1. Cảnh sát Ý phá vỡ âm mưu tấn công khủng bố tại Vatican
Sáng thứ Năm 28 tháng Tư, nhà chức trách Ý đã bắt giữ bốn người bị tình nghi dính líu vào một âm mưu tấn công khủng bố tại Vatican và đã ban hành lệnh bắt giữ hai người Syria khác. Công tố viên tư pháp Milan đã cho biết như trên.
Trên các phương tiện truyền thông xã hội, Thủ tướng Ý, là ông Matteo Renzi đã lên tiếng cảm ơn các cơ quan chức năng đã thực hiện các vụ bắt giữ này, là “hoạt động chống những kẻ cực đoan rất quan trọng ở phía bắc vào sáng nay.”
Nhà chức trách Italia cho biết một trong những nghi phạm là một người Ý nguyên quán Ma-rốc, là người đã nhận được lệnh của bọn khủng bố Hồi Giáo IS để thực hiện một cuộc tấn công tại Rôma trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Người đàn ông này tên là Abderrahim Moutahrrick, bị cho là đã nhận được tin nhắn WhatsApp từ một vùng lãnh thổ do bọn khủng bố Hồi Giáo IS kiểm soát với nội dung: “Thưa anh Abderrahim, tôi gửi cho anh … bài thơ bom … hãy lắng nghe vị thủ trưởng và tấn công,” Tin nhắn này có nội dung tương tự như tin nhắn được gởi cho những kẻ khủng bố tại Paris và Brussels trong đó “vị thủ trưởng” hay “sheik” ám chỉ tên lãnh đạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS là Abu Bakr al-Baghdadi.
Công tố viên Maurizio Romanelli của thành phố Milan nói rằng Moutahrrick lên kế hoạch tấn công Vatican và Đại sứ quán Israel tại Rôma và cho biết thêm một trong các nghi phạm khác, Abderrahmane Khachia, 23 tuổi, cũng là người Ma-rốc, trong một cuộc trò chuyện bị cơ quan an ninh theo dõi nói: “Tôi muốn đánh bọn Israel tại Rôma”. Các nhà chức trách đã bắt giữ Khachia ở thành phố Varese phía bắc Ý và Moutahrrick tại nơi y cư trú là thành phố Lecco, phía bắc của Milan, thuộc tỉnh Lombardy.
Romanelli nói thêm rằng các nhà điều tra Italia đã tóm được một lô các các tin nhắn trước khi tấn công vào tổ chức khủng bố này và nói rằng mối đe dọa là nghiêm trọng và cụ thể vì các tên khủng bố có thể nhận được lệnh tấn công trực tiếp từ Syria vào bất cứ lúc nào.
Theo hãng tin Ý Ansa, ông Romanelli nhấn mạnh rằng “Đây là một cục diện mới, bởi vì nó không phải là một dấu hiệu chung chung, mà tiêu biểu cho một chỉ dấu cụ thể khi một cá nhân cụ thể được kêu gọi hành động trong lãnh thổ của Ý.”
Nhà chức trách Ý cũng đã phát lệnh bắt giữ một cặp vợ chồng người Ý sinh quán tại Ma-rốc là những người đã đến Syria năm ngoái để tham gia với bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Người đàn ông tên là Mohamed Koraichi. Ông bị cáo buộc là kẻ đạo diễn cho Moutahrrick thực hiện các cuộc tấn công trên đất Ý.
Theo chính quyền Ý, Moutahrrick đã tìm cách mua vũ khí từ một băng đảng Albania tại Ý và tuyên bố ý định của mình muốn tấn công Vatican. Bên cạnh đó, y cũng đã có kế hoạch để đưa gia đình gồm vợ và hai con từ 2 đến 4 tuổi đến một lãnh thổ do bọn khủng bố Hồi Giáo IS kiểm soát tại Syria.
“Đối với những kẻ thù này, tôi thề nếu tôi mang được gia đình tôi đến nơi an toàn, tôi sẽ là người đầu tiên mở cuộc tấn công … tại xứ sở thập tự quân Italia này … và cả Vatican nếu ý Chúa muốn”. Moutahrrick đã nói như trên với Koraichi trong một cuộc điện đàm bị chính quyền thu âm vào tháng Ba.
2. Morales Eva xung đột với các Giám Mục Công Giáo Bolivia
Các Giám mục Công Giáo Bolivia đã ban hành một thư mục vụ lên án việc buôn bán cocaine và buộc tội chính quyền của tổng thống Evo Morales là tham nhũng và nuôi dưỡng nạn buôn bán ma túy.
Lá thư của các Giám mục đã gây ra một phản ứng giận dữ từ Tổng thống Evo Morales, là người đã tố cáo rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội có một “tâm lý thuộc địa” và không nên nghĩ rằng “họ vẫn có tiếng nói sau cùng” trong các vấn đề của xã hội.
Trong thư mục vụ, các giám mục than thở rằng việc buôn bán ma túy gây ra “bạo lực, tham nhũng, dối trá, bất công và cái chết.” Các ngài cho rằng, hành vi tham nhũng của các quan chức chính phủ qua việc buôn bán ma túy đã “phá hoại uy tín của chính quyền” và làm cho mọi cố gắng hạn chế việc buôn bán bất hợp pháp này thành vô hiệu.
Tổng thống Morales, người đã có một mối quan hệ căng thẳng với các giám mục Bolivia, đã lên nắm chính quyền sau một thời gian dài lãnh đạo một công đoàn công nhân coca, và đã chiến đấu chống lại những nỗ lực quốc tế để hạn chế việc mua bán cocaine.
Sáng thứ Sáu 15 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Morales Eva, đang ở Rôma để tham dự một hội nghị về các vấn đề kinh tế được tài trợ bởi Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội.
Morales Eva, người đã gây ra những tranh cãi vào năm 2015 khi ông trao tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một cây thánh giá được hình thành với những biểu tượng cộng sản như búa, liềm, một lần nữa lại trao tặng Đức Thánh Cha một món quà rất độc đáo: đó là một cuốn sách bàn về những lợi ích sức khỏe của lá coca. Lá coca được sử dụng làm nguyên liệu chính để sản xuất cocaine.
3. Đã có hơn 5 triệu người về Rôma hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót
Số lượng khách hành hương viếng thăm Rôma trong Năm Thánh Lòng Thương Xót đã vượt qua 5 triệu, Vatican đã công bố như trên trong cuộc họp báo sáng thứ Hai 25 tháng Tư.
Khi bắt đầu Năm Thánh vào ngày 8 tháng 12 năm ngoái, số lượng khách hành hương rất thấp so với dự kiến ban đầu có lẽ vì lo sợ tai ương khủng bố tại Châu Âu. Tuy nhiên, số lượng khách đến Rôma đã tăng lên dồn dập trong những tuần gần đây. Cuối tuần trước, số lượng ghi danh chính thức đã quá 5 triệu người.
Những biến cố chính chắc chắn sẽ thu hút đông đảo những người hành hương trong thời gian tới gồm có:
a) Đêm Canh Thức “Lau khô những giọt lệ” do Đức Thánh Cha chủ sự lúc 19:30 ngày 5 tháng Năm tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
b) Ngày Năm Thánh cho các phó tế tại quảng trường Thánh Phêrô trong thời gian từ 25/05 đến 29/05.
c) Ngày Năm Thánh cho các linh mục tại quảng trường Thánh Phêrô trong thời gian từ 01/06 đến 03/06.
d) Ngày Năm Thánh cho các bệnh nhân và người khuyết tật tại quảng trường Thánh Phêrô trong thời gian từ 10/06 đến 12/06.
e) Ngày Năm Thánh cho những tình nguyện viên tại quảng trường Thánh Phêrô trong thời gian từ 02/09 đến 04/09.
f) Ngày Năm Thánh cho những giáo lý viên tại quảng trường Thánh Phêrô trong thời gian từ 23/09 đến 25/09.
g) Ngày Năm Thánh khẩn cầu cùng Đức Mẹ tại quảng trường Thánh Phêrô trong thời gian từ 08/10 đến 09/10.
h) Ngày Năm Thánh cho những tù nhân tại quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 06/11.
i) Nghi thức bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót vào ngày 13/11 tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô.
4. Trung Quốc mở chiến dịch lớn nhằm triệt hạ tôn giáo
Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của cộng sản Bắc Kinh, cho biết trong cuộc họp về tôn giáo cuối tuần qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng các quan chức chính phủ phải mạnh mẽ chống lại ảnh hưởng của tôn giáo “nước ngoài”.
“Chúng ta phải kiên quyết bảo vệ chống lại sự xâm nhập của nước ngoài thông qua các phương tiện tôn giáo và chặn đứng các tư tưởng cực đoan”. Chủ tịch Trung Quốc nói với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản trong hội nghị bàn về tình trạng người Hồi Giáo tại tỉnh Tân Cương và phong trào triệt hạ thánh giá tại tỉnh Chiết Giang. Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng các tổ chức tôn giáo phải được kiểm soát bởi đảng Cộng Sản.
Trung Quốc là một đất nước vô thần, bất kỳ ảnh hưởng tôn giáo nào cũng đều được mô tả như ý thức hệ ngoại lai, nhập cảng từ “nước ngoài”. Chính phủ Bắc Kinh đặc biệt nhấn mạnh rằng Giáo Hội Công Giáo phải chịu sự lãnh đạo của Hiệp hội Yêu nước do chính phủ hậu thuẫn.
Việc phát động một cuộc tấn công mới chống lại các tổ chức tôn giáo một phần là do những lo ngại về chủ nghĩa bạo lực Hồi giáo, nhưng phần lớn là do sự tăng trưởng nhanh chóng của Kitô giáo. Nếu các Giáo Hội Kitô được tiếp tục tăng trưởng ở mức hiện tại, Trung Quốc sẽ có dân số Kitô giáo lớn nhất thế giới trong vòng 35 năm tới.
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Giám Mục Hương Cảng, đã dẫn đầu một nhóm các Kitô hữu trong một loạt các cuộc biểu tình chống lại chiến dịch đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Ngài nói: “Chúng ta cần phải nói ra, cần phải hành động, để ngăn ngừa sự lây lan của làn sóng bách hại này”.
Các cuộc biểu tình kêu gọi sự chú ý của công chúng đến việc triệt hạ hàng ngàn thánh giá tại các nhà thờ ở đại lục trong hai năm qua, và việc bỏ tù các nhà lãnh đạo Kitô giáo.
5. Kỷ niệm 101 năm tội ác diệt chủng của Thổ Nhĩ Kỳ: Phiến quân Hồi Giáo Syria nã đạn đại pháo vào cộng đồng Armenia
Cư dân tại Aleppo tố cáo rằng các lực lượng Hồi giáo được sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chống lại chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad đã phát động một cuộc tấn công bằng pháo binh vào khu vực Armenia của thành phố Aleppo vào ngày 25 tháng 4. Thông tấn xã AsiaNews cho biết như trên.
Vụ bắn phá nghiêm trọng này là một sự vi phạm rõ ràng thỏa thuận ngừng bắn đang có hiệu lực tại Syria và được Liên Hiệp Quốc giám sát. Ít nhất 17 người đã bị thiệt mạng trong cuộc tấn công này.
Cư dân của quận Armenia tại Aleppo nói họ tin rằng cuộc tấn công đã cố tình được sắp đặt đề trùng vào thời gian lễ kỷ niệm 101 năm ngày bắt đầu cuộc diệt chủng người Armenia – là một lễ kỷ niệm được cử hành tại tất cả các nhà thờ trong khu vực.
6. Các cử hành trên thế giới nhân kỷ niệm 101 năm tội ác diệt chủng người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ
Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Armenia Tông Truyền và các nhà lãnh đạo Công Giáo trên thế giới đã cử hành các nghi thức cầu nguyện nhân kỷ niệm 101 năm tội ác diệt chủng người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Armenia, Catholicos Karekin II, là vị đứng đầu của Giáo Hội Armenia Tông Truyền, đã chủ sự buổi cầu nguyện tại Tsitsernakaberd, là đài tưởng niệm cuộc diệt chủng Armenia. Trong khi đó tại Rôma, Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương, chủ sự một buổi cầu nguyện tại nhà thờ Thánh Nicholas Tolentino.
Đức Hồng Y Seán O’Malley và hai giám mục Armenia Tông Truyền cử hành một buổi lễ tưởng niệm tại Nhà thờ Holy Cross ở Boston.
Đức Hồng Y O’Malley nói: “Chúng tôi muốn đưa ra sự công nhận những đau khổ cụ thể của rất nhiều người trong nạn diệt chủng người Armenia, những người là các nhân chứng đức tin và đồng thời cũng muốn nhấn mạnh đến sự đàn áp của các Kitô hữu vẫn còn xảy ra ngày hôm nay”.
Trong một tuyên bố nhân ngày Armenia Remembrance, Tổng thống Barack Obama nói rằng “chúng tôi tiếp tục chào đón sự thể hiện các quan điểm của những người đang tìm cách soi những ánh sáng mới vào bóng tối của quá khứ, từ các nhà sử học Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia đến Đức Thánh Cha Phanxicô.”
Cho đến nay Hoa Kỳ vẫn tìm cách quanh co không công nhận cuộc diệt chủng người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ.
7. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo yêu cầu Thủ tướng Ấn độ mời Đức Thánh Cha sang thăm nước này
Phái đoàn các Giám mục do Đức Hồng Y Baselios Cleemis, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn độ dẫn đầu đã đến gặp Thủ tướng Modi chiều ngày 26 tháng Tư tại văn phòng của Thủ tướng. Phái đoàn cũng có Đức Cha Tổng thư ký Theodore Mascarenhas và Đức Cha Joesph Chinnayyan, phó Tổng thư ký.
Các Giám mục đã yêu cầu Thủ tướng Modi mời Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Ấn độ vào một thời điểm thuận tiện cho cả chính quyền Ấn độ và cho Tòa Thánh. Các ngài cũng mời thủ tướng dẫn đầu đoàn chính phủ Ấn độ về Roma tham dự Thánh lễ phong thánh cho Mẹ Têrêsa vào ngày 4/9 tới đây.
Thủ tướng Modi đã bảo đảm là sẽ xem xét lời mời của các Giám mục về Roma dự lễ phong thánh cho Mẹ Têrêsa và sẽ thảo luận với các cộng sự viên cách thức tốt nhất cho một cuộc viếng thăm Ấn độ của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Phái đoàn các Giám mục đã cám ơn Thủ tướng về những hoạt động của chính phủ trong việc giải thoát cho cha Tom Uzhunnalil dòng Don Bosco, đã bị bắt cóc trong ở Yemen vào ngày 4/3 năm nay và hiện vẫn còn trong tay những kẻ bắt cóc. Các Giám mục cũng khen ngợi chính phủ Ấn độ về việc thăng tiến các điều kiện sống của hàng triệu nông dân trong những vùng hoang dã. Cuối cùng, các ngài đã khẳng định sự ủng hộ, cộng tác và tham dự mạnh mẽ vào các sáng kiến của chính phủ hiện hành để xây dựng một đất nước Ấn độ tốt đẹp hơn.
Đức Cha Mascarenhas, Tổng Giám mục Ranchi, cho hãng tin Asia News biết, đây là một cuộc gặp gỡ thân thiện. Thủ tướng đã nhắc lại các hoạt động của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh vực giáo dục ở Baroda, nơi ông đứng đầu chính phủ từ năm 2001-2004, và bảo đảm sự trợ giúp của ông để xây bệnh viện ở Ranchi. Đức Cha Mascarenhas cũng là người bảo lãnh chính cho việc xây dựng bệnh viện của tổng giáo phận Ranchi, nơi sẽ cung cấp dịch vụ chữa trị y tế cho các người nghèo và các bộ lạc.
8. Đức Hồng Y Peter Turson kêu gọi tái xét lại học thuyết xã hội về chiến tranh chính đáng
Trước đây 8 thế kỷ, Thánh Tôma Aquinô, người tiếp nối công trình của Thánh Augustinô và các luật gia thời trung cổ, đã khai triển chi tiết các tiêu chuẩn đến nay vẫn còn giá trị hay các điều kiện cho một cuộc chiến tranh chính đáng. Đó là: (a) chiến tranh phải được một thẩm quyền hợp pháp tuyên bố, chứ không phải bất cứ công dân hay nhóm riêng rẽ nào; (b) Nguyên cớ phải chính đáng; (c) Chiến tranh phải được tuyên bố với ý hướng ngay lành (“nghĩa là nhằm cổ vũ sự thiện, hay tránh sự ác); điều này loại bỏ bất cứ hành động chiến tranh nào nhằm trả thù, hận thù và bất kỳ lý do tương tực nào”. Điều kiện thứ ba này đòi hỏi cùng đích hay các mục tiêu của chiến tranh phải tốt về phương diện luân lý.
Đức Hồng Y Peter Turson, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã kêu gọi một cuộc thảo luận sâu rộng về học thuyết chiến tranh, và ngài cảm thấy rằng cần có một thông điệp Giáo Hoàng về chủ đề này vì câu hỏi gay go hiện nay đối với nhiều người là liệu Giáo Hội có nên từ bỏ học thuyết về chiến tranh chính đáng này không.
Đức Hồng Y nói ra những suy tư này của mình trong một hội nghị ở Vatican đồng tài trợ bởi Hội đồng Giáo hoàng về Công Lý và Hòa Bình và phong trào Pax Christi. Hội nghị đã kết thúc bằng một lời kêu gọi, có thể gây kinh ngạc cho nhiều người, là Giáo Hội nên từ bỏ học thuyết về chiến tranh chính đáng. Đức Hồng Y nói rằng Pax Christi đã thực hiện một hành động “rất hợp pháp” khi đưa ra thách đố đáng kinh ngạc với lập trường truyền thống này của Giáo Hội.
“Thông thường” học thuyết chiến tranh chính đáng “đã được sử dụng để xác nhận chứ không phải là để ngăn chặn hoặc hạn chế chiến tranh”, Đức Hồng Y nói; “Và nó có thể làm suy yếu những nỗ lực nhằm phát triển các khả năng và các khí cụ thay thế cho cuộc xung đột phải được vượt qua và biến đổi.”
9. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy thêm một nhà thờ cổ tại Mosul
Trong bản tin hôm thứ Ba 26 tháng Tư, 2016, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã phá hủy thêm một nhà thờ Công Giáo quan trọng ở Mosul, Iraq.
Hai ngày trước đó, tức là Chúa Nhật 24 tháng Tư, ngôi nhà thờ này đã bị san bằng bởi thuốc nổ, sau khi quân khủng bố Hồi Giáo IS sơ tán dân chúng ở khu vực xung quanh. Các nhân chứng báo cáo rằng nhà thờ đã bị cướp phá trước khi bị phá hủy.
Ngôi thánh đường này có tên là nhà thờ “Đức Nữ Có Tài Có Phép”, hay còn được gọi là “Nhà Thờ Đồng Hồ” vì trên tháp chuông của nhà thờ có một đồng hồ rất lớn.
Quả chuông lớn của “Nhà Thờ Đồng Hồ” có thể ngân vang khắp trung tâm của thành phố Mosul, đã được xây dựng vào năm 1873 như một món quà cho cộng đồng Kitô hữu tại Iraq từ Hoàng hậu Eugenie, vợ của Vua Napoleon III.
Thông tấn xã Fides lưu ý rằng có thể bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã coi ngôi nhà thờ này không chỉ là một biểu tượng của Kitô Giáo nhưng còn là một biểu tượng ảnh hưởng của người Pháp tại phần đất này.
10. Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cuba về hưu
Trong thông cáo đưa ra hôm thứ Ba 26 tháng Tư, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Jaime Lucas Ortega y Alamino, năm nay 79 tuổi, là Tổng Giám Mục San Cristobal de la Habana, và đã bổ nhiệm nhà lãnh đạo của giáo phận lớn thứ hai của Cuba thay thế cho ngài.
Đức Hồng Y Ortega y Alamino đã từng là Tổng Giám Mục San Cristobal de la Habana từ năm 1981 và đã được vinh thăng Hồng Y trong công nghị Hồng Y năm 1994. Ngài đã tổ chức thành công các chuyến tông du Cuba của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1998), Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 (2012), và Đức Giáo Hoàng Phanxicô (2015). Ngài cũng đã tham gia vào mật nghị Hồng Y bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđictô và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Vị kế nhiệm Đức Hồng Y là Đức Tổng Giám Mục Juan García Rodríguez của tổng giáo phận Camagüey. Sinh năm 1948, ngài được phong chức linh mục tại Tổng Giáo Phận Camagüey vào năm 1972. Ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá vào năm 1997 và tổng giám mục vào năm 2002.
Quốc gia vùng Caribbean này có 11.2 triệu dân trong đó 60% là Công Giáo. Cuba có 11 giáo phận, 283 giáo xứ, và 365 linh mục, cùng với 624 nữ tu và 78 chủng sinh.
11. Đức Thánh Cha có thể sẽ hợp thức hoá Huynh Đoàn Thánh Piô X
Tờ National Catholic Register cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang chuẩn bị để kết thúc sự chia rẽ giữa Vatican và Huynh Đoàn Thánh Piô X, trong khi nhóm ly khai này đã sẵn sàng chấp nhận một lời đề nghị của Đức Thánh Cha.
Trong một bản ghi nhớ nội bộ đã bị rò rỉ trên các phương tiện truyền thông, một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng trong Huynh Đoàn Thánh Piô X khuyên các thành viên trong huynh đoàn nên chấp nhận bất cứ lời đề nghị nào của Đức Giáo Hoàng trong đó ban cấp “một cấu trúc Giáo Hội thích hợp” cho nhóm. Bản ghi nhớ nhận định “Thời điểm để bình thường hóa tình trạng của Huynh Đoàn đã đến”.
Mặc dù Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông của các giám mục trong Huynh Đoàn Thánh Piô X, các giám mục và linh mục của nhóm này vẫn bị đình chỉ các thừa tác vụ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã thể hiện sự sẵn sàng để bãi bỏ những cấm đoán đó, ít nhất là một phần, bằng cách ban cấp năng quyền giải tội trong Năm Thánh cho các linh mục của huynh đoàn. Trong một cuộc họp gần đây với Giám mục Bernard Fellay, bề trên tổng quyền của huynh đoàn, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài hy vọng sẽ mở rộng việc cho phép này trước khi kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Bản ghi nhớ nội bộ này được viết bởi cha Franz Schmidberger, là bề trên tổng quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X từ 1982 đến 1994. Cha Franz Schmidberger nhận xét rằng Vatican đã dần dần giảm bớt các điều kiện mà Huynh Đoàn Thánh Piô X phải làm để có thể bình thường hóa tình trạng của mình. Bản ghi nhớ dự đoán rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể chấp nhận một sự hòa giải mà không đòi hỏi nhóm này phải ủng hộ tất cả các văn kiện của Công Đồng Vatican II. Cha Schmidberger viết rằng “có lẽ chỉ có Đức Giáo Hoàng Phanxicô là dám đi bước này, xét vì phong cách không thể tiên đoán được và đầy ngẫu hứng của ngài.”
Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng này, một quan chức tại Vatican cũng bày tỏ quan điểm cho rằng Huynh Đoàn Thánh Piô X sẽ được phép tiếp tục thách thức các văn bản nào đó của Công Đồng Vatican II, mà theo quan điểm duy truyền thống của họ, là mâu thuẫn với các giáo huấn trước đó của Giáo Hội. Đức Tổng Giám mục Guido Pozzo, thư ký của Ủy ban Ecclesia Dei, là cơ quan giám sát các mối quan hệ với Huynh Đoàn Thánh Piô X, nói với nhật báo La Croix của Pháp rằng việc giải thích các văn bản Vatican II vẫn còn trong vòng “thảo luận và làm rõ.”
Các quan sát viên cho rằng nếu Đức Giáo Hoàng tiến đến việc hợp thức hóa, ngài sẽ ban cấp một “quy chế tòng nhân” như đối với Opus Dei.
12. Đức Thánh Cha tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị quốc tế về y khoa tái sinh
Đức Thánh Cha cổ võ sự cảm thông đối với những người bị các bệnh họa hiếm, đồng thời chống lại nền kinh tế loại trừ và bất công.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 29-4-2016 dành cho 700 tham dự viên Hội nghị quốc tế về y khoa tái sinh (medicina rigenerativa) do Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa cùng với một số cơ quan khác tổ chức.
Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, trước tiên Đức Thánh Cha cổ võ sự nhạy cảm hóa, gây ý thức về tình trạng những người bị bệnh họa hiếm. Ngài nói: “Điều rất quan trọng là thăng tiến trong xã hội sự gia tăng mức độ cảm thông, để không một ai tỏ ra dửng dưng đối với các ơn gọi trợ giúp tha nhân, kể cả khi họ bị một thứ bệnh họa hiếm. Chúng ta biết rằng nhiều khi không thể tìm được những giải pháp mau lẹ cho các bệnh phức tạp, nhưng ta luôn có thể quan tâm đối với các bệnh nhân ấy, họ thường cảm thấy bị bỏ rơi và bị lơ là.”
Đức Thánh Cha cũng khuyến khích đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học và giáo dục. Trong lãnh vực này cần luôn để ý tới những khía cạnh luân lý đạo đức để y khoa có thể là dụng cụ bảo vệ sự sống và phẩm giá con người.
Sau cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi đảm bảo sao cho mọi bệnh nhân đều có thể được chữa trị. Về lãnh vực này, ngài nhấn mạnh rằng “Cần chống lại thứ kinh tế loại trừ và bất công” (EG 53), đang gieo rắc các nạn nhân khi cơ cấu tìm lợi lộc trổi vượt lên sự sống con người. Chính vì thế cần phải lấy việc hoàn cầu hóa sự dửng dưng bằng sự hoàn cầu hóa sự cảm thông. Vì thế chúng ta cần phổ biến vấn đề các bệnh họa hiếm trên bình diện hoàn cầu, đầu tư vào việc huấn luyện thích hợp, gia tăng tài nguyên cho việc nghiên cứu, cổ võ những luật lệ thích đáng, thay đổi các mô thức kinh tế, để dành ưu tiên cho nhân vị con người”
13. Cướp xông vào nhà thờ tại Mễ Tây Cơ trói cha xứ và cướp phá
“Cuộc tấn công bạo lực có vũ trang tại giáo xứ Señor de la Clemencia thuộc tỉnh Irapuato, là một sự sỉ nhục đau đớn cho cả cộng đồng”, Đức Giám Mục của Giáo phận Irapuato, là Đức Cha José de Jesús Martínez Zepeda, nói như trên trong điện văn gởi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.
Hôm thứ Ba, 26 tháng Tư, bốn tên cướp có vũ trang bước vào phòng thánh của nhà thờ, nơi có một linh mục và hai phụ nữ đang trò chuyện sau thánh lễ ban sáng. Một tên côn đồ đã còng tay vị linh mục và hai người phụ nữ trước khi bọn chúng cướp đi tư trang của họ và tất cả những đồ vật có thể bán được của giáo xứ.
Đức Cha Zepeda cho biết thêm:
“Tôi cảm thấy bị tổn thương khi biết rằng một trong những linh mục của chúng ta bị sỉ nhục như thế. Làm như vậy họ đã xúc phạm toàn thể cộng đồng. Rõ ràng là việc buôn bán vũ khí vẫn đang phát triển mạnh, bởi vì, như linh mục chánh xứ cho biết, tất cả họ đều có súng.”
Đức Cha Zepeda đang dự định khuyến cáo tất cả các giáo xứ đề cao cảnh giác hầu giảm thiểu các rủi ro và đảm bảo an toàn. Ngài lưu ý rằng “tội phạm có tổ chức đang ở khắp mọi nơi, trong nhà, các gia đình đang bị cướp, thậm chí ngay trên đường phố khi bạo lực đầy rẫy, bọn tội phạm không tôn trọng bất cứ ai, kể cả các linh mục.”
Các cộng đồng địa phương cảm thấy rất đau buồn bởi thực tế là Giáo Hội đang giúp rất nhiều gia đình có nhu cầu ở khu vực này, nhưng tiếc là tình trạng phạm pháp và nạn buôn bán vũ khí không ngừng gia tăng.
14. Tổng thống Italia kêu gọi bảo vệ các tín hữu Kitô tại Trung Đông
Trong khi khẳng định rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS “đang phủ một bóng đen đe dọa cái chết lên các thành phố Châu Âu của chúng ta”, Tổng thống Sergio Mattarella của Italia cũng đưa ra một lời kêu gọi “lòng dũng cảm để bảo vệ cộng đồng các tín hữu Kitô bị bách hại tại Trung Đông.”
Trong một điện văn đề ngày 26 tháng 4 gởi tới một hội nghị về các Kitô hữu bị bách hại, Tổng thống Mattarella nói rằng châu Âu có trách nhiệm phải hành động khi đối mặt với “sự diệt chủng” và “thanh lọc sắc tộc” thực sự. Ông kêu gọi một cố gắng đạo đức, chính trị, và ngoại giao mạnh mẽ nhằm giải quyết tai ương khủng bố hiện nay.
15. Các Giám Mục Peru nói án tử hình là không thể chấp nhận được
“Cuộc sống con người là một ân sủng từ Thiên Chúa, và do đó chúng ta có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ nó từ giây phút thụ thai đầu tiên cho đến cái chết tự nhiên”. Thông cáo của Hội đồng Thường trực các Giám Mục Peru, đưa ra hôm 26 tháng Tư, đã cho biết như trên.
Trong thông cáo này, các Giám Mục Peru khẳng định quan điểm của Giáo Hội Công Giáo đối với hình phạt tử hình, là một vấn đề được nêu ra trong các cuộc tranh luận bầu cử trong những ngày gần đây.
Trong bản tin gửi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, các giám mục nhấn mạnh rằng “Giáo Hội công nhận quyền và nghĩa vụ của các cơ quan công quyền để áp đặt các hình phạt tương xứng với mức độ nghiêm trọng của tội phạm, không loại trừ việc sử dụng án tử hình trong các trường hợp cực kỳ nghiêm trọng.”
Tuy nhiên, trường hợp trong đó “việc tử hình phạm nhân là tuyệt đối cần thiết là rất hiếm, nếu không muốn nói là không có trên thực tế”.
Các Giám mục kết luận bằng cách nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Hôm nay hình phạt tử hình là không thể chấp nhận … tất cả các Kitô hữu và mọi người thiện chí có trách nhiệm không chỉ là đấu tranh cho việc bãi bỏ hình phạt tử hình, mà còn phải cố gắng cải thiện điều kiện sống trong các nhà tù, trong sự tôn trọng phẩm giá con người của các tù nhân.”
16. Đức Hồng Y Prosper Grech nhận xét rằng Thánh Kinh nói với chúng ta rất nhiều trong cuộc khủng hoảng di dân tại Âu Châu ngày nay
Trong bài viết có tựa đề “Segno dei tempi”, nghĩa là “Dấu chỉ thời đại”, đăng trên tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 27 tháng Tư, 2016, một vị Hồng Y người Malta, cũng là một học giả Thánh Kinh, nhận xét rằng Thánh Kinh nói với chúng ta rất nhiều trong cuộc khủng hoảng người di dân hiện nay tại Âu Châu.
Đức Hồng Y Prosper Grech, năm nay 90 tuổi, đã đề cập đến “cuộc xâm lược của những người man rợ” được đề cập trong Sách Tiên Tri Giêrêmia khi nói về cuộc xâm lược của người Babylon. Ngài lưu ý đặc biệt đến những lời kêu gọi hoán cải của Tiên Tri Giêrêmia trước cuộc xâm lược này.
Tuy nhiên, ngày nay, những người di cư chủ yếu là người Hồi giáo đang chứng kiến một châu Âu với một sinh suất rất thấp, bị tục hóa sâu nặng đến độ thậm chí chống lại Kitô giáo. Tình hình này “thách thức chúng ta tận dụng tất cả các nguồn lực được thừa hưởng từ truyền thống nhân văn và Kitô của chúng ta.”
Chúng ta cần phải đọc những đoạn Kinh Thánh có liên quan “một cách đương đại”, bao gồm những lời cầu xin hoán cải của Tiên Tri Giêrêmia khi dân Israel phải đối mặt với các cuộc xâm lược của người Babylon, và cả danh sách các tệ nạn ngoại giáo được Thánh Phaolô nêu ra trong chương đầu tiên của Thư gửi dân thành Rôma.
Đức Hồng Y ngậm ngùi nhận xét cay đắng rằng những tệ nạn đó, hiện nay, đang được xiển dương như “bước đột phá về văn hóa.”
“Thay vì tôn thờ Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hoá… Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân mình hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình…Họ thừa biết phán quyết của Thiên Chúa là: hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy.” (Rm 1: 25-32)
17. Đức Thánh Cha trả lời thư các tù nhân Italia
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một lá thư cho các tù nhân bị giam giữ tại một nhà tù ở thành phố Velletri, rất gần Rôma. Tù nhân tại cơ sở này đã viết thư cho Đức Thánh Cha vào đầu năm nay, và giao phó lá thư của họ cho Đức Cha Marcello Semeraro, Giám mục Albano, trong một chuyến viếng thăm mục vụ của ngài tại cơ sở này.
Trong thư, Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn những người bị giam giữ về những suy nghĩ tốt đẹp của họ dành cho ngài, và bảo đảm với họ và những người khác đang trong những tình cảnh tương tự, là ngài luôn nghĩ đến và cầu nguyện cho họ. Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng trong các chuyến tông du của mình, ngài luôn cố gắng để thực hiện một chuyến viếng thăm các nhà tù địa phương.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng Năm Thánh Lòng Thương Xót, cũng là một năm toàn xá cho các tù nhân, và ngài bảo đảm với họ trong Ngày Năm Thánh dành cho những người bị giam giữ diễn ra vào ngày 06 tháng 11, ngài sẽ “hiệp thông” với tất cả các tù nhân trong “tinh thần và lời cầu nguyện cho nhau.”
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ sự thông cảm của ngài khi nhận xét rằng các tù nhân “đang sống một kinh nghiệm trong đó thời gian dường như không dừng lại và cũng chẳng bao giờ hết.” Nhưng, Đức Thánh Cha nói thêm, đúng hơn “thước đo thực sự của thời gian được gọi là hy vọng.” Ngài bày tỏ mong muốn rằng tất cả những ai bị giam giữ có thể “luôn luôn giữ cho ánh sáng niềm hy vọng của đức tin không lụi tàn” trong cuộc sống của họ.
“Hãy luôn luôn thâm tín rằng Thiên Chúa yêu thương bạn cách cá vị,” Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh như trên trong thư cho các tù nhân. Ngài khích lệ họ đừng bao giờ để cho bản thân mình bị chôn kín trong quá khứ của mình, nhưng hãy chuyển đổi quá khứ “thành một cuộc hành trình của sự tăng trưởng trong đức tin và đức ái.” Ngài kêu gọi họ hãy “cho Thiên Chúa một cơ hội” làm cho họ tỏa sáng “thông qua kinh nghiệm của họ”, trong khi nhắc nhớ rằng trong suốt lịch sử nhiều vị thánh “đã đạt được sự thánh thiện trong những tình huống khắc nghiệt và khó khăn”. Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Với Chúa Kitô, tất cả đều là có thể.”
Nguồn: Vietcatholic News