Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 21/1/2018: Tâm tình của Đức Thánh Cha với các linh mục, tu sĩ nam nữ Peru tại Trijillo

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 21/1/2018: Tâm tình của Đức Thánh Cha với các linh mục, tu sĩ nam nữ Peru tại Trijillo

Như chúng tôi đã tường thuật, lúc 7h40 sáng thứ Bẩy 20 tháng Giêng, Ðức Thánh Cha đã bay đến thành phố thành phố Trujillo cách Lima 490 cây số về hướng bắc để cử hành thánh lễ lúc 10h tại quảng trường Huanchaco cạnh bờ biển.

Ban chiều, lúc 3h, ngài viếng nhà thờ chính tòa địa phương và gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh thuộc giáo tỉnh miền bắc Peru tại Chủng viện thánh Carlo và Marcelo.

Ngày 15 tháng 4 năm 1577, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô thứ 13 ra sắc lệnh thành lập giáo phận Trujillo và bổ nhiệm Đức Cha Alonso Guzmán y Talavera làm giám mục tiên khởi. Giáo phận Trujillo được Đức Thánh Cha Piô thứ 12 nâng lên hàng tổng giáo phận vào ngày 23 tháng 5 năm 1943.

Trong tổng số 1,535,800 dân, có 1,229,855 người Công Giáo, chiếm tỉ lệ 80.1%. Tổng giáo phận có 74 giáo xứ dưới quyền cai quản của Đức Tổng Giám Mục Héctor Miguel Cabrejos Vidarte, dòng anh em hèn mọn, cùng với 133 linh mục, trong đó có 73 linh mục triều và 60 linh mục dòng. Bên cạnh đó, còn có một phó tế vĩnh viễn, 129 nam tu sĩ không có chức linh mục và 188 nữ tu.

Trong diễn từ với các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến:

Chào buổi trưa!

Tôi biết ơn những lời Đức Tổng Giám Mục José Antonio Eguren Anselmi của tổng giáo phận Piura chào mừng tôi thay mặt cho tất cả những anh chị em hiện diện nơi đây.

Gặp gỡ với anh chị em, tìm hiểu anh chị em, lắng nghe anh chị em và chia sẻ tình yêu của chúng ta đối với Chúa và đối với sứ mệnh mà Ngài đã ủy thác chúng ta là điều rất quan trọng đối với tôi. Tôi biết anh chị em đã phải nỗ lực rất lớn để có thể hiện diện nơi đây. Cảm ơn anh chị em!

Chủng viện đang chào đón chúng ta là một trong những chủng viện đầu tiên được thành lập ở Châu Mỹ La Tinh để đào tạo những thế hệ các nhà truyền giáo tương lai. Hiện diện cùng nhau tại nơi này làm cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang ở trong một trong những “cái nôi” đã sản sinh ra cơ man các nhà truyền giáo. Tôi cũng không thể quên rằng Thánh Turibius thành Mogrovejo, là quan thầy của các giám mục châu Mỹ Latinh, đã chết nơi vùng đất này, trong lúc đang hoạt động truyền giáo. Tất cả những điều này mời gọi chúng ta hướng nhìn đến căn cội của mình, và đến những gì qua dòng thời gian và lịch sử cho phép chúng ta phát triển và sinh hoa trái. Ơn gọi của chúng ta sẽ luôn luôn có 2 chiều kích: căn cội dưới thế và tâm hồn trên trời. Khi một trong hai điều này bị đánh mất, một cái gì đó bắt đầu trở nên sai lầm và cuộc sống của chúng ta dần dần héo tàn (xem Lc 13: 6-9).

Tôi muốn chỉ ra rằng đức tin của chúng ta, ơn gọi của chúng ta, là một ký ức, một chiều kích “Đệ Nhị Luật” của cuộc sống. Là một ký ức, bởi vì ơn gọi của chúng ta nhìn nhận rằng chẳng có điều nào dù là sự sống, hay đức tin, hay Giáo hội bắt nguồn từ sự chào đời của bất kỳ một ai trong chúng ta. Ký ức nhìn đến quá khứ để khám phá ra nguồn mạch đã từng nuôi dưỡng con tim của các tông đồ qua nhiều thế kỷ, và do đó nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của dân Người. Chúng ta nhớ đến lời hứa Chúa ban cho tổ tiên của chúng ta, theo đó, nhờ sự hiện diện liên tục của Ngài giữa chúng ta, Ngài là căn nguyên của niềm vui khiến chúng ta mừng hát rằng: “Chúa đã làm cho chúng ta những điều vĩ đại; khiến chúng ta mừng rỡ hân hoan” (Tv 125: 3).

Tôi muốn chia sẻ với anh chị em một số nhân đức của ký ức này.

Một tự nhận thức đầy hân hoan

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe thường được đọc là một điểm then chốt của ơn gọi, trong đó chúng ta tập trung vào cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Chúa Giêsu. Tôi muốn quay trở lại trước đó và có một cái nhìn về Thánh Gioan Baotixita. Thánh nhân đang ở với hai môn đệ của mình, thì thấy Chúa Giêsu đi qua, Thánh nhân đã bảo họ: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1:36). Khi nghe những lời này, họ đã bỏ Gioan và theo Chúa Giêsu (xem câu 37). Điều này hơi đáng ngạc nhiên vì họ đã ở với Gioan, họ biết rằng ông là một hiền nhân, và như Chúa Giêsu nói, trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông (Mt 11:11), nhưng ông không phải là Đấng sẽ đến. Gioan đang đợi người cao trọng hơn mình. Ông hiểu rõ rằng ông không phải là Đấng Mết-si-a, mà chỉ đơn giản là người loan báo về sự xuất hiện của Đấng ấy. Gioan ghi nhớ; ông ý thức được lời hứa và vị thế của riêng mình trong lịch sử.

Gioan hiện thân cho nhận thức của một đệ biết rõ rằng mình không phải là Đấng Mê-si, và sẽ không bao giờ là Đấng ấy, nhưng chỉ là một người được mời gọi để chỉ ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của dân Ngài. Như những người nam nữ thánh hiến, chúng ta không được kêu gọi thay thế Chúa qua các công trình của chúng ta, qua sứ vụ của chúng ta, hoặc cơ man các hoạt động của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta được yêu cầu phải làm là làm việc với Chúa, sát cánh với Ngài, và không bao giờ được quên rằng chúng ta không thay thế cho Ngài. Điều này không làm cho chúng ta “ươn lười” trong sứ vụ phúc âm hoá; đúng hơn, nó thúc đẩy chúng ta làm việc với tất cả sự siêng năng hơn, và luôn ý thức rằng chúng ta là môn đệ của cùng một vị Thầy. Một môn đệ biết rằng mình đang ở đó, bây giờ và mãi mãi, để hỗ trợ cho Thầy mình. Đó là nguồn mạch vui mừng của chúng ta.

Thật tốt khi biết rằng chúng ta không phải là Đấng Mết-si-a! Điều đó giải phóng chúng ta khỏi tư duy cho rằng chúng ta quá quan trọng hoặc quá bận rộn (ở một số nơi, không phải là hiếm đâu, người ta nói: “Không, đừng đến giáo xứ đó vì cha xứ luôn rất bận!”). Thánh Gioan Tẩy Giả biết rằng nhiệm vụ của ngài là chỉ đường, là bắt đầu, là mở ra không gian, để tuyên bố rằng “một người khác” là người mang Chúa Thánh Linh đến. Trở nên một người biết ghi nhớ giải phóng chúng ta khỏi cám dỗ nghĩ rằng chúng ta là những Đấng Mết-si-a.

Chúng ta có thể chiến đấu với cám dỗ này bằng nhiều cách, cả bằng những tiếng cười. Vâng chính thế, học cách tự cười nhạo bản thân mình đem lại cho chúng ta khả năng tinh thần để đứng trước Chúa với những hạn chế của chúng ta, những lỗi lầm, tội lỗi của chúng ta, cũng như các thành công của chúng ta, cùng với niềm vui biết rằng Người đang ở bên chúng ta. Một trắc nghiệm tinh thần tốt là hãy tự hỏi mình xem liệu chúng ta có thể cười nhạo chính mình hay không. Tiếng cười cứu chúng ta khỏi “thuyết tự hấp thu Promethean neo-Pelagianism của những người cuối cùng chỉ tin tưởng vào năng lực của mình và cảm thấy mình ưu việt hơn những người khác” [1]. Anh chị em, hãy cười vang trong cộng đồng, chứ đừng cười vào mặt cộng đồng hay những người khác! Chúng ta hãy cảnh giác với những người quá quan trọng đến nỗi họ đã quên không biết làm sao mà cười trong cuộc sống của họ.

Thời điểm của lời mời gọi

Thánh Gioan Tông Đồ Thánh Sử đã đề cập đến trong Tin Mừng của ngài thời điểm đã thay đổi cuộc đời ngài: “khoảng chừng giờ thứ mười” (Ga 1:39). Một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống của chúng ta, nó xác lập cái gì là “trước đó”, và cái gì là “sau đó”. Thật tốt là chúng ta luôn luôn ghi nhớ ngày, giờ đặc biệt này khi mỗi người chúng ta nhận ra rằng Chúa đã mong đợi điều gì đó nhiều hơn nơi chúng ta. Đó là ký ức về giờ khắc mà chúng ta đã rung động trước ánh mắt của Ngài.

Khi chúng ta quên giờ khắc đó, chúng ta quên nguồn gốc của mình, căn cội của chúng ta; và khi mất đi những tọa độ cơ bản này, chúng ta sẽ mất đi hình ảnh về những phần quý giá nhất trong đời sống của chúng ta như những người tận hiến: đó là ánh mắt của Chúa. Có lẽ anh chị em không thích nơi mà Chúa đã tìm thấy anh chị em, có lẽ đó không phải là một tình huống lý tưởng, hoặc “lẽ ra nó phải coi được hơn một chút”. Nhưng đó là nơi Chúa đã tìm thấy anh chị em và chữa lành những vết thương của anh chị em. Mỗi người trong chúng ta đều biết là ở đâu và khi nào: có thể đó là thời điểm xảy ra những tình huống phức tạp, hay những tình huống đau đớn; Vâng, nhưng chính ở đó Thiên Chúa của Sự Sống đã gặp anh chị em và làm cho anh chị em trở thành những nhân chứng cho Sự Sống của Người, biến anh chị em nên một phần trong sứ vụ của Người, và kết hợp với Người, để nên một sự vuốt ve của Thiên Chúa cho nhiều người. Chúng ta hãy nhớ kỹ rằng ơn gọi của chúng ta là một ơn gọi yêu thương, để đáp lại tình yêu và phục vụ. Nếu Chúa yêu anh chị em và chọn anh chị em, đó không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em! (xem Đệ Nhị Luật 7: 7-8). Tình yêu của Chúa là một tình yêu nội tại, một tình yêu thương xót thúc đẩy chúng ta tận những chiều kích sâu thẳm, để chúng ta ra đi và phục vụ những người khác như Chúa Giêsu đã làm.

Tôi muốn nhấn mạnh một khía cạnh mà tôi cho là quan trọng. Nhiều người trong chúng ta, khi bước vào chủng viện hoặc một nơi đào tạo, đã được hun đúc bởi đức tin của gia đình và những người lân cận. Đây là cách chúng ta thực hiện các bước đi đầu tiên của chúng ta, đó là thường xuyên được nâng đỡ bởi những thể hiện của lòng đạo đức bình dân dưới những hình thức tinh tế nhất và có nguồn gốc sâu xa nơi những người dân đơn sơ và trung tín của Thiên Chúa ở Peru. Dân chúng đã thể hiện một lòng yêu mến bao la dành cho Chúa Giêsu Kitô, Đức Trinh Nữ Maria, các vị Thánh và các Chân Phước của anh chị em, trong cơ man những việc sùng kính mà tôi không dám nêu ra ở đây vì sợ bỏ sót một vài hình thức trong số đó. Trong những đền thờ của họ, “nhiều người hành hương đưa ra những quyết định có tính chất định đoạt cuộc đời họ. Các bức tường [của những đền thờ đó] chằng chịt biết bao những câu chuyện mà hàng triệu người đã kể về sự hoán cải, sự tha thứ và những ơn lành đã nhận được”. [2] Đối với nhiều người trong anh chị em, câu chuyện về ơn gọi của anh chị em cũng có thể được viết trên những bức tường đó. Tôi khuyên anh chị em không nên quên, hay xem thường đức tin kiên vững và đơn sơ của người dân anh chị em. Hãy chào đón, đồng hành và kích thích những cuộc gặp gỡ của họ với Chúa. Đừng trở thành “các chuyên gia về đàng thiêng liêng” bằng cách quên đi những người dân của anh chị em, từ trong số họ, Chúa đã chọn anh chị em. Đừng đánh mất ký ức của anh chị em và hãy tôn trọng những người đã từng dạy anh chị em biết cách cầu nguyện.

Nhớ lại khoảnh khắc chúng ta được gọi, vui mừng trước ký ức Chúa Kitô bước vào đời ta như thế nào, sẽ giúp chúng ta thốt lên lời cầu nguyện tuyệt vời của Thánh Francisco Solano, nhà truyền giáo vĩ đại và là bạn của người nghèo: “Lạy Chúa Giêsu nhân lành, Đấng Cứu Chuộc con và anh chị em con! Có cái gì con có đây, mà không phải là Chúa cho con? Có điều chi con biết, mà không phải là Chúa dạy cho con?”

Bằng cách này, một tu sĩ, một linh mục, một người nam nữ tận hiến là một người biết ghi nhớ, vui mừng và biết ơn: đó là ba điều chúng ta cần phải thủ đắc cho được và phải giữ kỹ như là ‘vũ khí’ chống lại mọi hình thức ơn gọi giả tạo. Ý thức biết ơn làm cho trái tim chúng ta lớn lên và truyền cảm hứng cho chúng ta phục vụ. Nếu không có lòng biết ơn, chúng ta có thể là những người giải quyết những vấn đề thiêng liêng một cách hiệu quả, nhưng chúng ta sẽ thiếu sự xức dầu của Thánh Linh để trở thành những tôi tớ của anh chị em chúng ta, đặc biệt là của những người cần chúng ta nhất. Dân trung tín của Thiên Chúa có một khướu giác giúp họ phân biệt được đâu là một công chức thiêng liêng và đâu là một tôi tớ đáng kính. Họ có thể phân biệt được người tử tế và kẻ vô tâm. Dân Thiên Chúa là bệnh nhân, nhưng họ biết ai phục vụ và chữa lành những vết thương của họ bằng dầu vui mừng và lòng biết ơn.

Niềm vui lây lan

Thánh Anrê là một trong những môn đồ của Thánh Gioan Tẩy Giả, người theo Chúa Giêsu ngày hôm đó. Sau khi dành thời gian với Chúa Giêsu và thấy nơi Người sống, anh trở về nhà anh mình là Si-môn Phêrô, và nói với anh mình: “Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mết-si-a” (Ga 1:41). Đó là tin tốt nhất anh ta có thể đưa đến cho anh mình, và tin ấy đưa người anh đến với Chúa Giêsu. Đức tin nơi Chúa Giêsu có tính lây lan; nó không thể bị hạn chế hoặc giữ kín bên trong. Ở đây, chúng ta thấy những chứng tá trở nên có hiệu quả như thế nào: các môn đồ mới được gọi sẽ tiếp tục thu hút những người khác bằng chứng tá đức tin của họ, như Chúa Giêsu, trong đoạn Tin Mừng vừa nghe, đã gọi chúng ta qua những người khác. Sứ vụ này bùng lên một cách tự phát từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Thánh Anrê bắt đầu sứ vụ tông đồ của mình với những ai gần gũi với mình nhất, là anh trai Simon của mình, gần như một cách tự nhiên, bằng niềm vui rạng rỡ. Niềm vui là dấu hiệu chắc chắn nhất là chúng ta đã “khám phá ra” Đấng Mết-si-a. Niềm vui luôn hiện diện trong lòng các tông đồ, và chúng ta thấy niềm vui ấy nơi sự nhiệt thành khi Anrê nói với anh mình: “Chúng tôi đã tìm thấy Người!” Vì “niềm vui của Phúc Âm ngập tràn tâm hồn và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận lời đề nghị cứu rỗi của Người thì được thoát khỏi tội lỗi, nỗi buồn, sự trống rỗng bên trong và sự cô đơn. Với Chúa Kitô, niềm vui thường xuyên được tái sinh” [3].

Niềm vui này mở lòng chúng ta ra cho tha nhân; đó là một niềm vui phải được chia sẻ. Trong một thế giới bị phân mảnh như thế giới chúng ta đang sống, một thế giới có thể khiến chúng ta rút lui, chúng ta được thách thức để trở thành những nhà xây dựng và các vị tiên tri của cộng đồng. Vì không ai được cứu riêng mình mà thôi. Tôi muốn nói rõ ràng về điều này. Sự phân mảnh hoặc cô lập không phải là những điều chỉ xảy ra “ở bên ngoài”, không phải chỉ là vấn đề của “thế gian”. Anh chị em ơi, những chia rẽ, chiến tranh, và sự cô lập được tìm thấy ngay trong những cộng đoàn chúng ta, và gây hại biết chừng nào! Chúa Giêsu sai chúng ta đi để xây dựng tình hiệp thông và sự hiệp nhất, nhưng thường thì dường như chúng ta thực thi điều này bằng cách phô bày cho thế gian thấy sự chia rẽ của chúng ta, và tệ hơn nữa, là cố gắng làm cho nhau sai lầm. Chúng ta được mời gọi trở thành những người xây dựng sự hiệp thông và hiệp nhất, nhưng điều này không có nghĩa là nghĩ rằng mọi người đều giống nhau hoặc phải hành động y chang như nhau. Nó có nghĩa là phân định mỗi người phải cống hiến những gì, trong khi tôn trọng sự khác biệt của họ, và thừa nhận có những đặc sủng khác nhau trong Giáo Hội, trong nhận thức rằng dù mỗi người chúng ta đóng góp những gì mình có, chúng ta vẫn phải cần đến nhau. Chỉ có Chúa mới có đầy đủ các ân sủng; chỉ có Chúa mới là Đấng Mết-si-a. Ngài muốn ban phát những ân sủng của mình theo cách mà chúng ta có thể cho đi những gì chúng ta có, trong khi được phong phú hóa bằng những thứ của người khác. Chúng ta phải cảnh giác trước sự cám dỗ là “đứa con duy nhất”, muốn mọi thứ cho riêng mình vì không có ai để chia sẻ với nó. Tôi xin những người trong anh chị em là những người có thẩm quyền: xin đừng trở thành người tự tham chiếu về chính mình. Hãy cố gắng chăm sóc anh chị em mình; cố gắng giữ cho họ được hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc là điều lây lan. Đừng rơi vào bẫy rập của một kẻ có quyền chạy theo chủ nghĩa độc tài và quên rằng sứ vụ của mình chủ yếu là một sứ vụ phục vụ.

Thưa anh chị em, tôi cảm ơn anh chị em một lần nữa. Cầu xin cho ký ức “Đệ Nhị Luật” này làm cho chúng ta vui vẻ hơn với lòng biết ơn được trở thành những người phục vụ cho tình hiệp nhất giữa dân ta.

Nguyện xin Chúa ban phép lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ phù hộ anh chị em. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.

[1] x. Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, số 94
[2] x. Phiên khoáng đại lần thứ 5 của các Giám mục Mỹ Latinh và Caribê, Văn kiện Aparecida, ngày 29 tháng 6 năm 2007, trang 260.
[3] Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, số 1

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …