1. Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Paris kêu gọi bình tĩnh sau khi cảnh sát tình cờ khám phá ra âm mưu khủng bố các nhà thờ
Tính cho đến sáng Chúa Nhật 26 tháng Tư 4, bốn người đàn ông đã bị bắt trong một âm mưu tấn công khủng bố vào “một hay hai” nhà thờ tại Paris.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm 23 tháng Tư chung với ông Bernard Cazeneuve, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Đức Hồng Y André Vingt-Trois nhận định rằng “Tấn công khủng bố nhắm vào các nhà thờ cố nhiên là tấn công vào một cộng đồng tôn giáo nhưng cũng là tấn công vào cộng đồng nhân loại. Các mối đe doạ khủng bố, dù là thế nào đi nữa cũng nhắm lan truyền sự sợ hãi. Người Công Giáo chúng tôi không khuất phục.”
Ông Cazeneuve cho biết hôm thứ Tư 22 tháng Tư là “Một cuộc tấn công khủng bố đã thất bại vào sáng Chúa Nhật [19 tháng Tư]. Cảnh sát đã phát hiện ra một kho vũ khí chiến tranh. Một tài liệu được tìm thấy chứng minh rằng không nghi ngờ gì là một số phần tử đã lên kế hoạch để thực hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra. Các nghi phạm đã bị giam giữ ngay lập tức.”
Nghi phạm đầu tiên bị bắt là Sid Ahmed Ghlam, một thanh niên 24 tuổi người gốc Algeria đã sống tại Paris từ năm 2009 và đang theo học ngành điện toán. Ý Chúa quan phòng, khoảng 8 giờ sáng Chúa Nhật 19 tháng Tư, tên Sid Ahmed Ghlam này chất đầy vũ khí trên xe hơi của y để chuẩn bị đi gây án thì lớ ngớ làm nổ súng bắn vào chân.
Y lết ra khỏi xe nằm trên một vỉa hè ở quận 13 của Paris gọi xe cứu thương. Trước những lời khai đầy mâu thuẫn của y, cảnh sát lần theo dấu máu phát hiện ra chiếc xe hơi của y trong đó có 4 khẩu tiểu liên tự động Kalashnikov, một khẩu súng lục Sig Sauer của cảnh sát bị đámh cắp trước đó, một số băng tay cảnh sát và sơ đồ của một số trạm cảnh sát Paris.
Bộ trưởng Cazeneuve nói rằng tại nhà hung thủ và nhà người chị gái, cảnh sát tìm ra nhiều vũ khí khác cùng những bản đồ và chi tiết một cuộc tấn công vào “một hoặc hai nhà thờ” ở Villejuif, một vùng ngoại ô của Paris, trong ngày Chúa Nhật 19 tháng Tư.
Qua điều tra sơ khởi ban đầu các chuyên gia cảnh sát cho rằng DNA của Sid Ahmed Ghlam trùng hợp với những dấu vết để lại trong vụ giết hại cô Aurelie Chatelain, một giáo viên thể dục tại Villejuif. Sáng Chúa Nhật 19 tháng Tư, cô Aurelie Chatelain, 32 tuổi, một người mẹ có cô con gái mới lên 5 tuổi được tìm thấy đã bị bắn vào đầu và được đặt nằm ở ghế hành khách trong chiếc xe hơi của cô. Trong khi đó trên xe của tên Sid Ahmed Ghlam đầy những vết máu. Có thể là cô Aurelie Chatelain đã bị giết chết trên xe của nghi phạm.
2. Một công tố viên Ý tuyên bố rằng cảnh sát Ý đã phá vỡ một âm mưu nổ bom tự sát tại Vatican
Trong cuộc họp báo diễn ra vào hôm thứ Sáu 24 tháng Tư ở Sardinia, công tố viên Mauro Mura nói rằng cảnh sát Ý đã phá hỏng một cuộc tấn công khủng bố vào Vatican trong năm 2010.
Ông nói: “Hoạt động của chúng tôi là thiết yếu nhằm đảm bảo rằng những hậu quả không thể khắc phục được đã không xảy ra”.
Ông cho biết một người đàn ông Pakistan đã lên kế hoạch thực hiện một vụ nổ bom tự sát trong một buổi triều yết chung nhưng kế hoạch này đã bị bãi bỏ sau khi những kẻ khủng bố nhận ra cảnh sát đã thâm nhập vào mạng mạng lưới của chúng.
Ông Mauro Mura nói cảnh sát Ý trong khi thâm nhập vào một mạng lưới đưa người nhập lậu vào Ý tại Sardinia đã phát hiện âm mưu này và đã ra lệnh bắt 18 người trong đó đến nay 9 người đã bị bắt. Các tin nhắn của bọn khủng bố đề cập đến Đức Giáo Hoàng (lúc bấy giờ là Đức Bênêđíctô thứ 16) và những chốn đông người khiến cảnh sát tin rằng vụ nổ bom tự sát sẽ diễn ra trong một buổi triều yết chung.
Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, tỏ ra xem nhẹ tầm quan trọng những tuyên bố của công tố viên. Ngài nói “Dường như có một giả thuyết như thế vào năm 2010 nhưng sau đó không có gì tiếp diễn”.
3. Chúa Nhật cầu nguyện cho ơn gọi tại Vatican
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Quý vị và anh chị em đang theo dõi những hình ảnh về Ngày Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi tại Vatican.
Lúc 9 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật 26 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ truyền chức Linh Mục cho 19 Phó tế trong đó 13 vị thuộc giáo phận Roma và 6 vị thuộc các giáo phận khác trên thế giới tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Giám quản Agostino Vallini, Đức Tổng Giám Mục phó Giám Quản và 6 Giám Mục phụ tá.
Đoàn đồng tế đang tiến lên trước bàn thờ trong thánh lễ với sự tham dự của khoảng 10,000 tín hữu.
Đức Hồng Y Giám Quản đã giới thiệu các ứng viên lên Đức Thánh Cha.
Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã dựa trên văn bản lễ nghi truyền chức và các bài đọc khích lệ các tân chức ý thức được sứ mệnh thừa tác sắp nhận lãnh. Đó là sống kết hiệp mật thiết với Chúa, cộng tác với Chúa trong công trình cứu chuộc, qua việc sống và giảng dậy các giáo huấn của Chúa, ban phát các bí tích, hiệp nhất với Giám Mục và cộng tác với các anh em linh mục và các thành phần khác trong cộng đoàn dân Chúa, noi gương Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành hy sinh quên mình chăm sóc đoàn chiên Chúa giao phó.
Đức Thánh Cha không chỉ kêu gọi các tân chức đừng để bài giảng mình trở thành nhàm chán, nhưng ngài đưa ra những lời khuyên để sự giảng dạy của các vị chạm được vào tâm hồn con người: đó là hãy nói từ con tim của mình.
Các linh mục được mời gọi để nuôi dưỡng các tín hữu, vì thế các vị phải bảo đảm rằng “bài giảng của anh em không nhàm chán, và bài giảng của anh em phải đến thẳng trái tim mọi người bởi chúng xuất phát từ trái tim của anh em, bởi vì những gì anh em nói với họ là những gì anh em có trong trái tim mình.”
Đức Thánh Cha nói thêm: Một bài giảng được chuẩn bị kỹ lưỡng cho thấy hiệu quả của một mẫu gương linh mục thánh thiện “gương sáng giáo hóa con người, còn những từ ngữ suông không đi kèm những gương sáng chỉ là những lời nói trống rỗng, chỉ là những ý tưởng không bao giờ đến được con tim, và trong thực tế, chúng có thể gây hại.”
Tiếp đến là nghi thức công khai dấn thân của các ứng viên nói lên ý muốn thi hành chức thừa tác suốt đời trong hàng linh mục như các cộng sự viên trung thành của hàng giám mục trong việc phục vụ dân Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; chu toàn thừa tác lời Chúa qua việc rao giảng Tin Mừng và dậy dỗ đức tin Công Giáo một cách xứng đáng và khôn ngoan; sốt sắng và trung thành cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô theo truyền thống của Giáo Hội, đặc biệt trong hiến tế tạ ơn và bí tích hoà giải, để chúc tụng Thiên Chúa và thánh hóa dân kitô; cùng các chủ chăn khẩn nài lòng thương xót Chúa cho dân được giao phó và kiên trì cầu nguyện như Chúa đã truyền dậy; luôn luôn hiệp nhất với Chúa Kitô Thượng Tế, vâng lời Đức Thánh Cha và các người kế vị với lòng tôn trọng con thảo và tuân phục.
Sau đó cộng đoàn đã hát kinh cầu các thánh xin triều thần thánh phù hộ cho các ứng viên. Đức Thánh Cha đã khẩn cầu Chúa Thánh Thần xuống trên các tiến chức và đặt tay trên đầu từng vị. Tiếp đến là tất cả các Giám Mục và linh mục đồng tế. Rồi Đức Thánh Cha đọc công thức truyền chức Linh Mục.
Khi đọc công thức truyền chức trong đó thúc giục các linh mục phải luôn luôn lưu tâm đến mầu nhiệm mà các ngài cử hành trong Thánh Lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng “Đừng bao giờ cử hành vội vàng cho xong!”
Cũng vậy, khi đọc lời khích lệ các linh mục đưa các tân tòng vào cộng đoàn dân Chúa qua bí tích Rửa Tội, Đức Thánh Cha nói thêm rằng “Đừng bao giờ từ chối bí tích Rửa Tội trước những ai thỉnh cầu anh em”.
Trong bí tích hòa giải, Đức Thánh Cha nói, “anh em sẽ tha tội nhân danh Chúa Kitô và Hội Thánh. Và tôi – nhân danh Chúa Giêsu Kitô là Chúa và hiền thê của Ngài là Giáo Hội thánh thiện – yêu cầu anh em đừng bao giờ mệt mỏi xót thương. Trong bí tích hoà giải, anh em sẽ là người tha thứ, chứ không phải là người lên án. Hãy noi gương Chúa Cha, Đấng không mệt mỏi thứ tha. “
Công thức phong chức linh mục được chuẩn bị sẵn đòi buộc các tân chức phải có ý định chỉ làm đẹp lòng Thiên Chúa mà thôi chứ không phải là làm đẹp lòng mình. Đức Thánh Cha nói thêm: “Thật là tồi tệ khi thấy một linh mục sống để làm hài lòng chính mình, những người hành xử như một con công, khệnh khạng lượn quanh”
Đối với 13 vị thuộc giáo phận Rôma, trong tư cách là Giám Mục giáo phận, Đức Thánh Cha đã hỏi các vị có hứa trung thành và tận tụy với ngài và người thừa kế ngài với tấm lòng con thảo hay không. Với 6 vị thuộc các giáo phận khác trên thế giới, ngài yêu cầu các vị trung thành và tận tâm như con thảo với đấng bản quyền điạ phương.
Sau đó là nghi thức xức dầu thánh trên lòng bàn tay từng tiến chức, xin Chúa Giêsu Kitô, mà Thiên Chúa Cha đã thánh hiến trong Chúa Thánh Thần và quyền năng, giữ gìn tân chức cho việc thánh hiến dân Người và dâng của lễ. Rồi Đức Thánh Cha trao điã đựng bánh và chén thánh và dặn dò các tân chức hãy ý thức điều mình làm, noi gương điều mình cử hành và đồng hình dạng cuộc sống với mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô.
4. Đức Hồng Y Parolin trình bày một số nhận định của Đức Thánh Cha về tình hình thế giới hiện nay
Nói chuyện trong lễ khai giảng năm học mới của Phân Khoa Thần Học của Đại Học Triveneto tại Padua hôm 24 Tháng Tư, Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã trình bày một số nhận định của Đức Thánh Cha về tình hình thế giới hiện nay đặc biệt là nạn khủng bố, Phi Châu, Trung Đông, Cuba, tội ác diệt chủng người Armenia và những nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan.
Khủng bố và Vatican
Liên quan đến tiết lộ của công tố viên Mauro Mura nói rằng cảnh sát Ý đã phá hỏng một cuộc tấn công khủng bố vào Vatican năm 2010, Đức Hồng Y Parolin nhận xét rằng “Đức Giáo Hoàng rất bình tĩnh”, nhưng đối với các nhà chức trách “sự sợ hãi như thế là đúng, mối bận tâm về vấn đề đôi lúc có bị thổi phồng, nhưng chắc chắn chúng ta cần phải cảnh giác.” Đức Hồng Y cho biết một biện pháp phòng ngừa đang được thực hiện là mọi tòa nhà của Vatican đều được tăng cường bảo vệ.
Châu Phi
Về Châu Phi, Đức Hồng Y Parolin cho biết “sau khi đến thăm Hàn Quốc, Sri Lanka và Phi Luật Tân, vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, Đức Thánh Cha muốn dành nhiều chú ý hơn tới châu Phi”. Ngài cho biết “Kế hoạch tông du của Đức Thánh Cha đang được hoạch định, đặc biệt là với các nước đang phải đối mặt với xung đột và khó khăn. “
Trung Đông
“Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu là các lực lượng của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo phải bị chặn đứng,”. Ngài cho biết Đức Giáo Hoàng “đau buồn chứng kiến là nhiều bức tường đang được dựng lên giữa các cộng đồng trong vùng Trung Đông”, và những “xung đột đang tiếp diễn có nguy cơ chia cắt toàn bộ khu vực.” Đức Hồng Y cho biết thêm là “vì lý do này, Tòa Thánh đang làm việc để đảm bảo khả năng thông tin liên lạc liên tục và sự hợp tác giữa các cộng đồng khác nhau cũng như tố cáo tình trạng bạo lực đang diễn ra hàng ngày trong vùng”
Cuba
Liên quan đến Cuba, Đức Hồng Y cho biết “Đức Giáo Hoàng sẽ đến Cuba trong chuyến thăm Nam Mỹ, đặc biệt là vì sự ấm lên trong các mối quan hệ sau một thời gian dài của sự lạnh lùng, hiểu lầm và xung đột. Tuy nhiên, quá trình này chỉ mới bắt đầu và mọi thứ vẫn còn mong manh. Thật không phải là dễ dàng xây dựng một môi trường tin cậy lẫn nhau sau nhiều năm mất liên lạc và thiếu cảm thông. Đức Hồng Y Parolin hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại đất nước này sẽ là một sự khích lệ cho quá trình củng cố quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cuba.
Chủ nghĩa cực đoan
Liên quan đến chủ nghĩa cực đoan, Đức Hồng Y nhận xét rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập liên tục đến những nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan, dù là cực đoan văn hóa, tôn giáo hay thần học. Chủ nghĩa cực đoan đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đến trật tự chính trị vì bạo lực vô hạn mà nó sản sinh ra. Đức Hồng Y cho rằng “Tín đồ các tôn giáo cần tự vấn và dự phần vào việc kiến tạo hòa bình.”
Tội diệt chủng người Armenia
Liên quan đến lễ kỷ niệm 100 năm thảm họa diệt chủng ở Armenia và ý kiến của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Parolin nhận định rằng “Đức Giáo Hoàng luôn nói một cách rõ ràng và theo ý hướng hòa giải. Khi Đức Giáo Hoàng nhắc nhớ lại sự việc, ngài không có ý khơi lại bất cứ tình trạng thù địch nào, nhưng là để tiếp cận vấn đề một cách công bằng, và cố gắng tìm ra những cách thức mới của sự hiểu biết và hợp tác.”
5. Đức Thánh Cha sẽ thăm Cuba trước khi tông du Hoa Kỳ
Chiều thứ Năm 22 tháng Tư, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến Cuba trước khi đến Hoa Kỳ vào tháng Chín tới.
Cha Lombardi cho biết tiếp: “Tôi có thể xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô, đã chấp nhận lời mời của các quan chức dân sự và của hàng giám mục Cuba, và đã quyết định đến thăm đảo quốc này trước khi đến Hoa Kỳ. “
Đức Hồng Y Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, đã thăm Cuba từ 22 tháng 4 đến ngày 28 để kỷ niệm 80 năm quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Tòa Thánh.
Đức Hồng Y Stella đã làm đại sứ ở Cuba từ 1993-1999, và giúp tổ chức chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1998, là chuyến đi lịch sử đầu tiên của một vị Giáo Hoàng đến thăm đảo quốc này.
6. Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng ở Nepal vừa diễn ra vào trưa thứ Bẩy 25 tháng Tư.
Một trận động đất lớn tới 7.9 độ Richter đã làm rung chuyển Nepal vào trưa ngày thứ Bảy 25 tháng Tư, gây thiệt hại lớn cho các khu đông dân cư ở thung lũng Kathmandu.
Tính đến sáng 29 tháng Tư con số thương vong được ghi nhận là 4,500 người. Tuy nhiên, các giới chức chính quyền lo ngại con số thương vong có thể lên đến 10,000 người.
Tâm chấn của trận động đất nằm cách thủ đô Kathmandu 80 km về phía tây bắc. Trận động đất này đã lật nhào một ngôi đền 100 năm tuổi, chia cắt các trục lộ giao thông, và san bằng nhiều nhà cửa của dân chúng và các tòa nhà.
Trong số những nơi bị thiệt hại có cả tháp Dharahara, một di tích quốc gia, được xây dựng bởi hoàng gia Nepal từ những năm 1800. Các quan chức ước tính ít nhất 50 người bị mắc kẹt bên trong các cấu trúc bị đổ sập.
Các trận động đất đã gây tuyết lở ở vùng núi Everest của dãy Hi Mã Lạp Sơn và chấn động có thể cảm thấy tận thủ đô New Delhi của nước láng giềng Ấn Độ.
Đài phát thanh Vatican đã có cuộc đàm thoại với Cha Piô Perumana, một nhân viên cứu trợ của Caritas Nepal ở Kathmandu. Cha Perumana nói khu vực nhà dân chật cứng ở trong thành phố đã bị sụp đổ và những người sống sót cần được chăm sóc y tế khẩn cấp cũng như những nơi cư trú tạm.
“Tôi tìm mọi cách và cuối cùng cũng đến được Kathmandu, mặc dù những con đường đã bị chặn … họ vẫn đang tìm kiếm người sống sót. Các báo cáo sẽ vẫn tiếp tục được gởi đến … Tình hình thiệt hại cụ thể vẫn chưa rõ ràng,”
Đây là trận động đất thứ hai tồi tệ nhất của Nepal kể từ năm 1934, khi một trận động đất 8.0 độ richter đã phá hủy một lúc ba thành phố là Kathmandu, Patan và Bhaktapur.
7. Giáo phận Kathmandu tường trình: thương vong có thể lên đến 10,000 người, 7 triệu người vô gia cư
Đức Giám Mục Paul Simick của Kathmandu cho biết đó trận động đất ngày 27 tháng 4 tạo ra “một cảnh rất là đáng sợ” ở thủ đô của Nepal.
Đức Cha Simick là giám mục Công Giáo duy nhất ở Nepal nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là ngài “thấy nhà cửa rơi xuống như những lá bài trong một bộ bài” và dân chúng “chạy theo mọi hướng để thoát thân.”
Đức Cha cho biết ngài đã chạy ra khỏi văn phòng của ngài tay chân run rẩy và những chấn động sau cơn địa chấn vẫn tiếp tục làm người dân thành phố kinh hoàng. Cho đến nay, hàng trăm ngàn người đang tìm mọi cách di chuyển khỏi thành phố vì 7 triệu người lâm vào cảnh vô gia cư và mùi tử thi ở khắp mọi nơi.
Đức Cha xin mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân và những người sống sót đang đau buồn và biết bao nhiêu người lâm vào cảnh vô gia cư.
Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm đã cứu trợ cấp thời 100,000 Euros và còn tiếp tục gởi thêm trong những ngày sắp tới.
Vài ngày trước khi xảy ra trận động đất hôm thứ Bẩy 25 tháng Tư đã có những dấu hiệu cho thấy thiên tai này sẽ xảy đến nhưng guồng máy chính quyền tê liệt vì khủng hoảng chính trị đã không làm gì để làm giảm bớt thiệt hại.
8. Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Ý trước thảm hoạ 850 thuyền nhân chết trên đường vượt biên từ Lybia sang Ý
Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ước tính 850 thuyền nhân đã chết trên một con tàu quá tải bị lật ngoài khơi Lybia hôm Chúa Nhật 19 tháng Tư. Con tàu chở khoảng 900 người chỉ còn 28 người sống sót đã được hải quân Ý kéo vào bờ hôm thứ Ba 21 tháng Tư.
Đứng trước thảm họa nhân đạo này, Tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Ý nói “tất cả các mọi khả năng phải được thực hiện, tất cả các giải pháp phải được xem xét” để ngăn chặn sự tái phát các thảm họa tương tự
Theo Đức Giám Mục Nunzio Galantino vấn đề di cư bất hợp pháp không thể được giải quyết trong một bước duy nhất. Ngài đả kích sự phụ thuộc vào những đề nghị phiến diện hay cực đoan được đưa ra bởi một số chính trị gia và báo giới Ý, chẳng hạn như việc tiêu hủy các thuyền bè chở lậu người vào Ý để ngăn chặn không để chúng được sử dụng lần nữa cho việc chuyên chở người tị nạn trên những hành trình nguy hiểm về phía châu Âu.
Đức Cha Galantino nói:
“Tôi hy vọng các giải pháp được đề ra không phải là hoa trái của lòng hận thù, hoặc tệ hơn nữa, người ta muốn mua phiếu của cử tri từ bi kịch này”.
Các giám mục Ý nói rằng chỉ một mình nước Ý không thể nào thu nhận nổi làn sóng những người nhập cư đang ngày càng đông đảo theo sau những cuộc chiến đang diễn ra tại Trung Đông.
9. Đức Thánh Cha tiếp 120 thành viên Quỹ Gioan Phaolô 2
Sáng ngày 25 tháng Tư 4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến và khích lệ các thành viên và thân hữu của Quỹ Gioan Phaolô 2.
Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có Đức Hồng Y Stanislaw Rylko người Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân.
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha cám ơn “các sáng kiến có tính chất giáo dục do Quỹ Gioan Phaolô 2 dành cho giới trẻ, qua đó Quỹ góp phần làm cho đoàn sủng và tình phụ tử của thánh Gioan Phaolô 2 tiếp tục mang lại nhiều thành quá. Quỹ cũng cống hiến cho các linh mục và giáo dân cơ hội được huấn luyện, được chuẩn bị hơn để tháp tùng các cộng đoàn, trong việc đương đầu với các thánh đố văn hóa và mục vụ thời nay.”
Sau cùng, Đức Thánh Cha không quên nhắn nhủ các thành viên của Quỹ Gioan Phaolô 2 “sống tình liên đới với nhau, luôn nuôi dưỡng tình liên đới vằng tình huynh đệ Kitô, và bằng kinh nguyên, tinh thần ngoan ngoãn đối với Lời Chúa”.
Quỹ Gioan Phaolô 2 là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận, được thành lập với sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng ngày 16-10 năm 1981 với mục đích hỗ trợ và thực hiện các dự án giáo dục, khoa học, văn hóa, tôn giáo và bác ái có liên hệ tới triều đại của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2. Quỹ này cũng có mục đích bảo tồn và phát huy gia sản tinh thần của Đức Gioan Phaolô 2 và văn hóa Kitô, thiết lập các tài liệu và nghiên cứu về triều đại Giáo Hoàng và phổ biến giáo huấn của Đức Gioan Phaolô 2. Cho đến nay Quỹ cấp đã cấp học bổng cho hơn 700 sinh viên Đông Âu, trong số này 3 người đã trở thành giáo sư và 67 người đạt bằng tiến sĩ.
10. Vatican tổ chức xổ số lần thứ 2 làm việc nghĩa
Phủ Thống đốc quốc gia thành Vatican tổ chức xổ số lần thứ 2 vào ngày 30-6 tới đây để hỗ trợ các hoạt động bác ái của Đức Thánh Cha.
Lần đầu đã diễn ra vào ngày 8 tháng Giêng năm nay. Toàn bộ số tiền do việc bán vé số mang lại đã được chuyển cho Sở Từ Thiện của Đức Thánh Cha. Lô độc đắc hồi đó là một xe Fiat Panda do hãng này tặng cho ngài. Ngoài ra có 30 lô trúng khác. Theo một nguồn tin từ Vatican cho biết đã có 27,920 vé số được bán ra hồi năm ngoái, mỗi vé 10 Euro, và số tiền bán được vào khoảng 279,200 Euro.
Lần xổ số thứ hai này có hơn 40 lô là những quà tặng Đức Thánh Cha đã nhận được. Ví dụ lô độc đắc là chiếc xe hơi Kia Soul người ta đã tặng cho ngài trong cuộc viếng thăm Hàn Quốc hồi tháng 8 năm ngoái. Mỗi vé số được bán với giá 10 Euro giống như lần trước. Vé được bán tại một số nơi trong Nội thành Vatican như Bảo tàng viện, Văn phòng bán tem và tiền sưu tập, v.v. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Ông Diego Ravelli, Chánh văn phòng tại Sở từ thiện của Đức Thánh Cha cho biết Đức Thánh Cha đã cám ơn sự tham gia rộng rãi của nhiều người trong đợt sổ số lần đầu tiên. Trong tháng 3 vừa qua, Sở Từ Thiện này đã dành hơn 300 ngàn Euro để giúp đỡ người nghèo.
Mặt khác, một buổi hòa nhạc hỗ trợ các hoạt động bác ái của Đức Thánh Cha cũng sẽ được tổ chức tại Đại thính đường Phaolô 6 vào ngày 14 tháng 5 tới đây, lễ Chúa Lên Trời. Buổi hòa nhạc được sự bảo trợ của Sở từ thiện của Đức Thánh Cha, Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, Hội đồng Tái Truyền giảng Tin Mừng, và Ngân Quỹ thánh Mathêu tưởng niệm Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.
11. Đức Thánh Cha ca ngợi thành quả của các Giám Mục Lesotho và Namibia
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ niềm vui trước “sự hưng thịnh của đức tin Kitô giáo” ở Lesotho và Namibia, khi ngài gặp các Giám Mục hai quốc gia này hôm thứ Sáu 24 tháng Tư.
Trong thông điệp được in sẵn và phát cho các giám mục hai quốc gia này nhân các vị kết thúc cuộc hành hương ad limina viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đã nói về những thành tựu to lớn của Giáo Hội tại Namibia và Lesotho, bao gồm các trường học, các trạm y tế, và các bệnh viện thuộc quyền quản lý của Giáo Hội Công Giáo.
Đức Thánh Cha nói:
“Tôi khuyến khích anh em tiếp tục ủng hộ và nuôi dưỡng những ơn phước lớn lao này, thậm chí khi các nguồn tài nguyên khan hiếm vì Chúa đã hưá sẽ không quên chúc lành cho chúng ta.”
Đức Giáo Hoàng đã lưu ý một vài vấn đề đặc biệt mà Giáo Hội ở hai nước này phải đối đầu trong đó có sự lây lan của AIDS và tình trạng căng thẳng của nhiều gia đình mà vì công ăn việc làm các thành viên phải đi xa nhà.
“Tôi ghi nhận sự vất vả của anh em trong nỗ lực thúc đẩy cuộc sống gia đình khi đối mặt với những quan điểm lệch lạc đang nổi lên trong xã hội đương đại.”
Lesotho có 1.95 triệu dân trong đó có 980,000 người Công Giáo, tức là gần 50% dân số, sinh hoạt trong một tổng giáo phận và 3 giáo phận. Namibia có 2.2 triệu dân trong đó có 380,000 người Công Giáo, tức là 17.2% dân số sinh hoạt trong một tổng giáo phận và hai miền Giám Quản Tông Tòa. Người Tin Lành chiếm 50% và đạo thờ vật linh chiếm 10%.
12. Nhiều quốc gia đang sợ phải thừa nhận tội ác diệt chủng Armenia vì ‘những hậu quả pháp lý’
Tham dự buổi lễ tưởng niệm 100 năm cuộc diệt chủng người Armenia diễn ra tại thủ đô Yerevan, Đức Hồng Y Bechara Rai là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite nói rằng nhiều quốc gia đang sợ phải thừa nhận tội ác diệt chủng Armenia vì “họ sợ những hậu quả pháp lý”.
Trong một tuyên bố đưa ra từ Yerevan, Armenia, được thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc công bố hôm 24 tháng Tư, Đức Thượng Phụ nói rằng điều quan trọng là phải nhận biết sự thật về nạn diệt chủng người Armenia “để tránh lặp lại những cuộc diệt chủng khác.” Trước khi đến Yerevan, Đức Thượng Phụ đã tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên nhận trách nhiệm đối với các chiến dịch đã giết chết khoảng 1.5 triệu người Armenia.
Giáo Hội Armenia Tông Truyền công nhận tất cả các nạn nhân diệt chủng là các vị tử đạo trong một buổi lễ ở Yerevan thu hút một số các nhà lãnh đạo từ các Giáo Hội Kitô khác, bao gồm Đức Thượng Phụ Tawadros Đệ Nhị của Chính Thống Giáo Coptic, Đức Thượng Phụ Chính Thống Syria Ignatius Ephrem Đệ Nhị và Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo.
13. Tổng thống Barack Obama hoan nghênh quan điểm của Đức Giáo Hoàng về vụ diệt chủng người Armenia
Một thế kỷ sau khi cuộc diệt chủng người Armenia bắt đầu vào năm 1915, Tổng thống Barack Obama đã ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng “những người Armenia trong Đế quốc Ottoman đã bị trục xuất, bị tàn sát, và buộc phải đi bộ cho đến chết.”
“Giữa bối cảnh bạo lực khủng khiếp đó là sự đau khổ của tất cả các bên, và cái chết của một triệu rưỡi người Armenia. Chúng tôi hoan nghênh sự bày tỏ quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các nhà sử học Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, và nhiều người khác nữa đã tìm cách làm sáng tỏ chương đen tối này của lịch sử.”
Tuy nhiên, Ủy ban Quốc gia Hoa Kỳ về Armenia chỉ trích tổng thống là không dám sử dụng từ “diệt chủng” trong tuyên bố của ông.
14. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Cộng Hòa Tiệp
Hôm thứ Sáu 24 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống Milos Zeman của Cộng Hòa Tiệp, nhân dịp kỷ niệm 25 năm khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Tiệp và Tòa Thánh.
Một tuyên bố ngắn gọn của Tòa Thánh sau cuộc gặp gỡ cho thấy Đức Thánh Cha đã nói chuyện với nhà lãnh đạo Cộng Hòa Tiệp về sự hợp tác giữa Giáo Hội và nhà nước trong các lãnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội. Hai vị cũng đề cập đến các vấn đề quốc tế, với sự nhấn mạnh đặc biệt vào hoàn cảnh của người Kitô giáo và các tôn giáo thiểu số khác ở Trung Đông.
Cộng Hòa Tiệp có 10.7 triệu dân trong đó chỉ có 10.7% là người Công Giáo sinh hoạt trong 2 tổng giáo phận, 6 giáo phận và 1 giáo phận Công Giáo nghi lễ Đông Phương. Làn sóng vô thần tăng nhanh tại Tiệp với hơn 37% dân số coi mình là người vô thần.
15. Đức Giáo Hoàng được tin là sắp phê bình hàng giáo phận Á Căn Đình về thái độ trong thời kỳ độc tài quân sự
Angela Boitano, chủ tịch Hiệp hội “Thân nhân của những người mất tích” Á Căn Đình, người vừa được gặp Đức Thánh Cha cho biết là Đức Thánh Cha đã ra lệnh mở Văn Khố Vatican để làm sáng tỏ các hoạt động của Giáo Hội trong thời kỳ chế độ độc tài quân sự Á Căn Đình, tức là từ 1976 đến 1983.
Bà Angela Boitano nói rằng một tuyên bố phê bình thái độ của hàng giáo phẩm Á Căn Đình trong thời kỳ chế độ độc tài quân sự đang được chuẩn bị.
Đức Giáo Hoàng từng là bề trên tổng quyền dòng Tên Á Căn Đình từ năm 1973 đến năm 1979.
16. Đức Thánh Cha liên đới với Giáo Hội Chính Thống Ethiopia
Đức Thánh Cha bày tỏ kinh hoàng và đau buồn sâu đậm vì vụ 28 tín hữu Chính Thống Ethiopia bị nhóm Hồi giáo cực đoan ở Lybia giết hại hôm 19 tháng 4.
Đức Thánh Cha viết trong điện văn ngày 20 tháng 4 gửi đến Đức Thượng Phụ Abuna Matthias, Giáo Chủ Chính Thống Ethiopia như sau:
Tôi rất kinh hoàng và đau buồn khi hay tin bạo lực lại xảy ra cho các tín hữu Kitô vô tội tại Lybia. Tôi biết Đức Thượng Phụ rất đau khổ vì những hành vi tàn bạo mà nạn nhân là các tín hữu yêu quí của Đức Thượng Phụ, họ bị giết chỉ vì là môn đệ của Chúa Giêsu Cứu Thế của chúng ta. Tôi bày tỏ tình liên đới rất sâu đậm với Đức Thượng Phụ và sự gần gũi của tôi trong kinh nguyện đứng trước cuộc tử đạo liên tục giáng xuống một cách tàn bạo trên các tín hữu Kitô tại Phi châu, Trung Đông và một số miền ở Á châu.
Không có sự khác biệt nào giữa các tín hữu Kitô, Coptic, Chính Thống hay Tin Lành. Máu của họ đều giống nhau trong sự tuyên xưng Chúa Kitô! Máu của các anh chị em Kitô chúng ta là một chứng tá kêu gào để được sự lắng nghe của tất cả những người chưa biết phân biệt giữa thiện và ác. Và tiếng kêu này phải được lắng nghe, nhất là những người nắm vận mạng của các dân tộc.
Và Đức Thánh Cha nhận định rằng:
Trong thời kỳ này, chúng ta đầy tràn niềm vui Phục Sinh của các môn đệ mà các phụ nữ đã loan báo cho họ “Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết”. Năm nay, niềm vui của chúng ta không giảm bớt, nhưng bị lu mờ vì đau khổ. Tuy nhiên chúng ta biết rằng cuộc sống chúng đang sống trong tình yêu thương từ bi của Thiên Chúa mạnh hơn sự đau khổ mà tất cả các tín hữu Kitô đang phải chịu, một sự đau khổ liên kết những người nam nữ thiện chí thuộc mọi truyền thống tôn giáo.”
“Với tâm tình chia buồn sâu đậm, tôi trao đổi với Đức Thượng Phụ vòng tay ôm hòa bình trong Đức Kitô, Chúa chúng ta”.
Theo Đài phát thanh Đức (Deutsche Welle) và báo trực tuyến “Phóng viên” (Reporter) của Ethiopia, cái gọi là “Nhà nước hồi giáo” IS đã truyền đi trên mạng một băng Video dài khoảng 20 phút trình bày vụ chặt đầu 12 tín hữu Kitô trên một bãi biển, và 16 người khác bị bắn vào đầu tại một vùng sa mạc. Các nạn nhân ấy bị những tên lý hình trình bày là “Đồ đệ của thập giá thuộc Giáo Hội Ethiopia thù địch”. Nhóm thứ I bị nhóm Hồi giáo bắt tại một tỉnh phía đông và nhóm thứ hai ở miền nam Lybia.
Một người võ trang bịt mặt trong băng Video tuyên bố rằng “Các tín hữu Kitô phải trở lại Hồi giáo hoặc phải trả thuế đặc biệt, theo qui luật của sách Coran”.
Người ta chưa biết danh tánh 28 tín hữu Ethiopia bị giết. Theo bộ trưởng truyền thông của Ethiopia, Ông Redwan Hussein, các tín hữu ấy có là là những người di dân Ethiopia bị lực lượng Nhà Nước Hồi giáo IS bắt cóc tại Lybia. Có nhiều người Ethiopia đến nước này để tìm công ăn việc làm hoặc hy vọng sẽ vượt biên bằng đường biển để vào Âu Châu.
17. Tòa Thánh kêu gọi Phật Giáo cộng tác chống nạn nô lệ tân thời
Trong sứ điệp chúc mừng các tín hữu Phật giáo nhân ngày lễ Vesakh, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn mời gọi tín đồ hai tôn giáo cộng tác để bài trừ nạn nô lệ mới.
Đối với tín đồ Phật giáo nguyên thủy, lễ Vesakh kính nhớ các biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Phật như đản sinh, thành đạo, viên tịch và nhập niết bàn. Năm nay lễ này được cử hành vào ngày 1-6 tới đây. Tại các nước theo Phật giáo Đại Thừa, như Việt Nam, Đại Hàn và Trung Quốc, các biến cố trên đây được mừng vào những ngày khác nhau.
Trong sứ điệp, công bố hôm 20 tháng 4, Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và vị Tổng thư ký của Hội đồng là cha Miguel Ángel Ayuso Guixot, nhắc đến sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Hòa Bình thế giới đầu năm 2015 này, với chủ đề “Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em với nhau”, qua đó Đức Thánh Cha nhận xét rằng mặc dù nạn nô lệ đã bị chính thức bãi bỏ trên toàn thế giới, nhưng vẫn còn “hàng triệu người – gồm trẻ em, người nam người nữ thuộc mọi lứa tuổi, – bị tước đoạt mất tự do và buộc lòng phải sống trong những điều kiện giống như nô lệ” (n.3).
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nêu một số ví dụ thời nay: nhiều người nam nữ và trẻ em lao công, người di dân bị nhiều lạm dụng về thể lý, cảm xúc và tính dục, phải chịu những điều kiện làm việc thật ô nhục; có nhiều người, trong đó có các trẻ vị thành viên phải hành nghề mại dâm, làm nô lệ tính dục, nam và nữ; có những người bị những kẻ khủng bố bắt cóc và buộc chiến đấu, không kể những người bị tra tấn, bị cắt chặt cơ phận hoặc bị giết”.
Sứ điệp của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn nhắc đến giáo huấn của Phật giáo. Trong một phần của Bát chánh đạo, Đức Phật đã tuyên bố rằng việc buôn bán các sinh vật, kể cả những người nô lệ và mại dâm, là một trong những nghề mà các phật tử không được dấn thân vào (AN 5,177). Đức Phật cũng dạy hãy tìm kiếm của cải bằng phương thế ôn hòa, lương thiện và với những phương thế hợp pháp, không cưỡng bách, bạo hành, hoặc lường gạt (Xc AN 4,47; 5,41; 8,54).
Và Đức Hồng Y Tauran kết luận rằng “Trong tư cách là Phật tử và Kitô hữu, ân cần tôn trọng sự sống con người, chúng ta phải cộng tác với nhau để chấm dứt những tệ nạn trên đây. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta vượt thắng sự dửng dưng và u mê, đảm bảo “việc cứu giúp các nạn nhân, giúp họ phục hồi về phương diện tâm lý và huấn luyện, cũng như giúp họ tái hội nhập vào xã hội nhập cư hoặc xã hội nguyên quán” (5).
Sau cùng Đức Hồng Y cầu mong việc mừng lễ Vesakh có kèm theo cố gắng mang lại hành phúc cho những người kém may mắn hơn chung ta, và là cơ hội để đào sâu cách thức cộng tác giữa các tín hữu Kitô và Phật tử, để không còn những người nô lệ nữa, nhưng là anh chị em với nhau”
18. Indonesia xử bắn 8 người bất chấp phản đối của thế giới, một người Phi thoát chết vào giờ thứ 25
Bất chấp những phản đối của Tòa Thánh, Liên Hiệp Quốc và nhiều nước trên thế giới, lúc 1 giờ sáng ngày thứ Tư 29 tháng Tư, Indonesia hay còn gọi là Nam Dương đã xử bắn tám người bị kết án vận chuyển ma túy bao gồm hai người Úc, một người Brazil, bốn người châu Phi và một người Indonesia. Cả tám người đã bị bắn chết tại nhà tù Nusakambangan.
Biểu tình đã nổ ra dữ dội tại Úc để phản đối án tử hình và chính quyền Úc đã thực hiện một chiến dịch mạnh mẽ để cứu các công dân của mình. Tuy nhiên, tổng thống Indonesia Joko Widodo, một người ủng hộ hình phạt tử hình cho những kẻ buôn ma túy, đã nhất quyết bác bỏ yêu cầu của Úc. Sáng ngày 29 tháng Tư, Úc đã rút đại sứ về nước để phản đối Indonesia.
Mary Jane Veloso, người Phi Luật Tân được chừa lại không bị bắn trong một trường hợp rất hi hữu. Bà Maria Kristina Sergio, người phụ nữ Phi Luật Tân, là người bị cáo buộc đã nhờ Veloso vận chuyển ma túy đã tự nguyện ra đầu thú hôm thứ Hai 27 tháng Tư. Sáng thứ Ba, chính phủ Phi Luật Tân đã gởi một công hàm ngoại giao “tối khẩn” cho Indonesia đừng bắn Veloso để cô ta có thể ra hầu tòa tại Phi Luật Tân trong phiên xử Sergio. Indonesia đã chấp nhận đề nghị này.
Mary Jane Veloso, 30 tuổi, là một trường hợp rất thương tâm. Là con út trong một gia đình 5 con, cô lấy chồng từ năm 17 tuổi và đã có hai con trai trước khi bị người chồng bỏ rơi. Cô sang Dubai làm người ở nhưng bị chủ nhà toan tính hiếp dâm. Cô bị bắt hồi tháng Tư năm 2010 vì tội mang 2.6kg bạch phiến vào Indonesia. Tuy nhiên, cô đã luôn khẳng định mình vô tội và cho biết đã bị bà Sergio lừa mang giúp một vali sau khi cô mất công việc tại Malaysia.
Chỉ trong 4 ngày đã có 50,000 chữ ký tại Indonesia và từ 125 quốc gia trên thế giới xin miễn án tử hình cho cô.
19. Ban Bí thư riêng của Đức Thánh Cha xin các tín hữu đừng xin dự lễ riêng của Đức Thánh Cha vì Ban không thể đáp ứng yêu cầu nữa.
Thông cáo phổ biến cho các cơ quan truyền thông Vatican ngày 21 tháng Tư vừa cho biết
Ban Bí thư riêng của Đức Thánh Cha gửi lời kính chào và xin thông báo rằng: rất tiếc vì con số những đơn xin đến từ các nơi trên thế giới quá nhiều, nên không thể đón nhận lời xin tham dự Thánh Lễ tại Nhà Nguyện nhà trọ Thánh Marta ở Vatican.
Ai muốn, có thể tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha mỗi ngày thứ tư, bằng cách xin vé tại Phủ Giáo Hoàng (Prefettura della Casa Pontificia – 00120 Città del Vaticano – Fax 06.698.85863).”
Ban Bí thư riêng mời gọi anh chị em nhớ đến Đức Thánh Cha Phanxicô trong kinh nguyện, và cầu chúc mọi điều tốt lành trong Chúa, đồng thời gửi lời chào thân ái nhất.
Cũng nên nhắc lại rằng từ khi làm Giáo Hoàng, mỗi buổi sáng Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn cử hành Thánh Lễ thường nhật dưới dạng bán chính thức tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta với sự tham dự của một nhóm tín hữu tối đa khoảng 80 người. Cuối thánh lễ, ngài thường đứng cuối nhà nguyện, bắt tay chào thăm từng người.
Hồi tháng 2-2014, trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã có nhận xét này: tham dự thánh lễ ban sáng của ngài “không phải là một cuộc dã ngoại du lịch”, nhưng cũng như mọi buổi lễ phụng vụ khác, đó là “một cuộc đi vào Mầu Nhiệm Thiên Chúa”
20. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong Tháng Năm
– Ý chung: Cầu cho chúng ta biết khước từ nền văn hoá của sự thờ ơ, để quan tâm đến những nỗi thống khổ của tha nhân, nhất là những người bệnh tật và nghèo khó.
– Ý truyền giáo: Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, xin cho các Kitô hữu đang sống trong các bối cảnh thế tục, luôn sẵn sàng để rao giảng về Đức Giêsu.
Nguồn: Vietcatholic News