Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 28/02 – 06/03/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 28/02 – 06/03/2014

 

Thứ Tư Lễ Tro tại Rôma, ĐTC Phanxicô được đề cử lãnh giải Nobel Hòa Bình

1. Thứ Tư Lễ Tro tại Rôma

Lúc 4:30 chiều thứ Tư 5 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã chủ sự cuộc rước kiệu sám hối từ nhà thờ thánh Anselmo của dòng Biển Đức tới đền thờ thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh.

Đi trong đoàn rước với Đức Thánh Cha, có đông đảo các Hồng Y và Giám Mục trong giáo triều Rôma, đông đảo tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh, trong đó có 2 vị Tổng quyền của 2 dòng này. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ Năm, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ đồng tế với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Trong bài giảng, trước tiên Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy cởi mở với Thiên Chúa và anh chị em: “Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng giả tạo, trong một nền văn hóa quan tâm tới “hành động”, tới những gì là “hữu dụng” trong đó vô tình chúng ta loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi chân trời của chúng ta. Mùa chay kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức, hãy nhớ rằng chúng ta là thụ tạo, chứ không phải là Thiên Chúa”.

Tiếp đến, dựa vào bài Phúc Âm của ngày lễ, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu hãy sống hành trình thiêng liêng mùa chay bằng việc cầu nguyện, chay tịnh và làm phúc (Xc Mt 6,1-6.16-18). Ngài nói: “cả ba điều này bao hàm sự cần thiết này, đó là đừng để mình bị những điều bề ngoài thống trị: điều đáng kể không phải là cái vẻ bề ngoài; giá trị sự sống không tùy thuộc sự ủng hộ của người khác hoặc thành công, nhưng tùy thuộc điều chúng ta có trong nội tâm”.

Trong nghi thức bỏ tro sau bài giảng, Đức Hồng Y Jozef Tomko, người Slovak, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo, có nhà thờ hiệu tòa là Đền thờ thánh nữ Sabina, đã bỏ tro trên đầu Đức Thánh Cha, trước khi ngài bỏ tro cho các Hồng Y và một số tín hữu, trong khi 12 linh mục Đa Minh và Biển Đức bỏ tro trên đầu các tín hữu hiện diện.

Sau thánh lễ, tại trụ sở Bề trên Tổng quyền dòng Đa Minh, cạnh thánh đường, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ cộng đoàn các tu sĩ Đa Minh tại Roma, đặc biệt là các bề trên 8 tu viện tại thủ đô Giáo Hội

2. Buổi triều yết chung Thứ Tư Lễ Tro

Trong buổi triều yết chung sáng Thứ Tư Lễ Tro 5 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngưng loạt bài về các phép bí tích để đề cập đến Mùa Chay. Ngài nói rằng Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để chống lại sự thờ ơ trước bạo lực, nghèo đói và suy thoái xã hội.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, Thứ Tư Lễ Tro, bắt đầu cuộc hành trình Mùa Chay của chúng ta với sám hối, cầu nguyện và hoán cải để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm hàng năm của Giáo Hội về mầu nhiệm của cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.

Những ngày này Giáo Hội mời gọi chúng ta suy ngẫm với niềm vui và lòng biết ơn tình yêu bao la của Thiên Chúa được mạc khải trong mầu nhiệm vượt qua; và sống trọn vẹn hơn bao giờ cuộc sống chúng ta nhận được từ Bí Tích Rửa Tội.

Cuộc hành trình canh tân tinh thần theo bước chân của Chúa Kitô mời gọi chúng ta phải thừa nhận và đáp trả trước sự gia tăng nghèo nàn về tinh thần và vật chất giữa chúng ta.

Cụ thể, nó có nghĩa là chống lại một cách có ý thức áp lực của một nền văn hóa nghĩ rằng nó có thể làm mọi thứ mà không cần có Thiên Chúa, một nền văn hóa trong đó cha mẹ không còn dạy cho con em biết cầu nguyện, nơi mà bạo lực, nghèo đói và suy thoái xã hội được lợi dụng triệt để.

Cầu xin cho Mùa Chay này là một thời gian thuận tiện để cá nhân và cộng đoàn chú ý đến những lời của Tin Mừng, suy niệm về các mầu nhiệm của đức tin, thực hành sám hối và bác ái, và mở rộng con tim của chúng ta hơn bao giờ trước ân sủng của Thiên Chúa và nhu cầu của anh chị em chúng ta.

3. Đức Thánh Cha gặp gỡ 60 Giám Mục Bạn Phong trào Focolare

Trong buổi tiếp kiến sáng thứ Năm ngày 27 tháng Hai dành cho các Giám Mục bạn của Phong trào Focolare (Tổ Ấm), Đức Thánh Cha đề cao linh đạo hiệp thông như một yếu tố cơ bản trong mọi nỗ lực loan báo Tin Mừng.

60 Giám Mục đến từ 4 châu lục đang tham dự cuộc gặp gỡ lần thứ 37 từ ngày 24 đến 28 tháng Hai tại trung tâm của Phong trào Tổ Ấm ở Castel Gandolfo về đề tài “đặc tính hỗ tương của tình yêu thương giữa các môn đệ Chúa Kitô”.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhận xét rằng: ”Xã hội ngày nay rất cần chứng tá về một lối sống biểu lộ sự mới mẻ mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, đó là anh chị em yêu thương nhau, mặc dù có những khác biệt về tính tình, gốc gác, tuổi tác.. Chứng tá này làm nảy sinh ước muốn được tham gia vào biểu tượng cao cả là Giáo Hội.”

Đức Thánh Cha giải thích rằng: “Khi một người nhận thấy sự yêu thương nhau giữa các môn đệ Chúa Kitô là điều có thể và có khả năng biến đổi chất lượng quan hệ giữa con người với nhau, thì họ cảm thấy được kêu gọi khám phá, hoặc tái khám phá Chúa Kitô, cởi mở đối với cuộc gặp gỡ với Chúa hằng sống và đang hoạt động, họ cũng được thúc đẩy ra khỏi chính mình để đến gặp tha nhân và phổ biến niềm hy vọng họ đã nhận được”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại lời Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 trong Tông thư “Ngàn Năm mới đang đến” (Novo millennio ineunte) kêu gọi biến Giáo Hội thành nhà và trường dạy hiệp thông, và ngài gọi đây là một thách đố lớn chúng ta cần đương đầu nếu muốn trung thành với ý định của Thiên Chúa và đáp ứng những mong đợi sâu xa của thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng “Biến Giáo Hội thành nhà và trường dạy hiệp thông” thực là một điều cơ bản để mọi nỗ lực loan báo Tin Mừng được hữu hiệu, vì nó biểu lộ ước muốn sâu xa của Chúa Cha, đó là mọi con cái Chúa sống với nhau như anh chị em, và biểu lộ ước muốn của Chúa Kitô: “Ước gì tất cả chúng được nên một” (Ga 17,21).

Trong 4 ngày gặp gỡ, các Giám Mục trao đổi với nhau qua hai cuộc thảo luận bàn tròn:

– Thứ I về đề tài: “Những đường hướng Giáo Hội nổi bật trong năm đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”. Hai vị phát biểu gợi ý là Đức Hồng Y João Braz de Aviz, người Brazil, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, và Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Zani, Tổng thư ký Bộ giáo dục Công Giáo.

– Thứ II về đề tài: “Đặc tính công nghị (sinodalità) ngày nay, dưới ánh sáng giáo huấn và thực hành của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”. Trong số các vị trình bày gợi ý trong cuộc thảo luận này có Đức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và hai Giám Mục khác.

Trong hai buổi chiều 25 và 26 tháng Hai, các Giám Mục, theo các vùng địa lý, môi trường xã hội và tôn giáo khác nhau, đã trình bày những chứng từ bản thân.

4. Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo Hội Mỹ la tinh quan tâm đến giới trẻ

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi Giáo Hội tại Mỹ châu la tinh đặc biệt quan tâm tiếp đón, lắng nghe, săn sóc và mời gọi giới trẻ theo Chúa Kitô.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Sáu ngày 28 tháng Hai, dành cho 45 Hồng Y, Giám Mục và chuyên gia cố vấn thuộc Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu la tinh, vừa kết thúc khóa họp toàn thể kéo dài 4 ngày tại Vatican từ 25 đến 28 tháng Hai dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Chủ tịch Marc Ouellet, người Canada, cũng là Tổng trưởng Bộ Giám Mục.

Chủ đề khóa họp là “Sự cấp thiết về giáo dục và thông truyền đức tin cho giới trẻ Mỹ châu la tinh”.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã dựa vào trình thuật Tin Mừng về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và chàng thanh niên giàu có (Xc Lc 18,18-23) và quảng diễn 3 thái độ của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cần noi theo:

– Trước tiên là “đón nhận, một thái độ đi trước mọi việc giảng huấn và sứ vụ tông đồ. Chúa Giêsu yêu thương và đón nhận chàng thanh niên, đặt mình trong hoàn cảnh của mỗi người, kể cả những người chối bỏ Ngài.”

Đức Thánh Cha nói: “Đó cũng phải là thái độ của Giáo Hội: Gần gũi người trẻ trong mọi môi trường cuộc sống như học đường, gia đình, nơi làm việc.. quan tâm đến những nhu cầu và khát vọng của người trẻ, không phải về mặt vật chất mà thôi. Rất nhiều người trẻ đang gặp những vấn đề trầm trọng.. Chúa yêu cầu chúng ta đừng bỏ rơi người trẻ,.. họ đang cần được cảm thấy được đề cao giá trị trong phẩm giá, được yêu thương và cảm thông”.

– Tiếp đến, “Chúa Giêsu đối thoại chân thành và thân mật với chàng thanh niên. Lắng nghe những lo âu của anh ta và giải thích dưới ánh sáng Kinh Thánh. Chúa Giêsu không lên án, không có thành kiến. Giáo Hội cũng phải làm sao giúp người trẻ cảm thấy Giáo Hội là nhà của họ; không phải chỉ mở cửa mà thôi, nhưng còn phải ra đi tìm kiếm người trẻ.. Giáo Hội là mẹ và không thể dửng dưng lãnh đạm, nhưng biết những lo lắng của họ và nâng họ lên con tim của Thiên Chúa”.

– Sau cùng Chúa Giêsu mời gọi chàng thanh niên đi theo Ngài: “Anh hãy bán mọi của cải.. và đến đây theo Thầy” (Xc Lc 18,22).

Đức Thánh Cha nói với các Hồng Y và Giám Mục rằng: “Những lời này không mất tính chất thời sự. Người trẻ cần được nghe những lời ấy từ chúng ta. Họ cần được nghe rằng Chúa Kitô không phải là một nhân vật tiểu thuyết, nhưng là một nhân vật sống động… Nếu chúng ta chỉ hài lòng với việc mang lại những an ủi phàm nhân cho người trẻ, thì chúng ta đánh lừa họ. Điều quan trọng là chúng ta cống hiến cho người trẻ điều tốt đẹp nhất mà chúng ta có, đó là Chúa Kitô, Tin Mừng của Người, cùng với một chân trời mới, giúp người trẻ đương đầu với cuộc sống phù hợp với niềm tin, sâu xa và nhìn cao trông rộng”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Giáo Hội tại Mỹ châu la tinh không thể đánh mất kho tàng giới trẻ, với tất cả những tiềm năng của họ, để giúp xã hội tăng trường, với những khát vọng cao cả là họp thành một đại gia đình những người anh chị em được hòa giải trong tình thương”.

Trong 4 ngày họp, các Hồng Y và Giám Mục thành viên của Ủy ban cũng bàn về “ý nghĩa triều đại Giáo Hoàng của Đức Phanxicô đối với Mỹ châu la tinh: những đòi hỏi và trách nhiệm”, “Thực tại giới trẻ tại Mỹ châu la tinh”, tương quan giữa các thế hệ trẻ và chính trị, trong đó có vai trò giáo dục của Giáo Hội dành cho người trẻ về việc xây dựng hòa bình và công lý.

Trong bối cảnh trên đây, các thành viên cũng kiểm điểm thành quả của Ngày Quốc Tế giới trẻ hồi cuối tháng 7 năm 2013 tại Rio de Janeiro bên Brazil, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha.

5. Khủng bố Hồi Giáo Boko Haram tàn sát 59 học sinh một trường trung học Công Giáo tại Nigeria

Tối Chúa Nhật rạng sáng Thứ Hai 24 tháng Hai, quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã tấn công vào trường nội trú Federal Government College tại thành phố Buni Yadi của bang Yobe giết chết ít nhất 59 học sinh. Các em này tuổi từ 11 đến 18 đang ngủ thì bị tấn công. Một số em bị đánh đập dã man trước khi bị thiêu sống.

Đây là ngôi trường do Giáo Hội Công Giáo điều hành với 24 toà nhà. Tất cả các phòng ốc đều bị thiêu rụi.

Các nhân chứng sống sót cho biết bọn khủng bố gồm khoảng 50 người.

Boko Haram có nghĩa là “giáo dục phương Tây là một tội lỗi”. Đây là một nhóm Hồi giáo cực đoan có liên quan chặt chẽ với Al Qaeda.

Trong hai năm qua, nhóm này đã tấn công thường dân ở Nigeria, phá hủy các cơ sở hạ tầng của đất nước để tạo ra sự hỗn loạn. Mục tiêu của họ là thiết lập một nhà nước Hồi giáo ở phía bắc của đất nước. Thủ đoạn tấn công của nhóm này ngày càng phức tạp và tàn bạo hơn.

6. Đức Thánh Cha tiếp các nhà lãnh đạo Công Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo Á Căn Đình

Hôm thứ Năm 27 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp 45 nhà lãnh đạo quan trọng của Á Căn Đình vừa trở về từ Thánh Điạ sau chuyến viếng thăm từ ngày 24 đến 26 tháng Hai. Cuộc họp đã diễn ra trong nhà trọ Santa Marta và bao gồm 15 người Do Thái, 15 người Hồi giáo, và 15 người Công Giáo. Chuyến đi của họ bao gồm nhiều địa điểm mà Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm trong cuộc hành hương sắp tới tại Jordan, Israel và Palestine.

Trong chuyến thăm Thánh Điạ, nhóm này đã gặp các nhà chức trách chính trị và tôn giáo hàng đầu và đã đến thăm các thánh địa của ba tôn giáo độc thần.

Theo tờ Quan Sát Viên Rôma, nhiều thành viên của nhóm, bao gồm một số giáo sĩ Do Thái, Hồi Giáo và các linh mục đã quen biết Đức Giáo Hoàng từ khi ngài còn Đức Hồng Y Bergoglio, Tổng Giám Mục của Buenos Aires. Họ đã hợp tác với ngài trong cuộc đối thoại liên giáo và làm việc chung với ngài trong một số dự án xã hội và bác ái nhằm giúp những người dân của thủ đô đang trong những tình huống khó khăn.

Nhóm này cho biết họ muốn thể hiện tình bạn và sự gần gũi tinh thần với Đức Giáo Hoàng nên muốn kết thúc cuộc hành hương của họ ở Rôma để họ có thể gặp Đức Thánh Cha để đưa ra những lời chúc tốt đẹp nhất cho sứ vụ mới của ngài và cho chuyến đi sắp tới của Đức Thánh Cha đến Thánh Điạ.

Cuộc họp kéo dài một giờ tại Vatican đã được mô tả là một trong những “cuộc họp thân ái nhất” và được sự tham dự của Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Liên tôn với người Do Thái, và Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn.

7. Đức Thánh Cha tiếp thủ tướng Rumani

Sáng thứ Bẩy 28 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Thủ tướng Chính phủ Rumani là ông Victor Ponta. Sau cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha, ông Ponta cũng đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Bộ trưởng Quan hệ với các nước.

Thủ tướng Rumani đã mang theo lời chào từ Thượng Phụ Chính Thống Daniel gởi đến Đức Thánh Cha. Cuộc gặp gỡ thân mật giữa hai vị đã bàn đến các chủ đề về gia đình, giáo dục, tự do tôn giáo và bảo vệ những giá trị chung trong bối cảnh hợp tác song phương giữa Tòa Thánh và Rumani cũng như trong phạm vi rộng lớn hơn là cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Rumani đã đánh giá cao tiềm năng của Giáo Hội Công Giáo trong việc đóng góp vào lợi ích chung của xã hội. Một số vấn đề đáng quan tâm của cộng đồng Công Giáo ở Rumani cũng được đưa ra thảo luận.

Cuối cùng, hai vị đã trao đổi ý kiến về tình hình quốc tế hiện nay, đặc biệt nhắc lại niềm hy vọng là đối thoại và đàm phán sẽ được theo đuổi để có thể kết thúc các cuộc xung đột đang gây đau thương cho thế giới.

Theo thống kê hồi tháng Bẩy năm ngoái, Rumani hiện có 21,790,500 dân. 81.9% theo Chính Thống Giáo, 6.4% theo Tin Lành. Công Giáo có 937,000 tín hữu chiếm 4.3% dân số được chia thành 3 tổng giáo phận, 8 giáo phận và một miền Phủ Doãn Tông Tòa.

8. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk: Những nguy hiểm tại Ukraine vẫn chưa hết. Thượng Viện Nga đồng ý xâm lược Ukraine bằng vũ lực

Tuần qua, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Công Giáo Hy Lạp Ukraine đã sang Rôma gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau buổi tiếp kiến, ngài đã dành cho các phóng viên một cuộc họp báo chung với Cha Federico Lombardi giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Ngài tường thuật với các ký giả:

“Đức Thánh Cha hỏi tôi: ‘Tình hình hiện nay ra sao?” Tôi trả lời ngài rằng rất là khó khăn. Ngài nói: ‘Đức Cha nói rất đúng. Tình hình rất là nguy hiểm.’”

Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine đã cho biết như trên trong khi kêu gọi Nga tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Ukraine.

Đức Tổng Giám mục nói:

“Ở một số vùng của Ukraine có những thành phần ly khai kêu gọi nước ngoài xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine,”.

Ngài cảnh báo “Châu Âu không nên tự cô lập mình trước những vấn đề này, vì sớm hay muộn chúng sẽ ảnh hưởng đến toàn châu Âu.”

Cụ thể ngài nói:

“Chúng tôi đã nhận được một số dấu hiệu cảnh báo từ chính phủ Nga, và chúng tôi rất thận trọng. Tuy nhiên các sự kiện gần đây đưa ra lý do để hy vọng là Nga hay bất cứ quốc gia nào khác sẽ không cho phép mình quyền xâm phạm chủ quyền của nhà nước Ukraine”.

Bộ trưởng quốc phòng Ukraine là Igor Tenyukh cho biết là hôm thứ Sáu Nga đã đưa 6,000 quân và 30 xe thiết giáp xâm lược vùng Crimea của Ukraine.

Trong khi đó, sáng thứ Bẩy tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Quốc Hội nước này cho phép sử dụng các lực lượng vũ trang tại Ukraine. Chưa đầy 2 giờ sau khi được yêu cầu, lúc 15:27 giờ Mạc Tư Khoa ngày thứ Bẩy 1 tháng Ba, Thượng Viện Nga đã biểu quyết đồng thuận cho Vladimir Putin sử dụng vũ lực tại Ukraine. Theo hiến pháp Nga, chỉ cần Thượng Viện đồng ý, tổng thống có thể sử dụng vũ lực tại hải ngoại.

Tân thủ tướng Ukraine là Arseniy Yatsenyuk cho biết Nga đang khiêu khích Ukraine đáp trả cuộc xâm lược vùng Crimea bằng vũ lực để có lý do mở rộng chiến tranh.

Ông nói: “Sự hiện diện không thích hợp của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine là một sự khiêu khích, và những nỗ lực của Nga làm cho Ukraine phản ứng bằng các lực lượng vũ trang đã thất bại”.

Lịch sử Ukraine chỉ ra rằng trong những tình huống bị Nga xâm lược như thế này thế giới với những dàn xếp chính trị lắt léo, ngoài những phản ứng yếu ớt và chiếu lệ, sẽ để mặc cho Nga muốn làm gì thì làm tại Ukraine.

Trong khi đó cựu tổng thống bị truất phế Viktor Yanukovych đã xuất hiện trong một cuộc họp báo tại Rostov trên đất Nga. Ông này vẫn kiên trì lập trường cho mình là tổng thống hợp hiến của Ukaine và phủ nhận mọi tội ác tại quảng trường Maidan.

9. Thành phố Ávila mời Đức Thánh Cha sang thăm nhân kỷ niệm 500 năm sinh nhật thánh Têrêsa thành Ávila

Thánh nữ Têrêsa sinh ngày 28 tháng Ba năm 1515 tại thành Avila, nước Tây Ban Nha. Ngài gia nhập dòng Cát Minh năm 1536.

Thánh nữ nổi danh vì đã thiết lập thêm mười sáu tu viện Cát Minh mới. Các tu viện này chứa đầy các nữ tu ham ước sống cuộc đời thánh thiện. Họ làm nhiều việc hy sinh vì lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu. Chính Têrêsa Avila đã nêu gương sáng cho các nữ tu này. Thánh nữ cầu nguyện với rất nhiều tình yêu và thi hành các nhiệm vụ hằng ngày cách chăm chỉ.

Thánh nữ Têrêsa Avila là nhà lãnh đạo đại tài cũng như là một người rất mực yêu mến Đức Chúa Giêsu và Giáo Hội. Têrêsa Avila về trời năm 1582 và được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh năm 1622.

Đến năm 1970, Đức Thánh Cha Phaolô đệ Lục đã tôn phong Thánh Têrêsa thành Avila làm nữ Tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô khi còn là Tổng Giám Mục thành Buenos Aires đã nhiều lần thuyết giảng về Thánh Têrêsa Avila trên truyền hình. Vì thế, một đoàn đại biểu của thành phố Ávila đã sang tận Rôma để mời Đức Thánh Cha sang thăm thành phố này nhân dịp kỷ niệm 500 ngày sinh của thánh nữ được tổ chức vào ngày 28 tháng Ba năm tới.

Đoàn đại biểu gồm ông Alicia García, chủ tịch miền Castilla y León, thị trưởng Miguel Ángel Nieto và giáo quyền địa phương đã được Đức Thánh Cha tiếp hôm thứ Bẩy 1 tháng Ba.

Tòa Thánh chưa đưa ra thông báo nào liên quan đến việc Đức Thánh Cha có nhận lời không. Tuy nhiên, chính quyền địa phương thành phố Ávila tỏ ra rất lạc quan trước triển vọng này.

10. Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục Tây Ban Nha

Hôm thứ Hai mùng 3 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp tất cả các giám mục Tây Ban Nha đang trong những ngày ‘Ad Limina’ viếng mộ các Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, là Đức Hồng Y Antonio Maria Rouco Varela, Tổng Giám Mục Madrid nhắc lại rằng Đức Hồng Y Bergoglio đã thăm Tây Ban Nha vào năm 2006.

Ngài nói:

“Làm thế nào chúng ta có thể quên các bài giảng tĩnh tâm ngài đã trình bày với các giám mục Tây Ban Nha vào năm 2006, là năm ngài đã tham dự Hội nghị thế giới về gia đình ở Valencia.”

Đức Giáo Hoàng đã trao cho cho mỗi giám mục một bản văn được in sẵn, yêu cầu các ngài luôn luôn tìm kiếm những con đường mới cho Tin Mừng. Ngoài ra, ngài cũng bày tỏ mối quan tâm của mình cho các nền văn hóa thế tục trong đó “Thiên Chúa bị cô lập vào chiều kích riêng tư cuộc sống và bị loại trừ khỏi lĩnh vực công cộng.”

Các Giám Mục Tây Ban Nha sẽ tổ chức Hội Nghị Thường Niên vào ngày 11 tháng Ba tới đây.

Tổng số 83 giám mục Tây Ban Nha đến thăm Rôma trong khoảng thời gian hai tuần. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng với các Giám Mục nước này.

Đức Cha Jesús Murgui là Giám Mục giáo phận Orihuela – Alicante nói:

“Tôi đã rất ngạc nhiên bởi sự thoải mái và gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô và sự quan tâm lớn lao của ngài, thái độ lắng nghe và chú ý đến tất cả các ý kiến khác nhau do các giám mục đưa ra.”

Đức Cha Julian Barrio là Tổng Giám Mục Santiago de Compostela nhận xét:

“Đây là một cuộc gặp gỡ vui vẻ, tràn đầy hạnh phúc. Thật đẹp như thời tiết hôm nay.”

Các giám mục Tây Ban Nha đã không bỏ lỡ cơ hội để chính thức mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Tây Ban Nha vào năm 2015 là năm đánh dấu 500 ngày sinh của Thánh Têrêsa Avila, nữ Tiến Sĩ Hội Thánh đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo.

11. Đức Thánh Cha ban phép lành cho một phụ nữ qua điện thoại

Sáng thứ Hai 3 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã tiếp các thành viên của Liên đoàn Linh Thao Italia do Đức Cha Giovanni Scanavino, Giám Mục nghỉ hưu của giáo phận Orvieto-Todi hướng dẫn nhân kỷ niệm 50 năm thành lập liên đoàn. Cuộc tiếp kiến diễn ra tại phòng họp Clementine trong Dinh Tông Tòa.

Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các thành viên rằng kỷ niệm quan trọng này là cơ hội cho họ củng cố và suy tư trên lịch sử và nguồn gốc của họ trong khi đọc những dấu chỉ mới của thời đại.

“Những người nam nữ ngày nay cần phải gặp gỡ Thiên Chúa, để biết Ngài không phải từ tin đồn. Công việc của anh chị em hoàn toàn hướng tới mục đích này, và anh chị em thực hiện điều này bằng cách cung cấp không gian và thời gian để lắng nghe mạnh mẽ Lời Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện.”

“Những ai tham dự tĩnh tâm một cách đúng nghĩa cảm nghiệm được sức thu hút và hấp dẫn của Thiên Chúa, để trở về đời sống thường ngày, và các mối quan hệ hàng ngày với một tâm hồn được canh tân, và biến đổi, mang theo hương thơm của Đức Kitô.”

Ngài ca tụng khả năng về tín lý và linh đạo của anh chị em làm việc trong các cuộc tĩnh tâm và những nhà tĩnh tâm, nhưng nhấn mạnh rằng nhân vật chính của đời sống tinh thần luôn luôn là Chúa Thánh Thần, Đấng “nâng đỡ tất cả mọi thứ chúng ta làm.”

Một linh mục đến gần Đức Thánh Cha với điện thoại di động trong tay, và xin Đức Thánh Cha ban phép lành cho một người phụ nữ 25 tuổi ở đầu bên kia của đường dây điện thoại. Đức Giáo Hoàng đã không chần chừ một giây và đưa ra lời chúc của mình một cách nhanh chóng qua điện thoại.

12. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Ba

Ý chung: Cầu cho tất cả mọi nền văn hoá biết tôn trọng các quyền và phẩm giá của người phụ nữ.

Ý truyền giáo: Cầu cho có nhiều người trẻ biết đón nhận lời mời gọi của Chúa dâng hiến đời sống mình để rao giảng Phúc Âm.

13. Đức Hồng Y Walter Kasper nói: Phụ nữ nên có vai trò rộng lớn hơn trong Giáo Triều Rôma.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Avvenire, nhật báo của Hội Đồng Giám Mục Ý, Đức Hồng Y Walter Kasper nói phụ nữ nên được tham gia vào việc chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình và có một vai trò rộng lớn hơn nhiều trong Giáo Triều Rôma.

“Nếu không có phụ nữ, gia đình chỉ đơn giản là không tồn tại. Thật là là vô nghĩa để nói về gia đình mà không lắng nghe họ.”

Trích dẫn ví dụ của Mary Ann Glendon, giáo sư luật Harvard người hiện là Chủ tịch của Giáo hoàng Học viện Khoa học Xã hội, Đức Hồng Y Kasper nói phụ nữ có thể phục vụ ở các vị trí trong Giáo triều không gắn liền với quyền tài phán liên kết với Bí Tích Truyền Chức Thánh.

14. Đức Thượng Phụ danh dự Bartholmew gặp gỡ các Giám Mục Công Giáo Hung Gia Lợi

Trong chuyến viếng thăm Hung Gia Lợi trong hai ngày 2 và 3 tháng Ba, Đức Thượng Phụ Đại kết thành Constantinople đã gặp gỡ với các giám mục Công Giáo của quốc gia này.

Trong buổi gặp gỡ ngài đưa ra nhận xét sau:

“Cuộc khủng hoảng lan rộng như một bệnh dịch ở châu Âu ngày hôm nay và đe doạ sự thống nhất của lục địa này là kết quả của một quá trình phân hủy tinh thần liên tục, cố làm cho người ta tách ra khỏi truyền thống Kitô giáo và Giáo Hội, và giải thể các cơ chế quan trọng của quốc gia và gia đình.”

15. Quân đội được điều động bảo vệ các Kitô hữu tại bang Odisha

Các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã được điều động đến bang Odisha, phiá Đông Ấn Độ tiếp theo sau một cuộc tấn công của các thành phần Ấn Giáo cực đoan vào một nhà nguyện Công Giáo đang được xây dựng.

Những kẻ tấn công đã hăm dọa giết chết những công nhân xây dựng và gia đình họ.Tờ Hindustan Times cho biết như trên.

Bang Odisha trước đây được gọi là bang Orissa nhưng phải đổi tên vì nó khét tiếng với vụ tàn sát vào năm 2008 giết chết hơn 50 Kitô hữu và làm 50,000 tín hữu Kitô phải chạy lánh nạn.

16. Một linh mục Công Giáo bị đánh đến chết tại Calabria, Italy

Rạng sáng ngày thứ Hai 3 tháng Ba, một linh mục Công Giáo đã bị đánh đến chết tại thành phố Calabria của Italia.

Cha Lazzaro Longobardi dường như đã bị giết bởi những cú đánh bằng một thanh sắt. Cảnh sát đã tìm thấy hung khí này bên ngoài nhà thờ. Cảnh sát đang câu lưu một nghi can, là người thường xuyên hỏi xin tiền cha Lazzaro Longobardi.

17. Tòa Thánh và Burundi ký thỏa thuận đảm bảo tình trạng pháp lý của Giáo Hội Công Giáo

Tòa Thánh và Burundi đã ký kết một thỏa thuận chính thức “đảm bảo tình trạng pháp lý của Giáo Hội Công Giáo” tại quốc gia Đông Phi này.

Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết như trên hôm 3 tháng Ba.

Thỏa thuận này đã được đàm phán vào năm 2012, cũng đưa ra một khuôn khổ pháp lý cho hôn nhân, nơi thờ phượng, các việc từ thiện giáo dục, các tuyên úy quân đội, trại giam, và thuế tài sản.

Burundi có 68% là người Công Giáo. Nước này đã có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh từ năm 1963.

18. Tương lai của ngân hàng Vatican

Đức Hồng Y George Pell, người vừa được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Bộ Kinh Tế nói ngài không nghĩ Đức Thánh Cha sẽ đóng cửa ngân hàng Vatican.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với John Allen của tờ Boston Globe, Đức Hồng Y Pell nói khả năng đóng cửa Ngân Hàng Vatican hay còn gọi là Viện Giáo Vụ là rất thấp.. Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Sydney, Úc Đại Lợi cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô quyết tâm mang lại tính minh bạch và đáng tin cậy cho ngân hàng Vatican. Ngài nói: “Không chỉ Đức Thánh Cha muốn như thế, nhưng ngài có khả năng để làm cho nó thành hiện thực”.

19. Đức Thánh Cha Phanxicô được đề cử lãnh giải Nobel Hòa Bình

Đức Thánh Cha Phanxicô đã được lọt vào danh sách những người được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2014. Viện Nobel ở Na Uy đã công bố danh sách 278 người được để cử.

Trong ngày lễ Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh hôm 19 tháng Ba năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi hòa bình. Và từ đó đến nay ngài liên tục kêu gọi hòa bình.

Đặc biệt nhất là buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình ở Syria ngày 7 tháng 9 năm ngoái với hơn 100,000 người tham dự.

Trong những tháng tới, Ủy ban Nobel sẽ thu hẹp danh sách, và xem xét kỹ lưỡng các ứng cử viên.. Họ sẽ công bố người chiến thắng trong tháng Mười. Nếu được trao tặng giải thưởng này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên nhận được giải Nobel Hòa bình.

Nguồn: Vietcatholic

h1

Xem thêm

T3T31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  TIỆC BẤT TẬN “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”. “Thiên …