Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 27/10 – 02/11/2016: Triển vọng Tin Lành Luther hiệp thông với Công Giáo

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 27/10 – 02/11/2016: Triển vọng Tin Lành Luther hiệp thông với Công Giáo

1. Đức Thánh Cha thăm Thụy Điển

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Thụy Điển trong khuôn khổ một chuyến tông du hai ngày 31/10 và 1/11. Ngài rời sân bay Fiumicino của Roma lúc 08:20 sáng thứ Hai 31 tháng 10 và đến thành phố Malmö ở phía nam Thụy Điển lúc 11:00.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Thụy Điển là chuyến tông du thứ 17 của ngài bên ngoài Ý Đại Lợi để đánh dấu kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách. Sự kiện này được coi là đỉnh cao của những tiến bộ đại kết giữa Công Giáo và Tin Lành Luther sau 50 năm đối thoại, với những thành quả nổi bật như việc ký kết Tuyên bố chung về Công Chính Hóa vào năm 1999, và việc công bố một lịch sử chung về cuộc cải cách Tin Lành vào năm 2013 trong tài liệu có tựa đề “Từ xung đột đến Hiệp Thông”.

Chào mừng các ký giả cùng đi trên chuyến bay đến Malmo vào sáng thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chuyến tông du này và yêu cầu các nhà báo giúp công chúng hiểu lý do ngài sang Thụy Điển để kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách Tin Lành.

Đức Thánh Cha nói: “Cuộc hành trình này là quan trọng bởi vì nó là một cuộc hành trình của Giáo Hội, nó rất có tính Giáo Hội trong lĩnh vực đại kết. Công việc của anh chị em sẽ là một đóng góp to lớn trong việc bảo đảm cho mọi người có thể hiểu nổi”.

Việc Đức Thánh Cha tham dự kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách Tin Lành gặp nhiều chống đối ngay trong lòng Giáo Hội Công Giáo.

Những người chỉ trích việc Công Giáo tham gia vào những hoạt động mừng 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành nói rằng cuộc cải cách này là một cái gì đó để than khóc, chứ không phải là để tổ chức ăn mừng.

Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, là Đức Hồng Y Gerhard Müller, nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 31 tháng Ba, 2016 rằng: “Người Công Giáo chúng ta không có lý do để ăn mừng ngày 31 tháng 10 năm 1517, ngày đó được coi là sự khởi đầu của cuộc cải cách dẫn đến sự rạn vỡ của Kitô giáo phương Tây.”

Thực vậy, cuộc Cải Cách Tin Lành không chỉ xâu xé Công Giáo; nhưng cũng khiến nhiệm thể của các tín hữu Kitô lâm vào vào những cuộc ly giáo bất tận, với hàng ngàn giáo phái Tin Lành. Phong trào Cải Cách đã dẫn đến những thập kỷ chiến tranh, cách mạng, những cuộc tranh giành vô tận và phân chia tan nát châu Âu.

5 thế kỷ trước đây, sau khi Phong Trào Cải Cách Thệ Phản thắng thế ở đây, theo sau cuộc nổi loạn của Martin Luther, người Công Giáo bị bách hại công khai tại Thụy Điển. Những ai không chấp nhận bỏ đạo để theo Tin Lành Lutheran bị trừng phạt nặng nề: tù đày, phát vãng, treo cổ.

2. Đức Hồng Y Kurt Koch nhận định chuyến thăm Thụy Điển cuả Đức Thánh Cha có thể mở đường cho sự hiệp thông trọn vẹn

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu chuyến thăm hai ngày tại Thụy Điển, để tham dự lễ tưởng niệm 500 năm cuộc cải cách Tin Lành Luther, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo nói rằng chuyến đi của Đức Giáo Hoàng có thể là một bước quan trọng hướng tới việc phục hồi đầy đủ sự hiệp thông trọn vẹn giữa người Công Giáo và người Tin Lành Luther.

Đức Hồng Y Kurt Koch nói rằng thật là “một dấu chỉ tốt đẹp” khi người Công Giáo và người Tin Lành Luther có thể tham gia một buổi cầu nguyện chung vào ngày kỷ niệm của phong trào Cải Cách. Trong quá khứ, ngài cho biết, cả hai nhóm có xu hướng tiếp cận với vấn đề theo kiểu luận chiến dịp kỷ niệm này, thay vì tìm kiếm nền tảng chung. Sự kiện trong tuần này, theo Đức Hồng Y, phản ánh những tiến bộ đạt được trong “50 năm đối thoại thần học sâu rộng.”

“Tôi hy vọng sự kiện này sẽ là một con đường tốt cho tương lai”, Đức Hồng Y Koch nói.

Sự hiệp nhất Kitô Giáo là dấu chỉ quan trọng nhất đối với sứ vụ truyền giảng Tin Mừng cho một thế giới đang ngày càng trở nên thế tục hoá và thờ ơ với đức tin. Những chia rẽ giữa các Kitô hữu là một dấu chỉ phản chứng của niềm tin Kitô.

Tuy nhiên, có một thực tế là, những nỗ lực mị dân và a dua theo quần chúng của Tin Lành Luther tại Thụy Điển nhằm thích ứng với các quan điểm cấp tiến của người Thụy Điển về phá thai, chuyển đổi giới tính, quyền đồng tính, và trợ tử khiến cho con đường hiệp nhất còn rất xa mờ.

3. Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Thụy Điển

Sau nghi thức chào đón chính thức tại sân bay Malmö, Đức Thánh Cha đến thành phố Lund lân cận và thăm xã giao vua Thụy Điển Carl Gustav thứ 16 và Hoàng hậu Silvia, tại Cung điện Kungshuset của Hoàng gia ở Lund.

Sau đó, cùng với người đứng đầu Liên đoàn Luther Thế giới, ngài chủ trì một buổi cầu nguyện đại kết ở nhà thờ Lund lúc 2h15 giờ địa phương.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha tham gia vào một sự kiện đại kết thứ hai tại Malmo và gặp gỡ các phái đoàn của các Giáo Hội Kitô khác nhau có mặt trong dịp này.

Sáng thứ Ba, Lễ Các Thánh Nam Nữ, Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ tại Malmö cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của Thụy Điển.

Chiếc máy bay của Đức Thánh Cha rời Malmo lúc 12:45 và ngài đáp xuống sân bay Ciampino của Roma lúc 15.30.

4. Cử chỉ cụ thể của sự hợp tác giữa Công Giáo và Tin Lành Lutheran

Trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Thụy Điển, các nhà lãnh đạo của Caritas quốc tế và Dịch vụ thế giới của Tin Lành Lutheran đã ký một tuyên bố về ý định tăng cường hợp tác đối với các vấn đề như người tị nạn, hòa bình, và biến đổi khí hậu.

Ông Michel Roy, tổng thư ký Caritas Internationalis, liên minh các cơ quan cứu trợ và phát triển của Giáo Hội nói:

“Những sự kiện đại kết ở Thụy Điển sẽ có ý nghĩa nhiều hơn những cử hành các nghi lễ, đó sẽ là sự khởi đầu của các hành động cụ thể giữa người Tin Lành Luther và các tín hữu Công Giáo trong việc phục vụ cho những nghèo trên thế giới,”

Bản tuyên bố được ký kết tại Malmö Arena vào ngày 31 tháng 10.

5. Đức Tổng Giám Mục thành Erbil: Người Mỹ phải chịu ‘trách nhiệm đạo đức’ về những gì đã và đang xảy ra tại Iraq

Trong chuyến thăm New York, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Canđê của Erbil nói rằng chính phủ Hoa Kỳ phải chịu một ‘trách nhiệm đạo đức’ đối với các Kitô hữu và với dân tộc Iraq.

Hơn 100,000 Kitô hữu đã phải chạy trốn đến Erbil, thủ đô của Iraq Kurdistan, khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được Mosul tháng 6 năm 2014.

Kêu gọi Hoa Kỳ viện trợ cho khu vực Mosul sau khi thành phố này được giải phóng khỏi bọn khủng bố Hồi Giáo IS, Đức Tổng Giám mục Bashar Warda nói rằng chính phủ Mỹ nên “đóng một vai trò trong việc bảo vệ các nhóm thiểu số, vì sự can thiệp của Mỹ vào Iraq năm 2003, họ thực sự có trách nhiệm đạo đức để đền bù thoả đáng những vấn đề do họ gây ra.”

“Người dân đã phải chịu rất nhiều đau khổ vì sự can thiệp này,” ngài nói trong một cuộc phỏng vấn với Catholic News Service. “Tôi không trực tiếp đổ lỗi cho người Mỹ, nhưng họ có trách nhiệm, họ phải chịu trách nhiệm đạo đức về những gì đã xảy ra.”

6. Đức Thánh Cha viết lời tựa cho một cuốn sách nói về cha Luis Dri, người Á Căn Đình

Tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 26 tháng 10 cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết lời tựa cho cuốn sách “Non avere Paura di perdonare”, nghĩa là “Đừng sợ phải thứ tha”. Đó là một cuốn sách nói về tiểu sử của Cha Luis Dri được viết bởi Andrea Tornielli và Alver Metalli.

Vị linh mục người Á Căn Đình, sinh vào thập niên 1920, là một linh mục Capuchin Dòng Phanxicô nổi tiếng vì dành nhiều giờ cho việc giải tội.

Trong lời nói đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thảo luận về sự tận tâm của cha Thánh Leopold Mandic, cũng là một cha Capuchin người đã dành nhiều giờ trong tòa giải tội, và nhấn mạnh tầm quan trọng của các linh mục thể hiện lòng thương xót Chúa trong tòa giải tội, theo gương của người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng.

7. Hai nhà thờ Công Giáo ở Anh được chiếu sáng bằng đèn đỏ trong suốt tháng 11

Hai nhà thờ Công Giáo ở Anh sẽ được chiếu sáng bằng đèn màu đỏ trong tháng Mười Một để lôi cuốn sự chú ý đến hoàn cảnh của các Kitô hữu đang bị bách hại.

“Trong tháng Mười Một, không ai đi qua nhà thờ Brentwood vào ban đêm mà có thể nhắm mắt làm ngơ được, và không ai, dù có tín ngưỡng hay không, dù Kitô hữu hay ngoài Kitô, không thể nhắm mắt làm ngơ trước sự bách hại các Kitô hữu ở Trung Đông”

Cha Martin Boland, cha xứ của nhà thờ cho biết như trên với tờ Catholic Herald.

Vương Cung Thánh Đường Westminster cũng tham gia vào sáng kiến này cùng với tu viện Westminster.

8. Tòa Thánh chính thức làm trung gian hòa giải tại Venezuela

Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro Venezuela luôn tìm cách lợi dụng Tòa Thánh để tìm cách trì hoãn thảo luận các yêu cầu chính đáng của phe đối lập. Phe chính phủ Maduro và phe đối lập Liên minh Dân chủ Thống nhất đã không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng, đã gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng thực phẩm và thuốc men, dẫn đến sự sụp đổ các dịch vụ về y khoa, năng lượng và vệ sinh.

Tháng 7 vừa qua các phương tiện truyền thông của chính phủ Venezuena tường thuật là Tòa Thánh đã đồng ý làm trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, Cha Lombardi, lúc ấy là Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, bác bỏ tin này.

Trong thông cáo công bố hôm 22 tháng 7, Cha Lombardi cho biết: “Như mọi người đều biết, từ trong quá khứ, Tòa Thánh vẫn luôn bày tỏ sự sẵn sàng nếu có những điều kiện tiên quyết cần thiết, để có thể góp phần vào cuộc đối thoại. Nhưng cho đến nay, không có một thông tin chính thức nào được gửi đến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cũng như tới Bộ ngoại giao Tòa Thánh để trình bày và xác định nội dung chi tiết lời yêu cầu như vậy”.

Đến bây giờ, chính phủ và phe đối lập lãnh đạo Venezuela mới chính thức đồng ý cùng tham gia vào các cuộc đàm phán do Vatican làm trung gian hòa giải nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị của đất nước.

Đức Tổng Giám Mục Emil Paul Tscherrig, sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela, công bố hôm 25 tháng 10 rằng các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu vào ngày 30 tháng 10, trên đảo Margarita, ngoài khơi bờ biển Venezuela. Đức Tổng Giám Mục nói các cuộc đàm phán sẽ được thiết kế “để tạo ra một bầu không khí tin cậy lẫn nhau, vượt qua những bất đồng, và thúc đẩy một cơ chế đảm bảo sự chung sống hòa bình”.

Các cuộc đàm phán đã được công bố hôm 25 tháng 10 chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela đã có một cuộc họp bất ngờ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican.

9. Sẽ luôn luôn có bóng dáng các tín hữu Kitô tại Iraq

Sau khi hàng loạt các thị trấn Kitô trong vùng bình nguyên Ninivê được giải phóng khỏi quân khủng bố Hồi Giáo IS, Đức Hồng Y Louis Raphael Sako là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Canđê đã đến thăm các thị trấn này và tận mắt nhìn thấy sự tàn phá và mạo phạm các nhà thờ trong vùng.

Đức Hồng Y nói ngài hy vọng các tín hữu Kitô đang tị nạn tại Erbil sẽ sớm có thể quay trở lại ngôi nhà của mình trong khu vực, nơi ngài mô tả như là là “đất thánh của chúng tôi.” Ngài nói rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo Iraq nên tham gia vào việc xây dựng một “nền văn hóa hòa bình và chung sống hài hòa.”

Phát biểu từ New York, một vị Giám Mục Iraq nói rằng có thể phải mất một năm trước khi các Kitô hữu có thể về lại ngôi nhà cũ của mình trong và xung quanh thành phố Mosul. Đức Tổng Giám mục Bashar Warda của Erbil nói rằng những người tị nạn sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn khi họ tìm cách xây dựng lại cộng đồng của mình.

Đức Cha Warda nói rằng trong tổng giáo phận của ngài, khoảng 80% dân số Kitô hữu muốn ở lại, bất chấp những đe dọa đối với an ninh của họ. Nhưng ngài cả quyết rằng dù cho có nhiều gia đình quyết định muốn định cư ở các nước phương Tây đi nữa, Giáo Hội sẽ tiếp tục phục vụ những người còn lại, và “sẽ luôn có các Kitô hữu ở Iraq.”

10. Hai mẹ con người Pakistan bị tố phạm thượng được thoát án tử hình

Một bé trai 9 tuổi và mẹ của em được trả tự do sau 4 ngày bị giam giữ vì bị tố cáo xúc phạm đến kinh Coran của người Hồi giáo.

Vào ngày 20/10 vừa qua, Inzam, bé trai 9 tuổi, đang ở trường học thì bị tố cáo đốt kinh Koran. Inzam và mẹ của em, một y tá làm việc ở Quetta đã bị bắt vào ngày hôm sau mà không có xét xử hay chứng cứ về tội của em. Theo luật Pakistan, chứng cứ của một người Hồi giáo thì có giá trị hơn người không phải Hồi giáo.

Hôm 25/10 hai mẹ con đã được trả tự do do sức ép cộng đồng và áp lực từ các chính trị gia địa phương và Hiệp hội Kitô hữu Pakistan Anh quốc. Cảnh sát khẳng định là không có chứng cứ về việc xúc phạm kinh Coran.

Ông Wilson Chowdhry, chủ tịch của Hiệp hội Kitô hữu Pakistan Anh quốc phê bình: “Luật pham thượng của Pakistan chỉ có mục đích gây đau đớn và thương tổn cho các nhạn nhân vô tội. Các luật này được dùng như dụng cụ phân biệt đối xử và giải quyết các thù oán cá nhân. Các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc nhắm mắt làm ngơ để các tác động của những luật đó gây thiệt hại cho xã hội toàn cầu. Thất bại của họ trong việc đáp trả đang tạo ra sự phân chia và tình trạng thù địch và sự nổi lên của Islamophobia, dù thực tế là chính người Hồi giáo tự do cũng khinh thường các luật đó. Việc Pakistan từ chối cải cách hoặc bãi bỏ các điều luật này nên bị xem như sự vi phạm nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, lương tâm và tự do ngôn luận… Cần phải hành động bây giờ trước khi Pakistan, một quốc gia hạt nhân, đi đến chỗ không thể quay lại, đặc biệt là xem xét việc đánh đòn vì hận thù đối với dân tộc thiểu số mà các Imam ở Pakistan sử dụng pháp luật để tạo ra.

Tù nhân Kitô giáo nổi tiếng nhất là Asia Bibi, đang bị giam tù từ năm 2010 sau khi nhận án tử hình.

11. Khủng bố Hồi Giáo al-Shabab tấn công vào một thị trấn Kitô giết 12 người

Mười hai người đã bị thiệt mạng khi những kẻ khủng bố trong phong trào Hồi Giáo al-Shabab tấn công một khách sạn ở thị trấn Mandera, Kenya, hôm 25 tháng 10.

Bọn khủng bố Al-Shabab đã sử dụng lựu đạn và chất nổ tự chế để tấn công vào khách sạn, gần biên giới với Somalia, sau đó nổ súng vào người dân. Nhóm Hồi giáo này nói rằng cuộc tấn công cố ý nhắm mục tiêu vào các Kitô hữu.

Al-Shabab, là một nhóm Hồi giáo cực đoan đấu tranh để nắm quyền kiểm soát Somalia, đã cam kết sẽ trả thù Kenya vì nước này đã gửi quân hỗ trợ chính phủ lâm thời Somalia.

12. Ðức Thánh Cha cổ võ nền thần học gần gũi các gia đình

Sáng 27 tháng 10 năm 2016, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến 400 người thuộc ban giáo sư và sinh viên Học Viện Giáo Hoàng về hôn nhân và gia đình ở Roma nhân dịp khai giảng niên học mới. Ngài cổ võ một nền thần học gần gũi các gia đình.

Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha cổ võ sự cộng tác giữa thần học và mục vụ: nhà thần học phải để ý đến thực tại cụ thể của hôn nhân và gia đình. Ngài nói:

“Chúng ta phải nhận rằng nhiều khi chúng ta đã trình bày một lý tưởng thần học về hôn nhân quá trừu tượng, hầu như được kiến tạo một cách giả tạo, xa rời tình trạng cụ thể và những khả năng thực sự của cac gia đình như trong thực tế. Sự lý tưởng hóa thái quá như thế, nhất là khi chúng ta không thức tỉnh lòng tín thác nơi ơn thánh, không những sẽ làm cho hôn nhân không còn được ước mong và có sức lôi cuốn nữa, nhưng hoàn toàn trái ngược lại” (Amoris laetitia, 36).

Trong chiều hướng trên đây, Ðức Thánh Cha cổ võ sự gần gũi của Giáo Hội đối với các thế hệ mới các đôi vợ chồng, để sự chúc lành cho liên hệ của họ ngày càng có sức thuyết phục và tháp tùng họ, gần gũi với những tình trạng yếu đuối của con người, vì ơn thánh cỏ thể cứu chuộc, hồi sinh và chữa lành những tình trạng yếu đuối ấy. Mối liên hệ không thể tách rời giữa Giáo Hội và các con cái của mình là dấu chỉ rõ ràng nhất về tình yêu trung tín và thương xót của Thiên Chúa”.

Gần đây Ðức Thánh Cha đã thay đổi vị Giám đốc Học viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 về hôn nhân và gia đình, đồng thời liên kết Học viện này với Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống. Ngài bổ nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, làm tân Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự đống, đồng thời làm chưởng ấn Giáo Hoàng Học viện về Hôn nhân và gia đình.

13. Số trẻ em sinh ngoài hôn nhân giảm tại Mỹ

Số lượng trẻ em Mỹ sinh ngoài giá thú đã giảm đáng kể tại Mỹ sau nhiều năm gia tăng, một nghiên cứu của Pew Research được công bố hôm 25 tháng 10.

Bên cạnh đó, số trẻ em được sinh ra ở Mỹ có xu hướng nhích lên dần, từ 3.74 triệu trong năm 1970 lên đến 4 triệu trong năm 2014, mặc dù, trước đó vài năm, sinh suất đã giảm rõ rệt trong cuộc suy thoái bắt đầu vào năm 2008.

Viện nghiên cứu Pew cho biết cả hai sự gia tăng này là do làn sóng người nhập cư. Khoảng một phần ba số trẻ em được sinh bởi các bà mẹ nhập cư là con ngoài giá thú; trong khi tỷ lệ này lên đến 42% nơi các phụ nữ Mỹ.

Trong năm 2014, 901,000 trẻ em được sinh bởi các phụ nữ nhập cư. Số trẻ được sinh ra bởi các phụ nữ Mỹ là 3.1 triệu trong năm 2014.

14. Đức Thánh Cha cổ võ sự cộng tác giữa Giám Mục và Tu Sĩ

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của đời sống thánh hiến trong Giáo Hội và cổ võ sự cộng tác giữa các Giám Mục và tu sĩ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 28-10 dành cho 200 linh mục tham dự viên Hội nghị quốc tế của các vị đại diện và đại biểu Giám Mục về đời sống thánh hiến do Bộ các dòng tu tổ chức tại Roma từ ngày 28 đến 30-10.

Trong số các tham dự viên cũng có 4 linh mục từ Việt Nam. Hội nghị đặc biệt bàn về văn kiện Tòa Thánh “Mutuae relationes” (Tương quan hỗ tương), ban hành năm 1994 về tương quan giữa Giám Mục và các hình thức đời sống thánh hiến. Văn kiện này đang được Bộ Giám Mục và Bộ các Dòng tu tu chính và cập nhật hóa.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đặc biệt khuyến khích các Giám Mục và các vị đại diện đặc biệt quan tâm và thăng tiến đời sống thánh hiến trong giáo phận liên hệ, gần gũi những người thánh hiến trong sự dịu dàng và yêu thương, dạy cho Dân Chúa về giá trị của đời sống thánh hiến.

Đức Thánh Cha nhắc nhở cho những người thánh hiến rằng không được lẫn lộn sự tự trị và miễn trừ với sự cô lập và độc lập: “Ngày nay hơn bao giờ hết cần sống sự tự trị đúng đắn và miễn trừ trong các dòng tu, qua sự liên hệ chặt chẽ với sự hội nhập, làm sao để tự do theo đoàn sủng và đặc tính Công Giáo của đời sống thánh hiến cũng được biểu lộ trong Giáo Hội địa phương.

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến việc thành lập các hội dòng mới và nhắc nhở các Giám Mục để ý đến các tiêu chuẩn như ngài đã trình bày trong số 18 của Tông thư mới đây “Iuvenescit Ecclesia” (Giáo Hội tươi trẻ), như tính chất đặc sắc của đoàn sủng, chiều kích ngôn sứ, sự tháp nhập vào đời sống Giáo Hội địa phương, hiệp thông thực sự với Giáo Hội địa phương và hoàn vũ, dấn thân loan báo Tin Mừng cả trong chiều kích xã hội và kiểm chứng xem vị sáng lập có chứng tỏ sự trưởng thành về mặt Giáo Hội hay không, có đời sống không đi ngược hoạt động của Chúa Thánh Linh hay không. Đặc biệt luôn phải chu toàn nghĩa vụ phải hỏi ý kiến trước đó của Bộ các dòng tu, như ngài đã minh định về khoản giáo luật số 579. (Nếu không hỏi ý kiến thì việc lập dòng sẽ vô hiệu lực).

Sau cùng về tương quan giữa Giám Mục giáo phận và những người thánh hiến, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “không có tương quan hỗ tương tại những nơi nào một số người chỉ huy và những người khác phải tùng phục vì sợ hãi hoặc vì tiện lợi. Trái lại có tương quan hỗ tương tại nơi nào người ta vun trồng đối thoại, lắng nghe trong sự tôn trọng, và đón nhận nhau, gặp gỡ và hiểu biết, cùng tìm kiếm sự thật, ước muốn cộng tác trong tinh thần huynh đệ để mưu ích cho Giáo Hội là ‘căn nhà hiệp thông’. Tất cả những điều đó là trách nhiệm của các vị mục tử cũng như của những người thánh hiến”

15. Huấn Thị Bộ Giáo Lý đức tin về an táng và giữ tro hỏa táng

Bộ Giáo Lý đức tin tái khẳng định lập trường của Giáo Hội cổ võ an táng người chết thay vì hỏa táng. Và trong trường hợp hỏa táng, phải giữ tro cốt người chết tại nghĩa trang hoặc tại nhà thờ và không được rải tro trong thiên nhiên.

Trong cuộc họp báo, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, Mueller, bày tỏ hy vọng “Huấn Thị mới này có thể góp phần để các tín hữu Kitô ý thức hơn nữa về phẩm giá của họ là con cái Thiên Chúa (Rm 8,16).”

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Chúng ta đang đứng trước một thách đố mới đối với công cuộc loan báo Tin Mừng về sự chết. Chấp nhận con người là thụ tạo của Thiên Chúa không trở thành hư vô, đòi phải nhìn nhận Thiên Chúa là nguyên ủy và là vận mạng của cuộc sống con người: chúng ta xuất thân từ đất chúng ta và sẽ trở về đất, trong khi chờ đợi sống lại. Vì thế cần loan báo theo tinh thần Tin Mừng về ý nghĩa sự chết dươi ánh sáng niềm tin nơi Chúa Kitô Phục Sinh, là lò tình yêu nồng cháy, thanh tẩy và tái tạo, trong khi chờ đợi người chết sống lại và sự sống trong thế giới mai hậu (Xc n.2). Như Tertulliano đã viết: “Sự sống lại của người chết chính là niềm tin của các Kitô hữu: khi tin nơi sự sống lại chúng ta là Kitô hữu”

Đức ông Angel Rodriguéz Luno, Cố vấn Bộ giáo lý đức tin, cho biết sở dĩ Huấn thị cấm “tung tro trong thiên nhiên”, là để tránh mọi sự lẫn lộn về đạo lý.. “Thực vậy, sự chọn lựa tung tro thường xuất phát từ ý tưởng với cái chết toàn con người bị hủy diệt, đi tới độ hòa với thiên nhiên, như thể đó là định mệnh chung cục của con người. Đôi khi nó cũng xuất phát từ một sự hời hợt, từ ý muốn che dấu hoặc riêng tư hóa khi nói về cái chết, hoặc từ sự phổ biến sở thích không đúng”.

Về vấn nạn: việc giữ tro hỏa táng của một người thân (cha, mẹ, vợ chồng, con cái) ở trong tư gia có thể là do ước muốn gần gũi và thảo hiếu, giúp dễ tưởng nhớ và cầu nguyện. Đó không phải là động lực thường xuyên, nhưng trong một số trường hợp có lý do ấy. Nhưng có nguy cơ việc giữ tro ở tư gia như thế có thể tạo nên sự quên lãng và thiếu tôn trọng, nhất là khi thế hệ thứ I qua đi (Xc. n.5), hoặc có thể dẫn đến những thứ tang chế không lành mạnh. Nhưng nhất là phải để ý rằng các tín hữu qua đời là thành phần của Giáo Hội, là đối tượng kinh nguyện và tưởng nhớ của người sống, nên điều tốt đẹp là di tích của họ được Giáo Hội đón nhận và gìn giữ với lòng kính trọng, qua dòng thời gian, tại những nơi mà Giáo Hội đã làm phép với mục đích ấy, không đưa họ ra khỏi ký ức và kinh nguyện của người thân và cộng đoàn”

16. Đền thờ Chúa Biến hình trên núi Tabor bị phạm thánh

Đêm 23 rạng sáng 24 tháng 10, đền thờ Chúa Biến hình trên núi Tabor đã bị phạm thánh.

Đức Cha Giacinto-Boulos Marcuzzo, giám quản Tông tòa Giêrusalem nhận định: sự cố nghiêm trọng này cho thấy “một sự thiếu ý thức về thánh thiêng, về thần thánh,” điều luôn có “ở miền đất này”, không chỉ là giữa các Kitô hữu nhưng cả giữa người Do thái và Hồi giáo. Đức Cha cho biết ngài đã đến nơi xảy ra sự việc và chứng kiến những thiệt hại thật sự gây cho ngài nỗi đau buồn.

Sự phạm thánh này xảy ra vào giữa đêm 23 rạng sáng ngày 24 tháng 10 khi một số kẻ lạ mặt đột nhập vào nơi thánh. Những kẻ phá hoại đã lấy trộm chén thánh vì nghĩ là đồ quý, phá hoại các bức ảnh và lấy hòm tiền dâng cúng. Pho tượng Đức Mẹ băng đồng ở trên nhà Tạm cũng bị lấy nhưng vì quá nặng nên chúng đã để lại. Những người tình nguyện đã tìm thấy pho tượng trong vườn và đã mang về đặt ở chỗ cũ. Mình Thánh Chúa bị ném trên nền nhà. Nhưng những kẻ này không có vẽ bậy trên tường như thường làm trong các vụ “price tag” .

Hiện nay giả thiết chính được đặt ra là một vụ trộm vặt, không có liên quan đến các vụ bạo lực và tấn công do các nhóm tôn giáo trong quá khứ. Trong mấy năm gần đây, những người Do thái cực đoan đã tấn công vào một số nơi thờ phượng của Công Giáo, Chính thống Hy lạp và các đền thờ Hồi giáo.

Đức Cha Marcuzzo cho biết cộng đoàn đã thực hành buổi cầu nguyện đơn sơ đền tạ và thánh hiến nhà thờ. Đức Cha cho biết: “Nghi thức đền tạ chính thức sẽ được tổ chức tuần tới. Điều này khẳng định lòng yêu mến của chúng tôi với nơi này, ý thức của chúng tôi về sự thánh thiêng và yêu mến với Đức Mẹ. Những ai có liên hệ với nơi này được mời tham dự, chắc chắn là cả người Hồi giáo.”

Thánh đường Chúa Biến hình được xây trên núi Tabor ở Galilê, miền Bắc Israel, trên nơi mà theo truyền thống, Chúa Giêsu đã biến hình, như được tường thuật trong các Phúc âm thánh Matthêu, Mátcô và Luca.

17. Đức Thánh Cha thay thế toàn bộ các thành viên Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

Hôm thứ Sáu 28 tháng 10, trong một động thái gây sửng sốt cho nhiều người, Đức Thánh Cha đã thay thế tất cả các thành viên của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Cần nói ngay rằng Đức Hồng Y Robert Sarah vẫn còn là Tổng trưởng Thánh Bộ này.

Thông thường, Đức Giáo Hoàng sẽ bổ nhiệm một số thành viên mới cho mỗi cơ quan trung ương tại Vatican, để thay thế cho các thành viên đã phục vụ trong nhiều năm. Nhưng vào ngày thứ Sáu Tòa Thánh công bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm toàn bộ 27 thành viên mới cho Thánh Bộ này, nghĩa là thay đổi hoàn toàn Bộ này.

Các bổ nhiệm mới rõ ràng mang lại một tính cách ‘liberal’ hơn cũng như có tính quốc tế hơn. Những thay đổi này xem ra sẽ hạn chế nỗ lực của Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng trưởng Thánh Bộ, là người ủng hộ hàng đầu cho điều ngài gọi là “cải cách của cải cách” chú trọng đến sự nghiêm trang, kính cẩn trong Phụng Vụ.

Trong số các thành viên mới có Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Beniamino Stella, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ và Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa. Bổ nhiệm gây tranh cãi nhất là trường hợp của Đức Tổng Giám mục Piero Marini, người thường bị chỉ trích về những cải cách ‘phóng khoáng’ trong các nghi lễ phụng vụ. Đức Cha Arthur Serratelli, Giám Mục Paterson, New Jersey, chủ tịch Ủy ban Giám Mục Hoa Kỳ về phụng vụ là vị Giám Mục Hoa Kỳ duy nhất được bổ nhiệm vào Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Các vị Hồng Y không còn trong Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích bao gồm các Đức Hồng Y Raymond Burke, Angelo Scola, George Pell, Marc Ouellet, Angelo Bagnasco, và Malcolm Ranjith.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …