Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 22-28/08/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 22-28/08/2014

1. ĐHY Louis Sako: Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm lịch sử và luân lý với Kitô hữu Iraq

Đức Thượng Phụ Louis Raphaël Sako vừa tái đưa ra một lời thỉnh cầu lương tâm thế giới về thảm trạng các Kitô hữu Iraq. Ngài viết trong tuyên bố đưa ra hôm Chúa Nhật 24 tháng 8: 

“Điều đã trở nên rõ ràng rằng các Kitô hữu Iraq cùng với các nhóm thiểu số khác đã bị một đòn chí tử đánh vào cốt lõi cuộc sống và sự tồn tại của họ qua việc hơn 100,000 Kitô hữu bị cưỡng bức bằng vũ lực phải bỏ nhà cửa di tản, bị cướp bóc của cải, tiền bạc, giấy tờ, nhà cửa chỉ vì họ là Kitô hữu,”

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Canđê cho biết:

“Tôi đã đến thăm các trại tị nạn của người dân ở các tỉnh Erbil và Dohok, và những gì tôi đã thấy và những gì tôi đã nghe là vượt quá trí tưởng tượng.” 

“Đến nay vẫn chưa có phải một giải pháp cụ thể trước mắt cho cuộc khủng hoảng chúng ta đang phải đối mặt. Mặt khác, tiền bạc, vũ khí và các chiến binh thánh chiến tiếp tục được đổ vào cho quân khủng bố Hồi Giáo IS. Mặc dù thực tế là chúng tôi đang phải sống trong một chiến dịch có tính toán nhằm loại bỏ chúng tôi khỏi Iraq, lương tâm thế giới chưa hoàn toàn tỉnh táo để đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của tình hình. Bây giờ, giai đoạn thứ hai của thảm hoạ đã bắt đầu, đó là sự di cư của các gia đình đến các miền khác nhau của thế giới, do đó xóa nhòa lịch sử, di sản, và căn tính của những người Kitô hữu Iraq vào hư vô.”

Ngài nói thêm: 

Cộng đồng quốc tế, chủ yếu là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu do những trách nhiệm luân lý và lịch sử đối với Iraq không thể thờ ơ. Trong khi thừa nhận tất cả những gì đang được thực hiện để giải quyết cuộc khủng hoảng này, chúng tôi nhận thấy rằng có vẻ như các quyết định và hành động được thực hiện cho đến nay vẫn chưa đem đến những thay đổi thực sự về tình trạng. Số phận của những người bị ảnh hưởng vẫn đang bị đe dọa đến mức như thể những người này không phải là một phần của nhân loại! 

Chúng tôi cũng lên tiếng kêu gọi cả cộng đồng Hồi giáo, vì những tuyên bố của họ về các hành vi dã man nhân danh tôn giáo của họ gây ra cho cuộc sống, nhân phẩm và tự do của các Kitô hữu chưa thể hiện được sự mong đợi chính đáng của chúng tôi. Họ thừa biết rằng các Kitô hữu đã đóng góp và chiến đấu cho đất nước này, và sống trong sự hợp tác với anh em Hồi giáo của họ cùng với nền văn minh Hồi giáo. 

Trào lưu tôn giáo cực đoan vẫn đang phát triển quyền lực và sức mạnh của nó, tạo ra bi kịch, và làm cho chúng ta tự hỏi khi nào các học giả Hồi giáo và các trí thức Hồi giáo mới chịu nghiêm túc xem xét hiện tượng nguy hiểm này và tiêu diệt nó bằng cách giáo dục một lương tâm tôn giáo đúng đắn và truyền bá một nền văn hóa đích thực trong đó chấp nhận những khác biệt của người anh em mình và chấp nhận họ là những công dân bình đẳng với đầy đủ quyền lợi. 

Điều đã xảy ra là thập khủng khiếp và dã man, do đó, chúng ta cần một sự hỗ trợ quốc tế khẩn cấp và có hiệu quả từ tất cả các người thiện chí để có thể giữ các Kitô hữu và người Yazidi, là những thành phần thực sự của xã hội Iraq từ trước đến nay. Sự im lặng và thụ động sẽ khuyến khích quân khủng bố Hồi Giáo IS gây ra nhiều bi kịch hơn nữa! Câu hỏi đặt ra là ai sẽ là nạn nhân tiếp theo.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân gọi điện thoại cho gia đình anh James Foley, 40 tuổi, nhà báo người Mỹ vừa bị chặt đầu ở Iraq.

Trong cuộc họp báo chiều ngày thứ Năm 21 tháng 8, cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho các phóng viên biết là vài giờ trước đó, đích thân Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện thoại sang New Hampshire, Hoa Kỳ để chia buồn cùng gia đình và hứa cầu nguyện cho linh hồn người quá cố, cũng như xin Chúa và Đức Mẹ lau những giọt nước mắt của gia đình và người thân trước cái chết bi thảm này.

Foley, đã thi hành công việc tường thuật tình hình tại Trung Đông trong 5 năm qua và đã từng bị giam giữ tại Libya, sau đó được trả tự do và lại bị bắt cóc vào ngày 22 tháng 11 năm 2012 gần thành phố Binnish ở tỉnh Idlib của Syria, khi ông và các đồng nghiệp đang trên đường trở lại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

James Foley có một lòng sùng mộ đối với Kinh Mân Côi. Nhờ đó, anh giữ được tinh thần trong thời gian bị giam giữ và để lại những ấn tượng sâu sắc nơi những bạn tù.

Didier Francois, một phóng viên chiến trường kỳ cựu người Pháp đã từng bị giam chung với Foley và sau đó đã được trả tự do với ba con tin khác người Pháp vào tháng Tư, cho biết anh “là một người đặc biệt với một tính cách mạnh mẽ”.

Foley thường bị bọn khủng bố đánh đập nhưng anh không khuất phục.

Ký giả Nicolas Henin, người bị giam chung với James Foley nói:

“Anh ấy là người bạn tù đầy an ủi trong trại giam vì anh ấy có tinh thần vững mạnh và tập thể. Bất chấp bạo lực của những kẻ bắt cóc, anh không bao giờ chiều theo áp lực của chúng”.

Ngày 13 tháng 8 vừa qua, gia đình anh đã nhận được những emails của quân khủng bố Hồi Giáo IS dọa giết anh.

Sáu ngày sau đó, chúng tung ra một video trong đó anh James Foley bị bắt quỳ giữa sa mạc trong khi chúng diễu hành một người ký giả Mỹ khác là Steven Sotloff mà chúng dọa sẽ hành quyết sau khi đã hành quyết anh.

Sau đó, bọn khủng bố Hồi Giáo chặt đầu anh.

3. Thư của Đức Thánh Cha trong thánh lễ an táng cho nhà báo Công Giáo Hoa Kỳ James Foley

Thánh lễ an táng cho James Foley, nhà báo người Mỹ bị bắt cóc ở Syria vào năm 2012 và bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS chặt đầu hôm 19 tháng Tám năm 2014, đã được cử hành tại giáo xứ Rochester, ở New Hampshire vào ngày Chúa Nhật 24 tháng 8. 

Trưa ngày thứ Năm 21 tháng 8, đích thân Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện thoại để chia buồn cùng gia đình và hứa cầu nguyện cho linh hồn người quá cố, cũng như xin Chúa và Đức Mẹ lau những giọt nước mắt của gia đình và người thân trước cái chết bi thảm này.

Một lá thư của Đức Thánh Cha Phanxicô do Đức Hồng Y Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, gởi cho Đức Cha Peter Libasci, Giám Mục New Hampshire đã được đọc trong lễ an táng. Trong thư, Đức Hồng Y viết:

“Đức Thánh Cha vô cùng đau buồn trước cái chết của James Wright Foley, yêu cầu Đức Cha vui lòng truyền đạt lời chia buồn cá nhân của ngài và bảo đảm sự gần gũi của ngài trong lời cầu nguyện cho những người thân yêu của James”. 

“Đức Thánh Cha phó thác James cho tình yêu thương xót của Thiên Chúa, là Cha chúng ta, và hiệp với tất cả những người thương tiếc anh trong lời cầu nguyện cho những bạo lực vô nghĩa sớm chấm dứt và cho bình minh của sự hòa giải và hòa bình giữa tất cả các thành viên của gia đình nhân loại sớm ló dạng. Ngài cầu xin ơn an ủi và sức mạnh – nảy sinh từ hy vọng của chúng ta nơi sự phục sinh của Chúa Kitô – tuôn đổ trên gia đình Foley, bạn bè và đồng nghiệp của anh”

4. Đức Hồng Y Fernando Filoni báo cáo với Đức Thánh Cha về chuyến thăm Iraq

Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, là đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Iraq đã về đến Vatican bình an. Theo nhận định của ngài “cuộc bách hại các Kitô hữu và cộng đồng người Yazedi của quân khủng bố Hồi Giáo IS phải là một mối quan tâm cấp bách cho ‘tất cả những ai quan tâm đến nhân loại.’”

Đức Hồng Y Filoni đã từng là sứ thần Tòa Thánh tại Iraq trong thời chiến tranh 2003. Ngài nói chuyện với Đài phát thanh Vatican sau khi gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tóm tắt về chuyến đi của mình. Đức Hồng Y cho biết ngài đã có một “cuộc họp rất thân thiện” với Tổng thống Iraq Fuad Masum, khi ngài trao cho tân tổng thống một thông điệp cá nhân của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Trong thông điệp này, Đức Thánh Cha nói với nhà lãnh đạo Iraq: “Tôi gởi đến ông với một trái tim đầy đau đớn trước sự đau khổ thê thảm của các Kitô hữu và anh chị em thuộc các tôn giáo thiểu số khác, là những người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa trong khi những nơi thờ phượng của họ bị phá hủy.” Trong thư, Đức Giáo Hoàng kêu gọi tổng thống “sử dụng tất cả các phương thế hữu hiệu để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo” đang diễn ra với những người tị nạn.

Đức Hồng Y Filoni nói với Đài phát thanh Vatican rằng những người tị nạn mà ngài gặp gỡ đã bày tỏ hy vọng rằng họ có thể trở về làng mạc thành phố của họ nhưng trong an ninh và thanh thản dưới sự hỗ trợ của quốc tế.

Người tị nạn trong các traị tạm cư được dựng lên vội vã tại Iraq đang rất cần sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Trong đó, tình trạng tại Dohuk được xem là rất cấp bách vì hàng nửa triệu người đang chen chúc sống đói khát tại đây.

5. Đức Thánh Cha giúp 1 triệu Mỹ kim cho người tị nạn Iraq

Đức Thánh Cha Phanxicô đã giúp 1 triệu mỹ kim để góp phần cứu trợ các tín hữu Kitô và những người tị nạn khác ở Iraq.

Số tiền này được chính Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, đặc sứ của Đức Thánh Cha, mang tới cho dân tị nạn trong cuộc viếng thăm của ngài tại thành phố Erbil ở miền bắc Iraq từ ngày 12 đến 20-8 vừa qua.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Filoni cho biết 75% ngân khoản được trao cho các tín hữu Công Giáo và 25% dành cho cộng đoàn người Yazidi. Đức Hồng Y cũng nói: “Đức Thánh Cha sai tôi đi thực hiện một sứ vụ nhân đạo chứ không phải sứ vụ ngoại giao. Đó cũng là điều tôi nhấn mạnh với các vị lãnh đạo chính quyền”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho 3 tờ báo ở Italia (Corriere della sera, Avvenire và La Repubblica), Đức Hồng Y đề nghị Liên Hiệp Quốc tổ chức một đội quân mũ xanh để bảo vệ các tín hữu Kitô bị quân Hồi giáo IS trục xuất khỏi gia cư vì không chịu theo Hồi giáo. Đức Hồng Y cũng nói đến các nhóm khủng bố Hồi giáo: “Các nhóm này hoạt động mạnh, với võ khí đầy đủ và tối tân, và nhiều tiền bạc. Người ta đặt câu hỏi: làm sao việc chuyển những số tiền và các võ khí như thế có thể thực hiện được, tại sao những người có nhiệm vụ giám sát đã không làm gì?”

6. ĐHY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ủng hộ sự can thiệp để ngăn chặn bọn khủng bố Hồi Giáo IS

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Vatican Insider, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cho sự can thiệp quốc tế nhằm ngăn chặn đổ máu tại Iraq. 

Ngài nói:

“Cộng đồng quốc tế chắc chắn phải can thiệp. Một quốc gia như Iraq trong điều kiện hiện nay không thể tự mình giải quyết những vấn đề của mình được.” 

Có những lập luận cho rằng xung đột hiện nay tại Iraq là cuộc xung đột giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo. Đức Hồng Y nói đó thật là một “sự đơn giản hóa” quá đáng khi mô tả cuộc đàn áp các Kitô hữu Iraq và cộng đồng Yazidi như một cuộc đụng độ giữa Hồi giáo và Kitô giáo.

Đức Hồng Y Parolin cho biết, báo cáo của đại diện Vatican ở Syria cho thấy rằng nhiều người Hồi giáo cũng đang phải đối mặt với bạo lực, và nhiều người Hồi giáo ủng hộ sự hiện diện Kitô giáo trong khu vực của họ. “Vì vậy, đây chắc chắn không phải là một cuộc đụng độ giữa Hồi giáo và Kitô giáo,” 

Ngài nói thêm:

“Có những người trong đạo Hồi, và tôi tin rằng họ là đa số, những người từ chối những phương pháp tàn bạo và vô nhân đạo. Thật không may, một số phe phái đã theo đường lối đó nhưng tôi tin rằng họ không được tán thành bởi hầu hết các tín đồ Hồi giáo khác. Chúng tôi hy vọng rằng những người này sẽ lên tiếng chống lại những hành vi dã man này, để đưa ra một sự phân biệt rõ ràng giữa những gì có thể và những gì không thể chấp nhận được. Chúng tôi hy vọng rằng thế giới Hồi giáo sẽ sớm lên tiếng.”

7. Nhận định của Đức Thánh Cha về chuyến tông du Đại Hàn

Trong lịch sử đức tin tại Đại Hàn người ta thấy Chúa Kitô không hủy bỏ các nền văn hóa, không xóa bỏ con đường của các dân tộc, qua các thế kỷ và các kỷ nguyên tìm kiếm sự thật và thực thi tình yêu thương đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Chúa Kitô không loại bỏ điều tốt lành, nhưng làm cho nó thăng tiến và đưa nó tới chỗ thành toàn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương tham dự buoi tiếp kiến sáng thứ Tư 20 tháng 8 trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục ở nội thành Vatican.

Đức Thánh Cha vừa mới công du Đại Hàn về, vì thế trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tín hữu kinh nghiệm và một số cảm tưởng của ngài. Đức Thánh Cha nói: 

“Trong những ngày vừa qua tôi đã hoàn thành chuyến tông du bên Đại Hàn, và hôm nay cùng anh chị em tôi cảm tạ Thiên Chúa vì ơn trọng đại này. Tôi đã có thể viếng thăm một Giáo Hội trẻ trung và năng động, được xây dựng trên chứng tá của các vị tử đạo và được linh hoạt bởi tinh thần truyền giáo, trong một đất nước, nơi các nền văn hóa Á châu và sự mới mẻ trường tồn của Tin Mừng gặp gỡ nhau.

Tôi muốn một lần nữa bầy tỏ lòng biết ơn của tôi đối với các anh em Giám Mục thân mến của Đại Hàn, với bà tổng thống Cộng hòa, các giới chức lãnh đạo và tất cả những ai đã cộng tác vào chuyến viếng thăm này.

Ý nghĩa của chuyến tông du có thể được cô đọng trong ba từ: ký ức, hy vọng và chứng tá. Cộng Hòa Đại Hàn là một quốc gia đã có một sự phát triển kinh tế đáng kể và nhanh chóng. Dân chúng là những người làm việc chăm chỉ, có kỷ luật, trật tự và phải duy trì sức mạnh đã thừa hưởng của cha ông.

Trong tình trạng này Giáo Hội là người giữ gìn ký ức và niềm hy vọng: đó là một gia đình thiêng liêng trong đó người lớn thông truyền cho giới trẻ ngọn đuốc đức tin đã nhận được từ người già; ký ức của các chứng nhân trong hiện tại và niềm hy vọng trong tương lai. Trong viễn tượng này chúng ta có thể đọc được hai biến cố chính của chuyến viếng thăm: việc phong chân phước cho 124 vị Tử Đạo Đại Hàn, thêm vào số các vị đã được phong hiển Thánh cách đậy 30 năm bởi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II; và cuộc gặp gỡ với giới trẻ nhân Ngày giới trẻ Công Giáo Á châu kỳ 6.

Người trẻ luôn luôn là một con người tìm kiếm cái gì đáng để sống, và vị Tử đạo làm chứng tá cho cái gì đó, còn hơn thế nữa cho Một Ai Đó, đáng để hiến mạng sống mình cho Vị ấy. Thực tại này là Tình Yêu của Thiên Chúa, đã nhập thể nơi Đức Giêsu, Chứng Nhân của Thiên Chúa Cha. Trong hai thời điểm của chuyến viếng thăm dành cho giới trẻ Thần Khí của Đấng Phục Sinh đã làm cho chúng tôi tràn ngập niềm vui và niềm hy vọng, mà các người trẻ sẽ đem theo về trong các quốc gia khác nhau, và nó sẽ sinh biết bao thiện ích!

Giáo Hội tại Đại Hàn cũng giữ gìn ký ức và vai trò ưu tiên, mà các giáo dân đã có ngay từ thời bắt đầu của đức tin, cũng như trong công tác rao truyền Tin Mừng. Thật thế, trên phần đất này cộng đoàn Kitô đã không được thành lập bởi các thừa sai, nhưng bởi một nhóm người trẻ Đại Hàn thuộc hậu bán thế kỷ 18. Họ bị hấp dẫn bởi vài văn bản Kitô, họ học hiểu chúng và chọn chúng làm luật sống. Một người trong nhóm họ đã được gửi sang Bắc Kinh để lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và rồi, tới lượt mình, giáo dân đó đã rửa tội cho các bạn. Từ hạt nhân đầu tiên đó đã phát triển một cộng đoàn lớn, ngay từ ban đầu và trong khoảng một thế kỷ đã chịu các bắt bớ tàn bạo, với hàng ngàn vị tử đạo. Như vậy Giáo Hội tại Đại Hàn đã được xây dựng trên đức tin, trên dấn thân truyền giáo và sự tử đạo của các giáo dân trung thành.

Các Kitô hữu đại hàn đầu tiên lấy cộng đoàn kitô tiên khởi Giêrusalem thời các tông đồ làm mô thức, bằng cách thực thi tình yêu thương huynh đệ vượt mọi khác biệt xã hội. Vì thế tôi đã khích lê các kitô hữu ngày nay quảng đại trong việc chia sẻ với các anh chị em nghèo túng và các người bị gạt bỏ, theo Tin Mừng thánh Mátthêu chương 25: “Tất cả những gì các ngươi đã làm cho một trong những người anh em bé mọn nhất của Ta, là đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Anh chị em thân mến, trong lịch sử đức tin tại Đại Hàn người ta thấy Chúa Kitô không hủy bỏ các nền văn hóa, không xóa bỏ con đường của các dân tộc, qua các thế kỷ và các kỷ nguyên tìm kiếm sự thật và thực thi tình yêu thương đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Chúa Kitô không loại bỏ điều tốt lành, nhưng làm cho nó thăng tiến và đưa nó tới chỗ thành toàn.

Trái lại, điều mà Chúa chiến đấu và đánh bại là kẻ dữ, kẻ gieo cỏ lùng giữa con người với nhau, giữa các dân tộc với nhau. Nó gieo thuốc độc của hư vô trong trái tim người trẻ. Điều này thì Chúa Giêsu Kitô đã chiến đấu và đã thắng với Hy tế tình yêu của Người. Và nếu chúng ta ở trong Người, trong tình yêu của Người, thì cả chúng ta nữa, như các vị Tử Đạo, chúng ta có thể sống và làm chứng cho chiến thắng của Người. Với niềm tin này chúng tôi đã cầu nguyện và giờ đây chúng tôi cũng cầu nguyện để mọi con cái của đất nước Đại Hàn, đang chịu đau khổ vì các hậu qủa của chiến tranh và chia rẽ, có thể hoàn thành con đường của tình huynh đệ và sự hòa giải.

Chuyến công du này đã được soi sáng bởi lễ Đức Maria hồn xác lên trời. Từ trên cao, nơi Mẹ hiển trị với Chúa Kitô, Mẹ Giáo Hội đồng hành với lộ trình của dân Chúa, nâng đỡ các bước chân mệt mỏi nhất, an ủi những người đang sống trong thử thách, và giữ gìn cho chân trời của niềm hy vọng được rộng mở. Nhờ lời bầu cử hiền mẫu của Mẹ, xin Chúa luôn chúc lành cho dân tôc Đại Hàn, ban cho họ hòa bình và thịnh vượng, và xin Chúa chúc lành cho Giáo Hôi sống trên vùng đất này, để Giáo Hội luôn luôn phong phú và tràn đầy niềm vui của Phúc Âm.

8. Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông Phương kêu cứu

Trong một lá thư gởi Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục và các nhà lãnh đạo chính trị trên toàn thế giới, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine nói rằng Giáo Hội Công Giáo đang bị bách hại ở miền đông Ukraine. 

Trong lá thư đề ngày 21 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cho biết: 

“Trong chín tháng qua, Ukraine đã tiến bước trên một cuộc hành hương gian khổ để thoát ra khỏi nỗi sợ hãi của thời hậu Xô Viết và vươn tới tự do và phẩm giá được Thiên Chúa ban cho. Với sự kiên nhẫn, sức chịu đựng và sự hy sinh tuyệt vời, người dân Ukraine đã vượt qua được chế độ tàn bạo của Viktor Yanukovych vào tháng Hai năm nay. Chiến thắng cao cả này đã bị Nga đáp lại bằng việc thôn tính lãnh thổ Crimea hồi tháng Ba. Trong nhiều tháng sau đó, đất nước đã phải chịu đựng những bất ổn, chủ nghĩa ly khai, và các hoạt động khủng bố tại Donetsk và Miền Luhansk do nước ngoài xúi giục. “

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nói tiếp

“Tất cả các Giáo Hội và các tổ chức tôn giáo của Ukraine cùng đứng chung với nhau trong chiến tuyến chống lại bạo lực của chế độ Yanukovych, sự sáp nhập của Crimea, và các bộ phận khác của đất nước. Trong vùng đất Crimea đã bị thôn tính và trong nhiều khu vực chiến tranh ở miền Đông, một số các nhà thờ và các cộng đồng tôn giáo đã là mục tiêu của phân biệt đối xử, hay thậm chí đã phải chịu đựng bạo lực thẳng tay. Tại Crimea, những người bị bách hại trầm trọng là người Hồi giáo Tatars. Các giáo xứ Công Giáo Đông Phương, Công Giáo Rôma, Chính Thống Giáo Kiev, và cộng đồng Do Thái ở Crimea cũng đã bị đe dọa dưới nhiều hình thức khác nhau. “

“Tại phần phía Đông Ukraine, giữa những kinh hoàng của chiến tranh đang diễn ra, các cộng đoàn thiểu số thuộc Công Giáo Đông Phương và Rôma đã bị áp bức tàn bạo trong các vùng lãnh thổ được kiểm soát bởi những kẻ chủ trương ly khai. Đơn cử là ba linh mục Công Giáo đã bị bắt cóc là các cha Pawel Witek và Wiktor Wosowicz (Công Giáo Rôma), Tykhon Kulbaka (Công Giáo Đông phương). Đặc biệt, cha Tykhon Kulbaka bị nhốt trong 10 ngày qua và không được uống những thuốc men cần thiết. Tòa giám mục Công Giáo Đông phương ở Donetsk đã bị cướp và bị niêm phong, tất cả các tài liệu bị đốt phá. Nhà thờ Chánh Tòa Donetsk bị trúng hỏa tiễn của những kẻ ly khai đã hư hỏng nặng. Các cửa sổ còn ghi dấu tích với đầy những mảnh đạn. Các giám mục và hầu hết tất cả các linh mục Công Giáo Đông phương đã bị buộc phải rời khỏi Donetsk và vùng ven. Ở những nơi khác, những người đại diện cho quân vũ trang ly khai bước vào nhà thờ và làm ô uế cung thánh. Họ ‘cho phép’ các linh mục ở lại và thực hiện các công việc mục vụ nhưng đặt ra những hạn chế về đi lại. Bọn khủng bố còn tống tiền các giáo sĩ bằng cách đe dọa gây hại cho giáo dân.” 

“Gần đây nhất, vào ngày thứ Bảy, 16 tháng 8, tu viện nhỏ của dòng Nữ Tì Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Donetsk đã bị chiếm. Các chị em quảng đại và khiêm tốn phục vụ cộng đồng đang trong một kỳ tĩnh tâm mùa hè hay đang tham dự trại hè với trẻ em bên ngoài Donetsk có thể không bao giờ có thể quay trở lại nhà của họ hiện đang bị chiếm đoạt sử dụng bởi các thành phần ly khai.” 

Đức Tổng Giám Mục cũng nhân dịp này chỉ trích các báo cáo từ các nhà lãnh đạo của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa của Giáo Hội Chính thống Nga. Ngài nhận xét rằng “những tuyên bố của lãnh đạo Chính thống giáo ở Mạc Tư Khoa ngày càng trở nên tương tự như những luận điệu tuyên truyền của các cơ quan chính trị và các phương tiện truyền thông của Nga.” 

Đức Tổng Giám Mục kết luận bức thư với lời khẩn thiết kêu gọi “sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng Kitô hữu toàn cầu và hỗ trợ của tất cả mọi người thiện chí. Trong bối cảnh đầy rẫy những phương tiện truyền thông tuyên truyền gian trá, chúng tôi yêu cầu quý vị và anh chị em đánh giá thông tin một cách nghiêm túc. Chúng tôi cần lời cầu nguyện của quý vị và anh chị em, sự nhận định ngay chính, lời nói tốt của quý vị và anh chị em cùng những hành động hiệu quả. Im lặng và không hành động sẽ dẫn đến những bi kịch trầm trọng hơn nữa. Số phận của chuyến bay M17 của hãng hàng không Malaysia là một ví dụ về những gì có thể xảy ra nếu các hoạt động khủng bố được cho phép tiếp tục.”

9. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 cử hành thánh lễ bế mạc cuộc họp mặt thường niên các cựu sinh viên của ngài

Hôm Chúa Nhật 24 tháng 8, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã cử hành thánh lễ bế mạc cuộc gặp gỡ về Thần học thường niên các cựu sinh viên của ngài tại Vatican.

Kỳ họp thần học thường niên năm nay đã kéo dài từ 21 đến 24 tháng 8 tại Castel Gandolfo.

Trước đó, các tham dự viên đã hy vọng ngài có thể tham dự và trao đổi về Thần học với họ.

Cha Stephan Otto Horn, Điều Hợp Viên của nhóm cho biết:

“Chúng tôi hy vọng ngài đến năm nay, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào sức khỏe của ngài. Chúng tôi gần như giống như một gia đình. Ngài rất gần gũi với chúng tôi.” 

Kể từ khi thoái vị vào tháng Hai năm 2013, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã không tham dự các cuộc họp hàng năm với các sinh viên cũ của mình. Nhưng ngài đã cử hành Thánh Lễ với các vị tại Vatican. 

Cha Stephan Otto Horn nhận xét: 

“Ngài trông giống như một người đàn ông trong độ tuổi của mình: không còn khoẻ mạnh, nhưng ngài khá sáng suốt. Trí óc ngài vẫn còn mạnh mẽ, ngài nhớ tất cả mọi thứ.” 

Nhóm Ratzinger Schülerkreis được thành lập bởi các cựu sinh viên của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Họ có chung một tâm nguyện là tiếp tục nghiên cứu thần học dưới ánh sáng của những tác phẩm và giáo huấn của Ngài. Mỗi năm họ tổ chức một buổi họp mặt với một chủ đề cụ thể. Chủ đề năm nay là Thần học của Thánh Giá. 

Gần đây nhất, một số thành viên mới được nhận vào nhóm. Họ chưa bao giờ tham dự một lớp học của giáo sư Joseph Ratzinger, nhưng cũng giống như hàng ngàn người khác, họ đã nghiên cứu những tác phẩm và giáo huấn của Ngài và cảm thấy bị hấp dẫn trước những thách đố và những phân tích gây rung động lòng người của giáo sư Joseph Ratzinger và Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

10. Một cái nhìn di sản Thánh Giáo Hoàng Piô Thứ Mười: Từ cải cách để chiến tranh thế giới 

Một trăm năm trước, cụ thể là đêm 20 Tháng 8 năm 1914, Đức Giáo Hoàng Piô X qua đời. Ngay từ đầu, triều đại giáo hoàng của ngài đã phải đương đầu với những thách thức nghiêm trọng. Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên sau khi nước Đức Giáo Hoàng bị đánh bại và ngài cũng đã nhìn thấy mối đe dọa của chiến tranh thế giới trở thành hiện thực. Thật vậy, ngay chính ngày ngài qua đời quân đội Đức đã tiến vào Bỉ, khởi đầu cho một thế chiến đẫm máu với 9 triệu binh sĩ thiệt mạng và hơn 7 triệu thường dân chết oan. 

Ngài cũng đã phải đối phó với nhiều vấn đề thực tế về quản trị Giáo Hội, như việc cải cách Giáo triều Rôma. 

Cha Bernard Ardura, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử nói:

“Cải cách giáo triều Rôma là một điểm tương đồng giữa ngài và Đức Thánh Cha Phanxicô. Khi Đức Giáo Hoàng Piô X được bầu lên, Giáo triều Rôma hoạt động theo các quy tắc đã được thiết lập từ năm 1588 bởi Đức Giáo Hoàng Sixtus Đệ Ngũ.” 

Thời đó, không chỉ có các Hồng Y tham dự vào việc bầu một vị giáo hoàng. Những thế lực bên ngoài, như Vua Chúa và các giáo dân có uy thế cũng có tiếng nói. 

Cha Bernard Ardura giải thích thêm:

“Đức Giáo Hoàng Piô Thứ Mười được bầu, nhưng thực sự Đức Hồng Y Rampolla nhận được nhiều phiếu nhất. Đức Hồng Y Rampolla không lên ngôi Giáo Hoàng, bởi vì Đức Tổng Giám Mục Krakow sử dụng quyền phủ quyết của Hoàng đế Áo. Đó là lần cuối cùng một quyền lực thế tục can thiệp vào một Mật Viện. Một năm sau cuộc bầu cử của mình, Đức Giáo Hoàng Piô X đã bãi bỏ quy định này và đe dọa vạ tuyệt thông cho những ai can thiệp vào việc bầu Giáo Hoàng. Từ đó về sau, chỉ có các Hồng Y mới có thể bỏ phiếu. “

Đức Giáo Hoàng cũng thay đổi thứ tự mà các Bí Tích được lãnh nhận. Đức Giáo Hoàng Piô X đã quyết định rước lễ lần đầu phải xảy trước khi nhận lãnh bí tích Thêm Sức. Điều đó vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay. 

Trong 11 năm triều đại giáo hoàng của mình, Đức Piô Thứ Mười đã thực hiện những cải cách quan trọng trong Giáo Hội. Trong những tháng cuối cùng của cuộc đời mình, ngài đã chứng kiến bạo lực và tàn phá của chiến tranh thế giới I. 

Cha Bernard Ardura nhận xét:

“Mọi người đều nghĩ rằng họ sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến. Vì vậy, người lính nghĩ rằng họ sẽ sớm được trở lại với gia đình của họ. Nói cách khác, bạn có thể nói Đức Giáo Hoàng qua đời vì đau buồn giữa đêm 20 rạng sáng ngày 21 tháng 8 năm 1914, chỉ ba tuần sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu. Ngài biết nhân loại sẽ có những cuộc sát tế lẫn nhau”. 

Đức Giáo Hoàng Piô Thứ Mười tục danh là Giuseppe Sarto. Ngài sinh ra ở miền bắc nước Ý năm 1835. Ngài là vị Giáo hoàng thứ 257 của Giáo Hội Công Giáo. Ngài đã được phong chân phước năm 1951 và được phong thánh 40 năm sau khi ngài qua đời, tức là vào năm 1954. 

11. Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho các tham dự viên của cuộc Gặp gỡ Hữu nghị giữa các Dân tộc

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp đến các tham dự viên của cuộc Gặp gỡ Hữu nghị giữa các Dân tộc tại Rimini từ 24 tháng 8 đến 30 tháng 8. Trong một bức thư gửi Đức Giám Mục Rimini, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là Đức Hồng Y Pietro Parolin đã truyền đạt mong muốn và những lời cầu chúc tốt nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô đến cuộc gặp gỡ này. Đây là cuộc gặp gỡ thường niên do phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng tổ chức. Chủ đề của cuộc gặp gỡ năm nay là “Hướng đến những nơi tận cùng của Trái đất và tận cùng của Hiện sinh. Số phận không để ai cô đơn. “

Trong thư, Đức Hồng Y Parolin cho biết Đức Thánh Cha rất biết ơn các nhà lãnh đạo của Đại hội “đã lắng nghe và truyền bá lời mời của ngài” để đi đến những vùng ngoại vi. Ngài lưu ý rằng phần thứ hai của chủ đề xuất phát từ Tôi Tớ Chúa là Don Luigi Giussani, người đã nhắc nhở chúng ta rằng “Chúa đã không bỏ rơi chúng ta, đã không quên chúng ta.” 

Đức Hồng Y Parolin nhận định rằng người Kitô hữu “không sợ bị phân rẽ, không sợ đi đến những vùng ngoại vi, vì chúng ta biết hướng về Chúa Giêsu.” 

Đức Thánh Cha đã yêu cầu các nhà lãnh đạo và những người tham gia cuộc gặp gỡ hãy tập trung sự chú ý vào hai điểm đặc biệt. Đầu tiên, ngài mời gọi tất cả mọi người “không bao giờ mất liên lạc với thực tại; nhưng phải là những người biết yêu mến thực tại. Trong một nền văn hóa đề cao niềm tự hào của vẻ hào nhoáng bề ngoài, thách thức đối với chúng ta là biết lựa chọn và yêu mến những gì là chân thật.” 

Điểm thứ hai là phải luôn luôn hướng về những gì là thiết yếu. “Những vấn đề nghiêm trọng nhất xảy ra khi thông điệp Kitô giáo bị đồng hóa với các khía cạnh thứ cấp khiến cho trọng tâm của việc rao giảng Tin Mừng không được thể hiện.”

Đức Hồng Y Parolin nói rằng Đức Thánh Cha “đưa ra những suy tư trên như là một đóng góp cho tuần lễ suy tư của Đại hội, cho tất cả những người tham dự, và đặc biệt là cho các nhà lãnh đạo, các nhà tổ chức, các diễn giả đến từ những vùng ngoại vi của thế giới và hiện sinh để làm chứng rằng Chúa Cha không để con cái Ngài lẻ loi. Đức Thánh Cha hy vọng rằng nhiều người có thể sống lại kinh nghiệm của các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, là những người đã gặp gỡ Ngài trên bờ sông Jordan, đã nghe câu hỏi: ‘Anh em tìm kiếm ai?’ Cầu mong câu hỏi này của Chúa Giêsu luôn luôn tháp tùng trong cuộc hành trình của những ai đến với cuộc Gặp gỡ Hữu nghị giữa các Dân tộc”

12. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Chín

Trong tháng Chín là tháng cầu nguyện cho công lý và hòa bình ở Việt Nam, ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Giáo Hội Hoàn Vũ như sau 

– Ý chung: Cầu cho những người thiếu khả năng về trí khôn nhận được tình thương yêu và sự trợ giúp cần thiết để sống cho xứng đáng.

– Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu, được Lời Chúa thôi thúc, biết phục vụ những người nghèo khổ.

13. Đức Hồng Y Edmund Szoka qua đời ở tuổi 86 

Hôm 20 tháng 8, Đức Hồng Y Edmund Szoka đã qua đời tại Novi, Michigan, trong bệnh viện Providence Park, hưởng thọ 86 tuổi. 

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã tấn phong Hồng Y cho ngài vào năm 1988 và ngài đã là một trong những cố vấn thân cận của Đức Phaolô Đệ Nhị. Ngài đã lãnh đạo Hội Đồng Kinh Tế Tòa Thánh từ năm 1990 đến 1997. 

Ngày 22 tháng 6 năm 2006, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã chấp nhận đơn xin nghỉ hưu của ngài và ngày 15 tháng 9 cùng năm ngài chính thức hưu dưỡng.

Với cái chết của ngài, số lượng Hồng Y giảm xuống còn 210 vị, nhưng vì ngài đã quá tuổi 80, nên số lượng đại cử tri Hồng Y vẫn giữ nguyên là 118 vị. 

14. Đức Giáo Hoàng chào đón đội vô địch túc cầu Nam Mỹ 

Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 20 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ những người rất thân thiết với ngài. 

Đức Thánh Cha nói:

“Cách riêng, tôi muốn chào đón các nhà vô địch túc cầu Nam Mỹ, là đội San Lorenzo, những người đang có mặt ở đây, là một phần của bản sắc văn hóa của tôi.” 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một người hâm mộ đội bóng San Lorenzo de Almagro. Trong khi Đức Thánh Cha đang ở Hàn Quốc, đội bóng của ngài đã giành được cúp Libertadores của Nam Mỹ trong trận đấu với đội tuyển quốc gia Paraguay. Đó là một chiến thắng lịch sử: đó là lần đầu tiên San Lorenzo đã giành được danh hiệu này trong lịch sử 106 năm của đội bóng. 

Các cầu thủ đã cấp tốc mang chiếc cúp sang Rôma để ăn mừng với Đức Thánh Cha. 

Matias Lammens, chủ tịch đội San Lorenzo de Almagro nói:

“Thật là may mắn vì điều này đang trở thành một truyền thống tốt đẹp cho chúng tôi là được mang danh hiệu đội vô địch trình lên Đức Giáo Hoàng.”

Khoảnh khắc hân hoan nhỏ này diễn ra chỉ một ngày sau khi ba thành viên trong gia đình của Đức Giáo Hoàng qua đời trong một tai nạn xe hơi. Chủ tịch của câu lạc bộ cho biết ông trở về nhà hài lòng vì các cầu thủ “đã có thể mang đến một nụ cười cho Đức Giáo Hoàng.” 

15. Cưỡi lừa đến Vatican tham dự buổi triều yết chung

Hàng ngàn người đã dùng các phương tiện khác nhau để tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần với Đức Giáo Hoàng, nhưng trong ngày thứ Tư 20 tháng 8 vừa qua có hai nhóm nổi bật nhất. Một cặp vợ chồng người Pháp và sáu đứa con của họ đã đến Rôma trên một con lừa và một nhóm đã đến thành phố vĩnh cửu trên một chiếc xuồng. 

Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ghi nhận:

“Ở đây trong buổi tiếp kiến này, chúng ta có hai nhóm rất dũng cảm. Một nhóm đã đến đây trên một chiếc xuồng từ Loreto. Một nhóm khác là một gia đình người Pháp đã đến đây trên một con lừa. Xin chúc mừng hai nhóm dũng cảm.” 

Sau đó Đức Giáo Hoàng đã đích thân gặp hai nhóm. Đầu tiên là gia đình Pháp. Sau khi chào hỏi những đứa trẻ, Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện với gia đình. 

“Chúng con đã gặp Đức Thánh Cha tại Á Căn Đình, ở Buenos Aires. 

“Thật sao?” 

“Vâng, cách đây 15 năm, khi ngài còn là một Hồng Y. “

Lừa dường như là cả phương tiện vận tải lẫn thú nuôi của trẻ em. 

Nhưng mọi thứ đã không dừng lại ở đó. Hai vợ chồng này đã có một bất ngờ. Hai bà mẹ của họ cũng đi đến Rôma để gây bất ngờ. Đức Giáo Hoàng nói. 

– Cả bà nội lẫn bà ngoại sao? 

– Vâng, bà mẹ của chúng con. 

– Dũng cảm. Như vậy là toàn bộ gia tộc kể cả mẹ chồng nữa nhé. 

Đức Thánh Cha cũng chào đón nhóm đến Rôma trên một chiếc xuồng từ Loreto. Họ đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một hình ảnh Đức Mẹ Loreto, cùng với một giỏ đầy các loại thẻ mà họ sưu tầm được khi họ tìm đường đến Rôma.

16. Dự án Giáo dục Scholas: Chia sẻ thông tin, kiến thức và tài nguyên

Khi còn là Tổng Giám mục của Buenos Aires, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio đã đẩy mạnh hai chương trình giáo dục gọi là: “các trường hàng xóm” và ” các trường chị em”. Cả hai giờ đây được kết hợp thành chương trình giáo dục “Scholas”. Đó là một mạng lưới toàn cầu các trường học và trung tâm giáo dục Công Giáo được đề nghị bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thông qua Giáo hoàng Học viện về Khoa học. 

Đức Giám Mục Marcelo Sanchez Sorondo, Hiệu Trưởng Giáo hoàng Học viện về Khoa học nói:

“Điều này tương tự như những gì chúng ta đã từng thấy. Đó là những ý tưởng do Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra để giúp đỡ những người nghèo nhất trong những người nghèo, cho trẻ em đường phố, những trẻ em bị loại ra ngoài lề xã hội và những người không được đào tạo.” 

Nhiệm vụ Scholas ‘là để liên kết các trường học và mạng lưới giáo dục trên toàn thế giới. Điểm đầu tiên là cải thiện giáo dục, đặc biệt là trong cộng đồng có thu nhập thấp. Thể thao và các dự án nghệ thuật cũng là một phần của chương trình. 

Đức Giám Mục Marcelo Sanchez Sorondo nói thêm: 

“Các trường giúp đỡ lẫn nhau, theo chiều ngang. Nghĩa là một trường có thể xem một trường khác có cùng một dự án hay không và liệu trường đó có thêm kiến thức về vấn đề này hay không. Sau đó, một trường sẽ giúp các trường học khác không có tài nguyên. Nếu họ có tiền, họ giúp đỡ bằng tiền, nếu họ có những nhà giáo dục, họ giúp đỡ bằng các thông tin. “

Dự án đã có nhiều nhà tài trợ đặc biệt, bao gồm cả hai ngôi sao bóng đá Lionel Messi và Gianluigi Buffon. Cả hai đều hỗ trợ Scholas bắt đầu vào tháng Tám năm 2013. 

Để gây quỹ, họ tổ chức các trận đấu liên tôn đầu tiên cho Hòa bình, sẽ diễn ra tại Rôma vào ngày 01 tháng 9.

17. Công bố chủ đề Ngày Hòa Bình Thế Giới 2015

Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề cho Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 48 cử hành ngày 1 tháng Giêng năm 2015 là “Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em”.

Trong thông cáo đưa ra hôm 21 tháng 8 để công bố chủ đề do Đức Thánh Cha chọn, Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình giải thích rằng người ta thường nghĩ nạn nô lệ là một điều thuộc về quá khứ, trong thực tế tệ đoan này vẫn nhan nhãn trong xã hội ngày này.

Sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới 1 tháng Giêng năm nay 2014 đã bàn về “Tình huynh đệ, nền tảng và là con đường dẫn đến hòa bình”. Sự kiện tất cả là con cái Thiên Chúa làm cho mọi người trở thành anh chị em với nhau, có phẩm giá bình đẳng. Nạn nô lệ giết chết tình huynh đệ đại đồng ấy, và do đó nó cũng giết chết hòa bình. Thực vậy, chỉ có hòa bình khi con người nhìn nhận tha nhân là anh chị em có cùng phẩm giá.

Trên thế giới, nạn nô lệ có nhiều bộ mặt kinh tởm khác nhau, như nạn buôn người, buôn bán những người di dân, nạn mại dâm, bó buộc lao động như nô lệ, người bóc lột người, não trạng đối xử với phụ nữ và trẻ em như nô lệ.

Hội đồng Công lý và hòa bình cũng tố giác rằng có nhiều cá nhân và nhiều nhóm đầu cơ nô lệ một cách ô nhục, họ lợi dụng bao nhiêu cuộc xung đột hiện nay trên thế giới, bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tham ô hối lộ. Nạn nô lệ thực là một vết thương kinh khủng trong xã hội hiện nay và là một vết thương rất trầm trọng trong thân mình của Chúa Kitô!”

Để ngăn chặn hữu hiệu nạn nô lệ, trước tiên cần nhìn nhận phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người, và kiên trì tham chiếu tình huynh đệ, vượt thắng sự chênh lệch có thể làm cho người này trở thành nô lệ cho người khác.

Đối tượng cần nhắm tới là xây dựng một nền văn minh dựa trên phẩm giá bình đẳng của mọi người, không phân biệt ai. Để được như vậy cần dấn thân thông tin, huấn luyện, xây dựng một nền văn hóa cổ võ một xã hội được đổi mới và thấm đượm tinh thần tự do, công lý và hòa bình.

Ngày Hòa bình thế giới do Đức Phaolô Đệ Lục thiết lập và cử hành vào ngày 1 tháng Giêng hàng năm. Sứ điệp của của các vị Giáo Hoàng nhân ngày này được gửi đến các chính phủ trên thế giới và cũng cho thấy hướng đi ngoại giao của Tòa Thánh trong năm mới bắt đầu.

18. Liên Hiệp Quốc báo động về một thảm trạnh nhân đạo nữa tại Iraq

Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc tại Iraq đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động ngay lập tức để tránh một cuộc thảm sát quy mô thường dân vô tội trong thị trấn bị bao vây bởi bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Ông Nickolay Mladenov cho biết ông đã “cảnh báo một cách nghiêm trọng” về tình trạng của 20,000 người sống tại thị trấn Amerli miền bắc Iraq vì trong nhiều ngày qua họ không có thức ăn hoặc nước vì cuộc bao vây đã kéo dài hai tháng tiếp tục. 

Ông nói: “Tình hình của những người dân tại Amerli là tuyệt vọng và đòi hỏi hành động ngay lập tức để ngăn chặn vụ thảm sát có thể xảy ra. Thành phố bị bao vây bởi bọn khủng bố Hồi Giáo IS và những báo cáo xác nhận rằng người dân đang sống trong những điều kiện tuyệt vọng.”. 

Mladenov, một cựu bộ trưởng ngoại giao Bulgaria, cũng kêu gọi chính phủ Iraq phải sơ tán dân chúng ra khỏi thị trấn này hoặc cung cấp “viện trợ nhân đạo cứu sinh” cho những người bị mắc kẹt ở đó. 

Ông nói thêm: “Các đồng minh của Iraq và cộng đồng quốc tế phải làm việc với các nhà chức trách để ngăn chặn một thảm kịch nhân đạo. Đại diện Liên Hợp Quốc tại Iraq phải làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ chính phủ và người dân Iraq trong việc giảm thiểu những đau khổ khôn xiết của người dân Amerli”. 

Quân khủng bố IS đã bao vây thị trấn này nơi tập trung đông đảo những người Hồi Giáo Shiite là những người mà quân khủng bố IS gặp là giết chứ không cần bắt phải cải đạo sang Hồi Giáo Sunni như chúng.

Ít nhất 200 thanh niên đã bị giết khi cố gắng thoát vòng vây của quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Nguồn: Vietcatholic news

h1

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN