Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 24/10 – 30/10/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 24/10 – 30/10/2014

1. Diễn từ của Đức Bênêđíctô thứ 16 tại Đại Học Giáo Hoàng Urbanô

Đại Học Giáo Hoàng Urbanô, hay còn gọi là trường truyền giáo, nhân dịp khai giảng năm học mới, đã mời Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đến nói chuyện. Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, bí thư của ngài đã đọc diễn từ thay cho ngài.

Trong diễn từ của mình, Đức Giáo Hoàng danh dự nhấn mạnh rằng:

“Chúa Phục sinh đã chỉ thị cho các thánh tông đồ, và qua các ngài, chỉ thị cho tất cả các môn đệ Ngài ở mọi thời đại, phải đưa lời Ngài đến tận cùng bờ cõi trái đất và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Ngài”

Đức Giáo Hoàng danh dự nói thêm:

“Nhưng điều đó ngày nay có còn đúng không? Nhiều người trong và ngoài Giáo Hội tự hỏi mình ngày hôm nay. ‘Đó có còn là nhiệm vụ ngày hôm nay hay không? Hay là điều đó không còn thích hợp nữa cho việc đối thoại giữa các tôn giáo và cho chính nghĩa hòa bình thế giới – Nói khác đi ‘Liệu đối thoại có thể thay thế cho nghĩa vụ truyền giáo hay không’?

Trong thực tế, nhiều người ngày nay nghĩ rằng các tôn giáo phải tôn trọng lẫn nhau, và cuộc đối thoại của họ trở thành một lực lượng chung cho hòa bình. Theo cách nghĩ này, người ta thường giả định rằng các tôn giáo khác nhau chỉ là những biến thể của một và chỉ một thực tại duy nhất. Sự thật, là điều mà ban đầu đã thúc đẩy các Kitô hữu hơn bất kỳ điều gì khác, ở đây được đặt bên trong dấu ngoặc đơn. Người ta cho rằng sự thật đích thực về Thiên Chúa nói cho cùng là không thể vươn tới và cùng lắm là ta chỉ có thể diễn tả điều khôn tả này bằng một loạt các biểu hiện khác nhau. Thái độ từ bỏ sự thật này xem ra có vẻ thực tế và hữu ích cho hòa bình giữa các tôn giáo trên thế giới. 

Tư duy đó, dẫu sao, cũng là liều thuốc độc giết chết đức tin. Trong thực tế, niềm tin mất đi tính cách ràng buộc, và sự trang trọng của nó, khi tất cả mọi thứ bị giản lược thành những biểu tượng có thể hoán đổi cho nhau, và chỉ có khả năng ám chỉ xa xa về những mầu nhiệm của Thiên Chúa mà loài người không thể tiếp cận được …”

Đức Giáo Hoàng danh dự phản bác não trạng trên. Ngài nói:

“Chúng tôi rao giảng Chúa Giêsu Kitô không phải để chiêu dụ càng nhiều thành viên càng tốt cho cộng đồng của chúng tôi, và càng không phải để thu tóm quyền lực. Chúng tôi nói về Ngài bởi vì chúng tôi cảm thấy nghĩa vụ phải loan truyền niềm vui đã được ban cho chúng tôi.”

2. Đức Thánh Cha tiếp các thành viên Qũy Ánh Sáng Phương Đông 

Sáng thứ Bẩy 24 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các thành viên Qũy Ánh Sáng Phương Đông là tổ chức chăm sóc cho các tín hữu Chính Thống Giáo phải sống xa cộng đoàn của họ.

Trong diễn từ, Đức Thánh Cha nói:

Anh em qúy mến trong Chúa Kitô,

Tôi thân ái chào đón mọi người tham dự cuộc hành hương đại kết do Qũy Ánh Sáng Phương Đông cổ vũ dưới sự lãnh đạo của Đức Tổng Giám Mục Kallistos của Diokleia, một cuộc hành hương dừng lại ở Rôma trong mấy ngày này. Xin cám ơn sự hiện diện của qúy anh em.

Mọi cuộc hành hương của Kitô hữu đều không phải chỉ là một cuộc hành hương theo nghĩa địa dư, nhưng trên hết là dịp cho một hành trình canh tân nội tâm, mỗi ngày mỗi tiến tới gần Chúa Kitô hơn “Đấng đi tiên phong và hoàn thiện đức tin của ta” (Thư Do Thái 12:2). Các chiều kích này là điều chủ yếu để ta tiến bước trên con đường đưa tới hòa giải và hiệp thông trọn vẹn giữa các tín hữu của Chúa Kitô.

Sẽ không có đối thoại đại kết chân thực nếu không có thiên hướng canh tân nội tâm và tìm cách trung thành hơn với Chúa Kitô và thánh ý Người.

Tôi sung sướng được biết rằng trong cuộc hành hương của qúy anh em, qúy anh em đã quyết định tưởng niệm hai Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, những vị giáo hoàng đã được tôn phong hiển thánh hồi tháng Tư vừa qua. Quyết định này nhấn mạnh tới sự đóng góp lớn lao của hai vị vào việc phát triển các mối liên hệ mỗi ngày một gần gũi hơn giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Giáo. Gương sáng của hai vị thánh này chắc chắn rọi sáng cho mọi người chúng ta, vì các vị luôn làm chứng cho lòng say mê nồng nàn đối với việc hợp nhất các Kitô hữu, phát sinh từ việc ngoan ngoãn lắng nghe thánh ý Chúa, Đấng, trong bữa Tiệc Ly, đã cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ của Người “nên một” (Ga 17:21).

Trong số những điều đáng nhắc lại…, tôi chỉ muốn nhắc tới việc Thánh GH Gioan XXIII, vào lúc ấy, đã công bố việc triệu tập Công Đồng Vatican II. Ngài cho rằng việc hợp nhất Kitô Giáo thực sự là một trong các mục tiêu. Còn Thánh GH Gioan Phaolô II thì đáng chú ý ở chỗ đã thúc đẩy Giáo Hội Công Giáo dấn thân vào con đường đại kết bằng Thông Điệp “Ut Unum Sint.” Qúy anh em quí yêu, trong cuộc hành hương Rôma của qúy anh em, tôi muốn xin qúy anh em cầu nguyện cho tôi, để, với sự chuyển cầu của hai vị thánh này, vốn là những vị tiền nhiệm của tôi, tôi có khả năng thi hành thừa tác vụ Giám Mục Rôma của tôi để phục vụ sự hiệp thông và sự hợp nhất của Giáo Hội, tuân theo thánh ý Chúa trong mọi sự.

Trong mấy ngày sắp tới, cuộc hành hương của qúy anh em sẽ dừng lại ở Finar, nơi qúy anh em sẽ gặp Thượng Phụ Đại Kết, Đức Bartôlômêô I. Tôi xin qúy anh em chuyển lời chào thân ái và huynh đệ của tôi tới ngài, cùng với lời bảo đảm âu yếm và qúy mến của tôi. Như qúy anh em đã biết, tôi cũng đang chuẩn bị thực hiện chuyến viếng thăm Thượng Phụ Đại Kết vào tháng Mười Một tới này, nhân dịp lễ Thánh Tông Đồ André, để đáp lại lời mời tốt đẹp của Đức Bartôlômêô I. Cuộc thăm viếng của Giám Mục Rôma tại Tòa Thượng Phụ Đại Kết và cuộc gặp gỡ mới giữa Thượng Phụ Bartôlômêô và bản thân tôi sẽ là các dấu hiệu của sợi dây nối kết sâu sắc từng kết hợp hai Tòa Rôma và Constantinople và ý muốn, trong yêu thương và sự thật, nhất định vượt qua mọi trở ngại vẫn còn phân cách chúng ta.

Ước mong qúy anh em tiếp tục cuộc hành hương tốt đẹp với thật nhiều ơn phúc thiêng liêng, tôi xin qúy anh em cầu nguyện cho tôi và từ đáy lòng, tôi xin chúc lành cho qúy anh em.

3. Tòa Thánh mời gọi các tín hữu Ấn Giáo cộng tác chống văn hóa loại trừ

Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn mời gọi các tín hữu Ấn giáo cộng tác để thăng tiến nền văn hóa bao gồm và chống lại nền văn hóa loại trừ.

Trên đây là nội dung sứ điệp của Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn công bố hôm 20-10-2014, để chúc mừng các tín hữu Ấn giáo trên thế giới nhân lễ Diwali, là lễ ánh sáng siêu việt, được cử hành vào ngày 23 tháng 10. Sứ điệp mang chữ ký của Đức Hồng Y Chủ tịch Jean Louis Tauran và vị Tổng thư ký là Cha Mighuel Ángel Ayuso Guixot, người Tây Ban Nha, viết:

“Đứng trước tình trạng gia tăng kỳ thị, bạo lực và loại trừ ở các nơi trên thế giới, việc nuôi dưỡng một nền văn hóa bao gồm có thể được coi như một trong những khát vọng chân thành nhất của dân chúng ở mọi nơi”.

Sứ điệp của Tòa Thánh nhìn nhận có những điều tích cực do sự hoàn cầu hóa mang lại cho thế giới, mở ra những biên cương mới, cung cấp những cơ hội phát triển, cơ may giáo dục và săn sóc sức khỏe tốt đẹp hơn, nhưng sự hoàn cầu hóa hiện nay chưa đạt được đối tượng chủ yếu là hội nhập dân chúng địa phương vào cộng đồng hoàn cầu. Đúng hơn, hoàn cầu hóa đã góp một phần lớn làm cho nhiều dân tộc đánh mất căn tính xã hội văn hóa, kinh tế và chính trị của mình.

“Những công hiệu tiêu cực của sự hoàn cầu hóa cũng ảnh hưởng tới các cộng đồng tôn giáo trên thế giới, vì các tôn giáo có liên hệ mật thiết với các nền văn hóa xung quanh. Hoàn cầu hóa góp phần làm phân hóa xã hội, gia tăng trào lưu duy tương đối, tôn giáo hỗn hợp và tư nhân hóa tôn giáo. Trào lưu tôn giáo cực đoan cũng như những xung đột về chủng tộc, bộ tộc và phe phái ở các nơi trên thế giới ngày nay phần lớn là những biểu hiện sự bất mãn, bất an và bấp bênh nơi dân chúng, nhất là những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, không được hưởng những thiện ích của sự hoàn cầu hóa.

Hội đồng Tòa Thánh cũng nhận xét rằng “Những hậu quả tiêu cực của sự hoàn cầu hóa như sự lan tràn trào lưu duy vật và duy tiêu thụ làm cho dân chúng vị kỷ hơn, khao khát quyền lực và dửng dưng đối với các quyền, nhu cầu và đau khổ của người khác. Nói theo lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đó là “hoàn cầu hóa sự dửng dưng” khiến chúng ta dần dần lãnh đạm đối với những đau khổ của người khác và khép kín vào mình (Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới 2014). Sự dửng dưng ấy tạo nên nền văn hóa loại trừ, trong đó người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề và dễ bị tổn thương, bị chối bỏ các quyền lợi cũng như cơ may và tài nguyên mà các thành phần khác trong xã hội được hưởng..”

Sứ điệp của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn kết luận rằng “Vì thế, việc nuôi dưỡng một nền văn hóa bao gồm trở thành một lời kêu gọi chung và là một trách nhiệm chung mà chúng ta cần cấp thiết lãnh nhận. Đó là một dự phóng bao gồm những người quan tâm đến sự khỏe và sự sống còn của gia đình nhân loại trên trái đất này và cần được thi hành, mặc dù có những thế lực kéo dài nền văn hóa lại trừ”

4. Đức Thánh Cha tiếp kiến 7.500 thành viên Phong trào Schoenstatt

Sáng thứ Bẩy 25 tháng 10, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 7,500 thành viên Phong trào Schoenstatt từ 50 nước về Roma hành hương nhân dịp mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Phong trào.

Phong Trào Schoenstatt do cha Giuse Kentenich (1885-1968) thành lập ngày 18-10 năm 1914 tại Schoenstatt cách thành phố Bonn 60 cây số về mạn nam. Cha là linh hướng tiểu chủng viện của các cha dòng Pallottin. Cùng với một nhóm chủng sinh, Cha lập một hiệp hội Đức Mẹ, qua một hành vi gọi là “Giao ước Tình Yêu với Mẹ Maria”. Các thành viên của Phong trào Schoenstatt hiện nay có mặt tại 110 nước trên thế giới. Họ sống linh đạo gia đình giữa các thành viên, và khích lệ họ hoạt động tông đồ trong môi trường sống của mình.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ dưới hình thức các cuộc đối thoại, trình bày chứng từ và văn nghệ, trình chiếu Video của các cộng đoàn, các đôi vợ chồng và các bạn trẻ. ĐTC đã lắng nghe và trả lời một số câu hỏi được nêu lên. ĐTC khuyến khích các thành viên pong trào Schoenstatt hãy tháp tùng các gia đình và bảo vệ hôn phối, là những thực tại chưa bao giờ bị tấn công như ngày nay.

“Nhiều gia đình ngày nay bị chia rẽ, bị biến thái, coi như một cách kết hiệp nào đó. Bao nhiêu hôn phối bị vỡ tan, bao nhiêu quan niệm duy tương đối về bí tích hôn phối. Gia đình ngày nay đang bị khủng hoảng”. Đức Thánh Cha nói đến nguyên nhân của tình trạng trên đây là “nền văn hóa tạm thời”, phá hủy khả năng liên kết lâu bền của con người với nhau, và trong đó các trẻ em chịu đau khổ nhiều nhất vì những cuộc hôn nhân tan vỡ”. Những hình thức kết hiệp mới phá hoại và giới hạn sự cao cả của tình yêu hôn nhân. Có bao nhiêu những vụ sống chung, ly thân và ly dị.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng nhiều cặp kết hôn chỉ coi bí tích hôn phối như một nghi thức, mà họ không hiểu ý nghĩa sâu xa. Nhiều người chẳng biết họ làm gì trong bí tích ấy.

Theo Đức Thánh Cha, chìa khóa để giúp đỡ, chính là sự tiếp xúc, tháp tùng, chứ không chiêu dụ, vì hành động này không mang lại kết quả. Trái lại cần phải kiên nhẫn tháp tùng. Ngoài ra cần phải chuẩn bị hôn phối kỹ lưỡng. Đức Thánh Cha phê bình sự kiện có những nơi người ta làm lễ cưới cho các cặp đính hôn chỉ sau hai cuộc gặp gỡ để chuẩn bị.

5. Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng chống lại án tử hình 

Hôm thứ Năm 23 tháng 10, trong buổi tiếp kiến dành cho Hiệp hội quốc tế về Luật hình sự, Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng tố cáo những băng hoại chính trị. Ngài so sánh nó với một người bị bệnh hôi miệng. Ngài giải thích rằng trong khi người đó không nhận ra, những người xung quanh nhận ra nó ngay lập tức. 

Đức Giáo Hoàng mạnh mẽ chống lại thói đồng lõa chính trị, đặc biệt khi tất cả các quyền lực được tập trung vào một nguồn. Ngài nghiêm khắc phê bình những người sử dụng chính trị và các phương tiện truyền thông để tô son trét phấn cho chế độ, hay kích động bạo lực và đổ mọi trách nhiệm lên đầu người khác. 

Đức Thánh Cha nói:

“Thực tế cho thấy sự tồn tại của phương tiện pháp luật và những chính sách cần thiết để đương đầu và giải quyết các xung đột, không cung cấp đủ những đảm bảo có thể ngăn chặn những người lãnh đạo đổ mọi trách nhiệm về các vấn đề lên đầu người khác.” 

Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ lên tiếng chống lại án tử hình. Đặc biệt, ngài lên án một số chính phủ kết án tử hình những thành phần đối lập một cách mờ ám. Ngài mô tả những hành động này là “những vụ giết người có chủ ý.” 

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã nói về nhà tù. Ngài nói rằng trong một số quốc gia, điều kiện giam cầm trong các nhà tù thật là tồi tệ, không thể chấp nhận được. Theo Đức Thánh Cha, trong một số trường hợp, điều này là hệ quả của việc “thực thi quyền lực độc đoán và tàn nhẫn.”

6. Bất chấp thỏa thuận ngưng bắn, quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram bắt cóc thêm 60 thiếu nữ Kitô

Bất chấp thỏa thuận ngưng bắn theo đó 276 nữ sinh bị bắt cóc hồi tháng Tư vừa qua sẽ được trả tự do, thêm 60 thiếu nữ Kitô khác lại vừa bị bắt cóc hôm thứ Năm 23 tháng 10 tại các làng Kitô giáo ở phía đông bắc Nigeria. 

Các vụ bắt cóc mới nhất xảy ra tại hai làng Wagga và Gwarta khiến cho nhiều người lo âu không biết liệu quân khủng bố Hồi Giáo cuối cùng cho chịu trả tự do cho 276 nữ sinh bị bắt cóc trước đó hay không.

Như tin chúng tôi đã loan gần nửa đêm ngày 14 tháng Tư, bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã bắt cóc hơn 300 nữ sinh tại một trường nội trú ở thị trấn Chibok. Cho đến hôm thứ Sáu 8 tháng 5, 53 nữ sinh đã trốn thoát trong khi 276 nữ sinh khác vẫn còn bị giam giữ.

Dân chúng tại hai làng Wagga và Gwarta cho biết bọn khủng bố đã để lại cho mỗi gia đình các nạn nhân một số tiền là 1,500 naira, hay khoảng $ 9, và những hạt kola. Theo truyền thống của người Nigeria, số phẩm vật đó gọi là “tiền cưới”. Nó tiên báo rằng bọn khủng bố Hồi Giáo có ý định bắt những cô gái này làm nô lệ tình dục cho chúng. 

7. Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ Đức Hồng Y Trần Nhật Quân

Sau thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình và tuyên phong Chân Phước cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có dịp nói chuyện với vị Hồng Y can trường của Hương Cảng.

“Đây là một trong những người chiến đấu với chiếc ná ” Đức Thánh Cha đã nói như trên khi gặp Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng. 

Đức Hồng Y tâm sự:

“Sau Thánh Lễ phong chân phước, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và các vị Hồng Y khác. Tôi xếp hàng chờ đợi và suy nghĩ một vài từ để nói chuyện với Đức Giáo Hoàng, để không lãng phí của thời gian ngài. 

Tôi chuẩn bị để nói với Đức Giáo Hoàng rằng: Thưa Đức Thánh Cha, tôi đến từ ‘chiến trường’ ở Hương Cảng. Chắc Đức Thánh Cha đã biết điều đó. Xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi để bạo lực không xảy ra. “

“Cuối cùng, tôi đến trước mặt Đức Giáo Hoàng. Trước khi tôi mở miệng, ngài cười và nói,” Ah! Ah! Đây là một trong những người chiến đấu với chiếc ná. Tôi vội vã nói những lời tôi đã chuẩn bị không để các vị khác hàng đợi lâu. “

Đức Hồng Y vui mừng vì “Đức Giáo Hoàng đã ví von tôi với David trong chuyện David đánh bại người khổng lồ Goliath bằng chiếc ná, và lời khuyến khích tôi ‘Đừng sợ, Thiên Chúa của Israel ở với David’”. Điều này chứng tỏ Đức Thánh Cha đã theo dõi sát những diễn biến tại Hương Cảng.

Trong gần một tháng, hàng trăm sinh viên đã biểu tình ở các khu vực trọng điểm ở Hồng Kông để thúc đẩy cải cách chính trị trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra năm 2017.

Tháng Bảy năm 2013, Giáo phận Hồng Kông đã đưa ra tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi bất tuân dân sự, và Ủy ban Công lý và Hòa bình của giáo phận đã giải thích lý do tại sao ủy ban ủng hộ phong trào phản kháng. Mặc dù tuổi đã cao, Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đã trực tiếp tham gia vào các cuộc biểu tình. 

Dưới ánh mặt trời thiêu đốt tháng Sáu năm ngoái, vị Hồng Y đã 83 tuổi đi bộ 84 giờ để kêu gọi mọi người bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý về phổ thông đầu phiếu do các tổ chức đòi dân chủ ở Hương Cảng chủ xướng.

8. Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16

Sáng thứ Hai 27 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khánh thành một bức tượng bán thân của người tiền nhiệm là Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 tại Học viện Tòa Thánh về Khoa Học.

Trong diễn từ tại buổi lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 là một vị giáo hoàng vĩ đại về năng lực tư duy và khả năng thấu triệt của trí tuệ, những đóng góp lớn lao cho thần học, và tình yêu tuyệt vời dành cho Giáo Hội và nhân loại, cũng như đức hạnh và đạo đức sáng ngời của ngài.”

Bức tượng bán thân đã được khánh thành nhân phiên họp khoáng đại kéo dài từ 24- đến 28 Tháng 10 của các học giả về việc phát triển các khái niệm về thiên nhiên.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện về chủ đề này với lưu ý rằng các truyền thống trí thức Công Giáo đã luôn luôn khẳng định rằng trật tự tự nhiên đã được sáng tạo chứ không phải đơn thuần là một sự tình cờ. “Sự tiến hóa trong tự nhiên không có gì nghịch lại với khái niệm sáng tạo. Các nhà khoa học phải rung động bởi niềm tin vào ý tưởng theo đó thiên nhiên ẩn chứa trong các cơ chế tiến hóa của những tiềm năng mà trí tuệ và sự tự do của con người cần phải khám phá và kích hoạt, để đạt sự phát triển theo thánh ý của Đấng Tạo Hóa. “

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc với một lời kêu gọi tất cả các tham dự viên tiếp tục công việc của họ để những sáng kiến “hạnh phúc” về lý thuyết và thực hành này đem lại lợi ích cho con người, là điều mang lại vinh dự cho khoa học và các nhà khoa học.

9. Đức Hồng Y Pell cổ vũ sự trung thành với Đức Thánh Cha Phanxicô

Hướng tới Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình diễn ra vào tháng 10 năm 2015, Đức Hồng Y George Pell cho biết nhiệm vụ cho người Công Giáo “trong vòng 12 tháng tới” là giải thích “sự cần thiết phải hoán cải, bản chất của Thánh Lễ, sự thanh khiết của tâm hồn mà Kinh Thánh đòi hỏi chúng ta phải có để được Rước Lễ.”

Đức Hồng Y đã đưa ra những bình luận trên vài ngày sau khi kết thúc Thượng Hội Đồng ngoại thường về gia đình, trong đó đã có những tranh luận sôi nổi liên quan đến khả năng cho người Công Giáo đã ly dị và tái hôn được rước lễ với những điều kiện nhất định. 

Đức Hồng Y viết tiếp: “Chúng ta sẽ gây ra phản tác dụng nếu chúng ta tức giận hay đem lòng oán ghét, nếu chúng ta rơi vào những cuộc tranh luận vô bổ chống lại một con số rất ít đến mức đáng ngạc nhiên các đối thủ của người Công Giáo”. 

Nhận xét của Đức Hồng Y Pell đã được đưa ra trong một bài giảng, mà ngài đã chuẩn bị trong một Thánh Lễ theo nghi thức tiền Công Đồng vào ngày 24 tháng 10 tại Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael ở Rôma dành cho các tín hữu tham dự cuộc hành hương Populus Summorum Pontificum. Họ tụ tập về Rôma để tham dự các nghi lễ truyền thống tại các đền thờ lớn của Kinh Thành Vĩnh Cửu từ ngày 23 đến 26 tháng 10. 

Đức Hồng Y Pell đã không thể cử hành thánh lễ vì bị viêm phế quản. Thư ký riêng của ngài là Cha Mark Withoos đã cử hành Thánh Lễ và đọc bài chia sẻ do Đức Hồng Y chuẩn bị. Cha nói rằng bệnh tật là lý do duy nhất ngài không thể tham dự. 

Đức Hồng Y Raymond Burke, chánh tòa Ân Giải Tối Cao đã cử hành thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày thứ Bảy 25 tháng 10.

Trong bài giảng Đức Hồng Y Pell khẳng định với các tín hữu rằng “các giám mục đoàn và tất cả các công nghị đều làm việc trên cơ sở của một sự đồng thuận”. Trước tháng 10 năm tới, người Công Giáo phải làm việc để xây dựng một sự đồng thuận vượt lên “những dị biệt hiện nay. Các thực hành mục vụ và giáo lý chỉ có thể được thay đổi bởi một sự đồng thuận”. 

“Đúng là tín lý phát triển theo thời gian vì chúng ta hiểu sự thật sâu sắc hơn, nhưng chưa hề có một sự đảo lộn tín lý nào trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Truyền thống được công bố trước hết bởi Chúa Kitô và được đặt nền tảng trên Kinh Thánh là chuẩn mực cho sự thật và cho những thực hành mục vụ chân chính.” 

Đức Hồng Y Pell cũng viết về tầm quan trọng của Đức Giáo Hoàng trong việc bảo vệ và phát triển học thuyết. 

“Vai trò của người kế vị của Thánh Phêrô luôn luôn rất quan trọng đối với đời sống Kitô và Công Giáo, đặc biệt trong việc giữ gìn sự trung thành với tín lý và trong việc giải quyết các dị biệt cả về mục vụ lẫn tín lý”. 

“Giáo Hội không được xây dựng trên đá là đức tin của Phêrô, nhưng là chính Phêrô, bất chấp những lỗi lầm và thiếu sót của Phêrô. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị giáo hoàng thứ 266 và lịch sử đã chứng kiến 37 ngụy giáo hoàng”

“Câu chuyện của các vị giáo hoàng thần kỳ hơn tiểu thuyết. Ngày nay chúng ta có một trong những vị giáo hoàng đặc biệt trong lịch sử, được người dân mến mộ hầu như chưa từng có. Ngài đang làm một công việc tuyệt vời khi ủng hộ những cải cách tài chính” 

Đức Hồng Y Pell kết luận bài giảng của ngài với một lời cầu nguyện “Khi còn là một đứa trẻ tôi đã được dạy như sau: Ta hãy nguyện xin cho Đức Giáo Hoàng, Chúa gìn giữ người tăng gấp sinh lực và ban cho người đời nay hạnh phúc và đừng trao người cho ác tâm quân thù”

10. Ý Cầu nguyện trong Tháng Mười Một

Thánh 11, Hội Thánh dành đặc biệt để nhớ đến các linh hồn. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng này là: 

– Ý chung: Cầu cho những người cô đơn được cảm thấy Chúa gần gũi và nhận được sự trợ giúp của tha nhân.

– Ý truyền giáo: Cầu cho các chủng sinh và tu sĩ trẻ có được những nhà đào tạo tài giỏi và khôn ngoan.

11. Chương trình hoạt động của Đức Thánh Cha trong tháng 11 năm 2014

Hôm 24 tháng 10, Ban nghi lễ phụng vụ của Đức Thánh Cha đã công bố lịch trình các buổi lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành trong tháng 11-2014.

Chiều thứ Bẩy, 1 tháng 11, lễ các thánh, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ lúc 4 giờ tại Nghĩa trang Verano. Chúa Nhật hôm sau, 2 tháng 11, vào lúc 6 giờ chiều, ngài viếng mộ các vị Giáo Hoàng quá cố tại hầm Đền thờ Thánh Phêrô Sáng thứ Hai, 3 tháng 11, lúc 11 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô để cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám Mục qua đời trong 12 tháng qua.

Chúa Nhật 23 tháng 11, lễ Chúa Kitô Vua, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại Quảng trường thánh Phêrô, để tôn phong 6 vị chân phước lên bậc hiển thánh. Sau cùng, từ ngày 28 đến 30 tháng 11, ngài sẽ viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ.

12. Hội Thánh mừng lễ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lần đầu tiên

Hôm thứ Tư 22 tháng 10 là lần đầu tiên Giáo Hội trên toàn thế giới mừng lễ kính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. 

Dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với đông đảo anh chị em tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô như sau:

“Hôm nay, chúng ta cử hành lễ kính nhớ Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng theo phụng vụ, Thánh nhân đã mời tất cả chúng ta hãy rộng cửa cho Chúa Kitô; trong cuộc viếng thăm đầu tiên tại quê hương anh chị em, Người đã khẩn cầu Chúa Thánh Linh ngự xuống, canh tân đất nước Ba Lan; Người cũng nhắc nhớ cho mọi người mầu nhiệm lòng từ bi của Chúa. Ước gì gia sản tinh thần của Người không bị lãng quên, nhưng thúc đẩy chúng ta suy tư và hành động cụ thể để mưu ích cho Giáo Hội, cho gia đình và xã hội. 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã được bầu lên ngôi Giáo Hoàng vào ngày 16 tháng 10 năm 1978. Sáu ngày sau đó, vào ngày 22 tháng 10, ngài đã cử hành Thánh Lễ Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh, Khẩu hiệu của ngài là: “Đừng sợ! Hãy mở cửa, mở rộng cửa đón Chúa Kitô”

Triều đại Giáo Hoàng của ngài kéo dài 26 năm, 5 tháng 18 ngày là triều đại Giáo Hoàng dài thứ hai trong lịch sử chỉ thua triều đại Đức Piô thứ 9 kéo dài 31 năm, 7 tháng và 23 ngày.

Trong tháng 10, Giáo Hội cũng đã mừng lễ Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 vào ngày 11 tháng 10. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên thánh cho hai vị Giáo Hoàng vào ngày 27 tháng Tư vừa qua.

13. Dân số Công Giáo trên thế giới 

Nhân ngày Khánh nhật truyền giáo, các Hội Giáo hoàng Truyền Giáo đã đưa ra những số liệu thống kê về tình hình truyền giáo của Giáo Hội trên toàn thế giới.

Báo cáo này dựa trên dữ liệu thu thập được cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2012, theo đó trong 7 tỷ người trên thế giới có hơn 1.2 tỷ là người Công Giáo. Những con số này cho thấy dân số Công Giáo có thêm 15 triệu người so với năm trước đó, với mức tăng cao nhất là ở châu Mỹ với 6.5 triệu người Công Giáo.

Tuy có gia tăng về tổng số người Công Giáo, các con số thống kê cho thấy mức tăng dân số Công Giáo không bằng mức tăng dân số. Thành ra, nếu tính theo tỷ lệ bách phân thì dân số Công Giáo giảm nhẹ ở mức 0.01% trên toàn thế giới. Riêng tỷ lệ người Công Giáo ở Mỹ và Châu Á đã tăng 0.12% và 0.01%. 

Những con số thống kê của các Hội Giáo hoàng Truyền Giáo cho thấy đã có sự sụt giảm con số các nữ tu và nam tu. Số linh mục thì tăng 895. Như vậy, có 414,313 linh mục trên toàn thế giới.

Giáo Hội tiếp tục phát triển mạnh trong lĩnh vực giáo dục với hơn 60 triệu học sinh tiểu học, trung học và đại học. Giáo Hội Công Giáo cũng điều hành hơn 115,000 tổ chức bác ái và y tế.

14. Laudate: Chương trình ứng dụng điện thoại dành cho người Công Giáo thành công nhất hiện nay

Với hơn nửa triệu người trên thế giới cài đặt chương trình này trên điện thoại di động Android và trên Ipad, Laudate, nghĩa là Ngợi Khen, có thể được coi là chương trình ứng dụng thành công nhất dành cho người Công Giáo trên thị trường. 

Muốn download trên Ipad xin nhấn vào đây. Muốn download cho điện thoại di động Android thì nhấn vào đây.

Chương trình được ghi nhận là thành công đặc biệt với những người phải di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng và những người phải lái xe đi làm hàng ngày.

Chương trình cung cấp tất cả mọi thứ bạn cần biết trong đời sống người Công Giáo: cầu nguyện, giáo lý, học hỏi Tin Mừng, chuẩn bị tích cực cho các Thánh Lễ. Các ứng dụng được cập nhật hàng ngày với các bài đọc và các bài suy niệm. 

Người dùng cũng có thể lần chuỗi Mân Côi một mình hay tương tác với những người khác podacast. 

“Lời cầu nguyện của tôi” là một phần đặc biệt trong đó người dùng có thể lưu lại những lời cầu nguyện của riêng mình và những ý mà họ cầu nguyện nhiều nhất. 

Laudate có cả giao diện bằng tiếng Việt – chỉ giao diện thôi – nghĩa là các menu, các lệnh đơn giản có thể được hiển thị bằng tiếng Việt nhưng các bài đọc vẫn bằng tiếng Anh, và người đọc cho ta nghe các bài suy niệm vẫn đọc bằng tiếng Anh.

Sẽ là một thất bại khó giải thích nổi trước mặt Chúa nếu người Việt chúng ta không làm được một chương trình tương tự như thế này hoàn toàn bằng Việt ngữ. 

15. Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp các thành viên đội bóng đá lâu đời nhất của Tây Ban Nha 

Nhân kỷ niệm 125 năm ngày thành lập, hôm thứ Bẩy 25 tháng 10, đội bóng Recreativo Huelva của Tây Ban Nha đã đến thăm Kinh Thành Muôn Thuở và được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến. 

Giám đốc đội bóng là ông Pablo Comas-Mata nói với các ký giả là ông đã xin Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện cho các thành viên trong đội bóng và cho những chiến thắng trong tương lai của họ. 

“Chúng tôi rất tự tin vì Đức Giáo Hoàng luôn hỗ trợ cho các đội bóng ngài ban phép lành. Một ví dụ là đội San Lorenzo của Amargo, mà trên thực tế đã đi từ địa ngục lên thiên đàng, giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác.” 

Tuyên úy của đội bóng là Cha Antonio Bueno, không muốn bỏ lỡ dịp đặc biệt này. Mặc dù đã trên 80 tuổi, ngài đã tháp tùng đội bóng đến Rôma để gặp Đức Giáo Hoàng. 

Cha nói: 

“Nếu đã đến đây để cảm tạ Chúa vì 125 năm qua của chúng tôi, tại sao không xin Ngài ban cho thêm 125 năm khác nữa? Chúng tôi hy vọng đội bóng của chúng tôi có thể chơi trong bảng các đội ngoại hạng mùa tới. Bằng cách đó chúng ta có thể chơi ở Cup châu Âu và trở thành nhà vô địch. “

Đội bóng đã tặng Đức Thánh Cha chiếc áo truyền thống của đội Recreativo Huelva và một chiếc thuyền làm bằng bạc là biểu tượng của họ. Đức Giáo Hoàng đã cho mỗi người một chuỗi Mân Côi và ban phép lành cho họ. 

16. Đức Giáo Hoàng tiếp đội tuyển bóng đá Đức, Bayern Munich 

Các cầu thủ của đội tuyển bóng đá Đức, Bayern Munich đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến sau chiến thắng vang dội 7-1 trước đội chủ nhà La Roma.

Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi nghe nói về trận đấu ngày hôm qua. Miễn bình luận.” 

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến chiến thắng của đội vào năm 1986 với Karl-Heinz Rummenigge chơi trên hàng tiền đạo. Hiện nay, ông là người quản lý đội bóng. 

Ngài nói: “Tôi nhớ trận đấu năm 86 bởi vì lúc đó tôi đang học tại Frankfurt.” 

Sau đó, Đức Thánh Cha đã nói chuyện về sức mạnh của thể thao và tại sao chúng đặc biệt quan trọng cho trẻ em. 

“Thể thao có một chiều kích giáo dục rất quan trọng đối với trẻ em.” 

Đội tuyển Đức đã tặng cho Đức Giáo Hoàng hai món quà. Một chiếc áo của đội tuyển ghi tên ngài với chữ ký của tất cả các cầu thủ và sau đó là một quả bóng có một ý nghĩa đặc biệt. 

“Năm tới, chúng con sẽ có một trận đấu từ thiện để vinh danh Đức Thánh Cha. Chúng con muốn tặng một triệu euro cho các dự án bác ái và những dự án mà Đức Thánh Cha thấy cần.”

Đội tuyển Đức đến Rôma để tham gia vào các trận đấu của Liên Đoàn Túc Cầu Châu Âu.

17. Bà Mẹ của Thủ tướng Grenada được gặp Đức Thánh Cha

Hôm thứ Năm 23 tháng 10, bà Mẹ của Thủ tướng nước Grenada đã hoàn thành được tâm nguyện của mình là được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thủ tướng Keith Mitchel của nước Grenada đã đưa mẹ, vợ và con trai ông đến Rôma để triều yết Đức Thánh Cha.

Trong cuộc gặp gỡ, Đức Giáo Hoàng và thủ tướng Keith Mitchel đã nói về sự trợ giúp mà Giáo Hội Công Giáo mang đến cho hòn đảo vùng Caribbê này, nhất là về giáo dục và các dịch vụ xã hội. 

Đức Giáo Hoàng đã tặng cho thủ tướng một bản sao của Tông Huấn của “Evangelii Gaudium. 

Sau đó, ngài đã đưa ra tặng cho mỗi người một chuỗi tràng hạt.

Đảo Grenada có dân số là 110,000 người. Khoảng một nửa là người Công Giáo.

18. Đức Thánh Cha gặp gỡ các phong trào bình dân

Các phong trào bình dân thường được liên kết với “cánh tả”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây các phong trào này tìm thấy nơi học thuyết xã hội Công Giáo những điểm tương đồng và nhận ra sự thật là Giáo Hội Công Giáo, trong thực tế, chứ không chỉ trên lý thuyết đã đứng về người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người già và những ai bị bỏ rơi. Vì thế, năm nay 200 đại diện của các phong trào bình dân đã nhận lời mời của Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình đến Vatican tham dự một khóa họp kéo dài ba ngày bắt đầu từ thứ Hai 27 tháng 10.

Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các thành viên hôm thứ Ba. Ngài cảm ơn sự hiện diện của các tham dự viên trong các phong trào tranh đấu cho những người “chịu đựng đau khổ vì bất bình đẳng và bị loại trừ trong xã hội.”

Trong diễn từ của ngài, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng:

“Cuộc họp này của các phong trào bình dân là một dấu chỉ tuyệt vời. Anh chị em đã đến đây trước sự hiện diện của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của người dân, của một thực tại mà thường khi bị câm nín. Người nghèo không chỉ chịu đựng sự bất công, họ cũng chiến đấu chống lại nó!”

Đức Giáo Hoàng nói về đất đai, nhà cửa và công ăn việc làm là ba chủ đề chính của cuộc họp. Ngài giải thích rằng những lý tưởng này thường bị xem là giống như chủ thuyết cộng sản, nhưng thực ra đó là những tư tưởng trọng tâm trong Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo.

Ngài đã đề cập đến nền văn hóa vứt bỏ, đến phá thai như là một cách thức xã hội ném đi những đứa con của mình trước khi sinh, chỉ vì chúng không có giá trị sản xuất.

Ngài cũng lên án tình trạng lương thực đắt đỏ ở nhiều miền trên thế giới trong khi ở nhiều miền khác người ta tiêu hủy lương thực để giữ giá.

Đức Thánh Cha nói:

“Đây thực sự là một vụ tai tiếng trầm trọng. Để con người phải chết đói chết khát là một tội phạm, thực phẩm là một quyền bất khả xâm phạm của con người.”

Đức Giáo Hoàng cũng nói rằng không có sự bần cùng nào lớn hơn là không cung ứng công ăn việc làm cho con người. Ngài kêu gọi nhân loại phải được đặt ở trung tâm của hệ thống kinh tế.

Đối với các tham dự viên, những lời này của Đức Thánh Cha đã mang đến cho họ tràn đầy hy vọng.

Ignacio Ramonet Giám đốc, Le Monde Diplomatique nói:

“Đức Giáo Hoàng đã coi cuộc đấu tranh của của người nghèo và những ai bị xã hội ruồng bỏ là cuộc đấu tranh của ngài. Ngài cho mọi người thấy rằng, trong thực tế, thông điệp Tin Mừng chính là nền tảng của cuộc đấu tranh này.”

Jose Antonio Vives đến từ Tây Ban Nha nói:

“Đức Giáo Hoàng đã đóng góp to lớn cho chính nghĩa của những cuộc đấu tranh mà chúng tôi hô hào mọi người trên thế giới.”

Đức Thánh Cha kêu gọi các tham dự viên tiếp tục cuộc đấu tranh của họ “nhưng không cuồng loạn hoặc bạo lực trong khi tìm kiếm những cách giải quyết thỏa đáng những căng thẳng.”

Trước khi giã từ các tham dự viên, Đức Thánh Cha đã chào đón Tổng thống Bolivia Evo Morales, người tham dự cuộc họp với tư cách đại diện cho người dân bản địa Bolivia.

Hội nghị kết thúc vào ngày thứ Tư với một cuộc bỏ phiếu thông qua một tuyên bố chung tóm tắt các đề xuất đã được thảo luận.

19. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 chúc mừng giáo xứ tòng nhân Anh quốc có nhà thờ mới. 

Ngày càng có đông các tín hữu Anh giáo rời bỏ Giáo Hội của họ để gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Ngày 04 tháng 11, năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã ra tông hiến Anglicanorum Coetibus cho phép các tín hữu Anh giáo gia nhập Giáo Hội Công Giáo được giữ các nghi thức truyền thống của họ và được quy tụ với nhau trong các giáo xứ tòng nhân.

Giáo xứ Đức Mẹ Walshingham ở Luân Đôn đã được thành lập trong bối cảnh đó. Khi tách ra khỏi Anh giáo các tín hữu không có nhà thờ hay bất cứ tài sản nào. Nhưng giờ đây, sau 5 năm, họ có được một ngôi nhà thờ vốn là nhà nguyện của những người di dân gốc Đức vùng Bavaria, là quê hương của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.

Họ đã viết thư cho ngài xin chúc lành và vị Giáo Hoàng nghỉ hưu đã phúc đáp với những lời chúc tốt đẹp nhất.

Nguồn: Vietcatholic

h1

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN