Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 27/04-03/05/2017: Dư âm chuyến đi đầy bất trắc của Đức Thánh Cha tại Ai Cập

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 27/04-03/05/2017: Dư âm chuyến đi đầy bất trắc của Đức Thánh Cha tại Ai Cập

1. Cuộc phỏng vấn trên đường trở về từ Cairo: Đức Thánh Cha kêu gọi một giải pháp giải quyết căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các nhà báo rằng một giải pháp ngoại giao cần phải được tìm ra để giải quyết những căng thẳng đang leo thang giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Ngài đã đưa ra lập trường trên khi được hỏi về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi tàu chiến Hải quân Mỹ đến khu vực này để đáp trả lại các cuộc thử nghiệm tên lửa liên tục của Bắc Triều Tiên và những lời đe doạ theo đó quốc gia cộng sản này sẽ phóng tên lửa hạt nhân tấn công Nam Hàn, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha nói:

“Tôi sẽ kêu gọi cho họ. Tôi sẽ kêu gọi họ như tôi đã từng kêu gọi các nhà lãnh đạo ở những nơi khác.”

Đức Thánh Cha nhận xét lạc quan rằng có rất nhiều người có khả năng giúp làm trung gian hòa giải trên khắp thế giới, những người “luôn sẵn sàng giúp đỡ” trong các cuộc đàm phán.

Tình hình ở Triều Tiên, theo Đức Thánh Cha, đã âm ỉ trong một thời gian dài, “nhưng bây giờ xem ra đã nóng lên rất nhiều?”

“Tôi luôn luôn kêu gọi [việc giải quyết các vấn đề] thông qua con đường ngoại giao, đàm phán” bởi vì tương lai của nhân loại phụ thuộc vào đối thoại.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại một quan điểm đã được ngài lặp đi lặp lại nhiều lần rằng chiến tranh thế giới thứ ba đang diễn ra “từng phần”, và có thể được nhìn thấy tỏ tường ở những nơi đang có xung đột cục bộ như tại Trung Đông, Yemen và một phần của Châu Phi.

“Chúng ta hãy dừng lại. Hãy tìm một giải pháp ngoại giao,” ngài nói. “Và ở đó, tôi tin rằng Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ giành lại vai trò lãnh đạo của mình một chút vì vai trò này đã bị sa sút”.

Khi được hỏi liệu ngài có muốn gặp Tổng thống Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ sang Ý vào cuối tháng 5, Đức Thánh Cha cho biết, “Tôi chưa được Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thông báo về một yêu cầu như thế.”

Nhưng ngài nói thêm, “Tôi tiếp mọi nhà lãnh đạo các quốc gia muốn được tiếp kiến.”

Một nhà báo Đức đã hỏi Đức Thánh Cha về những tranh cãi xung quanh việc ngài nói rằng một số trại tị nạn tại Âu Châu ngày nay giống như các trại tập trung.

Một tuần trước đó, trong buổi Phụng Vụ Lời Chúa tại Đền Thờ Thánh Bácthôlômêô tại Rôma chiều thứ Bẩy 22 tháng Tư do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức để tưởng niệm các vị tử đạo mới trong thế kỷ 20 và 21, khi đề cập đến các trại tị nạn, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “nhiều trung tâm trong số này giống như các trại tập trung, bởi vì có quá đông người.”

Phóng viên người Đức này nói:

“Đối với người Đức chúng con rõ ràng đây là một thuật ngữ rất nặng nề. Mọi người nói chắc là ngài lỡ lời”.

“Không, tôi không lỡ lời đâu”, Đức Thánh Cha trả lời. Ngài nói thêm rằng có một số trại tị nạn trên thế giới – nhưng chắc chắn không phải ở Đức – “là những trại tập trung thực sự”.

Khi các trung tâm được xây dựng để nhốt người ta, nơi chẳng có gì được xúc tiến và họ không thể đi đâu được thì đó “là một trại tập trung”.

Sau khi tướng el-Sisi lật đổ Mohammed Morsi, và lên nắm quyền tại Ai Cập, nhiều quốc gia phương Tây không công nhận tính hợp pháp của chính quyền mới; mặc dù tướng el-Sisi được bầu lên thông qua một cuộc bầu cử hợp hiến. Các phương tiện truyền thông, đặc biệt, là ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích chuyến tông du của Đức Thánh Cha như một sự ủng hộ của Tòa Thánh cho tướng el-Sisi.

Do đó, một phóng viên đã hỏi Đức Thánh Cha là báo chí nên diễn giải như thế nào về những bài phát biểu của ngài dành cho các quan chức chính phủ khi ngài kêu gọi họ hỗ trợ hoà bình, hòa hợp và bình đẳng cho mọi công dân và liệu những bài phát biểu như thế có phản ảnh việc ngài ủng hộ cho chính phủ đó hay không.

Đức Thánh Cha nói rằng trong tất cả 18 chuyến đi mà ngài đã thực hiện tại các quốc gia khác nhau trong suốt triều đại Giáo Hoàng của mình, ngài luôn lắng nghe những mối quan tâm tương tự.

Tuy nhiên, khi nói đến chính trị địa phương, “Tôi không tham gia,” ngài nói.

“Tôi nói về các giá trị,”, và sau đó là mỗi cá nhân sẽ xem xét và đánh giá xem liệu chính phủ hoặc quốc gia hoặc một cá nhân cụ thể đó có “đang cung cấp những giá trị này hay không”.

Khi được hỏi nếu có cơ hội, ngài có đi xem các kim tự tháp không, Đức Thánh Cha nói, “Ồ, anh chị em biết rằng hôm nay mới 6 giờ sáng hai trợ lý của tôi đã đi xem.”

Khi được hỏi liệu ngài có muốn cùng đi với họ hay không, Đức Thánh Cha, “Đương nhiên rồi.”

2. Đức Hồng Y Philippe Barbarin nói nền dân chủ tại Pháp đã hóa điên trong một cuộc bầu cử tồi tệ nhất

Đức Hồng Y Philippe Barbarin của tổng giáo phận Lyon than thở rằng “cử tri của chúng ta bị lạc hoàn toàn”, khi bày tỏ sự thất vọng sâu sắc của ngài về chiến dịch tranh cử tổng thống đang diễn ra tại Pháp.

Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 23 tháng 4, Emmanuel Macron và Marine Le Pen nổi lên như những ứng cử viên trong cuộc chạy đua vào ngày 7 tháng 5.

Đức Hồng Y giải thích “Nền dân chủ tại Pháp dường như đang mất đi ý nghĩa của nó và bị trôi dạt bởi sự thao túng của các phương tiện truyền thông. Đây là chiến dịch tranh cử tồi tệ nhất của chúng ta, được đặc trưng bởi những lời cáo gian không thể tha thứ, những lời phê bình, bạo lực, hỗn loạn và những trò cố ý làm cử tri hiểu nhầm”.

Ngài nói thêm: “Dường như chúng ta đang đối phó với một chế độ dân chủ đã hóa điên. Những người giành chiến thắng chỉ là các chính trị gia được bầu lên một cách mù quáng, không có khả năng, không có tư duy hợp lý.”

3. Ðức Thánh Cha kêu gọi canh tân phong trào Công Giáo tiến hành.

Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi canh tân Phong trào Công Giáo tiến hành để thực thi công cuộc truyền giáo trong bối cảnh xã hội ngày nay.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 27 tháng 4 năm 2017, dành cho 300 tham dự viên diễn đàn quốc tế của Phong trào Công Giáo tiến hành.

Ðức Thánh Cha nhắc đến 4 cột trụ truyền thống của Phong trào này là: cầu nguyện, huấn luyện, hy sinh và tông đồ. Tuy theo những bối cảnh lịch sử, các trục này được nhấn mạnh khác nhau. Sứ mạng của Phong trào là huấn luyện giáo dân để họ lãnh nhận trách nhiệm trong thế giới. Ngày nay, sứ mạng đó cụ thể là huấn luyện các môn đệ thừa sai.

Ðức Thánh Cha khẳng định rằng “Ðiều sinh tử là canh tân và cập nhập sự dấn thân của Công Giáo tiến hành cho việc loan bao Tin Mừng, đi tới mọi người, mọi nơi và trong mọi cơ hội, trong tất cả các môi trường ngoại ô của cuộc sống. Ðiều này có nghĩa là cần xét lại các chương trình huấn luyện, các hình thức tông đồ, thậm chí cả việc cầu nguyện của anh chị em, để việc làm này có đặc tính chủ yếu là thừa sai, chứ không phải tùy theo cơ hội. Hãy từ bỏ tiêu chuẩn cũ kỹ, nói rằng “vì từ trước đến giờ ta vẫn làm như vậy”.

Ðức Thánh Cha nói thêm rằng “Công Giáo tiến hành phải đảm nhận trọn vẹn sứ mạng của Giáo Hội trong sự quảng đại thuộc về giáo phận địa phương, bắt đầu từ giáo xứ”.

4. Tòa Thánh ủng hộ lập trường của Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino đối với tình hình tại Venezuela

Như chúng tôi đã đưa tin, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino của thủ đô Caracas đã bị các tay sai của tổng thống Nicolas Maduro chửi rủa, ném nhiều thứ vào ngài, và phá rối thánh lễ ngày thứ Tư Tuần Thánh 12 tháng Tư tại nhà thờ Santa Teresa.

Những người ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro chửi rủa và lao lên cung thánh khi Đức Hồng Y đang cử hành thánh lễ. Anh chị em giáo dân cản trở những người này. Hai bên xô xát ngay trong nhà thờ. Nhiều người bị thương trong vụ này.

Giải thích về hành động này, chính phủ Maduro đã cáo buộc Đức Hồng Y Urosa Savino tội “kích động bạo lực bằng cách nói rằng việc bất tuân dân sự là điều hợp lý để ngăn chặn tiến trình hướng tới chế độ độc tài” tại Venezuela.

Đức Hồng Y đang giảng về mối nguy hiểm của một chính phủ ngày càng độc tài hơn khi các ủng hộ viên của Maduro làm gián đoạn thánh lễ.

Trong tuần qua, trên web site của tổng giáo phận Caracas, Đức Hồng Y cho biết ngài đã nhận được những lời thăm hỏi của Tòa Thánh về vụ việc đáng tiếc này. Tòa Thánh cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với lập trường của Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino trước tình hình ngày càng tệ hại tại Venezuela.

5. Tình hình nghiêm trọng tại Venezuela.

Tình hình tại Venezuela ngày càng trở nên nghiêm trọng với nhiều cuộc biểu tình của dân chúng chống lại chính quyền của tổng thống Nicolas Maduro.

Ít nhất đã có 8 người bị chết và hơn 500 người khác bị bắt giam trong ba tuần vừa qua. Chỉ riêng trong các cuộc biểu tình hôm thứ tư ngày 10 tháng 04 năm 2017 tại Caracas cùng nhiều thành phố khác trong nước, đã có ba người chết trong các vụ đụng độ với an ninh cảnh sát, trong số này có một thiếu niên 17 tuổi và một phụ nữ 23 tuổi.

Các cuộc biểu tình phản đối tại Venezuela đã bắt đầu từ ngày 01 tháng 04 năm 2017, khi tối cao pháp viện nước này tuyên bố tự dành cho mình những đặc quyền vốn thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc Hội. Phe đối lập lên tiếng cực lực phản đối khiến tối cao pháp viện phải thu hồi lại quyết định này 48 tiếng đồng hồ sau đó. Tuy nhiên các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục. Người dân đòi hỏi triệu tập bầu cử, nhưng tổng thống Maduro thì không muốn vì hiện nay, cứ 10 người dân Venezuela, có đến 7 người muốn ông từ chức.

Ông Nicolas Maduro đã nhận nhiệm vụ lãnh đạo nước Venezuela từ sau khi tổng thống Hugo Chavez qua đời năm 2013. Nicolas Maduro đã đưa nước này vào một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh kinh khủng. Dân nước Venezuela thiếu thốn mọi phẩm vật cần thiết như thực phẩm và thuốc men.

Hôm thứ Hai 24 tháng 4 năm 2017, 11 quốc gia châu Mỹ la tinh cũng đã yêu cầu chính quyền Caracas đảm bảo quyền của người dân được biểu tình phản đối cách ôn hòa. Trong khi đó, Hội Đồng Giám Mục Venezuela kêu gọi dân chúng bất tuân dân sự. Các ngài lập luận rằng bất tuân dân sự là cần thiết để lật đổ một chế độ độc tài.

6. Đức Thánh Cha thăm Đức Thượng Phụ Tawadros II

Trong cuộc gặp gỡ Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo Chủ Chính Thống Coptic Ai Cập, chiều ngày 28 tháng Tư tại Cairo, Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới sâu đậm với Giáo Hội đã chịu nhiều đau khổ này.

Hoạt động cuối cùng của Đức Thánh Cha trong ngày đầu tiên tại Ai Cập là cuộc viếng thăm tại Tòa Thượng Phụ Chính Thống Coptic, tọa lạc tại khu vực Kitô ở cổ thành Cairo trong đó có Nhà thờ chính tòa thánh Marco được khánh thành hồi năm 1968.

Khu thánh đường này đã bị khủng bố ngày 11 tháng 12 năm 2016: một quả bom đã nổ trong nhà nguyện thánh Phêrô, không xa văn phòng của Đức Thượng Phụ Tawadros II, làm cho 29 người chết và 31 người bị thương. Vụ khủng bố này xảy ra đúng ngày lễ Mawlid, tức là kỷ niệm sinh nhật của Mohammed.

Đến tòa Thượng Phụ vào lúc quá 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha cùng với phái đoàn của ngài đã được Đức Thượng Phụ Tawadros II tiếp đón, và hội kiến riêng.

Ngài năm nay 65 tuổi, làm Giám Mục từ 20 năm nay (1997), và được chọn lên kế nhiệm Đức Shenuda III vào tháng 11 năm 2012, trở thành người kế vị thứ 118 của thánh Marco thánh sử. Ngài đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến hồi tháng 5 năm 2013 tại Vatican, đúng 40 năm sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Shenuda III, mở đầu cho cuộc đối thoại thần học giữa hai Giáo Hội. Trong dịp đó, Đức Thượng Phụ Tawadros đã mời Đức Thánh Cha đến viéng thăm Ai Cập.

7. Diễn từ của Đức Thánh Cha trong cuộc gặp gỡ Đức Thượng Phụ Tawadros II

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Thượng Phụ Tawadros II, Đức Thánh Cha nhắc đến cuộc viếng thăm của Đức Thượng Phụ tại Vatican ngày 10-5 năm 2013, ngày đó trở thành ngày thân hữu giữa Coptic và Công Giáo, ngài cũng nói đến quá trình đối thoại đại kết từ sau tuyên ngôn chung giữa Đức Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Shenuda III hồi năm 1973, đồng thời nhấn mạnh đến hành trình hiệp thông cần được đào sâu thêm. Trong tiến trình này, các thánh và các vị Tử đạo thúc đẩy chúng ta trở thành một hình ảnh sống động của Giêrusalem thiên quốc (Gl 4,26). Đức Thánh Cha nói:

“Cùng nhau chúng ta được kêu gọi làm chứng về Chúa Giêsu, mang niềm tin của chúng ta cho thế giới, trước tiên bằng cách sống đức tin, vì sự hiện diện của Chúa Giêsu được thông truyền bằng cuộc sống và nói bằng ngôn ngữ tình thương nhưng không và cụ thể. Các tín hữu Chính Thống Coptic và Công Giáo, chúng ta ngày càng có thể nói bằng thứ ngôn ngữ chung là ngôn ngữ bác ái: trước khi khởi sự một sáng kiến làm điều thiện, thật là đẹp nếu chúng ta tự hỏi xem chúng ta có thể thi hành sáng kiến ấy với các anh chị em chúng ta, những người cùng chia sẻ niềm tin nơi Chúa Kitô. Như thế chúng ta kiến tạo tình hiệp thông trong cuộc sống cụ thể hằng ngày bằng chứng tá sống thực, và Chúa Thánh Linh sẽ mở ra những con đường hiệp nhất mà chúng ta không nghĩ tới.”

Đức Thánh Cha cũng ca ngợi tinh thần tông đồ xây dựng mà Đức Thượng Phụ Tawadros dành cho Giáo Hội Công Giáo Coptic: một sự gần gũi mà ngài biết ơn và biểu lộ qua sáng kiến rất đáng khen là Hội Đồng quốc gia các Giáo Hội Kitô, mà Đức Thượng Phụ đã khai sáng để các tín hữu của Cháu Kitô có thể ngày càng hoạt động với nhau để mưu ích cho xã hội Ai Cập.

Cũng trong diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc đến phong trào đại kết bằng máu. Ngài nói: “Bao nhiêu vị tử đạo tại phần đất này, từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, đã sống đức tin một cách anh dũng cho đến độ đổ máu đào chứ không chối Chúa và không chiều theo những lời dua nịnh của thần dữ, và không chiều theo cám dỗ lấy sự ác đáp trả sự ác. Tử đạo thư của Giáo Hội Coptic chứng tỏ điều đó. Rất tiếc là ngày nay máu vô tội của những tín hữu vô phương thế tự vệ tiếp tục phải đổ ra.

“Cũng như chỉ có một thành Giêrusalem thiên quốc duy nhất, tử đạo thư của chúng ta cũng là duy nhất, và những đau khổ của anh chị em cũng là đau khổ của chúng tôi. Máu vô tội của các vị tử đạo liên kết chúng ta với nhau. Được củng cố nhờ chứng tá của anh em, chúng ta cố gắng chống lại bạo lực bằng cách rao giảng và gieo vãi điều thiện, làm gia tăng sự hòa hợp và duy trì sự hiệp nhất, cầu nguyện để bao nhiêu hy sinh mở ra con đường dẫn đến tương lai hiệp thông trọn vẹn giữa chúng ta và an bình cho tất cả mọi người.

Sau diễn văn, Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ còn ký vào một tuyên chung công nhận bí tích rửa tội của cả hai Giáo Hội cũng như quyết tâm dấn thân đại kết của hai Giáo Hội.

8. Tưởng niệm các vị tử đạo tại Ai Cập

Sau diễn văn của Đức Thánh Cha, hai phái đoàn đã trao đổi quà tặng: ngài tặng Đức Thượng Phụ bức ảnh Mẹ Thiên Chúa dịu hiền, vẽ trên gỗ và tượng thánh Phanxicô đang giơ hai tay lên trời, trong cử chỉ chúc tụng công trình của Đấng Tạo Hóa.

Rồi Đức Thánh Cha cùng với Đức Thượng Phụ, và các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô khác, trong đó có Anh giáo, đến Nhà thờ Thánh Phêrô chỉ cách đó 100 mét để tham dự buổi cầu nguyện đại kết với sự hiện diện của các vị thủ lãnh các Giáo Hội Kitô khác, đặc biệt là Đức Thượng Phụ Chính Thống Bartolomaios, Giáo chủ Chính Thống Constantinople ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong buổi cầu nguyện, mọi người đã nghe đọc bài Tin Mừng về các mối phúc thật, trong đó nổi bật lời Chúa Giêsu dạy: Phúc cho những ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa (Mt 5,9). Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Tawadros II lần lượt xướng lên những lời cầu nguyện và mọi người chúc bình an cho nhau, và cùng đọc kinh Lạy Cha, trước khi đặt vòng hoa tưởng niệm gần 30 tín hữu bị thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11-12 năm ngoái trong nhà nguyện thánh Phêrô.

Kết thúc cuộc viếng thăm và cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Cairo, cách tòa Thượng Phụ 10 cây số để dùng bữa tối. Sau đó từ bao lơn tòa Sứ Thần, Đức Thánh Cha đã chào thăm và chúc lành cho 300 bạn trẻ Công Giáo Ai Cập tụ tập tại cổng vào tòa Sứ Thần. Họ thuộc số 3 ngàn bạn trẻ tham dự cuộc lữ hành từ miền bắc và miền nam về Thủ đô Cairo nhân cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha.

9. Thánh lễ tại sân vận động của lực lượng phòng không Ai Cập

Lúc 8 giờ 50 Đức Thánh Cha rời Toà Sứ Thần Toà Thánh để đi xe đến Sân vận động của lực lượng phòng không cách đó 19 cây số. Sân vận động này cũng còn gọi là “Sân vận động ngày 30 tháng 6”, là một phần trong làng thể thao của Không quân Ai Cập, được xây cất và điều hành bởi Bộ Quốc Phòng Ai Cập, nhằm mục đích ghi nhớ các chiến công của không quân Ai Cập trong cuộc chiến chống lại Israel hồi năm 1970.

Đây cũng là nơi diễn ra các trận tranh tài bóng đá hạng A của Ai Cập. Hồi năm 2015 nó cũng là nơi xảy ra các cuộc đụng độ giữa các người hâm mộ bóng đá và cảnh sát khiến cho 22 người thiệt mạng. Sân vận động có chỗ cho 30,000 người. Khán đài và bàn thờ được dựng trên sân cỏ, hai bên có hai lều cho ca đoàn dàn nhạc và các phóng viên truyền hình. Phía trước hai bên khán đài dành cho mấy trăm linh mục đồng tế.

Chính giữa trước khán đài là chỗ dành cho các quan khách, trong đó có ghế cho tổng thống Abd Al-Fattah Al- Sisi và chính quyền Ai Cập cũng như các đại sứ các nước. Tín hữu đã mang theo nhiêu biểu ngữ chào mừng Đức Thánh Cha và phất cờ Toà Thánh và bong bóng hai mầu vàng trắng. Cũng có bong bóng kết như tràng hạt được thả lên khi Đức Thánh Cha tiến vào sân vận động.

Thánh lễ đã bắt đầu lúc 10 giờ sáng giờ địa phương và được cử hành bằng tiếng Latinh và A rập.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Tây Ban Nha, A rập, Anh, Pháp và Ý.

10. Đức Thượng Phụ Công Giáo Coptic cám ơn Đức Thánh Cha đã thăm Ai Cập

Trước khi Đức Thánh Cha ban phép lành cuối lễ cho mọi người, Đức Ibrahim Isaac Sidrak, Thượng Phụ Công Giáo Coptic thành Alexandria, đã nhân danh Giáo Hội và toàn dân Ai Cập ngỏ lời tri ân Đức Thánh Cha đã nhận lời mời viếng thăm Ai Cập. Chuyến viếng thăm diễn tả khẩu hiệu được chọn “Vị Giáo Hoàng của hoà bình trong đất nước Ai Cập hoà bình”. Đó là một sứ điệp cho thế giới và xác nhận bản chất của Ai Cập là yêu thương hoà bình và liên tục cố gắng khẳng định hoà bình trong vùng Trung Đông và trên toàn thế giới.

Nó cũng xác nhận sự sẵn sàng chung sống giữa các tín hữu của các niềm tin khác nhau, và khả năng hấp thụ các nền văn hóa khác nhau. Ai Cập, chiếc nôi của các tôn giáo, là quê hương tiếp đón các ngôn sứ và Thánh Gia ẩn trốn kiếm tìm an ninh. Đức thượng phụ cũng nhắc tới tên gọi Phanxicô và Năm Thánh Lòng Thương Xót đã được Giáo Hội Ai Cập sống sâu đậm, đặc biệt qua Công Nghị hồi tháng 2 năm nay. Giáo Hội Ai Cập hiệp nhất trong truyền thống của mình tư tưởng thần học của Đông Phương và Tây Phương, và rộng mở cho các nền văn hóa khác nhau. Điều này khiến cho nó được phong phú trong cuộc sống tinh thần, trong đức tin và phụng vụ, cũng như trong việc biểu lộ Giáo Hội Tông Truyền.

Đức Thượng Phụ cũng không quên cám ơn tổng thống Al Sisi đã có sáng kiến mời Đức Thánh Cha viếng thăm Ai Cập, và làm mọi sự để giúp cho chuyến viếng thăm đuợc thực hiện thành công.

Đức Thánh Cha đã tặng Đức Thượng Phụ một chén thánh, và Đức Thượng Phụ tặng Đức Thánh Cha một bức khắc bằng gỗ quý. Sau khi ban phép lành cuối lễ cho tín hữu và từ giã mọi người, Đức Thánh Cha đã trở về Toà Sứ Thần Toà Thánh để dùng bữa trưa với các Giám Mục và đoàn tuỳ tùng, rồi nghỉ ngơi chốc lát trước khi đến đại chủng viện để chủ sự buổi cầu nguyện và gặp gỡ các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh.

11. Đức Thánh Cha thăm đại chủng viện Công Giáo Coptic

Lúc 14 giờ 45 giờ địa phương Đức Thánh Cha đã đi xe đến đại chủng viện Công Giáo Coptic cách đó 17 cây số để chủ sự buổi cầu nguyện có sự tham dự của hàng giáo sĩ, tu sĩ và các chủng sinh. Đại chủng viện thánh Lêo Cả của Toà Thượng Phụ Công Giáo Coptic nằm trong khu phố Maadi ở ngoại ô mạn nam thủ đô Cairô. Đây là nơi đa số các ứng viên linh mục tương lai được đào tạo.

Đức Thánh Cha đã được Đức Thượng Phụ , Linh Mục Giám đốc và phó giám đốc đại chủng viện, tiếp đón tại cửa chính đại chủng viện. Có 10 tu sĩ nam nữ Bề trên giám tỉnh các dòng hiện diện tại Ai Cập chào mừng Đức Thánh Cha. Sau đó Đức Thánh Cha đã chụp hình lưu niệm với các linh mục và 30 chủng sinh và trao đổi quà tặng. Tiếp đến mọi người tiến ra sân thể thao, nơi có 1.500 người gồm các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh hiện diện.

Ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha Linh Mục Toma Adly, giám đốc đại chủng viện, nói biến cố Đức Thánh Cha thăm đại chủng viện biểu tượng cho sự thánh hiến giống như biến cố Chúa Giêsu đã hiện ra với hai tông đồ trên đường về làng Emmaus. Ngài xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các chủng sinh các tu sĩ và cho các vị có trách nhiệm đào tạo họ.

Sau đó mọi ngươi hát thánh vịnh 121: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? Ơn phù hộ tôi đến từ Giavê, là Đấng đựng nên cả đất trời…”. Tiếp đến mọi người nghe tuyên đọc Phúc Âm thánh Mátthêu chương 5 ghi lại giáo huấn của Chúa Giêsu: “Các con là ánh sáng thế gian…”

12. Bẩy cám dỗ người sống đời thánh hiến cần mạnh mẽ chống trả

Ngỏ lời với các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Đức Thánh Cha cám ơn họ về chứng tá, và tất cả những điều thiện ích họ thực hiện mỗi ngày trong các hoàn cảnh khó khăn. Đức Thánh Cha khích lệ mọi người tin tưởng, làm chứng tá cho sự thật, gieo vãi và vun trồng mà không chờ đợi được gặt hái. Giữa biết bao nhiêu lý do khiến nản lòng và biết bao ngôn sứ của tàn phá kết án, giữa biết bao tiếng nói tiêu cực và tuyệt vọng các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh là một sức mạnh tích cực, là ánh sáng và muối của xã hội Ai Cập, là đầu máy kéo con tầu đi tới đích. Họ là những người gieo vãi hy vọng, xây dựng các cây cầu, và là những người làm việc cho đối thoại và hoà hợp.

Nhưng điều này chỉ có thể nếu họ không nhượng bộ 7 loại cám đỗ sau đây: Thứ nhất, đừng để cho mình bị sự tuyệt vọng và bi quan yếm thế lôi cuốn, nhưng biết noi gương Chúa Giêsu Mục Tử Nhân lành hướng dẫn đoàn chiên tới đồng cỏ xanh tươi và suối nưóc mát, luôn tràn đầy sáng kiến và óc sáng tạo, biết ủi an ngay cả khi con tim mình bị thương tích, khổ đau vì con cái vô ơn. Lòng trung thành của chúng ta với Chúa không bào giò được tuỳ thuộc lòng biết ơn của con người.

Thứ hai, đừng liên tục than van, đổ lỗi cho người khác, cho các thiếu sót của các bề trên, cho các điều kiện của Giáo Hội hay xã hội, và thiếu tinh thần trách nhiệm. Trái lại, phải biết biến đổi mọi chướng ngại thành cơ may, chứ không phải biến mỗi khó khăn thành lời tố cáo. Ai lúc nào cũng than và là người không muốn làm việc.

Thứ ba, đừng bép xép và ganh tỵ gây thương tích cho người khác, thay vì trợ giúp người bé nhỏ lớn lên và vui mừng vì các thành công của các anh chị em khác. Ganh tỵ là một bệnh ung thư dần mòn giết chết cơ thể.

Thứ tư, đừng so sánh mình với người khác. Khác biệt diễn tả sự phong phú. Mỗi người là duy nhất. So sánh khiến ta rơi vào thù hận hay kiêu căng, lười biếng và bị tê liệt. Phải biết tập sống sự khác biệt tình tình, các đặc sủng và ý kiến, trong lắng nghe và ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần.

Thư năm là cám dỗ của “chủ trương Pharaô”, nghiã là cứng lòng và khép kín đối với Chúa, cảm thấy mình cao hơn người khác, vênh vang đòi được phục vụ thay vì phục vụ.

Thư sáu là cám dỗ của cá nhân chủ nghĩa, như ngạn ngữ Ai cập có nói: “Tôi, và sau tôi là lụt hồng thuỷ”, chỉ biết nghĩ đến mình thay vì nghĩ tới tha nhân, và không hề xấu hổ. Giáo Hội là cộng đoàn và ơn cứu rỗi của một chi thể gắn liền với sự thánh thiện của tất cả mọi người.

Cám dỗ thứ bẩy là bước đi mà không có địa bàn và mục đích. Đánh mất đi căn tính của mình, “không là thịt cũng không là cá”. Sống với con tim chia rẽ và tinh thần thế tục, quên đi tình yêu đầu đời của mình. Không có căn tính rõ ràng người sống đời thánh hiến bước đi mà không có định hướng, thay vì hướng dẫn người khác thì bị lạc đường. Căn tính thật của các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh là con cái Giáo Hội Ai Cập, có các gốc rễ cao quý cổ xưa, thành phần của Giáo Hội hoàn vũ, như một cây đâm rễ sâu duới đất và lớn lên trời.

Chống lại các cám dỗ này không dễ. Nhưng nếu đâm rễ sâu, ở lại trong Chúa Giêsu thì có thể chiến thắng chúng. Càng đâm rễ sâu trong Chúa, chúng ta càng sống động và phong phú. Đức Thánh Cha đặc biệt đề cao cuộc sống đan tu, là kho tàng vô giá mà Giáo Hội Ai Cập đã cống hiến cho Giáo Hội. Ngài khích lệ các đan sĩ kín múc từ gương của thánh Phaolô ẩn tu, thánh Antonio và các Thánh Giáo Phụ sa mạc và các đan sĩ. Đức Thánh Cha xin Thánh Gia che chở và chúc lành cho hàng giáo sĩ tu sĩ và chủng sinh và tín hữu toàn Giáo Hội tại Ai Cập, giúp họ chu toàn sứ mệnh là ánh sáng và muối men tại đây. Ngài xin Chúa ban cho họ nhiều hoa trái của Thánh Linh.

13. Đức Thánh Cha về đến Vatican bình an

Sau khi ban phép lành Đức Thánh Cha từ giã mọi người để đi xe ra phi trường quốc tế Cairo cách đó 40 cây số đáp máy bay trở về Roma.

Lễ nghi giã biệt đã diễn ra tại phi trường lúc 16 giờ 45 giờ địa phương. Tổng thống Al Sisi đã tiếp đón Đức Thánh Cha tại cửa vào khu vực dành cho thượng khách và vào phòng danh dự đàm đạo với ngài một lúc. Đức Thánh Cha đã duyệt qua hàng chào danh dự, rồi chào từ biệt tổng thống trước khi lên thang máy bay.

Máy bay đã cất cách rời phi trường thủ đô Cairô của Ai Cập lúc sau 17 giờ và về tới Roma sau 3 giờ 30 phút bay. Từ phi trường Ciampino Đức Thánh Cha đã đi xe về Vatican, kết thúc chuyến viếng thăm mục vụ Ai Cập trong 27 giờ.

14. Ðức Thánh Cha cám ơn phái đoàn Ngân Quỹ Giáo Hoàng.

Sáng 27 tháng 4 năm 2017, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến phái đoàn các thành viên và quản trị viên Ngân Quỹ Giáo Hoàng, hay còn gọi là Qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô, đến trao cho ngài ngân khoản trợ giúp hàng năm.

Phái đoàn do Ðức Hồng Y Donald Wuerl, Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô Washington, hướng dẫn. Ngài cũng là chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ Giáo Hoàng. Cùng đi với ngài có 225 người gồm ban quản trị, các thành viên và cộng tác viên.

Ngỏ lời trong dịp này, Ðức Thánh Cha nhắc đến tình trạng thế giới ngày nay thường bị bạo lực và sự tham lam cũng như sự dửng dưng ảnh hưởng, thế giới ấy rất cần chứng tá sứ điệp hy vọng của chúng ta nơi sức mạnh cứu độ hòa giải của tình yêu Thiên Chúa.

Trong viễn tượng đó, Ðức Thánh Cha cám ơn các thành viên Ngân Quỹ Giáo hoàng vì sự giúp đỡ dành cho những nỗ lực của Giáo Hội trong việc công bố sứ điệp hy vọng cho đến tận bờ cõi trái đất và làm việc để thăng tiến sự tiến bộ tinh thần và vật chất nơi các anh chị em trên thế giới, đặc biệt tại các nước đang trên đường phát triển.

Ngân Quỹ Giáo Hoàng do Ðức cố Hồng Y John Kroll Tổng Giám Mục giáo phận Philadelphia thành lập năm 1993 và có trụ sở tại thành phố này. Hàng năm tổ chức này vẫn cấp học bổng cho nhiều linh mục, tu sĩ và nữ tu, trong đó cũng có một số người Việt Nam. Ngoài ra Quỹ cũng tài trợ cho việc xây cất nhà thờ, chủng viện, trường học, nhà thương hoặc các dự án săn sóc người nghèo trên thế giới.

15. Các giám mục Australia cương quyết chống luật trợ tử.

“Làm cho chết êm dịu và trợ giúp tự tử là đối ngược với chăm sóc và nó thể hiện sự bỏ rơi các bệnh nhân và những người đang bị đau đớn, những người già và người đang hấp hối.” Các Giám mục bang Victoria của Australia đã xác định như thế trong thư mục vụ gửi các tín hữu ngày 18 tháng 04 năm 2017.

Bốn Giám Mục của các giáo phận thuộc bang Victoria viết: “Chúng tôi yêu cầu người dân bang Victoria tiếp tục yêu thương và chăm sóc những người bệnh và đang chịu đau đớn hơn là bỏ rơi, để họ chịu “chết êm dịu” và ủng hộ việc tự tử. Khả năng chăm sóc của chúng ta nói nhiều về sức mạnh của xã hội chúng ta.”

Các luật gia ở bang Victoria đang dự định cho phép “trợ giúp chết”, nghĩa là cho phép cả làm cho chết êm dịu và trợ giúp tự tử, giới hạn ở một số trường hợp.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN