Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 22 – 28/12/2016: Lễ Giáng Sinh ở những điểm nóng trên thế giới

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 22 – 28/12/2016: Lễ Giáng Sinh ở những điểm nóng trên thế giới

1. Giáng Sinh tại Pháp và Đức

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Quý vị và anh chị em vừa theo dõi một đoạn trong thánh lễ nửa đêm Giáng Sinh tại nhà thờ chính tòa Notre Dame de Paris do Đức Cha Thibault Verny chủ sự. Ngài vừa được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá cho Đức Hồng Y André Vingt-Trois của tổng giáo phận Paris hôm 27 tháng 6 vừa qua.

Theo thông tấn xã KTO của Công Giáo Pháp, thánh lễ đã diễn ra với sự canh phòng cẩn mật của một lực lượng đông đảo quân đội và cảnh sát.

Cảnh sát Pháp đã tuần tra canh gác cẩn mật tại 2,400 nhà thờ và các dinh thự tôn giáo khác, theo sau các vụ khủng bố trong năm 2016, trong đó phải kể đến vụ khủng bố Hồi Giáo cắt cổ cha Jacques Hamel tại nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray ở phía Tây Bắc Paris.

Hơn 90,000 nhân viên cảnh sát và các lực lượng chống khủng bố của quân đội đã tham gia vào việc bảo vệ an ninh trong mấy ngày lễ vừa qua.

Trong khi đó, tại nhà thờ chính tòa thành phố Köln, bên Đức, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki và các Giám Mục phụ tá đã cử hành thánh lễ nửa đêm dưới sự canh phòng nghiêm nhặt của cảnh sát theo sau biến cố khủng bố tại một khu chợ Giáng Sinh tại Berlin giết chết 12 người và làm 49 người khác bị thương.

Nhà thờ chính tòa thành phố Köln đã được đặc biệt chú ý vì trong những năm liên tiếp vừa qua nhiều vụ rắc rối đã xảy ra tại đây. Ngay trong thánh lễ đêm Giáng Sinh năm 2013, một phụ nữ thuộc nhóm nữ quyền quá khích Femen đã cởi quần áo nhảy lên bàn thờ trước thánh lễ. Một vụ rắc rối khác đã xảy ra sau thánh lễ giao thừa ngày 31 tháng 12, 2015 khi một nhóm các phụ nữ, đa số là người Công Giáo, tụ tập xem pháo hoa đã bị một nhóm các tên côn đồ người Ả rập sách nhiễu tình dục.

2. Tổng thống Syria Bashar Al-Assad mừng lễ Giáng Sinh với các nữ tu

Chúa Nhật Giáng Sinh 25 tháng 12, Tổng thống Syria là ông Bashar Al-Assad, đã cùng với vợ và các con đến thăm một ngôi làng Kitô giáo lâu đời tại Saydnaya, là một vùng ven ở phía Bắc thủ đô Damascus.

Các vị khách đã tham dự thánh lễ Giáng Sinh với các nữ tu trong tu viện Saydnaya và cộng đoàn Công Giáo địa phương.

Sau thánh lễ, tổng thống Assad và gia đình đã chào đón hàng trăm người dân trong vùng và cùng dự bữa tiệc Giáng Sinh chung với anh chị em giáo dân và các nữ tu, trước khi đi một vòng quanh làng để thăm hỏi dân chúng và chúc mừng Giáng Sinh.

Năm ngoái, ông Assad và gia đình cũng đã mừng Giáng Sinh tại thị trấn Ma’aloula vừa được giải phóng. Ma’aloula là một thị trấn Kitô lâu đời của Syria.

Trong khi đó tại Aleppo, các tín hữu Kitô đã dựng một cây thông Giáng Sinh khổng lồ, lấp lánh ánh đèn, sáng choang một vùng. Lần đầu tiên sau năm năm nội chiến, người ta mới thấy được quang cảnh tưng bừng như thế. Niềm vui dâng trào trong các cộng đoàn Kitô vì hòa bình xem ra đang quay trở lại sau khi quân chính phủ kiểm soát được hoàn toàn thành phố này vào tuần trước.

Sự sụp đổ của quân phiến loạn ở miền Đông Aleppo là chiến thắng lớn nhất của quân chính phủ trong cuộc nội chiến gần sáu năm qua tại Syria.

Tuy nhiên, sự thất bại của phiến quân cũng đã mang lại những khó khăn nghiêm trọng cho những thường dân di tản khỏi khu vực do quân nổi dậy chiếm giữ trong nhiều năm qua. Hàng ngàn người đã bị buộc phải cắm trại ở những nơi hoang dã dưới tuyết. Các nhóm cứu trợ cho biết nhiều người đang trong tình trạng nguy hiểm và nhiều trẻ em đã chết vì thời tiết mùa đông khắc nghiệt.

Tại nhà thờ Thánh Elias, các linh mục đã cầu nguyện cho hòa bình trong đêm Giáng Sinh đầu tiên được cử hành tại ngôi thánh đường này trong năm năm qua. Ngôi nhà thờ cổ kính này bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh vì nằm ngay tuyến đầu trong suốt thời gian chiến tranh vừa qua.

Nhắc tới Syria trong thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi, Đức Thánh Cha nói:

Hòa bình cho những người nam nữ ở các vùng đất bị chiến tranh tàn phá của Syria, nơi quá nhiều máu đã đổ ra. Trên tất cả là ở thành phố Aleppo, địa điểm xảy ra các trận đánh khủng khiếp nhất trong những tuần gần đây, điều cấp thiết nhất là các trợ giúp và hỗ trợ cần phải được bảo đảm đến được với người dân đang kiệt quệ, luật nhân đạo phải được tôn trọng. Đây là thời điểm mà vũ khí cần phải bị câm nín mãi mãi, và cộng đồng quốc tế phải tích cực tìm kiếm một giải pháp thương thảo, sao cho việc chung sống dân sự có thể được phục hồi ở quốc gia này.

3. Cảnh sát Nam Dương mở cuộc tấn công chống lại các mưu toan khủng bố trong lễ Giáng Sinh tại Jakarta

Cảnh sát Nam Dương đã giết chết ba nghi can khủng bố trong một cuộc đột kích vào ngày 21 tháng 12.

Các quan chức nói rằng cuộc đột kích của cảnh sát là một phần trong kế hoạch phòng ngừa một mưu toan khủng bố các nhà thờ tại Jakarta, thủ đô của Nam Dương. Hàng chục người khác cũng đã bị bắt giữ trong các cuộc hành quân của cảnh sát.

Cảnh sát đã tỏ ra thẳng tay với các thành phần Hồi Giáo cực đoan sau khi Hội Đồng Hồi Giáo Tối Cao Indonesia (Indonesian Ulema Council) tung ra một Fatwa, nghĩa là một sắc lệnh của Hồi Giáo, cấm mọi trang phục Giáng Sinh.

Tướng Tito Karnavian, tư lệnh cảnh sát Nam Dương nói Fatwa này “không có cơ sở pháp lý và cả cảnh sát lẫn người dân không cần phải coi nó như là một luật phải thi hành”. Sau khi Hội Đồng Hồi Giáo Tối Cao Indonesia tung ra Fatwa này, làn sóng cực đoan đã gia tăng. Tướng Tito khẳng định rằng cảnh sát Nam Dương sẽ không để cho biến cố khủng bố đêm Giáng Sinh năm 2000 có thể tái diễn. Trong biến cố bi thảm này, hàng chục nhà thờ Kitô đã bị đốt phá và 18 người đã bị giết trong đêm 24/12/2000.

4. Buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha dành cho các viên chức làm việc tại Tòa Thánh

Sau buổi gặp gỡ chúc mừng Giáng Sinh giữa Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma tại điện Clêmentê từ 10h30 đến 11h30 sáng thứ Năm 22 tháng 12, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các nhân viên làm việc tại Vatican trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục.

Thể hiện tâm tình tri ân các viên chức làm việc tại Tòa Thánh, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi cám ơn mỗi một người trong anh chị em vì các nỗ lực hàng ngày trong công việc và những cố gắng của anh chị em để thực hiện tốt những công việc đó”.

Đức Thánh Cha bày tỏ sự vui mừng có dịp gặp gỡ với các nhân viên cùng với gia đình của họ. Ngài yêu cầu họ chuyển lời chào của ngài đến con em của họ, những người cao niên và những người đau yếu.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

“Công ăn việc làm là điều cực kỳ quan trọng, cho cả người lao động và gia đình của người ấy ấy”. Ngài nhấn mạnh thêm là công việc tại Vatican còn đặc biệt quan trọng hơn vì qua công việc ấy, anh chị em có cơ hội cổ vũ các giá trị của Tin Mừng. Thành ra, công việc này phải được thực hiện phù hợp với giáo huấn xã hội của Giáo Hội. “Tôi không muốn những công việc không phù hợp với điều đó, tôi không muốn thấy những công việc bất hợp pháp, và những công việc có chút gian lận.”

5. Đức Hồng Y Peter Turkson đề cập đến nhu cầu phải có một thông điệp mới về hòa bình

Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cho rằng một thông điệp mới của Đức Thánh Cha về hòa bình là điều rất cần thiết ngày nay.

Đức Hồng Y Turkson người Ghana, đã được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Phát triển nhân bản toàn diện, một cơ quan sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1-1-2017 và bao gồm 4 Hội đồng Tòa Thánh là: Công lý và Hòa bình, mục vụ di dân, mục vụ các nhân viên y tế, và Cor Unum (Đồng Tâm).

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Áo, Kathpress, hôm 19-12-2016, Đức Hồng Y Turkson nhắc lại rằng Thông điệp về Hòa Bình liền trước đây đã được ban hành cách đây 53 năm, tức là Thông điệp “Hòa bình dưới thế” (Pacem in terris) do Thánh Gioan 23 Giáo Hoàng công bố năm 1963, trong bối cảnh thế giới bị chiến tranh hạt nhân đe dọa. Ngày nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về một “thế chiến từng mảnh”. Đức Hồng Y nói rằng “Cơ quan của ngài chỉ có thể chuẩn bị một thông điệp theo lệnh của Đức Thánh Cha”.

Theo Đức Hồng Y Turkson, một đối tượng khác của thông điệp có thể là vấn đề di dân. Đây cũng là một đề tài lớn mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô quan tâm và ngài đã đích thân đảm nhận phân bộ di dân trong Bộ tân lập về việc phát triển nhân bản toàn diện.

Trả lời câu hỏi: liệu trong năm 2017 tới đây Đức Giáo Hoàng sẽ công bố thông điệp mới về một trong hai đề tài vừa nói hay không, Đức Hồng Y Turkson đáp: Đức Giáo Hoàng có thể ban hành thông điệp bất kỳ khi nào, nhưng điều nên đề nghị là cần giữ một khoảng cách giữa các văn kiện của Đức Giáo Hoàng: các văn kiện này cần thời gian để được đón nhận và hấp thụ. Đức Giáo Hoàng không viết các văn kiện để đặt trên các kệ sách. Ngài muốn thông truyền và thi hành một sứ điệp.

Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố thông điệp Lumen fidei (Ánh sáng đức tin) vào năm 2013, Văn kiện này được vị tiền nhiệm Biển Đức 16 chuẩn bị trước đó để kết thúc Năm Đức Tin. Tiếp đến là thông điệp “Laudato sì” năm 2015 về việc bảo vệ thiên nhiên là căn nhà chung của nhân loại. Năm 2013, ngài công bố Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui Phúc Âm) về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, và hồi tháng 4 năm nay (2016) ngài công bố Tông huấn Amoris laetitia (Niềm vui yêu thương) về gia đình.

6. Trong thông điệp Giáng Sinh, các nhà lãnh đạo Giáo Hội cầu xin cho hòa bình ở Thánh Địa

Trong một thông điệp Giáng Sinh chung, các nhà lãnh đạo của các cộng đoàn Kitô tại Thánh Địa Giêrusalem và toàn vùng Trung Đông đã khuyến khích các chính trị gia trên thế giới hướng đến “những con đường hòa bình và hòa giải”.

Thông điệp viết:

Giáng Sinh mang lại “lời hứa về đời sống phong phú: một cuộc sống không có sự xa lánh, không có băng hoại đạo đức, và ghẻ lạnh với nhau.”

Các ngài nói thêm: “Lời công bố của các thiên thần khi Ngôi Hai nhập thể phá vỡ các bức tường của sợ hãi, nghi kỵ và giam cầm. “

Các nhà lãnh đạo của các cộng đồng Kitô tại Thánh Địa bày tỏ đau buồn trước những đau khổ lâu dài của người dân trong vùng, và dâng lời cầu nguyện đặc biệt cho các trẻ em tại Trung Đông.

Các vị viết tiếp:

“Chúng tôi cầu nguyện để lời loan báo tin vui Chúa Giáng Sinh sẽ được nghe thấy trên các thành phố Aleppo và Mosul, và hòa bình có thể quay trở lại trên các đường phố và các khu phố để tất cả mọi người có thể quay trở về quê hương của họ và có thể sống trong sự yên hàn và bình an.

Thông điệp này được ký kết bởi mười ba nhà lãnh đạo Kitô giáo đại diện cho các cộng đồng địa phương của Công Giáo, Chính thống giáo, Anh giáo, và Tin Lành Lutheran.

7. Chính sách quảng đại và khoan dung đối với người tị nạn tại Âu Châu chịu thử thách nặng nề sau vụ tân công khủng bố tại Berlin

Ngay sau khi vụ khủng bố tại Berlin diễn ra vào tối thứ Hai 19 tháng 12, trong một hành động nhanh chóng đến mức đáng kinh ngạc, các nhóm cực hữu và một đảng có khuynh hướng quốc gia đã tung ra một cuộc tấn công tàn bạo đổ lỗi cho thủ tướng Đức Angela Merkel về những gì đã xảy ra.

Frauke Petry, Đồng Chủ Tịch của đảng Alternative für Deutschland (Lựa chọn khác cho nước Đức) nói:

“Dưới chiêu bài giúp đỡ mọi người Merkel đã hoàn toàn bán đứng an ninh quốc nội của chúng ta”.

Người Đức ngày càng tỏ ra thận trọng hơn sau hai cuộc tấn công do người tị nạn gây ra vào mùa hè năm ngoái đã được bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm. Năm người đã bị thương trong một vụ tấn công bằng rìu trên một chuyến tàu gần Wuerzburg và 15 người khác bị thương trong một vụ đánh bom bên ngoài một quán bar ở Ansbach, cả hai đều diễn ra ở bang Bayern, miền Nam nước Đức. Cả hai kẻ tấn công đều bị thiệt mạng.

Những cuộc tấn công này và những rắc rối khác không liên quan gì đến chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã đóng góp vào tình trạng căng thẳng ở Đức sau khi 890,000 người di cư được nhận vào quốc gia này trong năm qua.

Trong những báo cáo đầu tiên, người ta nghi ngờ một người tị nạn Pakistan là kẻ đã gây ra vụ tấn công khủng bố tại Berlin. Trong tuyên bố trên đài truyền hình, bà Merkel, dù đã chịu áp lực rất lớn về dòng người di cư lũ lượt vào Đức, đã quyết định đương đầu với khả thể là một người tìm kiếm tự do tại Đức đã gây ra cuộc tàn sát này.

Bà nói:

“Tôi biết rằng thật rất là khó khăn cho tất cả chúng ta nếu việc này được xác nhận là gây ra bởi một người đã xin được bảo vệ và được tị nạn ở Đức”

“Điều này sẽ thật buồn đối với nhiều người, với rất nhiều người Đức đã làm việc mỗi ngày để giúp người tị nạn và cho những người thực sự cần sự giúp đỡ của chúng ta và đang nỗ lực để hội nhập vào đất nước chúng ta.”

“Mười hai người vẫn còn ở giữa chúng ta ngày hôm qua, những người đã mong đón Giáng sinh, những người đã có kế hoạch cho những ngày nghỉ. Họ không còn sống giữa chúng ta nữa. Một hành động khủng khiếp và thực tình không thể hiểu nổi đã cướp đi mạng sống của họ.”

Nay thì cảnh sát Đức tin rằng thủ phạm vụ tấn công tại Berlin là Anis Amri, 24 tuổi, cảm tình viên của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Y đã bị cảnh sát Italia bắn chết trong một cuộc đọ súng với cảnh sát ở ngoại ô Milan vào sáng sớm hôm 23 tháng 12.

8. Giáo Hội thành công trong nỗ lực trung gian hòa giải tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo

Hôm 23 tháng 12, thông tấn xã Reuters đưa tin Giáo Hội Công Giáo tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo đã đạt được một thỏa thuận bất ngờ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đã dẫn đến bạo động kinh hoàng giữa những người ủng hộ Tổng thống Joseph Kabila và các nhà lãnh đạo đối lập.

Quốc gia tại miền Trung châu Phi đã trải qua một giai đoạn khủng hoảng chính trị vì tổng thống nước này tham quyền cố vị. Tổng thống Joseph Kabila hết nhiệm kỳ vào ngày thứ Hai 19 tháng 12 nhưng ông tuyên bố sẽ tiếp tục nắm chính quyền và một cuộc bầu cử lại không thể được tiến hành ít nhất là cho đến sau năm 2018.

Tình trạng bất ổn – bao gồm các cuộc biểu tình và bạo động, đã diễn ra sau các cuộc buộc là tổng thống Joseph Kabila âm mưu duy trì quyền lực vô thời hạn. 34 người bị giết và hàng trăm người bị bắt giữ.

Theo thỏa thuận mới đạt được, tổng thống Kabila, là người cai trị của quốc gia từ năm 2001, sẽ ở lại chức vụ này trong vòng một năm tới nhưng không được ra tranh cử một nhiệm kỳ nào khác và cuộc bầu cử phải được diễn ra một cách dân chủ trong năm tới 2017.

9. Máu Thánh Januarius không hóa lỏng, hỏa diệm sơn gần Naples rục rịch hoạt động trở lại

Các nhà khoa học cho biết một hỏa diệm sơn ngoài khơi bờ biển của đảo Sicily, gần Naples, đã hoạt động trở lại.

Hỏa diệm sơn Campi Flegrei là núi lửa lớn hơn rất nhiều so với ngọn núi lửa Vesuvius, từng phun trào phún xuất thạch phá hủy toàn bộ thành phố cổ Pompeii. Núi lửa Campi Flegrei, một khi bùng nổ có thể gây nguy hiểm cho nhiều nước châu Âu.

Tin tức về các hoạt động núi lửa được công bố chưa đầy một tuần sau khi máu của Thánh Januarius không hóa lỏng khi được chưng bày trong nhà thờ Naples.

Thánh Januarius (hay còn được gọi là Gennariô) là giám mục thành Benevento, nước Ý và được chọn làm quan thầy của thành Naples nước này. Ngài chịu tử đạo trong cuộc bách hại dưới triều hoàng đế La Mã Diocletian vào ngày 19 tháng 9 năm 305.

Ngài bị chặt đầu cùng với các phó tế Festus, Sosius và Proculus; thầy đọc sách Desiderius và hai giáo dân Eutyches và Acutius. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sossus, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.

Một lọ máu khô của ngài được lưu trữ trong nhà thờ chánh tòa Naples. Một hiện tượng kỳ lạ không giải thích được là máu khô của ngài hóa lỏng mỗi năm ba lần: vào ngày 19 tháng 9, ngày lễ kính thánh nhân; ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, kỷ niệm di tích của ngài được rước vào nhà thờ chánh tòa Naples; và vào ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào núi lửa Vesuvius. Giáo Hội chưa từng chính thức tuyên bố đây là phép lạ, mặc dù Đức Tổng Giám Mục Naples thường xuyên chủ sự các buổi lễ tại đó và hộp đựng máu khô được đặt trên bàn thờ và phép lạ được công bố khi máu của ngài hóa lỏng.

Tuy nhiên, máu đã không hóa lỏng vào ngày 16 tháng 12 năm nay. Mặc dù, sự kiện kỳ lạ này đã xảy ra, như mong đợi, một vài tháng trước đó, vào ngày 19 tháng 9.

Nhiều cư dân của Naples tin rằng việc máu của thánh nhân không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Naples làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.

10. Các Giám mục trong Liên Hiệp Âu Châu chỉ trích các dự luật thay đổi luật tị nạn tại châu Âu

Ủy ban Hội đồng Giám mục châu Âu, với sự tham gia của Caritas Europa, dịch vụ người tị nạn dòng Tên, và bảy tổ chức Kitô giáo khác, đã công bố một tài liệu dày 11 trang chỉ trích những dự luật nhằm thay đổi luật tị nạn tại châu Âu.

Tuyên bố đưa ra hôm 21 tháng 12 cho biết:

“Theo quan điểm của chúng tôi, những dự luật này không cung cấp một hệ thống công bằng, minh bạch và hiệu quả cho người tị nạn dựa trên các chuẩn mực bảo vệ hiện hành. Ngược lại, nó có ý định hạ thấp các tiêu chuẩn bảo vệ, đùn đẩy trách nhiệm bảo vệ quốc tế cho các nước trong thế giới thứ ba, tăng cường việc sử dụng các trại giam và các biện pháp trừng phạt khác, trong khi giới hạn các kênh pháp lý”.

11. Vương quốc Hồi giáo Brunei cấm cử hành lễ Giáng Sinh.

Kitô hữu được phép cử hành lễ Giáng Sinh ở nhà riêng của họ, nhưng một đạo luật mới cấm tất cả những thể hiện bên ngoài bao gồm cả các trang trí tại các địa điểm công cộng cũng như trước tư gia. Những ai vi phạm có thể bị phạt đến năm năm tù.

Những người Hồi giáo nào gửi lời chúc mừng Giáng sinh, sử dụng cây Giáng sinh hay đèn, mặc quần áo ông già Noel, hoặc mừng lễ Giáng sinh cách này cách khác phải đối diện với án tù còn nặng hơn.

Lệnh cấm được đưa ra sau các áp lực lên chính quyền của các nhà lãnh đạo Hồi giáo. Họ lo sợ những hình thức tưng bừng của lễ Giáng sinh có thể cám dỗ người Hồi giáo bắt chước các thực hành Kitô giáo.

Brunei là một quốc gia Đông Nam Á với 416,000 dân trong đó 79% là người Hồi giáo, 9% Kitô Giáo, và 8% Phật giáo. Brunei có ba giáo xứ và 1,900 người Công Giáo.

Ngoài Brunei, còn có các quốc gia khác cấm ngặt việc cử hành lễ Giáng Sinh là Ả rập Xê-út, Bắc Hàn, Tajikistan, và Somalia.

12. Lời Chúc Mừng Giáng Sinh của Đức Thánh Cha cho một chương trình truyền hình của Ý

Đức Thánh Cha nói biến cố Giáng Sinh của Chúa Kitô lật ngược các giá trị của thế giới. Ngài đã nói như trên trong một cuộc điện đàm hôm thứ Năm 22 tháng 12 với các nhân viên trong một chương trình TV của đài RAI 1.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện qua điện thoại với các biên tập viên và những người dẫn chương trình Unomattina, một chương trình buổi sáng trên đài RAI 1. Chương trình này đang đánh dấu 30 năm hoạt động của mình.

Đức Thánh Cha đã gởi những chúc tốt đẹp của ngài đến tất cả những ai tham gia vào việc sản xuất chương trình này và chúc các khán giả “một mùa Giáng Sinh Kitô”, nghĩa là, một mùa Giáng Sinh gợi lên các tâm tình của Giáng Sinh đầu tiên, khi Thiên Chúa trở thành “nhỏ bé trong một chuồng gia súc, với những người nhỏ bé, những người nghèo, và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.”

Đức Thánh Cha nói:

“Trong thế giới này, nơi mà thần tài được tôn thờ rất nhiều, biến cố Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa giúp chúng ta biết chiêm ngắm sự bé nhỏ của vị Thiên Chúa đã lật ngược các giá trị của thế gian.”

13. Đức Thánh Cha thiết lập Ủy ban giáo hoàng để điều tra các bất hòa trong Hội Hiệp Sĩ Malta

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập một ủy ban đặc biệt để điều tra những bất hòa trong Hội Hiệp Sĩ Malta sau khi vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội đáng kính này ra quyết định sa thải vị Chưởng Ấn.

Albrecht von Boeselager, là người bị cách chức, đã dính líu vào một chương trình phân phối bao cao su tránh thai để ngăn chặn việc lây lan bệnh liệt kháng (HIV). Tuy nhiên, ông nói rằng vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội Hiệp Sĩ Malta, là Fra Matthew Festing, đã hành động vi phạm hiến pháp của hội khi ra lệnh buộc ông từ chức vì quan điểm ‘liberal’ của mình. Albrecht von Boeselager cũng nói với các ký giả là Đức Hồng Y Raymon Burke, là nhà lãnh đạo tinh thần của hội, đã tác động trực tiếp vào quyết định buộc ông ta phải bị cách chức.

Trong khi đó, vị Hiệp Sĩ Tối Cao Fra Matthew Festing nói rằng ông không có lựa chọn nào khác hơn là loại bỏ Boeselager vì một “tình huống vô cùng nghiêm trọng và không thể chấp nhận được.”

Theo điều lệ của Hội Hiệp Sĩ Malta, vị Chưởng Ấn (Chancellor) có thẩm quyền như một vị bộ trưởng ngoại giao.

Các ủy ban điều tra Vatican sẽ có năm thành viên là Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, nguyên đặc sứ của Vatican tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva; Cha Gianfranco Ghirlanda, một luật sư dòng Tên chuyên về giáo luật; và ba thành viên của các Hiệp sĩ Malta.

14. Sứ điệp Giáng sinh của Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ

Hôm 19/12, Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo của Tổng giáo phận Galveston-Houston, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, đã gửi sứ điệp Giáng sinh Video đến người Công Giáo Hoa kỳ. Trong sứ điệp, Đức Hồng Y DiNardo khuyến khích các tín hữu Công Giáo viếng các hang đá và suy tư về cách thế trao ban chính mình cho tha nhân trong Năm Mới.

Ngài viết như sau.

“Anh chị em thân mến, như các đạo sĩ và các mục đồng đi trước chúng ta, chúng ta đang làm cuộc hành trình Giáng Sinh đến nhìn xem Đấng Cứu Thế mới sinh. Cách đây hàng thế kỷ, các quà tặng vàng, nhũ hương và mộc dược đã được dâng lên Chúa Hài Đồng Giêsu. Những người thiếu thốn tình yêu của Thiên Chúa đã vui mừng về tin Người giáng sinh và dâng tặng các lễ vật của lòng biết ơn. Giáng sinh này chúng ta cũng hãy viếng các hang đá và dâng tặng lễ vật là chính bản thân chúng ta. Lễ vật này xuất phát từ những ao ước và sự tìm kiếm hòa bình lúc này và tại nơi này của chúng ta.

Chúng ta khám phá ra sự ngây thơ vô tội mỏng manh của niềm hy vọng trong đôi mắt của hài nhi mới sinh, được bọc trong khăn. Mẹ Maria và thánh Giuse chào đón niềm hy vọng trẻ trung này, vì Chúa Giêsu bày tỏ, nơi Ngôi vị của Người, lời hứa “một niềm vui vĩ đại cho tất cả muôn dân.” Ngày nay chúng ta có thể nuôi dưỡng cùng niềm hy vọng này. Chúng ta làm điều này bằng cách chào hỏi nhau trong tình yêu và bác ái, ôm ấp sự văn minh và đừng để sự khác biệt của chúng ta che mất phẩm giá và vẻ đẹp Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta là con cái của Ngài.

Cho phép tôi nói một lời đặc biệt với các anh chị em, những người thấy mình là người nhập cư và di dân vào ngày Giáng sinh. Nơi anh chị em, chúng tôi nhìn thấy sự vất vả của gia đình Thánh gia. Từ sứ thần của Thiên Chúa, Thánh Giuse đã nghe lời kêu gọi ‘hãy trỗi dậy và trốn đi’ để gìn giứ Mẹ Maria và Chúa Giêsu an toàn khỏi mọi hình thức bạo lực ở quê nhà. Giáo Hội Công Giáo Hoa kỳ đang cầu nguyện cho anh chị em và đang hoạt động để đón tiếp anh chị em như chúng tôi sẽ nên làm với Thánh gia.

Chúng ta vẫn là một dân tộc cần tình yêu của Thiên Chúa trong mùa Giáng sinh này, đặc biệt những đứa trẻ chưa chào đời của những người thất nghiệp, những người đau khổ và bệnh tật, những người cô đơn và đang than khóc. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đến trên chúng ta như Người đã che phủ Mẹ Maria trong ngày Truyền Tin để khi được tràn đầy tình yêu của Con Mẹ, chúng ta sẽ ‘công bố sự cao cả của Thiên Chúa.’ Chúc mừng Giáng sinh!”

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG