Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 26/03 – 01/04/2015: Lễ Lá tại Vatican

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 26/03 – 01/04/2015: Lễ Lá tại Vatican

 

1. Lễ Lá tại Vatican

Sáng Chúa Nhật 29 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Lá, khởi sự Tuần Thánh, là tuần lễ quan trọng nhất trong Phụng Vụ Công Giáo. Ngài mời gọi các tín hữu trên toàn thế giới nhớ đến anh chị em tín hữu Kitô ở nhiều nơi đang bị bách hại và nhiều khi bị mất mạng vì niềm tin của họ vào Chúa Giêsu Kitô.

Dưới bầu trời nắng xuân và trước sự hiện diện của 50 ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Jerusalem, và thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa sau đó. Số người hiện diện tại lên tới 80 ngàn người khi đọc kinh Truyền Tin.

Chúa Nhật 29 tháng Ba cũng là Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 30 được cử hành ở cấp giáo phận với chủ đề “Phúc cho những ai có tâm hồn thanh khiết vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa”. Vì thế, tham dự cuộc rước lá với Đức Thánh Cha từ giữa Quảng trường Thánh Phêrô tiến lên lễ đài trên thềm Đền thờ có hơn 400 bạn trẻ, gồm 100 người thuộc giáo phận Roma, 200 bạn trẻ từ các nơi khác trên thế giới, 50 bạn trẻ do Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân chọn, và sau cùng là 50 người trẻ thuộc Trung tâm thánh Lorenzo, gần Quảng trường.

Các cành lá dừa các bạn trẻ cầm trong cuộc rước lá do các Cộng đoàn Con đường Tân dự tòng trao tặng; còn các cây và cành ô liu trang trí bàn thờ và Quảng trường thánh Phêrô do miền Puglie nam Italia tặng. Sau cùng 2 ngàn cành lá dừa màu vàng được kết bện rất nghệ thuật, do các chính quyền ở thành phố San Remo và Bordighera và một số tổ chức khác ở miền Liguria trao tặng theo một truyền thống từ thế kỷ 16. Các cành lá này được Đức Thánh Cha, các Hồng Y, Giám Mục, kinh sĩ đoàn Đền thờ Thánh Phêrô và đoàn giúp lễ và một số người khác cầm trong tay.

Đồng tế với Đức Thánh Cha và tham dự cuộc rước lá có 30 Hồng Y và 50 Giám Mục. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa thánh, còn có ca đoàn và ban nhạc của giáo phận Roma và ca đoàn Mẹ Giáo Hội.

Lên tới bàn thờ, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ theo nghi thức thông thường, đặc biệt là với bài Thương khó theo Tin Mừng thánh Marco do 3 thầy Phó tế công bố.

Trong bài giảng tiếp đó, Đức Thánh Cha đặc biệt khai triển đề tài sự hạ mình của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa và mời gọi các tín hữu cũng hãy noi theo lối sống khiêm hạ của Chúa. Ngài nói:

“Nơi trung tâm buổi lễ trọng thể này, có một lời chúng ta đã nghe trong thư gửi tín hữu thành Philipphê: “Người hạ mình xuống” (2,8). Sự hạ mình của Chúa Giêsu.

“Lời này tỏ cho chúng ta lối cư xử của Thiên Chúa và của Kitô hữu: đó là sự khiêm nhường. Một lối sống không bao giờ ngưng gây ngạc nhiên cho chúng ta và đặt chúng ta ở trong tình trạng khủng hoảng: chúng ta không bao giờ trở nên quen với sự kiện một vị Thiên Chúa khiêm hạ!

“Hạ mình xuống trước tiên là lối sống của Thiên Chúa: Thiên Chúa hạ mình để đồng hành với dân Ngài, để chịu đựng những bất trung của dân. Chúng ta thấy rõ điều đó khi đọc sách Xuất Hành: Thiên Chúa hạ mình dường nào khi nghe tất cả những lời lẩm bẩm, than trách ấy! Những lời than trách chống ông Môisê, nhưng thực ra là chống lại Chúa, chống lại Cha của họ, Đấng đã đưa họ ra khỏi tình trạng nô lệ và hướng dẫn họ trên con đường tiến qua sa mạc tìm về đất tự do.

“Trong tuần Thánh này, tuần lễ dẫn đưa chúng ta đến lễ Phục Sinh, chúng ta sẽ đi trên con đường hạ mình của Chúa Giêsu. Chỉ như thế, tuần này mới là Tuần Thánh đối với cả chúng ta!

“Chúng ta sẽ nghe thấy những lời khinh bỉ của các thủ lãnh dân và những mưu mô gian xảo của họ để làm cho Chúa ngã xuống. Chúng ta sẽ chứng kiến sự phản bội của Giuđa, một trong 12 môn đệ, người sẽ bán Thầy với 30 đồng bạc. Chúng ta sẽ thấy Chúa bị bắt và giải đi như một kẻ bất lương; bị các môn đệ bỏ rơi; bị điệu ra trước Công nghị Do thái, bị kết án tử hình, bị đánh đập và lăng mạ. Chúng ta sẽ nghe Phêrô, “đá tảng” của các môn đệ, chối bỏ Chúa 3 lần. Chúng ta sẽ nghe những tiếng gào thét của đám đông, do các thủ lãnh xúi giục, họ xin tha cho Barabba, còn Chúa thì họ đòi đóng đanh. Chúng ta sẽ thấy Ngừơi bị quân lính nhạo cười, họ cho Người mặc áo đỏ, đầu đội mão gai. Và rồi, dọc theo con đường đau khổ, dưới thập giá, chúng ta sẽ nghe những lời lăng mạ của dân chúng và các thủ lãnh nhạo cười vua của họ và Con Thiên Chúa.

“Đó là con đường của Thiên Chúa, con đường khiêm hạ. Đó là con đường của Chúa Giêsu và không có con đường nào khác. Không có sự khiêm nhường mà không có hạ mình.

“Theo đuổi đến cùng con đường ấy, Con Thiên Chúa đã nhận lấy “hình hài người tôi tớ” (Xc Pl 2,7). Thực vậy, khiêm nhường có nghĩa là phục vụ, dành khoảng trống cho Thiên Chúa cởi bỏ chính mình, trở nên trống rỗng, như Kinh Thánh nói (v.7). Đó là một sự hạ mình lớn nhất.

“Có một con đường trái ngược với con đường của Chúa Kitô: đó là tinh thần thế tục. Tinh thần này mang lại cho chúng ta con đường háo danh, kêu ngạo, thành công… Đó là con đường khác. Quỷ cũng đã đề nghị con đường với cả Chúa Giêsu trong 40 ngày ở trong sa mạc. Nhưng Chúa Giêsu đã bác bỏ không chút do dự. Và cùng với Ngài, cả chúng ta cũng có thể chiến thắng cám dỗ ấy, không những trong những dịp lớn, nhưng cả trong những hoàn cảnh thông thường của cuộc sống.

“Chúng ta được trợ giúp và khích lệ nhờ tấm gương của bao nhiêu người nam nữ, trong thinh lặng và âm thầm, hằng ngày từ bỏ bản thân để phục vụ tha nhân: một người thân bị bệnh, một người già cô đơn, một người khuyết tật…”

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến tình cảnh bi đát của hàng triệu anh chị em tín hữu Kitô ở nhiều nơi đang bị bách hại và nhiều khi bị mất mạng vì niềm tin của họ vào Chúa Giêsu Kitô. Họ đang bị cộng đồng thế giới bỏ quên. Thật vậy, sau gần 9 tháng trời bị bách hại, bị tịch thu gia sản, bị bắt làm nô lệ, phải bỏ chạy lang thang trên những bước đường tị nạn, những người Kitô hữu tị nạn Iraq mới được nhắc đến trong phiên họp chưa từng có của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào ngày thứ Sáu 27 tháng Ba. 

Đức Thánh Cha nói:

“Chúng ta cũng hãy nghĩ đến sự tủi nhục của bao nhiêu người vì trung thành với Tin Mừng nên bị kỳ thị và phải trả giá bằng chính mạng sống mình. Và chúng ta nghĩ đến bao nhiêu anh chị em chúng ta bị bách hại vì là Kitô hữu, những vị tử đạo ngày nay: họ không chối bỏ Chúa Giêsu và can đảm chịu đựng những lời lăng mạ và xúc phạm. Họ theo Chúa Giêsu trên đường của Người. Chúng ta có thể nói đó là ‘đám mây các chứng nhân’ (Xc Dt 12,1).”

“Cả chúng ta cũng hãy quyết liệt tiến bước trên con đường ấy, với lòng yêu mến nhiệt thành đối với Người là Chúa và là Đấng Cứu độ chúng ta. Chính tình yêu hướng dẫn và mang lại sức mạnh cho chúng ta. Nơi nào có Chúa, chúng ta cũng sẽ ở với Người (Xc Ga 12,26). Amen

Trong phần lời nguyện phổ quát, bằng 5 thứ tiếng Ba Lan, Pháp, Indonesia, tiếng Hoa và Swahili bên Phi châu, cộng đoàn lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội, nhờ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, luôn can đảm loan báo Tin Mừng không chút dè dặt cầu cho các tín hữu Kitô bị bách hại, cho họ được tham phần vào công trình cứu độ của Chúa; cầu cho các bạn trẻ được tâm hồn thanh khiết, không phân chia và quảng đại; cầu cho những người đang tìm kiếm chân lý được cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu hướng dẫn nhận biết rằng Người thực là Con Thiên Chúa; sau cùng cầu cho những người nghèo khổ, để họ được săn sóc các vết thương và nhóm lên niềm hy vọng nhờ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

2. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân trong tai nạn máy bay tại Pháp

Cuối thánh lễ Lá, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin kính Đức Mẹ ngay tại thềm Đền thờ thánh Phêrô. Số người hiện diện tại Quảng trường lúc này lên tới 80 ngàn người. 

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha nói:

“Vào cuối buổi lễ này, tôi thân ái chào thăm tất cả anh chị em hiện diện nơi đây, đặc biệt là các bạn trẻ. Các bạn trẻ thân mến, tôi khuyên nhủ các bạn hãy tiếp tục theo đuổi hành trình của các bạn trong các giáo phận, hoặc trong cuộc lữ hành qua các đại lục, dẫn đưa các bạn đến Cracovia vào năm tới, nơi quê hương của thánh Gioan Phaolô 2, Người đã khởi xướng Ngày Quốc Tế giới trẻ. Đề tài của cuộc gặp gỡ lớn này là “Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7), một đề tài rất phù hợp với Năm Thánh Thương Xót. Các bạn hãy để cho mình được tràn đầy sự dịu dàng của Chúa Cha, để phổ biến quanh các bạn!

“Giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, xin Mẹ giúp chúng ta sống Tuần Thánh này trong đức tin. Mẹ cũng đã hiện diện khi Chúa Giêsu tiến vào thành Jerusalem được dân chúng hoan hô; nhưng con tim của Mẹ, giống như trái tim của Con, sẵn sàng chịu hy sinh. Chúng ta hãy học cùng Mẹ là Trinh Nữ trung thành, theo Chúa cả khi con đường dẫn đến thập giá.

“Tôi phó thác các nạn nhân tại nạn máy bay hôm thứ Ba vừa qua cho sự chuyển cầu của Mẹ, trong số đó cũng có một nhóm học sinh người Đức.”

3. Đức Giáo Hoàng sẽ gặp tổng thống Barack Obama tại Tòa Bạch Cung

Hôm thứ Sáu 27 tháng Ba, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha sẽ gặp Tổng thống Barack Obama tại Tòa Bạch Cung vào ngày 23 tháng 9 trong chuyến tông du sang Hoa Kỳ nhân dịp Đại Hội Thế Giới về gia đình.

Thông cáo của Tòa Thánh cho biết:

“Tổng thống và đệ nhất phu nhân sẽ chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô tại Tòa Bạch Cung vào ngày Thứ Tư 23 Tháng 9. Trong cuộc gặp gỡ này, tổng thống và Đức Giáo Hoàng sẽ tiếp tục cuộc đối thoại đã được khởi sự trong chuyến thăm Vatican của tổng thống vào tháng 3 năm 2014 về các giá trị và những dấn thân của hai vị về một loạt các vấn đề, bao gồm cả việc chăm sóc cho những người chịu thiệt thòi và những người nghèo; thúc đẩy cơ hội kinh tế đồng đều cho tất cả mọi thành phần trong xã hội; quản lý tốt môi trường; bảo vệ các tôn giáo thiểu số và thúc đẩy tự do tôn giáo trên toàn thế giới; chào đón và hội nhập những người nhập cư và những người tị nạn vào cộng đồng”.

Thông cáo kết luận rằng:

“Tổng thống mong muốn tiếp tục cuộc đối thoại với Đức Thánh Cha trong chuyến thăm đầu tiên của Ngài đến Hoa Kỳ trong tư cách là Giáo Hoàng”.

4. Tuyên bố của đại diện Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo và quyền tự do phát biểu

Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, nhà ngoại giao hàng đầu của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã lên án các hành động của cái gọi là “nhà nước Hồi giáo” và nói về mối quan hệ giữa tự do tôn giáo và tự do phát biểu trong một diễn văn tại Liên Hợp Quốc.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục, ký ngày 10 tháng Ba, đã được công bố vào ngày thứ Năm 26 tháng 3 tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.

Đức Tổng Giám Mục nhận định rằng: “Bạo lực không xuất phát từ tôn giáo, nhưng từ những giải thích sai lạc hoặc từ việc chuyển đổi tôn giáo thành một thứ ý thức hệ. Thêm vào đó, bạo lực tương tự cũng có thể xuất phát từ việc tôn thờ ngẫu tượng Nhà nước hoặc nền kinh tế, và nó cũng có thể là một hệ quả của chủ nghĩa tục hóa. Tất cả những hiện tượng này có xu hướng loại bỏ tự do và trách nhiệm của cá nhân đối với người khác”.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng xung quanh vụ Charlie Hebdo có hai khuynh hướng cực đoan. Khuynh hướng thứ nhất đề cao bất cứ hình thức nào của tự do phát biểu. Ngược lại, khuynh hướng thứ hai chống lại bất cứ hình thức xúc xiểm tôn giáo nào.

Đức Tổng Giám Mục nhận định rằng:

Tự do ngôn luận khi bị lạm dụng để gây ra những vết thương trên phẩm giá con người bằng cách xúc phạm niềm tin sâu xa nhất của họ đang gieo rắc những hạt giống của bạo lực. Tất nhiên, tự do ngôn luận là một quyền con người cơ bản phải luôn luôn được tôn trọng và bảo vệ. Nếu không có quyền tự do ngôn luận thì sẽ không có nền giáo dục, không có nền dân chủ, và không có linh đạo đích thực. Nhưng đồng thời tự do ngôn luận cũng bao hàm nghĩa vụ phải nói một cách có trách nhiệm trên quan điểm của công ích những gì một người nghĩ.

Tự do ngôn luận không thể được dùng để biện minh cho việc hạ thấp tôn giáo thành một nét văn hóa tầm thường, vô nghĩa hoặc biến tôn giáo thành một mục tiêu dễ dàng cho sự chế giễu và phân biệt đối xử. Chắc chắn là những tranh luận bài xích tôn giáo dù là dưới các hình thức mỉa mai có thể được chấp nhận cũng như việc chấp nhận những mỉa mai khi nói về chủ nghĩa thế tục hay chủ nghĩa vô thần. 

Những lời chỉ trích liên quan đến tư duy tôn giáo thậm chí có thể giúp hạn chế những hình thái đa dạng của chủ nghĩa quá khích. 

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng không gì có thể biện minh cho những lời lăng mạ vô cớ và sự giễu cợt ác ý vào tình cảm và niềm tin của người khác, là những người xét cho cùng là bình đẳng về nhân phẩm đối với mình. Chúng ta có quyền chế giễu bản sắc văn hóa của một người, màu da của người ấy, hay niềm tin trong trái tim của người ấy không? “Quyền xúc phạm” là một thứ quyền không hề tồn tại.

5. Đức Hồng Y Gerhard Mueller nhắc nhở Đức Hồng Y Reinhard Marx: Hội Đồng Giám Mục không phải là Huấn Quyền

Đức Hồng Y Gerhard Mueller, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã nói với báo Pháp Famille Chretienne là các quyết định về tín lý, hay ngay cả các quyết định kỷ luật về hôn nhân và gia đình không phải là những gì Hội Đồng Giám Mục một quốc gia có thể đưa ra.

“Điều này hoàn toàn là một ý tưởng chống lại tính Công Giáo của Giáo Hội” Đức Hồng Y Mueller đã nhận xét như trên khi được hỏi, “liệu một số những quyết định về tín lý hoặc những kỷ luật về hôn nhân và gia đình có thể được giao cho Hội Đồng Giám Mục?”

“Hội Đồng Giám Mục một quốc gia có thẩm quyền trên một số vấn đề, nhưng họ không phải là một huấn quyền bên cạnh Huấn Quyền chính thức của Hội Thánh, một huấn quyền trong đó không có Đức Giáo Hoàng và cũng chẳng hiệp thông với tất cả các giám mục trên thế giới”.

Cuộc phỏng vấn được Đức Hồng Y Mueller dành cho báo Famille Chretienne đã được công bố hôm thứ Năm 26 tháng 3.

Famille Chretienne đã xin phỏng vấn Đức Hồng Y Mueller, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, là Thánh Bộ được giao nhiệm vụ đề cao và bảo vệ đạo lý tinh tuyền của Giáo Hội Công Giáo, sau những sóng gió gây ra từ những lời bình luận của Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich và Freising, đồng thời là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức. Đức Hồng Y Marx nói với các phóng viên, “Chúng tôi không phải là một chi nhánh của Rôma. Mỗi Hội Đồng Giám Mục có trách nhiệm chăm sóc mục vụ trong bối cảnh văn hóa của đất nước họ và phải rao giảng Tin Mừng trong cách thế riêng, nguyên thủy của mình. Chúng tôi không thể chờ đợi cho một Thượng Hội Đồng dạy bảo chúng tôi biết làm thế nào hình thành nên việc chăm sóc mục vụ cho hôn nhân và gia đình ở đây.”

Nhận xét của Đức Hồng Y Marx đã được đưa ra trong bối cảnh các đề nghị của một số người mong Giáo Hội cho phép những người đã ly dị và tái hôn được rước lễ. Chủ đề này đã được một số giám mục Đức, tiêu biểu là Đức Hồng Y Walter Kasper, đưa ra trong quá khứ, và đã là một chủ đề chính trong các cuộc thảo luận tại các Thượng Hội Đồng, và tại các cuộc gặp gỡ với chủ đề gia đình vào năm ngoái và vào mùa thu này.

Giáo huấn Giáo Hội dạy rằng hôn nhân là một bí tích vĩnh cửu không kết thúc ngay cả khi người vợ hay chồng được một thẩm quyền dân sự cho ly hôn. Trong trường hợp một hôn nhân không thành sự ngay từ đầu, hai bên có thể xin Giáo Hội tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Các tín hữu không thể tham gia vào một cuộc hôn nhân thứ hai trong khi cuộc hôn nhân đầu tiên vẫn còn ràng buộc. Trong trường hợp như thế, họ đang trong tình trạng tội lỗi và không được Rước Lễ.

Trước những tuyên bố của Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, Đức Hồng Y Mueller, người từng được thụ phong linh mục tại giáo phận Mainz bên Đức, nhận xét rằng “một Hội Đồng Giám Mục không phải là một công đồng đặc biệt, hay một công đồng đại kết. Chủ tịch một Hội Đồng Giám Mục chỉ là một người điều phối kỹ thuật, và vị này không có bất cứ quyền giáo huấn nào từ danh hiệu này.”

6. Đức Thánh Cha Phanxicô chia buồn về vụ tai nạn máy bay tại Pháp làm cho 150 người thiệt mạng.

Trong điện văn gửi đến Đức Cha Jean-Philippe Nault, Giám Mục giáo phận Digne nơi máy bay bị rớt, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết:

“Sau khi hay tin tai nạn thê thảm máy bay bị rớt ở vùng Digna, làm cho nhiều người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, Đức Thánh Cha Phanxicô chia buồn với các gia đình, bày tỏ sự gần gũi của ngài trong cảnh tang tóc này. Ngài cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng được an nghỉ, phó thác họ cho lòng từ bi của Thiên Chúa, xin Chúa đón nhận họ vào nơi an nghỉ trong ánh sáng. Đức Thánh Cha bày tỏ sự cảm thông sâu xa với tất cả những người bị thương tổn vì thảm trạng này, cũng như với các nhân viên cấp cứu đang can thiệp trong những hoành cảnh khó khăn. Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban cho mọi người sức mạnh và ơn an ủi, và như bảo chứng sự khích lệ, Ngài cầu xin Chúa ban dồi dào phúc lành trên họ”.

Máy bay Airbus 320 của hãng Germanwings gồm 142 hành khách và 8 người thuộc phi hành đoàn, khởi hành từ phi trường Barcelona, Tây Ban Nha, hướng về thành phố Duesseldorf bên Đức, bị rớt khoảng 11 giờ sáng ngày 24-3-2015 tại vùng Digne, một vùng núi hiểm trở thuộc tỉnh Haute Provence. Trong số các nạn nhân có 67 người Đức, hơn 40 người Tây Ban nha, phần còn lại là người Thổ nhĩ kỳ và vài nước khác.

Bộ nội vụ Pháp cho biết ưu tiên hiện nay là tìm thi hài các nạn nhân để trả lại cho gia đình họ.

Theo công tố viên thành phố Marseilles, ông Bryce Robin, các kỹ thuật viên đã giải mã được một phần hộp đen máy bay, lấy được đoạn băng ghi âm 30 phút cuối cùng trên chuyến bay này trước khi nó đâm thẳng vào sườn núi.

Theo ông Bryce Robin phi công phụ trong chuyến bay tên là Andreas Lubitz, quốc tịch Đức, 28 tuổi là thủ phạm trong vụ tai nạn thảm khốc khiến hơn 150 người thiệt mạng. Viên phi công phụ đã cố ý cho máy bay rơi tự do để tự tử.

Ông Robin phẫn nộ nói trong buổi họp báo “Nếu bạn muốn tự tử, thì hãy làm điều đó một mình, đừng mang theo 150 người vô tội đi cùng, thế nên vụ án này không được phép gọi là một vụ tự tử, tôi sẽ gọi đây là một vụ khủng bố”.

7. Công bố thống kê mới nhất của Giáo Hội Công Giáo

Số tín hữu Công Giáo, linh mục và Phó tế vĩnh viễn gia tăng trong Giáo Hội, nhưng số tu sĩ nam nữ tiếp tục giảm sút.

Trên đây là nội dung Niên Giám Thống kê của Giáo Hội hoàn cầu được hoàn tất trong tháng 2 và được Tòa Thánh công bố trong tháng 3 này, trình bày tình trạng Giáo Hội Công Giáo tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013.

Theo đó, trên toàn thế giới có 1 tỷ 253 triệu người Công Giáo tức là tăng thêm 25 triệu, nghĩa là tăng 2% so với năm trước đó. Sự tăng trưởng của các tín hữu Công Giáo có phần nhiều hơn so với tỷ lệ gia tăng dân số thế giới và hiện chiếm 1.7% dân số hoàn cầu.

Cũng như những năm trước đây, Niên Giám Mới của Giáo Hội Công Giáo ước lượng có khoảng 4 triệu 800 ngàn tín hữu Công Giáo không được ghi trong thống kê vì họ ở những quốc gia không thể cung cấp các con số chính xác cho Tòa Thánh, ví dụ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Theo thống kê mới, người Công Giáo đông nhất vẫn là ở Mỹ châu, chiếm 63.3% dân số đại lục này, tiếp đến là Âu Châu chiếm 39.9% và dân Công Giáo tại Á châu có tỷ lệ thấp nhất, chỉ chiếm 3.2%.

Số Giám Mục trong toàn Giáo Hội là 5,173 vị, tăng 40 vị so với năm 2012. Trong cùng thời gian đó, số linh mục triều và dòng tăng thêm 1,035 vị, và hiện có 415,348 vị: số linh mục giáo phận liên tục gia tăng tại Phi châu, Á châu và Mỹ châu nhưng tiếp tục giảm tại Âu Châu.

Số phó tế vĩnh viễn là 43,195 thầy, tức là tăng thêm 1 ngàn so với năm 2012 trước đó.

Số tu huynh giảm mất 60 thầy và hiện có 55.253 thầy tính đến cuối năm 2013. Số nữ tu tiếp tục đi xuống và còn 639.575 chị, tức là giảm 1,2% so với năm trước đó, và giảm 6,1% so với tình trạng năm 2008. Bắc Mỹ có số nữ tu giảm nhiều nhất: 16,6% trong vòng 5 năm qua, tiếp đến là Âu Châu: giảm 12,6% trong cùng khoảng thời gian đó.

Số đại chủng sinh triều và dòng trên thế giới liên tục giảm sút trong 2 năm qua, và còn 118.251 thầy tính đến cuối năm 2013, tức là giảm mất 2,365 thầy kể từ cuối năm 2011. 

8. Hàng ngàn người Salvador tuần hành tưởng nhớ Đức Tổng giám mục Oscar Romero

Hàng ngàn người Salvador đã tuần hành hôm thứ Ba 24 tháng Ba để tưởng nhớ Đức Tổng giám mục Oscar Romero, là người đã bị ám sát cách đây 35 năm trong cuộc nội chiến tại quốc gia này và sẽ được phong chân phước vào ngày 23 tháng Năm tới đây.

Đức Tổng giám mục Oscar Romero được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục thủ đô San Salvador vào ngày 3 tháng Hai năm 1977. Ngài là tiếng nói bất khuất chống bất công xã hội. Đức Cha đã bị bắn xuyên tim hôm 24 tháng Ba năm 1980 bởi một tay bắn tỉa trong khi cử hành thánh lễ chỉ một ngày sau khi hô hào người lính El Salvador đừng giết hại thường dân vô tội.

Khoảng 3,000 người đã tuần hành qua các đường phố của thủ đô San Salvador hát vang bài ca “Ngài là vị thánh của nhân dân”.

Domitila Pena, một cụ già tóc bạc trắng đã 79 tuổi chống gậy diễn hành nói:

“Ngay cả trước khi họ giết Đức Cha Romero, ngài đã là một vị thánh. Ngài đứng về phía chúng tôi, bên cạnh những người nghèo. Ngài chia sẻ nỗi đau của chúng tôi” 

Cuộc diễn hành trong hòa bình này là một cảnh rất khác với những gì xảy ra trong đám tang của Đức Cha Romero vào năm 1980, khi binh sĩ đã nổ súng bắn thẳng vào hơn 100,000 người đưa tang tại nhà thờ chánh tòa San Salvador, giết chết hàng chục người.

Thật vậy, các giáo sĩ Công Giáo, Anh Giáo và Tin Lành Luther đã cùng cầu nguyện cho Đức Cha Romero tại cùng ngôi nhà thờ nơi ngài đã bị bắn chết. Cả tổng thống Salvador Sanchez Ceren cũng có mặt trong thánh lễ.

Năm 1997, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Đức Tổng Giám mục Romero là Vị Tôi Tớ Chúa và mở án phong Chân Phước cho ngài. Tuy nhiên, án phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục đã vấp phải những quan ngại cho rằng ngài đã bị giết vì tham gia chính trị, chứ không phải vì đức tin của mình.

Tháng Tám vừa qua, khi được hỏi về triển vọng trong việc phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục Romero, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các phóng viên rằng ngài đã chờ đợi kết quả của một cuộc điều tra nghiêm ngặt về vấn đề là liệu Đức Tổng Giám Mục Romero có phải đã bị giết chết vì hận thù đức tin hay không. 

Trước đó, năm 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã khai thông mọi bế tắc trong tiến trình phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám Mục Romero. Ngài nói rằng Đức Tổng Giám Mục Romero “đáng được phong Chân Phước, tôi không bao giờ hồ nghi về điều đó”.

Sau một thời gian điều tra, ngày 9 tháng Giêng vừa qua một ủy ban các nhà thần học được Tòa Thánh bổ nhiệm đã xác nhận rằng Đức Tổng Giám mục Oscar Romero bị giết “vì sự thù ghét đức tin”. Ngày 3 tháng Hai vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn y án phong cho Chân Phước cho ngài do Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh trình lên; và truyền rằng lễ phong Chân Phước sẽ được cử hành ngày 23 tháng 5 tới đây.

Cuộc chiến tại El Salvador đã kết thúc với hiệp định ngưng bắn vào năm 1992 chấm dứt 12 năm nội chiến. Tuy nhiên, mãi cho đến nay, xã hội El Salvador vẫn còn nhiều chia rẽ và bạo lực vì bao nhiêu oan khiên không được giải tỏa. Cái chết của Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero là tiêu biểu cho thế giới thấy các thủ đoạn tàn bạo của Biệt Đội Tử Thần do nhóm quân nhân El Salvador dựng lên.

Thiếu tá Alvaro Rafael Saravia, người trực tiếp nhúng tay vào vụ sát hại Đức Tổng Giám Mục Romero đã được khéo léo dàn xếp cho di cư sang Mỹ vào giữa thập niên 1980 để chạy tội nhưng y bị bắt và bị đưa ra tòa. Trước tòa án tại California, Alvaro Rafael Saravia không nói một lời nào nhằm bác bỏ hay công nhận trách nhiệm của mình trước cáo buộc đã giết hại Đức Cha Romero. Y cũng không thèm mướn luật sư cãi lại. Tòa án tại California đã trưng ra những bằng cớ không thể phủ nhận được về vai trò trực tiếp giết hại Đức Cha Romero của ông Saravia, và vai trò ông này trong Biệt Đội Tử Thần El Salvador cũng như liên hệ giữa ông này và cố đại tá Roberto D’Aubuisson, người đã thành lập đảng ARENA. Tòa đã truyền cho ông Saravia phải đền cho thân nhân Đức Cha Romero 10 triệu Mỹ Kim.

9. Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Torino

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm giáo phận Torino, bắc Italia, trong hai ngày 21 và 22-6 tới đây, nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật của thánh Gioan Bosco.

Torino cách Roma 525 cây số đường chim bay về hướng tây bắc và tổng giáo phận Torino hiện có hơn 2 triệu tín hữu Công Giáo trên tổng số 2 triệu 115 ngàn dân cư.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 25 tháng Ba ở Roma Đức Cha Cesare Nosiglia, Tổng Giám Mục giáo phận Torino, cho biết Đức Thánh Cha sẽ từ Roma bay tới phi trường thành phố này lúc 8 giờ sáng Chúa Nhật 21 tháng Sáu. Liền đó ngài sẽ gặp gỡ giới lao động tại Quảng trường Hoàng gia, trước khi đến Nhà thờ chính tòa Torino lúc 9 giờ 15 phút để cầu nguyện trước Khăn liệm thánh được trưng bày tại đây.

Tiếp đến Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ đồng tế tại Quảng trường Vittorio lúc 10 giờ 45. Ban trưa ngài sẽ dùng bữa trưa với các tù nhân ở nhà tù trẻ vị thành niên “Ferrante Aporti” cùng với một số người di dân, người vô gia cư và một gia đình người du mục. Lúc 2 giờ 45 phút chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha sẽ kính viếng Đền thánh Đức Mẹ An Ủi, gặp gỡ các linh mục tại đây, rồi đến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Phù Hộ để gặp các tu sĩ Don Bosco và các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù hộ, chào thăm các nhà giáo dục trẻ cũng như các linh hoạt viên tại các trung tâm sinh hoạt giới trẻ.

Lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha sẽ đến nhà thờ dòng thánh Cottolengo, gặp gỡ anh chị em bệnh nhân và người khuyết tật. Sau đó vào lúc 6 giờ chiều ngài trở lại quảng trường Vittorio để gặp giới trẻ và trả lời một số câu hỏi của họ. Đức Thánh Cha sẽ dùng bữa tối và nghỉ đêm tại tòa Tổng Giám Mục Torino.

Sáng hôm sau thứ Hai 22 tháng Sáu, ngài sẽ viếng thăm Đền thờ của Tin Lành Valdese từ lúc 9 giờ và gặp gỡ các vị lãnh đạo cộng đoàn Giáo Hội này.

Trở về tòa Tổng Giám Mục Torino vào lúc quá 10 giờ, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ một số thân nhân họ hàng của ngài và dâng thánh lễ tại nhà nguyện rồi dùng bữa trưa với họ.

Ban chiều lúc 4 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các thành viên ban tổ chức cuộc trưng bày Khăn liệm thánh, ban điều hợp và những người hỗ trợ cuộc viếng thăm của ngài tại Torino, rồi ra phi trường lúc 5 giờ để đáp máy bay trở về Roma.

Khăn liệm thánh tại thành Torino, có chiều kích 441 cm x 111 cm, theo tương truyền đã được dùng để liệm xác Chúa Giêsu, tuy rằng Tòa Thánh không hề xác nhận. Trên khăn có in hình âm bản một người chịu khổ nạn với những chi tiết giống như trình thuật của các sách Tin Mừng về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 200 của thánh Gioan Bosco, Khăn Liệm được trưng bày cho các tín hữu kính viếng từ ngày 19 tháng Tư đến 24 tháng Sáu năm nay. Tính đến ngày 24 tháng Ba, đã có 850 ngàn người từ nhiều quốc gia đăng ký để kính viếng Khăn Liệm.

Trong cuộc họp báo, Đức Tổng Giám Mục Nosiglia cho biết mọi của dâng cúng trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, sẽ được ban tổ chức trao lại cho ngài và ngài sẽ quyết định chuyển lại cho tổ chức bác ái hoặc dự án từ thiện nào đó do ngài chọn.

10. Cuối cùng Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cũng có một phiên họp về thảm họa của các tín hữu Kitô tại Iraq và Syria

Đêm thứ Hai 9 tháng 6 năm 2014 rạng ngày thứ Ba, các chiến binh Hồi Giáo cực đoan lần lượt chiếm được sân bay Mosul, đài truyền hình và văn phòng thống đốc, phá các nhà tù và giải thoát hơn 1,000 tù nhân. Thành phố Mosul thất thủ. Ngày 29 tháng 6 năm 2014, quân khủng bố Hồi Giáo IS thành lập cái gọi là “nhà nước Hồi Giáo” và cho tới nay đã hùng bá trên một diện tích rộng lớn bao gồm một phần ba nước Syria và một nửa nước Iraq. Chúng tiến hành ngay một chiến dịch khốc liệt nhằm tận diệt các tín hữu Kitô trong vùng.

Ngày 27 tháng 7 năm 2014, Đức Hồng Y Louis Sako viết thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon yêu cầu bảo vệ các tín hữu Kitô Iraq. Ngày 9 tháng 8 năm 2014, đích thân Đức Giáo Hoàng viết thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon về tình trạng bi đát của hơn 100,000 tín hữu Kitô Iraq mà một số đông đang sống lang thang màn trời chiếu đất tại thủ phủ Erbil của người Kurd sau khi chạy khỏi Mosul và vùng bình nguyên Niniveh. Tất cả những cố gắng này dường như rơi vào hư vô đến mức nhiều lần Đức Giáo Hoàng đã phải dùng cụm từ “hiện tượng toàn cầu hóa sự dửng dưng” khi đề cập đến tình trạng bi đát của các tín hữu Kitô Syria và Iraq.

Cuối cùng, sau một thời gian im lặng rất khó hiểu kéo dài đến hơn 9 tháng, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mới có một cuộc họp vào ngày thứ Sáu 27 tháng Ba để bàn về “tình trạng thảm họa” mà các tín hữu Kitô ở Iraq và Syria đang phải đối mặt. Được mời tham dự cuộc họp này là Đức Hồng Y Raphael Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Chanđê Iraq. Đây là cuộc họp đầu tiên được tiến hành theo đề nghị của nước Pháp.

Trong bài phát biểu, Đức Hồng Y nói:

“Thành thật mà nói, cái gọi là mùa xuân Ả Rập [hay cuộc nổi dậy Ả rập] đã có những tác động tiêu cực đến chúng tôi”. Trào lưu Hồi Giáo cực đoan đã bùng lên trên quy mô toàn thế giới, đặc biệt là tại Trung Đông, và họ không sẵn sàng khoan dung với các tôn giáo khác, và tình hình ngày càng xấu đi cho các tôn giáo thiểu số.”

“Đồng thời, điều quan trọng là phải hiểu rằng những hành vi khủng bố không nên được quy kết chung chung cho tất cả những người Hồi giáo. Trong thực tế, có một đa số người Hồi Giáo thầm lặng và hòa bình, là những người bác bỏ âm mưu chính trị hoá các tôn giáo như thế.”

Vị giám chức Iraq kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc tế hãy hỗ trợ chính phủ nước ngài trong một nỗ lực “giải phóng tất cả các thành phố Iraq và các làng mạc của người Kitô hữu, người Yezidis và Shabaks, cách riêng là thành phố Mosul cũng như các thị trấn ở đồng bằng Nineveh” 

Tuy nhiên, Đức Thượng Phụ cũng cảnh báo rằng hành động quân sự mà thôi thì chưa đủ để giải quyết các vấn đề mà Iraq và Syria đang phải đối mặt. Ngài kêu gọi một nỗ lực phối hợp để chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, chấm dứt việc tài trợ cho những kẻ khủng bố, và bảo đảm việc khôi phục lại luật pháp.

Ngài cảnh cáo rằng nếu cộng đồng quốc tế không hành động có hiệu quả, tình hình có thể dễ dàng trở nên nguy hiểm, và bạo lực sẽ không ngừng leo thang: “Hàng triệu trẻ em và thanh thiếu niên đang bị tước đoạt trường học và giáo dục. Hàng triệu người tị nạn trong các trại không được chăm sóc và quan tâm. Sự thất vọng đang gia tăng cùng với tình trạng thất nghiệp và nghèo đói. Những hiện tượng tiêu cực này có thể dễ dàng phát triển thành một bầu không khí trả thù và chủ nghĩa cực đoan.”

11. Đức Thánh Cha tái liên đới với các gia đình tại Iraq và cử Đức Hồng Y Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, trở lại miền Kurdistan để viếng thăm họ.

Trong thông cáo công bố hôm thứ Sáu 27 tháng 3, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: “Đức Thánh Cha Phanxicô luôn quan tâm đến tình trạng các gia đình Kitô và các nhóm khác nạn nhân bị trục xuất khỏi gia cư làng mạc của họ, đặc biệt ở thành phố Mossul và vùng bình nguyên Ninive, nhiều người đã tị nạn đến vùng tự trị Kurdistan ở mạn bắc Iraq. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho họ và cầu mong họ được trở về và tái lập cuộc sống của họ tại quê hương và tại những nơi họ đã sống qua bao thế kỷ, thiết lập những quan hệ sống chung tốt đẹp với mọi người.”

“Trong Tuần Thánh sắp đến gần, các gia đình này chia sẻ với Chúa Kitô bạo lực bất công mà họ là nạn nhân và tham phần vào đau khổ của chính Chúa Kitô.”

“Với ước muốn gần gũi các gia đình ấy, Đức Hồng Y Fernando Filoni trở lại Iraq như dấu chỉ gần gũi, quí mến, và liên kết trong lời cầu nguyện với họ.”

Năm ngoái, từ ngày 12 đến 20 tháng 8 Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, đặc sứ của Đức Thánh Cha, đã viếng thăm các gia đình tị nạn Kitô và người Yézidi ở miền Kurdistan, đặc biệt tại Erbil là thủ phủ miền này.

Sau khi trở về, Đức Hồng Y đã gặp Đức Thánh Cha ngày 21 tháng 8 và tường trình về tình trạng của hơn 100 ngàn người, trong đó có nhiều tín hữu Kitô Iraq phải tị nạn đến miền Kurdistan vì gia cư làng mạc của họ bị quân Hồi giáo IS chiếm đóng.

Trong chuyến đi đó, Đức Hồng Y Filoni đã mang theo 1 triệu mỹ kim của Đức Thánh Cha để góp phần cứu trợ các tín hữu Kitô và những người tị nạn khác ở Iraq.

12. Đức Cha John Wester chỉ trích việc phục hồi án tử hình bằng cách xử bắn.

Đức Giám Mục John Wester của giáo phận Salt Lake City thuộc tiểu bang Utah, Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích việc phục hồi án tử hình bằng cách xử bắn.

Đức Cha nói:

“Không có luật nào con người có thể chà đạp luật Thiên Chúa. Tước bỏ mạng sống con người là sai, là một cái tát vào mặt niềm hy vọng, và là một nỗ lực để báng bổ những thuộc tính thần linh mà chúng ta, những con người phàm hèn không có.”

Nhận xét của Đức Cha Wester đã được đưa ra sau những lời kêu gọi bãi bỏ án tử hình của Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của tổng giáo phận Los Angeles và các giám mục thuộc giáo phận Nebraska.

“Giáo huấn Công Giáo cho phép sử dụng hình phạt tử hình trong một số điều kiện rõ ràng và cụ thể. Chúng tôi không tin rằng những điều kiện này tồn tại ở Nebraska vào thời điểm này. Vì lý do đó, các giám mục Công Giáo Nebraska, được hướng dẫn bởi sự thận trọng và giáo huấn của Giáo Hội, hỗ trợ các nỗ lực lập pháp để bãi bỏ án tử hình và cải cách hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta.”

13. Nạn bắt trẻ em cầm súng chiến đấu lên đức mức cao nhất trong năm 2014

“Năm 2014 là năm tồi tệ nhất của kỷ nguyên hiện đại trong đó trẻ em được sử dụng như những người lính trong các cuộc xung đột vũ trang”, một đại diện Vatican đã tố cáo như trên trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc diễn ra hôm thứ Tư 25 Tháng Ba tại New York.

“Chỉ tại Syria và Iraq mà thôi, chúng ta đã thấy có hơn 10,000 trẻ em bị buộc trở thành lính trẻ em và bị ép buộc phải bắn giết”. Đức Tổng Giám mục Bernard Auza, đại diện thường trực của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, đã cho biết như trên trong một phiên họp về trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang. 

Đức Tổng Giám Mục nói mặc dù đã có một sự đồng thuận quốc tế đối với việc ngăn cấm sử dụng trẻ em làm lính, các nhóm khủng bố và “các tổ chức phi nhà nước khác” đã và đang tiếp tục làm như thế.

Đức Tổng Giám mục Auza lưu ý rằng “Cộng đồng quốc tế đã có rất nhiều công cụ cần thiết để đương đầu với việc sử dụng binh lính trẻ em. Tuy nhiên, các quốc gia thiếu ý chí chính trị và lòng can đảm đạo đức để thực hiện các bước cần thiết nhằm giải quyết các thách đố này.”

14. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Tư 2015

Ý chung: Cầu cho mọi người biết tôn trọng và gìn giữ công trình sáng tạo như một hồng ân của Thiên Chúa.

Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu bị bách hại cảm nghiệm được sự hiện diện an ủi của Chúa Phục Sinh và tình liên đới của toàn thể Hội Thánh.

15. Đức Thánh Cha khích lệ và mời gọi tham gia giờ cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới nhân dịp kỷ niệm 500 năm sinh nhật của thánh nữ Têrêsa Avila.

Lên tiếng sáng ngày 26 tháng Ba, trong thánh lễ tại Nguyện đường Nhà trọ thánh Marta ở Nội thành Vatican, Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em thân mến, ngày 28-3 này là kỷ niệm 500 năm sinh nhật của thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Trinh Nữ và Tiến Sĩ Hội Thánh. Theo lời thỉnh cầu của cha Bề trên Tổng quyền dòng Camêlô nhặt phép, đang có mặt tại đây cùng với cha Đại diện, trong ngày hôm nay trong tất cả các Cộng đồng dòng Camêlô trên thế giới có một giờ cầu nguyện hoàn vũ cho hòa bình.”

“Tôi hiệp ý tham gia sáng kiến nay để ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa chiến thắng những hỏa hoạn chiến tranh và bạo lực đang tấn công nhân loại và để đối thoạt vượt thắng xung đột võ trang ở mọi nơi. Xin Thánh Têrêsa Chúa Giêsu chuyển cầu cho chúng con”.

16. 1,062 nhà truyền giáo bị giết trên thế giới trong thời gian từ 1980 đến 2014

Ngày 24 tháng 3, Giáo Hội tại nhiều nơi trên thế giới kỷ niệm ngày “Các Nhà Truyền Giáo Tử Đạo” là ngày cầu nguyện và ăn chay để tưởng nhớ các nhà truyền giáo đã thiệt mạng trên bước đường rao giảng Chúa Kitô cho muôn dân.

Đây là một sáng kiến của phong trào thanh niên của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, được cử hành đúng vào ngày Đức Cha Oscar Arnulfo Romero, Tổng Giám Mục San. Salvador bị giết chết. Ngài sẽ được phong chân phước vào ngày 23 tháng 5 tới đây.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, trong thập niên từ năm 1980 đến 1989, có115 nhà truyền giáo bị giết. Thập niên tiếp theo, tức là từ năm 1990 đến Năm Thánh 2000 con số này tăng lên gần gấp 6 lần với 604 nhà truyền giáo bị sát hại. Sự đột biến này chủ yếu là kết quả của tội ác diệt chủng ở Rwanda, với 248 nhà truyền giáo bị giết tại đây.

Trong thời gian từ năm 2001 đến cuối năm 2014, 343 nhà truyền giáo bị thiệt mạng vì bạo lực chống lại đức tin Kitô. Riêng trong năm qua 2014, 26 vị đã bị giết bao gồm 17 linh mục, 1 thầy, 6 nữ tu, 1 chủng sinh, và 1 giáo dân.

17. Đóng cửa tất cả các trường học Công Giáo trong một ngày để phản đối làn sóng tấn công người Công Giáo tại Ấn

Tổng giáo phận Mumbai, hay thường được gọi là Bombay, đã ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học Công Giáo trong ngày 25 tháng Ba. Hành động này là để phản đối sự ngầm xúi giục những bách hại chống lại các Kitô hữu của nhà cầm quyền, và đã xảy ra sau khi lại có thêm hai nhà thờ Công Giáo khác bị tấn công.

Hôm thứ Bẩy 21 tháng Ba, ba kẻ bịt mặt đi xe gắn máy tới nhà thờ Thánh George ở New Panvel, chúng ném gạch đá vào nhà thờ và đập vỡ kiếng bảo vệ tượng Thánh George.

Trước đó một ngày, hôm thứ Sáu 20 tháng Ba, một nhóm người hung hăng xông vào nhà thờ chánh tòa của giáo phận Jabalpur đập phá tan tành cửa chính và các cửa sổ. Đức Cha Gerald Almeida cho biết cảnh sát đã bắt được 6 người theo hình ảnh thu được từ camera của nhà thờ nhưng sau đó đã thả ra hôm thứ Hai 23 tháng Ba vì cho rằng đó chỉ là những tội nhẹ. Đức Giám Mục cho biết, cũng trong đêm thứ Sáu, những kẻ cực đoan cũng xông vào một trường học cách đó khoảng một cây số và đánh đập dã man anh chị em giáo dân đang theo học một khóa Kinh Thánh tại đây.

Đức Hồng Y Baselios Cleemis, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn nói: “Tình hình đang chuyển biến từ xấu sang tồi tệ”.

Hôm 17 tháng Hai, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói:

“Chính phủ của tôi đảm bảo rằng công dân của quốc gia này có hoàn toàn tự do tín ngưỡng và rằng mọi người đều có quyền giữ đạo hay theo một tôn giáo do mình lựa chọn mà không bị ép buộc hoặc bị lung lạc. Chính phủ của tôi sẽ không cho phép bất kỳ nhóm tôn giáo, thuộc các tôn giáo đa số hay thiểu số kích động hận thù chống lại những người khác, công khai hoặc ngấm ngầm. Chính phủ của tôi sẽ là một chính phủ mang lại sự tôn trọng bình đẳng cho tất cả các tôn giáo.”

“Ấn Độ là đất của Phật và Gandhi. Sự tôn trọng bình đẳng dành cho tất cả các tôn giáo phải có trong DNA của mỗi người Ấn Độ. Chúng tôi không thể chấp nhận bạo lực đối với bất kỳ tôn giáo nào vì bất kỳ lý do nào và tôi mạnh mẽ lên án bạo lực như vậy. Chính phủ của tôi sẽ hành động mạnh mẽ trong vấn đề này. “

Đức Hồng Y Baselios Cleemis bày tỏ sự hoài nghi về giá trị thực của những lời nói này. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là thành viên của đảng Ấn Giáo cực đoan – Bharatiya Janata Party. Từ khi ông Modi lên nắm quyền vào ngày 26 tháng Năm năm 2014, hàng chục nhà thờ Công Giáo bị đốt phá và hôi của trong mấy tháng vừa qua.

Đức Hồng Y Baselios Cleemis chỉ ra rằng ông Narendra Modi đã quy định cả nước cử hành rầm rộ ngày “Chính quyền tốt” vào đúng ngày lễ Giáng Sinh 25 tháng Hai. Ngài nói: “Chính quyền phải là tốt quanh năm suốt tháng chứ không phải chỉ riêng một ngày, và ngày lễ của Kitô Giáo phải được tôn trọng”.

Một số nhân vật trong chính phủ Ấn nói Mẹ Têrêsa đã làm nhiều việc bác ái nhưng với “ý đồ đen tối” là cải đạo những người Ấn cùng đinh sang Kitô Giáo.

Đức Hồng Y nói: “Tôi rất đau đớn và buồn phiền trước những nhận định như thế về Mẹ Têrêsa là người mà quốc gia này đã từng tôn vinh với tước hiệu Bharat Ratna”.

Narendra Modi cũng cho phép các phương tiện truyền thông quốc gia quyên góp trên quy mô cả nước cho một chương trình gọi là Ghar Wapsi nhằm cải đạo sang Ấn Giáo tất cả những Kitô hữu và tín hữu Hồi Giáo.

18. Đức Thánh Cha gặp gỡ những người vô gia cư tại nhà nguyện Sistina

Hôm thứ Năm 26 tháng Ba, Văn phòng Bác Ái của Đức Giáo Hoàng đã tổ chức một chuyến thăm nhà nguyện Sistina và Viện Bảo Tàng Vatican cho 150 người vô gia cư sinh sống tại Rôma

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bất ngờ xuất hiện để chào đón họ trong khi họ đang thăm nhà nguyện Sistina. Ngài đã chào thăm từng người một, và xin họ cầu nguyện cho ngài. Đức Thánh Cha nói: “Tôi cần những lời cầu nguyện của những người như anh chị em”.

Sau chuyến thăm nhà nguyện Sistina và Viện Bảo Tàng Vatican, những người vô gia cư đã được mời ăn tối.

19. Rung chuông 100 lần trong các thánh lễ tiếng Armenia để tố cáo tội ác diệt chủng của Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 23 tháng Tư 1915, bọn cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh tàn sát người Armenia. Ước tính từ 1 triệu đến 1.5 triệu người Armenia đã bị giết chết từ năm 1915 đến năm 1918 trong các vụ thảm sát, trong các trại tập trung, và trong các cuộc cưỡng bức trục xuất.

Tuy nhiên, do những dàn xếp chính trị lắt léo, không một tên nào phạm tội ác chống nhân loại nghiêm trọng như thế bị đưa ra xét xử sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ, do đó, luôn phủ nhận tội ác này, coi như chưa từng xảy ra.

Nỗi oan ức đó đã khiến người Armenia đề ra nhiều sáng kiến kêu gọi sự chú ý của thế giới. Năm nay, kỷ niệm 100 năm biến cố bi thảm này, Đức Thượng Phụ Karekin Đệ Nhị đưa ra sáng kiến tất cả các nhà thờ Kitô Giáo của người Armenia trên toàn thế giới cử hành thánh lễ càu hồn cho những nạn nhân và rung chuông 100 lần vào lúc 19:15. Thời điểm 19:15 là để nhắc nhớ đến năm 1915.

Sáng kiến này được chào đón trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà thờ Armenia tại Thổ Nhĩ Kỳ không thể tham gia sau những răn đe của Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các triều Giáo Hoàng đều mạnh mẽ lên án tội ác này.

Gần đây nhất là chuyện Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đưa công hàm phản đối với Vatican sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến việc tàn sát hàng loạt người Armenia trong thời gian từ 1915 – 1918 và gọi đó là “cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20.”

Đức Giáo Hoàng đã đề cập một chút về những tội ác diệt chủng chống lại người Armenia trong một cuộc tiếp kiến hôm 04 tháng 6 năm 2013 với Đức Thượng Phụ Công Giáo Nerses Bedros Tarmouni thứ 19 của thành Cilicia.

Đức Thượng Phụ đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một cây thánh giá bằng đồng hai người mới khiêng nổi. Trong đoàn tùy tùng của Đức Thượng Phụ có một cặp vợ chồng đi theo với trách nhiệm khiêng cây thánh giá này. Người phụ nữ nói với Đức Giáo Hoàng rằng gia đình cô là nạn nhân của nạn diệt chủng Armenia hồi năm 1915.

Đức Thánh Cha đáp lại:

-Đó là tội ác diệt chủng tàn ác trên quy mô lớn đầu tiên của thế kỷ XX.

Giáo Hội Armenia hiện có khoảng 350,000 thành viên ở rải rác trong khu vực Trung Đông; đông nhất là là tại Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ

Vài năm trước đây, khi còn là Tổng Giám mục của Buenos Aires, Đức Hồng Y Jorge Bergoglio đã mô tả vụ sát hại và trục xuất hàng triệu người Armenia là “tội phạm trầm trọng của Đế Quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người dân Armenia và toàn thể nhân loại.”

Trong công hàm chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ “bày tỏ sự thất vọng” về những nhận xét của Đức Giáo Hoàng. Họ đã bày tỏ sự không hài lòng của mình với đại diện ngoại giao Vatican cả tại Ankara và Rôma.

Trong thế kỷ thứ 20, một cuộc diệt chủng kinh hoàng khác thường được đề cập đến là việc tàn sát người Do Thái của Đức Quốc Xã. Nhưng đó là cuộc diệt chủng thứ hai. Ngoài ra còn có những cuộc diệt chủng khác tiêu biểu là cuộc diệt chủng do Liên Sô thực hiện đối với người Đông Âu, cuộc tàn sát hơn 60 triệu người Trung Hoa của Mao Trạch Đông trong các chiến dịch thanh trừng giai cấp và trong 10 năm thi hành cuộc cách mạng văn hóa (1966-1976).

Nguồn: Vietcatholic News

h2

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN