1. Vatican công bố danh sách các Giám Mục Trung Quốc chết thảm thời cộng sản
Nhà xuất bản Vatican – Libreria Editrice Vaticana – vừa xuất bản một cuốn sách dầy trình bày những cái chết bi thảm của 75 Giám Mục Trung Quốc. Cuốn sách có tựa đề “Vescovi Nella Terra Di Conucio” – nghĩa là “Các Giám Mục trên miền đất của Khổng Tử.”
Cuốn sách này do Gianni Cardinale biên tập. Ông là một chuyên gia về địa chính trị của Vatican và là một ký giả danh tiếng của hai tờ “Avvenire” và “Limes”. Ông không đưa ra lời bình luận nào mà chỉ đơn thuần là tổng kết những tài liệu của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mà cho đến bây giờ người ta chỉ được biết từng phần một chứ không có một bức tranh tổng thể.
Đây là lần đầu tiên Vatican công bố tên của các giám mục của mỗi giáo phận Trung Quốc, cả các giám mục công khai lẫn các giám mục hầm trú, cả các vị hợp lệ lẫn những kẻ bất hợp lệ.
Nhưng trên hết, cuốn sách này bao gồm tiểu sử của 75 giám mục Trung Quốc đã chết thảm từ năm 2004 đến nay, tất cả đều bị bách hại trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ trong lao tù lao động cưỡng bức, các trại cải tạo, quản thúc tại gia, hay chí ít cũng bị công an mật vụ Trung Quốc liên tục đeo bám.
Qua việc công bố tài liệu này, Tòa Thánh có lẽ muốn nêu rõ với những ai hoài nghi về thái độ của Vatican đối với bọn cầm quyền Bắc Kinh là những cách hành xử mà chế độ cộng sản gây ra đối với các giám mục Trung Quốc tại quốc gia này cần phải được chấm dứt trước khi Vatican có thể đồng ý ký một hiệp định với chính quyền Bắc Kinh trong việc bổ nhiệm các giám mục.
2. Một vài nét về cuốn “Vescovi Nella Terra Di Conucio”
Việc bách hại các giám mục Trung Quốc, trên thực tế, không chỉ diễn ra từ năm 2004 cho tới nay, nhưng đã được bắt đầu và có lẽ còn tàn khốc hơn dưới triều đại của Mao Trạch Đông và cuộc Cách mạng Văn hoá, khi bọn cầm quyền tuyên bố rõ ràng rằng mục tiêu của chế độ là hủy diệt Giáo hội Công giáo, hay chí ít là tạo ra một mô hình Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa tách khỏi Rôma và hoàn toàn phục tùng bọn cầm quyền.
Việc hành hạ các Giám Mục cũng đã được tiếp tục sau cuộc Cách mạng Văn hoá ngay cả khi một số các Giám Mục hoặc các ứng viên Giám Mục được thả ra khỏi các nhà tù. Để sống sót các ngài bắt buộc phải làm việc trong các mỏ muối hoặc mỏ đá, chăn nuôi heo, nung gạch. Nếu may mắn hơn, các vị làm việc trong một tiệm ăn hay như những người bán rong trên hè phố.
Tiêu biểu trong danh sách các Giám Mục bị chết thảm dưới bàn tay sắt của bọn cầm quyền Bắc Kinh là Đức Giám Mục Gioan Gao Kexian thuộc giáo phận Yên Đài, chết thảm với nhiều thương tích trên người sau khi bị bắt cóc vào năm 1999.
Một Giám Mục phụ tá của giáo phận Yongnian là Đức Cha Gioan Han Dingxiang bị cầm tù trong 20 năm, được thả ra nhưng sau đó lại biến mất vào năm 2006, và năm 2007 Trung Quốc cho biết là ngài đã chết, được hỏa táng và chôn tại một địa điểm tới nay vẫn chưa được tiết lộ.
Năm 2010, lại có một giám mục khác là Gioan Yang Shudao thuộc giáo phận Phúc Châu, đã chết sau hai mươi sáu năm tù, và phần đời còn lại của ngài “hầu như luôn bị quản thúc tại gia và bị giám sát chặt chẽ.”
Chưa kể những khó khăn của các vị giám mục gần đây nhất của Thượng Hải, như Đức Cha Giuse Fan Zhingliang, Dòng Tên, qua đời năm 2014, là Giám Mục hầm trú; và người kế nhiệm của ngài là Đức Cha Thaddeus Mã Đạt Khâm, bị bắt giữ từ năm 2012 vì đã từ chức khỏi Hiệp hội Công giáo yêu nước vì cho rằng đường lối của hội này là “không phù hợp” với đức tin Công Giáo.
Trong năm qua lại xảy ra vụ bắt cóc và giam giữ Đức Giám Mục Phêrô Thiệu Chúc Mẫn thuộc giáo phận Ôn Châu tại một địa điểm chưa được tiết lộ. Đại sứ quán Đức ở Trung Quốc và sau đó chính Tòa Thánh đã lên tiếng hôm 26 tháng 6. Nhưng đến nay cả phía chính phủ Đức cũng như Tòa Thánh đều không nhận được bất kỳ phản hồi nào của bọn cầm quyền Bắc Kinh.
3. Nhận định của ký giả Sandro Magister về việc Tòa Thánh công bố danh sách các Giám Mục Trung Quốc chết thảm thời cộng sản
Trong bài “Dal Vaticano una doccia gelata sui negoziati con Pechino”, nghĩa là “Một gáo nước lạnh từ Vatican tạt vào các cuộc thương thảo với Trung Quốc”, Sandro Magister của tờ L’Espresso có bài nhận định sau đây:
Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên bay qua không phận Trung Quốc. Nhưng liệu ngài có đặt chân được trên mảnh đất này hay không vẫn là một điều còn phải chờ xem. Tháng 8 vừa qua, nhà xuất bản Libreria Editrice Vaticana của Tòa Thánh đã công bố một hồ sơ, như một gáo nước lạnh tạt vào mặt những ai tiếp tục cho rằng một thỏa thuận giữa Tòa thánh và Bắc Kinh sắp xảy ra.
Trước những điều vừa được Vatican chính thức công bố, sự lạc quan mà Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ mỗi khi ngài được hỏi về Trung Quốc chỉ có thể được giải thích như là một thái độ đầy tính ngoại giao hơn là thực chất. Đúng là đang có một cuộc đàm phán giữa Vatican và Trung Quốc, với các cuộc họp ba tháng một lần luân phiên nhau giữa Rome và Bắc Kinh. Nhưng ngoài tình trạng thiếu tự do tôn giáo tại Hoa Lục và chính sách công khai bách hại người Công Giáo mà tài liệu vừa được công bố của Vatican trong những ngày gần đây đã nêu rõ, có ít nhất hai trở ngại đối với một thỏa thuận về các thủ tục bổ nhiệm giám mục trong tương lai.
Thứ nhất là Hội Đồng giám mục Trung Quốc, cơ cấu có trách nhiệm tuyển chọn ứng viên, hiện giờ chỉ gồm toàn các giám mục chính thức được Bắc Kinh công nhận, mà không có ba mươi vị giám mục “hầm trú” chỉ được Vatican công nhận. Đến nay, Tòa Thánh vẫn không có cách nào thuyết phục bọn cầm quyền Bắc Kinh nhìn nhận các vị này.
Trở ngại thứ hai, cũng nghiêm trọng không kém, là trường hợp của bảy vị giám mục “chính thức”, trong đó có ba người đã bị công khai rút phép thông công, một người có “con đàn cháu đống”, và một người có nhân tình.
4. Ấn Giáo cực đoan đốt hình nộm Đức Hồng Y Telesphore Toppo
Làn sóng Ấn Giáo cực đoan đang lan nhanh tại Ấn. Hôm 12 tháng 8 vừa qua, bang Jharkhand thuộc miền Đông Ấn Độ đã là bang thứ Tám trong số 29 bang của Ấn Độ thông qua luật cấm người Ấn Giáo cải đạo sang bất cứ tôn giáo nào khác.
Raghubar Das, thủ hiến bang Jharkhand, thành viên của đảng Ấn Giáo cực đoan BJP, là kẻ công khai vận động cho dự luật cấm cải đạo này. Trong những ngày gần đây, Raghubar Das đã đưa ra các phát biểu kích động bạo lực tôn giáo dẫn đến những cuộc biểu tình khổng lồ của các thành phần Ấn Giáo cực đoan.
Trong một diễn biến bi đát, những người biểu tình đã đốt thánh giá, và hình nộm của Đức Hồng Y Telesphore Toppo, là Tổng giám mục Ranchi và là nhà lãnh đạo hàng đầu của Giáo hội Công giáo ở Jharkhand.
Các Kitô hữu, phần lớn là người Công giáo, chiếm chưa tới 5% trong số 27 triệu dân Jharkhand.
5. Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Ấn về vụ đốt hình nộm Đức Hồng Y Telesphore Toppo
Tổng thư ký Hội Đồng Giám mục Ấn Độ, là Đức Cha Theodore Mascarenhas, vừa lên tiếng trứớc vụ đốt hình nộm Đức Hồng Y Telesphore Toppo. Ngài đã kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi “can thiệp để ngăn chặn hận thù” đang bùng phát ở bang Jharkhand.
Trong một bức thư gửi cho ông Modi, Đức Tổng Giám Mục Theodore cáo buộc thủ hiến Raghubar Das của bang Jharkhand đang theo đuổi đường lối cực đoan tôn giáo bằng những bài phát biểu kích động hận thù tôn giáo càng ngày càng táo tợn.
Bức thư của Đức Cha Theodore được công bố hôm 13 tháng 9, cảnh giác rằng nếu hành động của thủ hiến Raghubar Das “không được kiềm chế ngay lập tức,” bạo lực và hận thù sẽ bùng phát.
Thủ tướng Modi cũng là một thành viên của BJP.
Đức Cha Theodore viết rằng ngài bị thúc giục phải hành động vì “một bức ảnh khủng khiếp, đáng lo ngại và đáng sợ” mà một thanh niên Công Giáo đã gửi ngài cho thấy những người Ấn Giáo đang đốt hình nộm của Đức Hồng Y Telesphore Toppo.
Đức Cha Theodore cũng từng là Giám Mục Phụ Tá của Ranchi nơi vụ việc đáng tiếc vừa diễn ra.
Ngài nhắc cho thủ tướng Modi nhớ rằng trong bài diễn văn Ngày Độc lập năm nay ông Modi nói rằng “bạo lực nhân danh niềm tin tôn giáo là điều không thể chấp nhận”. Phát biểu này được người dân Ấn chào đón và hoan nghênh nhưng Đức Cha Theodore nhận xét cay đắng rằng “trong vài tháng qua đã không có sự liên hệ nào giữa thực tế và hệ tư tưởng mà ngài đã tuyên bố”
“Lịch sử cho chúng ta thấy rằng hận thù bắt đầu như một tia lửa nhỏ nhưng có thể bùng phát thành một ngọn lửa kinh hoàng không thể ngăn cản được. Như ngài thừa biết, việc đốt cháy một hình nộm là khúc dạo đầu cho một thứ bạo lực thể chất”.
6. Viễn ảnh chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Ấn Độ
Trên chuyến bay trở về Rome sau ba ngày tông du đến vùng Caucasus, hôm 2 tháng 10 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho các phóng viên biết ngài chắc chắn sẽ đến thăm Ấn Độ và Bangladesh vào năm 2017.
Phát biểu của Đức Thánh Cha dựa trên niềm tin vào sự thành thật của thủ tướng Ấn Narendra Modi. Tuy nhiên, ông Modi, một lãnh tụ của đảng Ấn Giáo cực đoan BJP, có lẽ chỉ muốn “mời lơi”, hay thậm chí chỉ muốn lợi dụng Đức Giáo Hoàng nhằm làm giảm bớt những chỉ trích về tình trạng tự do tôn giáo tồi tệ hiện nay tại Ấn trong khi ông chuẩn bị thăm các nước trong khối Liên Hiệp Âu Châu.
Theo dự trù ban đầu chuyến tông du tới Ấn Độ và Bangladesh sẽ diễn ra từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12.
Hôm 28 tháng 8, Tòa Thánh công bố rằng Đức Thánh Cha sẽ tông du Miến Điện vào ngày 27 tháng Mười Một, và ở đó cho đến ngày 30. Sau đó, ngài sẽ dừng chân tại Dhaka, Bangladesh, từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12 trước khi trở lại Rôma. Sau tuyên bố này của Tòa Thánh, tại Ấn, kế hoạch chuẩn bị cho chuyến tông du Ấn Độ của Đức Thánh Cha đã chậm hẳn lại vì ít người tin rằng điều đó có thể xảy ra.
7. Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục mới chịu chức
Đức Thánh Cha nhắn nhủ các Giám Mục mới chuyên cần cầu xin Chúa ban ơn phân định khôn ngoan trong việc phục vụ và hướng dẫn dân Chúa.
Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 14-9, dành cho các Giám Mục mới thụ phong trong thời gian gần đây. Các vị tham dự khóa bồi dưỡng do Bộ Giám Mục và Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tổ chức.
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của sự phân định khôn ngoan, mà thánh Phaolô trình bày như một hồng ân của Thánh Linh (Xc 1 Cr 12,10) và Thánh Tômasô Aquino gọi là “nhân đức trổi vượt phán đoán theo các nguyên tắc cao” (S.T, II-II. a.4,ad 3).
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Chỉ những ai được Thiên Chúa hướng dẫn mới có danh nghĩa và uy thế để được đề nghị làm người hướng dẫn tha nhân. Chỉ những ai quen thuộc với vị Thầy nội tâm này, mới có thể dạy dỗ và làm tăng trưởng sự phân định; vị Thầy nội tâm, như một địa bàn, cung cấp những tiêu chuẩn để phận định, cho mình và cho người khác, những thời điểm của Thiên Chúa và ân phúc của Chúa; để nhận ra khi Chúa đi qua và con đường cứu độ của Chúa, để chỉ dẫn những phương thế cụ thể, làm đẹp lòng Chúa”.
Đức Thánh Cha nhắn nhủ các Giám Mục liên tục khẩn cầu ơn phân định như điều kiện tiên quyết để soi sáng mọi sự khôn ngoan của con người, sự khôn ngoan về cuộc sống, tâm lý, xã hội, luân lý, qua đó chúng ta dùng để phận định những con đường của Thiên Chúa, để cứu độ những ngừơi được ủy thác cho chúng ta.
Đức Thánh Cha nhắc nhở các Giám Mục sống sự phân định như thành phần của Dân Chúa, Giám Mục không phải là cha và là chủ nhân ông tự mãn, và càng không phải là một mục tử cô lập, sợ sệt. Sự phân định của Giám Mục luôn là một hành động cộng đoàn, tham khảo ý kiến của các linh mục và các thành phần khác của dân Chúa cũng như trong sự trao đổi và chia sẻ với các anh em Giám Mục khác:
“Trong sự đối thoại thanh thản, Giám Mục không sự chia sẻ, và đôi khi cũng thay đổi sự phân định của mình với người khác: với các anh em trong hàng giám mục, được liên kết nhờ bí tích, và nhờ đó sự phân định có tính chất đoàn thể; với các linh mục của mình mà Giám Mục là người bảo đảm sự hiệp nhất; với các tín hữu giáo dân, vì họ bảo tồn “cảm nghiệm” sự bất khả ngộ trong đức tin ở trong Giáo Hội: họ biết rằng Thiên Chúa không thiếu tình thương và không chối bỏ những lời Ngài hứa”.
Sau cùng Đức Thánh Cha mời gọi các Giám Mục mới hãy vun trồng một thái độ lắng nghe, tăng trưởng trong tự do từ bỏ quan điểm của mình (khi nó tỏ ra thiên vị và thiếu sót), để đón nhận quan điểm của Thiên Chúa”
8. Đức Thánh Cha tiếp Tổng tu nghị dòng Thừa Sai Thánh Tâm
Đức Thánh Cha khuyến khích các tu sĩ dòng thừa sai Thánh Tâm chứng tỏ nơi bản thân và các hoạt động của mình tình thương và sự dịu dàng của Thiên Chúa đối với những người bé nhỏ, rốt cùng, những người không được bảo về và bị gạt ra ngoài lề trên trái đất.
Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 16-9 dành cho 85 thành viên Tổng tu nghị của dòng Thừa Sai Thánh Tâm là dòng cho Cha Jean Jules Chevalier người Pháp thành lập năm 1854 với mục đích phổ biến lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Theo niên giám năm nay của Tòa Thánh, dòng hiện có 1754 tu sĩ, trong đó có 1.265 linh mục, hoạt động tại 154 nhà trên thế giới. Tại Á châu, dòng này hiện diện tại Nam Hàn, Philippines, Nhật Bản, Ấn độ và Indonesia.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhắc đến mục tiêu vừa nói của dòng Thừa Sai Thánh Tâm và nói rằng “để đạt tới mục đích đó, tôi mời gọi anh em, như tôi thường nhắc nhở cho những người thánh hiến, “hãy trở về với mối tình đầu tiên và duy nhất”, hãy ngắm nhìn Chúa Giêsu Kitô để học với Chúa cách yêu mến với con tim nhân trần, tìm kiếm và săn sóc những con chiên bị lạc và bị thương, hoạt động cho công lý và tình liên đới với những người yếu thế và người nghèo, mang lại hy vọng và phẩm giá cho những người kém may mắn, đi tới bất kỳ nơi nào con người đang chờ đợi được lắng nghe và giúp đỡ.. Anh em hãy chứng tỏ nơi bản thân và các hoạt động của mình tình yêu say mê và dịu dàng của Thiên Chúa đối với những người bé mọn, những người rốt cùng, những người vô phương thế tự vệ và bị gạt ra ngoài lề”.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong dòng Thừa Sai Thánh Tâm có nhiều tu huynh: “Tôi xin anh em đừng chiều theo sự ác của trào lưu duy giáo sĩ làm cho dân Chúa, nhất là những người trẻ xa lìa Giáo Hội.. Hãy sống với nhau một tình huynh đệ chân thành, đón nhận sự khác biệt và đề cao sự phong phú của mỗi người.. Đừng sợ tiếp tục và gia tăng tình hiệp thông với giáo dân cộng tác với anh em trong việc tông đồ, làm cho họ tham gia những lý tưởng và các dự phóng của anh em, chia sẻ với họ những phong phú về linh đạo xuất phát từ đoàn sủng của dòng anh em”.
9. Đức Thánh Cha tiếp các đại diện Hiệp hội lưu diễn
Đức Thánh Cha kêu gọi tăng cường sự cộng tác giữa các giáo xứ và các đoàn trình diễn lưu động để săn sóc mục vụ cho các tín hữu trong ngành này.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 15-9 dành cho 120 thành viên hiệp hội quốc gia Italia những người lưu diễn, gọi tắt là Anesv, phần lớn thuộc các gánh xiệc.
Đức Thánh Cha nhìn nhận những vất vả trong cuộc sống và hoạt động của họ, nay đây mai đó, với những khó khăn. Nhưng ngài cũng đề cao ơn gọi của những người trong ngành này mang lại niềm vui cho tha nhân.
Về việc mục vụ và đời sống đạo của các tín hữu trong ngành lưu diễn, Đức Thánh Cha nói: “Tôi cầu mong rằng giữa các cộng đoàn lưu động của anh chị em và các cộng đoàn giáo xứ ngày càng có sự cởi mở hơn, gặp gỡ, ước muốn biết nhau và chia sẻ cuộc sống cũng như kinh nguyện”.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Ơn gọi của cuộc sống và hoạt động của anh chị em là niềm vui. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đi ngược lại nguồn gốc các cuộc trình diễn của anh chị em, những đoàn lưu diễn,chúng ta luôn tìm thấy một người nào đó, ông nội bà nội, ông cố nội, v.v. là người đã say mê loại trình diễn này, đã cảm thấy một ơn gọi vui tơi, và vì thế đã sẵn sàng hy sinh, và ơn gọi đó đã trở thành một sứ mạng: sứ mạng cống hiến cho dân chúng, cho các trẻ em và cả những người lớn và người gia cơ hội giải trí lành mạnh và thanh sạch. Bên trong ơn gọi và sứ mạng ấy làm sao không có bàn tay của Thiên Chúa? Thiên Chúa yêu thương và muốn chúng ta được hạnh phúc. Nơi nào có vui mừng đơn sơ, thanh sạch, ở đó có dấu vết của Chúa. Vì thế, nếu anh chị em biết bảo tồn các giá trị đó, sự chân thành và đơn sơ, thì anh chị em là những sứ giả của niềm vui làm đẹp lòng Thiên Chúa và đến từ Ngài”
10. Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli làm tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, kiêm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Palestine.
Hôm 13-9, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú tại Việt Nam, làm tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, kiêm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Palestine.
Cho đến nay, Đức Tổng Giám Mục Girelli cũng là Sứ thần Tòa thánh tại Singapore, và tại Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Trong nhiệm vụ này, Đức Tổng Giám Mục Girelli đã ra vào Việt Nam hơn 70 lần.
Trong bài giảng tại thánh lễ khai mạc Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc tại La Vang ngày 13-8-2017, Đức TGM Girelli nói rằng: “Tự do tôn giáo không phải là một cái gì tùy tiện trong tay các nhà chức trách, nhưng tự do tôn giáo là một quyền trong tay của người dân. Nhiều người trên thế giới ước mong rằng quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam phải được tôn trọng hơn, phải được thực thi đầy đủ hơn, và Hội Thánh Công Giáo phải được nhìn nhận như một nguồn thiện tích hơn là một vấn nạn cho đất nước”.
11. Đức Hồng Y Charles Bo yêu cầu bà Aung San Suu Kyi lên tiếng về tình trạng bách hại người Hồi Giáo Rohingya
Trong khi hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya lũ lượt chạy trốn khỏi Miến Điện và giữa những chỉ trích toàn cầu về sự im lặng của chính phủ dân sự nước này đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra, Đức Hồng Y Charles Bo nói rằng nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi “lẽ ra đã phải lên tiếng.”
Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon, nhận định rằng người dân ở bang Rakhine đã và đang phải đối diện với những thống khổ kinh hoàng, sau nhiều thập niên bị bỏ rơi và ngược đãi, mà không có sự khắc phục nhanh chóng.
Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 370,000 người Hồi giáo Rohingya đã trốn khỏi bang Rakhine của Miến Điện để chạy sang Bangladesh trong ba tuần vừa qua. Cuộc xung đột gần đây bắt đầu vào ngày 25 tháng 8, khi quân đội Miến Điện tiến hành một cuộc đàn áp ở bang Rakhine. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đã nhận được các báo cáo theo đó các lực lượng an ninh và dân quân đang đốt cháy nhiều thị trấn của người Rohingya và bắn vào những thường dân bỏ trốn. Cao Ủy Trưởng về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc nói trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai 11 tháng 9 rằng tình hình dường như là “ví dụ trong sách giáo khoa về cách thế người ta thanh lọc chủng tộc”.
Cho đến nay bà Aung San Suu Kyi, vẫn chưa lên án bạo lực chống lại thiểu số Hồi giáo ở nước có đa số dân theo Phật giáo này. Hôm thứ Tư, 13 tháng 9, bà Suu Kyi đã hủy bỏ kế hoạch thăm Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, bắt đầu vào tuần tới, và bà đổ lỗi cho một chiến dịch thông tin sai lệch và “những tin giả mạo” liên quan đến cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại bang Rakhine.
Những người từng đoạt giải Nobel hòa bình như Đức Đạt Lai Lạt Ma, và Đức Giám Mục Desmond Tutu đã kêu gọi bà Aung San Suu Kyi can thiệp vào cuộc khủng hoảng.
12. Chung quanh chuyến tông du Miến Điện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thế giới Công Giáo trong thời gian qua đã hướng về Colombia nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đang thực hiện một sứ mệnh khó khăn là làm sao thuyết phục được người dân nước này chấp nhận các thỏa thuận ngưng bắn mà chính phủ của họ đã thỏa thuận với các nhóm phiến quân sau 52 năm xung đột khiến 260,000 người thiệt mạng, 60,000 người mất tích, và hơn 7 triệu người phải di dời.
Ngay khi Đức Thánh Cha về lại Vatican, báo chí tại Italia lại hướng sự chú ý của dư luận đến một chuyến tông du khác, chắc chắn là khó khăn hơn nhiều, sẽ được thực hiện trong vòng 10 tuần sắp tới.
Trong bài “Il papa in Myanmar. La faccia violenta del buddismo” (Đức Giáo Hoàng tại Miến Điện. Khuôn mặt bạo lực của Phật Giáo), Sandro Magister nhận định như sau:
Thứ Hai, ngày 28 tháng 8, phòng báo chí Tòa Thánh đã đưa ra một thông báo chính thức về chuyến tông du mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện tại Miến Điện và Bangladesh từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12.
Tuy nhiên, oái oăm thay, một ngày trước đó, vào cuối buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những rắc rối với nước đầu tiên trong hai nước này. Ngài nói, một phần từ diễn văn đã được soạn sẵn; và một phần theo ngẫu hứng, những từ sau đây, là đoạn không có trong văn bản được cung cấp trước cho các nhà báo:
“Đã có những tin tức đau buồn liên quan đến cuộc đàn áp một nhóm tôn giáo thiểu số, những người Rohingya anh em của chúng ta. Tôi muốn bày tỏ tất cả sự gần gũi của tôi với họ. Và tất cả chúng ta hãy cầu xin Chúa cứu họ; và xin Ngài nâng đỡ những người nam nữ có thiện chí muốn trợ giúp họ, muốn đem lại cho họ đầy đủ nhân quyền. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh em Rohingya của chúng ta.”
13. Phản ứng từ Miến Điện
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong những giờ tiếp theo, những phản ứng về những lời này, ở Miến Điện, rất là tiêu cực. Cố nhiên, người ta có thể thấy những phản ứng phẫn nộ trên các phương tiện truyền thông do chính phủ kiểm soát, là những cơ quan thậm chí đến nay vẫn không chấp nhận thuật ngữ “Rohingya” đang được sử dụng để nói về những người Hồi giáo sống ở khu vực Rakhine gần biên giới với Bangladesh, là những người trong nhiều năm qua là nạn nhân của một cuộc bách hại tàn bạo. Tuy nhiên, cả các đại diện của Giáo hội Công giáo nhỏ bé tại địa phương cũng đưa ra các phản ứng không mấy thuận lợi.
Đức Cha Raymond Sumlut Gam, giám mục giáo phận Banmaw và là cựu giám đốc Caritas Miến Điện, nói với Asia News:
“Chúng tôi sợ rằng Đức Giáo Hoàng không có đủ thông tin chính xác và đã đưa ra những tuyên bố không phản ánh thực tại. Khẳng định người Rohingya đang bị ‘bách hại’ có thể gây căng thẳng nghiêm trọng ở Miến Điện.”
Trong khi đó, cha Mariano Soe Naing, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Miến Điện nói:
“Nếu chúng tôi phải đưa Đức Thánh Cha đến với những người đau khổ nhất trong chúng tôi, chúng tôi sẽ đưa ngài đến các trại tị nạn tại Kachin (một vùng có đa số dân theo Công Giáo), nơi có đông đảo các nạn nhân của cuộc nội chiến, họ đã phải bỏ nhà cửa đến đó tị nạn. Liên quan đến việc sử dụng thuật ngữ ‘Rohingya’, ý kiến của tôi là, để thể hiện sự tôn trọng đối với nhân dân và chính phủ Miến Điện, chúng ta nên dùng cách diễn đạt chính thức, đó là ‘người Hồi Giáo tại Rakhine’. Nếu Đức Giáo Hoàng tiếp tục sử dụng thuật ngữ ‘Rohingya’ trong chuyến tông du của ngài, chúng tôi thực sự phải quan tâm đến sự an toàn của ngài.”
Ở Miến Điện, số người Công giáo chiếm chưa đến một phần trăm dân số, cụ thể là 600,000 trong tổng số 50 triệu dân và thường được xem như là ‘những người nước ngoài’, ngang hàng với các nhóm thiểu số bị ngược đãi khác. Vì vậy, thật là dễ hiểu khi thấy người Công Giáo ở Miến Điện phản ứng một cách dè dặt.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã không cung cấp cho Đức Thánh Cha Phanxicô một văn bản ít ngẫu hứng hơn, khi ngài thực sự muốn nói chuyện công khai về cuộc bách hại Rohingya, nhất là khi ngài sắp sửa thực hiện chuyến tông du đến quốc gia này.
14. Quan hệ Tòa Thánh và Miến Điện
Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Myanmar vào tháng Ba năm ngoái. Và hồi tháng Năm năm nay, Đức Giáo Hoàng đã tiếp bà Aung San Suu Kyi, người đoạt giải Nobel hoà bình bị nhà cầm quyền quản thúc tại gia trong 15 năm và cuối cùng đã được bầu lên một cách dân chủ và được chỉ định là bộ trưởng ngoại giao trong một chính phủ vẫn dưới sự kiểm soát của quân đội, là thế lực tiếp tục nắm giữ đòn bẩy quyền lực thực sự tại Miến Điện.
Một hồ sơ được cập nhật hoàn toàn cần phải được trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô trước chuyến tông du.
Nhưng trên thực tế, những lời Đức Thánh Cha nói trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27 tháng 8 dường như chưa được cập nhật.
Việc một vị giáo hoàng xác định mình như một người bảo vệ những người Hồi giáo, những người mà lần này không phải là những người đi bách hại người ta mà là những người bị người khác bách hại, không những chỉ là một điều thật chính đáng nhưng còn chắc chắn có một ảnh hưởng lớn trên sân khấu toàn cầu.
Nhưng ở Miến Điện những người bị bách hại cũng bao gồm cả các Kitô hữu của các nhóm sắc tộc Kachin và Chin, ở phía bắc của đất nước này, và những người Karen và Karenni ở phía đông. Cơ man đến mức không đếm xuể số nhà thờ đã bị phá hủy Trong những năm gần đây, nhiều làng mạc bị đốt phá và tàn sát, hàng chục ngàn người buộc phải chạy trốn.
15. Và trên hết: ai đang bách hại họ, và tại sao?
Tin tức cho thấy có những vụ bắt buộc cải đạo sang Phật Giáo, ngay cả đối với các trẻ nhỏ, trong các trường học nhằm biến các học sinh của các tôn giáo khác thành những tiểu tăng đầu cạo trọc và mặc áo choàng màu xám. Đưa Thánh Kinh và sách tôn giáo vào nước này là bất hợp pháp. Người không phải là Phật tử bị loại khỏi bất kỳ chức vụ nào trong guồng máy chính quyền đất nước.
Đại đa số người dân Miến Điện, trên thực tế, là các tín đồ Phật giáo. Và các nhà sư Phật giáo là những người đứng đầu các tổ chức không đội trời chung đối với các nhóm thiểu số của các tôn giáo khác, với sự hỗ trợ hoàn toàn của quân đội.
Điều đó hoàn toàn mâu thuẫn triệt để với truyền thuyết phổ quát người ta vẫn nghĩ về Phật giáo như hòa bình, từ bi, trí tuệ, và tình huynh đệ.
Thực tế thì khác. Tự do tôn giáo bị đàn áp nặng nề không chỉ ở Miến Điện, nhưng còn ở những nơi khác với một mức độ thấp hơn ở các nước đa số dân theo Phật giáo như Sri Lanka, nơi Đức Thánh Cha đã viếng thăm năm 2015; Lào, Campuchia, Bhutan, và Mông Cổ.
Trong những tuần gần đây, cuộc bách hại người Rohingya của chế độ Phật giáo Miến Điện đã đạt đến đỉnh cao, buộc nhiều người phải chạy trốn sang Bangladesh. Tuy nhiên họ đang bị chặn lại ở biên giới. Và vào thời điểm ngay bây giờ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang chuẩn bị thăm viếng cả hai quốc gia này.
Bà Aung San Suu Kyi, một người đấu tranh cho nhân quyền, đang để cho mọi sự như thế diễn ra và giữ im lặng không nói một lời nào, vì bà bị khống chế nặng nề bởi một chế độ chuyên quyền quân phiệt hà khắc nhất và của các Phật tử.
Đức Thánh Cha Phanxicô không bị những ràng buộc này. Và không chỉ người Rohingya nhưng tất cả những người thiểu số bị bách hại ở Miến Điện đang mong đợi ngài nói và hành động như một người tự do, bênh vực cho họ, và công khai tố cáo những người đang áp bức họ; cũng như vạch trần những lý do tại sao họ làm như vậy.
Thật không dễ dàng cho Đức Thánh Cha để đáp ứng mong đợi thứ hai này.
16. Tuyên bố của Tòa Thánh về cáo buộc của Hoa Kỳ đối với một linh mục trong tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington
Trong một diễn biến quá sức nhục nhã, một linh mục, là thành viên của phái đoàn ngoại giao Tòa Thánh đang phục vụ tại Washington đã bị triệu hồi về Vatican, nơi ông sẽ bị điều tra hình sự về những cáo buộc liên quan đến việc tàng trữ sách báo khiêu dâm trẻ em.
Hôm thứ Sáu 15 tháng 9, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết hôm 21 tháng 8, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo cho Tòa Thánh về “những vi phạm luật pháp có liên quan đến hình ảnh khiêu dâm trẻ em của một thành viên trong đoàn ngoại giao Tòa Thánh tại thủ đô Washington”.
“Tòa Thánh, theo thực hành của các quốc gia có chủ quyền, đã triệu hồi linh mục đang bị đặt vấn đề, về Vatican”.
Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói thêm rằng danh tính của linh mục này và các chi tiết khác được bảo vệ bởi “sự bảo mật điều tra” trong giai đoạn điều tra sơ bộ. Theo Niên giám Tòa thánh, tại Tòa Sứ thần ở Washington DC, ngoài Đức Tổng Giám Mục Christoph Pierre, là sứ thần Tòa Thánh, còn có ba linh mục khác trong đoàn ngoại giao Tòa Thánh.
Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết sau khi nhận được thông báo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, “Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chuyển thông tin này đến Toà án Vatican để thụ lý”.
Ông Greg Burke cho biết: “Tòa án của Vatican đã mở một cuộc điều tra và đã bắt đầu hợp tác trên quy mô quốc tế để có được các yếu tố liên quan đến vụ án.”
Ông Greg Burke nhấn mạnh rằng tại thời điểm này cuộc điều tra đang tập trung vào các vấn đề được định nghĩa như là “tội phạm chống trẻ em” trong “Các luật bổ sung về các vấn đề hình sự năm 2013” của Vatican.
Cụ thể, ông nói, cuộc điều tra đang đề cập đến những gì luật định nghĩa là “hình ảnh khiêu dâm trẻ em”, có nghĩa là bất kỳ biểu tượng nào, bằng bất cứ phương tiện nào, liên quan đến trẻ vị thành niên tham gia vào các hoạt động tình dục.
Ông Greg Burke cũng giới thiệu với các phóng viên về điều 10 trong luật bổ sung về các vấn đề hình sự năm 2013 trong đó thảo luận các hình phạt hình sự đối với một người bị kết tội sản xuất hoặc buôn bán các nội dung khiêu dâm trẻ em; trong những trường hợp đó, luật lệ của Vatican quy định đến 12 năm tù giam và phạt tiền lên đến 250,000 euro
Nguồn: VietCatholic News