Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 27/12/2013 – 02/01/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 27/12/2013 – 02/01/2014

 

Những ngày đầu Năm Mới tại Vatican

1. Buổi hát Kinh Chiều Tạ Ơn

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cũng giống như các vị tiền nhiệm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành buổi chiều tối ngày cuối năm để tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành trong một năm đầy những biến cố ngoại thường trong đời sống Giáo Hội.

Vào lúc 5h chiều ngày 31 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều tạ ơn Te Deum bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với tất cả các vị trong giáo triều Rôma. Hiện diện trong buổi lễ cũng có đông đảo các vị trong Ngoại Giao Đoàn cạnh Tòa Thánh. 

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy xét mình xem mình đã sử dụng thế nào thời gian Chúa ban: “Phải chăng chúng ta đã dùng thời gian đó chủ yếu cho bản thân, cho những tư lợi hay cũng sử dụng nó cho tha nhân, cho Thiên Chúa? Bao nhiêu thời gian chúng ta đã dành để ‘ở với Chúa’, trong kinh nguyện, trong thinh lặng?”

Cuối buổi lễ, Đức Thánh Cha đã ra quảng trường Thánh Phêrô nơi ngài đã cầu nguyện hồi lâu bên máng cỏ Giáng sinh.

2. Thánh lễ đầu Năm Mới tại Vatican

Lúc 10h sáng thứ Tư 1 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón năm mới với thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và Ngày Hoà Bình thế giới tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Ngài kêu gọi các tín hữu nhìn lên Đức Maria như một người Mẹ cho tất cả chúng ta và như một sứ giả của niềm hy vọng.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có đông đảo các vị trong giáo triều Rôma. Đặc biệt, Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, và Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã đứng hai bên Đức Thánh Cha trên bàn thờ. Tham dự thánh lễ có các vị đại sứ trong ngoại giao đoàn và đông đảo các tín hữu ngồi chật bên trong đền thờ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong năm Phụng Vụ “không có thời điểm nào có ý nghĩa hơn là ngày đầu một năm mới” để lắng nghe phúc lành của Thiên Chúa. “Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!

Nguyện Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!

Nguyện Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!”

(Dân Số 6:24-26)

Những lời đầy sức mạnh, lòng can đảm và hy vọng này sẽ đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình trong Năm Mới. Đây không phải là một niềm hy vọng đầy ảo tưởng dựa trên những lời hứa yếu đuối của con người, hay một hy vọng ngây ngô giả định rằng tương lai sẽ tốt hơn hiện tại đơn giản chỉ vì nó là tương lai. Nhưng niềm hy vọng này có lý do của nó bắt nguồn từ phúc lành của Thiên Chúa, một phúc lành chứa đựng lời cầu chúc lớn nhất, lời cầu chúc của Giáo Hội gửi đến từng người trong chúng ta, tràn đầy tất cả sự chở che yêu thương của Chúa và sự trợ giúp quan phòng của Ngài.

Thông điệp của hy vọng trong phúc lành của Thiên Chúa, đã được thực hiện đầy đủ trong một người phụ nữ là Đức Maria, người được chỉ định để trở thành Mẹ Thiên Chúa. 

Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu phó thác cho Mẹ “hành trình đức tin, những khao khát trong con tim chúng ta, nhu cầu của chúng ta và của toàn thế giới, đặc biệt là của những ai đói khát công lý và hòa bình,” 

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “qua gương khiêm nhường và sự cởi mở của Mẹ Maria với Thánh Ý Chúa, Mẹ sẽ giúp chúng ta truyền đạt đức tin với lòng hân hoan công bố Tin Mừng cho tất cả mọi người”. Hướng về phía bức tượng Đức Mẹ gần bàn thờ cao, Đức Thánh Cha đã lặp đi lặp lại một cách mạnh mẽ “Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con”

3. Thông Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới

Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin chung với 140.000 tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, trong đó có hàng trăm nhóm tham dự cuộc tuần hành cho hòa bình do cộng đoàn thánh Egidio, các hiệp hội và phong trào kitô và hòa bình tổ chức ngày mùng 1 tháng Giêng hàng năm. Năm nay cuộc tuần hành cho hòa bình đã được tổ chức trong 700 thành phố trên toàn thế giới.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã chúc mọi người được hòa bình và mọi điều thiện hảo trong năm mới 2014, Ngài nói: Lời chúc này của Giáo Hội dựa trên biến cố chính của lịch sử: Đức Giêsu Kitô đã nhập thể làm người, đã chết và sống lại. Lời chúc ấy có một đích điểm là Vương quốc Thiên Chúa, nước của hòa bình, công lý và tự do trong tình yêu; và có sức mạnh hướng tới đích điểm ấy nơi Chúa Thánh Thần.

Sứ điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha về ngày hòa bình thế giới 1.1.2014 có chủ đề là “Tình huynh đệ, nền tảng và con đường dẫn tới hòa bình”

Sứ điệp này của Đức Thánh Cha bao gồm 10 số, trong đó Ngài bàn đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, mà tâm điểm là tình huynh đệ. Ngài đã dựa vào câu chuyện của ông Cain và Aben trong sách Sáng Thế để nhận định rằng tình huynh đệ là ơn gọi và cũng là khao khát cháy bỏng của mọi con người. Nhưng con người đã vì những ích kỷ của mình mà phản bội lại ơn gọi này khi nỡ ra tay sát hại đồng loại, gây ra biết bao tai ương cho nhau. 

Ngài cũng trích dẫn một số Thông Điệp của các vị tiền nhiệm để gợi nhắc lại ý nghĩa của chữ “hòa bình”. Để có thể có được bình an, nhất thiết, con người không thể xem nhau như người đối nghịch nhưng như những anh chị em thân cận để quan tâm và chăm sóc. 

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng con người sẽ không thể có được tình huynh đệ thực sự với nhau nếu không quy chiếu đến một tình Phụ tử chung là tình yêu của Thiên Chúa.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã cám ơn Tổng Thống Italia là ông Napolitano về các lời cầu chúc trong sứ điệp cuối năm. Ngài xin Chúa tuôn đổ phúc lành trên tổng thống và toàn dân Italia, để với sự đóng góp có trách nhiệm và liên đới của mọi người, đất nước Italia có thể nhìn về tương lai với sự tin tưởng và niềm hy vọng. Ngài cũng cám ơn tất cả các sáng kiến dấn thân cho hòa bình tại khắp nơi trong ngày Hòa Bình thế giới, đặc biệt là cuộc tuần hành toàn quốc tại Campobasso do Hội Đồng Giám Muc Italia cùng phát động chiều ngày 31 tháng 12 cùng với tổ chức Caritas và Hòa Bình Chúa Kitô; cũng như các cuộc biểu tình “Hòa bình trong mọi vùng đất” do cộng đoàn thánh Egidio tổ chức tại Roma và nhiều nơi khác trên thế giới.

4. Đức Thánh Cha đến cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả nhân ngày Đầu Năm

Đông đảo các tín hữu đang cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả trưa hôm thứ Tư 1 tháng Giêng đã vui mừng khi thấy Đức Thánh Cha Phanxicô bất ngờ đến cầu nguyện chung với họ.

Đây là lần thứ Ba, Đức Thánh Cha đến cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Lần thứ nhất là vào buổi sáng hôm 14 tháng Ba năm 2013, tức là vào buổi sáng đầu tiên sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Lần thứ hai là hôm 29 tháng Bẩy khi ngài vừa về đến Rôma sau Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio De Janeiro.

Việc Đức Thánh Cha đến cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả không có trong chương trình chính thức được Tòa Thánh công bố trước đó. Vì thế, các tín hữu đã sửng sốt, vui mừng và vỗ tay hoan hô ngài.

Trong bài giảng Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa vào buổi sáng ngày đầu năm, Đức Thánh Cha cũng đã nhắc đến ngôi đền thờ này.

Ngài nói:

“Chân lý về chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria tìm thấy sự vang vọng tại Roma này là nơi ít lâu sau đó đã xây lên Đền Thờ Đức Bà Cả, là đền thánh đầu tiên tại Rôma và trong toàn Tây Phương, nơi tôn kính ảnh Mẹ Thiên Chúa Theotokos – với tước hiệu ‘Đức Bà là phần rỗi của dân Rôma’”.

Cũng như hai lần trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quỳ gối cầu nguyện trong thinh lặng trước ảnh Đức Bà là Phần Rỗi Dân Rôma.5. Đức Thánh Cha cùng ăn trưa với vị tiền nhiệm của ngài

Trưa ngày 27 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 dùng bữa trưa với ngài tại Nhà Trọ Santa Marta nơi ngài cư ngụ.

Trong cuộc viếng thăm hôm 23 tháng 12 trước đó tại tu viện Mater Eclesiae để chúc mừng nhân dịp lễ Giáng Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời vị tiền nhiệm đến dùng bữa với ngài trong những ngày lễ này.

Tham dự bữa ăn trưa hôm thứ Năm vừa qua cũng có các vị bí thư riêng của hai Đức đương kim và cựu Giáo Hoàng, cùng với Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Ông Bryan Wells, Phó Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có mặt tại Vatican trong những ngày lễ này.

6. Từ Tháng Giêng, anh chị em giáo dân Rôma sẽ được tham dự Thánh Lễ hàng ngày với Đức Giáo Hoàng 

Hôm 27 tháng 12, Cha Federico Lombardi, Giám đốc phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết anh chị em giáo dân các giáo xứ tại Rôma sẽ được tham dự Thánh Lễ hàng ngày với Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở nhà nguyện Santa Marta kể từ đầu tháng Giêng.

Đức Hồng Y Agostino Vallini, là Đức Hồng Y đại diện cho Đức Thánh Cha tại Rôma đã gởi thông báo cho các linh mục cách thức ghi danh tham dự Thánh Lễ hàng ngày của Đức Giáo Hoàng với một nhóm từ giáo xứ của họ – có lẽ là khoảng 25 người. 

Trong năm 2013, những người tham dự thánh lễ hàng ngày với Đức Thánh Cha thường là những nhân viên đang làm việc tại Vatican. Theo cha Lombardi, Đức Thánh Cha nói rằng sáng kiến này sẽ cho phép người dân Rôma gặp gỡ với giám mục của mình, vì Đức Giáo Hoàng không thể thăm tất cả các giáo xứ trong giáo phận. Đức Giáo Hoàng cũng đồng thời là Giám Mục Rôma.

7. Ba quả bom phát nổ ở Baghdad vào ngày Lễ Giáng sinh, giết chết ít nhất 37 người 

Hai quả bom đã phát nổ trong một ngôi chợ thuộc khu phố Kitô giáo Athorien làm thiệt mạng 11 người và làm 20 người khác bị thương. Trong khi đó, một quả bom thứ ba đã phát nổ ngay bên cạnh một nhà thờ gần một đồn cảnh sát. Quả bom được đặt trên một chiếc xe hơi phát nổ ngay sau Thánh Lễ Giáng Sinh đã giết chết 26 người, và làm bị thương 40 người khác. Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Canđê đã cho biết như trên hôm 26 tháng 12.

Dưới thời Saddam Hussein, Iraq có 1.5 triệu tín hữu Kitô. Ngày nay, 10 năm sau cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq năm 2013, chỉ còn khoảng 200.000 Kitô hữu tại nước này. Đông đảo các Kitô hữu đã lánh nạn sang các nước láng giềng trước làn sóng tiêu diệt các tín hữu Kitô của người Hồi Giáo tại Iraq. Một con số đông đảo các tín hữu lánh nạn đã chạy sang Syria, nơi một lần nữa họ phải gánh chịu làn sóng khủng bố của những người Hồi Giáo cực đoan tại nước này.

Trong một thông cáo được đưa ra sau vụ tấn công hôm 25 tháng 12, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Baghdad nói: “Cộng đồng Kitô hữu tại Iraq đã phải chịu đựng những vụ tấn công cố ý và vô nghĩa bởi những kẻ khủng bố trong nhiều năm qua, cùng với nhiều người Iraq vô tội khác. Hoa Kỳ ghê tởm tất cả các cuộc tấn công như vậy và cam kết hợp tác với chính phủ Iraq để chống lại tai ương của chủ nghĩa khủng bố.”

Ngoài những thông báo như trên, Hoa Kỳ không có những hành động và chính sách cụ thể nào để bảo vệ các Kitô hữu tại nước này.

Trước cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Iraq ngày 19 tháng Ba năm 2003, Tòa Thánh đã tìm mọi cách để ngăn cản cuộc tấn công này vì thấy trước những hệ quả tàn khốc mà các Kitô hữu và những thường dân vô tội khác sẽ phải gánh chịu. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã khăng khăng xua quân vào Iraq để thiết lập “một nền dân chủ” tại đất nước này mà thực tế cho thấy xã hội Iraq ngày nay tan nát và khốn cùng gấp nhiều lần dưới thời Saddam Hussein.

8. Điện văn của Đức Thánh Cha gửi giới trẻ Taizé: Âu châu cần đức tin và lòng can đảm của các bạn

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với hàng vạn giới trẻ thuộc hai cộng đồng Taizé ở Strasbourg ở Pháp và Ortenau ở Đức tụ tập trong đại hội từ thứ Bẩy 28 tháng 12 đến ngày thứ Tư 1 tháng Giêng là “Âu Châu vẫn còn đang trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, và cần có sự tham gia, đức tin và lòng can đảm của các bạn.”

Đức Thánh Cha nói ngài rất trông đợi giới trẻ giúp đỡ trong việc kiến tạo hòa bình và hòa giải trên toàn địa lục này. 

Đức Thánh Cha Phanxicô viết:

Các bạn trẻ thân mến,

Thành Rôma hân hoan ghi nhớ đại hội Âu Châu năm ngoái của các bạn và nhất là kinh cầu của hàng vạn người trong các bạn cùng với Đức Thánh Cha Benedictô thứ 16 tại quảng trường Thánh Phêrô. Tôi cảm nhận sự gần gũi với các bạn hiện đang tụ tập tại Strasbourg và trong các thành phố và thôn làng tại Alsace và Ortenau: một miền đất bị xâu xé bới các cuộc chiến đã gây nên bao nhiêu thương vong, nhưng cũng là một miền đất mang lại một niềm hy vọng to lớn, niềm hy vọng xây dựng một gia đình Âu Châu. Đại hội được tổ chức song song tại hai quốc gia, mang một dấu chỉ. Âu Châu đã và đang trải qua những giai đoạn khó khăn, và cần đến sự tham gia, đức tin và lòng can đảm của các bạn.

Các bạn tụ tập để “tìm kiếm sự hiệp thông hữu hình của tất cả những ai yêu mến Đức Kitô.” Đây là dự án được ấn định cho các cuộc gặp gỡ của cộng đồng Taizé trong suốt năm 2014. Các bạn ý thức là sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là một trở ngại lớn lao cho việc thực hiện sứ mệnh được trao phó cho Giáo Hội và cần làm sao để cho “sự khả tín của sứ điệp Kitô mạnh mẽ hơn nếu các Kitô hữu có thể vượt thắng được sự phân hóa.” (Tông Huấn Evangelii gaudium, số 244). Tôi chia xẻ với các bạn niềm tin là chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau rất nhiều, vì những thực tại liên kết chúng ta vẫn nhiều hơn những gì chia cách chúng ta.

Tôi mong đợi nơi tất cả các bạn là đức tin và các chứng tá, tinh thần hòa bình và hòa giải của Phúc Âm sẽ chiếu sáng giữa những người đương thời. Tôi chân thành ban phép lành cho các bạn trẻ tham dự viên, cho các thầy Taizé, cũng như các cha xứ và tất cả mọi người đón tiếp quý vị tại Alsace và Ortenau.

9. Đại Sứ Palestine chết trong vụ nổ bom ngày Đầu Năm

Tin tức mới nhất chúng tôi nhận được trước khi thu hình là Bộ Ngoại giao Palestine cho biết sẽ gửi một phái đoàn đến Prague, thủ đô Cộng hòa Tiệp, để giúp điều tra các tình huống xung quanh cái chết của Đại sứ Palestine tại Cộng hòa Tiệp, người đã qua đời hôm thứ Tư 1 tháng Giêng trong một vụ nổ.

Cảnh sát tại Cộng hòa Tiệp nói rằng đại sứ Jamal al-Jamal 56 tuổi đã thiệt mạng trong một vụ nổ làm rung chuyển Tòa Đại Sứ Palestine tại đây đúng vào ngày đầu năm mới. Quả bom được cài trong một két sắt đã phát nổ khi ông Jamal mở ra để xem trong đó có những gì. 

Két sắt này đã được giữ nguyên trạng trong hơn hai thập kỷ qua và không rõ lúc nào đã được đưa đến toà đại sứ từ một toà nhà do tổ chức giải phóng Palestine làm chủ tại Prague.

10. Hàng trăm tín hữu Kitô bị giết trong ngày lễ Giáng Sinh tại thủ đô Bangui của Cộng Hòa Trung Phi

Hôm thứ Năm 26 tháng 12, các nhân viên Hội Hồng Thập Tự đã phát hiện thi thể của 44 người nằm chết trên một con đường của thủ đô nước Cộng hòa Trung Phi Bangui, gần một căn cứ quân sự của quân Hồi Giáo Seleka.

Ông Georgios Georgantas, Giám đốc Hội Hồng Thập Tự tại Cộng hòa Trung Phi nói với thông tấn xã Reuters rằng số người bị thiệt mạng chắc chắn là cao hơn nhiều. “Chúng tôi có thông tin về những xác chết tại nhiều nơi khác trong thành phố nhưng chúng tôi không thể đến được vì chiến cuộc đang tiếp diễn rất ác liệt.”

Tất cả các nạn nhân trong số 44 người bị giết đều có những dấu vết cho thấy họ đã bị đánh đập dã man bởi quân Hồi Giáo Seleka trước khi bị giết.

Quân Hồi Giáo Seleka đã cướp chính quyền từ tháng Ba và đã lập tức tiến hành một cuộc diệt chủng nhằm tiêu diệt hoàn toàn các tín hữu Kitô tại nước này.

1,600 quân nhân Pháp và hàng ngàn quân nhân thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình đã được bố trí tại thủ đô Bangui. Đến nay đã có 2 quân nhân Pháp bị giết trong các cuộc giao tranh. Trong ngày lễ Giáng Sinh 6 người lính Chad đã bị giết trong cuộc đụng độ với quân Hồi Giáo Seleka tại quận Gabongo, gần phi trường Bangui.

Từ tháng Ba đến nay đã có 159,000 người phải tản cư, 450 vụ tàn sát tập thể được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc báo cáo.

Tại thủ đô Bangui, hàng chục ngàn Kitô hữu sống chen chúc trong một tu viện Công Giáo nơi đang được quân Pháp bảo vệ.

Yvonne Dafei, một phụ nữ có 12 người con đang tị nạn trong tu viện cho biết:

“Chúng tôi không có thực phẩm, không thuốc men gì cả. Trẻ con đang đau yếu. Chúng tôi cám ơn linh mục đã cho chúng tôi một ít thực phẩm để trẻ con sống còn. Trong đời tôi, tôi chưa bao giờ phải rơi vào tình cảnh tồi tệ như thế này. Quá tệ. Vì thế tôi van xin cộng đồng thế giới giúp chúng tôi có được hòa bình, chúng tôi thực sự cần hòa bình”.

11. Biến cố quan trọng nhất trong năm vừa qua.

Hôm 16 tháng 12, Đức Thánh Cha đã tái bổ nhiệm Đức Hồng Y Marc Ouellet, người Canada, làm tổng trưởng Bộ Giám Mục. Đức Hồng Y Marc Ouellet, là một cộng sự viên rất thân cận của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Ngài đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm vào chức vụ này ngày 30 tháng 6 năm 2010.

Nhân dịp này đài phát thanh Vatican đã có một cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y. Trả lời câu hỏi do một ký giả đưa ra: “Biến cố quan trọng nhất trong năm vừa qua là biến cố nào? Đức Hồng Y Ouellet đã trả lời: “Đó là sự thoái vị của Đức Giáo Hòang Bênêđictô XVI. Đó là một biến cố rất trọng đại đã tạo ra những cơ hội lớn lao.”

Theo Đức Hồng Y Marc Ouellet, việc Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thoái vị là “một hành động rất là mới mẽ.”

Ngài nói:

“Biến cố đó cho thấy Giáo Hội rất sống động, không những có khả năng đổi mới mà còn có thể tạo ra mọi sự ngạc nhiên. Giáo Hội đã chứng tỏ điều đó trong năm 2013 với những biến cố rõ rệt và bất ngờ. Trước tiên là sự thoái vị của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vào ngày 11 tháng 2, một biến cố lịch sử và quyết định. Tiếp đến là cuộc bầu cử Đấng kế nhiệm.

Việc thoái vị của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã mở ra những cơ hội lớn lao. Bởi vậy, tôi chỉ chú ý đến biến cố trọng đại này, đó là sự thoái vị của Đức Giáo Hòang, một điều rất mới mẽ trong lịch sử của Giáo Hội, điều này chứng tỏ một sự khiêm nhường to lớn, cũng như một lòng tin cậy vững vàng vào Đức Chúa Thánh Thần về những sự việc sẽ xảy ra sau đó.

Chúng ta cần tỏ ra rất biết ơn Đức Giáo Hòang Bênêđictô XVI vì ngài đã mở ra một chân trời mới và tạo ra phương tiện mới mẻ cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tôi tin tưởng có một sự liên tục trong sự mới mẻ này và tất cả những điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khai mở. Khi tôi nhìn lại năm 2013, tôi thấy là chúng ta đang ở nơi khúc quanh của lịch sử của Giáo Hội về mục vụ khi nhìn vào nét mặt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.”

Ngài đã chọn danh hiệu là Phanxicô, là một sự lựa chọn không chỉ nói lên một cuộc cải tổ, nhưng còn là một cuộc cách mạng về sự thánh thiện, một cuộc cách mạng về ý tưởng, bằng những cử chỉ, những thái độ, lòng đạo đức và sự tiếp cận với Dân Chúa. Trong những ý định lớn lao của Công Đồng Vatican II, có sự lớn mạnh của Giáo Hội, sự thay đổi thái độ về mục vụ của Giáo Hội trong thế giới tân tiến .Tôi nhận thấy điều đó được thực hiện nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô.Ngài đã mở ra một trang sử mới trong việc thực thi những chỉ dẫn của Công Đồng Vatican II, là điều mà tôi gọi là khúc quanh lớn lao về mục vụ.

12. Một phái đoàn của chính phủ Syria đến Vatican

Sáng thứ Bẩy 28 tháng 12, một phái đoàn của chính phủ Syria đã gặp gỡ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, và Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Bộ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh.

Trong một tuyên bố của Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi cho biết “phái đoàn muốn trình một thông điệp từ Tổng thống Assad lên Đức Thánh Cha và giải thích quan điểm của chính phủ Syria”.

Đoàn đại biểu Syria bao gồm ông Joseph Sweid, Bộ trưởng Ngoại Giao, và ông Hussam Eddin Aala, là Trợ lý Bộ trưởng và Giám đốc châu Âu của Bộ Ngoại giao Syria và đồng thời là đại sứ Syria cạnh Tòa Thánh.

Theo cơ quan truyền thông của Syria cho biết, nội dung lá thư muốn bày tỏ với ĐGH về quyết tâm của chính quyền Assad muốn bảo vệ tất cả các tôn giáo tại Syria, chống lại các người Hồi giáo quá khích trong quân nổi dậy mà thành phần chính là các người Hồi Giáo cực đoan Sunni, đang muốn thiết lập một nhà nước Hồi Giáo Sunni tại Syria 

Tổng Thống Assad cho biết cuộc xung đột chỉ có thể giải quyết qua cuộc đối thoại giữa những thành phần xã hội của Syria mà không có sự can thiệp của nước ngoài.

Ông lên án việc hỗ trợ quân sự và vật chất cho phe nổi dậy từ những nước láng giềng, như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Li Băng. 

Trong thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi, Đức Thánh Cha đã kêu gọi thế giới hãy góp phần chấm dứt bạo lực tại Syria và viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân chiến cuộc của nước này.

Cuộc xung đột khởi đầu từ năm 2011 đã giết chết hơn 126,000 người và hàng triệu người phải đi lánh nạn ở nơi khác 

Vào tháng Chín, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi một ngày toàn cầu cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, và lên tiếng chống lại sự can thiệp quân sự từ phương Tây

Tình hình tại Syria trở nên rất đen tối sau khi 7 nhóm phiến quân hợp thành Mặt Trận Hồi Giáo hôm 22 tháng 11 vừa qua và đang đánh mạnh vào thủ đô Damascus. Thông tấn xã AINA của các Kitô hữu tại Trung Đông cho biết hôm 21 tháng 12, Mặt Trận Hồi Giáo đã chiếm được thị trấn Adra và thiết lập cái gọi là “tòa án Sharia” để xử tất cả những ai làm việc cho chính phủ Syria. Tất cả đều bị chém đầu chết.

Trong khi đó, toàn bộ khoảng 200 nhân viên cảnh sát trong đồn Adra Ummalia đều bị thiêu sống sau khi họ bị bắt làm khiên đỡ đạn để tránh bị phi cơ oanh tạc. Một nhân chứng cho biết các bác sĩ và y tá trong bệnh viện Adra Ummalia của chính phủ cũng bị thảm sát.

Các nhân chứng cho biết một số trẻ em đã bị xô xuống từ các toà nhà cao tầng. Đây là các con em trong các gia đình Kitô Giáo, hay Hồi Giáo Alawites hoặc là con em của các gia đình viên chức chính phủ. 

Ba nhóm phiến quân Harakat Ahrar al-Sham al-Islamiyya (HASI), Kataib Ansar al-Sham, và Liwa al-Haqq trước đó đã hợp thành Mặt Trận Hồi Giáo Syria (SIF).

Cũng vậy, ba nhóm Suqur al-Sham, Liwa al-Tawhid, và Jaish al-Islam trước đó đã hợp thành Mặt Trận Hồi Giáo người Kurd (KIF).

Nay Mặt Trận Hồi Giáo Syria (SIF), Mặt Trận Hồi Giáo người Kurd (KIF) và Mặt Trận Giải Phóng Hồi Giáo Syria (SILF) lại hợp nhất chung lại thành Mặt Trận Hồi Giáo (IF).

Các giáo trưởng Hồi Giáo và các nhà tài trợ chiến lược cho phong trào Thánh Chiến Hồi Giáo trong vùng Trung Đông như Trưởng Giáo Abu Basir al-Tartusi, Vương Tôn Issa al-Atawi, Thương Gia Muhammad al-Mohaisany, Chiến lược gia người Jordan Iyad Qunaybi đều lần lượt lên tiếng ủng hộ Mặt Trận Hồi Giáo. 

Hôm 24 tháng 12, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bày tỏ quan ngại rằng Hoa Kỳ và các nước phương Tây đang ra sức ve vãn Mặt Trận Hồi Giáo .

The Washington Institute, là viện nghiên cứu về chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng Trung Đông, cũng có một bài trình bày quan điểm về tổ chức này.

Viện nghiên cứu chiến lược Washington cho rằng Mặt Trận Hồi Giáo không có quan hệ sâu đậm với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, không phải là lực lượng Thánh Chiến Hồi Giáo Toàn Cầu, không có nhóm nào trong số 7 nhóm hợp thành mặt trận này đã từng bị Hoa Kỳ xem là tổ chức khủng bố. 

Tuy nhiên, viện nghiên cứu này nói thêm: “Nhóm này có một ý thức hệ quá cứng rắn để Hoa Kỳ có thể giao dịch và ủng hộ: họ từ chối tham dự hội nghị Geneva II, khước từ dân chủ và quyền của các nhóm thiểu số. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh có thể quyết định ủng hộ Mặt Trận Hồi Giáo bằng mọi giá, làm phức tạp thêm chính cuộc nổi loạn và hy vọng của chính quyền Obama rằng hội nghị Geneva II sẽ mang lại hòa bình cho Syria. Quyết định tiếp cận với nhóm này như thế nào là một thách đố lớn cho Hoa Kỳ.” 

13. Bom nổ rung chuyển thành phố Beirut

Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết ông Mohammad Shatah, cựu Bộ trưởng Tài chính và là đại sứ Li Băng tại Hoa Kỳ, đã bị ám sát chết sáng 27 tháng 12 sau khi một xe bom do một kẻ đánh bom tự sát đã liều chết xông vào đoàn xe của ông ngay tại trung tâm thành phố Beirut.

Vụ nổ đã giết chết ít nhất năm người và làm khoảng bảy mươi người khác bị thương, và gây chấn động mạnh những đường phố chính của thủ đô Beirut của Li Băng gần khu vực Serail, nơi có nhiều văn phòng chính phủ.

Vụ thảm sát hôm 27 tháng 12 diễn ra chỉ ba tuần trước khi khai mạc phiên tòa quốc tế xử các thành viên của phong trào Hezbollah là nhóm dân quân vũ trang Hồi Giáo Shiite thân Iran, trong vụ ám sát cựu Thủ tướng Li Băng Rafiq Hariri diễn ra năm 2005. 

Hôm 19 tháng 11 năm 2013, một cuộc tấn công do hai người đeo bom tự sát đã xảy ra ngay cổng đại sứ quán Iran, giết chết 23 người và làm khoảng 150 người khác bị thương.

14. Triển lãm Hoàng Đế Augustô

“Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện dưới thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyria. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít.”( Lc 2,1-4)

Gần 2,000 năm sau khi ông chết, vị hoàng đế La Mã được nêu trong đoạn Phúc Âm chúng ta thường nghe trong đêm Giáng Sinh đã trở lại Rôma trong một cuộc triển lãm. Hoàng đế Augustô đã cai trị đế quốc La Mã trong hơn 40 năm, đánh dấu sự cai trị lâu nhất trong thời Đế Quốc La Mã, một đế quốc trải rộng trên toàn cõi châu Âu. 

Triển lãm này đánh dấu hai thiên niên kỷ sau cái chết của Augustô bằng cách trình bày những tài liệu về cuộc sống và những thành tựu của ông thông qua tác phẩm nghệ thuật độc đáo .

Claudio Parisi Presicce, Đồng Giám Đốc bảo tàng Augustô nói:

“Điều làm tôi chú ý nhất đó là cơ hội để có thể tập hợp lại rất nhiều những kiệt tác. Nhiều món được trưng bày lần đầu tiên, hoặc đây là lần đầu tiên chúng có mặt tại một nơi khác với chỗ thường trú đầu tiên của chúng. Tôi muốn nói đến các viện bảo tàng của Ý cũng như các viện bảo tàng nước ngoài”.

Trong số những kiệt tác được đánh giá cao là tác phẩm điêu khắc bằng đồng của Augustô từ vùng biển Aegean, của Ý. Đây là lần đầu tiên tác phẩm này ra mắt công chúng. Ngoài ra còn có sự đóng góp của các bảo tàng ở London, Paris, Vienna và New York. Bảo tàng Anh cho mượn một bức bán thân đắp bằng mã não được đánh bóng. Một tác phẩm khác từ London là bức tượng bán thân đầu của hoàng đế Augustô. Hoàng đế Augustô rất ưa chuộng hình ảnh của mình và ông đã nhận thức rõ về ấn tượng của nó đối với công chúng.

Claudio Parisi Presicce nói thêm:

“Triển lãm này trình bày nghệ thuật tượng hình trong thời kỳ Augustô. Bằng cách đưa các tác phẩm nghệ thuật chính lại với nhau, người ta có thể thấy rõ Augustô đã sử dụng nghệ thuật để tuyên truyền như thế nào. Nó cho thấy ông đã chuyển thể chế cộng hòa Rôma thành đế quốc Rôma như thế nào bằng cách sử dụng sức mạnh của hình ảnh.”

Hình ảnh của vị hoàng đế đã xuất hiện nơi những đồng tiền trong những tranh đắp bằng thạch cao và mã não, như trong các tác phẩm được mang đến từ New York và Paris . Nhưng không nghi ngờ gì, một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của Cêsarê Augustô là tác phẩm của Prima Porta trong đó mô tả ông tập hợp quân đội của mình trước trận chiến. Đây là tác phẩm điêu khắc lần đầu tiên rời khỏi Viện Bảo tàng Vatican. Kiệt tác này được đặt cạnh Doryphoros, một tác phẩm điêu khắc Hy Lạp cổ điển, đến từ viện bảo tàng khảo cổ học quốc gia ở Naples.

Nhưng cuộc triển lãm mô tả cuộc sống cá nhân của Augustô, những chiến thắng của ông trên chiến trường, sẽ không thể coi là hoàn chỉnh nếu không có những hình ảnh về đối thủ lâu đời của ông là nữ hoàng Cleopatra.

Cuộc triển lãm độc đáo này sẽ được trưng bày cho đến tháng Hai.

15. Câu chuyện đằng sau máng cỏ Giáng Sinh tại Vatican

Từ ban nhạc sống đến các điệu múa và cả những vở kịch, tất cả đã được tập hợp tại máng cỏ Chúa Giáng Sinh tại Vatican để đánh dấu ý nghĩa thực sự của mùa Giáng Sinh. 

Barbara Bellano, nhân viên phủ thống đốc quốc gia thành Vatican cho biết:

“Lần đầu tiên tại Vatican có một cảnh Giáng Sinh đến từ Naples. Ở Ý, Naples thường được coi là đất mẹ sản sinh tất cả các máng cỏ Giáng Sinh. “

Ngay bên cạnh cây thông Giáng Sinh rất lớn đến từ miền Bavarian bên Đức là máng cỏ Giáng Sinh này. Để mang hai thứ lại với nhau cần có các kiến trúc sư, những nghệ nhân cây cảnh, và tất nhiên, cả các nghệ sĩ nữa.

Kiến trúc sư Antonio Di Tuoro nói:

“Đây là cảnh trí ngoài trời để mọi người có thể nhìn thấy từ các góc độ khác nhau. Nhưng thực sự nó cần phải tạo ra được những cảm xúc nữa. “

Luciano Cecchetti, nghệ nhân cây cảnh của Vatican nói:

“Chúng tôi đã đi đến vườn Vatican để chọn ra một số cây và đặt chúng ở đây, bằng cách đó chúng tôi có thể làm cho máng cỏ Chúa Giáng Sinh có chút cây xanh và thiên nhiên.”

Những nhà thiết kế không chỉ dừng lại ở chỗ là tạo ra một cảnh trí để các tín hữu và du khách có thể chụp ảnh cây thông to lớn này, hay là máng cỏ Chúa Giáng Sinh, nhưng trên tất cả, họ muốn gây những cảm xúc mà thời gian này là thuận tiện nhất trong một năm.

Vatican bắt đầu hoạch định tất cả công việc thiết kế này từ cuối tháng Tám. 

Kiến trúc sư Amedeo La Nave cho biết:

“Khái niệm của chúng tôi không phải là việc có một máng cỏ Chúa Giáng Sinh tại quảng trường Thánh Phêrô, nhưng là việc có quảng trường Thánh Phêrô trong máng cỏ Chúa Giáng Sinh.”

Đối với những người chưa có cơ hội để nhìn tận mắt máng cỏ Chúa Giáng Sinh thì vẫn còn thời gian. Cây thông và máng cỏ Chúa Giáng Sinh sẽ được trưng bày đến ngày lễ Nến 2 tháng 2.

16. Somalia cấm không cho cử hành Lễ Giáng Sinh

Trong một diễn biến tệ hại, lần đầu tiên kể từ năm 1991, Bộ Tư Pháp và Tôn Giáo Sự Vụ của Somalia đã thông báo lệnh cấm bất cứ cử hành nào liên quan đến Giáng Sinh ở quốc gia Hồi giáo Sunni này.

Tổng giám đốc thông tin của Bộ này cho biết rằng “tất cả các cơ quan an ninh và các lực lượng thực thi pháp luật đã được hướng dẫn để phản ứng với bất kỳ cử hành nào liên quan đến Lễ Giáng Sinh”, Đài Truyền Hình Kenya Broadcasting Corporation cho biết như trên.

Nằm ở vùng Sừng châu Phi, quốc gia Hồi giáo Sunni với 10 triệu dân này có một giáo xứ Công Giáo, ba linh mục, bốn nữ tu, và 100 người Công Giáo, theo Niên Giám mới nhất của Tòa Thánh.

Somalia rộng 637,657 km2. Sau khi được độc lập từ tay người Ý và người Anh vào tháng Bẩy năm 1960, nước này đã trải qua một thời kỳ cộng sản trước khi xảy ra nội chiến đẫm máu vào năm 1991. Nạn hải tặc Somalia phát triển nhanh chóng và gây kinh hoàng cho các tầu thuyền đi qua khu vực Sừng Phi Châu.

Nghị quyết 794 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 3 tháng 12 năm 1992 cho phép liên quân gìn giữ hòa bình do Hoa Kỳ lãnh đạo đưa quân vào nước này để bảo đảm các nguồn viện trợ nhân đạo đến được với dân chúng tại đây.

Tuy nhiên, quân đội Hoa Kỳ đã chịu thiệt hại nặng trong trận chiến tại thủ đô Mogadishu vào năm 1993 đến mức tháng Ba năm 1995, Hoa Kỳ và các nước khác phải rút quân hoàn toàn khỏi nước này. Cuộc triệt thoái diễn ra khó khăn, nguy hiểm với nhiều thiệt hại nặng về nhân mạng.

Thế giới đành để mặc cho người Somalia tự do chém giết lẫn nhau.

Hoà bình được coi là được lặp lại từ tháng 8 năm 2012 với một nhà nước Hồi Giáo Sunni dựa trên luật Sharia trong đó thẳng tay đàn áp các nhóm thiểu số thuộc Kitô Giáo và cả các hệ phái Hồi Giáo khác.

Nguồn: Vietcatholic

h1

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN