Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 26/10/2017: Kitô hữu Syria mừng Raqqa giải phóng

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 26/10/2017: Kitô hữu Syria mừng Raqqa giải phóng

1. Khủng bố IS đầu hàng tập thể, Raqqa hoàn toàn giải phóng

Bất kể những thứ “nhật lệnh” vừa lên giây cót tinh thần, vừa hăm dọa của bọn lãnh đạo khủng bố Hồi Giáo IS, đã không có những vụ nổ bom tự sát, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng tại Raqqa như đã từng xảy ra tại Mosul.

Rạng sáng ngày 17 tháng 10, quân Kurd mở cuộc tấn công vào Bệnh Viện Quốc Gia tại thành phố Raqqa nơi bọn khủng bố Hồi Giáo đang tử thủ. Những tên khủng bố này hầu hết là người nước ngoài. Chúng là những kẻ thường chiến đấu rất liều lĩnh và quyết liệt vì nếu bị bắt chúng ít hy vọng có thể sống sót trở về nguyên quán tại các quốc gia phương Tây. Có về được cũng không thể tránh vòng tù tội.

Sau khi 22 tên khủng bố bị giết trong trận chiến tại Bệnh Viện Quốc Gia, số còn lại dắt díu theo vợ con chạy đến vận động trường thành phố Raqqa và tử thủ tại đó. 

Giao tranh ác liệt đã diễn ra tại đây. Tuy nhiên, quân Kurd đã ngưng các cuộc tấn công vào vận động trường sau khi nhận ra sự hiện diện của một số lớn phụ nữ và trẻ con là vợ con của bọn khủng bố.

Bị quân Kurd bao vây, cạn kiệt đạn dược, và đói khát đã khiến những tên khủng bố IS quyết định đầu hàng tập thể.

Talib Sello, phát ngôn viên của Lực Lượng Dân Chủ Syria, gọi tắt là SDF, nói hôm 19 tháng 10 rằng cuộc chiến đã kết thúc sau một chiến dịch kéo dài 5 tháng.

“Mọi thứ đã kết thúc ở Raqqa, lực lượng của chúng tôi đã kiểm soát được Raqqa. Thành phố từng được coi là thủ đô của bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã được hoàn toàn giải phóng”, ông Sello nói.

Ông cho biết thêm: “Các hoạt động quân sự ở Raqqa đã kết thúc, nhưng hiện đang có các cuộc hành quân nhằm phát hiện những tên khủng bố đang trốn tránh, và loại bỏ các bom mìn”.

2. Vài nét về thành phố Raqqa

Raqqa là thành phố lớn thứ sáu của Syria, nằm cách Aleppo 160km về phía Đông. Trước cuộc nội chiến bùng phát vào năm 2011, Raqqa có 230,000 dân trong đó hơn 10% là các tín hữu Kitô. Trong quá khứ, Raqqa là vùng toàn tòng Kitô Giáo và đã từng là nơi đặt Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ La Tinh và Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite.

Năm 2013, quân nổi dậy Syria chiếm được Raqqa. Tuy nhiên, quân chính phủ vẫn còn giữ được phi trường Al-Tabqa lân cận và dùng phi trường này làm căn cứ để mở các cuộc không kích vào thành phố Raqqa, gây thiệt hại nặng cho quân nổi dậy. Trước các cuộc không kích kinh hoàng này, đa số các Kitô hữu đã bỏ chạy khỏi Raqqa trong năm 2013.

Lợi dụng tình trạng quân nổi dậy Syria bị quân chính phủ đánh nhừ tử, cuối năm 2013, bất kể các hiệp nghị trước đó, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào quân nổi dậy Syria và ngày 13 tháng Giêng 2014 chiếm được thành phố này.

Raqqa là nơi tiêu biểu cho sự tàn bạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Thật vậy, sau khi chiếm được Raqqa, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tử hình tất cả những người Hồi Giáo Alawites, đóng đinh các tín hữu Kitô còn sót lại, phá hủy tất cả các nhà thờ Kitô Giáo, trừ ra nhà thờ Các Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Armenia bị chúng sử dụng làm bộ chỉ huy cảnh sát Hồi Giáo.

Ngày 10 Tháng 8 năm 2014, quân khủng bố Hồi Giáo IS tiến đánh phi trường Al-Tabqa. Sau nửa tháng giao tranh ác liệt, ngày 24 tháng 8, phi trường Al-Tabqa lọt vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS. 170 quân nhân Syria tử trận. 250 quân nhân bị bắt sống và tất cả đều bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS xử tử.

Số dân tại Raqqa không đông đúc như Mosul. Dân chúng liều lĩnh chạy trốn trước sự tàn bạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS và để khỏi chết vì bom đạn của rất nhiều nước. Chẳng hạn, như hôm 15 tháng 11 năm 2015, nổi giận vì bị tấn công khủng bố tại Paris, Pháp đưa máy bay thả 20 trái bom vào nhiều địa điểm.

Suốt trong đêm mùng 6 rạng sáng ngày 7 tháng 6, liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo mở 25 cuộc không kích dữ dội vào thành phố Raqqa, mở đường cho quân SDF, gồm chủ yếu là người Kurd, mở chiến dịch giải phóng thành phố Raqqa.

SDF theo phương châm là đa sắc tộc, đa tôn giáo, duy trì tính thế tục, cổ vũ dân chủ nên thu hút được đông đảo người của nhiều tôn giáo tham gia. Ít nhất 30% quân số của SDF là nữ giới nhưng các nữ quân nhân này tỏ ra rất thiện chiến.

3. Úc lên tiếng chào mừng chiến thắng Raqqa, lo ngại khủng bố trở về nước

Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop lên tiếng chào mừng chiến thắng Raqqa nhưng bày tỏ lo ngại rằng 110 công dân Úc tham gia với bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Syria có thể trở về Úc.

Bà Bishop nói với Sky News hôm 19 tháng 10 rằng: “Tôi không biết liệu tất cả 110 người này còn sống hay đã chết và có thể tìm cách quay lại Úc hay không; và đó là lý do tại sao chúng tôi theo dõi tình hình với những quan ngại sâu xa”.

“Chúng tôi đang làm việc với các đối tác trong khu vực để trao đổi thông tin.

“Chúng tôi sẽ tìm cách theo dõi họ và ngăn chặn không để họ thực hiện các cuộc tấn công khủng bố trên đường về nhà hoặc thực sự ở Úc.”

Bà nói có những lo ngại các chiến binh có thể trở lại “nếu họ sống sót”.

Hơn 80 người Úc đã bị giết ở Trung Đông sau khi gia nhập tổ chức khủng bố IS.

Các quốc gia Tây phương có lẽ muốn thấy bọn khủng bố Hồi Giáo IS bị tiêu diệt hoàn toàn và phần nào thất vọng trước quyết định của Lực Lượng Dân Chủ Syria cho bọn khủng bố được đầu hàng tập thể.

4. Hội Đồng Giám Mục Ba Lan tái khẳng định giáo huấn truyền thống của Giáo hội đối với những người ly dị và tái hôn

Trong một tài liệu liên quan đến tông huấn Amoris Laetitia của Đức Giáo Hoàng, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã tái khẳng định giáo huấn truyền thống của Giáo hội về việc Rước Lễ đối với những người ly dị và tái hôn.

Báo La Nuova Bussola của Ý đã xuất bản một trích đoạn, trong đó các giám mục đặc biệt nhấn mạnh đến việc hỗ trợ những người đang sống trong tình trạng “bị rối”.

Các giám mục cam kết sẽ chỉ định các linh mục với một vai trò đặc biệt là đồng hành với những người đã ly thân với người phối ngẫu của mình. Các linh mục được khuyến khích thực hiện những “phân định cẩn thận”, nhằm phân biệt các tình huống khác nhau và nhằm bảo đảm rằng không ai cảm thấy bị loại trừ hay bị khinh miệt.

Đối với những người sống trong các kết hiệp mới sau khi ly thân hay ly dị, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan tái khẳng định giáo huấn đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu lên trong tông huấn Familiaris Consortio:

“Giáo Hội tái khẳng định thực hành của mình, dựa trên Thánh Kinh, là không ban Thánh Thể cho những người đã ly dị và tái hôn. Họ không thể rước lễ do thực tế là tình trạng và điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với kết hiệp yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người được thể hiện và thực hiện qua Thánh Thể.”

Các giám mục nói rằng một người sống trong tình huống như thế, mà cứ tiếp tục mối quan hệ tình dục với người bạn tình mới của họ, thì không thể rước lễ vì tình trạng cuộc sống của họ “không phù hợp với luật Chúa một cách khách quan.”

Không chỉ trích dẫn tông huấn Familiaris Consortio, các Giám Mục Ba Lan cũng viện dẫn đến Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Thể “Sacramentum Caritatis” của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào năm 2007 và thư của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin năm 1994 gởi cho các giám mục trên thế giới, trong đó tái khẳng định giáo huấn truyền thống của Giáo Hội về Bí Tích Thánh Thể.

Các giám mục Ba Lan cũng nhắc lại giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, theo đó, những cặp ly dị và tái hôn nếu không thể tách rời nhưng quyết tâm sống “như anh trai và em gái”, thì có thể có thể rước lễ khi xét thấy việc rước lễ như thế không gây ra gương mù cho người khác.

5. Nhận định của Đức Hồng Y Patrick D’Rozario về cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Bangladesh.

Cuộc viếng thăm Bangladesh của Ðức Thánh Cha Phanxicô vào cuối năm 2017 là phúc lành từ Thiên Chúa và là dấu chỉ đặc biệt về tình yêu thương của Ðức Thánh Cha dành cho Bangladesh. Đức Hồng Y Patrick D’Rozario của giáo phận Dhaka, Bangladesh đã nói như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã Asia News.

Đức Hồng Y D’Rozario cho biết người dân Bangladesh và cộng đoàn Kitô tràn đầy vui mừng khi nghe tin Ðức Phanxicô sẽ viếng thăm đất nước họ. Sau 31 năm, từ chuyến viếng thăm cuối cùng của Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1986, cuối cùng người dân có thể có Ðức Thánh Cha Phanxicô hiện diện ở giữa họ và điều này mang lại niềm vui cho tất cả.

Ðối với cộng đoàn Công Giáo Bangladesh, chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha là cuộc hành hương của con người thánh thiện và thiêng liêng của Ðức Thánh Cha đến với họ: họ sẽ thấy ngài, nghe ngài, ở gần ngài và đụng chạm đến ngài, đứng trên cùng mảnh đất với ngài khi cử hành Thánh Thể. Sự kiện này cũng cho thấy ưu tiên mà Ðức Thánh Cha dành cho dân chúng ở vùng ngoại biên, như đoàn chiên nhỏ bé của các Kitô hữu ở đây và cũng là sự nhìn nhận đức tin và chứng tá Tin mừng của họ.

Qua cuộc viếng thăm, dân chúng Bangladesh nhận thấy ưu tiên Ðức Thánh Cha dành cho Bangladesh và tình yêu nồng ấm trong trái tim ngài. Chuyến viếng thăm Bangladesh của Ðức Thánh Cha sẽ là cơ hội để cử hành sự hòa hợp về tôn giáo và văn hóa, di sản của các giá trị nhân văn và luân lý, tình yêu nhân loại được mở rộng cho tất cả, không có giới hạn và biên giới, các giá trị Tin mừng và nhân bản nơi những người nghèo trong xã hội. Họ cũng hy vọng rằng nhờ Ðức Thánh Cha, các cộng đồng quốc tế sẽ nghe được các tiếng nói của những người “không có tiếng nói”.

6. Vài nét về quốc gia Bangladesh nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm

Cùng với Ấn Độ, miền đất Bangladesh ngày nay đã từng được thánh Tôma Tông Đồ đến truyền giáo và một con số đông đảo dân chúng đã đón nhận đức tin Kitô. Chẳng may, vào thế kỷ thứ 10, thánh chiến Hồi Giáo xâm chiếm vùng này và hầu hết dân chúng cải đạo sang Hồi Giáo.

Năm 1598, một linh mục người Bồ Đào Nha theo chân các thương gia đã đến được vùng này. Cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé đã được tái sinh từ đó.

Sau thời kỳ cai trị của Anh, vào năm 1947, Ấn Độ thuộc Anh được chia thành hai quốc gia độc lập là Ấn Độ và Pakistan. Trong 24 năm sau đó, Bangladesh hiệp nhất với Pakistan thành một quốc gia duy nhất. Pakistan được gọi là Tây Hồi, trong khi Bangladesh được gọi là Đông Hồi. Cuộc chiến tranh giải phóng Đông Hồi khỏi tay người Pakistan thành công vào năm 1971, và quốc gia Bangladesh được chào đời, đặt thủ đô tại Dhaka.

Theo thống kê vào tháng 7 năm nay, quốc gia nghèo khổ này có đến 157,826,600 dân trong đó 98% dân chúng là người theo sắc tộc Bengali. Về mặt tôn giáo, 89.1% theo Hồi Giáo, 10% theo Ấn Giáo. 0.9% số dân còn lại theo Phật Giáo và Kitô Giáo.

Người Công Giáo chỉ chiếm khoảng 350,000 người; tức là chưa đến 0.2% dân số. Khó có thể biết chính xác có bao nhiêu người Công Giáo tại quốc gia này vì số đông người Công Giáo tại đây là dân cư của các bộ lạc sống rải rác tại các vùng hẻo lánh.

Hội Đồng Giám Mục Bangladesh được hình thành vào năm 1971 ngay sau khi quốc gia này giành được độc lập từ Pakistan. 

Từ ngày quốc gia Bangladesh được khai sinh, các vị Giáo Hoàng đã nâng lên hàng Giám Mục tổng cộng 34 vị trong đó 14 vị vẫn còn tại thế, cai quản 2 tổng giáo phận là tổng giáo phận thủ đô Dhaka và tổng giáo phận Chittagong và 6 giáo phận. 

Đức Hồng Y Patrick D’Rozario là vị Hồng Y tiên khởi và cũng là vị Hồng Y duy nhất trong lịch sử Bangladesh. Ngài là Tổng Giám Mục thủ đô Dhaka.

7. Tình hình tự do tôn giáo tại Bangladesh

Tuy là một thiểu số nhỏ bé giữa một đại đa số những người Hồi Giáo, Giáo Hội tại đây rất năng động, đặc biệt là trong các lãnh vực giáo dục, y tế và bác ái. Chính vì thế, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được chào đón nhiệt liệt khi ngài thăm Dhaka vào tháng 11 năm 1986.

Chẳng may là trong hai thập niên trở lại đây trào lưu cực đoan Hồi Giáo phát triển mạnh tại quốc gia này. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các nhóm nhân quyền thường đánh giá Bangladesh như một quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì bạo lực nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm cả người Ấn Giáo lẫn các Kitô hữu. 

Tiêu biểu cho tình trạng bạo lực đối với Kitô hữu là một cuộc tấn công bằng bom vào năm 2001 vào một nhà thờ Công Giáo trong Thánh Lễ sáng Chúa Nhật, giết chết chín người và làm bị thương hàng chục người khác. 

Kể từ khi al-Qaida và ISIS lần lượt chào đời, bạo lực, đe dọa và các hình thức đàn áp người không theo đạo Hồi đã tăng lên ở Bangladesh một cách chóng mặt. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2014 cho thấy chính phủ nước này chẳng có một nỗ lực nào nhằm bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số. 

Tháng Giêng năm 2014, khi nhiều người Công Giáo sử dụng quyền công dân của họ là tham gia vào cuộc bầu cử Quốc Hội, như những công dân khác, hàng trăm nhà cửa của họ đã bị đốt cháy và 8 người Công Giáo bị đánh đập tàn tệ.

Tháng 7 năm 2014, một đám đông 60 người đã tấn công một tu viện Công Giáo, đánh đập các nữ tu và một linh mục. 

Tháng 4 năm 2015, một đám đông tấn công các nhà thờ và đâm một linh mục đang cử hành Lễ Phục sinh. 

Tháng 12 năm 2015, ba anh chị em một gia đình Công Giáo bị tấn công trong khi ở trong nhà. Hai cô gái bị thương nghiêm trọng. 

Đầu tháng 2 năm 2016, một nhóm 20 người đột kích vào nhà thờ và một tu viện vào ban đêm. Các nữ tu đã bị đánh đập và tài sản bị cướp phá. 

Tháng 7 năm 2016, gần hai chục người đã bị giết bởi bọn khủng bố Hồi Giáo trong một cuộc tấn công vào một nhà hàng nổi tiếng ở Dhaka, nơi các Kitô hữu và những người không phải Hồi giáo khác, chủ yếu là người nước ngoài, thường đến ăn ở đó.

8. Một tu viện tại Đức được xây dựng cách đây gần 900 năm đã phải đóng cửa vì thiếu ơn gọi

Tu viện Himmerod được thành lập bởi Thánh Bernard thành Clairvaux, tồn tại trong gần 900 năm qua ở miền Tây nước Đức, đã phải đóng cửa vì thiếu ơn gọi. Đây là một tổn thất lớn cho Giáo Hội tại Đức và Âu Châu.

Trong một quyết định vừa được đưa ra vào tuần này, dòng Xitô nhặt phép cho biết, tu viện Himmerod, được thành lập vào năm 1134, chỉ còn lại sáu tu sĩ thường trú. Tình hình tài chánh và đặc biệt là số ít các tu sĩ đã đóng một vai trò quan trọng trong quyết định đóng cửa đau lòng này.

Cho đến năm 1970, vẫn có ít nhất là 30 tu sĩ thường trú tại đây.

Cơ quan thông tấn Đức DPA trích dẫn lời của vị tu viện trưởng, là cha Johannes, nói rằng tài sản của tu viện, gần ngôi làng Grosslittgen, sẽ được chuyển đến giáo phận Công Giáo Trier, trong khi sáu tu sĩ sẽ di chuyển đến các tu viện khác.

9. Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Methodist thế giới

Trong buổi tiếp kiến Hội đồng các Giáo Hội Tin Lành Methodist thế giới sáng ngày 19-10-2017, Đức Thánh Cha cổ võ các tín hữu Công Giáo và Methodist cùng dấn thân phục vụ và giúp đỡ người nghèo.

Tin Lành Methodist, cũng được gọi là Phong trào Giám Lý, xuất phát từ Anh giáo, do Mục Sư John Wesley hồi thế kỷ 18, và hiện có khoảng 80 triệu tín hữu trên thế giới. 56 thành viên Hội đồng thế giới Methodist được Đức Thánh Cha tiếp kiến nhân dịp kỷ niệm 50 năm bắt đầu đối thoại đạt kết giữa Công Giáo và Methodist.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta là những anh chị em, sau một thời gian dài chia cách, vui mừng gặp lại nhau và tái khám phá nhau, đồng hành, và quảng đại mở rộng tâm hồn cho tha nhân. Chúng ta tiếp tục hành trình này, với ý thức rằng đây là con đường được Chúa chúc lành: được khởi sự nhờ Người và hướng về Người”

Đức Thánh Cha cũng đề cao các hoạt động bác ái và nhấn mạnh rằng “Đức tin trở nên hữu hình, nhất là khi đức tin được cụ thể hóa trong tình thương, đặc biệt trong việc phục vụ những người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề. “Các ngươi hãy công bố sự giải thoát trên lãnh thổ cho tất cả mọi người dân trong đó:” trong dịp kỷ niệm 50 năm đối thoại, lời mời gọi cổ kính của Kinh Thánh sinh động vang dội đặc biệt thời sự đối với chúng ta. Lời mời này thuộc về chính lời kêu gọi nên thánh, và vì đây là lời mời gọi sống hiệp thông với Thiên Chúa, nên nhất thiết cũng là lời kêu gọi sống hiệp thông với tha nhân. Khi các tín hữu chúng ta, Công Giáo và Methodist, đồng hành và cùng nâng đỡ những người yếu thế và bị ở ngoài lề, tuy họ ở trong các xã hội chúng ta, tức là chúng ta đáp lại lời mời gọi của Chúa”

10. Ðan viện Biển đức Buckfast ở Anh kỷ niệm 1000 năm thành lập.

Năm tới 2018, đan viện Buckfast, một trong những đan viện lịch sử của Anh sẽ kỷ niệm 1,000 năm thành lập. Ðó là ví dụ thật ý nghĩa về sự đóng góp của đời sống đan tu cho xã hội giữa thế giới thay đổi nhanh chóng.

Ðan viện được thành lập năm 1018, dưới triều đại vua Cnut và được trao cho các tu sĩ dòng Biển đức. Nhưng chỉ hơn 100 năm sau, vào năm 1147, đan viện trở thành đan viện của dòng Xitô, là dòng được thành lập năm 1098, bởi một nhóm tu sĩ Biển đức muốn sống luật thánh Biển đức nghiêm nhặt hơn, với một cuộc sống đơn sơ hơn.

Khoảng thế kỷ 15, dòng đã sở hữu nhiều đất đai và tiếp tục điều hành một nhà từ thiện và trường học, đồng thời trợ giúp các giáo xứ trong vùng. Nhưng vào năm 1539, trong quá trình giải thể các tu viện để cố tình tịch thu tài sản của các tổ chức tôn giáo trong thời Cải cách Anh, vua Henri VIII đã đóng cửa tu viện. Ðan viện bị bỏ trống, cướp bóc và hư hại. Trong vòng 300 năm, không có đan sĩ nào ở đan viện. Qua nhiều lần đổi chủ, cuối cùng đan viện thuộc về James Gale. Sau đó ông đã quyết định bán đan viện, nhưng muốn nó được trở về lại với một cộng đoàn tu trì.

6 tuần sau khi được rao bán, các đan sĩ Biển đức đã mua lại đan viện. Ðây là nhóm đan sĩ bị lưu đày từ Pháp và họ đã đến Ái Nhĩ Lan. Năm 1882, sau khi sở hữu đan viện, họ bắt đầu tiến trình tu sửa cơ sở. Ðan viện được thánh hiến vào năm 1932.

Hiện nay đan viện không chỉ là địa điểm tinh thần ở vùng Devon cho các du khách và những người muốn đến đây để cầu nguyện, nhưng còn có những sinh hoạt khác. Các tu sĩ điều hành trường Ðức Maria, một trung tâm loan báo Tin mừng và một trung tâm hội nghị lớn dành cho các cuộc hội họp và tĩnh tâm.

11. Sứ điệp Ðức Thánh Cha nhân dịp 800 năm dòng Phanxicô tại Thánh Ðịa.

Ðức Thánh Cha Phanxicô tái ủy thác cho dòng Phanxicô việc gìn giữ các nơi thánh tại Giêrusalem, khích lệ các tu sĩ của dòng như những chứng nhân vui tươi của Chúa Phục Sinh tại Thánh Ðịa.

Ngài tuyên bố như trên trong sứ điệp công bố ngày 17 tháng 10 năm 2017, gửi Cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Ðịa, nhân dịp kỷ niệm 800 năm dòng hiện diện và hoạt động tại đây.

Ðức Thánh Cha nhắc lại sự kiện hồi tháng 5 năm 1217, trong tổng tu nghị Lễ Hiện Xuống, Thánh Phanxicô đã mở ra một chiều kích truyền giáo và hoàn vũ cho dòng bằng cách gửi các tu sĩ đi tới tất cả các nước như những chứng nhân về đức tin, tình huynh đệ và hòa bình; và thế là tỉnh dòng Thánh Ðịa, ban đầu được gọi là “tỉnh dòng hải ngoại và Syria”, được thành lập.

Ðức Thánh Cha viết: “Chuyên chăm trong việc chiêm niệm và cầu nguyện, đơn sơ và khó nghèo, vâng phục Giám Mục Roma, anh em cũng dấn thân sống tại Thánh Ðịa cạnh nhưng anh em thuộc các nền văn hóa, chủng tộc và tôn giáo khác, gieo vãi hòa bình, tình huynh đệ và sự tôn trọng. Mọi người đều biết sự sẵn sàng của anh em đồng hành với các tín hữu hành hương từ các nơi trên thế giới, qua sự tiếp đón và hướng dẫn của anh em..

“Tôi khuyến khích anh em hãy kiên trì vui tươi trong việc nâng đỡ các anh chị em khác, nhất là những người nghèo khổ và yếu thế nhất; dấn thân trong việc giáo dục giới trẻ, những người thường có nguy cơ đánh mất hy vọng trong một bối cảnh không có hòa bình; anh em hãy tiếp tục dấn thân đón tiếp người già, chăm sóc các bệnh nhân, sống cụ thể trong các công việc từ bi thương xót thường nhật”.

Và Ðức Thánh Cha khẳng định rằng: “Hiệp với các vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi, kể từ Ðức Giáo Hoàng Clemente VI, qua Tông Sắc “Gratias agimus” (Chúng tôi cảm tạ), đã ủy thác cho anh em việc quản thủ các Nơi Thánh, tôi cũng muốn canh tân sự ủy nhiệm đó, khuyến khích anh em trở thành những chứng nhân vui tươi của Ðấng Phục Sinh ở Thánh Ðịa”.

“Anh em là những sứ giả của Toàn thể dân Chúa, những người mà anh em luôn quảng đại nâng đỡ, đặc biệt qua các cuộc lạc quyên cho Thánh Ðịa, góp phần để đức tin được hữu hình qua các công việc tại Phần Ðất của Chúa Giêsu. Ðặc biệt Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương, nhân danh Người Kế Vị Thánh Phêrô, nâng đỡ anh em, trong những ngày này đang cử hành các buổi lễ kỷ niệm 800 năm hiện diện

12. Ðức Thánh Cha triệu tập Thượng hội đồng Giám mục về Amazon vào năm 2019.

Một Thượng Hội đồng Giám mục về vùng Amazon sẽ được Ðức Thánh Cha Phanxicô triệu tập vào tháng Mười năm 2019 tại Roma. Ðức Thánh Cha đã đưa ra công bố chính thức trên đây trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật 15 tháng 10 năm 2017, sau Thánh lễ tôn phong hiển thánh 35 vị Chân phước Brazil, Mexico, Tây Ban Nha và Italia tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Ðức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ðáp lại mong muốn của một số Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh, cũng như tiếng nói của nhiều vị mục tử và tín hữu ở các nơi khác trên thế giới, tôi quyết định triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục đặc biệt cho toàn vùng Amazon, sẽ được tổ chức tại Roma vào tháng Mười năm 2019”.

“Mục tiêu chính của Khoá họp Thượng Hội đồng này, Ðức Thánh Cha giải thích, là xác định những cách thức mới để loan báo Tin Mừng cho dân Chúa ở Amazon, đặc biệt là người dân bản địa, thường bị lãng quên và không có triển vọng về một tương lai an bình, gồm cả cuộc khủng hoảng rừng Amazon, lá phổi có tầm quan trọng chủ yếu cho hành tinh của chúng ta”.

Ðức Thánh Cha cũng xin “các vị tân hiển thánh chuyển cầu cho sự kiện này của Giáo hội, để nhờ biết tôn trọng vẻ đẹp của sáng tạo, mọi dân tộc trên trái đất sẽ ca ngợi Thiên Chúa, là Chúa cả vũ trụ, và nhờ được Người soi sáng, họ sẽ bước đi trên những nẻo đường công lý và hoà bình”

13. Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn gửi các tín đồ Ấn giáo nhân Lễ hội Ánh sáng Diwali

Nhân dịp Lễ hội Ánh sáng Diwali hằng năm của Ấn giáo, được cử hành vào ngày 18 hay 19 tháng Mười năm 2017 tại nhiều vùng của Ấn Ðộ, Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn đã gửi sứ điệp chúc mừng các cộng đoàn tín đồ Ấn giáo trên toàn thế giới. Chủ đề của sứ điệp năm nay là “Kitô hữu và tín đồ Ấn giáo: Vượt xa hơn lòng bao dung”. 

Thủ tướng Narendra Modi, là một nhà lãnh đạo Ấn Giáo rất cực đoan, đã nắm quyền tại Ấn từ ngày 26 tháng 5 năm 2104. Từ đó, đến nay chính quyền của ông này ngầm xúi giục các hoạt động bất bao dung tôn giáo tại Ấn.

Trong bối cảnh đó, Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh có đoạn viết như sau:

“Chúng ta có thể nhìn nhận một cách xác đáng nhiều điều kỳ diệu đang diễn ra trên khắp thế giới, mà chúng ta rất biết ơn. Ðồng thời, chúng ta cũng lưu tâm đến những khó khăn mà các cộng đồng của chúng ta đang phải đối mặt và khiến chúng ta lo lắng nhiều.”

“Sự gia tăng bất khoan dung, bạo lực nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới, là một thách thức mà ngày nay chúng ta đang phải đối mặt. Vì thế, nhân dịp này, chúng tôi muốn suy tư về cách thức mà Kitô hữu và người Ấn giáo có thể cùng nhau cổ võ lòng tôn trọng lẫn nhau giữa mọi người và vượt xa hơn lòng khoan dung, để mở ra một kỷ nguyên hoà bình và hài hòa cho mọi xã hội.

Lòng khoan dung chắc chắn có nghĩa là cởi mở và kiên nhẫn với người khác, nhìn nhận sự hiện diện của họ ở giữa chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn có hòa bình lâu dài và hòa hợp thật sự, chỉ khoan dung thôi thì không đủ. Ðiều cũng cần thiết là thực sự tôn trọng và đánh giá đúng mức tính đa dạng của các nền văn hoá và phong tục trong các cộng đồng của chúng ta, điều ấy góp phần làm nên sự lành mạnh và hiệp nhất cho toàn xã hội.” 

14. Ðức Thánh Cha tiếp kiến 11 ngàn người thuộc Gia Ðình Vinh Sơn.

Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi đại gia đình thánh Vinh Sơn Phaolô tiếp tục con đường của Thánh Nhân và ngài đề nghị họ thể hiện qua 3 hành động: thờ lạy, đón tiếp và ra đi.

Ngài trình bày lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Bẩy 14 tháng 10, tại Quảng trường thanh Phêrô dành cho hơn 11 ngàn người thuộc đại gia đình thánh Vinh Sơn Phaolô, từ các 99 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, về Roma tham dự diễn đàn trong 3 ngày qua, nhân kỷ niệm 400 năm đoàn sủng của Thánh Vinh Sơn.

Trong lời chào mừng Ðức Thánh Cha, Cha Mavric Tomaz, Bề trên Tổng Quyền dòng Lazzariste, chính thích thông báo thành lập “Liên minh hoàn cầu cho những người vô gia cư” và lễ hội Phim Vinh Sơn.

Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nói: “Thánh Vinh Sơn đã tạo nên một đà tiến bác ái kéo dài qua các thế kỷ. Ngày hôm nay, tôi muốn khích lệ anh chị em tiếp tục hành trình ấy, và đề nghị với anh chị em 3 động từ đơn sơ mà tôi thấy là rất quan trọng đối với tinh thần Vinh Sơn, và cho đời sống Kitô nói chung, đó là: thờ lạy, đón tiếp và ra đi.

– Trước hết là Thờ Lạy. Thánh Vinh Sơn thường mời gọi các môn đệ vun trồng đời sống nội tâm và chuyên chăm cầu nguyện có sức thanh tẩy và mở rộng tâm hồn. Ðối với Thánh Nhân, cầu nguyện là điều thiết yếu, là địa bàn của mỗi ngày, như cẩm nang của cuộc sống… Theo Thánh Vinh Sơn, cầu nguyện là dừng lại trước Thiên Chúa để ở với Người, phó thác và tận tình đối với Chúa. Ðó là kinh nguyện tinh tuyền nhất, dành chỗ cho Chúa và chúc tụng Chúa, tín thác nơi Chúa.

– Tiếp đến là đón tiếp. Trở thành những người hiếu khách, sẵn sàng, quen tận tụy với người khác. Như Thiên Chúa cư xử với chúng ta, cả chúng ta cũng phải xử như vậy với tha nhân. Ðón tiếp có nghĩa là điều chỉnh lại cái tôi của mình, sửa sai cách suy tư và hiểu rằng cuộc sống không phải là tài sản riêng của tôi và thời gian không thuộc về tôi. Ðó là một sự từ từ rời bỏ tất cả những gì là của tôi: thời gian, sự nghỉ ngơi, các quyền và chương trình của tôi. Ai đón tiếp thì từ bỏ cái tôi và đi vào trong cuộc sống của tha nhân và của chúng ta”.

Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: Kitô hữu đón tiếp là một người thực sự của Giáo Hội, vì Giáo Hội là người Mẹ đón tiếp và đồng hành với cuộc sống. Như một ngừơi con giống mẹ, mang những sắc thái của mẹ, Kitô hữu cũng mang những nét của Giáo Hội. Người đón tiếp là người trở thành người con trung tín đích thực của Giáo Hội, người không than trách thì kiến tạo sự hòa hợp và hiện thông, và với lòng quảng đại họ gieo vãi hòa bình, dù không được đáp trả”.

– Ðộng từ sau cùng là ra đi. Ðức Thánh Cha nói: “Tình yêu có đặc tính năng động, ra khỏi bản thân mình. Người yêu thương thì không ngồi trên ghế bành mà nhìn, chờ đợi cho tình hình thế giới được cải tiến, nhưng với lòng hăng say và đơn sơ, họ đứng lên và ra đi. Thánh Vinh Sơn đã nói chí lý: “Ơn gọi của chúng ta là ra đi, không phải trong một giáo xứ và cũng chẳng phải trong một giáo phận, nhưng là toàn trái đất, để làm cho tâm hồn con người nồng cháy, làm điều mà Con Thiên Chúa đã làm: Chúa đã đến trong thế giới để mang lửa để làm cho tình yêu của Ngài nồng cháy. Ơn gọi này có giá trị đối với tất cả mọi người. Nó đặt cho mỗi người những câu hỏi: Tôi có ra đi gặp tha nhân, như Chúa muốn hay không. Tôi tôi đến, tôi có mang theo lửa tình thương hay tôi khép kín để sưởi mình trước lò sưởi của tôi mà thôi?”.

15. Con số trẻ em bị bệnh mập phì trên toàn thế giới đã tăng gấp hơn 10 lần.

Hãng thông tấn AFP cho biết con số trẻ em bị bệnh mập phì trên toàn thế giới đã tăng gấp hơn 10 lần kể từ năm 1975 đến nay. Con số người trẻ từ 2 đến 19 tuổi bị mập phì ở Hoa Kỳ đã tăng từ gần 14% dạo năm 1999 lên đến 18.5% năm 2016.

Ðó là kết quả một cuộc nghiên cứu do tổ chức OMS Sức khỏe thế giới thực hiện cùng với học viện hoàng gia London của Anh quốc. Theo đó, vào năm 2016, có 124 triệu người trẻ từ 5 đến 19 tuổi bị xem là mập phì so với 11 triệu hồi năm 1975.

Hiện tượng này xảy ra tại tất cả mọi nơi trên toàn thế giới, từ các quần đảo vùng Polinesie với 30% tổng số người trẻ, đến Hoa Kỳ với trên 20%, như là Ai Cập hay Arap Saudi. Hiện tượng mập phì tăng mạnh tại các nước nghèo hay chỉ có lợi tức trung bình. Trong khi đó, số người trẻ gầy yếu từ từ sút giảm.

Giáo sư Majid Ezzati thuộc học viện hoàng gia Anh ở London, một trong các chuyên viên thực hiện cuộc nghiên cứu nói trên nhận định rằng: Gầy yếu quá làm cho người trẻ dễ bị nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm, nhưng mập phì cũng đưa đến nhiều loại bệnh khác như về đường tim mạch, tiểu đường v.v…

Nhiều người trẻ đi từ trạng thái gầy ốm sang mập phì vì thiếu những chính sách giúp dinh dưỡng chuẩn mực. Thế giới ngày nay không có những chương trình giúp người ta biết cách ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như ăn ngũ cốc, trái cây và rau cỏ nhiều hơn.

Nguồn: VieCatholic News

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …