Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 30/08/2017: Nguy cơ khủng bố Hồi Giáo tấn công vào Vatican

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 30/08/2017: Nguy cơ khủng bố Hồi Giáo tấn công vào Vatican

1. Linh mục dòng Salêsiêng Ấn Độ bị bắt cóc sẽ sớm được trả tự do

Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Ấn nói vị linh mục Ấn Độ bị những tên khủng bố Hồi giáo bắt cóc ở Yemen vào tháng 3 năm 2016 sẽ sớm được trả tự do.

Các vị đại diện của dòng Salesian đã họp tuần trước với Ngoại trưởng Ấn Độ, Sushma Swaraj, để thúc ép các hành động của chính phủ hơn nữa trong cuộc tìm kiếm việc trả tự do cho Cha Tom Uzhunnalil. Bà Bộ trưởng Ngoại giao nói rằng linh mục còn sống, và nói bà nghĩ rằng ngài sẽ sớm được trả tự do. Bà hứa rằng chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để mang lại việc trả tự do cho ngài.

Vào tháng 5, cha Uzhunnalil đã xuất hiện trên một video cầu xin giúp đỡ, và nói rằng ngài cần được chăm sóc y tế. Bà Swaraj xác nhận rằng các tin tức của chính phủ Ấn cho biết cha Tom đã bị “nhiều vết thương và đau khổ” không thể tưởng tượng được trong tình trạng bị giam cầm.

Tháng 7 vừa qua, ngoại trưởng Yemen nói rằng Cha Uzhunnalil vẫn còn sống, và chính phủ của ông cũng đang làm việc để giải phóng ngài. Chính phủ Yemen cũng không cho biết nơi cha Tom bị giữ. Những kẻ bắt cóc ngài được tin là có liên hệ với quân khủng bố Hồi Giáo IS.

2. Một cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Vatican chỉ là vấn đề sớm muộn

Vụ tấn công khủng bố tại Barcelona kéo một đám mây u ám trên nền trời Âu Châu. Thật vậy, lần đầu tiên trong số các vụ tấn công khủng bố tại Âu Châu, người ta tìm thấy những bằng chứng rõ nét nhất cho thấy hàng giáo sĩ Hồi Giáo can dự trực tiếp vào việc sắp đặt các kế hoạch tấn công. Cảnh sát đã lục soát một đền thờ Hồi Giáo tại Ripoll, bắt giữ một thày giảng Kinh Koran tên là Abdelbaki Es Satty, tịch thu hàng trăm ống ga chứa các chất độc hóa học được chuẩn bị cho một vụ khủng bố quy mô lớn. 

Trong bối cảnh này, lần đầu tiên người đứng đầu lực lượng Hiến Binh Thụy Sĩ nói rằng đơn vị của ông đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc tấn công khủng bố vào Vatican.

Đề cập đến khả năng xảy ra một vụ tấn công khủng bố của các nhóm thánh chiến Hồi Giáo, chỉ huy trưởng Christoph Graft nói:

“Một cuộc tấn công khủng bố như thế có lẽ chỉ là chuyện sớm hay muộn. Tuy nhiên, chúng tôi đã sẵn sàng phản ứng lại một cuộc tấn công như thế.”

Những kẻ cực đoan Hồi giáo thường đề cập đến Vatican như là một mục tiêu tấn công. Các lực lương an ninh Italia cũng cảnh báo về những cuộc tấn công như thế. Tuy nhiên, Vatican thường xem nhẹ những lời cảnh báo này và mỗi thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn tiếp tục đi một vòng trên chiếc xe mui trần chào thăm các tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô.

3. Kitô Giáo lan truyền nhanh chóng trong giới trẻ Iran

Mohabat News, một cơ quan tin tức của các tín hữu Kitô Iran, cho biết Kitô giáo đang lan rộng nhanh chóng trong giới trẻ ở một số thành phố.

Theo báo cáo, “hàng loạt thanh thiếu niên Iran đã cải đạo sang Kitô Giáo bất chấp sự huấn luyện chặt chẽ về Hồi giáo trong gia đình và hệ thống giáo dục.”

“Chính phủ Hồi giáo của Iran dành ra những ngân sách khổng lồ để hỗ trợ cho các tổ chức Hồi giáo cổ vũ Hồi giáo trong giới trẻ trong nước và cả ngoài biên giới Iran. Bất kể những nỗ lực như thế, thanh niên Iran dường như ngày càng xa rời đạo Hồi, điều này là một mối quan tâm lớn cho chính phủ Hồi giáo Iran.”

Trong 83 triệu dân, Kitô Giáo chỉ chiếm 0.3% dân số. 90% dân số theo Hồi Giáo Shiite. Đối với người Hồi Giáo Sunni, bỏ đạo Hồi theo đạo khác là lên án tử hình cho chính mình. Người Hồi Giáo Shiite việc cải đạo không nguy hiểm như thế nhưng cũng rất khó khăn.

4. Bức thư của Kha Luân Bố bị đánh cắp khỏi thư viện Vatican đã được tìm thấy tại Hoa Kỳ

Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ đã tìm ra một lá thư của Kha Luân Bố (Christopher Columbus) đã bị đánh cắp từ thư viện Vatican.

Bức thư, trong đó Kha Luân Bố trình bày với Tòa Thánh về những khám phá của ông về châu Mỹ, đã được tìm thấy trong bộ sưu tập của một người đàn ông tại Mỹ. Ông Robert Parsons không biết đó là một tài sản của Tòa Thánh đã bị đánh cắp; và đã phải bỏ ra 875,000 Mỹ Kim để mua lá thư này vào năm 2004. Ông đã qua đời vào năm 2014 và nay thì bà vợ Mary Parsons đồng ý trả lại bức thư cho thư viện Vatican.

Tờ Wall Street Journal cho biết bức thư của Kha Luân Bố gởi cho Tòa Thánh vào năm 1493 đã bị đánh cắp không biết vào lúc nào và bức thư được trưng bày trong thư viện Vatican chỉ là một bản sao trong khi bản gốc đã bị mất.

5. Các Giám Mục Nigeria khích lệ anh chị em giáo dân tuân phục Đức Thánh Cha vô điều kiện

Các giám mục giáo tỉnh Owerri, Nigeria, đã khích lệ anh chị em giáo dân thuộc giáo phận Ahiara “tuân phục Đức Thánh Cha, Vị Đại Diện của Chúa Kitô, vô điều kiện” và chấp nhận sự lãnh đạo của Đức Cha Peter Okpaleke.

Các linh mục và giáo dân Công giáo ở Ahiara đã từ chối công nhận Đức Cha Okpaleke, gây ra một cuộc khủng hoảng trong giáo phận. Tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết thư cho hàng giáo sĩ Ahiara, nói rằng những linh mục nào không chấp nhận thẩm quyền của vị giám mục được bổ nhiệm trong vòng 30 ngày sẽ bị đình chỉ khỏi chức vụ.

Các giám mục Owerri đã cảm ơn Đức Thánh Cha vì sự can thiệp của ngài, và kêu gọi các tín hữu tuân theo. Các vị nói rằng:

“Chúng tôi, các giám mục trong giáo tỉnh Owerri, đã biết và cảm nhận được tầm mức vụ tai tiếng và nỗi đau đớn của sự chia rẽ trong cuộc khủng hoảng ở giáo phận Ahiara. Nhiều người đã bị tổn thương nặng nề, và nhiều người khác đã cảm thấy cay đắng. Chúng tôi, các giám mục và mục tử của anh chị em nài van anh chị em hoán cải, tha thứ và hòa giải.”

Nói chung về tình hình trong xã hội Nigeria đang gặp rắc rối bởi những chia rẽ sâu xa, các Giám Mục kêu gọi tất cả người dân Nigeria nên “tránh tất cả các hình thức và các ngôn từ thù hận có khả năng kích thích thêm những căng thẳng”.

6. Còn cần một thời gian nữa trước khi Đức Cha Phêrô Okpaleke có thể hành xử quyền bính Giám Mục tại giáo phận Ahiara

Nguồn tin địa phương cho biết sứ thần Tòa Thánh tại Nigeria cùng với Giáo Hội địa phương đang nỗ lực để Đức Cha Phêrô Okpaleke có thể hành xử quyền bính Giám Mục của ngài tại giáo phận Ahiara.

Về phần Đức Thánh Cha Phanxicô, sau khi yêu cầu các linh mục của giáo phận Ahiara, Nigeria, phải viết thư cho ngài bày tỏ sự tuân phục, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết thư cho từng linh mục đã tuân theo chỉ thị của Ngài.

Giáo phận Ahiara đã lâm vào tình trạng hỗn loạn kể từ tháng 12 năm 2012, khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Okpaleke làm Giám Mục giáo phận. Một số lớn các giáo sĩ và giáo dân đã phản đối việc bổ nhiệm này, khiến vị tân Giám Mục không thể thi hành sứ vụ của ngài. Tháng Bảy năm 2013, Đức Thánh Cha đã cử Đức Hồng Y John Onaiyekan Tổng Giám Mục của thủ đô Abuja, làm giám quản tông tòa.

Vào đầu tháng Sáu năm nay, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu các linh mục Ahiara phải viết thư cho ngài, từng người một, để bày tỏ sự tuân phục quyền bính Giáo Hoàng và chấp nhận thẩm quyền Giám Mục của Đức Cha Okpaleke.

Trang web do các linh mục ủng hộ Đức Cha Okpaleke điều hành, đặt trụ sở ngay tại Ahiara, có một danh sách gồm 201 linh mục của giáo phận. Trong 201 vị này, ít nhất đã có 157 vị tuân thủ chỉ thị của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Thánh Cha cũng vừa bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Antonio Guido Filipazzi làm tân sứ thần Tòa Thánh tại Nigeria. Ngài đến thủ đô Abuja cùng với một số thư của Đức Thánh Cha viết riêng cho từng linh mục đã viết thư cho ngài.

Những vị nào bất tuân không viết thư cho Đức Thánh Cha thì nhận được một lá thư của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, có cả chữ ký của Đức Hồng Y Fernando Filoni, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Lá thư cho biết họ đã bị treo chén.

Đến nay vẫn chưa có tin tức nào về phản ứng của Tòa Thánh đối với các vị viết vào một lá thư được soạn thảo sẵn theo lối “điền vào chỗ trống”. Nội dung lá thư này cũng thể hiện sự trung thành của họ đối với Đức Thánh Cha và Giáo Hội, xin lỗi vì từ chối việc bổ nhiệm giám mục, và hứa hẹn sẽ chấp nhận bất cứ ai mà Đức Giáo Hoàng quyết định là giám mục của Ahiara.

Tuy nhiên, lá thư làm sẵn này cũng gửi một lời cảnh báo cho Đức Thánh Cha Phanxicô: “Với lòng hiếu thảo và với một lương tâm ngay thẳng, con phải nói trước rằng có thể con không thể làm việc tốt với ngài [tức là Đức Cha Peter Ebere Okpaleke] như giám mục giáo phận của con. Dẫu sao, trong giáo phận này an toàn cá nhân của ngài có thể bị đe dọa.”

7. Các Giám Mục Angola bày tỏ lạc quan về tương lai đất nước

Trước cuộc bầu cử tổng thống bị các nhà lãnh đạo đối lập và các quan sát viên châu Âu chỉ trích là thiếu công bằng, các giám mục Angola đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu trong hòa bình.

Chủ tịch José Eduardo dos Santos, một người theo chủ nghĩa cộng sản nhưng đã trở nên cởi mở hơn với thị trường tự do trong những thập niên gần đây, đang thoái vị sau 38 năm cầm quyền. Cố nhiên, để “hạ cánh an toàn”, José Eduardo đã thực hiện nhiều thủ đoạn để đàn em có thể lên nắm quyền hầu che chắn cho mình sau này.

Tuy nhiên, một chính phủ chuyển tiếp chế độ José Eduardo cũng là một bước tiến rất đáng kể. Vì thế, Đức Cha António Jaca của Caxito, chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Angola, nói rằng ngài hy vọng các cuộc bầu cử sẽ “trở thành một lễ hội dân chủ … thể hiện sự trưởng thành dân chủ của toàn dân và chứng tỏ rằng chúng ta có thể tiến lên.”

Ngài nói thêm: “Cầu xin cho chúng ta có thể tiến bước cùng nhau trong hòa bình với tư cách là những anh chị em Angola với nhau”.

8. Đức Thánh Cha nói cần phải tạo cho các tù nhân một chân trời hy vọng

Mặc dù các tù nhân phải trả giá cho tội ác của họ, nhưng việc giam giữ không nên được sử dụng như một phương pháp tra tấn mà phải là một cơ hội để biến họ trở thành những thành viên đóng góp cho xã hội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong một băng video gửi cho các tù nhân trong nhà tù Ezeiza, là một nhà tù liên bang ở Á Căn Đình.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự giam cầm chỉ có hiệu quả khi các tù nhân được hướng nhìn về tương lai hơn là chỉ quay trở lại quá khứ và sống trong sự xấu hổ.

“Chúng ta đừng quên rằng để hình phạt có kết quả, nó phải có một đường chân trời hy vọng, nếu không nó vẫn đóng kín trong chính nó và chỉ là một công cụ tra tấn; khi đó nó không có hiệu quả.”

Thông điệp của Đức Thánh Cha đã được gửi tới các tù nhân tham gia vào một chương trình học nghề do một trường đại học cung cấp. Đức Thánh Cha ca ngợi chương trình học này vì nó cung cấp “không gian cho công việc, văn hoá, tiến bộ” và là “dấu hiệu nhân bản”.

Ngài cảm ơn các viên chức quản lý trại giam đã cho phép chương trình cũng như các tù nhân phụ trách là Marcelino, Guille và Edo – là những người mà Đức Thánh Cha “biết qua điện thoại”.

Các tù nhân phải có được hy vọng tái hoà nhập và đóng góp cho xã hội, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Và chương trình đào tạo của nhà tù sẽ cho các tù nhân cơ hội trở thành những thành viên có năng suất của xã hội mặc dù họ đã từng phạm tội.

9. Tòa án tối cao Ấn Độ bác bỏ luật ly dị tức thời của Hồi Giáo

Hôm 22 tháng 8, Tòa án tối cao Ấn độ đã phán quyết rằng việc ly dị “tức thời” của Hồi giáo, thường được gọi là tripple talaq, là trái với hiến pháp. Theo luật của Hồi Giáo, người chồng chỉ cần nói ba lần từ “talaq” nghĩa là “tôi bỏ cô”, ngay cả khi không có sự hiện diện của người vợ, là có thể bỏ vợ một cách hợp pháp.

Một thỉnh nguyện thư được 50 ngàn phụ nữ Hồi giáo sinh sống tại Ấn Độ ký tên đã than phiền họ bị ngược đãi. Nhiều người trong số họ đã bị người chồng ly dị từ xa bằng cách lặp lại “tôi bỏ cô” ba lần trong email hay trong tin nhắn SMS. Nhiều người chưa bị ly dị nhưng phải sống dưới áp lực nặng nề và trong tình trạng hoang mang không biết tương lai mình ra sao. Những phụ nữ này nói họ phải tùng phục người chồng gần như vô điều kiện để tránh bị bỏ rơi bất ngờ.

Các phụ nữ Hồi giáo đã đánh giá cao phán quyết của tòa án tối cao. Theo một ủy ban của phụ nữ Hồi giáo, phán quyết này là một thời khắc thắng lợi to lớn, mang lại niềm tin tuyệt vời. Ủy ban cũng cho biết các phụ nữ sẽ không dừng lại ở đây, vì họ mới đạt được chiến thắng một nửa. Bà Farah Faiz, một thành viên của Ủy ban nói: “Chúng tôi sẽ thật sự chiến thắng chỉ khi luật pháp được ban hành để những việc ly dị tức thời có thể bị trừng phạt.”

Ấn độ là một trong số ít các nước trên thế giới mà luật hôn nhân còn bị chi phối bởi luật Hồi giáo. Ngay cả Pakistan và Bangladesh là hai quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo, luật ly dị tức thời cũng đã bị bãi bỏ.

10. Đức Hồng Y Nichols chúc mừng sinh nhật thứ 85 của vị tiền nhiệm, đang bị bệnh nặng trong bệnh viện

Đức Hồng Y Vincent Nichols đã dâng lời cầu nguyện và lời chúc tốt đẹp cho Đức Hồng Y Cormac Murphy-O’Connor trong ngày sinh nhật thứ 85 hôm thứ Năm 24 tháng 8 vừa qua.

Đức Hồng Y Murphy-O’Connor, người từng là Tổng giám mục Westminster từ năm 2000 đến năm 2009, đã bị bệnh nặng phải vào bệnh viện kể từ tuần trước. Thứ năm 24 tháng 8 vừa qua là sinh nhật thứ 85 của ngài.

Đức Hồng Y Nichols cầu chúc vị tiền nhiệm của mình một ngày sinh nhật “an bình và hạnh phúc, dư dật những ơn lành của Thiên Chúa”.

Đức Hồng y nói thêm: “Chúng con bảo đảm với Đức Hồng Y những lời cầu nguyện và tình yêu của chúng con vào lúc này. Xin Thiên Chúa ban cho Đức Hồng Y niềm vui khi biết rằng Chúa luôn giữ gìn ngài trong sự chăm sóc yêu thương, kể từ khi Đức Hồng Y chào đời ở thời điểm chào đời 85 năm trước!”

Trong một bức thư gửi các linh mục trong giáo phận Westminster ghi nhớ ngày sinh nhật của Đức Hồng Y Murphy-O’Connor, Đức Hồng Y Nichols viết:

“Mặc dù ngài phải cử hành ngày sinh nhật mình trong lặng lẽ, tôi chắc chắn rằng tất cả chúng ta sẽ nhớ đến ngài trong những lời cầu nguyện của chúng ta vào một ngày quan trọng như vậy. Chúng ta không chỉ cảm ơn vì cuộc sống và hoa trái lâu dài từ sứ vụ cuả ngài, nhưng chúng ta cũng mong ngài sớm được khoẻ mạnh trong những ngày tới.”

11. Đức Thánh Cha nói những thay đổi về Phụng Vụ sau Công Đồng Chung Vatican II là không thể đảo ngược.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viện dẫn đến “Huấn Quyền” khi tuyên bố rằng những cải cách phụng vụ sau Công Đồng Vatican II là “không thể đảo ngược”.

Tuyên bố của ngài đã được đưa ra trong một diễn văn khoảng 2,500 từ cho các chuyên gia về Phụng Vụ của Italia đang tham gia vào một tuần lễ Phụng Vụ quốc gia.

Đức Thánh Cha lập luận rằng những cải cách không mang lại hoa trái “một cách đột ngột” nhưng cần một thời gian dài để thấy những lợi ích. Ngài đã nhắc lại các biện pháp được Đức Giáo Hoàng Piô X và Đức Giáo Hoàng Piô XII đưa ra vào nửa đầu thế kỷ 20. Đức Piô X đã hình thánh một ủy ban để đổi mới Phụng Vụ vào năm 1913. Đức Giáo Hoàng Piô XII với Tông Thư Mediator Dei đưa ra năm 1947 đã thay đổi sâu sắc phụng vụ Tuần Thánh.

Cực điểm của những thay đổi này là Hiến Chế Sacrosanctum Concilium của Công đồng Vatican II, mà Đức Thánh Cha cho là, “muốn đưa ra một phụng vụ sống động cho một Giáo Hội hoàn toàn được sống động bởi những mầu nhiệm được cử hành.”

Các sách phụng vụ mới đã được ban hành, nhưng vẫn còn nhiều “việc phải làm” để cải cách tâm lý của các tín hữu – “đặc biệt là việc tái khám phá các lý do đã dẫn đến những quyết định cải cách phụng vụ và vượt qua những bài viết vô căn cứ và hời hợt, đã từng gây ra các ngộ nhận.”

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là “suy nghĩ lại về cải cách”, nhưng để “hiểu biết rõ hơn những lý do cơ bản dẫn đến những cải cách ấy” 

12. Kitô hữu lũ lượt trở về vùng bình nguyên Ninivê

Khoảng 15,000 người Kitô hữu Iraq tị nạn dự kiến sẽ trở về nhà trong khoảng thời gian một tháng. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết có khoảng 3,000 gia đình sẽ hồi hương vào tháng 8 này tại Qaraqosh trong vùng đồng bằng Nineveh, nơi đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS tàn phá nặng nề nhất.

Các Kitô hữu đang trở lại với tỷ lệ nhanh như vậy vì các bậc cha mẹ lo lắng muốn có một chỗ học cho con cái của họ tại các trường học địa phương. Điều phối viên dự án Trung Đông của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là Cha Andrzej Halemba nói rằng sẽ có khoảng 10,000 chỗ học, và các tòa nhà đang được sửa chữa khẩn cấp cho đầu năm học mới.

Khoảng 5,000 Kitô hữu đã quay trở lại Qaraqosh, tuy nhiên đây chỉ là một phần nhỏ trong số 50,000 người đã từng sống ở đó cho đến khi họ bị buộc phải di tản vào tháng 8 năm 2014.

Cha Halemba nói rằng chính phủ ở Baghdad đã khuyến khích các Kitô hữu trở lại Qaraqosh và các thị trấn khác ở Nineveh.

Cha Halemba, người cũng là Chủ tịch Uỷ ban Tái thiết Nineveh, cho biết các tổ chức bác ái Công Giáo đã phải vật lộn để xây dựng lại cơ sở hạ tầng như điện và nước. Tất cả đã bị khủng bố Hồi Giáo phá tan nát.

13. Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Vatican và Giáo Hội Chính thống Nga.

Ông Putin nói trong cuộc họp hôm thứ Tư 23 tháng 8 với Đức Hồng Y Pietro Parolin, rằng “các giá trị nhân đạo phổ quát” tạo thành nền tảng cho mối quan hệ giữa Nga và Vatican, cũng như mối quan hệ giữa hai Giáo Hội.

Ông Putin cảm ơn Tòa Thánh vì đã cho mượn thánh tích thánh Nicholas trong mùa hè vừa qua. Ông cũng hoan nghênh một cuộc triển lãm tại Mạc Tư Khoa trong đó trưng bày các bức tranh từ Bảo tàng Vatican và nói rằng Nga sẽ đáp lại với một cuộc triển lãm nghệ thuật Nga tại Vatican vào năm tới.

Cuộc họp của Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, với ông Putin ở Sochi đã diễn ra sau cuộc hội đàm với Đức Thượng Phụ Chính thống Nga Kirill. 

Đức Thượng Phụ Kirill đã gặp Đức Giáo Hoàng tại Cuba vào tháng 2 năm 2016, và đó là lần gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của hai Giáo Hội.

14. Đức Hồng Y Parolin nhìn lại chuyến thăm Nga

Trong một cuộc phỏng vấn với Radio Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin đã nhìn lại chuyến thăm Mạc Tư Khoa của ngài, và các cuộc trò chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Đức Thượng Phụ Chính thống Kirill.

Đức Hồng Y tiết lộ rằng ngài đã đưa trình lên Đức Thánh Cha một báo cáo đầy đủ về chuyến viếng thăm ngay sau khi ông trở lại Rome. Đức Thánh Cha đã “hài lòng với những ấn tượng và những kết quả tích cực” trong chuyến đi.

Đức Hồng Y Parolin nói rằng trong cuộc trò chuyện với Đức Thượng Phụ Kirill, trọng tâm chủ yếu tập trung vào sự hợp tác giữa hai Giáo Hội Công giáo và Chính thống giáo. Ngài nói: “Các vấn đề hóc búa cũng đã được nhấn mạnh, đặc biệt là tình hình ở Ukraine, nơi các nhà lãnh đạo Công Giáo và Chính Thống giáo thường xuyên đụng độ với nhau.”

Với Tổng thống Putin, Đức Hồng Y nói, cuộc hội đàm tập trung vào Trung Đông, và đặc biệt là hoàn cảnh của các Kitô hữu trong khu vực đó. Đức Hồng Y cũng đã nói chuyện với nhà lãnh đạo Nga về Ukraine và về cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Ngài đã thảo luận về những vấn đề quốc tế tương tự trước đó trong các cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Nói chung, Đức Hồng Y nhận định rằng, các cuộc tiếp kiến đã “thực sự được đặc trưng bởi một bầu khí thân mật, lắng nghe và tôn trọng.”

15. Đức Thánh Cha gặp gỡ các vị lãnh đạo Hội đồng các Giáo hội Thế giới

Dù đang nghỉ hè, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ hôm 25 tháng Tám với các vị lãnh đạo của Hội đồng các Giáo hội thế giới, gọi tắt là WCC, gồm có ông Tổng thư ký, là Mục Sư Olav Fykse Tvelt; và người điều hành ủy ban trung ương, là Agnes Abuom.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp, Mục sư Tvelt nói rằng đó là một “cuộc họp rất tích cực và có kết quả.” Ông nói rằng các cuộc thảo luận đã tập trung vào các vấn đề về công bằng kinh tế, thay đổi khí hậu và các nỗ lực gìn giữ hòa bình. 

Ông nói thêm rằng các nhà lãnh đạo WCC đã cùng cầu nguyện với Đức Thánh Cha cho sự thống nhất và hòa giải, và đã đồng ý sẽ có một cuộc gặp gỡ khác vào năm tới

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …