc những người không có hợp đồng, những người vô gia cư và những người bị buộc phải rời bỏ quê hương mình.

José Antonio Vives, thuộc phong trào Plataforma Afectados por la Hipoteca (Tây Ban Nha) cho biết: “Có những trường hợp rất bi thảm, thậm chí đẩy đưa con người gần tới bờ vực tự sát”.

Sergio Sanchez, thuộc Liên đoàn tái chế Á Căn Đình thì nói: “Đối với những người làm công việc tái chế như chúng tôi, điều duy nhất tất cả các nước phải làm là chính thức công nhận chúng tôi như những người lao động”.

Các tham dự viên bày tỏ cam kết của họ trong việc tạo ra một khu vực thường xuyên đối thoại với Giáo Hội và hứa loan truyền hai sứ điệp: “Lá thư từ người bị loại trừ đến người bị loại trừ” và diễn từ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày trong hội nghị

16. Hệ thống ánh sáng mới trong nhà nguyện Sistina làm tăng thêm vẻ đẹp chưa từng có

Nhà nguyện Sistina… giờ đây trông khác hẳn trước đây. 450 năm sau cái chết của danh họa Michelangelo, Viện Bảo tàng Vatican đã lắp đạt hệ thống ánh sáng mới cho kiệt tác mang tính biểu tượng nhất của ông.

Marco Frascarolo, người thiết kế ánh sáng cho nhà nguyện Sistina cho biết: “Đó là ánh sáng xung quanh, theo nghĩa nó lan tỏa một cách nhẹ nhàng xung quanh toàn bộ nhà nguyện Sistina. Nó không chỉ chiếu sáng trên bề mặt của những bức bích họa quan trọng nhất, như bức Ngày Chung Thẩm, mà còn lan tỏa trên toàn bộ khu vực. Giờ đây cảm nhận thị giác trước bức danh họa này rất trung thực”.

7,000 chiếc đèn LED làm cho mọi sắc màu nổi bật lên trong nhà nguyện. Trên hết, chúng không làm hỏng các bức tranh cũng như không gây nguy hại cho việc bảo tồn các bức tranh này.

Ngoài ra, hệ thống điều hòa không khí mới sẽ điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm.

Cha Rafael García de la Serrana, phụ trách Dịch vụ kỹ thuật của Vatican cho biết: “Thật không may, mức độ ô nhiễm ở Rôma cao. Vì thế, cần phải xử lý không khí, lọc không khí, làm sạch nó, trước khi cho không khí đi vào nhà nguyện Sistina”.

Sau ba năm làm việc, nhà nguyện Sistina ra mắt một hệ thống ánh sáng và không khí “có thể được điều chỉnh” hơn.

Kể từ bây giờ, 2,000 du khách chiêm ngưỡng nhà nguyện mỗi giờ sẽ nhìn thấy kiệt tác của Michelangelo như vẻ vốn có của nó.

Việc phục chế nhà nguyện Sistina bắt đầu vào năm 1980 và kết thúc vào năm 1994. Sau khi thực hiện công việc to lớn này, không ai nghĩ rằng kiệt tác của Michelangelo có thể được nhìn thấy rõ ràng hơn bao giờ hết.

Với hệ thống chiếu sáng mới được lắp đặt trong nhà nguyện, du khách có thể chiêm nguỡng các bức tranh trong một ánh sáng hoàn toàn mới. Trước khi lắp đặt, một số chi tiết của bức tranh Chúa dựng nên ông Adong rất khó thấy rõ. Bây giờ chúng có thể được nhìn thấy một cách rõ ràng với màu sắc sống động.

Trước đây, màu xanh của bức Ngày Chung Thẩm chỉ đơn thuần là một phông nền. Giờ đây, sắc thái như thiên đàng làm mạnh thêm quang cảnh được miêu tả sinh động.

Ánh sáng tỏa ra từ bức Chúa Kitô là một ví dụ khác. Nhờ vào 7,000 chiếc đèn LED, tất cả các chi tiết và hình ảnh từ tác phẩm nghệ thuật này tăng thêm sức sống và sự diễn đạt.

Danh họa Michelangelo vẽ nhà nguyện Sistine vào ngày 31/10/1541. Những người đã viếng thăm nhà nguyện hơn 500 năm này có thể nói rằng kiệt tác của ông trông như mới được vẽ xong ngày hôm qua.

17. Joe Zambon bất chấp khó khăn theo đuổi sự nghiệp ca hát của mình

Ba năm trước, Joe Zambon được chẩn đoán bị mắc một dị tật bẩm sinh hiếm gặp trên bàn tay ông. Nhưng sau một số phẫu thuật, ca sĩ Joe Zambon hoàn thành giấc mơ suốt đời ông là học chơi piano.

Sinh ra trong một trang trại ở Ontario, Canada, niềm đam mê của Joe Zambon đối với âm nhạc lớn dần trong suốt những năm đại học. Ông cũng sử dụng âm nhạc để chia sẻ tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa qua lời của những bài hát sâu sắc của ông.

Cho đến nay, ông đã cho ra đời bốn album. Album đầu tiên của ông, “Coming Home” được phát hành vào năm 2005. Album thứ tư của ông, “Brothers” vừa được phát hành trong năm nay.

Ông chia sẻ một phần đời sống của mình với bài hát “Tôi chỉ muốn bình an (I Just Want Peace)”, một bài riêng lẻ từ album mới nhất của ông.

Phong cách âm nhạc dân gian của Joe Zambon và danh tiếng ngày càng gia tăng đã đưa ông đến các show diễn trên khắp thế giới, chẳng hạn như Canada, Ấn Độ, Australia và Hoa Kỳ.

Nguồn: Vietcatholic

a

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG