Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 25/04 – 01/05/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 25/04 – 01/05/2014

Lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng

1. Ơn thông hiểu Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu Lời Chúa, và chương trình cứu độ của Ngài

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 30 tháng Tư. Dưới bầu trời mùa xuân Roma trong xanh với nắng ấm đã có khoảng 100,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha. 

Trong bài giáo lý Đức Thánh Cha đã tiếp tục giải thích về bẩy ơn Chúa Thánh Thần ban cho tín hữu. Ơn thứ nhất là ơn khôn ngoan, ơn thứ hai là ơn thông hiểu. Ngài khẳng định ngay như sau:

Đây không phải là sự thông minh của con người, hay khả năng hiểu biết mà chúng ta ít nhiều có được. Trái lại, nó là một ơn mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể đổ vào trong chúng ta và dấy lên nơi kitô hữu khả năng đi xa hơn khía cạnh bề ngoài của thực tại và thăm dò các sự sâu thẳm nơi tư tưởng của Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Người.

Đó chính là ơn đã được tông đồ Phaolô mô tả trong thư gửi cộng đoàn Côrintô: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. Còn chúng ta chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí” (1 Cr 2,9-10).

Trong Phúc Âm thánh Luca có một chuyện diễn tả rất rõ sự sâu thẳm và sức mạnh của ơn đó. Đó là câu chuyện hai môn đệ trên đường về làng Emmaus. Sau khi chứng kiến cái chết trên thập giá và việc chôn cất Đức Giêsu, hai môn đệ tuyệt vọng và tan nát bỏ thành Giêrusalem và trở về làng tên là Emmaus.

Trong khi họ đi đường Chúa Giêsu phục sinh đến đi bên cạnh và bắt đầu nói chuyện với họ, nhưng mắt họ bị che mờ bởi sự buồn đau và nỗi tuyệt vọng nên không nhận ra Người. Chúa Giêsu đi với họ, nhưng họ buồn sầu, họ tuyệt vọng tới nỗi họ không nhận ra Người.

Nhưng khi Chúa giải thích Thánh Kinh, để họ hiểu rằng Người phải đau khổ và chết đi để rồi sống lại, trí khôn họ mở ra và niềm hy vọng nhen nhóm lại trong con tim của họ (x. Lc 24,13-27).

Và đây chính là điều Chúa Thánh Thần làm với chúng ta: Người mở tâm trí chúng ta, Người mở chúng ta ra để hiểu các điều của Thiên Chúa hơn, hiểu các điều của con người, các tình trạng, tất cả mọi sự. Ơn thông hiểu thật là quan trọng đối với cuộc sống kitô. Chúng ta hãy xin Chúa ơn đó, xin Người ban cho chúng ta, ban cho tất cả chúng ta ơn này để hiểu như Người hiểu, hiểu các sự vật xảy ra, và nhất là hiểu Lời Chúa trong Phúc Âm.

2. Trước lễ phong thánh, ĐTC Phanxicô vui mừng chào đón các nguyên thủ Thế Giới

Trước thềm cuả buổi lễ quan trọng nhất trong năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bỏ nhiều thời giờ để đón tiếp các vị nguyên thủ quốc gia tới tham dự. Chúng ta có thể cảm nghiệm sự hớn hở vui mừng cuả Đức Thánh Cha và cuả các quan khách qua các mẩu đối thoại sau đây: 

Ngài nói với với tổng thống Juan Orlando Hernandez Alvarado cuả Honduras ngay sau khi các nghi lễ ngoại giao vừa chấm dứt bằng một lời nói đùa:

“Thế là xong một màn nghi lễ tra tấn. “

Sau gần nửa giờ nói chuyện với tổng thống Juan Orlando Hernandez Alvarado và được tổng thống giới thiệu ba cô con gái và sau cùng là một cậu con trai, Ngài vui vẻ nói:

“Ít ra thì ngài cũng có một cậu con trai nối dõi đấy. “

Sau buổi tiếp kiến với tổng thống Honduras là tới phiên hoàng gia Bỉ, thái thượng hoàng Albert II và thái hậu Paola. 

Cặp hoàng gia vừa thoái vị năm ngoái, đã không thể che giấu sự phấn khích của họ:

“Xin cám ơn Đức Thánh Cha, thật là một vinh dự được gặp Ngài”

” Hãy cầu nguyện cho tôi, và tôi sẽ cầu nguyện cho Ngài và gia đình. ” Đức Thánh Cha nói.

Cuộc họp tiếp là với ông Arseniy Yatsenyuk, Thủ Tướng cuà xứ đang trong cơn hỗn loạn Ukraine.

Ông Thủ Tướng đã tặng Đức Giáo Hoàng một bức ảnh của những người biểu tình ủng hộ phương Tây tại Quảng trường Maidan ở Kiev. Đổi lại Đức Thánh Cha trao cho ông một cây bút. 

” Tôi hy vọng rằng với cây bút này, Ngài sẽ có thể ký một hiệp ước hòa bình. “

Cuộc họp cuối cùng trên lịch trình của Đức Giáo Hoàng là hội kiến với Tổng thống Ba Lan Komorowski Bronisaw. Với nụ cười rạng rỡ, người ta có thể thấy được niềm tự hào dân tộc cuả ông Tổng thống trước buổi lễ phong thánh sắp tới.

Cùng đi trong phái đoàn Ba Lan còn có một người bạn thân của Đức Gioan Phaolô II, là một người thợ điện và sáng lập viên phong trào Công Đoàn Đoàn Kết là cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa. 

3. Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ Tạ Ơn để vinh danh Thánh Jose của Anchieta

Hôm thứ Năm 24 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Tạ Ơn nhân dịp tuyên thánh cho Thánh Jose de Anchieta, người thường được gọi là “Tông Đồ của Brazil,” tại nhà thờ Thánh Inhaxiô Loyola của Rôma.

Hiện diện trong thánh lễ có 9 Hồng Y, 30 Giám Mục, đông đảo các tu sĩ dòng Tên, và các tín hữu, đặc biệt là người Brazil.

Thánh Jose de Anchieta sinh tại Tây Ban Nha. ngài đã được gửi trên sang Châu Mỹ La Tinh vào tuổi 19 bởi Thánh Inhaxiô Loyola, Đấng Sáng Lập Dòng Tên. Tại Brazil, ngài thành lập thành phố Rio và Sao Paolo .

Ngài đã được tuyên thánh bởi Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 03 tháng Tư thông qua một hình thức gọi là “phong thánh tương đương.”

Trong bài giảng , Đức Thánh Cha nhắc lại lời mời gọi để nên thánh. Ngài cũng nói thêm rằng cách tốt nhất để truyền bá đức tin cho người khác là thông qua niềm vui.

4. Tiến sĩ Joaquín Navarro – Valls: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không bao che cho Marcial Maciel

Tiến sĩ Joaquín Navarro – Valls, người đã từng là phát ngôn viên Tòa Thánh trong 22 năm từ năm 1984 đến giữa năm 2006. Trong cương vị này, ông là người đầu tiên phải đối phó với những tấn công của giới truyền thông chung quanh những tai tiếng lạm dụng tính dục mà Giáo Hội phải đối mặt Giáo Hội.

Trong buổi họp báo diễn ra tại phòng Báo Chí Tòa Thánh hôm thứ Sáu 25 tháng Tư, tiến sĩ Joaquín Navarro – Valls khi vấn đề này nổ ra Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã già và yếu do bệnh tật. Mặc dù thế, Đức Gioan Phaolô II đã kiểm soát tình hình và đẩy mạnh việc giải quyết các vấn đề.

Tiến sĩ Joaquín Navarro – Valls nói:

“Đức Giáo Hoàng đã rất quan tâm. Ta cần phải hiểu được độ tinh khiết trong suy nghĩ của ngài, có thể nói như thế. Để chấp nhận tình hình này rõ ràng là rất khó khăn, nhưng ngài đã chấp nhận nó. Đương nhiên là ngài bắt đầu đưa ra những quyết định. Ngài triệu tập tất cả Hồng Y người Mỹ đến Rôma. Ngài không thể triệu tập tất cả các giám mục Hoa Kỳ bởi vì đông quá, nhưng tất cả các Hồng Y đã đến. Tôi có mặt tại cuộc họp đó. Ngài đã nói rõ các trường hợp lạm dụng và bắt đầu hiểu và đưa ra quyết định, những quyết định có tính chất pháp lý”.

Một thời gian sau đó, cuộc sống hai mặt của cha Marcial Maciel người sáng lập Dòng Đạo Binh Chúa Kitô bị đưa ra ánh sáng. Tiến sĩ Joaquín Navarro – Valls giải thích rằng cuộc điều tra về các hành động của Maciel đã bắt đầu trong những năm cuối cùng triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, và Đức Giáo Hoàng biết rõ cuộc điều tra này. Ông tuyên bố rằng Đức Gioan Phaolô II không bao giờ che đậy hoặc bỏ qua các hành động của Maciel.

Tiến sĩ Joaquín Navarro – Valls nói rằng những ai cho rằng Đức Giáo Hoàng bao che cho cha Marcial Maciel “đơn giản là thiếu những thông tin khách quan. Tôi là người trong cuộc và có thể phủ nhận những cáo buộc như thế” .

Cuộc điều tra kết thúc trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. 

Tiến sĩ Joaquín Navarro – Valls giải thích rằng từ những khoảnh khắc đầu tiên cả hai vị Giáo Hoàng đã yêu cầu được biết toàn bộ câu chuyện , mà không có bất kỳ ý định che dấu sự thật.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Đức Gioan Phaolô II là nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo Hội

Trong cọp họp báo trên chuyến bay từ Braxin đến Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trình bày cảm nghĩ của ngài về Đức Gioan Phaolô II, và những lý do tại sao vị thánh mới này của Giáo Hội làm ngài nhớ đến Thánh Phaolô.

Đức Thánh Cha nói:

Đức Gioan Phaolô II là nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo Hội. Ngài đem Tin Mừng đi khắp nơi như các bạn đã biết nhiều hơn tôi bao nhiêu chuyến đi mà ngài đã thực hiện. Ngài cảm thấy ngọn lửa trong tim để rao giảng Lời Chúa. Ngài giống như Thánh Phaolô. Tôi nghĩ rằng đây là một cái gì đó tuyệt vời. Tôi tin rằng việc phong thánh cho cả hai vị Giáo Hoàng cùng lúc là một thông điệp cho Giáo Hội. Cả hai vị đều thật tuyệt vời.

5. Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ trích việc sa thải nhân viên do khủng hoảng kinh tế

Hôm thứ Tư 23 tháng Tư, hàng ngàn khách hành hương đã đứng đầy quảng trường Thánh Phêrô mặc dù bầu trời nhiều mây, và có thể có mưa. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây ngạc nhiên cho một nhóm người Ý và Á Căn Đình, khi ngài dừng chiếc xe popemobile của mình lại để chào đón họ .

Nhưng một bất ngờ lớn hơn đã xảy ra khi ngài tố cáo tình trạng một số công nhân Ý đang phải trải qua.

Đức Thánh Cha nói:

“Hôm qua, tôi nhận được một tin nhắn video từ những người lao động tại Lucchini de Piombino. Họ gửi cho tôi ngay trước lò luyện thép của họ vừa bị đóng cửa. Nó thực sự làm tôi cảm động, và đau buồn. “

Đức Thánh Cha xin các công nhân đừng mất hy vọng, và nói ngài ở bên cạnh họ, cầu nguyện cho họ. Tuy nhiên, ngài cũng gởi một thông điệp tới những người có quyền đã đưa ra những quyết định này.

Đức Thánh Cha nói

“Với những ai có trách nhiệm, tôi xin các vị dành tất cả những nỗ lực với óc sáng tạo và lòng quảng đại để khơi lại hy vọng trong con tim của anh em chúng tôi, con tim của tất cả mọi người bị sa thải vì cuộc khủng hoảng kinh tế. Xin làm ơn! Mở to mắt ra và đừng khoanh tay lại! “

6. Đức Thánh Cha khích lệ các Giám Mục Nam Phi đương đầu với các thách đố gia đình

Trong buổi tiếp kiến sáng 25 tháng Tư, dành cho 28 Giám Mục thuộc 3 nước miền nam Phi châu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiệt liệt khích lệ các vị đương đầu với các thách đố về gia đình, sự giảm sút con số Linh Mục, và tình trạng luân lý sa sút.

Các Giám Mục thuộc 3 nước Nam Phi, Botswana và Zwaziland, họp thành một Hội Đồng Giám Mục miền nam Phi châu và các vị về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Trong bài huấn dụ bằng tiếng Anh trao cho các Giám Mục, Đức Thánh Cha nhắc đến một số thách đố mục vụ nghiêm trọng mà các Giám Mục miền nam Phi châu đã trình bày cho ngài, ví dụ: các gia đình Công Giáo có ít con cái hơn, và điều này cũng ảnh hưởng trên con số ơn gọi linh mục và tu trì. Một số tín hữu Công Giáo chạy theo các giáo phái khác; các phụ nữ phá thai chịu nhiều âm hưởng và chấn thương do hành động này, tỷ lệ ly dị cao, kể cả nơi các gia đình Kitô, và các trẻ em thường lớn lên trong môi trường gia đình thiếu ổn định; ngoài ra còn có nạn bạo hành gia tăng chống phụ nữ và trẻ em.

Đức Thánh Cha tái khẳng định tính chất thánh thiêng và bất khả phân ly của hôn nhân Kitô, hôn nhân này thường bị tan vỡ do sức ép kinh khủng đến từ thế giới trần tục, vì thế phải đào sâu đạo lý rõ ràng và nâng đỡ chứng tá của các cặp vợ chồng dấn thân. Đức Thánh Cha viết: “Hôn nhân Kitô là một giao ước yêu thương trọn đời giữa một người nam và một người nữ; hôn nhân này đòi những hy sinh đích thực để tránh những ý niệm ảo tưởng về tự do tính dục và thăng tiến sự chung thủy trong hôn nhân”.

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến mối quan tâm của các Giám Mục miền Nam Phi Châu trước sự sa sút của luân lý Công Giáo nơi tín hữu, trong đó có cả cám dỗ ngày càng mạnh chiều theo sự bất lương. Ngài viết: “Đây là một vấn đề mà anh em đã nói đến trong tinh thần ngôn sứ qua tuyên ngôn mục vụ về nạn tham ô hối lộ. Như anh em đã nêu rõ: ‘Tham ô là ăn cắp của người nghèo, làm thương tổn những người dễ bị tổn thương nhất, gây hại cho toàn thể cộng đoàn.. phá hủy sự lòng tín nhiệm của chúng ta’”.

Trước tình trạng đó, Cộng đoàn Kitô được kêu gọi sống phù hợp với niềm tin, làm chứng về các nhân đức lương thiện và thanh liêm, để chúng ta có thể đứng trước mặt Chúa và những người láng giềng của chúng ta với đôi tay và tâm hồn thanh sạch (Cư. Tv 24,4), như men Tin Mừng trong đời sống xã hội.

Cộng hòa Nam Phi rộng gần 4 lần Việt Nam với hơn 1 triệu 220 ngàn cây số vuông và trong số hơn 51 triệu dân có 8% là tín hữu Công Giáo. Cộng hòa Botswana rộng gần 600 ngàn cây số vuông, nhưng dân số chỉ có hơn 2 triệu người, trong đó 5% là tín hữu Công Giáo. Sau cùng nước Swaziland chỉ có 1 triệu 400 ngàn dân cư trên một lãnh thổ rộng hơn 17 ngàn cây số vuông nằm gọn trong lãnh thổ của Nam Phi. Tại nước này cũng có 5% dân số là tín hữu Công Giáo.

7. Đức Bênêđictô XVI tuyên bố : Ngay lúc ngài còn sinh thời, tôi đã biết chắc rằng Đức Gioan Phaolô II là một vị thánh.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nhắc lại tình bạn thân thiết của mình với Chân Phước Gioan Phaolô II, và nói rằng cuộc sống của Ngài nói lên sự thánh thiện và một nền tâm linh sâu đậm.

“Trong những năm mà tôi được cộng tác với Ngài, đối với tôi thì thật là rõ ràng hơn bao giờ hết rằng Đức Gioan Phaolô II là một vị thánh, ” Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nói với nhà báo Ba Lan Wlodzimierz Redzioch trong một cuộc phỏng vấn, được công bố ngày 20 tháng 4 trên tờ báo ” La Razon ” ở Tây Ban Nha

“Dĩ nhiên, mối quan hệ nồng nhiệt cuả Ngài với Thiên Chúa, sự đắm chìm trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, phải được kể là việc cao trọng hơn hết, ” vị cựu Giáo Hoàng nói.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, từng phục vụ là tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin dưới triều Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cho biết vị Giáo hoàng người Ba Lan đã can đảm ” chấp nhận nhiệm vụ của mình trong một thời buổi thực sự khó khăn. “

“Đức Gioan Phaolô II đã không đòi hỏi người ta tán thưởng và cũng không lo lắng nhìn xung quanh để xem quyết định của Ngài được chấp nhận ra sao. Ngài hành động dựa trên đức tin và niềm xác tín của Ngài, và Ngài cũng sẵn sàng để bị phê bình, ” Đức Thánh Cha Bênêđíctô kể lại. ” Sự dũng cảm cho sự thật, theo quan điểm của tôi, là thước đo chính của sự thánh thiện. Chỉ cần nhìn vào mối quan hệ của Ngài đối với Thiên Chúa là có thể hiểu được sự quyết tâm không bao giờ sờn cho việc mục vụ của Ngài. “

Trong ý nghĩa ấy, Đức Bênêđíctô nhắc lại quyết định của vị thánh tương lai khi phải đối đầu với sự lây lan của nền thần học giải phóng ở châu Mỹ Latinh.

“Ở cả hai bên Châu Âu và Bắc Mỹ, quan điểm chung là nền thần học giải phóng có mục đích hỗ trợ người nghèo và do đó nó là một nguyên lý cần phải được hoàn toàn chấp nhận. Nhưng đó là một lỗi lầm. Cái nghèo và người nghèo tuy rõ ràng đã được Thần học Giải phóng đề cập tới, nhưng là qua một quan điểm rất cụ thể (khác với Công Giáo), ” Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 giải thích.

Thần học giải phóng sử dụng và chuyển đổi đức tin Kitô giáo ” thành một loại lực lượng chính trị. Truyền thống của đức tin tôn giáo được dùng để phục vụ hoạt động chính trị. Vì thế, đức tin bị tha hoá một cách sâu sắc và tình yêu đích thực cho người nghèo do đó cũng bị suy yếu đi. Do đó thật là cần thiết phải phản đối một loại đức tin giả mạo như thế, (sự phản đối như vậy) chính là vì tình yêu và sự phục vụ cho người nghèo, ” Ngài tiếp tục.

Tình hình ở Ba Lan là nơi sinh quán cuả Đức Gioan Phaolô II – lúc đó đang bị chủ nghĩa cộng sản cai trị – ” đã cho Ngài (đức Gioan Phaolo) thấy rằng Giáo Hội thực sự nên có hành động cho tự do và sự giải phóng, không phải bằng chính trị nhưng bằng cách làm thức tỉnh con người, thông qua đức tin, để tạo thành những lực lượng giải phóng đích thực, ” Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nói.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Bênêđíctô nhấn mạnh rằng danh dự được cộng tác với Đức Gioan Phaolô II “đã luôn luôn đánh dấu bằng tình bạn và sự thân ái, ” trên cả hai lãnh vực công cũng như tư. ” Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất rành rõi về văn học đương đại của nước Đức và thật là một điều tốt đẹp ( cho cả hai chúng tôi ) đã có một sự tâm đầu ý hiệp về những điều này, ” Ngài nói.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nhắc lại rằng mỗi thứ Ba, cả hai thảo luận về giáo lý cho buổi triều kiến chung hôm thứ Tư. ” Thông qua việc giảng dạy, Đức Giáo Hoàng đã quyết định có thể cung cấp một nền giáo lý sau một thời gian. Ngài chọn chủ đề và cho chúng tôi chuẩn bị một bản yếu lược ngắn gọn để có thể phát triển thêm sau này (.. . ). ở Đây Đức Giáo Hoàng đã tỏ ra cách rõ ràng là Ngài có một trình độ và thẩm quyền thần học. Nhưng đồng thời tôi ngưỡng mộ Ngài về việc Ngài sẵn sàng học hỏi thêm. “

Đức Thánh Cha Bênêđíctô cũng nhắc tới ba thông điệp đặc biệt quan trọng ” cuả Đức Gioan Phaolô II. Đầu tiên là “Redemptor hominis” (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế), trong đó Ngài trình bày một tổng quan cuả Ngài về đức tin Kitô giáo. Thứ hai là “Redemptoris mission” (Đối Thoại và Truyền Giáo), trong đó Ngài đã phác hoạ ” các mối quan hệ giữa đối thoại liên tôn và nhiệm vụ truyền giáo. ” Thứ ba là “Veritatis splendor,” (Ánh quang Chân lý) trong đó Ngài đề cập đến nhiều vấn đề đạo đức mà cho tới ngày hôm nay vẫn tiếp tục còn có ý nghiã.

“Các thông điệp “Fides et ratio” (Đức Tin và Lý Tri;) cũng rất đáng kể, trong đó Đức Giáo Hoàng (Gioan Phaolô II ) cố gắng đưa ra một tầm nhìn mới về mối quan hệ giữa đức tin Kitô giáo và lý lẽ triết học. Và cuối cùng, không thể không đề cập đến ‘Evangelium vitae, ” (Tin Mừng Sự Sống) đã phát triển thành những chủ đề cơ bản nhất của toàn bộ triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II: phẩm giá (không thể hiểu thấu được) của sự sống con người, kể từ lúc thụ thai, ” Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói thêm.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô cũng cho biết tâm linh của vị tiền nhiệm có một đặc trưng ” là cường độ của sự cầu nguyện, bắt nguồn sâu sắc trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể. “

“Tất cả chúng ta đều nhận thức rằng Ngài có một tình yêu tuyệt vời dành cho Mẹ Thiên Chúa. ‘Tất cả là cuả Mẹ’ có nghĩa là, cùng với Mẹ, hoàn toàn mọi sự là cho Chúa. Cũng như Đức Maria đã không sống cho chính mình nhưng cho Chuá, vì vậy Ngài cũng đã học từ Mẹ và cùng Mẹ Ngài đạt tới sự hiến thân toàn vẹn và nhanh chóng với Chúa Kitô. “

“Những kỷ niệm của tôi với Đức Gioan Phaolô II là đầy ắp với lòng biết ơn. Tôi không thể và cũng không nên cố gắng bắt chước Ngài, nhưng tôi đã cố gắng hết mình để tiếp tục di sản và công việc của Ngài, ” Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói.

8. Đức Thánh Cha tiếp Vua và Hoàng Hậu Tây Ban Nha

Trong buổi lễ phong thánh diễn ra sáng Chúa Nhật 27 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ quốc vương Tây Ban Nha và Hoàng Hậu vào cuối buổi lễ. Tuy nhiên, vào sáng thứ Hai, ngài gặp gỡ vợ chồng hoàng gia trong gần một giờ. Đó có lẽ là buổi tiếp kiến riêng dành cho các nhà lãnh đạo dân sự của các quốc gia dài nhất của Đức Giáo Hoàng cho đến nay.

“Chào buổi sáng, thưa bệ hạ. Ngài khoẻ không? “

“Rất vui được gặp Đức Thánh Cha”

“Cảm ơn đã đến dự lễ ngày hôm qua . “

“Buổi lễ ngày hôm qua thật đẹp! “

“Vâng, thật đẹp. “

Thông cáo báo chí của Tòa Thánh sau buổi tiếp kiến cho biết hai vị đã gặp nhau trong 53 phút. Hai vị đã nói chuyện về các chủ đề như các hậu quả xã hội của nạn thất nghiệp trong thanh niên, và cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine .

Quốc vương Tây Ban Nha đã tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô một ấn bản của tác phẩm Thánh Têrêsa Avila và Thánh Gioan Thánh Giá. Đây cũng là một cách khéo léo để mời Đức Giáo Hoàng thăm Tây Ban Nha vào năm 2015 để đánh dấu 500 năm ngày chào đời của Thánh Teresa.

Đức Giáo Hoàng đã tặng vợ chồng hoàng gia một bức phù điêu là thiết kế Quảng trường Thánh Phêrô ban đầu của Gian Lorenzo Bernini, trong đó bao gồm một hàng cột thứ ba.

Trong chuyến thăm của họ đến Vatican, vua và hoàng hậu Tây Ban Nha cũng đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. 

Vua Juan Carlos đã hân hạnh gặp đến 7 vị Giáo Hoàng. Ông được rửa tội bởi Đức Piô XII và Đức Gioan XXIII đã cho ông phép chuẩn để kết hôn với Sofia, người Hy Lạp, lúc đó vẫn còn là tín hữu Chính Thống Giáo. Đức Phaolô Đệ Lục đã tiếp ông sau khi ông lên ngôi vua; và hai vợ chồng ông đã từng gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I.

Vua và Đức Gioan Phaolô II đã có một tình bạn tuyệt vời. Ông cũng đã gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 ba lần trong 8 năm triều đại của ngài.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa nhà vua và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

9. Những chuyện bên lề lễ phong thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II

Trong những ngày vừa qua, bầu không khí ở Vatican đã trở nên sôi động vì dòng người kéo đến cũng như vì không khí chuẩn bị cho ngày lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2. Phòng Báo Chí Tòa Thánh cũng đã mở các cuộc họp báo để giới thiệu một vài sự kiện quan trọng diễn ra trước và vào ngày lễ trọng đại này.

Trước ngày lễ phong thánh, đã có nhiều hoạt động bổ ích để giúp các tín hữu hướng về Chúa và về hai vị giáo hoàng khả kính này. Cha Walter Insero, Giám đốc văn phòng truyền thông của giáo phận Rôma cho biết đã có 2 sự kiện lớn diễn ra. Thứ nhất là cuộc gặp gỡ với giới trẻ vào lúc 20h30 ngày 22 tháng Tư tại đền thờ Thánh Gioan Laterano, là nhà thờ chánh tòa của giáo phận Rôma, do Đức Hồng Y Agostino Vallini chủ sự. Các bạn trẻ đã nghe hai bài thuyết trình của Đức ông Slavomir Oder, thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Đức Gioan Phaolô 2 và của cha Giovanni Giuseppe Califano, thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Đức Gioan 23. Sau đó là bài giáo lý của cha Fabio Rosimi, giám đốc chương trình mục vụ ơn gọi của Tòa Giám Quản Rôma.

Vào thứ Bảy 26 tháng Tư, đêm trước ngày lễ chính, từ lúc 21h, đã có 1 đêm canh thức cầu nguyện và các nhà thờ ở trung tâm Rôma đều mở cửa để các tín hữu có thể vào cầu nguyện và xưng tội, nghe những bài đọc sách thánh hay thủ bút của 2 vị Giáo Hoàng. Có 11 nhà thờ dự tính tổ chức sinh hoạt mục vụ với nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Hiện diện trong buổi họp báo, cha Lombardi, Phát Ngôn Viên Tòa Thánh và cũng là Tổng Giám Đốc Đài Phát Thanh Vatican, chia sẻ một vài chi tiết đáng ghi nhớ rằng ngày phong thánh là ngày lễ Lòng Thương Xót Chúa. Đây cũng là ngày phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2 (vào 1 tháng 5 năm 2011). Thánh lễ phong thánh này do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại quảng trường thánh Phêrô lúc 10h sáng. Có khoảng 1000 vị đồng tế, trong đó có nhiều Hồng Y và Giám Mục. Ít nhất có 700 linh mục phụ trách việc trao Mình Thánh Chúa ngay tại khuôn viên quảng trường thánh Phêrô và hàng trăm thầy Phó Tế khác trao Mình Thánh Chúa tại đường Hòa Giải kế đó cho giáo dân tham dự thánh lễ.

Để giúp các tín hữu có thể tham dự thánh lễ phong thánh, tại khu vực Fori Imperiali gần Hý Trường Colosseo, quảng trường Nhân Dân và quảng trường Đền Thờ Đức Bà Cả có bố trí các màn hình khổng lồ. Quảng trường thánh Phêrô có thể tiếp nhận khoảng 100 ngàn người và 1 con số tương tự tại quảng trường Piô 12 cũng như đường Hòa Giải gần đó. Theo chính quyền thành Rôma, có khoảng 300 ngàn tín hữu đến từ Ba Lan, đông đảo các tín hữu từ tỉnh Bergamo bắc Ý quê hương của ĐGH Gioan 23. Tại quảng trường thánh Phêrô, có 5 ngàn chỗ dành cho các tín hữu Ba Lan và 5 ngàn chỗ dành cho các tín hữu đến từ quê hương của ĐGH Gioan 23. Để việc truyền thông có thể diễn ra cách tốt đẹp, có 9 vệ tinh thuộc hệ thống Eutelsat, cộng thêm các vệ tinh đã dùng trong dịp thế vận Opimpic mùa đông ở Sochi truyền hình trực tiếp lễ phong thánh trên toàn thế giới. Đài Sky có 15 máy thu hình theo kỹ thuật 4K. Người ta có thể theo dõi sự kiện qua kênh youtube và facebook.

Các bức hình thêu hai vị Giáo Hoàng là những bức đã được trưng bày trong dịp phong chân phước của các ngài. Đồ đựng thánh tích của Đức Gioan Phaolô 2 cũng là đồ đã dùng trong lễ trong chân phước, còn đồ đựng thánh tích của Đức Gioan 23 thì được làm tương tự, vì khi ngài được phong chân phước, mộ của ngài vẫn chưa được cải táng. Trong thánh lễ, hai người được nhận phép lạ do sự chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô 2 đều có mặt. Đức Gioan 23 thì được miễn chuẩn phép lạ vì theo Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô, Công Đồng Chung Vatican II mà Đức Gioan 23 triệu tập đã là một phép lạ rồi. Sau thánh lễ, các tín hữu hành hương được đi vào viếng mộ hai vị tân hiển thánh trong đền thánh Phêrô. Trong những ngày này, nhân viên Tòa Thánh đang sửa chữ “chân phước” thành chữ “thánh” trên mộ của hai vị.

Cho đến nay, một nguồn tin từ chính quyền Rôma cho biết là có khoảng 5 – 7 triệu người. Tuy nhiên theo cha Lombardi, con số này có thể là hơi quá, vì toàn bộ số dân tại Rôma cũng chỉ có khoảng 3 triệu 700 ngàn người. Vấn đề con số các tín hữu hành hương đến Vatican để dự lễ phong thánh vẫn còn là một vấn đề bỏ ngõ, và không ai có thể biết được con số chính xác là bao nhiêu. Người ta chỉ có thể dự đoán được là hầu như các con đường lớn dẫn đến Vatican đều chật kín người. Theo báo Cộng Hòa, trích thuật nguồn tin từ chính quyền thành Rôma, 85% khách sạn và nhà trọ ở Rôma và cả những khu vực chung quanh Rôma, đã được đăng ký chỗ trong thời gian trước và sau lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng.

Khi được hỏi về sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 trong thánh lễ, cha Lombardi trả lời rằng đây là điều mà mọi người mong đợi. Tòa Thánh đã gửi lời mời nhưng ngài chưa trả lời. Chắc phải đợi đến lúc cận ngày, rồi tùy thuộc vào việc ngài có muốn tham dự, và sức khỏe của ngài có cho phép ngài hay không vì chắc chắn đây là một thánh lễ kéo dài với nhiều nghi thức phức tạp.

Thứ hai ngày 28 Tháng Tư, cũng tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Hồng Y Angelo Comastri đã chủ sự thánh lễ tạ ơn. Giới truyền thông đã có hai trung tâm làm việc: ở ngay trước quảng trường thánh Phêrô và tại cuối đường Hòa Giải. Từ hai nơi này, các chuyên viên có thể quay lấy cảnh từ trên không. 

10. Các thành quả của hai vị Thánh Giáo Hoàng

Hai vị Thánh giáo hoàng vừa được phong thánh đã đạt được rất nhiều thành quả đáng kể trong triều đại giáo hoàng của các ngài. Riêng Đức Gioan XXIII, chỉ sau khi được bầu không lâu, ngài đã nổi danh là “Vị Giáo Hoàng Nhân Hậu”. Được nhìn nhận là vị giáo hoàng đã có công triệu tập Công Đồng Vatican II, ngài cũng nổi danh nhờ tinh thần bác ái đơn sơ từng kéo dài suốt triều đại của ngài và gây tác động lâu dài trên đời sống Giáo Hội. Sau đây là tám thành quả hàng đầu của ngài

Một lịch sử mới

Đức Giáo Hoàng Nhân Hậu đã thực hiện nhiều thay đổi đơn giản nhưng rất quan trọng. Ngài tạo ra truyền thống đọc kinh Truyền Tin với dân chúng từ cửa sổ Điện Tông Tòa vào các ngày Chúa Nhật và trình bày cho các khách hành hương một bài giáo lý ngắn. 

Gần gũi dân chúng

Là giáo hoàng và giám mục, Đức Gioan XXIII luôn muốn được gần gũi tín hữu. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên rời khỏi tường thành Vatican đi thăm các giáo xứ, các bệnh viện và nhà tù quanh Rôma. Đôi khi, ngài còn “trốn” các vệ sinh Thụy Sĩ để một mình đi dạo trong kinh thành.

Độc đáo

Đức Gioan XXIII can đảm chọn tên của một ngụy giáo hoàng thuộc thế kỷ 15 và khi làm thế, đã “cứu chuộc” tên hiệu đó. Đức Hồng Y Roncalli đã không sợ hãi lấy tên của một kẻ mạo danh, một cái tên trong suốt 500 năm ai cũng tránh. 

Hòa bình

Trong triều giáo hoàng của ngài, Đức Gioan XXIII chứng kiến hai cuộc chiến tranh từng phân chia thế giới thành hai chế độ chính trị trái ngược nhau. Ngài nhận thấy nhu cầu phải xây dựng những chiếc cầu hòa bình, thậm chí còn trao đổi thư từ với các nhà lãnh đạo thế giới như Khrushchev, lãnh tụ Liên Bang Xô Viết. 

Sứ điệp

Lần đầu tiên trong lịch sử, Đức Gioan XXIII ngỏ lời không phải chỉ với người Công Giáo mà là “mọi người có thiện chí” trong thông điệp “Hòa Bình Tại Thế”. Thông điệp này lý luận chống lại việc sử dụng tranh chấp có vũ trang làm phương tiện đạt đến hòa bình. 

Cải cách 

Chỉ vài tháng sau khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Gioan XXIII đã công bố một mật nghị để đề cử các tân Hồng Y, mà hơn phân nửa không phải là người Ý. Ngài bổ nhiệm các Hồng Y từ Nhật, Châu Phi, Phi Luật Tân, và Venezuela, cũng như đem lại cho Giáo Triều một sự đại diện lớn lao hơn. 

Vatican II

Công trình quan trọng nhất của Đức Gioan XXIII chắc chắn là việc triệu tập Công Đồng Vatican II, một hội nghị gồm các giám mục khắp thế giới để nghiên cứu và thảo luận tình hình của Giáo Hội. Dù là vị giáo hoàng già nua, vốn được coi như một giáo hoàng chuyển tiếp, ngài đã thực hiện được những thay đổi sâu sắc nhất trong Giáo Hội của thời hiện đại. 

Đại kết

Đức Gioan XXIII có công gia tăng cuộc đối thoại giữa các Kitô hữu và mọi hệ phái khác, thậm chí mời người Hồi Giáo, người Da Đỏ Mỹ, và thành viên của nhiều hệ phái Kitô Giáo làm quan sát viên tại Công Đồng Vatican II. Ngài cũng thiết lập Hội Đồng đầu tiên tại Vatican chuyên lo cổ vũ sự hợp nhất giữa các Kitô hữu. 

Khi qua đời, Ngài được công chúng hô vang “phong thánh ngay bây giờ” khi họ viếng thăm thi hài ngài, một cử chỉ đã được lặp lại sau này lúc Đức Gioan Phaolô II qua đời. Cả hai vị giáo hoàng này đều cùng tiếp diễn lịch sử chung khi cùng được nâng lên hàng hiển thánh một lúc vào Chúa Nhật 27 tháng Tư. 

Mười thành quả hàng đầu của Đức Gioan Phaolô II

Triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II tạo ra nhiều kỷ lục mới. Đáng kể hơn cả là tài lãnh đạo của ngài đã hướng dẫn Giáo Hội vượt qua nhiều thách đố gian nan trong thời hiện đại. 

Chiến đấu cho tự do: “Đừng sợ!”

Một trong các thách đố lớn nhất là Chiến Tranh Lạnh, và hai khối đã đặt thế giới vào thế kình chống nhau liên miên. Đức Gioan Phaolô II từng trực tiếp chịu đựng sự áp chế của Quốc Xã và Cộng Sản. Ngài đóng vai chủ chốt trong việc phá sập chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu. Một trong các cuộc tông du đầu tiên của ngài là trở về quê hương Ba Lan năm 1979. Cuộc tông du này là thời điểm quyết định đã khuyến khích người Ba Lan vùng dậy chiến đấu cho tự do. 

Một triều giáo hoàng có tính hoàn cầu

Đức Gioan Phaolô II là nhà du hành dầy dạn, từng đặt chân lên khắp mọi ngả thế giới. Ngài đã thực hiện 104 cuộc du hành quốc tế, và thăm viếng 130 quốc gia. Nói về đường dài, ngài đã vòng quanh thế giới 30 lần. Nhưng trong đó có hai quốc gia ngài đã ước mong đến nhưng không thể tới được là Trung Quốc và Nga. 

Đối thoại với Hồi Giáo và Do Thái Giáo

Đức Gioan Phaolô II gọi người Do Thái là “anh cả” và trở thành vị giáo hoàng đầu tiên bước vào một hội đường kể từ thời Chúa Giêsu. Ngài cũng đã cầu nguyện trước Bức Tường Than Khóc tại Giêrusalem. Ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên bước chân vào một đền thờ Hồi Giáo và một hội đường Do Thái Giáo. 

Cuộc tụ tập Assisi

Trong việc thúc đẩy cuộc đối thoại liên tôn, Đức Gioan Phaolô II đi tiên phong trong việc kêu gọi cầu nguyện chung cho hòa bình. Buổi cầu nguyện chung đầu tiên đã được tổ chức tại Assisi năm 1986. Hơn 150 phái đoàn thuộc 12 tôn giáo thế giới đã đáp lại sáng kiến này. 

Nói không đối với chiến tranh: “Chiến tranh, đừng bao giờ diễn ra nữa!”

Trong triều giáo hoàng của ngài, nhiều tranh chấp lớn đã diễn ra: Rwanda, Kosovo, Sudan, Iraq và chiến tranh Balkan. Từng sống sót Thế Chiến II, Đức Gioan Phaolô II không thể im lặng được. Ngài đã trở thành tiếng nói của nhân loại, tích cực cổ vũ chống bạo lực. 

Các thánh

Về việc phong thánh, vị giáo hoàng người Ba Lan này hướng về thời hiện đại. Ngài nâng lên bàn thờ hàng trăm người từng sống cuộc sống gương mẫu đối với Kitô hữu trong thời cận đại. Lần đầu tiên, ngài phong chân phước cùng một lúc cho một cặp vợ chồng: ông Luigi Beltrame và vợ là bà Maria Beltrame. 

Thư gửi phụ nữ 

Đức Gioan Phaolô II quan tâm đặc biệt tới phụ nữ. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên viết tông thư nói về phụ nữ, đó là tông thư Mulieris Dignitatem (phẩm giá phụ nữ). Trong tông thư này, ngài thúc giục phụ nữ suy tư các trách nhiệm bản thân, văn hóa, xã hội và Giáo Hội của họ. 

Phẩm giá người bệnh

Bị yếu vì bịnh, Đức Gioan Phaolô II vẫn tích cực cho tới những giờ phút cuối đời. Ngài sử dụng các kinh nghiệm bản thân làm phương tiện giáo huấn đối với một thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của “nền văn hóa vứt bỏ”. 

Tha thứ

Trong Năm Đại Thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II chính thức xin lỗi vì các lầm lẫn trong quá khứ của Giáo Hội. Đó là thời khắc lịch sử, được ngài định nghĩa là để thanh tẩy ký ức, giúp các Kitô hữu cởi mở hơn đối với Thiên Chúa khi bước vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba. 

Một giáo hoàng cho tuổi trẻ

Đức Gioan Phaolô II hiểu rõ: tuổi trẻ cần được chú ý và giám hộ đặc biệt. Ngài nghĩ tới những cuộc tụ họp đặc biệt dành riêng cho họ: Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Ngài nói rằng ngài cảm thấy mình giống người trẻ giữa đám đông: “muốn sống với tuổi trẻ, bạn phải trở thành người trẻ”. 

Trong suốt gần 27 năm trong triều giáo hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II đã thắng vượt nhiều trở ngại và đạt được nhiều mục tiêu. Nhưng trên hết, ngài đã vươn tới hàng triệu Kitô hữu, nói chuyện trực tiếp với họ, bằng chính trái tim mình.

13. Tổng thống El Salvador tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô bức chân dung của Đức Cha Oscar Romero

Hôm thứ Sáu 25 tháng Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp tân Tổng Thống mới đắc cử của El Salvador là ông Salvador Sánchez Cerén tại Điện Tông Tòa.

Sau một cuộc họp kéo dài 26 phút, tổng thống đã tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô một bức chân dung của Đức Tổng Giám Mục San Salvador Oscar Romero, người đã bị ám sát vào năm 1980. 

Tổng thống cũng tặng cho Đức Thánh Cha một dây Stola làm bằng thủ công của vị Tổng Giám Mục đang trong tiến trình phong Chân Phước.

14. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Paraguay Horacio Cartes 

Hôm thứ Ba 29 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào tổng thống tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục. Người đứng đầu Nam Mỹ của nhà nước đã tham gia vào phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II và Đức Gioan XXIII ngày Chúa Nhật.

Hai vị đã gặp riêng trong nửa giờ về sự hợp tác giữa Giáo Hội và chính phủ để giải quyết nghèo đói và tham nhũng, là hai trong số những vấn đề lớn nhất ở Paraguay .

Tổng thống sau đó đã giới thiệu con gái và em gái, cũng như phái đoàn chính phủ của mình.

Tổng thống đã tặmg Đức Giáo Hoàng Phanxicô một miếng vải trắng dệt tay của Paraguay, cũng như một chuỗi tràng hạt bằng gỗ.

Đáp lại, Đức Thánh Cha Phanxicô tặng ông một huy chương của Thánh Martinô thành Tours, vị thánh bảo trợ của Buenos Aires , cũng như một bản sao của Tông huấn Evangelii Gaudium.

Cũng giống như Đức Thánh Cha Phanxicô, ông Cartes vừa mừng kỷ niệm một năm đắc cử tổng thống gần đây. Cuộc họp đầu tiên của ông với Đức Thánh Cha Phanxicô đã diễn ra hồi cuối tháng mười một năm ngoái.

Nguồn: Vietcatholic

h3

Xem thêm

TGNTVatican19102021

Toà Thánh công nhận phép lạ chữa lành ngoạn mục, Y Khoa không thể giải thích của ĐGH Albino Luciani

Lễ tuyên Chân Phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất Việc tuyên chân …