1. Đức Thánh Cha thăm trại tử thần Auschwwitz
Lúc 7 giờ sáng Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ riêng trong nhà nguyện toà Tổng Giám Mục Krakow. Sau đó vào lúc 8 giờ 15 ngài đi xe đến phi trường Balice cách đó 16 cây số để lấy trực thăng quân sự bay đến Oswiecim cách đó 30 cây số. Máy bay đã tới nơi sau nửa giờ bay.
Đón tiếp Đức Thánh Cha có Đức Cha Roman Pindel, Giám Mục Bielsko Zywiec, và ông thị trưởng thành phố. Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, cũng theo đoàn tuỳ tùng trong cuộc viếng thăm này.
Lúc 9 giờ 20 phút Đức Thánh Cha đi xe đến viện bảo tàng Auschwitz cách đó 700 mét.
Cuộc viếng thăm đã bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi. Xe chở Đức Thánh Cha đã dừng bên ngoài cổng chính của trại tập trung bên trên có hàng chữ “Lao động giải phóng con người”. Đức Thánh Cha đã được ông giám đốc Viện bảo tàng tiếp đón. Ngài đi bộ vào bên trong, rồi lên chiếc xe nhỏ chạy bằng điện để đến Khu số 11. Khi đến một sân nhỏ nơi mật vụ Đức quốc treo cổ các tù nhân, Đức Thánh Cha đã dừng lại cầu nguyện rồi hôn cây cột gỗ. Đây là nơi cha Massimiliano Kolbe đã hy sinh nhận chết thế cho một người cha gia đình.
Bà Thủ tướng Beata Maria Szydlo đã đón tiếp Đức Thánh Cha trước cửa vào khu 11. Ngài đã gặp 11 nạn nhân sống sót của trại tập trung, ôm hôn và nói chuyện với từng người. Người cuối cùng trao cho ngài một cây nến. Đức Thánh Cha đã cầm cây nến thắp ngọn đèn dầu ngài tặng cho trại tập trung và thinh lặng cầu nguyện trước bức tường nơi quân Đức Quốc Xã đã xử bắn hàng ngàn tù nhân trong hai năm, bằng cách bắn vào đầu họ rồi lôi xác vào lò hoả thiêu, từ mùa thu năm 1941 đến mùa thu năm 1943. Sau đó các vụ xử bắn được chuyển qua trại tập trung Birkenau. Bức tường này đã bị phá nhưng năm 1946 các cựu tù binh của trại đã xây lại.
Sau khi tưởng niệm các nạn nhân đã bị xử bắn tại đây, Đức Thánh Cha vào thăm căn phòng nơi cha Massimilano Kolbe bị bỏ chết đói. Hình phạt bỏ đói được quân Đức Quốc Xã dùng trong thời gian ban đầu. Các tù nhân được chọn trong nhóm có một người tù bỏ trốn, bị bỏ chết đói trong các phòng bên duới lòng đất. Cha Kolbe đã chết đói trong phòng số 18. Đức Thánh Cha được cha Bề trên tổng quyền và cha bề trên tỉnh dòng Phanxicô viện tu hèn mọn tiếp đón, rồi ngài xuống các phòng bỏ đói thăm căn phòng nơi cha Kolbe qua đời. Ngài đã vào ngồi trên ghế và thinh lặng cầu nguyện một lúc lâu. Hiện nay có một bản khắc kỷ niệm cái chết hy sinh của ngài, bên cạnh có một cây nến do Đức Gioan Phaolô II để lại. Trước khi rời khu nhà số 11 Đức Thánh Cha đã ký tên vào sổ lưu niệm. Ngài viết bằng tiếng Tây Ban Nha: “Lậy Chúa xin thuơng xót dân Ngài, Lậy Chúa xin tha thứ cho biết bao tàn ác”.
2. Đức Thánh Cha thăm lò hoả thiêu Birkenau
Tiếp đến Đức Thánh Cha đi xe sang thăm trại tập trung Birkenau cách đó 3 cây số. Trại tập trung này rộng 175 mẫu và là trại tập trung lớn nhất cũng gọi là Auschwitz II. Nó được quân Đức Quốc Xã bắt đầu xây năm 1941 trong làng Brzezinka. Dân làng bị đuổi đi nơi khác và nhà cửa của họ bị tàn phá để lấy chỗ cho trại tập trung. Tại Birkenau quân Đức Quốc Xã đã xây dựng các hệ thống tiêu diệt tinh vi nhất gồm 4 lò hoả thiêu với các phòng hơi ngạt, 2 phòng hơi ngạt tạm thời trong nhà của dân.
Có khoảng 300 dẫy nhà bằng gỗ và gạch làm nơi ở cho các tù nhân bị trưng dụng cho lao động và để cho chết dần chết mòn. Vào tháng 8 năm 1944 số tù nhân tại Birkenau lên tới 100.000 người. Tưởng cũng nên biết rằng trong thời đệ nhị thế chiến đã có 1.000 linh mục Ba Lan cứu sống người Do thái. Các nữ tu đã cho người Do thái tá túc trong 300 tu viện và cơ cấu khác nhau trên toàn nước Ba Lan. Hồi năm 1939 số linh mục tu sĩ Ba Lan là 18.000. Hàng giáo sĩ bị quân Đức Quốc Xã bách hại một cách có hệ thống, khiến cho 4.000 vị và 6 Giám Mục đã bị nhốt trong các trại tập trung, và ít nhất có 2.800 vị đã chết.
Trước đài tưởng niệm các nạn nhân có 1,000 người gồm thân nhân của các nạn nhân và một số các tù nhân còn sống sót chờ Đức Thánh Cha. Đài tưởng niệm này đã được khánh thành năm 1967 giữa lò hoả thiêu số II và số III. Có 426 dự án đã được đề ra. Dự án vĩnh viễn đã do các kiến trúc sư Ba Lan và Italia thực hiện. Toàn đài tưởng niệm gồm nhiều lớp, khiến ta nghĩ tới các hòm chôn người chết và các bia mộ, trong khi yếu tố cao nhất biểu tượng cho ống khói của lò hoả thiêu. Trước đài tưởng niệm có các tấm bia tưởng niệm bằng 23 thứ tiếng khác nhau của các tù nhân. Bảng tưởng niệm viết: “Hãy luôn mãi để nơi này là tiếng thét của tuyệt vọng và là một cảnh cáo cho nhân loại, nơi quân Đức Quốc Xã đã giết chết 1,5 triệu người, phụ nữ, trẻ em, đa số là người Do thái, đến từ các nước Âu châu. Auschwitz Birkenau 1940-1945”.
Sau khi đi bộ qua cổng chính, Đức Thánh Cha đã lên xe chạy bằng điện tiến vào trại. Ngài đã được bà Thủ tướng và ông giám đốc trại tiếp đón. Một rabbi do thái hát thánh vịnh 130, sau đó Đức Thánh Cha đã đến trước các tấm bia thinh lặng cầu nguyện rồi thắp lên một ngọn nến. Ngài tiếp tục thăm hết các bia tới tấm bia cuối cùng có tên của 25 người được coi là “Các người công chính của các quốc gia”.
Sau khi thăm đài tưởng niệm Đức Thánh Cha đã tặng tràng hạt mân côi cho các nạn nhân sống sót ngồi ở mấy hàng ghế đầu.
3. Đức Thánh Cha thăm bệnh viện nhi đồng Prokocim
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến tông du Ba Lan nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, sau chuyến viếng thăm trại tử thần Auschwitz, lúc 16:30 Đức Thánh Cha đã thăm bệnh viện nhi đồng Prokocim tại Krakow.
Bệnh viện nhi đồng Prokocim là bệnh viện trực thuộc Đại Học Y khoa Thánh Tâm theo cùng một hình thức với bệnh viện Gemelli ở Rôma.
Đây là nhà thương nhi đồng lớn nhất Ba Lan, do các tu sĩ Dehoniani điều khiển, hàng năm chữa trị cho khoảng 30.000 trẻ em và khám bênh phát thuốc cho 200.000 em. Việc xây cất nhà thương đã do các người Ba Lan sống bên Hoa Kỳ đề xướng, và được chính quyền Hoa Kỳ tài trợ. Trong 5 thập niên qua nhà thương đã chữa trị cho 900.000 trẻ em. Nhà thương này nổi tiếng vì chuyên giải phẫu tách rời các trẻ em sinh đôi dính vào nhau, chữa phỏng và các thứ bệnh về tim của trẻ em.
Đức Gioan Phaolô II cũng đã thăm nhà thương ngày 13 tháng 8 năm 1991. Nhà nguyện của nhà thương còn giữ vài thánh tích của ngài. Hàng ngày tại đây đều có thánh lễ cho trẻ em, cha mẹ, các nhân viên y tế và sinh viên y khoa, vì nhà thương cũng là đại học. Mình Thánh Chúa cũng được chầu suốt ngày tại đây.
Lúc 4 giời rưỡi chiều Đức Thánh Cha đã đi xe díp đến nhà thương cách toà tổng giám mục 9 cây số. Ngài đã được bà thủ tướng và vị giám đốc nhà thương tiếp đón tại sảnh đường. Hiện diện có 50 trẻ em bệnh nhân, cha mẹ các em, các bác sĩ y tá và sinh viên y khoa.
Đáp lời chào của bà thủ tướng Đức Thánh Cha nói lên lý do ngài đến thăm nhà thương:
Tôi muốn ở gần mỗi trẻ em đau yếu một chút, bên cạnh giường các em, ôm các em vào lòng, từng em một, lắng nghe từng em một, mỗi em một chút, và cùng nhau thinh lặng trước các câu hỏi không có câu trả lời tức khắc. Và cầu nguyện.
Tin Mừng cho chúng ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu gặp gỡ các người đau yếu, tiếp đón họ và Ngài cũng sẵn lòng đi tìm họ. Ngài luôn luôn nhận ra họ, nhìn họ như một bà mẹ hiền nhìn đứa con không khoẻ mạnh, và cảm thương họ. Như là các kitô hữu tôi uớc mong biết bao có khả năng gần gũi người bệnh theo kiểu của Chúa Giêsu, trong thinh lặng, với một cái vuốt ve, với lời cầu nguyện. Rất tiếc xã hội của chúng ta bị ô nhiễm bởi nền văn hóa “gạt bỏ” chống lại nền văn hoá tiếp đón. Và các nạn nhân của nền văn hóa gạt bỏ chính là những người yếu đuối nhất, giòn mỏng nhất; và đó là một sự tàn ác. Trái lại, thật là đẹp trông thấy rằng trong nhà thương này các trẻ em bé nhỏ và cần được giúp đỡ được tiếp đón và săn sóc. Nhờ dấu chỉ này của tình yêu mà anh chị em cống hiến cho chúng tôi! Đó là dấu chỉ của nền văn minh đích thực, nhân bản và kitô: đặt để các người bị thiệt thòi nhất vào trung tâm của sự chú ý xã hội chính trị.
Tiếp tục bài phát biểu Đức Thánh Cha nói:
Đôi khi các gia đình phải một mình lo lắng cho chúng. Phải làm gì đây? Từ nơi này trong đó tôi trông thấy tình yêu cụ thể , tôi muốn nói: chúng ta hãy nhân nhiều lên các công trình của nền văn hóa tiếp đón, các công trình được linh hoạt bởi tình yêu kitô, tình yêu đối với Chúa Giêsu bị đóng đinh, đối với thịt xác của Ngài. Phục vụ với tình yêu thương, dịu hiền những người cần sự giúp đỡ khiến làm cho chúng ta tất cả lớn lên trong nhân bản; và nó mở ra cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu: ai chu toàn các việc lành phúc đức, thì không sợ hãi cái chết.
Tôi khích lệ tất cả những ai đã khiến cho lời mời gọi của Tin Mừng trở thành một lựa chọn cuộc đời: các bác sĩ, y tá, tất cả những ai làm việc trong lãnh vực y khoa cũng như các tuyên uý và các người thiện nguyện. Xin Chúa giúp anh chị em chu toàn công việc của mình, tại đây cũng như tại mọi nhà thương trên toàn thế giới. Và xin Người thưởng công cho anh chị em, bằng cách ban cho anh chị em sự an bình nội tâm và một con tim luôn luôn có khả năng dịu hiền.
Xin cám ơn tất cả mọi người về cuộc gặp gỡ này! Tôi mang anh chị em trong tim và trong lời cầu nguyện. Và xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Đức Thánh Cha đã tặng nhà thương bức tranh “Trước cửa” của nghệ sĩ Piero Casentini, diễn tả một cảnh trong cuộc đời Chúa Giêsu: thánh Phêrô và các tông đồ đương đầu với người bệnh đi tìm Chúa Giêsu thấp thoáng đàng sau cánh cửa của một căn nhà. Các gương mặt được trình bầy theo rẻ quạt để người nhìn có thể quan sát từng gương mặt một.
Đức Thánh Cha đã nói chuyện và vuốt ve các trẻ em trong đó nhiều em bị bệnh ung thư, trước khi đi thăm vài khu vực của nhà thương đại học. Tiếp đó ngài lên nhà nguyện và được linh mục tuyên uý Lucjan Szezepaniak tiếp đón. Đức Thánh Cha viếng Mình Thánh Chúa và quỳ cầu nguyện một lát.
4. Đức Hồng Y Tagle nói Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là thời gian đầy ân sủng và cơ hội yêu thương phục vụ
Cùng với khoảng 800 Giám mục và 50 Hồng Y hiện diện tại Cracovia tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám mục Manila, Philippin, vui mừng khi nhìn thấy hàng trăm ngàn bạn trẻ đang tham dự sự kiện này với đức tin và lòng nhiệt thành.
Đức Hồng Y chia sẻ: “Mỗi cử hành Ngày Quốc tế Giới trẻ là độc nhất. Đối với tôi nó là một sự bùng nổ của ơn Chúa. Tôi luôn thấy ấn tượng khi nhìn thấy khía cạnh này của cuộc sống – đó là khía cạnh của tuổi trẻ: khoảng thời gian này qua đi nhưng là thời gian tràn đầy ân sủng và cơ hội để yêu thương và phục vụ. Nhìn những người trẻ quy tụ lại, bởi đức tin, với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, là lòng thương xót, mang lại cho tôi niềm hy vọng cho thế giới, cho nền văn hóa ngày nay, cho tương lai của thế giới, của xã hội và cho tương lai của Giáo Hội. Tôi rất là cảm động!”
Như lời Đức Thánh Cha nói, Giáo Hội muốn học từ những người trẻ và cả thế giới cũng đang nhìn vào các bạn trẻ. Đức Hồng Y Tagle nhìn nhận, chính ngài, không chỉ như một con người, mà như Giám mục, như Hồng Y, ngài cũng đã học nhiều điều từ người trẻ, đặc biệt các bạn trẻ từ những gia đình nghèo, những gia đình đau khổ: họ là những thầy dạy vĩ đại của ngài.
Đức Hồng Y cũng nói về quà tặng của Caritas Ba Lan cho Đức Thánh Cha, là một dây các phép (stola) và 2 đôi giày, sau đó Đức Thánh Cha sẽ tặng lại để bán đấu giá và số tiền thu được sẽ lập một trạm xá lưu động cho các người tị nạn Syria ở Li băng.
Hy vọng của Đức Hồng Y về Ngày Quốc tế Giới trẻ là Thiên Chúa ban sức mạnh cho các bạn trẻ. Ngài hy vọng các bạn trẻ luôn mở rộng con tim của họ ra với Thiên Chúa, để Thiên Chúa ban sức mạnh và họ sẽ trở nên người có lòng thương xót, để họ tôn trọng và luôn cởi mở với người khác, với các người ngoại quốc và những người đau khổ.
5. Dù thời tiết xấu và phải cuốc bộ, 3 triệu người đã tham dự Thánh Lễ Bế Mạc
Theo nguồn tin của cảnh sát 3 triệu người đã tham dự Thánh Lễ Bế Mạc diễn ra tại cánh đồng Lòng Thương Xót hôm Chúa Nhật 31 tháng 7, vượt xa dự đón 1.8 triệu của ban tổ chức.
Campus Misericordiae hay Cánh đồng Lòng Thương Xót là một địa điểm được thiết kế đặc biệt cho Đêm Canh Thức và Thánh lễ Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Địa điểm này nằm cách trung tâm Krakow 15km về phía đông nam trong vùng Brzegi giữa Nowa Huta và Wieliczka.
Chính quyền thành phố Krakow cho biết 7 cây cầu mới tinh đã được xây dựng để tạo điều kiện giao thông thuận lợi từ thành phố Krakow vào khu vực này.
Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở của Krakow và hệ thống giao thông vận tải không thể cung cấp các phương tiện giao thông cho hàng mấy triệu bạn trẻ di chuyển từ trung tâm thành phố Krakow và các vùng phụ cận đến địa điểm này nên ban tổ chức quyết định là tổ chức đi bộ.
Dù thời tiết xấu và phải cuốc bộ, khoảng 3 triệu người đã tham dự Thánh Lễ Bế Mạc.
Trước khi Đức Thánh Cha sang Ba Lan, Gazeta Wyborcza, tờ báo được coi là thuộc hàng đông độc giả nhất ở Ba Lan, thường có xu hướng phê bình Giáo Hội Công Giáo, bày tỏ lo ngại là Cánh đồng Lòng Thương Xót có thể bị ngập nặng nếu mưa to và trong trường hợp như vậy Ba Lan không có khả năng ứng cứu con số hàng triệu người tại đây. May mắn là chuyện này đã không xảy ra.
Gazeta Wyborcza từng là tờ báo vận động chống lại việc bổ nhiệm Đức Cha Stanisław Wielgus, là người đã có một mối quan hệ không rõ ràng với mật vụ cộng sản thời Xô Viết, vào ngày 6 tháng 12 năm 2006. Một tháng sau đó, ngày 6 tháng Giêng 2007, Tòa Thánh lại phải buộc vị tân Tổng Giám Mục thủ đô Ba Lan từ chức đột ngột.
6. Panama sẽ tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2019
Khác với dự đoán cuả nhiều người về khả năng Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo sẽ được tổ chức ở một nước Á Châu hay Phi Châu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố rằng Panama sẽ tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới vào năm 2019.
Sau lời tuyên bố này, Đức Thánh Cha đã mời các giám mục Panama có mặt đến bên Ngài để cùng ban phước lành với Ngài.
“Cuối cuộc cử hành này, cha cùng tất cả các bạn tạ ơn Thiên Chúa, Cha của lòng thương xót vô hạn, đã cho phép chúng ta trải nghiệm Ngày Giới trẻ Thế giới này”, Đức Giáo Hoàng nói thế; Người cảm ơn Đức Hồng Y Dziwisz và Đức Hồng Y Rylko, “không mệt mỏi trong các nỗ lực làm cho ngày này trở thành có thể, và “vì những lời cầu nguyện kèm theo việc chuẩn bị cho biến cố này” .
“Tôi cũng cảm ơn tất cả những người đã đóng góp vào kết quả thành công của nó. Một lời cám ơn lớn xin ngỏ với các các bạn, các bạn trẻ thân mến! Các bạn đã làm đầy Krakow với sự nhiệt tình lây lan đức tin của các bạn. Thánh Gioan Phaolô II, từ trên trời, hẳn đã vui mừng, và Người sẽ giúp các bạn loan truyền niềm vui Tin Mừng ra khắp mọi nơi”.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Trong những ngày này, chúng ta đã trải nghiệm vẻ đẹp của tình huynh đệ phổ quát của ta trong Chúa Kitô, tâm điểm và là niềm hy vọng của cuộc sống chúng ta”. “Chúng ta đã nghe thấy tiếng của Người, tiếng nói của Đấng Chăn Chiên Lành, Đấng đang ngự giữa chúng ta. Người nói chuyện với tất cả các bạn trong trái tim các bạn. Người đã canh tân các bạn bằng tình yêu của Người và Người đã tỏ cho các bạn ánh sáng sự tha thứ của Người, sức mạnh ân sủng của Người. Người đã làm cho các bạn trải nghiệm thực tế của cầu nguyện. Những ngày này đã đem đến cho các bạn một “làn gió mới” thiêng liêng giúp các bạn sống cuộc sống thương xót khi các bạn trở về xứ sở và cộng đồng của các bạn “.
Đức Giáo Hoàng quay về phiá ảnh Đức Nữ Trinh Maria ở bên cạnh bàn thờ, vốn được Thánh Gioan Phaolô II tôn kính tại đền thờ Kalwaria. “Đức Maria, Mẹ chúng ta, dạy chúng ta cách làm cho kinh nghiệm của chúng ta ở đây tại Ba Lan được sinh ích. Mẹ nói với chúng ta làm những gì Mẹ đã làm: đừng để lãng phí những hồng phúc mà các bạn đã nhận được, nhưng gìn giữ nó trong trái tim các bạn để nó có thể phát triển và sinh hoa trái, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần. Nhờ cách này, mỗi người các bạn, bất kể các hạn chế và thiếu sót của mình, có thể là một nhân chứng cho Chúa Kitô bất cứ nơi nào các bạn sống: ở nhà, trong các giáo xứ của các bạn, trong các hiệp hội và các nhóm của các bạn, và nơi học tập, làm việc, phục vụ, giải trí của các bạn, bất cứ nơi nào Chúa quan phòng dẫn các bạn tới “.
Trước khi mời mọi người hiện diện cùng đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha kết luận:
“Tin tưởng vào lời cầu bầu của Mẹ Maria, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ hành trình của người trẻ trong Giáo Hội và trên thế giới, và làm cho các bạn trở thành các môn đệ và chứng nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa”.
7. Một phóng viên qua đời trong khi tường thuật Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Một phóng viên của đài truyền hình RAI của nhà nước Italia đã qua đời ở tuổi 58 trong khi đang thi hành nhiệm vụ tường trình chuyến tông du Ba Lan của Đức Thánh Cha Phanxicô trong khuôn khổ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow.
Hãng tin Ý ANSA cho biết Anna Maria Jacobini được phát hiện đã chết trên giường trong phòng khách sạn của cô vào ngày thứ Sáu 29 tháng 7 và người ta tin cô đã chết từ đêm hôm trước. Thông tấn xã này cho biết cô có phàn nàn với đồng nghiệp đêm thứ Năm rằng cô cảm thấy mệt mỏi. Cái chết của cô đã không được tường trình ngay lập tức vì bà mẹ 94 tuổi của cô phải được thông báo trước.
Jacobini điều khiển một chương trình các vấn đề Công Giáo hàng tuần trên RAI và trong quá khứ từng tường trình các chuyến tông du của các vị giáo hoàng, một việc khá gây mệt mỏi cho các phóng viên, những người thường phải làm việc từ trước bình minh cho đến nửa đêm.
8. Đức Thánh Cha khánh thành trung tâm cho người nghèo của Caritas Krakow
Ngày Chúa Nhật 31 tháng 7 là ngày cuối cùng trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Ba Lan. Ban sáng, lúc 8:45h, ngài khánh thành 2 cơ sở mới của Caritas Ba Lan. Cơ sở thứ nhất là Ngôi Nhà của Lòng Thương Xót dành cho người nghèo và người cao niên. Cơ sở thứ hai là một trung tâm dinh dưỡng dành cho những người túng thiếu.
Trong thời kỳ cộng sản, Caritas Ba Lan bị xóa sổ hoàn toàn và chỉ được khôi phục lại từ năm 2004. Nhiệm vụ Caritas của Ba Lan là hỗ trợ các dự án trong nước và nước ngoài ngõ hầu đáp ứng nhu cầu của người nghèo và những người bị thiệt thòi. Phạm vi rộng lớn của Caritas bao gồm việc thành lập các trung tâm giúp đỡ những phụ nữ bị bỏ rơi trong lúc mang thai, những phụ nữ bị buộc hành nghề mãi dâm, các trung tâm điều trị và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, và cung cấp cứu trợ khẩn cấp cho các nước sau các thảm họa tự nhiên hoặc chịu ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột vũ trang tại các nước ở châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và châu Âu.
Trung tâm dinh dưỡng đang được Đức Thánh Cha khánh thành là trung tâm thứ 41 trên toàn cõi Ba Lan cung cấp 250,000 bữa ăn cho trẻ em suy dinh dưỡng và những người túng thiếu. Sáu năm trước đây, vào năm 2010, Ba Lan bị lũ lụt thảm khốc tới mức Thủ tướng Ba Lan gọi đó là “thảm họa tồi tệ nhất trong 160 năm qua”. Caritas Ba Lan đã trợ giúp của hơn 66,000 nạn nhân lũ lụt.
Sau nghi lễ khánh thành, lúc 10h, Đức Thánh Cha đến “Campus Misericordiae” nghĩa là “Cánh Đồng Lòng Thương Xót” để chủ sự thánh lễ bế mạc.
9. Đức Thánh Cha gặp các tình nguyện viên Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Lúc 5h chiều Chúa Nhật, Đức Thánh Cha đến khu vực Tauron để gặp các tình nguyện viên và các mạnh thường quân giúp tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, Ba Lan.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với những người trẻ tuổi rằng ngài không biết có thể tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới tại Panama hay không.
Trong bài diễn văn sau cùng trong chuyến tông du 5 ngày tại Ba Lan, Đức Thánh Cha đã ca ngợi các nguyện viên Ngày Giới trẻ Thế giới vì công việc khó khăn của họ, Đức Thánh Cha đã trao bài nói chuyện được chuẩn bị sẵn cho các bạn trẻ và ứng khẩu đề cập đến một số vấn đề.
Ngài nhắc nhở những người trẻ rằng nếu họ muốn đại diện niềm hy vọng cho tương lai, họ phải nhớ nguồn gốc của họ.
Đức Thánh Cha nói: “Tôi phải tự hỏi bản thân mình, tôi đến từ đâu… ký ức về con người, gia đình, và lịch sử của tôi là gì. Ký ức về con đường tôi đã đi qua và tất cả những gì chúng ta đã nhận được từ người lớn. Một người trẻ tuổi không ký ức không thể là một ngọn hải đăng của niềm hy vọng cho tương lai”.
Và Đức Thánh Cha đã mời tất cả những người trẻ tuổi nói chuyện và lắng nghe cha mẹ của mình, sau đó là các bậc ông bà và những người cao tuổi là những người đại diện cho sự khôn ngoan của một dân tộc.
Một điều kiện cần thiết khác là nếu bạn muốn trở thành một ngọn hải đăng của niềm hy vọng cho tương lai, bạn phải sống hiện tại với lòng can đảm, “không được sợ hãi.”
Đức Thánh Cha nói thêm:
“Tôi không biết là tôi sẽ được có mặt ở Panama hay không, nhưng tôi có thể đảm bảo với các bạn là Phêrô sẽ có mặt ở đó!”.
Và, Đức Giáo Hoàng kết luận: “Phêrô sẽ hỏi bạn xem bạn đã trò chuyện với ông bà của mình và với người cao tuổi hay chưa để có được ký ức; ngài sẽ hỏi bạn xem bạn có đủ can đảm và gan dạ để sống phút hiện tại; ngài sẽ muốn biết là các bạn đã gieo mầm cho tương lai hay chưa.”
Có 21,000 bạn trẻ ghi danh làm tình nguyện viên trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, trong đó có 7,000 các bạn trẻ Ba Lan.
10. Đức Thánh Cha bất ngờ nói “Do Widzenia” với người Ba Lan
Đức Thánh Cha Phanxicô đã “bất ngờ” nói “Do Widzenia”, nghĩa là tạm biệt, với người dân Ba Lan vào tối Chúa Nhật trước khi khởi hành từ Krakow về lại Rôma sau chuyến tông du 5 ngày của ngài.
Xuất hiện bất ngờ tại ban công Tòa Tổng Giám mục Krakow lần thứ tư trong năm ngày qua, Đức Thánh Cha đã cảm ơn và chia tay với nhiều người, đặc biệt là các bạn thanh niên, tụ tập tại quảng trường bên dưới.
Bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cám ơn tất cả mọi người vì sự chào đón nồng nhiệt và đồng hành với ngài trong những ngày qua.
Ngài xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài và đọc kinh Kính Mừng trước khi ban phép lành cho những người hiện diện. Sau cùng, ngài nói “Do Widzenia”, nghĩa là tạm biệt.
Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra sân bay quốc tế Gioan Phaolô II để về Rôma. Mưa lớn đã khiến các quan chức phải rút ngắn buổi lễ chia tay với Đức Thánh Cha.
Một buổi lễ có trải thảm đỏ với sự hiện diện của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã phải đổi thành một cuộc trò chuyện ngắn ở bên trong nhà ga. Không có bài phát biểu nào trong dịp này. Đức Phanxicô được một chiếc xe hơi chở tới máy bay giữa âm thanh của một dàn nhạc quân đội.
Ông Duda và các viên chức nhà nước và Giáo Hội Ba Lan, che dù, nói lời chia tay ngắn ngủi với Đức Phanxicô tại chân cầu thang của chiếc Boeing 787 Dreamliner thuộc Hãng Hàng Không Ba Lan, trước khi chiếc máy đưa ngài về Rôma.
Chuyến bay bị trễ so với chương trình và Đức Thánh Cha đã về đến sân bay Fiumicino lúc 9h30 tối.
Sau hai giờ bay, Đức Giáo Hoàng đã trở lại Vatican vào tối Chúa Nhật kết thúc chuyến tông du thứ 15 của ngài bên ngoài nước Ý.
Nguồn: VietCatholic News