Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 22 – 28/10/2015: Tóm lược Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 22 – 28/10/2015: Tóm lược Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình

 

1. Tuyên ngôn của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Trung Đông, Phi châu và Ukraine

Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 14 lên án thảm trạng tại Trung Đông, Phi châu và Ukraine, đồng thời liên đới với dân chúng, các tín hữu và các nạn nhân tại những vùng này.

Tuyên ngôn được thông qua và công bố hôm 24-10, ngày họp cuối cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình. Văn kiện có đoạn viết:

“Từ nhiều năm nay, vì các cuộc xung đột đẫm máu hiện nay, các gia đình tại Trung Đông đang là nạn nhân của những tàn bạo chưa từng có. Hoàn cảnh sống của họ càng trầm trọng hơn trong những tháng và tuần lễ gần đây.”

Việc sử dụng các võ khí tàn sát hàng loạt, sự giết hại bừa bãi, những vụ chặt đầu, bắt cóc người, buôn bán phụ nữ, cưỡng bách trẻ em xung vào quân ngũ, bách hại vì lý do tín ngưỡng, bộ tộc, tàn phá các nơi thờ phượng, phá hủy gia sản văn hóa và vô số những hành động tàn ác khác đã bó buộc hàng ngàn gia đình phải rời bỏ gia cư, trốn chạy và tìm nơi tị nạn nơi khác, thường là trong những hoàn cảnh cực kỳ bấp bênh. Hiện nay họ bị cấm cảm không được trở về nhà và thi hành quyền của họ được sống trong phẩm giá và an ninh trên lãnh thổ của họ, góp phần vào việc tái thiết và an ninh vật chất cũng như tinh thần của đất nước họ.”

Các nghị phụ đặc biệt nhấn mạnh rằng:

“Trong bối cảnh bi thảm đó, có sự vi phạm các nguyên tắc cơ bản của phẩm giá con người và sự sống chung hòa bình và hòa hợp giữa con người và các dân tộc, các quyền sơ đẳng nhất trong đó có quyền sống và quyền tự do tôn giáo, và công pháp quốc tế về nhân đạo.

Vì thế, chúng tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với các vị Thượng Phụ, Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, cũng như với tất cả dân chúng tại Trung Đông, biểu lộ tình liên đới với họ và cam đoan cầu nguyện. Chúng tôi nghĩ đến tất cả những người bị bắt cóc và yêu cầu trả tự do cho họ. Tiếng nói của chúng tôi hiệp với tiếng kêu của bao nhiêu người vô tội: đừng bạo lực nữa, đừng khủng bố, phá hoại, bách hại nữa! Hãy chấm dứt tức khắc những sự thù địch và việc buôn bán võ khí! Hòa bình tại Trung Đông cần được tìm kiếm không phải bằng những chọn lựa áp đặt bằng võ lực, nhưng bằng những quyết định chính trị tôn trọng các đặc tính riêng về văn hóa và tôn giáo của mỗi quốc gia và những thực tại khác nhau cấu thành miền này.

Trong khi chúng tôi đặc biệt biết ơn nước Giordani, Liban, Thổ nhĩ kỳ và nhiều nước Âu Châu vì sự tiếp đón dành cho những người tị nạn, chúng tôi tái kêu gọi Cộng đồng quốc tế, gạt qua một bên những tư lợi, hãy tín nhiệm những phương tiện ngoại giao, đối thoại, công pháp quốc tế trong việc tìm kiếm các giải pháp.

Chúng tôi nhắc nhớ lời Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả những cá nhân và cộng đoàn nhìn nhận mình trong tổ phụ Abraham: “chúng ta hãy tôn trọng và yêu mến nhau như anh chị em với nhau! Chúng ta hãy học cách hiểu đau khổ của người khác! Đừng ai lạm dụng danh Thiên Chúa để thi hành bạo lực! Chúng ta hãy cộng tác với nhau cho công lý và hòa bình”! (Diễn văn tại trụ sở Đại Hội Đồng về quảng trường Đền thờ Hồi giáo, Jerusalem, 26-5-2014).

Chúng tôi xác tín rằng hòa bình là điều có thể và có thể chặn đứng những bạo lực tại Syria, Iraq, Jerusalem và toàn Thánh Địa, ngày càng gây hệ lụy cho nhiều gia đình và các thường dân vô tội, và làm cho cuộc khủng hoảng nhân đạo càng trầm trọng thêm. Sự hòa giải là thành quả của tình huynh đệ, công lý, tôn trọng và tha thứ. Ước muốn duy nhất của chúng tôi, cũng như của những người thiện chí họp thành đại gia đình nhân loại, là có thể được sống trong an bình. Ước gì “người Do thái, Kitô và Hồi giáo có thể nhận ra nơi tín hữu khác một người anh em cần tôn trọng, và cần yêu mến để nêu chứng tá thật đẹp trước tiên nơi lãnh chổ của họ về sự thanh thẩn và sự sống chung giữa các con cái của Tổ Phụ Abraham” (Ecclesia in Medio Oriente, 19).

Tư tưởng và lời cầu nguyện của chúng tôi, với cùng nỗi âu lo, ân cần quan tâm và yêu thương, được nới rộng tới tất cả các gia đình đang bị kẹt trong những tình cảnh tương tự tại các nơi khác trên thế giới, nhất là Phi châu và Ukraine. Chúng tôi đặc biệt nghĩ đến các gia đình ấy trong khi nhóm họp Thượng HĐGM này, cũng như các gia đình ở Trung Đông, chúng tôi cũng mạnh mẽ yêu cầu cho họ được trả về với một cuộc sống xứng đáng và yên hàn.

Chúng tôi phó thác các ý nguyện của chúng tôi cho Thánh Gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, đã từng chịu đau khổ, để thế giới sớm trở thành một gia đình duy nhất gồm các anh chị em!

2. Thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới

Trong thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình, Đức Thánh Cha mời gọi toàn Giáo Hội tiếp tục tiến bước noi gương lòng cảm thương của Thiên Chúa.

Sau 3 tuần làm việc căng thẳng, Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 14 về “ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay” đã kết thúc với thánh lễ 10 giờ sáng Chúa Nhật 25-10-2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Có 314 vị đồng tế với Đức Thánh Cha, gồm các nghị phụ và các linh mục dự thính viên và cộng tác viên, trong số này có 71 Hồng Y, 7 vị Thượng Phụ, 4 vị Tổng Giám Mục trưởng của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, và 174 Giám Mục, trước sự hiện diện của 8 ngàn tín hữu. Có nhiều người khác tham dự thánh lễ qua các màn hình lớn đặt tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

“Tất cả 3 bài đọc của Chúa Nhật này đều trình bày cho chúng ta lòng cảm thương của Thiên Chúa, tình phụ tử của Chúa, được biểu lộ chung kết trong Đức Giêsu.

Ngôn sứ Gêrêmia, giữa thảm họa của đất nước, loan báo Chúa đã cứu dân Ngài, phần còn lại của dân Israel (31,7).. Đoạn thư gửi tín hữu Do thái cũng trình bày cho chúng ta lòng cảm thương của Chúa Giêsu. Chúa mặc lấy những yếu đuối của chúng ta để cảm thương những người ở trong sự u mê, lầm lạc..

Đức Thánh Cha diễn giải nhiều về bài Tin Mừng kể lại Chúa Giêsu chữa lành người mù Bartimeo. Ngài nói:

“Có một chi tiết đặc biệt hay. Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ của Ngài đi gọi Bartimeo. Các môn đệ nói với người mù bằng hai kiểu nói mà Chúa Giêsu sử dụng trong phần còn lại của bài Tin Mừng. Trước hết các môn đệ nói với người mù: “Hãy can đảm lên!”, một từ có nghĩa đen là “hãy tin tưởng, hãy phấn khởi!”. Thực vậy, chỉ có cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mới mang lại cho con người sức mạnh để đương đầu với những tình cảnh trầm trọng nhất. Thành ngữ thứ hai là: “Hãy đứng lên!” giống như Chúa Giêsu nói với bao nhiêu bệnh nhân, cầm tay họ và chữa lành họ. Các môn đệ của Ngài không làm gì khác hơn là lập lại những lời khích lệ và có sức giải thoát của Chúa Giêsu, dẫn người mù đến thẳng với Chúa, mà không giảng giải gì. Cả các môn đệ Chúa Giêsu ngày nay cũng được kêu gọi làm như vậy, nhất là ngày nay: nghĩa là đặt con người tiếp xúc với lòng Thương Xót cảm thương cứu độ. Khi tiếng kêu của nhân loại trở nên mạnh mẽ hơn, như nơi ông Bartimeo, không có câu trả lời nào khác ngoài những lời nói của Chúa Giêsu mà chúng ta nhận làm của mình và nhất là noi theo tâm hồn của Chúa. Những tình trạng lầm than và xung đột, đối với Thiên Chúa, là những dịp thực hành lòng thương xót. Ngày nay là thời kỳ của lòng thương xót!

Nhưng có một số cám dỗ đối với những người theo Chúa Giêsu. Tin Mừng làm nổi bật ít là 2 cám dỗ. Không có môn đệ nào dừng lại như Chúa Giêsu đã làm. Họ tiếp tục tiến bước, tiến hành như thể không có gì xảy ra. Nếu ông Bartimeo là người mù, thì họ là những người điếc: vấn đề của ông không phải là vấn đề của họ. Tình trạng này cũng có thể là nguy cơ của chúng ta; đứng trước những vấn đề liên lỉ, tốt hơn nên tiếp tục tiến bước, không để cho mình bị phiền toái. Theo cách thức ấy, giống như các môn đệ, chúng ta ở với Chúa Giêsu, nhưng không suy nghĩ như Chúa. Ta ở trong nhóm của Ngài, nhưng nếu ta không cởi mở tâm hồn, thì sẽ mất đi lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn và lòng nhiệt thành, và có nguy cơ trở thành những người quen thuộc với ơn thánh. Chúng ta có thể nói về Chúa, làm việc với Chúa, nhưng sống xa tâm hồn của Chúa, một tâm hồn hướng về ngừơi bị thương. Đó là một cám dỗ: một thứ linh đạo ảo ảnh: chúng ta có thể tiến qua sa mạc của nhân loại mà không thấy điều thực sự hiện hữu, nhưng chỉ thấy điều chúng ta muốn thấy; chúng ta có khả năng kiến tạo những quan niệm về thế giới, nhưng chúng ta không chấp nhận điều mà Chúa đặt trước mắt chúng ta. Một niềm tin không biết ăn rễ trong đời sống của dân chúng thì nó khô cằn, và thay vì là một ốc đảo xanh tươi, thì lại tạo nên những sa mạc khác.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Có một cám dỗ thứ hai, đó là rơi vào một đức tin đã hoạch định. Chúng ta có thể tiến bước với dân Chúa, nhưng chúng ta đã có lịch trình tiến hành, qui định trước tất cả: chúng ta biết đi đâu và cần bao nhiêu thời gian; tất cả đều phải tôn trọng nhịp độ của chúng ta, và mọi điều bất tiện đều làm phiền chúng ta. Chúng ta có nguy cơ trở thành những người trong Tin Mừng mất kiên nhẫn và khiển trách ông Bartimeo. Trước đó họ đã khiển trách các trẻ em (Xc 10,13), nay họ trách người hành khất mù: ai gây phiền toái hoặc không thích hợp thì bị loại bỏ. Trái lại Chúa Giêsu muốn bao gồm, nhất là những người bị gạt ra ngoài lề và kêu lên Ngài. Những người, như Bartimeo, có đức tin, vì biết mình cần ơn cứu độ là cách thức tốt nhất để gặp Chúa Kitô.

Và sau cùng, Bartimeo lên đường theo Chúa Giêsu (Xc v.52). Không những ông ta phục hồi được thị giác, nhưng còn hiệp với cộng đoàn những người đồng hành với Chúa Giêsu.

Anh chị em tham dự Thượng Hội đồng thân mến, chúng ta đã đồng hành với nhau. Tôi cám ơn anh chị em vì con đường chúng ta đã đi chung với cái nhìn hướng về Chúa và anh chị em, trong sự tìm kiếm những con đường mà Tin Mừng chỉ cho thời đại chúng ta ngày nay để loan báo mầu nhiệm tình yêu gia đình. Chúng ta hãy tiếp tục con đường mà Chúa muốn. Chúng ta hãy xin Chúa một cái nhìn được chữa lành và cứu độ, biết loan truyền ánh sáng, vì nhắc nhớ vẻ huy hoàng đã soi chiếu. Không bị lu mờ vì sự bi quan và tội lỗi, chúng ta hãy tìm kiếm và thấy vinh quang của Thiến Chúa, chiếu tỏa trong con người đang sống”.

Trong phần lời nguyện giáo dân bằng các thứ tiếng: Hoa, Pháp, Ba Lan, Anh và Hindi, cộng đoàn lần lượt cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và các Giám Mục, cho các gia đình Kitô, các vị lãnh đạo chính quyền, kinh tế và công nghệ, những người nghèo, người đau khổ và cô đơn, sau cùng là cho các thừa sai.

Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha đã lên lầu 3 của dinh Giáo Hoàng để đọc kinh truyền Tin lúc 12 giờ trưa với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài nhắc đến Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình vừa kết thúc và cũng gợi lại bài Tin Mừng, nói lên sự quan tâm và lòng thương xót của Chúa đối với dân của Người.

3. Tóm lược Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám mục

Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 14 đã kết thúc tốt đẹp và đã thông qua Phúc trình chung kết, với những hướng đi tích cực cho việc mục vụ gia đình trong hoàn cảnh xã hội ngày nay.

Trong phiên họp khoáng đại thứ 18 và là phiên cuối cùng chiều thứ Bẩy, 24 tháng 10 vừa qua, các nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục đã bỏ phiếu về bản tường trình chung kết gồm 94 đoạn. Toàn bộ đã được thông qua với đa số 2 phần 3, tức là tối thiểu 177 phiếu trên 265 nghị phụ hiện diện. Đây là văn kiện được các nghị phụ đệ lên Đức Thánh Cha và ngài đã cho phép công bố.

Phúc trình mô tả gia đình là ánh sáng trong bóng đen của thế giới. Thực vậy gia đình ngày nay tuy có bao nhiêu khó khăn, nhưng cũng có khả năng rất lớn đương đầu và phản ứng trước những khó khăn ấy.

Phúc trình chung kết mạch lạc và đón nhận rất nhiều sửa chữa tài liệu làm việc do các nghị phụ đề nghị, và do đó phản ánh tiếng nói của Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Về các gia đình ở trong tình trạng khó khăn:

Trong những đoạn bàn về các gia đình ở trong tình trạng khó khăn, đặc biệt có hai đoạn được chấp thuận với 178 và 180 phiếu, vừa đủ để được thông qua với 2 phần 3 số phiếu. Trong những đoạn này có nói về phương thức mục vụ dành cho các gia đình bị thương tổn hoặc ở trong những tình trạng “bị rối”, không hợp với giáo luật và kỷ luật của Giáo Hội, cụ thể là những cặp sống chung không kết hôn, những cặp chỉ kết hôn dân sự, những người ly dị tái hôn dân sự và cách thức mục vụ dành cho những trường hợp này trong thái độ tích cực và tiếp đón.

Văn kiện tái khẳng định đạo lý về sự bất khả phân ly của bí tích hôn phối, đặc tính này không phải là cái ách, nhưng là hồng ân của Thiên Chúa, là chân lý dựa trên Chúa Kitô và mối liên hệ của Người với Giáo Hội. Đồng thời các nghị phụ nhấn mạnh rằng chân lý và lòng từ bi thương xót đều đồng qui trong Chúa Kitô. Từ đó, Thượng Hội Đồng Giám Mục kêu gọi đón tiếp các gia đình bị thương. Tuy không nói rõ ràng về việc cho những người ly dị tái hôn dân sự được rước lễ, nhưng Thượng Hội Đồng Giám Mục nhắc nhớ rằng họ không bị vạ tuyệt thông và để tùy sự phân định của các vị mục tử, phân tích tình trạng gia đình phức tạp của họ. Các nghị phụ nhấn mạnh rằng sự phân định này phải được thực hiện theo giáo huấn của Hội Thánh, trong niềm tín thác lòng thương xót của Chúa không bị phủ nhận đối với bất kỳ một ai.

Đối với những người sống chung không kết hôn: 

Văn kiện tái khẳng định rằng cần phải cứu xét tình trạng của họ một cách tích cực, tìm cách biến hoàn cảnh ấy thành cơ hội hoán cải, tiến đến sự viên mãn của hôn nhân và gia đình, dưới ánh sáng Tin Mừng.

Về những người đồng tính luyến ái

Văn kiện khẳng định rằng không được kỳ thị những người có xu hướng đồng tính luyến ái, nhưng đồng thời cho biết Giáo Hội chống lại sự kết hiệp giữa những người đồng phái và không chấp nhận những sức ép từ bên ngoài trên Giáo Hội về vấn đề này.

Về tình trạng các Kitô hữu bị bách hại

Có những đoạn đặc biệt nói về những người di dân, tị nạn, bị bách hại, gia đình của họ bị phân tán và họ có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Thượng Hội Đồng Giám Mục kêu gọi đón tiếp họ, tái khẳng định các quyền và cả nghĩa vụ của họ đối với những nước đón nhận họ.

Đề cao giá trị phụ nữ, bảo vệ trẻ em và người già

Văn kiện chung kết của Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng trình bày những suy tư đặc thù về phụ nữ, người nam, trẻ em, là những bản lề của đời sống gia đình, đồng thời tái khẳng định sự bảo vệ và đề cao giá trị những vai trò của họ.

Đối với các phụ nữ, Thượng Hội Đồng Giám Mục cầu mong họ nắm giữ một vai trò quan trọng hơn trong tiến trình huấn luyện các thừa tác viên thánh chức, trong khi đối với các trẻ em, các vị đề cao vẻ đẹp của sự nhận con nuôi và ủy thác, tái tạo những mối liên hệ gia đình bị gián đoạn. Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng không quên những người góa bụa, người khuyết tật, người già, các ông bà nội ngoại là những người giúp thông truyền đức tin trong gia đình và cần phải bảo vệ họ chống lại nền văn hóa gạt bỏ. Cả những người không kết hôn cũng được nhắc đến vì sự dấn thân của họ trong Giáo Hội và trong xã hội.

Cuồng tín, cá nhân chủ nghĩa, nghèo đói..

Văn kiện chung kết Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng bàn đến những bóng đen của thời đại ngày nay đang đè nặng trên gia đình: trước tiên là thái độ cuồng tín về chính trị và tôn giáo thù nghịch đối với Kitô giáo, trào lưu cá nhân chủ nghĩa gia tăng, ý thức hệ về phái tính, các cuộc xung đột, bách hại, nạn nghèo đói, công ăn việc làm bấp bênh, nạn tham ô hối lộ, những cưỡng bách kinh tế loại trừ gia đình khỏi lãnh vực giáo dục và văn hóa, hiện tượng hoàn cầu hóa sự dửng dưng đặt tiền bạc chứ không phải con người ở trung tâm xã hội, nạn dâm ô và sự suy giảm dân số.

Tăng cường chuẩn bị hôn phối

Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt kêu gọi tăng cường việc chuẩn bị hôn phối, nhất là đối với những người trẻ dường như lo sợ đối với hôn nhân: cần có một sự huấn luyện thích hợp cho họ về tình cảm, tập nhân đức khiết tịnh, và tự chủ. Trong viễn tượng này, các nghị phụ nhắc nhở về mối liên hệ giữa hành vi tính dục và hành vi sinh sản giữa vợ chồng, trong đó con cái là hoa trái quí giá nhất, vì chúng mang trong mình ký ức và hy vọng của một hành vi yêu thương. Một liên hệ khác cũng được tái khẳng định là liên hệ giữa gia đình và ơn gọi sống đời gia đình và ơn gọi sống đời thánh hiến. Cả việc giáo dục về tính dục, về thể xác và thăng tiến việc làm cha làm mẹ theo tinh thần trách nhiệm theo giáo huấn của Đức Phaolô 6 trong Thông Điệp “Humanae vitae” (Sự sống con người) cũng là điều chủ yếu, cũng vậy vai trò hàng đầu của các cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái.

Bảo vệ sự sống từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên

Thượng Hội Đồng Giám Mục kêu gọi các chính quyền hãy “thăng tiến và nâng đỡ các chính sách gia đình, trong khi các tín hữu Công Giáo dấn thân trong chính trị được nhắn nhủ bảo vệ gia đình và sự sống vì xã hội nào lơ là đối với gia đình thì sẽ mất viễn tượng tương lai của mình. Về vấn đề này, Thượng Hội Đồng Giám Mục tái khẳng định sự thánh thiêng của cuộc sống con người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên và cảnh giác chống lại những đe dọa trầm trọng đối với gia đình như nạn phá thai và làm cho chết êm dịu.

Về hôn nhân khác đạo

Những đoạn cuối cùng dành cho các hôn nhân khác đạo, trong đó các nghị phụ nhấn mạnh các khía cạnh tích cực đối với việc thăng tiến đối thoại đại kết và liên tôn. Rồi tái khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ tự do tôn giáo và quyền phản kháng lương tâm trong xã hội.

Giáo Hội cần canh tân ngôn ngữ để loan báo Tin Mừng

Văn kiện chung kết trình bày một suy tư dài về sự cần thiết phải thay đổi ngôn ngữ của Giáo Hội, làm cho nó có ý nghĩa hơn để việc loan báo Tin Mừng gia đình đáp ứng thực sự những mong đợi sâu xa nhất của con người. Thực vậy, vấn đề ở đây không phải chỉ là trình bày một qui tắc, nhưng là loan báo ơn mang lại khả năng sống những thiện hảo của gia đình

Gia đình là bến cảng chắc chắn cho các tình cảm sâu xa nhất

Sau cùng, Phúc trình chung kết nhấn mạnh vẻ đẹp của gia đình: Giáo Hội tại gia dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, tế bào cơ bản của xã hội mà Giáo Hội góp phần làm tăng trưởng, là bến cảng chắc chắn cho những tâm tình sâu xa nhất, là điểm duy nhất liên kết, trong một thời đại bị phân hóa, là thành phần của sinh thái học con người, gia đình cần được bảo vệ, nâng đỡ và khích lệ, kể cả từ phía các chính quyền

Thỉnh cầu Đức Thánh Cha ban hành một văn kiện về gia đình

Các nghị phụ đệ trình phúc trình lên Đức Thánh Cha để ngài cứu xét xem có nên tiếp tục hành trình với một văn kiện của ngài, dựa trên Thượng Hội Đồng Giám Mục này, để đào sâu thêm đề tài gia đình theo hướng đi mà ngài đã đề ra. Chúng ta tiếp tục tiến bước”

4. Văn kiện hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục

Trong cuộc họp báo hôm 9 tháng 10, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle cho biết về báo cáo sau Thượng Hội Đồng Giám Mục như sau:

Trong quá khứ các Thượng Hội Đồng Giám Mục gửi báo cáo cho Đức Thánh Cha và Đức Thánh Cha sẽ sử dụng các đề nghị này hoặc không sử dụng những đề nghị ấy để viết văn bản Tông Huấn Thượng Hội Đồng. Nhưng chúng tôi muốn nhắc nhở mọi người dựa trên lịch sử rằng thượng hội đồng đầu tiên được triệu tập bởi Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã không kết thúc với một Tông Huấn Thượng Hội Đồng. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cho phép các nghị phụ công bố tài liệu của mình như là tài liệu chính thức của Thượng Hội Đồng Giám Mục thẳng với thế giới. Điều này có thể xảy ra một lần nữa.

Tuy nhiên, với một số lượng đông đảo các ý kiến đa dạng của các nghị phụ và thỉnh cầu sau cùng của các ngài, hầu chắc là Đức Thánh Cha sẽ ra một tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình.

5. Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc tố cáo tình trạng thờ ơ với tình trạng bạo lực tại Trung Đông

Đức Tổng Giám mục Bernard Auza, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc, hôm thứ Năm 22 tháng 10 cho biết “nghĩa vụ nghiêm trọng” của Vatican là nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng “những kẻ cực đoan đang tìm cách tiêu diệt tôn giáo, dân tộc và các nền văn hóa” đã có tại Trung Đông “hằng bao thiên niên kỷ.”

Đức Tổng Giám Mục đã phát biểu trong một cuộc thảo luận mở rộng về tình hình ở Trung Đông của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ngài nói:

“Trong khi chúng ta đưa ra thống kê về người chết, chúng ta không được che dấu hoàn cảnh của những người bị thương, những người di tản và người tị nạn đang tiếp tục phải chịu những nỗi sợ hãi lớn lao và nguy hiểm, ngay cả khi họ chạy trốn khỏi những hình thái bạo lực vô nghĩa ở Trung Đông, là những thứ hoàn toàn không đếm xỉa gì đến các tiêu chuẩn sơ đẳng nhất trong các điều khoản của luật nhân đạo quốc tế, và thực ra phải nói là các tiêu chuẩn sơ đẳng nhất của nhân loại”.

“Bức tranh khủng khiếp này diễn ra hàng ngày trên các phương tiện truyền thông trong khi dòng người di cư và người tị nạn lũ lượt tràn vào lục địa châu Âu tìm kiếm chút hòa bình và an ninh, nhưng không phải lúc nào họ cũng luôn luôn được chào đón”.

“Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo vẫn đi đầu trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo thông qua các giáo xứ, trường học, cơ sở y tế, các trung tâm phục hồi chức năng và các tổ chức chăm sóc mục vụ, để đáp ứng tất cả những nhu cầu với tất cả các phương tiện sẵn có của mình”.

6. Tám tên du đảng tại Đức ra tòa vì ăn trộm các nhà thờ để tài trợ cho quân khủng bố Hồi Giáo IS

Một nhóm tám tên du đảng đã phải ra tòa tại thành phố Cologne miền tây nước Đức. Những kẻ này bị cáo buộc đột nhập vào các nhà thờ và trường học để ăn trộm kiếm tiền tài trợ cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Syria và Iraq. Chúng đã trộm cắp trong một khoảng thời gian bốn năm qua trước khi bị bắt.

Hôm thứ Ba, 20/10, một tòa án tại Cologne đã xử một băng nhóm bị cáo buộc đã đánh cắp các tài sản của các nhà thờ khắp Cologne và Siegen giữa năm 2011 và 2014, với trị giá không dưới 19,000 Euros. Thông thường, trước khi rút lui, chúng còn gây thêm những thiệt hại trên những thứ không thể lấy đi được như đập phá các ảnh tượng.

Công tố viên trưởng Nadja Gudermann nói với bồi thẩm đoàn rằng 8 tên này đã đột nhập vào các nhà thờ đánh cắp các hộp thu tiền quyên góp trong các thánh lễ, các chén lễ và nhiều vật dụng khác “dành riêng cho các nghi lễ trong nhà thờ và việc thờ phượng tôn giáo.”

Những kẻ này cũng ăn cắp các máy tính xách tay và một thẻ rút tiền mặt từ một số trường học. Tiền ăn trộm được sử dụng để giúp tài trợ cho các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Syria. Chính xác chúng đã lấy được bao nhiêu tiền và chuyển giao cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS bao nhiêu vẫn chưa biết được và không phải là trọng tâm của phiên tòa này.

Cầm đầu băng đảng này là một thanh niên Ma-rốc mà công tố viên nói đã xuất hiện trong phần nói tiếng Đức của một video trên YouTube, trong đó y khuyến khích người Hồi giáo chiến đấu cho cái gọi là thánh chiến. Một phát ngôn viên của tòa án nói rằng cờ “Nhà nước Hồi giáo” đã được nhìn thấy trong đoạn video. Tên cầm đầu này năm nay 26 tuổi đã tới Syria để tham dự một khóa huấn luyện trong một doanh trại quân đội của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Ba trong số tám người bị bắt sẽ phải ra tòa tại thành phố lân cận Dusseldorf về các cáo buộc khác liên quan đến việc hỗ trợ cho một tổ chức khủng bố nước ngoài.

7. Mẹ Têrêsa có thể được tuyên thánh vào năm tới 2016

Tòa Thánh đã hoàn thành tiến trình điều tra án tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa, và việc tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa có thể sẽ diễn ra vào năm tới.

Các tài liệu liên quan đến tiến trình điều tra án tuyên thánh đã được trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài có thể sẽ triệu tập một công nghị các Hồng Y vào tháng Hai, 2016 để thông báo ngày giờ và địa điểm tổ chức lễ tuyên thánh cho Chân Phước Têrêsa. Tờ Malayala Manorama của Công Giáo tại Kerela, Ấn Độ cho biết như trên.

Theo tờ báo trên việc tuyên thánh có thể được tổ chức trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót, bắt đầu vào ngày 08 tháng 12 năm nay và kéo dài đến ngày 20 tháng 11 năm tới. Ngày mẹ Têrêsa qua đời là ngày 5 tháng Chín được xem như là một ngày tốt nhất cho việc tuyên thánh.

Tháng 8 vừa qua, việc chữa lành cho một người đàn ông Ba Tây thuộc giáo phận Santos ở Sao Paulo bị một khối u não ác tính đã được khẳng định như một phép lạ nhờ lời cầu bầu của Mẹ Têrêsa. 

Đức Hồng Y Mar Baselios Cleemis, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Malabar và Đức Hồng Y Oswald Gracias đã xin Đức Giáo Hoàng đến thăm Ấn Độ. 

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng cuối cùng đến thăm Ấn Độ vào năm 1986 và 1999.

8. Giáo phận Pelplin ra quyết định đình chỉ tư cách linh mục của Krzysztof Charamsa

Krzysztof Charamsa, 43 tuổi, từng là một linh mục phục vụ tại Bộ Giáo lý Đức tin và giữ những chức vụ rất cao như trợ lý thư ký Ủy ban thần học quốc tế, và giảng dạy thần học tại hai đại học Giáo Hoàng là Đại Học Grêgôriô và Athenaeum Regina Apostolorum. Ông đã bị sa thải khỏi tất cả các chức vụ tại Rôma ngày 3 tháng 10, một ngày trước khi khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình vì tuyên bố công khai với báo chí rằng ông sống trong một quan hệ đồng tính từ nhiều năm rồi và kêu gọi chống lại những giáo huấn của Giáo Hội về đức khiết tịnh.

Sau khi bị sa thải khỏi Bộ Giáo Lý Đức Tin, linh mục Krzysztof Charamsa trực thuộc giáo phận Pelplin, Ba Lan. Buổi chiều cùng ngày (03 tháng 10), Đức Cha Ryszard Kasyna, là đấng bản quyền đã ra một thông báo nghiêm khắc cảnh cáo cha Krzysztof Charamsa phải quay về với con đường chức linh mục của Chúa Kitô.

Trong thông báo đưa ra hôm thứ Tư 21 tháng 10, Đức Cha Ryszard Kasyna cho biết Krzysztof Charamsa không tỏ ra bất cứ một dấu chỉ tiến bộ nào. Vì thế, giáo phận Pelpin quyết định đình chỉ tư cách linh mục của Krzysztof Charamsa. Ông Charamsa “không được mặc phẩm phục linh mục”, và “bị cấm không được thi hành bất cứ thừa tác vụ dành riêng cho các linh mục.”

Tuyên bố nói thêm

“Hình phạt này là nhằm thức tỉnh ông Charamsa có một tiến bộ thực sự trong cuộc sống và có thể được thu hồi. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào cách ứng xử trong tương lai của đương sự”

9. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong Tháng Mười Một

– Ý chung: Cầu cho chúng ta biết mở rộng tâm hồn để gặp gỡ và đối thoại với tất cả mọi người, ngay cả với những người không cùng niềm tin với mình. 

– Ý truyền giáo: Cầu cho các vị mục tử trong Hội Thánh, biết tận tình yêu thương đoàn chiên của mình, để đồng hành và giữ vững niềm hy vọng.

10. Đức Thánh Cha Phanxicô công bố kế hoạch thành lập một bộ mới: Thánh Bộ Giáo Dân, Gia đình và sự sống.

Trong diễn từ tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình hôm 22 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố kế hoạch thành lập một bộ mới có tên gọi là Thánh Bộ Giáo Dân, Gia đình và sự sống.

Bộ mới sẽ kết hợp các công việc của ba cơ quan hiện có trong giáo triều Rôma là Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, và Học viện Giáo hoàng về sự sống.

Đức Giáo Hoàng cho biết ngài đã thành lập một ủy ban soạn thảo quy chế cho bộ mới, và quy chế này sẽ được xem xét bởi Hội đồng các Hồng Y trong cuộc họp tiếp theo của các vị diễn ra vào tháng Mười Hai.

Tại một cuộc họp hồi tháng Chín vừa qua, Hội đồng các Hồng Y, gồm 9 vị, đã đề nghị việc thành lập bộ mới này. Một đề xuất liên quan đến việc hình thành một bộ nữa liên quan với các vấn đề bác ái, công lý và hòa bình vẫn còn đang được thảo luận.

Các bộ tại Vatican là những cơ quan quan trọng nhất của Giáo triều Rôma.

Hiện có 9 bộ là:

1. Bộ Giám Mục
2. Bộ Giáo dục Công Giáo
3. Bộ Phong Thánh
4. Bộ Giáo sĩ
5. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích
6. Bộ Giáo Lý Đức Tin
7. Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc
8. Bộ Đời Sống Tận Hiến
9. Bộ Giáo Hội Đông Phương

11. Đức Tổng Giám Mục Jean-Clément Jean Bart kêu gọi sự can thiệp quân sự của Anh chống lại Nhà nước Hồi giáo

Tổng giám mục Công Giáo Melkite Hy Lạp của Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria, nói với một tờ báo Anh rằng “nếu không có gì được thực hiện, tất cả các Kitô hữu ở Syria có thể bị bứng khỏi quốc gia này.”

Trong một cuộc phỏng vấn với The Daily Express, Tổng Giám mục Jean-Clément Jean Bart nói rằng quốc gia từng có thời gần như toàn tòng Kitô Giáo, và đã cung cấp cho Giáo Hội Công Giáo 7 vị Giáo Hoàng, giờ đây đang chứng kiến cảnh diệt vong của các Kitô hữu.

“Có một mối đe dọa nghiêm trọng cho Kitô giáo từ quân khủng bố Hồi Giáo IS. Nhiều người bị bắt cóc, nhiều người bị thiệt mạng, nhiều người bị chặt đầu, nhiều người bị hãm hại, đó là một tình huống khủng khiếp.”

Trong khi bày tỏ những nhận định tích cực về các cuộc không kích của Nga, ngài cũng kêu gọi sự can thiệp quân sự của Anh chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Nguồn: Vietcatholic News

h2

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN