Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 27/05-01/06/2017: Tháng chay Ramadan bắt đầu với bạo lực kinh hoàng

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 27/05-01/06/2017: Tháng chay Ramadan bắt đầu với bạo lực kinh hoàng

1. Ít nhất 26 tín hữu Kitô Ai Cập bị thảm sát trên đường hành hương

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào một xe buýt chở các tín hữu Coptic đi hành hương tại tu viện Thánh Samuel cách thủ đô Cairo 220 km về phía nam. Vụ tấn công đã xảy ra vào sáng thứ Sáu 26 tháng 5.

Bộ Y tế cho hay: có khoảng 8 đến 10 kẻ tấn công ăn mặc đồng phục quân đội, đã bắn loạn xạ vào chiếc xe buýt này trong địa phận tỉnh Minya.

Khaled Mogahed, phát ngôn viên Bộ Y tế, nói rằng số người chết đã lên tới 26 người nhưng sợ rằng còn có thể tăng thêm. Chỉ có ba trẻ em được ghi nhận là may mắn không bị thương trong cuộc tấn công này.

Các đài truyền hình Ả Rập cho thấy hình ảnh của một chiếc xe buýt bị cháy nám với các cửa sổ vỡ vụn. Xe cứu thương đậu chung quanh, trong khi các thi thể nằm đầy trên mặt đất, được phủ bằng những tấm nhựa màu đen.

Ai Cập đã chứng kiến một làn sóng các cuộc tấn công vào các Kitô hữu. Trong ngày lễ lá đẫm máu 9 tháng Tư vừa qua, hai vụ nổ bom đã xảy ra giết chết 45 người chết và làm 125 người khác bị thương. Trước đó, một cuộc tấn công tại nhà thờ Thánh Máccô vào ngày 11 tháng 12 năm ngoái tại một nhà thờ tại Cairo đã làm 25 người thiệt mạng và 78 người khác bị thương.

Tháng trước Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm Ai Cập để chứng tỏ sự ủng hộ của ngài đối với các Kitô hữu tại Ai Cập. Trong chuyến đi này, Phanxicô đã vinh danh và cầu nguyện cho các nạn nhân của các vụ đánh bom.

Sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Ai Cập đã thề sẽ leo thang các cuộc tấn công chống lại Kitô hữu. Chúng ra các thông báo kêu gọi người Hồi giáo tránh xa các cuộc tụ tập của các tín hữu Kitô và các đại sứ quán phương Tây.

Các tín hữu Kitô Ai Cập, là cộng đồng Kitô hữu lớn nhất Trung Đông. Trong những thập kỷ qua, họ đã là mục tiêu tấn công của các phần tử cực đoan Hồi giáo.

2. Dư luận Công Giáo về chuyến viếng thăm của tổng thống Hoa Kỳ tại Vatican và Arab Saudi

Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ Melania Trump đã để đầu trần trong cuộc viếng thăm hoàng gia Ả Rập, nhưng bà và cô con gái đã đội khăn rất đúng phép trong cuộc gặp gỡ Đức Giáo Hoàng tại Vatican. Tại Riyadh, tổng thống Donald Trump nói rất mạnh về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cuộc bách hại người Do Thái và các Kitô hữu. Ông thẳng thừng khuyên các nhà lãnh đạo Hồi Giáo “đối diện một cách trung thực với cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và các hình thái khủng bố Hồi giáo”, “chặn đứng việc áp bức phụ nữ, đàn áp người Do Thái, và tàn sát các Kitô hữu.” Ông Trump nói rất hùng hồn rằng “Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải hoàn toàn rõ ràng về điều này – sự man rợ sẽ chẳng mang lại cho các bạn chút vinh quang nào”.

Đối với cuộc bách hại liên tục các Kitô hữu ở Trung Đông, ông Trump đã nói được đôi điều:

“Trong nhiều thế kỷ qua, Trung Đông là quê hương của các Kitô hữu, người Hồi giáo và người Do Thái. Họ sống bên nhau. Chúng ta phải thực hiện khoan dung và tôn trọng lẫn nhau để một lần nữa làm cho khu vực này trở thành một nơi mà mọi người nam nữ, bất kể đức tin hay sắc tộc, đều có thể hưởng một cuộc sống đúng phẩm giá và tràn trề hy vọng.”

Điều rất có ý nghĩa là những lời này được thốt ra ở thủ đô của một đất nước mà việc thực hành đức tin Kitô giáo đến nay vẫn là bất hợp pháp.

Tổng thống Donald Trump xem ra đã thực hiện được điều đã hứa trong cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ, là sẽ có một cách tiếp cận mới không chỉ với vấn đề chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan mà còn với chính bản thân Hồi giáo. Không giống như đối thủ của ông, và không giống như Tổng thống Obama, ông dường như đã sẵn sàng để gọi một ngọn giáo là một ngọn giáo, và sẵn sàng để thực hiện những hành động cụ thể chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Trong cuộc tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào ngày 10 tháng 7 năm 2009, tổng thống Obama đến trễ 30 phút. Lần tiếp kiến thứ hai tại Vatican hôm 27 tháng Ba năm 2014 với Đức Thánh Cha Phanxicô, ông thậm chí còn đi trễ hơn nữa, tới 45 phút.

Hôm 24 tháng 5 vừa qua, đài truyền hình trung ương Vatican cẩn thận ghi lại hình ảnh chiếc đồng hồ chỉ 8h25’ khi xe của tổng thống vào đến Vatican. Trong cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha, người ta cũng ghi nhận ông Trump tỏ ra nghiêm trang, chân thành chứ không thoải mái đùa cợt với Giáo Hoàng như ông Obama.

Nhiều người Công Giáo tỏ ra hài lòng với những điều này. Tuy nhiên, cũng như sắc lệnh về tự do tôn giáo được ông Trump ký vào ngày 4 tháng Năm vừa qua; đường lối của tổng thống Trump vẫn chưa tách ra được khỏi những chính sách hiện hành của Hoa Kỳ.

Thứ nhất, Mỹ và Arab Saudi đã ký kết một thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỷ Mỹ Kim, và đây chỉ là một phần của một thỏa thuận thương mại trị giá 400 tỷ Mỹ Kim. Hoàn toàn không có gì thay đổi trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Arab Saudi là đồng minh vì Arab Saudi mua vũ khí của Mỹ. Và không có một gợi ý nhỏ nào trong bài phát biểu của ông Trump cho thấy người Mỹ có chút băn khoăn nào về cách thức Arab Saudi sẽ sử dụng vũ khí của họ.

Thứ hai, khi đề cập đến quốc vương Arab Saudis, và vương quốc “tráng lệ” Arab Saudi, như “những người bạn vĩ đại”, ông Trump lờ đi chuyện Arab Saudi là một kẻ vi phạm hàng loạt các quyền con người trong nhiều khía cạnh khác nhau. Không nơi nào trong bài phát biểu ông Trump, người ta có thể tìm được chút hơi thở của những lời chỉ trích. Giữa những lời ca ngợi các nhà lãnh đạo Ả rập của ông, tổng thống xem ra miễn nhiễm với sự tàn bạo khủng khiếp mà những kẻ khủng bố Hồi giáo đã gây ra bằng tiền và vũ khí được Arab Saudi tài trợ.

Những lời chỉ trích gay cấn trong bài phát biểu đã được nhắm vào Iran, như một nhà xuất cảng chủ nghĩa khủng bố. Lời buộc tội tương tự lẽ ra cũng phải được thực hiện đối với Saudi Arabia. Thật là thú vị khi thấy rằng Iran bị đổ lỗi cho chiến tranh ở Yemen chứ không phải Saudi Arabia.

Bài phát biểu của ông Trump tại Saudi Arabia có thể được thực hiện bởi bất kỳ vị tổng thống Mỹ nào trong vài thập kỷ qua. Nó không đại diện cho một khởi đầu mới. Nói theo kiểu Mỹ “business as usual”.

3. Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump là một người Công Giáo

Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump là một người Công Giáo thực hành đạo, người phát ngôn của bà đã khẳng định như trên.

Sau những suy đoán về niềm tin của bà Trump trong chuyến thăm viếng Vatican vào hôm thứ Tư, 24 tháng 5, nữ phát ngôn viên Stephanie Grisham đã xác nhận với giới báo chí rằng Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ thực sự là người Công Giáo.

Bà Trump đã viếng thăm và cầu nguyện tại nhà thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem. Trong chuyến viếng thăm Vatican, bà cũng đã đặt hoa tại chân bức tượng Đức Trinh Nữ Maria và dành thời gian cầu nguyện tại Bệnh viện Bambino Gesù của Vatican. Bà cũng nhờ Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép một tràng hạt Mân Côi của bà.

Người ta không rõ Melania Trump, sinh ngày 26/4/1970, đã trở thành người Công Giáo vào lúc nào. Cô đã lớn lên trong một gia đình cộng sản ở Slovenia và không được rửa tội khi còn nhỏ. Cô kết hôn với Donald Trump, một người theo Tin Lành Trưởng Lão từ nhỏ, vào năm 2005 tại một nhà thờ Tin Lành ở Palm Beach, Florida.

Mặc dù chồng bà đã dọn vào tòa Bạch Ốc khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng Giêng vừa qua, bà chưa dọn vào tòa Bạch Ốc và vẫn sống bên ngoài cho đến mùa hè năm nay. Khi chính thức dọn vào tòa Bạch Ốc, bà sẽ là người Công Giáo đầu tiên sống tại số 1600 đại lộ Pennsylvania kể từ sau khi tổng thống John F Kennedy và phu nhân Jackie sống ở đó vào đầu thập niên 1960.

4. Phi Luật Tân: Một linh mục và hàng chục giáo dân bị bắt làm con tin và bị hăm dọa chặt đầu

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Phi Luật Tân trong nhóm Maute đã gọi điện thoại cho Đức Cha Elmer Abacahin của giáo phận Cagayan de Oro tuyên bố sẽ chặt đầu một linh mục và hàng chục giáo dân bị bắt cóc từ tối thứ Ba 23 tháng Năm tại thành phố Marawi trên đảo Mindanao nếu yêu sách của chúng không được thỏa mãn.

Bạo lực đã bùng phát tại Marawi sau khi quân đội Phi Luật Tân lùng bắt tên chỉ huy của quân khủng bố Hồi Giáo IS trong vùng là Iskilon Hapilon. Mặc dù quân đội chưa bắt được Iskilon Hapilon, các phần tử cực đoan Hồi Giáo đã bao vây thành phố này, đốt các tòa nhà, treo cờ ISIS khắp nơi, và giết chết ít nhất hai cảnh sát viên. Ít nhất 21 người đã chết trong cuộc chiến.

Tối thứ Ba ngày 26 tháng Năm, cha Chito Suganog đang dâng lễ trong nhà thờ chính tòa Marawi, thì bị quân khủng bố Hồi Giáo IS bắt giữ cùng với hàng chục anh chị em giáo dân và các nhân viên nhà thờ.

Đức Cha Elmer Abacahin nói với tờ Gold Star Daily có trụ sở tại Mindanao rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS đòi quân đội phải triệt thoái khỏi thành phố Marawi. Tổng thống Rodrigo Duterte đã bác bỏ yêu sách này và bắt buộc bọn khủng bố Hồi Giáo IS phải đầu hàng vô điều kiện. Tính mạng của cha Chito Suganog và anh chị em giáo dân rất nguy ngập.

Hàng ngàn người dân đã chạy trốn khỏi thành phố này vào hôm thứ Năm, trong khi xe tăng của quân đội tiến về phía thành phố.

Đức Tổng Giám Mục Socrates Villegas của Lingayen-Dagupan, là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân nói:

“Cha Chito Suganog không phải là một chiến binh. Ngài không mang vũ khí. Ngài không phải là một mối đe dọa cho bất cứ ai. Việc bắt giữ ngài và những người bên cạnh ngài vi phạm mọi quy tắc nhân đạo trong các cuộc giao tranh.”

5. Tòa Thánh lên tiếng về việc bảo vệ các thường dân trong chiến tranh

Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, là Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường việc bảo vệ cho các thường dân trong các cuộc xung đột võ trang.

Đức Tổng Giám Mục Auza, người Phi Luật Tân, đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài tham luận hôm 25-5, tại cuộc thảo luận mở của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về đề tài “Bảo vệ các thường dân và săn sóc sức khỏe trong các cuộc xung đột võ trang”.

Diễn biến này xảy ra chỉ vài ngày sau khi một linh mục và 15 giáo dân bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt giữ trong cuộc giao tranh với quân chính phủ Phi Luật Tân tại thành phố Marawi, thuộc đảo Mindanao.

Vị đại diện Tòa Thánh nhận xét rằng một xu hướng trong các cuộc xung đột võ trang hiện nay là các thường dân không những ngày càng ít được bảo vệ khỏi các cuộc xung đột ấy, nhưng còn trở thành các mục tiêu nữa. Việc sử dụng thường dân như võ khí chiến tranh là một lối hành xử đáng lên án nhất.. Bạo lực khôn tả bị cố tình gây ra cho các thường dân và những vụ trắng trợn vi phạm công pháp quốc tế về nhân đạo ngày càng trở thành điều thông thường”.

Đức Tổng Giám Mục Auza cũng tố giác sự kiện với sự tối tân hóa các võ khí sự phân biệt giữa các võ khí tàn sát tập thể với các các võ khí quy ước tân thời ngày càng lu mờ, vì cả hai thứ võ khí này đều giống nhau trong việc tàn sát các thường dân và phá hủy những vùng rộng lớn, cùng với các dân cư trong đó. Bất kỳ võ khí nào có ảnh hưởng tàn phá như thế trên các thường dân đều là điều trái ngược với công pháp quốc tế về nhân đạo và mọi lý tưởng văn minh, đáng bị lên án quyết liệt, không chút do dự”.

Trong bài tham luận, Đức Tổng Giám Mục Auza cũng lên án sự cố ý tàn phá các hạ tầng cơ cấu quan trọng đối với sự sống còn của các thường dân, như trường học, nhà thương và các hệ thống cung cấp nước. Chủ trương này đã trở thành một chiến lược được chọn lựa và thi hành trong các cuộc xung đột hiện nay tại Trung Đông.. Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ, theo hiến chương Liên Hiệp Quốc, phải bảo vệ các thường dân và các cơ cấu hạ tầng của họ chống lại sự tàn bạo dã man.

Đức Tổng Giám Mục Auza nhắc lại nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với sự mâu thuẫn của nhiều chính phủ: “Chúng ta nói ‘Không bao giờ chiến tranh nữa’, nhưng chúng ta tiếp tục sản xuất và bán khí giới cho những người đang giao chiến với nhau.” Quốc tế thảo luận nhiều về việc chấm dứt bạo lực và xung đột hầu như vô ích nếu đồng thời vô số các võ khí tiếp tục được sản xuất, được bán và tặng cho các chế độ độc tài, các nhóm khủng bố và các tổ chức tội phạm. Những người sản xuất, buôn bán võ khí phải ý thức rằng họ trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ các tội ác tàn sát tập thể, giúp những kẻ vi phạm các nhân quyền căn bản và quay lưng lại đối với sự phát triển của toàn bộ các dân tộc hoặc các quốc gia. Vì thế cần củng cố các luật pháp và hiệp ước liên hệ trên bình diện đa phương, song phương và bình diện quốc gia, như một bước tiến theo chiều hướng đúng để bảo vệ các thường dân bị kẹt trong các cuộc xung đột võ trang.

Và Đức Tổng Giám Mục Auza nói rằng: “Tòa Thánh tái kêu gọi các hãng và quốc gia sản xuất võ khí hãy hạn chế việc chế tạo, bán và tặng các võ khí kinh khủng được sử dụng để gây kinh hoàng cho các thường dân hoặc tàn phá các cơ cấu hạ tầng dân sự”.

6. Tình trạng thiếu linh mục trầm trọng tại Bồ Đào Nha

Việc thiếu hụt các linh mục tại Bồ Đào Nha đã trở thành trầm trọng đến mức ở nhiều vùng quê hình ảnh các phụ nữ đứng trên bàn thờ cử hành các buổi “Phụng Vụ Chúa Nhật không có linh mục” đã trở nên rất quen thuộc.

Cha Manuel Jose Marques, một linh mục coi sóc bảy giáo xứ ở Reguengos de Monsaraz, một vùng quê rộng lớn miền Alentejo giữa Evora và biên giới Tây Ban Nha, cho biết:

“Mười chín năm trước khi mới về nhận nhiệm sở ở vùng này, chúng tôi có 3 linh mục coi sóc 7 giáo xứ này. Chỉ ba năm sau, tôi là linh mục duy nhất còn sót lại trong vùng này. Trước tình hình đó, tôi phải nghĩ đến một giải pháp nào đó. Tôi tập hợp một nhóm 16 tình nguyện viên tuổi từ 24 đến 65 với các nguồn gốc khác nhau. Tôi huấn luyện cho họ không phân biệt nam nữ để họ có thể thực hiện các buổi Phụng Vụ Chúa Nhật không có linh mục”

Cha Manuel Jose Marques, 57 tuổi, nói: “Điều này có vẻ lạ lùng và mới mẻ, nhưng chúng tôi đã không phát minh ra bất cứ thứ gì ở đây. Đó là một công cụ đã được thiết định trong các hướng dẫn của Giáo Hội cho những trường hợp cần thiết.”

Phụng Vụ Chúa Nhật không có linh mục do các giáo dân điều hành đã diễn ra ở nhiều quốc gia, bao gồm Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha, và Thụy Sĩ.

Hình thức Phụng Vụ này đã bắt đầu vào những năm 1980 với trình tự giống như một thánh lễ nhưng không có phần truyền phép và kinh nguyện Thánh Thể.

Tòa thánh và hàng giáo phẩm các nước không khuyến khích thực hành này vì lo sợ sự tầm thường hóa Thánh Lễ.

Trong nhà thờ Carrapatelo nhỏ bé, một ngôi làng nhìn ra những vườn nho thuộc vùng Reguengos de Monsaraz, Claudia Rocha đứng trước hàng chục phụ nữ lớn tuổi.

Sau những bài cầu nguyện và thánh ca, cô trình bày một vài nhận xét về các bài đọc trong ngày.

Cuối cùng, Rocha trao Mình Thánh Chúa đã được cha Manuael làm phép trước đó.

Angelica Vital, một phụ nữ hưu trí ở tuổi 78, cho biết: “Đầu tiên, chúng tôi thấy thật là kỳ cục – khi một phụ nữ điều hành Thánh lễ, nhưng bây giờ chúng tôi quen rồi”.

7. Những bổ nhiệm quan trọng trong giáo phận Rôma

Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố hôm thứ Sáu 26 tháng 5 rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Angelo De Donatis, là một giám mục phụ tá tại Rôma, làm giám quản thay mặt cho ngài trong việc chăn dắt thành phố này.

Tòa Thánh cũng công bố Đức Thánh Cha đã chấp nhận đơn xin nghỉ hưu của Đức Hồng Y Vallini, 77 tuổi, đã là giám quản Rôma kể từ năm 2008.

Đức Tổng Giám Mục De Donatis là một nhà giảng thuyết nổi tiếng. Ngài đã phụ trách thuyết giảng cuộc tĩnh tâm Mùa Chay đầu tiên của Đức Thánh Cha khi vừa được bầu làm Giáo Hoàng.

Đức Giáo Hoàng là vị giám mục Rôma, nhưng trách nhiệm của ngài quá rộng lớn nên ngài cần một vị đại diện để bảo đảm việc chăm sóc mục vụ thích đáng cho giáo phận Rôma.

Với việc bổ nhiệm này, Đức Giáo Hoàng tự động nâng vị giám mục phụ tá Rôma lên hàng tổng giám mục. Ngài sẽ là một trong những vị được nhận dây Pallium vào ngày 29 tháng 6 tới đây nhân lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ.

Đức Tân Tổng Giám Mục Angelo De Donatis cũng được bổ nhiệm làm hiệu trưởng của Đại học Giáo Hoàng Lateranô của Rôma. Ngài cũng là linh mục trưởng Đền Thờ Thánh Gioan Lateranô, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Rôma.

Đức Tổng Giám mục De Donatis sẽ thay thế công việc của Đức Hồng Y Agostino Vallini vào ngày 29 tháng 6, lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, là các vị thánh bảo trợ của Rôma.

Trước tin bổ nhiệm này, Đức Cha De Donatis nói rằng nhiệm vụ của ngài là “loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói và cuộc sống” cũng như “bảo vệ và quảng bá sự hiệp thông trong Giáo Hội”.

“Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi ân sủng biết luôn lắng nghe sâu sắc”.

Đức Tân Tổng Giám Mục Angelo De Donatis năm nay 63 tuổi, quê quán tại tỉnh Lecce của Italia. Vị tân tổng giám mục có bằng triết học, thần học và thần học luân lý và được phong chức linh mục vào năm 1980.

Ngài đã từng coi sóc một giáo xứ tại giáo phận Rôma, giảng dạy tại một chủng viện và là giám đốc linh đạo cho đại chủng viện Rôma. Ngài cũng đã từng là một hiệp sĩ quản thủ Thánh Mộ Giêrusalem. Không lâu sau khi ngài phụ trách tuần tĩnh tâm Mùa Chay 2014 của giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm giám mục phụ tá Rôma vào năm 2015 với trọng trách chăm sóc việc đào tạo các linh mục.

8. Tân Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Italia

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ định Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti của tổng giáo phận Perugia-Città della Pieve làm Tân Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Italia.

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, người đã giữ chức vụ này từ năm 2007, đã tuyên bố như trên vào cuối thánh lễ bế mạc phiên họp khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Italia hôm 24 tháng 5 tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sáng thứ Hai 22 tháng 5, các Giám Mục Italia thuộc 62 tổng giáo phận và 163 giáo phận đã tham dự phiên họp khoáng đại tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới của Vatican.

Trong những lời nhận xét ngắn gọn với các giám mục trong phiên khai mạc vào sáng 22 tháng 5, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các Giám Mục thảo luận một cách tự do và cởi mở, vì “khi cuộc đối thoại bị dập tắt, tin đồn sẽ được gieo rắc.” Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát biểu thẳng thắn những ý kiến khác nhau.

Đức Thánh Cha đã cám ơn Đức Hồng Y Bagnasco vì sự phục vụ của ngài trong tư cách chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia trong 10 năm qua. Ngài nói đùa rằng công việc của Đức Hồng Y đã rất khó khăn vì “không dễ dàng làm việc với Đức Giáo Hoàng này”.

Trong bài diễn văn sau cùng của mình với tư cách chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, Đức Hồng Y Bagnasco đã nói về tầm quan trọng của phúc âm hóa những người trẻ tuổi tại Ý.

Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết các Giám Mục Italia đã chọn 3 ứng viên thay thế Đức Hồng Y Bagnasco là Đức Hồng Y Bassetti, Đức Cha Franco Giulio Brambilla của Novara, và Đức Hồng Y Francesco Montenegro của Agrigento. Từ danh sách này, Đức Thánh Cha chỉ định một vị làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia.

Đức Hồng Y Bassetti, năm nay 75 tuổi, được phong chức linh mục năm 1966 và được bổ nhiệm giám mục năm 1994. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục của Perugia-Città della Pieve năm 2009, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong Hồng Y cho ngài vào năm 2014.

9. Ẩn sĩ trong một tu viện tại Áo

Stan Vanuytretch, một người Bỉ, năm nay 58 tuổi, vừa bắt đầu một công việc mới, là làm một ẩn sĩ cô đơn trong một tu viện tại Saalfelden, bên Áo.

Thầy Stan Vanuytretch là một trong 70 ứng viên trên thế giới được chọn vào “chức” ẩn sĩ này, một công việc hoàn toàn không có lương.

Thầy Stan Vanuytretch nói: “Tôi cần sự yên lặng, cần thời gian cầu nguyện, và chiêm niệm và đó là những gì tôi có ở đây, yên lặng đầy ắp mỗi buổi sáng và buổi chiều.”

Trước làn sóng đô thị hóa, Saalfelden là một trong những nơi ẩn tu cuối cùng tại Âu Châu. Nhà nguyện Công Giáo này đã có từ 350 năm nay. Không có điện nước gì trong cái chòi 431 square feet hay 40m vuông này.

Thầy Stan Vanuytretch nói về sinh hoạt của mình như sau: “Tôi xuống phố 2 lần một tuần để mua sắm. Tôi tắm rửa dưới đó trong trung tâm thể thao và nấu ăn ở đây trong bếp lò như ở nhà vậy thôi. Thực ra, mọi chuyện cũng như ở nhà vậy thôi”

Thầy Stan Vanuytretch nói mình tìm được mọi thứ đã từng mong ước nhưng cũng không mong muốn có một sự tách biệt hoàn toàn với thế giới. Nhiều người đến đây để chiêm ngưỡng quang cảnh dòng băng tuyết chung quanh. Vị ẩn sĩ nói ngài chuẩn bị tiếp đón các du khách và có một nhà nguyện nhỏ dành cho những ai muốn tâm sự riêng với ngài.

10. Đức Thánh Cha tiếp Dòng Tiểu Muội thừa sai bác ái

Sáng 26-5, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến tổng tu nghị dòng tiểu muội thừa sai bác ái và ngài khích lệ các chị biểu lộ cho tha nhân vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa.

Dòng Tiểu muội thừa sai bác ái cho Cha Orione thành lập và tổng tu nghị thứ 12 của các chị hiện nay có chủ đề là “Tận hiến cho Thiên Chúa đà tận hiến cho tha nhân. Các tiểu muội thừa sai bác ái: các nữ môn đệ thừa sai, chứng nhân vui mừng về đức bác ái nơi các khu ngoại ô của thế giới”.

Nhân danh Giáo Hội và người nghèo Đức Thánh Cha cám ơn các chị vì các vì các hoạt động tông đồ bác ái, việc mục vụ giới trẻ trong các trường học, nhà dưỡng lão, trong các nhà sinh hoạt giáo lý cho giới trẻ..

Đức Thánh Cha đặc biệt nhắn nhủ các chị đào sâu tình hiệp thông với Chúa Kitô để có thể chu toàn sứ mạng truyền giáo qua các hoạt động bác ái, phục vụ người nghèo. Ngài cũng nhấn mạnh rằng thừa sai phải là người có tinh thần táo bạo và có sáng kiến, không thể theo tiêu chuẩn thoải mái: “từ trước đến giờ người ta vẫn luôn làm như vậy”. Chị em hãy suy nghĩ lại các mục tiêu, các cơ cấu, lối sống và phương pháp thi hành sứ mạng của mình. Chúng ta đang sống trong một thời đại cần nghĩ lại mọi sự dưới ánh sáng điều mà Chúa Thánh Linh yêu cầu chúng ta.

Điều này có một cái nhìn đặc biệt về sứ mạng và thực tại: cái nhìn của Chúa Giêsu, là cái nhìn của Mục Tử Nhân Lành, một cái nhìn không phán xét, nhưng tìm hiểu sự hiện diện của Chúa trong lịch sử; một cái nhìn gần gũi để chiêm ngắm, cảm động và ở với người khác bao lâu cần thiết; một cái nhìn sâu xa, tin tưởng, tôn trọng và đầu cảm thông, chữa lành, giải thoát, an ủi.

11. Con trai lớn của thủ tướng Ba Lan được thụ phong linh mục

Hôm Chúa Nhật, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo đã tham dự thánh lễ mở tay của người con trai lớn nhất được vừa được thụ phong linh mục một ngày trước đó.

Cha Tymoteusz Szydlo, 25 tuổi, đã cử hành thánh lễ đầu tiên của ngài vào ngày Chúa Nhật 28 tháng 5 tại nhà thờ Đức Mẹ Czestochowa ở Przecieszyn nơi ngài đã được rửa tội 25 năm trước. Theo truyền thống của Ba Lan, một linh mục mới được thụ phong sẽ cử hành Thánh Lễ đầu tiên của ngài tại ngôi nhà thờ mà ngài đã được đón nhận vào Hội Thánh Chúa.

Hôm thứ Bẩy, Đức Cha Roman Pindel của giáo phận Bielsko-Żywiecki đã truyền chức linh mục cho thầy phó tế Tymoteusz Szydlo, sau khi vị tân chức đã trải qua một thời gian 5 năm theo học tại Đại Chủng Viện Krakow.

Nói chuyện với các ký giả thủ tướng cho biết cô và chồng cô, Edward Szydlo, “rất hạnh phúc và tự hào.”

Bà Beata Szydlo đứng đầu một chính phủ của đảng Luật Pháp và Công Lý cổ vũ việc tuân thủ các giáo huấn truyền thống của Công Giáo.

12. Ngày lễ kính Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu tại Italia

Người dân Italia có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt dưới tước hiệu “Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu”. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cuộc rước rất lớn diễn ra tại thành phố Turinô do Đức Tổng Giám Mục Cesare Nosiglia dẫn đầu.

Cuộc rước tuy diễn ra vào ngày thứ Tư 24 tháng 5, là một ngày làm việc, cũng đã lôi cuốn hàng trăm ngàn người.

Ngày 24 tháng 5 cũng đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 chọn làm ngày cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Hoa. Do đó, Đức Tổng Giám Mục Cesare Nosiglia đã mời Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Giám Mục Hương Cảnh đồng tế và đọc các lời nguyện cho Giáo Hội tại Trung Hoa.

Vào lúc kết thúc buổi triều yết chung hôm 24 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ các tín hữu về lễ nghi truyền thống của ngày hôm đó, ngày lễ Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu.

Đức Thánh Cha nói:

“Việc kính nhớ Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu, mà chúng ta kính nhớ ngày hôm nay, làm cho chúng ta ý thức về sự lớn lao của hồng ân được Mẹ Con Chúa bảo vệ cho mỗi người trong chúng ta”

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ vùng đã bị động đất Valnerina. Ngài gửi lời thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới và nói:

“Hôm nay chúng ta mừng kính Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu. Các bạn trẻ thân mến, hãy học yêu mến theo trường của Mẹ Chúa Giêsu; hỡi các bệnh nhân thân mến, trong đau khổ, anh chị em hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria với kinh Mân Côi; và hỡi anh chị em là các đôi tân hôn, với Mẹ Maria anh chị em hãy luôn biết lắng nghe thánh ý Chúa về gia đình của anh chị em”

13. Đức Thánh Cha gặp gỡ giới công nhân tại Genova

Đức Thánh Cha đã dành trọn ngày thứ bẩy 27-5, từ sáng đến chiều để viếng thăm giáo phận Genova, ở miền tây bắc Italia, cách Roma 400 cây số đường chim bay, và gần 490 cây số nếu đi đường bộ.

Genova là một thành phố cảng có hơn 580 ngàn dân và nếu tính cả vùng phụ cận thì dân số lên tới một triệu rưỡi. Đây là cảng lớn nhất của Italia và đứng thứ hai ở vùng Địa Trung Hải. Về mặt tôn giáo Tổng giáo phận Genova có hơn 670 ngàn tín hữu Công Giáo do Đức Hồng Y Angelo Bagnasco coi sóc. Ngài vừa mãn nhiệm 10 năm làm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia nhưng vẫn tiếp tục làm Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu trong 4 năm nữa.

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại đây khá dầy đặc. Từ Roma, ngài đến phi trường Cristoforo Colombo của Genova lúc 8 giờ 15 phút sáng, rồi gặp 3,500 công nhân tại hãng luyện thép Ilva di Cornigliano, đại diện cho giới lao động. Tiếp đến Đức Thánh Cha đến nhà thờ chính tòa thánh Lorenzo để gặp 1,800 đại diện của hàng giáo sĩ vào lúc 10 giờ, trước khi đến Đền Thánh Đức Mẹ canh giữ ở trên núi cao 1 ngàn mét để gặp 2,600 bạn trẻ, rồi dùng bữa trưa với 135 người nghèo, người vô gia cư, người tị nạn và tù nhân cùng với những người cùng đi. Sau bữa ăn trưa, vào lúc 3 giờ 45, Đức Thánh Cha viếng thăm bệnh viện nhi đồng Gaslini, và sau cùng là thánh lễ lúc 5 giờ rưỡi, trước khi rời Genova lúc 7 giờ rưỡi để trở về Roma.

Trong buổi gặp gỡ giới công nhân Đức Thánh Cha cảm động nói với họ rằng: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Genova, rất gần hải cảng làm cho tôi nhớ đến nơi mà ba tôi đã khởi hành để di cư sang Á Căn Đình điều này làm cho tôi rất xúc động. Cám ơn sự tiếp đón của anh chị em.”

Trong cuộc đối thoại tiếp đó với các công nhân, Đức Thánh Cha đã lần lượt trả lời những câu hỏi do 4 đại diện các giới nêu lên, bắt đầu là một chủ xí nghiệp, Ông Ferdinando Garré, thuộc phân bộ sửa chữa tàu, tiếp đến là bà Micaela, một đại diện công đoàn, thứ ba là ông Sergio một công nhân đang theo tiến trình huấn luyện do các vị tuyên úy cổ võ, và sau cùng và bà Vittoria, một người thất nghiệp.

Đức Thánh Cha đã nói đến những đức tính và cách cư xử của những chủ xí nghiệp tốt. Ngài nói: “Các chủ xí nghiệp lương thiện là những người gần gũi các công nhân, biết rõ những điều kiện làm việc của họ như trong một gia đình, tôn trọng phẩm giá của các công nhân.”

Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Chủ xí nghiệp phải hết sức tránh biện pháp sa thải các công nhân viên. Mỗi chủ xí nghiệp đau khổ khi phải sa thải và từ sự đau khổ này thường nảy sinh những ý tưởng tốt để giới hạn việc sa thải”.

Ngài cũng nhận xét rằng một căn bệnh của kinh tế là dần dần biến các chủ xí nghiệp, các doanh nhân thành những người đầu cơ. Người đầu cơ giống như người chăn thuê mà Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm, đối nghịch với người Mục Tử nhân lành. Người đầu cơ không yêu hãng xưởng của mình, không yêu mến công nhân, nhưng coi hãng xưởng và công nhân như phương thế để kiếm lợi.”.

Đức Thánh Cha xác tín rằng “Đối tượng cần đạt tới không phải là lợi tức cho tất cả mọi người, nhưng là công ăn việc làm cho mọi người”.

Những câu trả lời của Đức Thánh Cha bị ngắt quãng 12 lần những tràng pháo vỗ tay hưởng ứng của các công nhân.

Giã từ các công nhân viên tại hãng luyện thép Ilva sau hơn 1 tiếng gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã tiến về nhà thờ chính tòa thánh Lorenzo của tổng giáo phận Genova.

14. Đức Thánh Cha gặp gỡ các giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh ở Genova

Trong cuộc gặp gỡ 1,800 linh mục, nữ tu và chủng sinh tại nhà thờ thánh Lorenzo của giáo phận Genova, sáng ngày 27-5, Đức Thánh Cha cảnh giác chống nạn nói hành nói xấu, và nạn nhập khẩu ơn gọi từ nước nghèo để giải quyết nạn thiếu ơn gọi ở các nước Âu Mỹ.

Hiện diện trong thánh đường cũng có các Giám Mục thuộc 7 giáo phận ở miền Liguria, không kể hàng ngàn tín hữu khác chào đón ngài ở quảng trường bên ngoài.

Trong cuộc gặp gỡ và đối thoại, sau lời chào mừng của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Genova, 3 linh mục và 1 nữ tu đã nêu lên 4 câu hỏi với Đức Thánh Cha.

Trước khi trả lời các câu hỏi được nêu lên, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng cầu nguyện cho các tín hữu Chính Thống Coptic Ai Cập bị khủng bố giết chết trên đường đi hành hương tại Đan viện thánh Samuel. Ngài nhắc lại rằng chúng ta hãy nhớ: các tín hữu Kitô ngày nay nhiều hơn thời xưa”.

Trong phần trả lời, Đức Thánh Cha mời gọi các linh mục phát triển tình huynh đệ với nhau, đó là một sự phong phú vì nó mở rộng tâm hồn. Thái độ này là một công việc mỗi ngày. Nhưng nhiều khi nó không đi sâu vào tâm hồn của linh mục, và khi thiếu như vậy thì đó là một sự phản bội: người ta bán anh em, lột da anh em, theo hình ảnh ma quỉ. Đức Thánh Cha cảnh giác những điều vi phạm tình huynh đệ linh mục: sự ghen tương, cạnh tranh, đưa tới sự nói xấu, vu khống hoặc những nhận xét hạ giá. Ngài nhắc đến sự kiện nhiều khi trong các cuộc thăm dò về ứng viên giám mục, đương sự bị những người khác nói xấu, vu khống, hoặc có những lời hạ giá người anh em. Đức Thánh Cha cũng cảnh giác cần phải loại trừ những người hay nói hành nói xấu ra khỏi chủng viện, vì họ sẽ làm hại hàng giáo sĩ.

Ngài nói: “Chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta phải giúp đỡ nhau… cả khi xảy ra những tranh luận, nhưng không nên sợ những cuộc thảo luận, vì nó chứng tỏ có tự do, tình thương và huynh đệ”.

Ngài cũng nói nói rằng: “Chúng ta có một nguy cơ mà nhiều khi chúng ta không nhận thấy, đó là nguy cơ tạo nên một hình ảnh linh mục biết mọi sự, không cần đến những người khác, linh mục “gogle-wikipedia” thông biết tất cả. Sự tự mãn như thế là một thực tại gây hại nhiều cho đời sống linh mục”.

Sau cùng trả lời câu hỏi về khủng hoảng ơn gọi, Đức Thánh Cha nhận xét cuộc khủng hoảng này liên hệ tới mọi ơn gọi, kể cả ơn gọi hôn nhân, vì thế cần phải suy nghĩ để tìm giải pháp, không rơi vào những giải pháp có sức thu hút. Ngài mạnh mẽ lên án nạn “buôn tập sinh”: có những dòng để đối phó với sự giảm sút ơn gọi, đã sai người đến các nước thế giới thứ ba để tuyển mộ cả những người trẻ không có ơn gọi”.

Giã từ các linh mục và tu sĩ, lúc giữa trưa, Đức Thánh Cha tiến lên Đền thánh Đức Mẹ Canh Giữ, từ hơn 500 năm nay, Đức Mẹ canh giữ thành Genova. Tại đây ngài gặp gỡ 2,600 bạn trẻ

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN