Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 28/02/2018: Hai phép lạ của vị Giáo Hoàng vui tính gây xôn xao dư luận Italia

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 28/02/2018: Hai phép lạ của vị Giáo Hoàng vui tính gây xôn xao dư luận Italia

1. Những phép lạ có thể dọn đường cho án phong Chân Phước của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I

Tờ La Tribuna di Treviso trong số ra ngày thứ Hai 19 tháng Hai đã tường thuật rằng một cô gái 15 tuổi tại thành phố Parè, Italia đã được khỏi bệnh bạch cầu nhờ lời cầu bầu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I. 

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I tên khai sinh là Albino Luciani sinh ngày 17 tháng 10 năm 1912 và qua đời ngày 28 tháng 9 năm 1978. Triều đại Giáo Hoàng của ngài bắt đầu từ ngày 26 tháng 8 năm 1978 và chỉ kéo dài 33 ngày vì cái chết đột ngột của ngài. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên ra đời vào thế kỷ thứ 20. Triều đại Giáo Hoàng của ngài là một trong những triều đại ngắn nhất trong lịch sử các vị Giáo Hoàng, dẫn đến việc trong năm 1978, Giáo Hội có đến ba vị Giáo Hoàng. Lần đầu tiên xảy ra trường hợp như thế là vào năm 1605. 

Ngài được người kế nhiệm của mình là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong lên bậc Tôi Tớ Chúa vào ngày 23 tháng 11 năm 2003. Đó là bước đầu tiên trên con đường dẫn tới việc tuyên thánh. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên phong ngài lên hàng các bậc Đáng Kính vào ngày 8 tháng 11 năm ngoái 2017.

Ngày 11 tháng Hai vừa qua, Đức Cha Corrado Pizziolo, Giám Mục giáo phận Vittorio Veneto tuyên bố rằng ngài tin rằng cô gái đã được chữa khỏi nhờ lời cầu bầu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I trong buổi lễ ban phép Thêm Sức cho cô và một số bạn khác. 

Câu chuyện của cô đã là đầu đề của báo chí tại Italia hồi tháng 10 năm ngoái khi cô viết thư cho Đức Giáo Hoàng xin ngài cầu nguyện cho cô. Đức Ông Fausto Scapin, nguyên là linh mục chánh xứ giáo xứ Parè của cô và cha Michele Maiolo là linh mục chánh xứ hiện nay đã lên đường đến Rôma và trao thư này tận tay Đức Giáo Hoàng. Ngài đã hứa cầu nguyện cho cô gái.

Hai vị linh mục sau đó đã đến thăm và quỳ cầu nguyện cho cô gái và hai trường hợp nữa tại ngôi mộ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, người trước đây đã từng làm Giám Mục của Đức Ông Fausto Scapin trong thập niên 60 khi vị Giáo Hoàng còn là Giám Mục giáo phận Vittorio Veneto trong thời gian từ năm 1958 đến năm 1969. Đức Gioan Phaolô I thậm chí còn là “cha bố” của Đức Ông Fausto.

Bên cạnh trường hợp của cô gái trên, ông Floriano Zambon, nguyên thị trưởng của thành phố Parè cũng xác nhận với các phương tiện truyền thông Italia rằng ông đã được chữa khỏi sau khi cầu nguyện nhiệt thành với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I. Ông đã bị các bác sĩ chê và tiên đoán ông không còn sống được bao lâu nữa.

Án phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô I xem ra rất thuận lợi. Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói với các linh mục giáo phận Rôma như sau “Tôi đã cầu nguyện với ngài như là với một vị thánh.”

2. Công bố sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 33

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 33, được tổ chức ở cấp giáo phận vào Chúa Nhật Lễ Lá, 25 tháng 3, tập trung vào việc giúp những người trẻ vượt qua nỗi sợ hãi và nhận ra ơn gọi chân thực của họ.

Trong sứ điệp do Tòa Thánh công bố hôm Thứ Năm 22 tháng Hai, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng lễ kỷ niệm sắp tới đánh dấu một bước chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ diễn ra tại Panama vào tháng Giêng năm 2019. Đại Hội Giới Trẻ cấp giáo phận này cũng diễn ra trước Thượng Hội Đồng Giám Mục về chủ đề thanh niên được dự trù vào tháng Mười năm nay, để làm nổi bật tầm quan trọng của những người trẻ trong cuộc sống của toàn thể Giáo Hội.

Trình bày suy tư của ngài đối với những lời của Thiên Thần Gabriel, “Đừng sợ!”, khi truyền tin cho Đức Maria như được thuật lại trong Tin Mừng của Thánh Luca, Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu những người trẻ hãy nêu đích danh những nỗi sợ hãi của họ. Hôm nay, ngài nói, có rất nhiều thanh thiếu niên liên tục “photoshop” những hình ảnh của họ hoặc ẩn giấu đàng sau những bản sắc giả tạo, nhằm cố gắng thích nghi với các tiêu chuẩn nhân tạo và không thể đạt được. Sự bấp bênh của thị trường việc làm, một cảm giác không phù hợp với thế giới chung quanh và sự thiếu vắng việc bảo vệ tình cảm của mình là những nỗi sợ hãi khác đang làm tổn thương những người trẻ.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Trong khoảnh khắc khi những nghi ngờ và nỗi sợ hãi tràn ngập trái tim chúng ta, sự phân định là điều quan trọng để chúng ta không lãng phí năng lượng bị thu hút bởi những bóng ma trống rỗng và vô hình. Kinh Thánh không bỏ qua kinh nghiệm của con người về sự sợ hãi. Đức Thánh Cha lưu ý rằng Ápraham, Giacóp, Môise, Thánh Phêrô, các Tông Đồ khác và cả chính Chúa Giêsu đã từng trải qua những nỗi sợ hãi và đau đớn. 

Đức Thánh Cha nhận xét rằng cụm từ “Đừng sợ” được lặp lại đến 365 lần trong Kinh Thánh, “như thể nói với chúng ta rằng Chúa muốn chúng ta thoát khỏi sợ hãi, mỗi ngày trong năm”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng sự phân định không chỉ là một nỗ lực cá nhân mà thôi, nhưng cũng có nghĩa là mở lòng mình lên cùng Thiên Chúa với những người khác là những người có thể hướng dẫn chúng ta qua các kinh nghiệm của họ. Ngài khẳng định những Kitô hữu chân chính không sợ mở lòng mình ra với người khác và ngài thúc giục người trẻ đừng đóng mình trong những căn phòng tăm tối, trong đó cửa sổ duy nhất nhìn ra thế giới bên ngoài là máy tính và điện thoại thông minh.

Cũng giống như sứ thần đã gọi đích danh Mẹ Maria, Chúa cũng quan tâm và gọi đích danh mỗi người trong chúng ta. Điều này chứng tỏ phẩm giá cao trọng của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Cũng như Mẹ Maria không sợ hãi vì Mẹ đã được ơn phúc nơi Thiên Chúa, chúng ta cũng đừng sợ vì cả chúng ta cũng được ơn thánh của Thiên Chúa nâng đỡ. Sự hiện diện liên tục của ơn Thánh Chúa khích lệ chúng ta tín thác, đón nhận ơn gọi Chúa dành cho chúng ta, ơn gọi đòi chúng ta phải dấn thân trung thành và canh tân lòng trung thành ấy mọi ngày.

Đức Thánh Cha kết luận rằng “khi Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Panama đến gần hơn, tôi mời các bạn chuẩn bị cho mình với niềm vui và sự nhiệt tình. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là Đại Hội của những người can đảm! Bạn có dám chấp nhận thử thách này không?”

3. Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trước cái chết của Mục Sư Billy Graham

Mục sư William Franklin Graham sinh ngày 7 Tháng Mười Một, 1918 đã qua đời vào ngày 21 Tháng Hai, 2018, thọ 99 tuổi. Ông là một nhà truyền giảng Tin Mừng người Hoa Kỳ nổi tiếng trên thế giới từ năm 1949. Ông được xem là một trong những nhà thuyết giáo có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20. Ông đã tổ chức các cuộc thuyết giảng khổng lồ trong nhà và ngoài trời với các bài giảng được phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình, một số vẫn đang được phát sóng lại trong thế kỷ thứ 21 này.

Tất cả các tổng thống Hoa Kỳ vẫn còn sống cho đến nay đều gởi những lời chia buồn trước cái chết của ông đến Giáo Hội Southern Baptist.

Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Tổng Giám Mục Galveston-Houston và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã ra tuyên bố sau đây khi nhận được tin về cái chết của Mục Sư Billy Graham:

“Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho linh hồn của Mục Sư Billy Graham với Chúa, là Đấng mà ông rất yêu quý; và bày tỏ lời chia buồn với gia đình của Mục Sư Billy Graham là một nhà truyền giảng Lời Chúa không chỉ qua các bài giảng của mình mà còn bằng chính đời sống đức tin và sự liêm chính của ông khiến cho cơ man những ngàn người trên thế giới bước vào mối quan hệ gần gũi hơn với Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì sứ vụ của Mục Sư Billy Graham.”

4. Những vị nào sẽ được tấn phong Hồng Y trong công nghị sắp tới? Việt Nam không còn Hồng Y cử tri vào tháng Tư tới. 

Theo thông lệ trong quá khứ, năm nào Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tổ chức một công nghị tấn phong (22/2/2014, 14/2/2015, 19/11/2016, 28/6/2017). 

Ngày 6 tháng Ba tới đây, Đức Hồng Y Paolo Romeo, Tổng giám mục hiệu tòa của Palermo, Sicily, đã 80 tuổi, nghĩa là ngài không còn là một “Hồng Y cử tri” nữa, không thể tham gia bỏ phiếu bầu một vị tân giáo hoàng. 

Cho đến tháng Sáu tới đây nhiều vị Hồng Y khác cũng lần lượt quá tuổi bầu Giáo Hoàng. Đó là Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, Ý (ngày 6/2), Đức Hồng Y Keith O’Brien của Scotland (ngày 17/3), Đức Hồng Y Manuel Monteiro de Castro, Bồ Đào Nha (ngày 29/3), Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Việt Nam (ngày 1/4), Đức Hồng Y Angelo Amato, Ý (ngày 8/6).

Như thế, một cách hợp lý, người ta có thể trông đợi Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập một công nghị tấn phong Hồng Y cho ít nhất là 6 vị vào ngày 29 tháng Sáu, lễ Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ.

Cũng có khả năng là ngài sẽ tổ chức một công nghị tấn phong Hồng Y vào tháng Mười khi một số Hồng Y trên thế giới tập trung về Rôma để tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về thanh thiếu niên.

Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô bỏ không tổ chức công nghị tấn phong Hồng Y trong năm 2018, thì lần lượt sẽ có thêm 9 Hồng Y nữa sẽ quá tuổi bầu Giáo Hoàng là các Đức Hồng Y Orlando Beltran Quevedo, Phi Luật Tân; Edwin O’Brien, Hoa Kỳ; Stanislaw DZiwisz, Ba Lan; Gioan Thang Hán, Hương Cảng; Sean Baptist Brady, Ái Nhĩ Lan; Laurent Monsengwo Pasiyna, Cộng hòa Dân chủ Congo; Zenon Grocholewski, Ba Lan; Edoardo Manichelli, Ý; và Telephore Placidus Toppo, Ấn Độ.

Trong Hồng Y đoàn hiện nay, 49 vị Hồng Y (41%) được Đức Phanxicô tấn phong; 52 vị (43%) được Đức Bênêđictô XVI tấn phong; và 19 vị (16%) được Đức Gioan Phaolô II nâng lê hàng Hồng Y.

Việc đoán xem những vị nào có khả năng được tấn phong Hồng Y đã trở nên phức tạp hơn nhiều so với trong quá khứ, khi người ta chỉ đơn giản là lập một danh sách các vị trí chính trong giáo triều Rôma và các tổng giáo phận có tòa Hồng Y trên khắp thế giới nhưng hiện đang được cai quản bởi những vị không phải là Hồng Y.

Với Đức Phanxicô, điều đó không dễ dàng chút nào, bởi vì ngài có khuynh hướng gây ngạc nhiên – bỏ qua các trung tâm quyền lực Giáo hội và vươn tới các vùng “ngoại vi.” Cho đến nay, ngài đã tấn phong Hồng Y cho 15 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y như Myanmar, Cộng hòa Trung Phi, Bangladesh và Tonga.

Tuy nhiên, cũng có một vài vị xem ra có nhiều triển vọng. Người được xem là ứng cử viên sáng giá nhất là Đức Tổng Giám Mục Luis Ladaria của Tây Ban Nha được bổ nhiệm Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin vào năm 2017. Ngài cũng là một tu sĩ dòng Tên, như Đức Giáo Hoàng.

Người thứ hai là Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào cuối năm 2017. Paris là một trong những giáo phận lớn trên thế giới và vị Tổng Giám Mục thủ đô nước Pháp có vai trò lãnh đạo trong toàn thể Giáo hội nói tiếng Pháp.

Người thứ ba là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine. Việc bổ nhiệm này có vẻ gần như hiển nhiên, vì Đức Hồng Y Lubomyr Husar, người giữ chức vụ này, đã qua đời vào năm 2017. Hơn nữa, việc lựa chọn Đức Tổng Giám Mục Shevchuck xem ra có thể giúp xoa dịu những chỉ trích về thái độ của Vatican đối với quốc gia này. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Kirill của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đến nay vẫn còn là một nghi ngại đối với người Ukraine là quốc gia đang bị Nga xâm lược.

5. Đức Hồng Y Müller bác bỏ ý tưởng về “sự thay đổi chuẩn mực” trong tín lý Công Giáo

Đức Hồng Y Gerhard Müller đã mạnh mẽ bác bỏ quan niệm về một “sự thay đổi chuẩn mực” trong giáo huấn của Giáo Hội trong một luận văn được đăng trên tờ First Things.

Trong một sự bất đồng ý kiến công khai rất bất thường giữa các Hồng Y, nổi lên trong các ngày qua, Đức Hồng Y Müller, nguyên Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã chỉ trích việc sử dụng thuật ngữ ‘paradigm shift’ – ‘sự thay đổi chuẩn mực’ – được sử dụng bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, khi đề cập đến Tông Huấn Amoris Laetitia. 

Đức Hồng Y Müller nói rằng thuật ngữ này “dường như là một sự hoành hành trở lại của lối diễn giải đức tin Công Giáo theo chủ nghĩa hiện đại và chủ quan.”

Trong luận văn có tựa đề “Development, or Corruption?” (Tiến bộ, hay Băng hoại), Đức Hồng Y người Đức đã trình bày các suy tư của ngài theo những lời dạy của Đức Hồng Y Newman về sự phát triển tín lý Công Giáo. 

Ngài giải thích rằng sự phát triển hữu cơ của giáo huấn Giáo Hội bác bỏ bất cứ sự thay đổi nào có tính chất một sớm một chiều phủ nhận những điều đã được Giáo Hội tin tưởng và dạy bảo. Một “sự thay đổi chuẩn mực” trong giáo huấn của Giáo Hội cho thấy một sự phân ly khỏi sự trung thành với các nguồn mạch giáo huấn tông truyền, như đã từng xảy ra trong cuộc Cải cách Tin Lành. Vì thế, ngài chống lại những người giải thích Tông Huấn Amoris Laetitia để “đưa ra các quan điểm nghịch lại với giáo huấn liên tục của Giáo Hội Công Giáo, nhằm chung cuộc bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội rằng ngoại tình, khách quan mà nói, luôn luôn là một tội lỗi nghiêm trọng.”

Đức Hồng Y Müller giải thích sự quyết liệt bảo vệ tính liên tục của giáo huấn của Giáo Hội như sau:

“Khi ‘thay đổi mục vụ’ trở thành một thuật ngữ được người ta dùng như một chiêu bài nhằm gạt sang một bên các giáo huấn của Giáo hội như thể giáo lý là một trở ngại cho việc chăm sóc mục vụ, thì nói lên sự chống đối là một bổn phận của lương tâm.”

6. Các nhà lãnh đạo các tôn giáo ở Nga lên án vụ thảm sát tại nhà thờ Thánh George ở Kizlyar

Hội đồng liên tôn ở Nga bao gồm các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo, Công Giáo và các hệ phái Kitô khác; cũng như các đại diện của Hồi Giáo đã đưa ra một tuyên bố về cuộc tấn công được thực hiện vào ngày 18 tháng 2 năm 2018, nhắm vào các tín hữu Chính Thống Giáo vừa ra khỏi nhà thờ Thánh George ở Kizlyar. Ít nhất năm phụ nữ đã thiệt mạng và một số người đã bị thương.

Toàn văn tuyên bố của các vị như sau:

“Chúng tôi, những người đứng đầu và các đại diện của các tôn giáo truyền thống ở Nga, đau đớn trước những tin tức liên quan đến một cuộc tấn công chống lại các tín hữu Chính thống giáo tại thị trấn Kizlyar khiến năm người bị thiệt mạng. Hung thủ đã cố tình bắn vào những tín hữu Chính thống giáo vào thời điểm khi họ vừa ra khỏi nhà thờ sau một nghi lễ thiêng liêng.

Hung thủ đã tiến hành cuộc tấn công vào ngày Chúa Nhật Tha Thứ – ngày mà các Kitô hữu Chính Thống theo truyền thống tìm cách hòa giải với tất cả mọi người trước khi bắt đầu Mùa Chay Thánh. Nó biểu lộ một hệ tư tưởng bất bao dung của chủ nghĩa cực đoan, biểu lộ khuôn mặt thật của những kẻ hầu hạ Satan nhưng che dấu mặt thật của mình bằng cách nại đến danh Thiên Chúa. Mục đích của tên khủng bố và những kẻ chỉ đạo cho hắn là gây kinh hoàng, khuấy động bất đồng giữa các tôn giáo, phá hủy truyền thống sống chung hòa bình đã có từ lâu giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo ở Nga. Các nhà lãnh đạo tôn giáo của Nga, do đó, kêu gọi chính phủ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn điều này.

Trong những ngày đau buồn này, chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy tránh các hành động khiêu khích. Hành động khủng bố ở Kizlyar khiến chúng tôi âu lo về những nguy cơ lan rộng chủ nghĩa cực đoan và bất khoan dung, đặc biệt là trong giới trẻ. Về điểm này, chúng tôi kêu gọi chính phủ Nga và các tổ chức tôn giáo và nhà nước chú ý đến việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ, để bảo vệ họ chống lại những mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan.

Một lần nữa, chúng ta thấy rõ ràng ngày nay trẻ em và thanh thiếu niên cần được tiếp nhận những quan niệm đúng đắn về tôn giáo, học cách phân biệt giữa các truyền thống tôn giáo lâu đời với các giáo phái giả danh tôn giáo và các hệ phái cực đoan.

Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo và nhân viên các dịch vụ đặc biệt cần làm tất cả những gì có thể để phát hiện và vô hiệu hoá những người đã tham gia vào tổ chức khủng bố và những ai đang đắm chìm trong các ý thức hệ sai lầm trước khi họ phạm tội.

Chúng tôi kêu gọi toàn thể xã hội của chúng ta sống trong hòa bình, hòa hợp và đoàn kết. Hãy để nỗi đau chung đã xảy ra cho chúng ta làm cho chúng ta tập trung vào ý chí này thậm chí còn mạnh mẽ hơn trước.”

7. Hội Đồng Giám Mục Đức thảo luận về bản dịch Kinh Lạy Cha

Trong số các bản dịch Kinh Lạy Cha, bản dịch tiếng Việt “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” là một trong những bản dịch trung thành một cách xuất sắc với bản gốc. Bản dịch tiếng Đức “führe uns nicht in Versuchung, sondern erlöse uns von dem Bösen” có thể gây hiểu lầm là Chúa “dẫn đưa” chúng ta vào chước cám dỗ để thử thách chúng ta.

“Bất kể các vấn đề về dịch thuật, các cơn cám dỗ tồn tại và chúng ta trải nghiệm điều này trong cuộc sống của chúng ta và chính Chúa Giêsu cũng đã từng trải qua.” 

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Cologne đã nói như trên khi ngài cử hành Thánh Lễ tại Ingolstadt sáng 20 tháng Hai cùng với 60 Giám Mục anh em của ngài trong Hội đồng Giám mục Đức, khi các vị tụ tập để tham dự phiên họp khoáng đại bắt đầu từ ngày 19 tháng Hai.

Trong vài tuần gần đây, một cuộc tranh luận sôi nổi tại Đức đã xảy ra giữa các nhà thần học, các giám mục, và cả các tờ báo như Bild và Frankfurter Allgemeine, về việc liệu bản dịch Kinh Lạy Cha đang lưu hành tại Đức có thể truyền tải một hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa hay không.

Bất kể kết quả của phiên họp khoáng đại này ra sao, Đức Hồng Y Woelki kêu gọi mọi người hãy “biết ơn lời cầu trong Kinh Lạy Cha, nhờ đó chúng ta có thể cầu xin Thiên Chúa, trước những cơn cám dỗ, xin Ngài cho chúng ta đừng sa ngã như Ngài đã thực hiện với Chúa Giêsu, và xin Ngài có thể cho chúng ta sức mạnh để đứng lên”. 

Sự cám dỗ có thể bị đánh bại “nếu chúng ta biết hoán cải”. Ngài cảnh cáo rằng nếu như Chúa không ở trung tâm cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ trượt dài vào tính ích kỷ của mình, cả một Giáo Hội cũng có thể rơi vào tình trạng đó.

Sau khi trích dẫn nhà thần học Pháp Henri de Lubac, Đức Hồng Y Woelki kêu gọi các Kitô hữu “đừng bị quyến rũ bởi lòng khao khát quyền lực, bởi những cuộc đấu tranh giành quyền lực; và đừng bị cám dỗ bởi ý muốn được tỏa sáng trong thế giới này”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng trong những ngày Mùa Chay này, chúng ta hãy “quay về với Thiên Chúa để neo cuộc sống cá nhân và Giáo Hội của chúng ta nơi Ngài và chỉ một mình Ngài mà thôi”.

8. Một Imam Hồi Giáo lên tiếng kêu gọi đốt hết các sách Hồi Giáo chứa đựng các tư tưởng cực đoan

Nạn nô lệ tình dục do Nhà nước Hồi giáo thực hiện được khuyến khích trong vô số các sách Hồi Giáo tại các cơ sở của Hồi giáo và chúng phải bị đốt đi. Một imam hàng đầu ở Pháp đã nói như trên.

Tiến sĩ Hocine Drouiche, phó chủ tịch của Hội nghị Imam toàn nước Pháp và là một imam ở thành phố Nimes, nói rằng hệ tư tưởng đằng sau thị trường nô lệ tình dục được thành lập ở Mosul, Iraq, trong thời gian quân khủng bố Hồi Giáo IS chiếm đóng thành phố này có thể được tìm thấy trong vô số các sách được xuất bản hoặc lưu trữ bởi Hồi giáo trong các trường đại học. Những tài liệu này biện minh cho việc hãm hiếp phụ nữ và trẻ em gái đơn giản chỉ “vì họ không phải là người Hồi giáo”.

Trong ba bài báo đầu tiên được xuất bản bởi AsiaNews, là thông tấn xã của Liên Hiệp Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, ông nói thêm: “Những quyển sách này là một phần của chương trình chính thức trong các trường đại học và các trung tâm đào tạo imam tại hầu hết các quốc gia Hồi giáo, mặc dù tất cả các nước này đều đã ký kết Hiệp Ước Geneva về các xung đột và các công ước của Liên Hiệp Quốc liên quan đến các tình huống xung đột.”

Imam Hocine Drouiche, là người Algeri, cũng là một học giả về đối thoại liên tôn, cho biết thêm rằng hiếm có ai trong thế giới Hồi Giáo dám đưa ra những lời chỉ trích về nạn nô lệ tình dục những cô gái không phải là người Hồi giáo từ mười tuổi trở lên – đã được quân khủng bố Hồi Giáo IS thực hiện ngay giữa thế kỷ 21. Những lời chỉ trích tệ nạn này vấp phải ngay các chống đối và trừng phạt, thậm chí là có nguy cơ mất mạng vì những lời dạy như vậy được coi là “thánh thiêng” đến nỗi ai dám đặt vấn đề đối với những giáo huấn này “sẽ ngay lập tức bị cô lập trong thế giới Hồi giáo và thậm chí bị trả thù”.

“Tại sao những tội ác dã man chống lại con người lại có thể biện minh một cách đơn giản là vì những nạn nhân không phải là người Hồi giáo?”, Ông nêu câu hỏi, và kêu gọi các luật gia Hồi giáo phải xem xét lại bối cảnh những điều này được viết ra, và hoàn cảnh của thế giới ngày nay.

Tiến sĩ Drouiche cũng kêu gọi người Hồi giáo hãy “can đảm” đoạn tuyệt khỏi các tư tưởng quá khích và tàn bạo của Hồi giáo. Ông thẳng thừng chỉ ra rằng chính Đại học Al-Azhar ở Cairo, trung tâm học thuật lớn nhất của người Hồi Giáo Sunni, vẫn tiếp tục tung ra các tư tưởng quá khích trong khi một mặt vẫn “đối thoại” với các tôn giáo khác với một khuôn mặt “yêu chuộng hòa bình và khoan dung tôn giáo”.

Tiến sĩ Drouiche đã phải đối mặt với những lời chỉ trích từ một số người Hồi giáo ở Pháp khi ông khẳng định rằng tư tưởng Hồi giáo trái ngược với “chủ nghĩa nhân bản, cởi mở và khoan dung”.

Ông lập luận rằng sự im lặng của đa số người Hồi giáo – ở các nước Hồi giáo và cả ở phương Tây – liên quan đến “nạn diệt chủng” các tín hữu Kitô và người Yazidi, “ngăn cản việc bình thường hoá quan hệ giữa người Hồi giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số cũng như các dân tộc ít người trong những nước có đa số dân theo Hồi Giáo” và cảnh cáo rằng “cho đến khi nào tình hình này chưa thay đổi, các Kitô hữu Trung Đông, những người Yazidis và các dân tộc thiểu số khác sẽ tiếp tục phải sống trong sợ hãi khủng bố và chế độ nô lệ”.

9. Cơn cuồng nộ của người Hồi Giáo sau khi một thiếu niên Công Giáo bị cáo buộc báng bổ đạo Hồi trên Facebook

Patras Masih, một tín hữu Công Giáo 17 tuổi, đã là nạn nhân tiếp theo của Luật Chống Báng Bổ Hồi Giáo rất tàn bạo của Pakistan. Trong bản tin đánh đi hôm 20 tháng Hai, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết một ngày trước đó Patras Masih đã bị giam giữ tại đồn cảnh sát Shahdara, thuộc một vùng ngoại ô ở phía bắc Lahore.

Patras Masih bị cáo buộc về tội báng bổ Hồi Giáo trên các phương tiện truyền thông xã hội. Anh là một cư dân Shahdara và là một nhân viên ngân hàng địa phương. Anh có một trang trên mạng xã hội Facebook và bị người ta cáo buộc đã đăng tải những nội dung báng bổ, làm tổn thương đến tình cảm tôn giáo của người Hồi giáo. Patras Masih tự bảo vệ mình bằng cách nói rằng một vài ngày trước đó anh làm mất điện thoại di động của mình và một người nào đó, chứ không phải là anh, đã tung những nội dung báng bổ đó lên Facebook.

Khi vụ việc nổ ra, khoảng ba ngàn người Hồi Giáo cuồng nộ và các dân quân Hồi Giáo vũ trang gậy gộc và mã tấu đã chặn các con đường, đòi hỏi nhà chính quyền bắt giữ và treo cổ bị cáo.

Theo nguồn tin của tổng giáo phận Lahore, Patras Masih may mắn tẩu thoát được trước khi những người Hồi Giáo cuồng nộ xông vào nhà anh để lôi anh ra đánh chết.

Những người biểu tình sau đó di chuyển đến trung tâm của khu phố, nơi họ tổ chức một cuộc biểu tình ngồi trong vài giờ để phản đối, dưới sự lãnh đạo của nhóm “Tehreek-e-Labaik Pakistan”. Nhóm này dọa đốt các nhà cửa và hàng quán của các Kitô hữu trong khu vực; và chặn tất cả các con đường thoát ra khỏi thành phố.

Biết không thể trốn thoát được, anh ra đầu thú với cảnh sát. 

Sardar Mushtaq Gill, một luật sư người Kitô giáo và là người bảo vệ nhân quyền quen thuộc với thông tấn xã Fides nói: “Việc tố cáo báng bổ Hồi Giáo luôn là một vấn đề rất nhạy cảm ở Pakistan và bị cáo dễ dàng trở thành mục tiêu cho những kẻ cực đoan, những người kích động đám đông, đặc biệt nếu các bị cáo không phải là người Hồi giáo, một đám đông giận dữ có thể đánh chết bất cứ ai bị cáo buộc trước khi những trách nhiệm của họ được xác định rõ ràng.”

Tình hình của anh Patras Masih rất nguy hiểm. Nhiều người bị cáo buộc báng bổ Hồi Giáo chỉ bằng những lời nói gió thoảng mây bay, không bằng không cớ, vẫn bị những án tù dài hạn, bị đánh chết trong tù hay bị chính thức tuyên án tử hình. Số mạng của anh Patras Masih, do đó, giống như chỉ mành treo chuông. 

10. Lòng Thương Xót Chúa là chủ đề trong cuốn phim mới “Paul, Apostle of Christ” 

Mỗi câu chuyện đều có một thông điệp bên trong. Tất cả các bộ phim cũng vậy, đặc biệt là những bộ phim dựa trên Kinh Thánh.

Eric Groth, một trong những nhà điều hành việc sản xuất bộ phim mới “Paul, Apostle of Christ” – “Thánh Phaolô Tông Đồ của Chúa Kitô”, đã nói như trên trong buổi chiếu thử bộ phim này tại Đền Thánh Quốc Gia Gioan Phaolô II tại thủ đô Washington.

Ông nói thêm: “điều quan trọng là chúng ta phải kể lại câu chuyện về lòng thương xót Chúa.”

Groth là người đứng đầu ODB Productions. Theo ước tính của ông, công ty đã sản xuất khoảng 250 bộ phim ngắn cho các chương trình giáo dục Công Giáo và một loạt 15 chương trình truyền hình cho 15 phần trong sách Giáo lý Công Giáo.

Nhiều người tin rằng vai chính “Thánh Phaolô” sẽ được trao cho Jim Caviezel, người đóng vai Chúa Giêsu trong phim “The Passion of the Christ” của Mel Gibson vào năm 2004. Tuy nhiên, cuối cùng anh đóng vai thánh Luca.

Vai chính “Thánh Phaolô” do James Faulkner thủ diễn. Anh là người đã đóng vai Randyll Tarly trong phim “Game of Thrones”; Lord Sinderby trong phim “Downton Abbey”; và Đức Giáo Hoàng Xitô Thứ Tư trong bộ phim truyền hình “Da Vinci’s Demons”. Faulkner cũng là người được giao đọc tất cả các thư của Thánh Phaolô trong Tân Ước trong một chương trình truyền hình nhiều tập được phát hành bởi Hiệp hội Kinh Thánh Hoa Kỳ.

“Phaolô, Tông Đồ của Chúa Kitô” do đạo diễn Andrew Hyatt chỉ đạo, được hệ thống phân loại điện ảnh Hoa Kỳ xếp vào loại PG-13, là loại có những hình ảnh và nội dung bạo lực mô tả cuộc bách hại các tín hữu Kitô dưới thời đế quốc La Mã.

Phim “Thánh Phaolô, Tông đồ của Chúa Kitô” sẽ được công chiếu vào ngày 23 tháng 3 tại hơn 2,000 rạp chiếu bóng tại Hoa Kỳ và đồng thời ở ít nhất là 15 quốc gia khác, với những giao kèo vẫn đang trong tiến trình thương thảo nhằm tăng gấp đôi số quốc gia có thể chiếu phim này.

11. Apple lặng lẽ gỡ bỏ Lễ Chúa Phục sinh khỏi tất cả các sản phẩm Iphone, Mac Book

Các Kitô hữu tìm kiếm lễ Phục sinh trên lịch iPhone của họ đã rất bối rối khi thấy rằng những gì đối với họ là ngày lễ thiêng liêng nhất trong năm không còn nữa. Sự thay đổi này xảy ra sau khi họ cập nhật hệ điều hành mới nhất của Apple.

Sự hoang mang phát sinh khi mọi người bắt đầu chú ý đến những ngày lễ Kitô Giáo như ngày lễ của Thánh Patrick, Ngày Valentine, Vọng Giáng sinh và Giáng sinh, Những ngày này vẫn còn được liệt kê, trong khi Lễ Phục Sinh, kỷ niệm cuộc thương khó, và phục sinh của Chúa Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết, đã biến mất. Sự thay đổi này khiến nhiều người lo ngại.

Đến nay Apple chưa đưa ra một tuyên bố chính thức về vấn đề này mặc dù đông đảo những người tiêu dùng đả lên tiếng phản đối.

Apple cung cấp một số lựa chọn trong chương trình lịch thế giới, bao gồm lịch Trung Quốc, Do Thái và Hồi giáo.

MRCTV.org cho rằng việc loại bỏ lễ Chúa Phục sinh không phải là một sai lầm ngẫu nhiên trong thảo chương, nhưng là một chọn lựa cố ý của Apple trên hệ điều hành iOS 11.2.5. Thật vậy, lịch Do Thái cũng mất đi một số ngày lễ lớn của Do Thái Giáo như Yom Kippur và Rosh Hashanah.

Theo nghiên cứu của Pew, vào năm 2015 đã có khoảng 2,3 tỷ Kitô hữu trên thế giới. Do đó, Kitô Giáo trở thành tôn giáo lớn nhất thế giới. Điều này đã khiến người ta đặt ra câu hỏi là tại sao các tôn giáo khác như Hồi giáo và Do Thái được Apple cung cấp lịch của riêng họ, trong khi công ty này lại có xu hướng bài Kitô như thế.

12. Cử chỉ ngoạn mục: Đức Cha Paprocki ra tuyên bố Thượng Nghị Sĩ Durbin không thể rước lễ

Trong một cử chỉ được xem là rất ngoạn mục, Đức Cha Thomas John Paprocki, Giám Mục giáo phận Springfields thuộc bang Illinois Hoa Kỳ đã ra tuyên bố sau:

Tuyên bố của Đức Giám Mục Thomas John Paprocki về một Thượng Nghị Sĩ bác bỏ Dự luật “Thai Nhi Biết Đau” (Pain-Capable Unborn Children’s Act)

Springfields – Tôi hoàn toàn đồng ý với Đức Hồng Y Timothy Dolan, Chủ tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sinh của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB), là người đã gọi việc bác bỏ Đạo luật bảo vệ các trẻ em có tên là Thai Nhi Biết Đau tại Thượng Viện Hoa Kỳ là một hành động quá “kinh khủng”.

14 Thượng nghị sĩ Công Giáo đã bỏ phiếu chống lại dự luật cấm nạo phá thai bắt đầu từ tuần thứ 20 sau khi thụ tinh, trong đó có Thượng nghị sĩ Richard Durbin, cư trú tại giáo phận Springfield ở Illinois. 

Tháng 4 năm 2004, linh mục chánh xứ của Thượng nghị sĩ Durbin, lúc đó là Đức ông Kevin Vann (nay là Giám mục Kevin Vann của giáo phận Orange, California), nói rằng ngài sẽ không trao ban Mình Thánh Chúa cho Thượng nghị sĩ Durbin vì quan điểm phá thai của ông này đã đặt ông ta ra khỏi sự hiệp thông hoặc hiệp nhất với giáo huấn về sự sống của Giáo Hội. Người tiền nhiệm của tôi, giờ đây là Đức Tổng Giám Mục George Lucas của Omaha, lúc đó, cũng nói rằng ngài ủng hộ quyết định đó của Đức ông Kevin Vann. Giờ đây, tôi cũng tiếp tục giữ quan điểm này của ngài.

Điều 915 trong Bộ Luật Giáo luật Công Giáo quy định rằng “những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường, không được rước lễ.” Trong Tuyên bố năm 2004 về người Công Giáo trong cuộc sống chính trị, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ đã nói rằng “Không bảo vệ cuộc sống của các thành viên vô tội và vô phương tự vệ của nhân loại là một tội lỗi chống lại công lý. Vì vậy, những người xây dựng luật lệ có trách nhiệm lương tâm phải hoạt động để sửa chữa các đạo luật có lỗi về mặt đạo đức, nếu không họ sẽ có lỗi trong việc hợp tác với điều ác và phạm tội chống lại công ích.” 

Hồ sơ bỏ phiếu ủng hộ phá thai của ông ta trong nhiều năm qua cấu thành một “sự kiên trì ương ngạnh trong tội lỗi tỏ tường và nghiêm trọng,” quyết tâm tiếp tục như thế của Thượng nghị sĩ Durbin khiến cho ông không thể được cho Rước Lễ cho đến khi ông tỏ lòng ăn năn vì tội lỗi của mình. 

Quy định này không nhằm trừng phạt, nhưng muốn mang lại sự hoán cải tâm hồn. Thượng nghị sĩ Durbin đã từng là một người bảo vệ sự sống. Tôi chân thành cầu nguyện để ông ta có thể ăn năn trở lại làm một người phò sinh như trước đây.

+ Đức Giám Mục Thomas John Paprocki

13. Đức Thánh Cha thăm một giáo xứ tại Rôma

Chiều Chúa Nhật 25 tháng 2, Đức Thánh Cha đã đến thăm và dâng thánh lễ tại giáo xứ Thánh Giêlasiô trong vùng Ponte Mammolo ở Rôma. Trong chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ những người trẻ tuổi, những người đau yếu, các gia đình và các nhân viên Caritas đang hoạt động trong giáo xứ.

Đây là giáo xứ thứ hai trong giáo phận Rôma được Đức Thánh Cha viếng thăm từ đầu năm 2018 đến nay. Chiều ngày 28 tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh Cha đã thăm Đền Thờ Thánh Sôphia của người Công Giáo Ukraine.

Được thành lập vào năm 1972, giáo xứ Giêlasiô quy tụ hàng trăm gia đình. Bên cạnh đó, còn có khoảng 250 người nghèo sống trong những nơi ẩn náu tạm thời tại công viên Aniene gần đó. 

Mỗi sáng thứ Năm, Caritas giáo xứ phân phối quần áo và các gói thực phẩm cũng như các bữa ăn sáng và trưa cho hơn 50 người trong khu vực.

Đến nơi vào khoảng 4 giờ chiều giờ Rome, Đức Thánh Cha gặp gỡ các trẻ em và các gia đình, đặc biệt những người ốm đau, người cao niên, người nghèo và các công nhân làm việc tại trung tâm Caritas. Ngài cũng gặp gỡ hai người trẻ, tuổi từ 18 đến 25, đến từ Cộng hòa Gambia và đang được lưu trú tại giáo xứ. 

Vào khoảng 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay.

14. Các Giám Mục Đức cho những người phối ngẫu Tin Lành được rước lễ trong các hoàn cảnh nhất định

Các Giám Mục Đức nói rằng các ngài đã bỏ phiếu “áp đảo” để ủng hộ một hướng dẫn cho phép người Tin Lành là phối ngẫu của một người Công Giáo có thể được Rước lễ với những điều kiện nhất định.

Các Giám Mục đồng ý rằng một người trong trường hợp như thế có thể được Rước Lễ sau khi đã “tự vấn lương tâm nghiêm túc” với một linh mục hay một nhân viên mục vụ có trách nhiệm. Họ cũng phải “khẳng định đức tin của Giáo Hội Công Giáo”, và muốn chấm dứt những “đau khổ tinh thần nghiêm trọng” vì lòng “khao khát Thánh Thể”.

Các Giám Mục Đức đã họp phiên khoáng đại Mùa Xuân tại Köln (Cologne) từ hôm thứ Hai 19 tháng Hai.

Đức Hồng Y Reinhard Marx nói rằng đã có một “cuộc tranh luận kịch liệt” về vấn đề này, trong đó các “mối quan tâm nghiêm trọng” đã được nêu ra. Các Giám Mục đã không chấp thuận điều này như một luật chung, và, theo Đức Hồng Y Marx, hướng dẫn này chỉ nhắm đến các tình huống cụ thể. Ngài nói: “Chúng tôi không muốn thay đổi bất cứ tín lý nào.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …