Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 21/05 – 27/05/2015: Chân Phước Tổng Giám Mục Oscar Romero

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 21/05 – 27/05/2015: Chân Phước Tổng Giám Mục Oscar Romero

 

1. Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cởi mở đón nhận các hồng ân của Chúa Thánh Linh, và để cho các hồng ân ấy triển nở qua các hoa trái trong cuộc sống bác ái cụ thể, chống lại tội lỗi, thực thi các công trình công lý và hòa bình.

Trên đây là nội dung bài giảng thánh lễ ngài cử hành lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 24 tháng 5 tại Đền thờ Thánh Phêrô, nhân lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trước sự tham dự của 9 ngàn tín hữu.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 40 Hồng Y và 50 Giám Mục tại Tòa Thánh cùng với 250 linh mục. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn được ca đoàn “Mater Ecclesiae”, Mẹ Giáo Hội, gồm 80 ca viên, và Ca đoàn Ionica đông phương gồm 100 người, phụ trách.

Đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha đã làm phép nước và rảy trên các tín hữu, nhắc nhớ bí tích rửa tội, đồng thời cầu xin Chúa canh tân nội tâm để có thể luôn trung thành với Chúa Thánh Linh, Đấng được ban cho chúng ta như hồng ân:

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Lời Chúa, đặc biệt là trong ngày hôm nay, nói với chúng ta rằng Thánh Thần hoạt động trong con người và trong các cộng đoàn được tràn đầy Thánh Linh: Ngài hướng dẫn đến trọn vẹn chân lý (Ga 16,13), canh tân trái đất (Tv 103), và ban các hoa trái của Ngài (Gl 5,22-23).

Chúa Giêsu hứa với các môn đệ rằng khi Ngài trở về cùng Chúa Cha, thì Thánh Linh sẽ đến, Người sẽ hướng dẫn họ “đến chân lý trọn vẹn” (Ga 16,13). Chúa Giêsu gọi Thánh Linh là “Thần chân lý” và giải thích cho họ rằng hoạt động của Thánh Linh là dẫn đưa họ ngày càng vào sâu hơn trong sự hiểu biết những gì mà chính Ngài, Đức Messia, đã nói và đã làm, đặc biệt là cái chết và sự sống lại của Ngài. Với các Tông Đồ là những người không có khả năng chịu đựng biến cố gây vấp phạm là cuộc khổ nạn của Thầy mình, Thánh Linh ban cho họ một chìa khóa mới để đọc biến cố, hầu dẫn đưa họ đến sự thật và vẻ đẹp của biến cố cứu độ. Các môn đệ, thoạt đầu là những người nhát sợ và hoang mang, ẩn kín trong nhà Tiệc Ly để tránh những âm hưởng của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nay họ không còn hổ thẹn vì là môn đệ của Chúa Kitô nữa, không run rẩy trước các tòa án loài người. Nhờ Chúa Thánh Linh mà họ được ban tràn đầy, họ hiểu “trọn vẹn chân lý”, nghĩa là hiểu rằng cái chết của Chúa Giêsu không phải là một sự thất bại, nhưng là biểu hiện tột đỉnh Tình Yêu của Thiên Chúa, Tình Yêu chiến thắng sự chết trong cuộc Phục Sinh của Ngài, và tôn vinh Chúa Giêsu như Đấng Hằng Sống, là Chúa, là Đấng Cứu Chuộc loài người, cứu chuộc lịch sử và thế giới. Và thực tại này mà họ là nhân chứng, trở thành Tin Mừng cần được loan báo cho mọi người.

Do đó, “Thế giới đang cần những người nam nữ không khép kín, nhưng tràn đầy Thánh Linh. Sự khép kín đối với Thánh Linh không những là một sự thiếu tự do, nhưng còn là tội lỗi. Có bao nhiêu cách thức khép kín đối với Chúa Thánh Linh trong sự ích kỷ, tìm kiếm tư lợi, trong thái độ vụ luật cứng nhắc – như thái độ của các nhà thông luật mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ giả hình -, trong sự quên lãng những điều Chúa Giêsu đã dạy, trong cách sống cuộc sống Kitô không phải như một sự phục vụ, nhưng như một sự tìm kiến tư lợi riêng, v.v. Thế giới đang cần lòng can đảm, hy vọng, đức tin, lòng kiên trì của các môn đệ Chúa Kitô. Thế giới đang cần hoa trái của Thánh Linh: “yêu thương, vui mừng, an bình, quảng đại, từ nhân, tốt lành, trung thành, dịu dàng, tự chủ” (Gl 5,22). Hồng ân Thánh Linh đã được ban dồi dào cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta, để chúng ta có thể sống với niềm tin chân chính và lòng bác ái cụ thể, để chúng ta có thể gieo vãi những hạt giống hòa giải và an bình. Được Thánh Linh và nhiều hồng ân của Chúa củng cố, chúng ta có thể chiến đấu không nhân nhượng chống lại tội lỗi và sự hư hỏng, kiên nhẫn tận tụy thi hành những công việc công lý và hòa bình”

2. Đức Thánh Cha kêu gọi chú ý đến tình cảnh những người tị nạn Rohingya ở Á Châu

Sau khi cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật Hiện Xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trong đó ngài bày tỏ mối quan tâm đặc biệt trước hoàn cảnh của những người tị nạn trong Vịnh Bengal và biển Andaman ở Đông Nam Á.

Dưới áp lực của các quốc gia trên thế giới, từ ngày 10 tháng 5 vừa qua hơn 3,600 người Hồi Giáo Rohingya ở Miến Điện đã được đón vào các trại tị nạn sau khi đã lang thang hàng mấy tháng trời trong các vùng biển của Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Khoảng một nửa trong số họ đi thẳng từ Rohingya. Một nửa còn lại đã chạy sang Bangladesh nhưng rồi bị xua đuổi đi. Chính quyền các nước trong vùng bị cáo buộc đã xua đuổi họ đi nơi khác sau khi cho họ một ít lương thực và nước uống. 

Hàng ngàn người được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ghi nhận là vẫn đang tiếp tục lang thang trên biển trong những điều kiện tuyệt vọng.

Đức Thánh Cha nói: 

“Tôi đánh giá cao những cố gắng của những nước sẵn sàng đón nhận những người tị nạn ấy đang gặp bao nhiêu đau khổ và nguy hiểm trầm trọng. Tôi khuyến khích cộng đồng quốc tế cung cấp cho họ những trợ giúp nhân đạo cần thiết”.

3. Đức Thánh Cha tiếp kiến tổng tu nghị dòng Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các tu sĩ dòng Phanxicô sống trọn tinh thần hèn mọn và huynh đệ, thông truyền lòng thương xót, hòa giải và an bình.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 26 tháng 5, dành cho 200 tham dự viên Tổng tu nghị dòng Anh em Hèn mọn Phanxicô, nhóm tại Assisi từ ngày 10-5 đến 7-6 tới đây. Trong số các vị có một người Việt là cha Inhaxio Nguyễn Duy Lâm, Bề trên tỉnh dòng Việt Nam. Đức Thánh Cha nói:

“Trong những ngày suy tư và cầu nguyện, anh em để cho mình được 2 yếu tố thiết yếu trong căn tính của anh em hướng dẫn, đó là hèn mọn và huynh đệ.

– “Sự hèn mọn kêu gọi ta sống và cảm thấy mình là bé nhỏ trước mặt Thiên Chúa, hoàn toàn tín thác nơi lòng thương xót vô biên của Chúa. Viễn tượng thương xót là điều không thể hiểu được đối với những người không nhận mình là “hèn mọn”, nghĩa là bé nhỏ, túng thiếu và tội lỗi trước mặt Chúa. Hễ chúng ta càng ý thức điều này, thì chúng ta càng gần ơn cứu độ; hễ chúng ta càng xác tín mình là người tội lỗi, thì chúng ta càng sẵn sàng được cứu độ..

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Đặc tính hèn mọn cũng có nghĩa là ra khỏi mình, ra khỏi những cái khung và quan điểm cá nhân của mình; là đi xa hơn những cơ cấu, những tập tục và an ninh, để chứng tỏ sự gần gũi cụ thể với người nghèo, người túng thiếu, người ở ngoài lề, trong thái độ chia sẻ và phục vụ đích thực”.

– Đức Thánh Cha nhấn mạnh chiều kích huynh đệ là điều thiết yếu thuộc về chứng tá Tin Mừng. “Trong Giáo Hội nguyên thủy, các tín hữu Kitô sống tình hiệp thông huynh đệ đến độ trở thành dấu chỉ hùng hồn về sự hiệp nhất và bác ái, đầy sức thu hút. Dân chúng ngạc nhiên khi thấy các tín hữu Kitô hiệp nhất như vậy trong tình thương, sẵn sàng trao ban và tha thứ cho nhau, liên đới trong tình thương xót, tử tế, giúp đỡ lẫn nhau, đồng tâm chia sẻ vui buồn, đau khổ, và những kinh nghiệm sống. Gia đình dòng tu của anh em cũng được kêu gọi diễn tả tình huynh đệ cụ thể ấy, qua sự phục hồi sự tín nhiệm lẫn nhau trong những tương quan với nhau, để thể giới thế và tin, nhìn nhận rằng tình thương của Chúa Kitô chữa lành những vết thương và làm cho hiệp nhất”.

Cũng trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Trong viễn tượng vừa nói, điều quan trọng là phục hồi ý thức mình là người mang lòng từ bi thương xót, hòa giải và an bình. Anh em sẽ thực thi ơn gọi và sứ mạng này tốt đẹp nếu anh em luôn luôn là một dòng tu “đi ra ngoài”. Vả lại điều này cũng đáp ứng đoàn sủng của anh em.

Theo Đức Thánh Cha, những lời nhắn nhủ của thánh Phanxicô về sự sống chung hòa hợp, tránh tranh cãi, không đoán xét người khác, dịu dàng, an bình, khiêm tốn, dịu dàng, khiêm nhường, ăn nói liêm chính với mọi người…”vẫn còn rất thời sự ngày nay, đó là lời ngôn sứ về tình huynh đệ và sự hèn mọn đối với thế giới chúng ta.. Thật là điều rất quan trọng khi sống đời sống Kitô và tu trì không để mình bị mất hút trong những tranh biện và nói hành nói xấu, vun trồng một cuộc đối thoại thanh thản với mọi người, dịu hiền, từ nhân, khiêm tốn, dùng những phương thế nghèo hèn, loan báo an bình và sống tiết độ, hài lòng với những gì được trao tặng. Điều này cũng đòi phải dấn thân quyết liệt trong sự minh bạch, sử dụng của cải hợp với luân lý đạo đức và liên đới, có lối sống điều độ và từ bỏ.”

Đức Thánh Cha cảnh giác rằng “Nếu anh em quyến luyến của cải và giàu sang của thế gian này, thì anh em đặt an ninh của mình nơi những của ấy, và chính Chúa sẽ tước bỏ anh em khỏi tinh thần thế tục để bảo tồn gia sản quí giá là sự hèn mọn và thanh bần mà anh em được kêu gọi sống, qua thánh Phanxicô. Hoặc anh em là những người tự nguyện thanh bần và hèn mọn, hoặc anh em rốt cục sẽ bị tước bỏ”

4. Đức Hồng Y Kurt Koch: Triển vọng đối thoại tay ba Công Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo vẫn còn xa vời

Hội nghị kéo dài 3 ngày “Nostra Aetate – Kỷ niệm 50 năm đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo với Do Thái giáo và Hồi giáo” đã kết thúc hôm thứ Năm 21 tháng 05 năm 2015 tại Ðại học Công Giáo Hoa Kỳ ở thủ đô Washington. Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Các Tín Hữu Kitô, cũng là người đặc trách về đối thoại với người Do Thái, là Ðức Hồng Y Kurt Koch- đã tham dự Hội nghị này. Ngài nói rằng Tuyên ngôn Nostra Aetate là một mốc quan trọng trong quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và các tôn giáo khác.

Tuyên ngôn Nostra Aetate, nghĩa là “Trong Thời Đại Chúng Ta”, bàn về quan hệ Giáo Hội Công Giáo với các tôn giáo không phải là Kitô đã được Công Đồng Chung Vatican II thông qua với 2221 phiếu thuận và 88 phiếu chống và đã được Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố ngày 28 tháng 10 năm 1965.

Trong diễn từ của ngài, Ðức Hồng Y Kurt Koch lưu ý rằng mặc dù Giáo Hội tiến hành các cuộc đối thoại song phương với các nhà lãnh đạo Do Thái giáo và Hồi giáo, hiện nay vẫn còn là quá sớm để tham gia vào một cuộc đối thoại “tay ba” giữa ba tôn giáo độc thần.

“Chúng ta hiện không có đối thoại tay ba và đối với chúng tôi vẫn còn quá sớm để thực hiện điều này vì đôi khi chúng ta đề cập đến một Abraham đại kết – điều này rất rõ ràng – là một vấn đề hay đấy. Nhưng mặt khác, chúng ta có một lối giải thích rất khác nhau về Abraham và chúng ta không thể phủ nhận vấn nạn đó. Và trong cuộc thảo luận liên tôn, điều rất quan trọng là chúng ta cũng phải giải quyết sự khác biệt trong giải thích về Abraham”.

Khi được hỏi là liệu các nhà lãnh đạo Hồi giáo và Do Thái giáo có cởi mở để tham gia một cuộc đối thoại như thế hay không và liệu điều đó có thể mở đường cho việc cải thiện quan hệ giữa ba tôn giáo hay không, Ðức Hồng Y Koch trả lời như sau: 

“Chúng tôi hy vọng có thể đi theo đường hướng này trong tương lai, nhưng trong mỗi tôn giáo đều có sự chống đối. Chúng ta có các nhà lãnh đạo Hồi giáo cởi mở và các nhà lãnh đạo Kitô giáo cởi mở, nhưng chúng ta cũng có sự chống đối trong cả ba tôn giáo. Ngay cả trong Giáo Hội Công Giáo vẫn có sự chống đối Tuyên ngôn Nostra Aetate. Đây cũng là những nhóm chống đại kết, chống đối thoại liên tôn, chống tuyên ngôn tự do tôn giáo. Và tôi nghĩ rằng họ chỉ là thiểu số. Chúng ta phải tiến bước trên nền tảng của Công đồng Vatican II với thẩm quyền cấp cao của Giáo Hội Công Giáo và chúng ta không thể phủ nhận ảnh hưởng rất quan trọng này”.

5. Thánh lễ phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero

Thánh lễ tuyên phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục Oscar Romero hôm thứ Bẩy 23 tháng Năm đã thu hút 250,000 người.

Thánh lễ đã diễn ra tại quảng trường Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc ở San Salvador, thủ đô của El Salvador, lúc 10 giờ sáng giờ địa phương. Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, đã thay mặt Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ này và đọc nghị định tuyên phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám Mục Romero.

Trong thánh lễ còn có 7 vị Hồng Y, 90 Giám Mục và hơn 1,000 linh mục tham dự, cùng với một số nguyên thủ quốc gia, trong đó có tổng thống Ecuador và tổng thống Panama.

Các nghi lễ thực ra đã bắt đầu vào tối thứ Sáu tại quảng trường trước nhà thờ chánh tòa San Salvador với thánh lễ do Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga cử hành. Tiếp theo đó là đêm thắp đuốc và cầu nguyện. 

Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero sinh ngày 15/08/1917 trong một gia đình có 8 người con. Ngài được thụ phong linh mục tại Rôma vào ngày 04/04/1942. 

Sau khi thụ phong linh mục cha Romero tiếp tục ở lại Roma để theo học chương trình tiến sĩ thần học. Nhưng vì cuộc nội chiến tại El Salvador và Giáo Hội tại nước này thiếu linh mục, ngài được gọi về nước.

Và trong hơn 20 năm sau đó, ngài làm cha xứ và thư ký cho Tòa giám mục San Miguel. Năm 1970, cha Oscar Romero được tấn phong giám mục và làm phụ tá cho Đức Cha Chavéz, Tổng Giám Mục San Salvador và ngày 23/02/1977, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của San Salvador. 

Ngày 12/03/1977, một linh mục dòng Tên, là cha Rutilio Grande – một trong những linh mục đầu tiên được ngài truyền chức và là một người can đảm đấu tranh cho những người nghèo – bị sát hại. 

Chứng kiến cảnh một linh mục can đảm đấu tranh cho người nghèo bị giết hại như vậy, Ðức cha Romero đã phản ứng rất mạnh. Ngài đã ra lệnh đóng cửa trường học do Giáo Hội điều hành trong ba ngày và đình hoãn mọi thánh lễ trên toàn quốc trong tuần lễ kế tiếp, ngoại trừ một thánh lễ đặc biệt tại nhà thờ chính tòa San Salvador.

Trong bài giảng tại thánh lễ đặc biệt đó cũng như trong các thánh lễ các Chúa Nhật tiếp theo, ngài đã lên tiếng tố cáo những tội ác, bất công do giới cầm quyền gây nên. 

Để phản đối việc chính phủ liên quan đến hay thinh lặng trước các vụ bắt bớ, giết hại, ngài đã không tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống của nước này. Ngài tuyên bố: “Giáo Hội không được đo lường bằng sự hỗ trợ của chính phủ mà bằng chính tính trung thực, tinh thần cầu nguyện theo tinh thần Tin Mừng, lòng tin tưởng, sự chân thành và công lý, nhất là khi Giáo Hội chống lại các lạm dụng”.

Một cử chỉ khác được coi là mạnh dạn là việc ngài quyết định cho mở cửa chủng viện tại trung tâm thủ đô San Salvador và ngày thứ hai Phục Sinh năm 1978 để đón tiếp bất cứ nạn nhân nào của các vụ bạo động. Hàng trăm người vô gia cư, đói rách và bị hành hung đã đến chủng viện.

Và một quyết định nữa nói lên việc ngài toàn tâm toàn lực đấu tranh cho công lý, cho người nghèo là việc ngài cho ngưng xây cất nhà thờ Chính tòa San Salvador. Ngài nói: “Khi nào chiến tranh chấm dứt, những người đói khổ được ăn uống đầy đủ và trẻ con được giáo dục, lúc đó chúng ta sẽ tiếp tục xây cất nhà thờ chính tòa”.

Chính vì sự cương quyết và can đảm đó, ngài đã trở thành cái gai trong mắt những người có quyền, có thế lực tại El Salvador. Ngài luôn bị đe dọa, luôn phải đối diện với nguy hiểm. Biết vậy, ngài vẫn không im lặng, hay tìm một nơi khác an toàn. Chiều ngày 24/3/1980, Đức Cha Romero cử hành Thánh lễ cầu hồn cho thân mẫu của một người bạn tại nguyện đường của một bệnh viện ở thủ đô San Salvador. Ngài bị bắn chết ngay sau bài giảng nẩy lửa của mình.

Chính phủ El Salvador ngoài những lời xin lỗi chung chung không có bất cứ cố gắng nào nhằm đưa ra ánh sáng vụ giết hại Đức Tổng Giám Mục Romero. Cho đến nay, kẻ nào đã bắn hạ ngài vẫn còn là một điều bí mật.

Thiếu tá Alvaro Rafael Saravia, người được cho là đã trực tiếp nhúng tay vào vụ sát hại Đức Tổng Giám Mục Romero đã được khéo léo dàn xếp cho di cư sang Mỹ vào giữa thập niên 1980 để chạy tội nhưng y bị bắt và bị đưa ra tòa. Trước tòa án tại California, Alvaro Rafael Saravia không nói một lời nào nhằm bác bỏ hay công nhận trách nhiệm của mình trước cáo buộc đã giết hại Đức Cha Romero. Y cũng không thèm mướn luật sư cãi lại. Tòa án tại California đã trưng ra những bằng cớ không thể phủ nhận được về vai trò trực tiếp giết hại Đức Cha Romero của ông Saravia, và vai trò ông này trong Biệt Đội Tử Thần El Salvador cũng như liên hệ giữa ông này và cố đại tá Roberto D’Aubuisson, người đã thành lập đảng ARENA. Tòa đã truyền cho ông Saravia phải đền cho thân nhân Đức Cha Romero 10 triệu Mỹ Kim.

Đại tá Roberto D’Aubuisson được báo chí El Salvador cho rằng là người đã ra lệnh cho thiếu tá Alvaro Rafael Saravia bắn chết Đức Cha Romero. Tuy nhiên, con trai ông này cũng lấy tên Roberto vừa đắc cử thị trưởng một thành phố lớn tại El Salvador, cũng có mặt trong buổi lễ phong Chân Phước và đưa ra những phát biểu như thể họ hàng nhà Aubuisson không liên can gì tới cái chết của Đức Tổng Giám Mục.

6. Những giờ sau cùng của Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero

“Trước lệnh giết người do ai đó ban ra, luật pháp của Thiên Chúa ‘Ngươi chớ giết người!’ phải thắng thế. Không một người lính nào có nghĩa vụ phải tuân theo một lệnh lạc chống lại luật pháp của Thiên Chúa … nhân danh dân tộc đau khổ này, dân tộc mà tiếng kêu than của họ bay tới trời cao càng ngày càng thống thiết hơn, tôi van xin anh em, tôi khẩn cầu anh em, và tôi ra lệnh cho anh em nhân danh Thiên Chúa, ngưng ngay tức khắc sự đàn áp này”.

Những lời này, được phát trực tiếp trên đài phát thanh riêng của ngài trên toàn thể lãnh thổ, có lẽ là những lời nổi tiếng nhất của Đức Tổng Giám mục Oscar Romero. Những lời ấy đã được thốt ra từ bục giảng của nhà thờ chính tòa Thánh Tâm ở thủ đô San Salvador vào ngày Chúa Nhật 23 tháng 3 năm 1980. Đó là một lời cầu xin chân thành gửi đến các thành viên của lực lượng an ninh chính phủ và biệt đội tử thần là những kẻ đã bắn giết và tàn sát những người nghèo và những người bị tước đoạt ruộng đất ở El Salvador – những người nam nữ chỉ có một tội duy nhất là dám đòi hỏi một sự chia sẻ công bằng hơn về đất đai và tài nguyên của đất nước.

Nhưng, những lời ấy cũng là bản án tử hình cho Đức Tổng Giám Mục Romero. Thật vậy, chưa đầy 24 giờ sau khi thốt ra những lời này ngài đã phải chết.

Đức Cha Romero thừa biết lập trường kiên quyết bảo vệ người nghèo sẽ chỉ có một kết quả là cái chết. Trong một chuyến thăm Rôma vào cuối tháng Giêng năm 1980, ngài đã nói với cha Lucas Moreira Neves, tổng thư ký của Bộ Giám Mục, rằng chẳng bao lâu nữa ngài sẽ bị ám sát. Tòa Thánh đề nghị một chức vụ trong giáo triều Rôma để ngài tạm xa những căng thẳng gần như không thể chịu nổi đang ngày một gia tăng trong một đất nước Trung Mỹ nhỏ bé. Ngài đã từ chối.

Hôm thứ Hai ngày 24 tháng 3, ngài trở về sau một chuyến đi trưa tại La Libertad trên bờ biển với một nhóm nhỏ các sinh viên Opus Dei, và đi thẳng vào một tu viện Dòng Tên tại Santa Tecla, để tìm cha Segundo Azcue, là cha giải tội của ngài để xưng tội.

Ngài nói với cha Segundo Azcue:

“Tôi muốn được sạch mọi tội lỗi khi tôi ra trình diện trước mặt Thiên Chúa”. 

Bí tích Hoà Giải ngắn ngủi đã kết thúc lúc 5 giờ chiều. Lúc 5:30, ngài đã có mặt tại nhà mình, trong cộng đoàn các nữ tu dòng Camêlô ở Bệnh viện Divine Providence ở San Salvador, để chuẩn bị cử hành thánh lễ cầu nguyện cho Doña Sarita, là mẹ của anh Jorge Pinto, một người bạn và là chủ biên của nhật báo El Independiente. Tòa soạn của anh Jorge Pinto vừa bị đặt bom nổ tung chỉ một vài tuần trước đó.

Bạn bè và các cố vấn thân cận nhất của Đức Cha Romero đã rất lo lắng. Các chi tiết của buổi cử hành phụng vụ đã xuất hiện trên báo chí quốc gia. Họ đã khuyên ngài giấu đi đừng ghi tên ai cử hành thánh lễ, nhưng ngài đã khăng khăng yêu cầu tên của ngài phải được viết công khai trên thông cáo báo chí. 

Thánh lễ bắt đầu ngay lúc 6h chiều tại nhà nguyện của bệnh viện, với sự tham dự của các nữ tu, gia đình và bạn bè của Doña Sarita. Sau này, nghĩ lại mọi người đều thấy tính chất tiên tri của những bài đọc trong ngày. Chẳng hạn như bài Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 12: 23-26)

“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. .. Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

Áp dụng Lời Chúa vào tình cảnh khốn cùng mà dân nước El Salvador phải chịu, ngài chia sẻ với cộng đoàn: “Điều quan trọng là đừng yêu mình đến nỗi không dám dính líu vào những việc liều lĩnh mà lịch sử đòi hỏi nơi chúng ta. .. Bất cứ ai vì lòng yêu mến Chúa Kitô hiến thân phục vụ tha nhân, người ấy sẽ được sống giống như hạt lúa mì dù chết đi, nhưng thật ra chỉ chết về mặt bề ngoài”.

Cũng trong bài chia sẻ cuối cùng ấy, ngài cũng xác tín: “Tôi tin trong sự chết có sự sống lại. Nếu người ta giết tôi, tôi sẽ được sống lại trong lòng người dân Salvador của tôi”. Kết thúc bài chia sẻ, ngài tới giữa bàn thờ chuẩn bị dâng bánh rượu, đồng hồ chỉ 6 giờ 24 phút. Lúc đó, ngài nhận thấy một chiếc Volkswagen màu đỏ áp sát cửa nhà nguyện. Khi Đức Cha chồm tới chiếc đĩa thánh trên bàn thờ thì một phát súng duy nhất vang lên. Ngài quỵ xuống sàn phía sau bàn thờ ngay dưới chân một cây thánh giá lớn, bất tỉnh, máu chảy ra từ miệng, mũi và tai ngài.

Bên trong nhà nguyện nhỏ xảy ra hỗn loạn. Một nhiếp ảnh gia người đã được ký hợp đồng để chụp những hình ảnh của buổi lễ lặng lẽ biến mất.

Đức Tổng Giám Mục đã được nhanh chóng khiêng lên một chiếc xe tải gần đó và đưa vội vã đến bệnh viện Policlínica. Lễ phục của ngài đẫm máu máu. Trong vòng vài phút sau khi đến đó, ngài thở hơi cuối cùng. Dường như điều này chính xác là những điều Đức Tổng Giám mục Romero đã tiên liệu. 

Cái chết của ngài khi đang chuẩn bị đọc những lời truyền phép rất long trọng trong thánh lễ đã đưa ra một ví dụ hùng hồn về một vị thánh nhân, một mục tử thánh thiện đã đưa ra một chứng tá sống động cho những lời này của Chúa Giêsu “Này là Mình Ta sẽ bị nộp vì anh em”.

7. Tập Cận Bình nói: Trung quốc chống lại các “ảnh hưởng của ngoại bang” trên các tôn giáo tại quốc gia này

Ngày 24 tháng 5 là ngày thế giới cầu nguyện cho tự do tôn giáo tại Trung quốc. Để răn đe những người Công Giáo ủng hộ việc trung thành với Tòa Thánh, hôm thứ Tư 20 tháng Năm, Tập Cận Bình, chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 2012, và cũng kiêm luôn chủ tịch nhà nước Trung Quốc từ năm 2013- nói rằng các tôn giáo ở Trung Quốc phải “độc lập với các ảnh hưởng của ngoại bang”.

“Chúng ta phải quản lý các vấn đề liên quan đến tôn giáo theo các quy định của pháp luật và tuân thủ nguyên tắc độc lập để điều hành các nhóm tôn giáo theo cách riêng của mình”. Y mạnh mẽ kêu gọi “những nỗ lực tích cực mới phải được thực hiện để hội nhập các tôn giáo vào con đường xã hội chủ nghĩa.”

Từ năm 1957, nhà nước Trung Quốc đã tìm cách kiểm soát Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Lục thông qua Hội Công Giáo Yêu Nước, là tổ chức thường xuyên gây căng thẳng với Tòa Thánh bằng các vụ tấn phong và bổ nhiệm giám mục trái phép. 

Cùng ngày Tập Cận Bình đưa ra nhận xét trên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng xin anh chị em trên toàn thế giới cầu nguyện cho người Công Giáo tại Trung Quốc “sống hiệp nhất trong tinh thần với Đá Tảng Phêrô, trên đó Giáo Hội được thiết lập”.

8. Đức Hồng Y Filoni: Hành động quân sự tương xứng là cần thiết để cứu các Kitô hữu Iraq và Syria

Sau thắng lợi vang dội tại Ramadi, Iraq hôm Chúa Nhật 17 tháng Năm, hôm thứ Tư 20 tháng Năm, quân khủng bố Hồi Giáo IS lại chiếm được thành phố Palmyra của Syria nơi có những di tích La Mã cổ kính nhất. Cuộc chiến tại Palmyra đã bắt đầu từ ngày 13 tháng Năm. Sau gần một tuần chống trả quyết liệt, quân đội Syria trung thành với tổng thống Bashar al-Assad đành phải rút lui. Bọn khủng bố IS rõ ràng không phải là một đám giặc cỏ, chúng thực sự có thể đánh bại các quân đội chính quy đồng thời trên nhiều mặt trận khác nhau.

Trước những diễn biến này, Đức Hồng Y Fernando Filoni, người đã hai lần thay mặt của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq để an ủi các nạn nhân của quân khủng bố Hồi Giáo IS đã dành cho Rome Reports một buổi phỏng vấn.

Theo Đức Hồng Y, đã đến giờ phải có những hành động cân xứng, lời nói và ý định tốt thôi thì chưa đủ để bảo vệ người dân ở Trung Đông.

Ngài nói:

“Chúng ta cần có những hành động chính trị và quân sự tương xứng. Đây không phải là giết kẻ giết người. Không bao giờ nên như thế, nhưng là cơ chế phòng vệ cần thiết.”

Đức Hồng Y Filoni đã là sứ thần ở Baghdad từ năm 2001 đến năm 2006. Ngài biết rõ quốc gia này và hiểu rằng các giáo phái là cội rễ của sự căng thẳng này. Ngài nhấn mạnh rằng người ta cần phải coi các Kitô hữu là những công dân đầy đủ chứ không chỉ giới hạn trong việc dung tha cho họ ở chính quê hương của họ.

Ngài nói tiếp:

“Mọi người nói với tôi, ‘Kitô hữu là những người dân bản xứ gốc gác ở đây và họ có quyền được sống ở đó’. Luật pháp cần phải minh định điều này. Một trong những vấn đề lớn ở Iraq là quyền cá nhân không dựa vào pháp luật. Tất cả mọi thứ được diễn giải theo luật Hồi Giáo. Điều này thật là nguy hiểm. “

Trong hai chuyến đi của mình, Đức Hồng Y đã đến thăm người tị nạn Kitô hữu. Ngài nói từng bước, nhu cầu vật chất bên ngoài của họ đang được đáp ứng. Nhưng những vấn đề bên trong khác vẫn còn đó.

Đức Hồng Y kể:

“Trong chuyến viếng thăm của tôi, nhiều người nói với tôi rằng, ‘Đức Hồng Y không giải quyết nổi vấn đề của chúng con đâu, nhưng bây giờ chúng con cảm thấy chúng con không cô đơn” 

Theo Đức Hồng Y, ở những nước mà Hồi Giáo là tôn giáo chính, người Hồi giáo phải thúc đẩy việc chung sống hoà bình và tự do tôn giáo.

“Nếu không có khoa phê bình lịch sử trong đó dấy lên câu hỏi thánh chiến có nghĩa là gì, thì liệu chúng ta có nên hiểu thánh chiến nghĩa là việc dùng kiếm và bạo lực để chinh phục hay không? Hay chúng ta nên định nghĩa nó là sự cải đạo? là mọi người phải có quyền truyền bá tôn giáo, nhưng cũng có quyền từ chối một tôn giáo? “

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ mong muốn đi thăm Iraq. Đức Hồng Y Filoni nói một chuyến đi như vậy sẽ thúc đẩy niềm hy vọng của các Kitô hữu bị bách hại. Tuy nhiên, tình hình an ninh đang xấu đi đến mức đó là điều không thể được.

9. Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho Công Giáo tại Trung Quốc

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cầu nguyện cho các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc và cổ võ tham gia buổi canh thức cầu nguyện cho tự do tôn giáo do Hội Đồng Giám Mục Italia đề xướng.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 20 tháng 5, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:

“Ngày 24 tháng 5 này, với lòng sùng mộ, các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc khẩn cầu Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu Kitô, được tôn kính tại Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn (Sheshan) ở Thượng Hải. Nơi pho tượng được đặt trên Đền Thánh, Đức Mẹ giơ cao Chúa Con, giới thiệu Người cho thế giới, với đôi tay rộng mở, như một cử chỉ yêu thương và từ bi. Cả chúng ta cũng sẽ khẩn cầu Mẹ Maria phù giúp các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc luôn luôn là những chứng nhân đáng tin cậy về tình yêu thương xót của Chúa giữa lòng dân tộc của họ và sống hiệp nhất trong tinh thần với Đá Tảng Phêrô, trên đó Giáo Hội được thiết lập”.

Đức Thánh Cha nói thêm: 

“Hội Đồng Giám Mục Italia đã đề nghị rằng trong các giáo phận, nhân buổi canh thức áp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta nhớ đến bao nhiêu anh chị em lưu vong hoặc bị sát hại chỉ vì họ là Kitô hữu. Tôi cầu mong buổi cầu nguyện ấy gia tăng ý thức rằng tự do tôn giáo là một nhân quyền bất khả nhượng, gia tăng sự nhạy cảm về thảm trạng của các tín hữu Kitô bị bách hại trong thời đại chúng ta ngày nay và chấm dứt được tội ác không thể chấp nhận ấy”.

Trong thư gửi các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc công bố hồi năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã đề nghị toàn thể Giáo Hội chọn ngày 24 tháng 5 hàng năm, lễ Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu, làm ngày cầu nguyện cho Giáo Hội tại Hoa Lục.

Trong những năm qua, vào ấy này, nhà cầm quyền Trung Quốc thường cấm cản không cho các tín hữu Công Giáo từ những nơi khác ở Trung Quốc đến Đền Thánh Đức Mẹ Xà Sơn ở ngoại ô Thượng Hải để hành hương và cầu nguyện kính Đức Mẹ.

Riêng giáo phận Thượng Hải, sau khi Đức Cha Alois Kim Lỗ Hiến qua đời ngày 3-5-2013 qua đời lúc 97 tuổi, Giáo phận này không có chủ chăn chính thức. Đức Giám Mục Phụ Tá Tadeo Mã Đại Thanh (Ma Daqin), vì tuyên bố ngưng hoạt động cho Giáo Hội Công Giáo yêu nước vào cuối buổi lễ thụ phong Giám Mục, nên ngài bị Nhà Nước Trung Quốc quản thúc tại Đại chủng viện Xà Sơn và không cho ngài thi hành sứ vụ thánh

10. Đại diện Tòa Thánh kêu gọi rút ra bài học từ dịch Ebola

Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, Đức Tổng Giám Mục Zygmunt Zimowski, kêu gọi cộng đồng quốc tế rút ra bài học từ nạn dịch Ebola ở miền tây Phi châu.

Trong bài tham luận hôm 20 tháng 5 tại Hội đồng quản trị của tổ chức sức khỏe thể giới, OMS, nhóm tại Genève từ ngày 18 đến 26 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Zimowski nói: “Nạn dịch Ebola ở miền Tây Phi là một thảm trạng về con người và sức khỏe công cộng chứng tỏ cần cấp thiết phát triển những hệ thống y tế bền bỉ trên thế giới, nhất là tại những vùng quê và miền sâu miền xa. Các nước có lợi tức thấp vẫn còn bị thương tổn vì những bệnh truyền nhiễm và dịch tễ, họ có hệ thống y tế rất yếu kém cần được can thiệp cấp thiết”.

Hôm 20 tháng 5, trong ngày Đức Tổng Giám Mục Zimowski người Ba Lan phát biểu, tổ chức Sức khỏe thế giới công bố một phúc trình về tình trạng bệnh dịch Ebola, theo đó chỉ trong vòng 1 tuần lễ, con số những người bị nhiễm Ebola ở nước Sierra Leone và Guinea đã tăng gấp 4 lần, từ 9 lên 35 người, và vùng bị nhiễm bệnh lan rộng.

Mặc dù Ebola vẫn còn tại các nước đó, nhưng con số người nhiễm bệnh và thiệt mạng vì bệnh này đã giảm sút đáng kể từ khi nó bộc phát ở Guinea hồi năm 2013. Hôm 9 tháng 5, Tổ chức Sức khỏe thế giới tuyên bố nước Liberia được giải thoát khỏi dịch Ebola.

Theo thống kê công bố hôm 20 tháng Năm, dịch Ebola bắt đầu từ năm 2013 đã làm cho gần 27 ngàn người nhiễm bệnh (26.969) trong đó có 11.135 người bị thiệt mạng, phần lớn ở 3 nước Guinea, Sierra Leone và Liberia.

Trong bài tham luận, Đức Tổng Giám Mục Zimowski kêu gọi tái đặt ưu tiên cho việc đầu tư vào sức khỏe và cần có sự dấn thân dài hạn của các chính phủ và các tổ chức quốc tế để hỗ trợ các hệ thống y tế và sự săn sóc sức khỏe trên thế giới, nhờ đó cải tiến sự đối phó qui mô đối với sự bộc phát của bệnh tật.

Đức Tổng Giám Mục cũng nhấn mạnh đến sự chênh lệch quá lớn trong hệ thống sức khỏe hoàn cầu, giữa dân chúng tại thành thị và những người dân ở miền quê; một nửa số dân tại miền quê không được săn sóc cơ bản về sức khỏe. Vì thế, Đức Tổng Giám Mục Zimowski kêu gọi cấp thiết giải quyết sự chênh lệch này và các tổ chức quốc tế và kế hoạch phát triển cần đảm bảo cho dân chúng quyền được bảo vệ về xã hội và sức khỏe”. Ngài cũng đề cao tầm quan trọng của các tổ chức tư nhân, vô vị lợi, trong đó có cả các tổ chức Công Giáo. Theo thống kê năm 2013 của Giáo Hội, có 116,185 cơ sở y tế Công Giáo trên thế giới

11. Đức Thánh Cha cám ơn các thân nhân cảnh sát Italia tử nạn

Sáng ngày 21 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến 600 thân nhân các nhân viên cảnh sát Italia tử nạn hoặc bị thương nặng trong khi thi hành phận sự.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có vị chỉ huy trưởng cảnh sát Italia. Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha cám ơn và đề cao sứ mạng của cảnh sát bao hàm tinh thần tôn trọng nghĩa vụ và kỷ luật, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, và nếu cần, hiến mạng sống cho việc bảo vệ trật tự công cộng, tôn trọng luật pháp, bênh vực dân chủ, và chống lại các tổ chức tội phạm và khủng bố. Ngài cũng nói rằng:

“Sứ mạng của anh chị em đòi phải có can đảm cứu giúp những người lâm nguy và chặn đứng kẻ gây hấn. Cộng đồng mang ơn anh chị em vì họ có thể sống trong trật tự ổn định và tránh được sự đàn áp của những kẻ bạo hành và tham nhũng… Một cuộc sống dân thân trên mặt trận ấy và qui hướng vào những lý tưởng đó, có một giá trị lớn trước mặt Chúa, và mỗi hy sinh được đón nhận vì lòng yêu mến thiện ích, thì sẽ được Chúa thưởng công”.

Đức Thánh Cha cũng xác tín rằng “Chỉ nhờ chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta mới có thể tìm được sức mạnh để tha thứ và niềm an ủi, vì cả những thập giá của chúng ta cũng được cứu rỗi nhờ thập giá của Chúa, và vì thể mỗi hy vọng và mỗi thảm trạng sẽ tìm được nơi Chúa sự cứu chuộc và đền bù”.

12. Kitô hữu Coptic Ai Cập xao xuyến trước án tử hình dành cho cựu Tổng thống Mohamed Morsi

Hôm thứ Bẩy 16 tháng Năm, tòa án tối cao Ai Cập đã tuyên án tử hình tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi trong một phiên tòa diễn ra dưới sự bảo vệ nghiêm nhặt của cảnh sát và quân đội. Mohamed Morsi được đưa ra tòa trong một cũi sắt kiên cố để đề phòng mọi bất trắc.

Án tử hình Mohamed Morsi, người đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho các tín hữu Kitô Ai Cập, không làm cho họ vui mừng nhưng lại dìm cộng đoàn Kitô hữu nước này vào những mối âu lo cho an ninh của họ.

Thật vậy, bản án tử hình dành cho Mohamed Morsi đã khơi dậy những phản ứng mạnh mẽ ở Ai Cập và các nước khác, bắt đầu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm Huynh Đệ Hồi giáo, mặc dù đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, đã cùng các tổ chức Hồi giáo tổ chức các cuộc biểu tình đông đảo và đe dọa sẽ “trả đũa”.

Đức Cha Anba Kyrillos William, Giám Mục Công Giáo nghi lễ Coptic của giáo phận Assiut cho thông tấn xã Fides biết như sau: “Phản ứng của nhiều người Hồi Giáo bao gồm những lời lẽ kích động bạo lực, trong khi đa số dân chúng có lẽ hài lòng với phán quyết này. Mọi người vẫn chưa quên những đau khổ phải chịu đựng khi Morsi làm tổng thống.”

Án tử hình dành cho Morsi còn phải chờ đợi quyết định chung thẩm của Đại Giáo Trưởng Al-Azhar vào ngày 2 tháng Sáu tới đây. Trước phiên tòa này, tòa án tối cao Ai Cập cũng đã tuyên án tử hình 26 thành viên của nhóm Huynh Đệ Hồi giáo nhưng Đại Giáo Trưởng Al-Azhar đã giảm hình phạt xuống còn tù chung thân.

Đức Cha Anba Kyrillos William nói thêm “Án tử hình dành cho Morsi đặt ra một vấn đề lương tâm với Kitô hữu Ai Cập: Giáo Hội tôn trọng sự độc lập của ngành tư pháp, nhưng Giáo Hội tin rằng sự sống là một quyền bất khả xâm phạm của một người, và mạnh mẽ phản đối án tử hình. Thực tế là án tử hình vẫn là loại hình phạt vẫn được suy tư trong trật tự pháp luật Ai Cập “.

Đức Cha nhận xét dí dỏm rằng có một câu chuyện thật là đầy biểu tượng: “Tôi nhớ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak đã bị kết án tù chung thân, Nhóm Huynh đệ Hồi giáo, lúc đó đang nắm quyền, đã nằng nặc đòi hỏi phải có một phiên tòa mới để kết án tử hình ông ta.”

13. Tình hình các tín hữu Kitô Iraq

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Rome Reports hôm 21 tháng 5, Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương là người vừa viếng thăm Iraq một vài tuần trước đây cho biết:

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất muốn đến thăm đất nước này. Thật vậy, vùng Lưỡng Hà Địa này là vùng đất đã được đích thân thánh Tôma Tông Đồ đến truyền giáo vào thế kỷ thứ nhất. Nhưng bây giờ người ta đang có những nỗ lực để loại trừ mọi dấu vết Kitô Giáo trong vùng này. Sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng là một khích lệ rất lớn cho các tín hữu Kitô”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về thời gian một chuyến viếng thăm như thế có thể được thực hiện, Đức Hồng Y Sandri nhận định rằng rất khó đưa ra một thời biểu chính xác trong tình hình hiện nay sau nhiều chiến thắng vang dội của quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em,

Hôm Chúa Nhật 17 tháng 5, tại Iraq quân khủng bố Hồi Giáo IS đã chiếm được thành phố Ramadi là thủ phủ của tỉnh Al Abar chỉ cách thủ đô 110 km. Một số lượng lớn chiến xa, xe cơ giới và đạn dược đã lọt vào tay quân khủng bố. Hơn 25,000 dân bỏ chạy về Baghdad. Đến ngày thứ Tư 20 tháng 5 họ mới được quân Iraq cho vượt qua cầu bắc ngang sông Euphrates để vào thành Baghdad.

Trong khi đó, quân đội nổi tiếng là thiện chiến của Syria cũng phải bỏ chạy khỏi Palmyra vào đêm thứ Tư rạng ngày thứ Năm 21 tháng 5. Hiệu ứng bỏ chạy cũng diễn ra trong các khu vực lân cận. Do đó, quân khủng bố giờ đây đã chiếm được hơn ½ nước Syria. Chính phủ Syria giờ đây mất toàn bộ quyền kiểm soát biên giới Iraq và Syria.

Tại Qaryatayn, gần thành phố Homs nơi một số dân chúng Palmyra đang tá túc sau khi bỏ chạy khỏi thành phố này thì một linh mục Công Giáo đã bị bắt cóc tại ngay tu viện của ngài.

Cha Jacques Mourad, bề trên tu viện Mar Elias, đã bị bắt giữ bởi một nhóm khủng bố Hồi Giáo chưa thể xác định được. Tu viện này đã được tái thiết bởi nhà truyền giáo dòng Tên người Ý là cha Paolo Dall’Oglio, là người đã bị bắt cóc vào tháng Bảy năm 2013 và vẫn biệt vô âm tín.

Cha Mourad gần đây đã bày tỏ lo ngại về hoạt động thánh chiến trong vùng. Trong tuần vừa qua tu viện đã đón nhiều người tị nạn từ Palmyra. 

Trong khi đó, Đức Cha Antoine Audo, thuộc Dòng Tên, là Giám Mục Công Giáo nghi lễ Chanđê tại Aleppo nói với thông tấn xã Catholic News Service: “Chúng tôi đang mất dần niềm hy vọng.”

“Bây giờ tình hình của chúng tôi là rất xấu, rất khó khăn. Chúng tôi không có điện, không có nước. 80% người dân ở Aleppo không có việc làm. Tôi biết họ không có tiền để tồn tại” 

Đức Cha cho biết hai phần ba trong số 150,000 Kitô hữu Aleppo đã rời thành phố. Về tình hình trong mấy ngày qua, Đức Cha Audo nói “Chúng tôi bị đánh bom hàng ngày. Tôi có thể bị đánh bom trên đường phố, trong nhà thờ, trong tòa giám mục, trong trường học. Chúng tôi không biết tại sao và mấy trái bom này ở đâu mà ra”.

Nguồn: Vietcatholic News

h2

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN