Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 26 – 01/06/2016: Armenia trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 26 – 01/06/2016: Armenia trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

1. Tổ Chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ Tài Trợ Cho Giáo Hội Trung Quốc

Nhân ngày cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc 24-5 tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ cho biết trong các năm 2010-2015 tổ chức đã tài trợ cho Giáo Hội tại Trung Quốc gần 5 triệu Euros.

Thật ra, sự trợ giúp đã bắt đầu từ năm 1961, khi tổ chức lo lắng cho các người tỵ nạn chạy trốn khỏi Hoa lục. Từ ngày đó đến nay tổ chức đã không bao giờ thôi trợ giúp các kitô hữu Trung hoa duy trì sinh động niềm tin, mặc dầu nhà nước Bắc Kinh đưa ra rất nhiều hạn chế. Các nhà thờ, thánh giá bị tàn phá bình địa, các giám mục mất tích hay bị quản thúc tại gia, các linh mục và giáo dân bị cầm tù. Nhưng dù gặp bách hại và muôn vàn khó khăn Kitô giáo Hoa Lục vẫn phát triển. Nhà nước cho biết chỉ có khoảng 30 triệu tín hữu Kitô, nhưng các nghiên cứu mới đây cho biết số kitô hữu ít nhất là 68 triệu.

Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ phát hành một nguyệt san đặc biệt là “Tiếng vọng tình thương”, kêu gọi trợ giúp Giáo Hội tại Hoa Lục. Ông Alessandro Monteduro, giám đốc phân bộ Italia, cho biết tình hình tế nhị của các kitô hữu Trung quốc không cho phép công bố các bản tường trình chi tiết, nhưng công tác trợ giúp bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau: từ việc xây các nhà thờ, tu viện, đến việc nâng đỡ các linh mục với các ý lễ.

Một phần quan trọng liên quan tới việc cấp các học bổng cho các linh mục tu sĩ. Bà Irene Eschman, đặc trách quốc tế trợ giúp Giáo Hội tại Trung quốc, cho biết đây là dịp tạo gặp gỡ và khích lệ các liên lạc giữa các giáo phận, và khiến cho Giáo Hội công khai và Giáo Hội thầm lặng tại Hoa Lục xích lại gần nhau.

Ngoài ra tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ cũng tài trợ việc in ấn Thánh Kinh và các tài liệu thần học, trong đó có cuốn Thánh Kinh cho trẻ em đã được in bằng 178 thứ tiếng khác nhau và Tổng luận thần học của thánh Toma Aquino. Bên cạnh việc trợ giúp tổ chức cũng tiếp tục tố cáo các cuộc bách hại và các hạn chế mà kitô hữu hoa lục phải gánh chịu.

Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ đã do linh mục Werenfried van Straaten thành lập năm 1947 nhằm trợ giúp các Giáo Hội bị bách hại trên thế giới. Trong Năm 2015 tổ chức đã quyên được 123 triệu Euros tại 21 nước, và đã tài trợ cho 6.209 dự án tại 148 quốc gia

2. Đức Thánh Cha kêu gọi các chuyên viên y khoa quy chiếu các giá trị nhân bản và kitô trong các sinh hoạt của mình.

Ngài đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp, do Đức Hồng Y Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ký gửi Đức Cha Claudio Giuliodori, tổng tuyên uý đại học Thánh Tâm Roma và các tham dự viên đại hội về đề tài “Giữ gìn sự sống: dưỡng nhi viện trước và sau khi sinh. Một câu trả lời khoa học, luân lý đạo đức và nhân bản cho việc nhận ra bệnh thời kỳ tiền sinh ra”. Đại hội được tổ chức tại đại học bách khoa Gemelli bởi Hiệp hội bảo vệ sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em, Trường chuyên môn về sản khoa và sinh sản, Trung tâm bảo vệ sự sống, và Tổ chức “Trái tim trong một giọt nước” nhân Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha cầu mong các giới chức chuyên môn luôn đạt được các tiến bộ mới trong việc phục vụ con người và trong tiến bộ y khoa, cũng như luôn luôn quy chiếu các giá trị nhân bản, luân lý đạo đức và kitô ngàn đời, bằng cách đáp ứng tình trạng của các trẻ em bị các bệnh tật trầm trọng với thật nhiều tình yêu thương, và phổ biến một ý niệm khoa học phục vụ chứ không lựa lọc. Ngài cũng bầy tỏ hài lòng vì những gì mà các chuyên viên nhà thương bách khoa Gemelli đã đạt được, và mời gọi họ dấn thân thực hiện dự án của Thiên Chúa đối với cuộc sống, bằng cách che chở nó với lòng can đảm và tình yêu thương, gần gũi, tránh xa nền văn hóa gạt bỏ chỉ đề nghị các lộ trình dẫn đưa tới cái chết, vì nghĩ rằng có thể loại bỏ khổ đau bằng cách huỷ diệt người đau khổ. Đức Thánh Cha ưu ái ban phép lành Tòa Thánh cho ban tổ chức và các tham dự viên.

3. Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ tín hữu Công Giáo Đức sống kết hiệp với Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ tín hữu Công Giáo Đức dành nhiều giờ hơn cho việc chiêm niệm, cầu nguyện, và sống thân tình với Chúa, để tái chiếm lại sự hài hoà an bình với thế giới, với thụ tạo và với Đấng Tạo Hóa.

Ngài đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sứ điệp Video gửi các tham dự viên Đại hội Công Giáo toàn quốc Đức lần thứ 100, nhóm tạị Leipzig trong các ngày 25 tới 29 tháng 5 với khẩu hiệu “Này là người”.

Đức Thánh Cha nói: “Khẩu hiệu của đại hội rất hay đẹp, vì cho thấy điều thực sự quan trọng. Không phải những gì chúng ta làm được, hay sự thành công bề ngoài quan trọng, nhưng là khả năng dừng lại, ghé mắt nhìn, chú ý tới tha nhân, và cống hiến cho họ những gì họ thực sự thiếu thốn. Ai trong chúng ta cũng ước mong hiệp thông và hoà bình, và cần sự sống chung hoà bình. Nhưng điều này chỉ có thể được, khi chúng ta xây dựng hoà bình nội tâm trong con tim. Nhiều người thường xuyên sống trong vội vã, và kiểu sống này ảnh hưởng trên tất cả những gì ở chung quanh, kể cả việc đối xử với môi sinh. Cần dành nhiều thời giở hơn cho cuộc sống nội tâm trong chiêm niệm và cầu nguyện, để đạt tới sự thân tình với Thiên Chúa là Cha, Đấng ước muốn thiện ích cho con cái Ngài, và thấy chúng ta sống trong hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và thanh bình. Sự thân tình này với Chúa linh hoạt lòng thương xót của chúng ta khiến cho chúng ta cũng biết thương xót nhau như Chúa thương xót chúng ta.”

Đức Thánh Cha nói thêm:

Trong xã hội có biết bao lần chúng ta gặp thấy con người bị đối xử tàn tệ. Chúng ta thấy các người khác phán xử giá trị cuộc sống của họ và thúc giục họ mau chết đi trong tuổi già và trong bệnh tật. Chúng ta thấy các người giàn xếp và vật vờ qua lại, không có phẩm giá, bởi vì họ không có công ăn việc làm hay là các người tỵ nạn. Chúng ta trông thấy Chúa Giêsu khổ đau và bị tử đạo hướng cái nhìn trên sự gian ác và tàn bạo trong tất cả mọi chiếu kích của chúng, mà con người phải gánh chịu hay khiến cho người khác phải gánh chịu.

Đức Thánh Cha gửi lời chào thăm và ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả các tham dự viên và tín hữu Công Giáo toàn nước Đức. Ngài cầu mong họ luôn dành nhiều chỗ hơn cho tiếng nói của người nghèo và các người bị áp bức, cũng như nâng đỡ nhau trong việc chia sẻ các kinh nghiệm, tư tưởng và kiểu loan báo Tin Mừng, và là các chứng nhân can đảm của niềm hy vọng kitô.

Đại hội Công Giáo toàn quốc Đức nhóm họp hai năm một lần với sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu. Chương trình đại hội gồm các buổi cử hành phụng vụ, diễn thuyết, thảo luận bàn tròn, sinh hoạt văn nghệ, triển lãm, chia sẻ kinh nghiệm và chứng từ sống đạo vv… Đại hội lần trước năm 2014 đã được triệu tập tại Regensburg về đề tài “Cùng Chúa Kitô xây dựng các cây cầu”, và đã tập trung vào các đề tài luân lý gia đình và các viễn tượng gia đình kitô nhăm chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình trong bối cảnh tái truyền giảng Tin Mừng.

4. Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu “làm Thánh Thể” và “tự bẻ mình ra” cho tha nhân

Đức Thánh Cha mời tín hữu thực thi lời Chúa truyền “làm Thánh Thể” và “tự bẻ mình ra” để trở thành lương thực cho tha nhân, đặc biệt cho những người nghèo, những người bị bỏ rơi ngoài lề xã hội và bị kỳ thị nhất.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, cử hành tại thềm đền thờ thánh Gioan Laterano lúc 19 giờ chiều thứ năm 26-5. Quảng diễn các bài đọc Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta lập lại cử chỉ Ngài làm để thành lập việc tưởng niệm sự Vượt Qua của Ngài, qua đó Chúa ban cho chúng ta Mình và Máu Ngài. Cử chỉ đó là “làm Thánh Thể” có Chúa Giêsu là chủ thể, nhưng hiện thực qua các bàn tay nghèo nàn được xức dầu thánh hiến của Chúa Thánh Thần. “Hãy làm việc này”, nghĩa là hãy cầm lấy bánh, tạ ơn và bẻ ra; hãy cầm lấy chén, tạ ơn và chia ra. Trước đó Chúa đã truyền cho các môn đệ làm điều Ngài có rõ ràng trong tâm trí, trong sự vâng phục Thiên Chúa Cha. Trước đám đông mệt mỏi và đói Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ cho họ ăn. Ngài đã chúc lành và bẻ bánh cho dân chúng ăn no nê, nhưng 5 chiếc bánh và 2 con cá là do các môn đệ dâng lên. Điều Chúa Giêsu muốn đó là thay vì giải tán đám đông, thì chính các môn đệ cống hiến cái ít ỏi họ có. Các mảnh bánh do đôi tay thánh thiện và đáng kính của Chúa bẻ ra được chuyền qua các đôi tay nghèo nàn của các môn đệ, và các vị phân chia cho dân chúng. Cả điều này nữa cũng là “làm” với Chúa Giêsu, “cho dân chúng ăn” cùng với Ngài. Dĩ nhiên, đây là dấu chỉ điều Chúa Giêsu muốn làm cho ơn cứu độ của toàn nhân loại bằng cách trao ban thịt và máu Ngài, nhưng luôn luôn qua hai cử chỉ nhỏ nhặt: cống hiến ít chiếc bánh và cá chúng ta có, nhận bánh từ tay Chúa Giêsu và phân phát cho mọi người.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài giảng:

“Bẻ ra” là từ khác nữa giải thích ý nghĩa việc « hãy làm điều này để nhớ tới Thầy ». Chúa Giêsu đã tự bẻ mình ra, tự bẻ ra cho chúng ta. Và Ngài xin chúng ta tự trao ban mình, tự bẻ mình ra cho tha nhân. Chính “việc bẻ bánh” này đã trở thành hình ảnh giúp nhận biết Chúa Kitô và kitô hữu. Hai môn đệ trên đường về làng Emmaus nhận ra Chúa trong việc bẻ bánh (Lc 24,35). Cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi “kiên trì trong việc bẻ bánh” (Cv 2,42). Ngay từ đầu Thánh Thể trở thành trung tâm và hình thái cuộc sống của Giáo Hội. Nhưng chúng ta cũng nghĩ tới tất cả các thánh là những người đã bẻ chính mình, bẻ cuộc sống của mình để cho các anh em khác ăn. Có biết bao nhiêu người mẹ, người cha, cùng với bánh ăn hàng ngày, đã bẻ trái tim mình ra để nuôi con cái, và làm cho chúng lớn lên một cách tốt lành! Có biết bao kitô hữu, như các công dân có trách nhiệm, đã bẻ chính cuộc sống của họ để bênh vực phẩm giá của tất cả mọi người, đặc biệt là các anh chị em nghèo túng, bị gạt bỏ ngoài lề xã hội và bị kỳ thị nhất! Họ tìm ra sức mạnh ở đâu để làm tất cả những điều đó? Chính là trong Thánh Thể, trong quyền năng tình yêu của Chúa phục sinh, cả ngày nay cũng bẻ bánh cho chúng ta và lập lại: “Hãy làm việc này để nhớ tới Thầy”. Ước chi cử chỉ này của cuộc rước kiệu thánh thể, mà chúng ta sẽ làm trong chốc lát nữa đây, có thể đáp lại lệnh truyền này của Chúa Giêsu. Một cử chỉ để tưởng niệm Ngài; một cử chỉ để cho đám đông ngày nay ăn; một cử chỉ để bẻ đức tin và cuộc sống của chúng ta ra như dấu chỉ tình yêu của Chúa Kitô đối với thành phố này và toàn thế giới.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha đã có hàng chục Hồng Y, Giám Mục và hàng trăm Linh Mục, với sự tham dự của mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong đó cũng có hàng trăm tín hữu Việt Nam.

5. Việc giải quyết các xung đột trên thế giới bị nhiều thế lực ngăn cản

Đức Thánh Cha tố giác nhiều quyền lợi đang ngăn cản việc giải quyết các xung đột trên thế giới và ngài kêu gọi canh tân nỗ lực bảo vệ phẩm giá và các quyền con người.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi Hội nghị Thượng Đỉnh về nhân đạo do Liên Hiệp Quốc triệu tập tại Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ trong hai ngày 23 và 24-5-2016.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Chúng ta không thể phủ nhận ngày nay nhiều quyền lợi đang ngăn cản việc giải quyết các cuộc xung đột, và nhiều chiến lược quân sự, kinh tế và chính trị địa lý đang làm cho các cá nhân và các dân tộc phải tản cư, và nó áp đặt thần tiền bạc, thần quyền lực. Đồng thời các nỗ lực nhân đạo thường bị những hạn chế về thương mại và ý thức hệ. Vì thế, Đức Thánh Cha viết, điều đang cần ngày nay là tái quyết tâm bảo vệ mỗi người trong đời sống thường nhật và bảo vệ phẩm giá cũng như các nhân quyền, an ninh và những nhu cầu toàn diện của họ. Đồng thời cũng cần bảo tồn tự do và căn tính xã hội, văn hóa của các dân tộc; điều này không đưa tới sự cô lập, trái lại nó tạo điều kiện cho sự cộng tác, đối thoại và nhất là hòa bình”.

Trong ý hướng trên đây, Đức Thánh Cha cổ võ sự quyết tâm, trước tiên là những cố gắng bản thân, rồi cùng nhau, phối hợp sức mạnh và các sáng kiến để không có gia đình nào mà không có gia cư, không người tị nạn nào mà không được tiếp đón, không ai phải sống mà không có phẩm giá, không có người bị thương nào mà không được săn sóc, không trẻ em nào bị mất tuổi thơ, không người trẻ nam nữ nào mà không có tương lai, không người cao niên nào mà không được một tuổi già đáng trọng”.

Đức Thánh Cha cầu mong hội nghị thượng đỉnh ở Istanbul này cũng là một cơ hội nhìn nhận công việc của những người đang phục vụ những người thân cận, và góp phần an ủi những đau khổ của các nạn nhân chiến tranh và thiên tai, những người phải tản cư và tị nạn, những người săn sóc xã hội, đặc biệt là qua những chọn lựa can đảm để bênh vực hòa bình, sự tôn trọng, chữa lành và thư thứ. Đó là cách thức các sinh mạng con người được cứu vớt”.

6. Đức Hồng Y Parolin tái khẳng định lập trường của Tòa Thánh: đặt con người lên hàng đầu

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, tái nhấn mạnh sự cấp thiết phải để con người vào chỗ nhất trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội và giáo dục.

Đức Hồng Y đã nói như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vaticăng sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhân đạo tại Istanbul về hôm 24 tháng 5 vừa qua. Đức Hồng Y cho biết hội nghị đã đề cập tới hiện tượng di cư tỵ nạn, bạo lực, xung đột, các tai ương thiên nhiên, các cuộc bách hại và các thay đổi khí hậu. Điều mọi người đều lo sợ đó là các chính quyền tham dự không thực hành những ý hướng đã tuyên bố tại hội nghị qua các sáng kiến cụ thể đáp ứng các nhu cầu của biết bao triệu người khổ đau trên thế giới. Toà Thánh ủng hộ hội nghị và mọi sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề trầm trọng hiện nay. Và Toà Thánh cũng cầu mong có sự phối hợp chặt chẽ hữu hiệu hơn giữa các tổ chức phi chính quyền và các tổ chức bác ái quốc tế.

Như sứ điệp của Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh: cần phải để con người vào trung tâm mọi hoạt động thuộc mọi bình diện và vượt qúa mọi lập trường, mọi khác biệt và chống đối chính trị, để đưa ra các giải pháp nhân đạo và liên đới cho các nhu cầu của các anh chị em đang phải đau khổ.

Đức Hồng Y cho biết phái đoàn Toà Thánh cũng đã tham dự ba cuộc hội thảo bàn tròn về việc cấp thiết chấm dứt các xung khắc qua việc phòng ngừa chiến tranh; tuân hành các luật lệ quốc tế; và giáo dục văn hóa hoà bình

7. Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, khích lệ chấm dứt bạo lực, tha thứ hòa giải và xây dựng một nền văn minh hoà bình.

Đức Hồng Y đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ chủ sự tại nhà thờ chính toà Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội Giáo quản tông toà Guapi ngày 23 tháng 5 vừa qua. Ngài nói: Sau bao nhiêu năm khổ đau vì các tệ nạn bạo lực và gian tham hối lộ, đây là lúc nhổ tận gốc rễ mọi tệ nạn, tha thứ cho nhau, bằng cách tái lập một nền văn hóa hoà bình làm nảy sinh ra các năng động hoà giải cá nhân, gia đình và cộng đoàn. Đức Hồng Y ghi nhận rằng Guapi là một Giáo Hội đang lớn lên và cần có các cơ cấu, nhất là hàng giáo sĩ địa phương.

Đức Hồng Y kêu gọi sự cộng tác của mọi người trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực kinh tế và vật chất. Cần phát triển một ý thức truyền giáo của Giáo Hội địa phương. Cả trong nghèo túng người ta cũng có thể đương đầu với các đòi buộc của Tin Mừng và của Giáo Hội. Đức Hồng Y không quên khích lệ giới trẻ sống trung thực với các nguyên lý của Tin Mừng, để thành lập các gia đình thực sự kitô, dựa trên bí tích Hôn Phối trung thành và bất khả phân ly, như Chúa Giêsu đã muốn. Lời Chúa cần được lắng nghe, suy gẫm và sống mỗi ngày tại khắp mọi nơi. Khi tìm được chỗ trong chúng ta, Lời Chúa giúp chúng ta tránh không rơi vào một cuộc sống phản tinh thần kitô, nô lệ rượu chè, ma tuý, cờ bạc và chủ thuyết duy vật.

Trước thánh lễ Đức Hồng Y đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các nhóm tông đồ trong đại thính đường Trường San Josè, và đề cập tới một số vấn đề mục vụ lớn cần đương đầu như hoà bình, khước từ xung đột vũ trang, dấn thân tạo dựng công bằng xã hội, phát triển và chống lại nạn nghèo đói. Ngài mời gọi họ dấn thân làm việc mục vụ, và đặc biệt chú ý tới người nghèo và người tàn tật.

Tiếp đến Đức Hồng Y đã gặp gỡ các giới chức dân sự và quân đội, cùng với các vị hữu trách các tổ chức của chính quyền. Trong những ngày này Đức Hồng Y Filoni đang viếng thăm Colombia.

8. Bộ Giáo dục Israel không thực thi thỏa thuận đã hứa với các trường Ki-tô giáo

Bộ Giáo dục Israel đã không trung thành với thỏa thuận và đã không chi trả 50 triệu sekel (đơn vị tiền tệ Israel, khoảng 12 triệu Euro), số tiền được đồng ý chu cấp cho các nhu cầu cần thiết của các trường Ki-tô giáo ở Đất Thánh. Ngân sách dành cho các trường công lập của chính phủ Israel là 11,5 tỉ Euro.

Đức Cha Giacinto-Boulos Marcuzzo, Đại diện Đức Thượng phụ của Jerusalem đã bày tỏ sự thất vọng của mình khi xác định với hãng tin Á châu về việc chính quyền Israel đã từ khước sự tài trợ cần thiết cho sự sống còn của các trường Công Giáo. Bộ giáo dục Israel đã thỏa thuận tài trợ 50 triệu sekel cho các trường Ki-tô giáo: một nửa sẽ được giao trong 3 tháng đầu và số còn lại được giao trong thời gian tiếp theo. Nhưng cho đến nay, đã gần cuối năm học nhưng các trường vẫn không nhận được gì.

Thỏa thuận này được đưa ra sau một cuộc tranh đấu căng thẳng vào tháng 9 năm ngoái . Các trường Ki-tô giáo đã hoãn việc khai giảng năm học 4 tuần, để chống lại những cắt giảm tài trợ của Bộ giáo dục Israel cho các trường Ki-tô giáo và việc Israel đơn phương quyết định quốc gia hóa các học viện. Các giáo viên và sinh viên cho biết họ bị phân biệt đối xử trong việc chính quyền giảm trợ cấp, chỉ chi trả 29% chi phí; đồng thời, họ đặt một giới hạn cho học phí mà nhà trường có thể thu từ các gia đình. Giáo Hội ở Đất Thánh cũng như các Giám mục châu Âu ủng hộ cuộc tranh đấu của các phụ huynh và học sinh.

Thỏa thuận cũng có việc lập một ủy ban song phương để điều tra và giải quyết các vấn đề nổi bật giữa các trường và Bộ Giáo dục. Nhưng mà, sau nhiều tháng làm việc và dù cho nhiều đề nghị được đưa ra, vấn không có giải pháp, không có bước tiến nào.

Đức Cha Marcuzzo cho biết chính quyền Israel kiên quyết muốn các trường Ki-tô giáo đi vào hệ thống trường công lập. Đức Cha nói: “Điều này không có vấn đề đối với chúng tôi, miễn là chúng tôi không mất đi căn tính và đặc tính của các trường, nếu không thì việc tồn tại của các trường Ki-tô giáo sẽ mất đi ý nghĩa của nó”. Được biết, 47 trường Ki-tô giáo ở Israel đảm nhân việc giáo dục của 33 ngàn học sinh Ki-tô hữu, Hồi giáo, Druze và Do thái trên khắp nước Israel. Trong khi các trường Ki-tô giáo bị cắt giảm ngân sách thì các trường Do thái Chính thống cực đoan, cùng tình trạng như các trường Công Giáo, lại được tài trợ đầy đủ và hoàn toàn tự trị.

Đức Cha cho biết vấn đề cắt giảm ngân sách dành cho các trường Ki-tô giáo đã được thông báo tới các tòa Đại sứ ở Israel, phủ Quốc vụ khanh ở Vatican, vì họ muốn Israel giải thích về việc thiếu hụt ngân sách được thỏa thuận này. Vì các giới lãnh đạo Israel đã không trả lời cho vấn đề này nên Đức Cha muốn tạo cho dư luận ý thức về tình trạng này. Đức Cha hy vọng các người Công Giáo và các tổ chức ở Hoa kỳ sẽ gây sức ép trên chính quyền Israel. Dù vậy, các trường Ki-tô giáo và các học sinh tiếp tục bị đau khổ và có nguy cơ bị đóng cửa.

9. Đại Hội Gia đình Công Giáo thế giới kỳ 9 tại Dublin

Đại hội các gia đình Công Giáo thế giới kỳ 9 sẽ tiến hành tại Dublin từ ngày 22 đến 26-8-2016 về chủ đề: “Tin Mừng gia đình, niềm vui cho thế giới”.

Đề tài này đã được giới thiệu trong cuộc họp báo sáng ngày 24-5-2016 tại Phòng báo chí Tòa Thánh dưới quyền chủ tọa của hai vị TGM: Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, và Diarmuid Martin, TGM giáo phận Dublin, thủ đô Ái Nhĩ Lan.

Đức TGM Paglia cho biết đây là Đại hội đầu tiên sau Thượng HĐGM về gia đình, với Tông Huấn Amoris laetitia (Niềm vui Yêu thương). Văn kiện này trở thành hiến chương cho toàn thể Đại hội này, trong tiến trình chuẩn bị cũng như cử hành.

Tông huấn này của Đức Thánh Cha Phanxicô không phải chỉ đòi một sự canh tân việc mục vụ gia đình, nhưng hơn nữa, đây là một cách thức mới để sống Giáo Hội, cách thức mới để thể hiện tình yêu làm cho đời sống dân Chúa, các gia đình và chính xã hội được vui tươi.

Về phần Đức TGM Martin, ngài cho biết trong tư tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đại hội các gia đình thế giới ở Dublin không phải là một biến cố riêng rẽ, nhưng đó là thành phần của một tiến trình phân định và khích lệ, tháp tùng và linh hoạt các gia đình.. Đại hội này tiến hành ở Dublin năm 2018 nhưng là một biến cố của toàn thể Giáo Hội, với hy vọng đây sẽ là một giai đoạn quyết định đối với việc áp dụng những thành quả của tiến trình Thượng HĐGM và Tông Huấn Amoris Laetitia.

Đức TGM Martin cũng khẳng định rằng Đại Hội ở Dublin cũng là một biến cố ý nghĩa đối với Giáo Hội tại Ai Len và các gia đình tại nước này. Ái Nhĩ Lan có một nền văn hóa vững mạnh về gia đình. Đây là một quốc gia trẻ trung: 21,6% dân số dưới 15 tuổi và 16,9% trên 60 tuổi, trong khi tại Italia, số người trên 60 tuổi nhiều gấp đôi những người dưới 15 tuổi.

Ái Nhĩ Lan có tỷ số hôn nhân cao hơn Italia và số vụ ly dị ít hơn nhiều. Tỷ lệ sinh con tại Ái Nhĩ Lan là 2% trong khi ở Italia chỉ có 1,4% tức là ở dưới mức cần thiết để có thể thay thế dân số.

Đức TGM Martin cũng cho biết các gia đình ở Ái Nhĩ Lan đang đau khổ vì gánh nặng tình hình kinh tế bấp bênh. Đang có cuộc khủng hoảng về bất động sản. Các chương trình huấn giáo của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình đang cần được biến đổi hoàn toàn, phù hợp với đường hướng của Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương.

Việc chuẩn bị cho Đại hội ở Dublin sẽ dựa trên tiến trình huấn giáo với căn bản là Tông Huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô và sẽ diễn ra trong trọn năm 2017, với hy vọng tiến trình huấn giáo này cũng được chia sẻ với các Giáo Hội khác trên thế giới, đặc biệt là tại Âu châu.

10. Đức Thánh Cha Chia Buồn Về Cái Chết Của Đức Hồng Y Capovilla

Nghe tin Đức Hồng Y Loris Capovilla qua đời tại Bergamo ngày 26 tháng 5 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi diện tín chia buồn với Đức Cha Francesco Beschi, Giám Mục Bergamo và toàn giáo phận, đặc biệt các thân nhân bạn bè và các nữ tu Nghèo Ca Maitino in sotto il monte đã yêu thương săn Đức cố Hồng Y.

Đức Thánh Cha nghĩ tới người anh em đã có cuộc sống tươi vui làm chứng cho Tin Mừng và ngoan ngoãn phục vụ Giáo Hội trong giáo phận Venezia, rồi như là bí thư của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Sau đó như là Giám Mục Chieti Vasto, và đặc sứ tông toà tại đền thánh Đức Bà Loreto ngài đã là một chủ chăn luôn luôn tận tụy với các linh mục và tín hữu, trung thành với tinh thần của Công Đồng Chung Vaticăng II. Đức Thánh Cha xin Thiên Chúa từ nhân đón nhận nguời tôi trung vào niềm vui an bình vĩnh cửu qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria và thánh sử Marco.

Với 100 tuổi Đức Hồng Y là Giám mục cao niên nhất Italia, và thứ tư trên thế giới. Ngài sinh ngày 14 tháng 10 năm 1915, thụ phong linh mục năm 1940, làm tuyên uý nhà tù của trẻ vị thành niên và làm giám đốc chủng viện. Trong các năm 1953-1963 cha Capovilla đã là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Năm 1967 Đức Giáo Hoàng Phaolo Đệ Lục chỉ định cha làm Tổng Giám Mục Chieti. Năm 1971 ngài đươc chỉ định làm dặc sứ tông toà đền thánh Đức Bà Loreto. Ngài về hưu năm 1988 và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô vinh thăng Hồng Y ngày 12 tháng giêng năm 2014.

Với sự qua đi của Đức Hồng Y Capovilla Hồng Y đoàn còn lại 213 vị trong đó có 114 vị còn quyền bầu Giáo Hoàng và 99 vị không có quyền bầu Giáo Hoàng.

11. Tình hình Armenia trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

Giáo Hội Armenia chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô như thế nào? Tình hình của quốc gia này hiện tại ra sao? Trước cuộc viếng thăm Armenia của Đức Thánh Cha Phanxicô, cha Krikor Badichac, phó giám đốc của Học viện Giáo hoàng Armenia đã cung cấp vài thông tin để giúp hiểu về Armenia và có thể theo dõi tốt hơn cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha tại đây từ ngày 24-26/6/2016.

Cho đến cuối năm 1992, cộng đoàn Công Giáo Armenia được nhìn nhận ở Armenia với những luật lệ căn bản về nhân quyền; rồi từ năm 2000 Giáo Hội Công Giáo Armenia được nhìn nhận và từ đó họ có thể bắt đầu vai trò xã hội của họ. Cha Badichac nhận xét là từ góc độ xã hội, Giáo Hội Công Giáo Armenia là một thực thể sinh động, hoạt động chính yếu qua các công việc hỗ trợ của 3 tổ chức: Hội bác ái Armenia, bịnh viện Gioan Phaolô II – bịnh viện do Thánh Giáo Hoàng tặng cho nước này và các nữ tu do Mẹ Têrêsa sáng lập năm 1989 – sau khi cuộc động đất khủng khiếp tàn phá Armenia. Cha cho biết vai trò quan trọng của các nữ tu: các chị chăm sóc các trẻ em sơ sinh bị bịnh nặng; những trẻ em này đang chờ chết và các chị chăm sóc các em trong nhà tương trợ của các chị.

Cha còn kể về một hội dòng quan trọng khác, đó là dòng các nữ tu Đức Mẹ vô nhiễm Armenia. Được thành lập năm 1846 ở Costantinopoli với mục đích chăm lo giáo dục, hội dòng dấn thân đặc biệt cho các trẻ em nữ nghèo Armenia. Các chi đã giúp các em trong kỳ diệt chủng Armenia, an ủi và trợ giúp các gia đình gặp khó khăn và gửi 400 bé gái mồ cội đến dinh thự Giáo hoàng Pio XII ở Castel Gandolfo. Với việc Armenia được độc lập vào năm 1991, giấc mơ của các nữ tu Armenia được thực hiện và mở ra một lãnh vực rộng lớn cho các nữ tu theo đuổi hoạt động của mình trong nhiều công việc: mỗi năm các chị tổ chức 1 trại hè với mục đích là giúp tạo một bầu khí hiểu biết và mang lại niềm vui cho 800 trẻ em mồ côi từ 8-14 tuổi đến từ khắp Armenia; trại hè này cũng dạy giáo lý, chơi thể thao, xây dựng tình huynh đệ để cố gẵng làm giảm bớt những ảnh hưởng nặng nề của sự nghèo khổ trong cuộc sống của các em. Các nữ tu cũng có một trung tâm giáo dục, một trung tâm giáo dục xã hội mà chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có vài phút viếng thăm.

Cha Badichah khẳng định là đức tin vẫn còn sống động ở Armenia, các người già kể lại trong nước mắt các kỷ ức kinh khủng của quá khứ nhưng họ cám ơn Chúa vì những ân huệ mà Giáo Hội nhận lãnh, với niềm tin vào tương lai của con cháu họ.

Về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, cha Badichah nghĩ đó là một cuộc hành hương về nguồn cội đức tin vì dân tộc Armenia là dân tộc đầu tiên đón nhận Ki-tô giáo như quốc giáo vào năm 301. Do đó, đây là chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến quốc gia Ki-tô giáo đàu tiên và là một cuộc viếng thăm có tính chất đại kết.

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG