Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 27/8 – 02/09/2015: Thảm kịch của những người tị nạn

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 27/8 – 02/09/2015: Thảm kịch của những người tị nạn

 

1. Thư của Đức Thánh Cha trong lễ phong chân phước cho Đức Cha Flaviano Micae Melki

Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước lễ phong chân phước cho Đức Cha Flaviano Micae Melki là một sứ điệp hy vọng và khích lệ cho tất cả các tín hữu Kitô đang bị hạ nhục và áp bức.

Trên đây là lời Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, tuyên bố với đài Vatican, trước khi lên đường sang Liban chủ sự nghi thức phong chân phước cho Đức Cha Đức Cha Flaviano Micae Melki, thuộc Giáo Hội Công Giáo Syriac, tử đạo 100 năm đúng vào ngày thứ Bẩy 29 tháng 8 năm 1915, tại Thổ Nhĩ Kỳ, vì quyết liệt không chịu bỏ Kitô giáo theo Hồi giáo.

Lễ phong diễn ra tại Tu viện Đức Mẹ Giải Thoát (Our Lady of Delivrance) ở Harissa, phía bắc Beirut, trước sự hiện diện của các vị Thượng Phụ và thủ lãnh các Giáo Hội Kitô Đông phương đến từ Liban, Syria và Iraq, cùng với hàng ngàn tín hữu địa phương.

Đức Hồng Y Amato nói: “Nhiều tín hữu Kitô ngày nay ở Trung Đông, và cả những nơi khác, đang chịu đau khổ vị sự suy tàn của một nền văn hóa sống chung hòa bình giữa con người với nhau. Nhưng các anh chị em ấy không muốn đầu hàng trước sự kinh hoàng, và họ đáp lại bạo lực bằng sự can đảm và niềm tin mạnh mẽ”.

Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phong thánh cũng nhận định rằng: 

“Ngày nay, cũng như cách đây 100 năm, các tín hữu Kitô bị kỳ thị, bách hại, trục xuất, và giết hại. Nhà của họ bị đánh dấu không phải bằng máu con chiên trong lễ Vượt Qua, nhưng bằng chữ N màu đỏ, có nghĩa là Nazareni, Kitô hữu, một dấu chỉ họ sẽ bị kết án. Cũng như 100 năm trước đây, thời Đức Cha Melki tử đạo, ngày nay các tín hữu Kitô cũng bị tước bỏ mọi tự do, bó buộc phải rời bỏ quê hương hoặc bị cưỡng bách theo Hồi giáo nếu không sẽ bị giết. Trong thực tế, chính cái chết đang thống trị trong tâm trí chai đá những kẻ bách hại, họ không chịu nổi nền văn minh Kitô về tự do, tình huynh đệ, tôn trọng tha nhân, công lý và bác ái”.

Đức Cha Melki sinh cách đây 158 năm (1858) ở làng Kalaat Mara, Thổ nhĩ kỳ, trong một gia đình Chính Thống Syriac và thụ phong phó tế trong Giáo Hội này khi được 20 tuổi. Sau đó thầy trở lại Giáo Hội Công Giáo Syriac, và được thụ phong linh mục.

Cuộc bách hại của nhà cầm quyền đế quốc Ottoman chống các Kitô hữu bắt đầu nghiêm trọng với vụ tàn sát những người Arméni từ năm 1894 đến 1897. Nhà thờ và gia cư của cha Melki bị đốt phá năm 1895, nhiều giáo dân của cha bị sát hại, trong đó có cả thân mẫu của cha. Tổng cộng các cuộc tàn sát ấy làm cho từ 80 đến 300 ngàn Kitô hữu Arméni bị thiệt mạng.

Cha Melki thụ phong Giám Mục năm 1913 và coi sóc giáo phận Gazireh của Công Giáo Syriac.

Trong đợt bách hại thứ 2 chống các tín hữu Kitô trong đế quốc Ottoman bắt đầu vào tháng 4-1915, Đức Cha Micae Melki bị bắt và sau khi quyết liệt từ chối theo Hồi giáo để được sống, ngài bị đánh bất tỉnh và bị chặt đầu. Hôm đó là ngày 29-8-1915.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô rất lo âu theo dõi thảm kịch của những người đang phải bỏ nhà cửa quê hương trốn chạy đi nơi khác.

Đây là một cuộc xuất hành vĩ đại với bao nhiêu gia đình lâm vào cảng mất mát mọi của cải nhà cửa, liều mình ra đi với hai bàn tay trắng mong thoát khỏi chiến tranh, đói khổ và bạo lực đủ kiểu để tìm kiếm tương lai. Trong một tweet, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người hãy mở con tim cho những ai đang phải đau khổ. Ngài viết: Lạy Chúa, xin hãy giúp chúng con biết tỏ ra quảng đại hơn và luôn gần gũi hơn những gia đình nghèo khó.

Trong khi đó, con số người di dân thiệt mạng ngày càng lên cao. Vài ngày trước đây, thi hài của 71 người bị chết ngạt chồng chất lên nhau, trong đó có cả 8 phụ nữ và 4 trẻ em, đã được khám phá trong một chiếc xe tải nhỏ đậu ven một xa lộ bên Áo. Hôm sau đó, 200 người khác chết trong hai vụ đắm tàu ngoài khơi Lybia. Trong một phóng sự gửi về đài Vatican, ký giả Benedetta Capelli nói: Xác người lềnh bềnh trong nước, tiếng người còn sống van xin cầu cứu, màn đêm dày đặc khiến cho công cuộc cứu vớt gặp nhiều khó khăn. Đó là cảnh tượng người ta phải chứng kiến ngoài khơi duyên hải Zuwara nước Libia hôm 27 tháng 8, khi hai con tàu đầy chật người di dân tỵ nạn bị đắm. Phải ghi thêm con số những người chết này vào danh sách 2,500 người di dân thiệt mạng trên đường vượt Địa Trung Hải vừa được Liên Hiệp Quốc công bố hôm 28 tháng 8. 10 tên lái tàu đã bị nhận diện và bắt giữ trên con tàu chở 600 người di dân cặp bến Palermo thủ phủ đảo Sicilia Nam Italia, trong đó có 52 người chết ngạt trong hầm tàu. 3 người khác bị chính quyền Áo bắt giam trong vụ khám phá xe tải đầy xác người. Nhiều vụ đụng độ cũng xảy ra tại biên giới Hy Lạp và Macedonia. 

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, đặc phái viên Nello Scavo của báo Avvenire, nghĩa là Tương Lai, tại vùng Pristina Macedonia cho biết “các cuộc kiểm soát của cảnh sát ngày càng trở nên chặt chẽ hơn và thường xuyên hơn. Người tỵ nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgari đến chỉ có được ba ngày để đi qua lãnh thổ Macedonia tìm đường vào Âu châu. Trong những tháng vừa qua đã có trên 100 ngàn người đến đây. Chỉ trong những ngày vừa qua, đã có 4000. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc vượt qua bức tường mới được chính quyền Orban dựng lên, nhưng không có gì ngăn cản được họ. Sống chết gì thì họ cũng sẽ tìm ra những con đường khác để vào Âu châu.

Đặc phái viên báo Tương Lai nhận xét thêm rằng “sự hiện diện của người di dân tỵ nạn đã đẩy mạnh guồng máy của bọn buôn người, vốn đã rất thịnh hành tại đây. Các nhóm tội phạm mafia vùng Kossovo, liên kết với mafia Serbi và macedoni đang tổ chức những lối thoát mới để vượt qua bức tường Hungari, chẳng hạn qua ngõ Rumani hay các nước vùng Balkans vào Sloveni và Croat, rồi từ đó vào Áo hay Italia, tuy với nhiều hiểm nguy hơn, như chúng ta vừa thấy trong vụ chiếc xe tải ở Áo. Nguy hiểm cao hơn, thì giá cả cũng cao hơn và đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho bọn bất lương. Vì thế, tình hình hiện nay rất rắc rối và nhiều khó khăn. Người di dân và tỵ nạn phải chịu bao nhiêu đau khổ vì đường đi và cũng vì thái độ đối xử của các lực lượng cảnh sát, nhất là cảnh sát macedoni. Bù lại, nhiều nơi, họ đã được người dân địa phương tận tình giúp đỡ. Chẳng hạn như tại Veles, gần Skopje, một số dân chúng địa phương, nhất là một phụ nữ, đã tổ chức được một cơ cấu đón tiếp và trợ giúp hơn 50 ngàn người trong vòng 2 năm gần đây mà hoàn toàn không cậy nhờ đến thẩm quyền chức trách địa phương. Và thật là phi thường khi chứng kiến thiện chí và lòng quảng đại của từng cá nhân có thể vượt thắng những chướng ngại mà các chính quyền không muốn đương đầu.

3. Đường hướng đối thoại đại kết của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong lãnh vực đại kết Kitô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ít chú trọng về đối thoại thần học và nhấn mạnh nhiều hơn đến quan hệ thân hữu, huynh đệ và sự cộng tác, nhất là trong lãnh vực xã hội.

Trên đây là nhận định của Đức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, trong cuộc phỏng vấn dành cho mạng Công Giáo “katholische.de” truyền đi từ thành phố Bonn hôm 24 tháng 8.

Đức Hồng Y Koch nói: “Trong lãnh vực đại kết, Đức Giáo Hoàng Phanxicô theo đuổi một lối tiếp cận khác với vị tiền nhiệm. Ngài nhấn mạnh nhiều hơn đến việc cầu nguyện chung, những hoạt động chung và những cuộc gặp gỡ. Qua đó có hàm chứa một nhận định thực tiễn, theo đó trong lãnh vực đại kết, chúng ta không thể chỉ tiến bước với cuộc đối thoại thần học”. Những tương quan huynh đệ là điều kiện phải có trước đó để có thể đi vào những vấn đề thần học khó khăn”.

Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, điều quan trọng là một Giáo Hội thừa sai, mang Tin Mừng đến cho thế giới. “Và Đức Giáo Hoàng muốn rằng chúng ta làm tất cả những gì có thể làm chung, cả những gì chúng ta đã cộng tác với nhau”.

Về các Giáo Hội Cải Cách, Đức Hồng Y Koch nhận xét rằng thế giới Tin Lành hiện nay đang có một “sự phân hóa kinh khủng: càng này càng có những Giáo Hội mới được khai sinh”. Thêm vào đó có sự gia tăng mới mẻ của các phong trào Tin Lành (Evangelical), Phong trào Ngũ Tuần. Hiện nay các Giáo Hội Ngũ Tuần (Pentekostalismus) đứng thứ hai sau Giáo Hội Công Giáo về số tín đồ. Có lẽ người ta phải nói đến một hình thức thứ tư của Giáo Hội: Công Giáo, Chính Thống, Thệ Phản và Pentecostal”. Trong các Phong trào này có những thành kiến kinh khủng chống Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội Công Giáo. Ở đây Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng có những tiếp xúc bản thân.

Trong cuộc đối thoại với các tín hữu Luther, Giáo Hội Công Giáo theo đuổi mục đích đạt tới một lập trường chung về Giáo Hội, về Thánh Thể và chức vụ trong Giáo Hội. “Tôi hy vọng sẽ có một tuyên ngôn chung, trên bình diện hoàn cầu, giữa Liên hiệp các Giáo Hội Luther thế giới và Giáo Hội Công Giáo”. Đây sẽ là một bước tiến mới và rất lớn, sau tuyên ngôn chung liên quan đến Giáo lý về sự công chính hóa hồi năm 1999”.

Bàn về quan hệ với Do Thái giáo, Đức Hồng Y Koch, 63 tuổi, cũng là Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh liên lạc với Do thái giáo mô tả quan hệ này “ổn đỉnh đến độ có thể cùng nhau đáp ứng và giải quyết những đòi hỏi và những vấn đề đang nảy sinh”. Trong số các Rabbi Do thái có một ước muốn mạnh mẽ, không những nói về các vấn đề chính trị và lịch sử, nhưng còn bàn về các vấn đề thần học một cách khẩn trương hơn”.

Về quan hệ với Chính Thống giáo, Đức Hồng Y Kurt Koch nhận định rằng “những vấn đề căng thẳng nội bộ của Chính Thống giáo đang chặn đứng cuộc đối thoại đại kết”. Đức Hồng Y hy vọng Công đồng Liên Chính Thống giáo dự kiến sẽ bắt đầu họp từ lễ Chúa Thánh Thần 2016 sẽ giúp đào sâu sự hiệp nhất giữa các tín hữu Chính Thống.

4. Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện trong “Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên”.

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 26 tháng 08 năm 2015, cũng là buổi tiếp kiến chung lần thứ 100, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các tín hữu Công Giáo cầu nguyện cho trái đất trong ngày thứ Ba 01 tháng Chín năm 2015, “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên”, được cử hành lần đầu tiên vào năm 2015. Chính Ðức Thánh Cha đã thiết lập ngày này hôm 06 tháng Tám năm 2015, tiếp nối sáng kiến của các Giáo Hội Chính Thống. Ðược biết, Ðức Thượng phụ Constantinopolis là Dimitrios I đã thiết lập ngày này vào năm 1989.

Ðức Thánh Cha nói: “Hợp lời cầu nguyện với các anh chị em Chính Thống giáo của chúng ta và với tất cả mọi người thiện chí, chúng ta muốn góp phần vào việc tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng sinh thái hiện đang kềm kẹp nhân loại. Trên khắp thế giới, các Giáo Hội địa phương khác nhau đã đặt ra các chương trình cầu nguyện và suy tư để Ngày này trở thành khoảnh khắc đặc biệt và cổ vũ việc áp dụng những lối sống hài hoà hợp lý”.

Vào lúc 17 giờ thứ Ba 01 tháng Chín năm 2015, Ðức Thánh Cha đã chủ sự một buổi Phụng vụ Lời Chúa tại Đền Thờ Thánh Phêrô với các thành viên của Giáo triều, người dân tại Roma, và các khách hành hương.

5. Tòa Thánh tránh sáng kiến của Palestine đòi treo cờ tại Liên Hiệp Quốc.

Tòa Thánh yêu cầu Phái Bộ Palestine tại Liên Hiệp Quốc đừng ghi tên Tòa Thánh trong một dự thảo nghị quyết yêu cầu cho treo cờ Palestine tại Liên Hiệp Quốc.

Chính quyền Palestine muốn nhân cơ hội Ðức Thánh Cha Phanxicô sắp viếng thăm Liên Hiệp Quốc vào ngày 25 tháng 9 năm 2015, để đề ra dự thảo một nghị quyết yêu cầu đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cho phép treo lá cờ của hai quốc gia có quy chế Quan sát viên thường trực tại tổ chức quốc tế này: Vatican và Palestine, cũng như lá cờ của 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc.

Hôm 25 tháng 8 năm 2015, Phái bộ Quan sát thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã chuyển tới các nhà ngoại giao tại đây một thông báo cho biết Tòa Thánh không có ý bảo trợ dự thảo nghị quyết vừa nói của Palestine.

Palestine cũng như Tòa Thánh đều có cùng quy chế quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc. Trong dự thảo, Palestine trích dẫn nhiều về Tòa Thánh để hỗ trợ lý luận của mình về việc cho treo cờ các nước quan sát viên thường trực cạnh các nước thành viên của tổ chức quốc tế này.

Thông báo của Tòa Thánh nói rằng Tòa Thánh không chống lại sự kiện Palestine yêu cầu cho trưng cờ của mình, nhưng không muốn đích thân can dự vào việc này.

Palestine được Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận cho qui chế Quốc gia Quan sát viên thường trực hồi tháng 11 năm 2012, nhưng Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn luôn ngăn chặn việc cho Palestine trở thanh quốc gia thành viên (lần bỏ phiếu cuối cùng diễn ra hồi tháng 12 năm 2014 với đa số chỉ có 1 phiếu).

Tòa Thánh có thể trở thành quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nhưng chỉ muốn được qui chế Quan sát viên thường trực, để tránh bị lôi kéo vào phe này và phe kia.

Ngày 13 tháng 5 năm 2015, Tòa Thánh và Palestine đã ký kết một hiệp định song phương trong đó có nói rõ ràng về “Quốc gia Palestine”, điều này khiến cho Israel phản đối. Giới báo chí cho rằng sự kiện Tòa Thánh không muốn ủng hộ dự thảo nghị quyết của Palestine là để tránh những tranh luận mới. Ðối với Tòa Thánh, tại Thánh Ðịa những sự kiện và cử chỉ hòa bình thì quan trọng hơn là những lời nói và lá cờ, dù ở phe bên này hay phe bên kia.

6. Cuba chuẩn bị nơi cử hành Thánh Lễ của Ðức Thánh Cha.

Quảng trường Cách Mạng ở thủ đô La Habana của Cuba đã được chuẩn bị cho thánh lễ Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành tại đây sáng Chúa Nhật 20 tháng 9 năm 2015.

Một bàn thờ lớn và một nhà mặc áo lễ với màu cờ vàng trắng của Vatican, cùng với 3 bục cao dành cho giới báo chí, và ca đoàn cũng đã được chuẩn bị xong hôm 26 tháng 8 năm 2015.

Giới báo chí ghi nhận rằng từ hơn 40 ngày nay, khoảng 50 công nhân đã làm việc để chuẩn bị cho khu vực Ðức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ vào ngày hôm sau khi ngài từ Roma bay đến Cuba.

Cũng tại Quảng trường Cách mạng này, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã cử hành thánh lễ hồi năm 1998 và Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức 16 hồi năm 2012. Quanh Quảng trường có nhiều trụ sở của các bộ và tượng đài Ông José Marti, anh hùng độc lập của Cuba.

Theo báo chí địa phương, những công việc còn lại là thiết lập một số dụng cụ trang trí và các hàng rào cho buổi lễ.

Chủ tịch Raoul Castro đứng đầu trong số 4 ngàn khách mời dự lễ, cùng với hàng trăm ngàn tín hữu.

Sau thủ đô La Habana, Ðức Thánh Cha sẽ đến thăm và cử hành thánh lễ tại giáo phận Holguin ở mạn đông bắc Cuba, trước khi bay đến thành phố Santiago de Cuba ở mạn cực nam Cuba, nơi có Ðền thánh Ðức Mẹ bác ái mỏ đồng, bổn mạng của nước này. Theo các cơ quan truyền thông Cuba, công việc chuẩn bị đón tiếp Ðức Thánh Cha tại các nơi này cũng đang được hoàn thành.

7. 220 ngàn bạn trẻ đã đăng ký dự Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Krakow.

Chỉ trong vòng 1 tháng đầu tiên đã có 220 ngàn bạn trẻ đăng ký tham dự Ngày Quốc Tế giới tại Krakow hay còn gọi là Cracovia, Ba Lan, vào cuối tháng 7 năm 2016.

Hôm 25 tháng 8 năm 2015, Ðức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Krakow, nói với hãng tin KAI của Công Giáo Ba Lan rằng sự chú ý tới Ngày Quốc Tế giới trẻ với Ðức Thánh Cha Phanxicô rất mạnh không những ở Âu Châu, nhưng cả tại Mỹ châu nữa. Hồi năm 2011, phải đợi 6 tháng số người đăng ký mới lên tới khoảng 200 ngàn người, để tham dự Ngày Quốc tế giới trẻ tại Madrid, Tây Ban Nha.

Ðức Hồng Y Dziwisz cũng tiết lộ rằng trong chuyến đi Ba Lan vào năm tới, ngoài Krakow, Ðức Thánh Cha Phanxicô còn viếng Ðền thánh Ðức Mẹ Czestochowa, và trại tập trung Auschwitz. Các Giám Mục Ba Lan mong ước ngài viếng thăm Poznan, Gniezno và thủ đô Varsava.

Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Krakow sẽ tiến hành từ ngày 26 đến 31 tháng 7 năm 2016. Ban tổ chức dự kiến sẽ có 2 triệu 500 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ bế mạc do Ðức Thánh Cha cử hành sáng Chúa Nhật 31 tháng 7 năm 2016.

8. Quyết định của Đức Thánh Cha: Mọi linh mục đều có năng quyền tha tội phá thai trong Năm Thánh Lòng Thương Xót

Phá thai là một trường hợp đặc biệt tự động bị vạ tuyệt thông không phải chỉ cho người mẹ đã phá thai, mà cả cho người chồng hay các người bà con đã khiến cho người mẹ phá thai, và nhân viên y tế, tức các bác sĩ và y tá cộng tác tích cực vào việc phá thai.

Người bị vạ tuyệt thông bị cấm lãnh nhận các bí tích, bao gồm cả bí tích Hòa Giải, tức bí tích Giải Tội. Vì thế, một người bị vạ tuyệt thông không thể lãnh nhận bí tích Hòa Giải khi chưa được giải vạ tuyệt thông. 

Trong trường hợp phá thai vạ tuyệt thông có thể được giải bởi Đức Giám Mục bản quyền và những linh mục mà ngài chỉ định.

Trong thư đề ngày 1 tháng Chín gửi Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, là cơ quan được Đức Thánh Cha giao nhiệm vụ phối hợp các hoạt động Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha viết: 

“Tôi quyết định ban phép cho tất cả các linh mục, trong Năm Thánh, được giải tội phá thai cho những người đã gây ra và nếu họ thành tâm thống hối xin tha thứ. Các linh mục hãy chuẩn bị thi hành công tác quan trọng này, hãy biết liên kết những lời đón tiếp chân thành với một suy tư giúp hiểu tội đã phạm và chỉ dẫn con đường hoán cải đích thực để đón nhận sự tha thứ chân thực và quảng đại của Chúa Cha, Đấng đổi mới mọi sự bằng sự hiện diện của Ngài.”

Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ bắt đầu từ ngày 8 tháng 12 năm nay và kết thúc vào ngày 20 tháng 11 năm 2016.

Trong thư, Đức Thánh Cha cũng truyền rằng phép giải tội do các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X ban trong Năm Thánh Lòng Thương Xót là thành sự. 

Ngài viết:

“Một cân nhắc cuối cùng liên quan đến các tín hữu vì nhiều lý do đã chọn tham dự thánh lễ tại các nhà thờ điều hành bởi các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X. Năm Thánh Lòng Thương Xót không loại trừ một ai. Từ các miền khác nhau, một số anh em giám mục nói với tôi về đức tin và việc thực hành các bí tích tốt đẹp của họ, tuy nhiên họ sống trong một tình trạng áy náy về mục vụ… Trong khi tìm một giải pháp tái lập sự hiệp thông trọn vẹn với các linh mục và các vị bề trên của Huynh đoàn, tôi qui định rằng những tín hữu ấy, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, khi đến lãnh nhận bí tích Hòa Giải nơi các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X, thì họ lãnh nhận ơn xá giải các tội lỗi của họ một cách hữu hiệu và thành sự.”

Trong Năm Thánh, Giáo Hội khích lệ các tín hữu đón nhận ơn toàn xá bằng cách thực hiện những cuộc hành hương qua 4 Cửa Thánh tại 4 Đại Đền Thờ ở Rôma là Đền Thờ Thánh Phêrô, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, Đền Thờ Đức Bà Cả và Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Tuy nhiên, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót tất cả các giáo phận trên thế giới đều có Cửa Năm Thánh để giúp các tín hữu dễ dàng đón nhận ơn toàn xá.

Đức Thánh Cha viết: 

“Tôi mong muốn ân xá Năm Thánh đến với mỗi người như một kinh nghiệm chân thực về lòng từ bi của Chúa, lòng từ bi thương xót này đến với mỗi người với khuôn mặt của Người Cha đón nhận và tha thứ, hoàn toàn quên các tội đã phạm. Để sống và được ơn xá, các tín hữu được kêu gọi thực hiện một cuộc lữ hành ngắn tiến qua Cửa Thánh, được mở tại mỗi nhà thờ chính tòa giáo phận hoặc tại các thánh đường do Đức Giám Mục giáo phận chỉ định, và tại 4 đền thờ Giáo Hoàng ở Rôma, như dấu chỉ ước muốn nồng nhiệt hoán cải chân thực. Tôi cũng qui định rằng các tín hữu cũng được hưởng ân xá khi qua tiến qua Cửa Thánh tại các đền thánh hay trong các thánh đường theo truyền thống được coi là nhà thờ Năm Thánh”.

Các tín hữu già yếu không thể ra khỏi nhà nếu kết hiệp những đau khổ họ phải chịu với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu có thể được ơn xá khi rước lễ hoặc tham dự thánh lễ và kinh nguyện cộng đồng, kể cả qua các phương tiện truyền thông.

Với các tù nhân, Đức Thánh Cha mong ước Năm Thánh là một cơ hội đại xá dành cho những người, tuy đáng bị hình phạt, nhưng đã ý thức những bất công mình đã gây ra và chân thành muốn tái hội nhập vào xã hội. Ngài qui định rằng các tù nhân có thể lãnh nhận ân xá trong các nguyện đường ở nhà tù, và mỗi lần họ bước qua cửa phòng giam của họ, nghĩ đến và cầu nguyện với Chúa Cha, thì cử chỉ này đối với họ cũng tương đương với việc bước qua Cửa Năm Thánh.

9. Hai thánh đường Công Giáo ở thủ đô Damascus bị pháo kích.

Một trận mưa đạn pháo từ khu vực phiến quân đã dội xuống thủ đô Damascus của Syria, hôm 23 tháng 8, trúng 2 thánh đường làm cho 9 thường dân bị thiệt mạng và 47 người bị thương.

Ðức Cha Samir Nassar, Tổng Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo Maronit ở Damascus nói với hãng tin Fides của Bộ truyền giáo rằng có hai quả trọng pháo rơi xuống mái nhà thờ Công Giáo Maronit và thánh đường Công Giáo la tinh gần đó cũng bị trúng đạn.

Ðức Tổng Giám Mục Nasser cho biết: “Một khía cạnh trong chiến tranh Syria là sống dưới những cuộc pháo kích mù quáng, người ta không biết khi nào mình có thể bị trúng bom đạn.. Những người còn sống không thể săn sóc những người bị thương vì thiếu phương tiện và không có khả năng chuyên môn. Họ chìm đắm trong kinh nguyện thinh lặng, trước di cốt của những vị tử đạo là hạt giống đức tin”.

Theo Ðức Tổng Giám Mục Nasser, tuy những cuộc pháo kích vào Damascus tương đối hiếm, nhưng các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội chính phủ và phiến quân tại các khu vực ngoại ô là điều thường xuyên. Tình trạng đó cũng khiến cho việc tiếp tế lương thực thuốc men cho vùng thủ đô ở trong tình trạng bấp bênh”.

Theo thống kê chính thức, tổng giáo phận Damascus của Giáo Hội Công Giáo Maronite có 15 ngàn tín hữu và Giáo Hội Công Giáo Syriac có 14 ngàn tín hữu tại đây, trong khi Giáo Hội Công Giáo Melkite có 3 ngàn tín hữu.

Trước tình cảnh điêu linh của người dân Syria với 4 triệu người phải di tản ra nước ngoài, 7,600,000 người phải tản cư bên trong Syria, hầu hết các thành phố đều bị tàn phá nặng nề, Đức Giám Mục giáo phận Leiria-Fátima, Bồ Đào Nha, phối hợp với phong trào Blue Army, hay còn gọi là Đạo Binh Xanh, quyết định đưa thánh tượng Đức Mẹ Fatima từ Đền Thánh Fatima ở Bồ Đào Nha sang thủ đô Damascus của Syria.

Bộ ngoại giao Syria hoan nghênh quyết định thể hiện tình liên đới này và cho biết thánh tượng Đức Mẹ Fatima sẽ đến thủ đô Damascus vào ngày 7 tháng Chín tới đây.

Trong thông báo về diễn biến này, Đức Cha António Augusto dos Santos Marto của giáo phận Leiria-Fátima thúc giục Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Âu Châu “đừng bỏ rơi các nạn nhân của bất khoan dung và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo”.

Đức Cha António nói thêm rằng quyết định của ngài là để đáp lại lời mời gọi của các Giám Mục Trung Đông là những người đang phải đau lòng chứng kiến sự tận diệt Kitô Giáo trong vùng.

10. Ðiều tra tôn giáo tại Ấn Ðộ cho thấy số tín hữu Ấn giáo giảm sút trong khi số tín hữu Kitô ổn định.

Theo số liệu của cuộc điều tra tình hình các cộng đồng tôn giáo tại Ấn Ðộ năm 2011 được các nhà chức trách nước này công bố, số tín đồ Hồi giáo đã tăng thêm 0.8% và hiện chiếm 14.2% dân số, trong khi Ấn Ðộ giáo đã giảm 0.7% và chiếm 79.8% dân số cả nước.

Kitô giáo vẫn giữ mức ổn định với tỉ lệ 2.3% dân số, trong khi người Sikh có tỉ lệ 1.7% và Phật giáo 0.7%.

Cuộc điều tra cũng xác nhận dân số Ấn Ðộ là 1 tỉ 200 triệu dân. Theo số liệu, số người Hồi giáo đã gia tăng tại tất cả các bang lớn của Liên bang Ấn Ðộ.

11. Ðức Thượng phụ Công Giáo Syria tha thiết xin trợ giúp.

Ðức Thượng phụ Công Giáo Syria Ignatius Youssef Younan Đệ Tam đã bày tỏ sự tuyệt vọng và nỗi sợ hãi của các Kitô hữu Syria. Ngài kêu gọi sự trợ giúp chống lại “nỗi kinh hoàng” do quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS gây ra.

Tuyên bố của Đức Thượng Phụ đã được gửi đến Hiệp hội nhân đạo Kitô giáo L’Oeuvre d’Orient nghĩa là Bác ái Ðông phương sau khi quân IS phá huỷ tu viện Mar Elian tại thành phố Al-Qaryatayn và bắt đi hàng chục Kitô hữu hôm thứ Sáu, 21 tháng Tám vừa qua.

Ðức Thượng phụ Youssef III kêu gọi “thế giới mệnh danh là văn minh” đừng giữ sự im lặng giả hình nữa, trước những “kinh hoàng” do quân IS gây ra. 

Trong một ám chỉ mạnh mẽ về Hoa Kỳ, ngài gay gắt chỉ trích: “Làm sao một đất nước tự cho mình là người bảo vệ quyền con người lại có thể nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi sai trái như chặt đầu, bắt làm nô lệ và hãm hiếp các trẻ em và phụ nữ? Ðó có phải là dân chủ không?”

Ngài nói tiếp: “Chúng tôi cần phải hét to lên: chúng tôi sợ quân IS, bởi vì chúng tôi đã bị bỏ rơi và chúng tôi không có phương tiện tự bảo vệ mình”.

Trong tuyên bố, Ðức Thượng phụ xác nhận rằng tu viện Mar Elian, “có tuổi thọ ít nhất mười lăm thế kỷ”, đã bị bọn “tội phạm ISIS” phá huỷ.

“Vị tu viện trưởng, cha Jacques Mourad, đã bị bắt cóc từ ba tháng nay, chắc chắn do chính những kẻ khủng bố cứ dựa vào tôn giáo của lòng thương xót nhưng lại làm đủ mọi điều phi lý nhân danh Thiên Chúa của mình!”.

Ðức Thượng phụ bày tỏ lo ngại về số phận của “hàng chục gia đình bị bắt cóc” và xác định hiện nay không thể liên lạc được với những nơi này.

12. Tuyên phong Chân Phước cho Đức Giám Mục Công Giáo Syria Flavianus Michael Melki

Đức Giám Mục Công Giáo Flavianus Michael Melki, chịu tử đạo trong thời kỳ “Diệt chủng Assyria (1914-1918)” do đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ gây ra, đã được tôn phong Chân phước vào ngày thứ Bảy 29 tháng Tám, trong một cử hành phụng vụ trọng thể tại Tu viện Ðức Bà Giải Thoát ở Harissa bên Li Băng, với sự tham dự của nhiều vị Thượng phụ và lãnh đạo các Giáo Hội Kitô giáo Ðông phương Liban, Syria và Iraq.

Ðức Thượng phụ Công Giáo Syria Ignatius Youssef Đệ Tam đã chủ sự buổi lễ. Khởi đầu Phụng vụ thánh, Đức Hồng Y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Phong thánh đã tuyên đọc Sắc lệnh tôn phong Chân phước của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Ðức giám mục Flavianus Michael Melki đã bị giết vì lòng thù ghét đức tin vào ngày 29 tháng Tám năm 1915 cách nay một trăm năm tại Djézireh – nay là Thổ Nhĩ Kỳ, trong các vụ thảm sát người Armenia và các thành viên của các cộng đồng Kitô giáo khác theo sự xúi giục của Phong trào Jon Turkler – Nước Thổ Nhĩ Kỳ trẻ trung, là nhóm nắm chính quyền lúc bấy giờ. 

Linh mục Công Giáo Syria Nizar Semaan nói với hãng tin Fides rằng: “Từ lâu rồi Giáo Hội của chúng tôi đã không có một vị Chân phước nào, và Ðức giám mục Melki sẽ là người đầu tiên của trong số các vị tử đạo Syria của nạn Diệt chủng được vinh dự tôn kính trên bàn thờ. Lễ tôn phong Chân phước cho ngài là một món quà cho tất cả các Kitô hữu Ðông phương”.

Cha Nizar nói thêm: “Trong giai đoạn thử thách mới này, khuôn mặt của ngài cho chúng ta thấy đức tin ngời sáng mà ngài đã sống trong cuộc đàn áp khốc liệt một trăm năm trước đây, và ngài có thể đem lại hy vọng và can đảm cho tất cả các tín hữu. Chúng tôi cầu xin, nhờ ngài chuyển cầu và trợ giúp, cho mọi người tại các quốc gia ở Trung Ðông biết tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô, và cũng cầu xin cho các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự biết đi theo con đường dẫn đến hoà bình’.

Vị tân Chân phước sinh năm 1858 tại Kalaat Mara, một ngôi làng ở phía đông Merdin. Ngài thụ phong giám mục Gazarta năm 1913, sống trong giai đoạn nghèo đói cùng cực và đã phải bán đi quần áo của mình để giúp đỡ người nghèo. Mùa hè năm 1915, ngài bị chính quyền Ottoman bắt giữ vào ngày 28 tháng 8 năm 1915, cùng với một giám mục Canđê. Theo các nguồn tin Hồi giáo, nhân chứng cho biết hai vị giám mục đã bị giết vì không chịu chối bỏ đức tin và cải sang đạo Hồi. Ðức giám mục Michael Melki đã bị tra tấn đến chết và sau đó bị chặt đầu.

13. Điện văn của Ðức Thánh Cha gởi tổng thống Ukraine

Ðức Thánh Cha chúc mừng ngày độc lập của Ukraine khỏi ách thống trị của Nga và cầu cho đất nước này được hòa bình.

Trên đây là nội dung sứ điệp Ðức Thánh Cha Phanxicô gửi đến tổng thống Petro Poroshenko hôm 24 tháng 8, nhân kỷ niệm lần thứ 24 Ukarine được độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991. Sứ điệp có đoạn viết: “Tôi cầu nguyện cho đất nước của Tổng Thống trong tình trạng khó khăn này và tôi hỗ trợ những cố gắng giúp đất nước Ukarine tiến bước trong tinh thần hòa bình và thống nhất”.

Ðức Thánh Cha tái bày tỏ sự gần gũi tinh thần với các nạn nhân, gia đình họ và tất cả những người đang chịu đau khổ.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23 tháng 8 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha cũng đã nói rằng:

“Tôi lo âu theo dõi xung đột ở miền tại Ukraine lại trở nên sôi động trong những tuần lễ gần đây. Tôi lập lại lời kêu gọi hãy tôn trọng các cam kết đã đề ra để đạt tới sự bình định và với sự trợ giúp của các tổ chức và những người thiện chí, người ta đáp ứng được tình trạng cấp thiết mà nhiều người đang phải chịu tại nước này. Xin Chúa ban hòa bình cho Ukraine, đang chuẩn bị mừng quốc khánh vào ngày mai”.

Lễ quốc khánh mừng độc lập của Ukraine đã diễn ra tại thủ đô Kiev với cuộc diễn binh trọng thể. Trong diễn văn, Tổng thống nhắc đến thảm trạng chiến tranh của đất nước: gần 2,100 binh sĩ bị thiệt mạng trong cuộc xung đột tại vùng Donbass ở mạn đông Ukraine chống những thành phần thân Nga đang đòi ly khai, khoảng 7 ngàn binh sĩ bị thương. Tổng cộng từ khi xảy ra cuộc xung đột đến nay có 6,800 người chết, trong đó có nhiều thường dân. Hàng chục ngàn người tản cư, không còn nhà cửa và đất đai. Bao nhiêu người nam, phụ, lão, ấu phải rời bỏ các vùng xung đột.

Tổng thống Poroshenko cũng tố giác chiến lược của Nga ngăn cản không cho Ukraine xích lại gần Âu Châu. Theo ông 50 ngàn quân Nga trú đóng gần biên giới Nga – Ukraine, và 9 ngàn quân Nga khác đang hỗ trợ các “nhóm phiên quân” ở những vùng ly khai. 

14. Tố giác những tấn kích nhắm vào các tín hữu Kitô Ấn Độ

Thông tấn xã Công Giáo Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết nhóm “Diễn đàn Kitô tỉnh Sambalpur”, thuộc bang Orissa bên Ấn Ðộ đã gửi một giác thư đến ông Jamir, thống đốc bang này, yêu cầu chính quyền bảo vệ an ninh và quyền lợi của các tín hữu ky tô công dân, như đã được Hiến Pháp quốc gia bảo đảm.

Ngày 25 tháng 08 năm 2015, các tín hữu Kitô cử hành ngày đặc biệt tưởng niệm nạn nhân của các bạo lực hồi năm 2007 và năm sau đó 2008. Lãnh thổ chịu nhiều thiệt hại nhất là huyện Kandhamal, với 400 làng bị thanh lọc hoàn toàn, mọi tín hữu Kitô bị đuổi đi nơi khác. 5,600 căn nhà của người Kitô và 296 nhà thờ bị thiêu đốt, 100 người bị giết nhưng chính quyền chỉ thừa nhận có 56 người chết mà thôi. Hàng ngàn người khác bị thương, chưa kể đến nhiều phụ nữ bị cưỡng hiếp và 56 ngàn người phải tản cư.

Trong giác thư, Diễn đàn Kitô Sambalpur nhắc nhở chính quyền bang Orissa rằng “Chúng tôi, những người tin vào Chúa Kitô, chúng tôi là những người giàu lòng thương xót, hiền hòa, khiêm hạ: chúng tôi chỉ mong được bảo đảm hòa bình, an ninh và bảo vệ như một cộng đoàn thiểu số tại Orissa. Diễn đàn cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với chính quyền Sambalpur đã nỗ lực tôn trọng luật pháp bảo đảm hòa bình và an ninh cho toàn cộng đoàn Kitô suốt những năm gần đây. Theo hãng tin Fides, tình hình liên tôn tại bang Orissa hiện nay đang tạm yên, nhưng người ta cần đề cao cảnh giác, nhất là cần quan sát các nhóm ấn giáo quá khích. Trong những tháng gần đây, giới chức chính quyền đã chấp thuận yêu cầu của các tổ chức và các Giáo Hội Kitô, cấm lãnh tụ ấn giáo quá khích Pravin Togadia không được vào huyện Kandhamal. Ông này thường hay dùng những lời lẽ khích động người ấn giáo nổi lên dùng bạo lực. Dạo năm 2008, ngay trước khi bạo lực tái bùng nổ tại Kandhamal, Togadia đã nhiều lần đến thăm vùng này.

15. Phát biểu của Ðức Hồng Y Jean-Louis Tauran tại cuộc Gặp Gỡ Rimini

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cuộc Gặp Gỡ Rimini lần thứ 36 diễn ra từ hôm 20 tháng 8 do phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng tổ chức đã kết thúc hôm 26 tháng 8 vừa qua.

Cuộc Gặp Gỡ Rimini năm nay thu hút các thành phần ưu tú nhất trong đời sống chính trị và xã hội Ý và một số nhân vật cao cấp của Vatican và thế giới. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã gửi tới đại hội một sứ điệp video. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng Thống Ý Sergio Mattarella đều gửi thông điệp cho đại hội.

Đích thân tham dự Cuộc Gặp Gỡ này, Ðức Hồng Y Jean-Louis Tauran, người phụ trách cuộc đối thoại của Tòa Thánh với các tôn giáo khác, nói với các đại diện cao cấp của Do Thái Giáo và Hồi Giáo tại Cuộc Gặp Gỡ Rimini rằng: Thiên Chúa chưa chết.

Theo Đức Hồng Y, quả là một nghịch lý khi các tôn giáo bị liên kết với bạo lực. Ðây là kết quả của các nhóm khủng bố và cực đoan thiểu số trong các tôn giáo, nhất là Hồi Giáo. 

“Nhưng hiển nhiên, đó không phải là Hồi Giáo đích thực”. Ngài bảo: tôn giáo không phải là vấn nạn mà là giải pháp cho an ninh quốc tế.

Ðức Hồng Y Tauran nói thêm rằng “chúng ta hiện sống trong một thế giới nghịch lý. Một đàng, có những người tuyên bố Thiên Chúa đã chết, ta không cần Người nữa. Nhưng đàng khác, chỉ cần nhìn các sạp báo: bao nhiêu lần Thiên Chúa được nhắc tới trên báo chí?”

Về ba tôn giáo độc thần là Kitô Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo, ngài cho hay họ có ba thách đố: “bản sắc, tư cách người khác, và thành thực trong ý hướng”.

Thành thực, theo ngài, là ý thức rằng trong đối thoại tôn giáo không nên có ý hướng cải đạo người khác. Ngài bảo: “đối thoại liên tôn có thể cổ vũ việc trở lại, nhưng đó không phải là mục đích. Mục đích của đối thoại là từng bước tiến tới sự thật”.

Trong cuộc thảo luận này, có sự hiện diện của Azzedine Gaci, trưởng Ðền Thờ Hồi Giáo Othman ở Villeurbanne, Pháp, và Haim Koria, trưởng giáo sĩ Do Thái Giáo của Pháp.

Phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng đã được thành lập bởi Tôi Tớ Chúa là Cha Luigi Giussani sinh năm 1922 và qua đời năm 2005. Tiến trình phong chân phước cho ngài đang trong giai đoạn khởi sự.

16. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong Tháng Chín

Kính thưa quý vị và anh chị em, trong tháng Chín này, ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô như sau:

– Ý chung: Cầu cho tất cả mọi người trẻ được thăng tiến nhờ được giáo dục và có công ăn việc làm.

– Ý truyền giáo: Cầu cho các giáo lý viên trở nên nhân chứng bằng một đời sống phù hợp với đức tin mà họ rao giảng.

17. Cuba có thể sẽ ruồng bắt các thành phần đối lập trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm

Một nhà lãnh đạo của một nhóm nhân quyền tại Cuba đang lo ngại rằng chính phủ nướ này sẽ lặp lại chiến dịch đàn áp đối lập giống như năm 2012 khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đến thăm Cuba.

Bà Berta Soler, người lãnh đạo của nhóm Phụ Nữ Áo Trắng, là nhóm gồm những thân nhân vợ con của những người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ nói:

“Trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, chính quyền Cuba đã bắt giữ hoặc ngăn ngừa những người bất đồng không thể liên lạc với nhau. Họ cũng đóng cửa các đường dây điện thoại trong một đường kính rộng từ 15 đến 25 dặm. Các điện thoại di động của những người hoạt động nhân quyền và cuả người thân đều không thể hoạt động được. Ba ngày trước khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đến, chính quyền Cuba đã bắt giữ tất cả các nhà hoạt động nhân quyền, vì vậy chúng tôi đã không thể tham dự do Đức Giáo Hoàng cử hành tại Santiago de Cuba và Havana. Chúng tôi đang lo ngại rằng những điều tương tự sẽ lại xảy ra khi Đức Thánh Cha Phanxicô tới” 

Các nhà lãnh đạo đối lập đã báo cáo rằng việc gây khó dễ cho nhóm Phụ Nữ Áo Trắng và các nhà hoạt động đối lập đã bắt đầu xảy ra từ ngày Chúa Nhật vừa qua.

Theo bà Soler, hiện nay “đang có khoảng 80 tù nhân chính trị đang bị giam và 42 người bị quản thúc tại gia. 42 người này có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào và bị đưa vào tù mà không cần xét xử.”

Nguồn: Vietcatholic News

h2

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …