Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 21/03 – 27/3/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 21/03 – 27/3/2014

1. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Hoa Kỳ Obama

Khoảng 10 giờ sáng Thứ Năm 27 tháng Ba, Tổng thống Barack Obama đã đến Vatican giữa các biện pháp bảo vệ an toàn cao độ. 

Ông đã được chào đón bởi Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, chủ tịch phủ Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng đã chào đón ông Obama lúc 10:30 Đây là cuộc họp đầu tiên giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng thống Obama. 

Năm 2009, ông Obama đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tiếp kiến.

2. Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho các Giám Mục, linh mục và phó tế.

Mưa và gió lạnh đã không ngăn được hàng ngàn khách hành hương tuốn đến Quảng trường Thánh Phêrô trong buổi triều yết chung hàng tuần. Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Tôi có thể thấy rằng anh chị em đang dũng cảm … giữa một cơn mưa muốn níu kéo anh chị em trở về nhà. Cảm ơn anh chị em. “

Như thường lệ, ngài đã dùng chiếc xe popemobile của mình đi chào thăm các tín hữu trước buổi tiếp kiến chung, ban phép lành và vẫy tay chào tất cả mọi người. Một ban nhạc đã chào đón Đức Thánh Cha khi ngài đi ngang qua.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy giáo lý về Bí tích Truyền Chức. Ngài đặc biệt thúc giục anh chị em tín hữu hãy cầu nguyện sao cho các Giám Mục, linh mục và phó tế có một đời sống cầu nguyện cao độ.

Đức Thánh Cha nói:

“Khi không dưỡng nuôi chức thừa tác với lời cầu nguyện, chức thừa tác giám mục, chức thừa tác linh mục với lời cầu nguyện, với việc lắng nghe Lời Chúa, cử hành Thánh Thể hằng ngày, và lui tới Bí tích Sám Hối một cách cẩn thận và liên lỉ, rốt cuộc người ta đánh mất đi ý nghĩa đích thực của việc phục vụ và niềm vui phát xuất từ sự hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu.

Vị Giám mục mà không cầu nguyện, vị Giám mục mà không cảm thấy và lắng nghe Lời Chúa, không cử hành Thánh Lễ mỗi ngày, và không đi xưng tội đều đặn, và vị linh mục cũng thế nếu không làm các điều này, thì về lâu về dài mất đi sự hiệp thông với Chúa Giêsu và trở thành tầm thường xoàng xĩnh, không tốt cho Giáo Hội. Vì thế chúng ta phải trợ giúp các giám mục, các linh mục cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa là lương thực hằng ngày, cử hành Thánh Lễ mỗi ngày và đi xưng tội thường xuyên. Và điều này quan trọng biết bao nhiêu, bởi vì nó liên quan tới việc thánh hóa các giám mục và các linh mục.”

3. Đức Thánh Cha kêu gọi những người mafia hoán cải

Lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày thứ Sáu 21 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ và cầu nguyện với 700 thân nhân của khoảng 15 ngàn nạn nhân vô tội của tổ chức bất lương mafia ở Italia. Ngài kêu gọi các kẻ bất lương hãy hoán cải.

Hiện diện tại thánh đường thánh Gregorio Đệ Thất, gần Vatican, còn có cha Luigi Ciotti, người sáng lập Tổ chức Libera chuyên phối hợp hoạt động của 1600 hiệp hội, các cơ quan và trường học, các nhóm dấn thân trong cuộc chiến đấu chống mafia, nạn tham ô, và nạn cho vay với lãi xuất cao rất thịnh hành tại Ý.

Cuộc gặp gỡ diễn ra vào áp ngày toàn quốc Italia lần thứ 19 tưởng niệm các nạn nhân vô tội do các tổ chức bất lương mafia gây ra. Sáng kiến này cũng do tổ chức Libera đề xướng.

Lời chào của cha Luigi Ciotti:

Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha đầu buổi cầu nguyện, cha Ciotti nhận xét rằng trong danh sách của hơn 840 nạn nhân vô tội bị các tổ chức mafia sát hại, có khoảng 80 trẻ em, có em chỉ mới 3 tuổi. “Có những người tình cờ có mặt ở nơi xảy ra cuộc chạm súng. Có bao nhiêu người ‘công chính’. Những người ở phía đang tìm kiếm và giúp tìm kiếm sự thật, những người tự do và lương thiện, không để cho mình bị khó khăn khuất phục. Tại Italia, tại Âu Châu và trên thế giới. Sự hiện diện của các thân nhân các nạn nhân từ Mỹ châu la tinh ở đây hôm nay chứng tỏ điều đó.”.

Cha Ciotti cũng nói rằng ‘nạn nhân của mafia cũng là những người ‘chết rồi mà đang sống”. Bao nhiêu người bị giết chết trong nội tâm. Bao nhiêu người đã bị mafia tước mất phẩm giá và tự do, những người bị tống tiền hoặc bị áp lực, sợ hãi, nội tâm trống rỗng. Các tổ chức bất lương mafia – tham nhũng, bất hợp pháp – giết chết hy vọng”.

“Vấn đề các băng đảng mafia không phải chỉ là vấn đề tội phạm. Giả sử như thế thì chỉ cần các lực lượng cảnh sát, chỉ cần các quan tòa. Đó là một vấn đề xã hội và văn hóa. Một vấn đề liên hệ tới trách nhiệm công cộng – thường bị thoái hóa thành những quyền lực riêng tư – và trách nhiệm xã hội bị gạt bỏ nhân danh cá nhân chủ nghĩa”.

“Ngày nay hơn bao giờ hết, cần có một bước nhảy cao. Cần có những chính sách xã hội, công ăn việc làm, đầu tư vào học đường. Cần mang lại cho con người hy vọng và phẩm giá. Cần làm sao để chính trị tái phục vụ công ích. Và đặc biệt cần tăng cường việc tịch thu các tài sản của các tổ chức bất lương, sử dụng tài sản nào vào các dịch vụ xã hội, chống lại nạn tội phạm, để hồi sinh về xã hội và văn hóa”.

Tại buổi cầu nguyện, có 45 phút được dành cho việc xướng danh tánh của 842 nạn nhân của các tổ chức bất lương. Và sau bài Tin Mừng về các Mối Phúc Thật, Đức Thánh Cha đã gửi đến mọi người một số suy tư của ngài. Ngài tha thiết kêu gọi những người thuộc các tổ chức bất lương mafia hãy từ bỏ cuộc sống tội ác để tránh bị lên án đời đời: 

“Hỡi những người nam nữ mafia, xin hãy vui lòng thay đổi cuộc sống của anh chị em, hãy trở lại và ngưng làm điều ác. Tôi quì gối van xin điều đó và vì thiện ích của chính anh chị em. Cuộc sống mà anh chị em đang làm bây giờ, nó sẽ không mang lại cho anh chị em an lạc, nó không mang cho anh chị em vui mừng, hạnh phúc.. Quyền lực, tiền bạc mà anh chị em có được nhờ bao nhiêu tội ác bẩn thỉu, bao nhiêu tội ác mafia, tiền bạc vấy máu, quyền lực, anh chị em không thể mang những điều đó với mình sang đời sau.. Vẫn còn thời gian để khỏi bị sa hỏa ngục, đang chờ đợi anh chị em nếu anh chị em tiếp tục con đường này. Anh chị em cũng có một người cha, một người mẹ. Hãy nghĩ đến họ, hãy khóc một chút và hoán cải”.

Buổi cầu nguyện kéo dài 1 giờ 30 phút, được xen kẽ giữa những lúc thinh lặng và kinh nguyện được đọc lên, rồi được kết thúc với kinh Lạy Cha và Phép Lành của Đức Thánh Cha.

Giống như các vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhiều lần lên tiếng chống lại các tổ chức bất lương mafia, đặc biệt trong buổi đọc kinh truyền tin trưa ngày 26 tháng Ba năm 2013, tức là hôm sau lễ phong chân phước cho cha Giuseppe Puglisi người đã bị mafia sát hại.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật 26 tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án vụ mafia sát hại em bé Coco mới 3 tuổi, xảy ra vài ngày trước đó, trong khuôn khổ những vụ buôn bán ma túy ở miền Calabria, nam Italia.

Hôm thứ Bẩy 22 tháng Ba, hàng ngàn người đến từ nhiều nơi trên toàn Italia đã tuần hành qua các đường phố ở thành phố Latina, nhân Ngày tưởng niệm các nạn nhân và dấn thân chống mafia lần thứ 19.

4. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp ông Jean Vanier, người sáng lập của L’Arche Foundation

Hôm thứ Sáu 21 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ người sáng lập của L’Arche Foundation, là ông Jean Venier. Từ năm 1964, phong trào đã được thành lập đểbảo vệ – nhân phẩm của những người khuyết tật và giúp tăng cường sự hội nhập của họ trong xã hội.

L’Arche Foundation hiện nay hiện diện trên toàn thế giới. Vì vậy, sau khi nói chuyện với người sáng lập, Đức Thánh Cha đã chào đón các giám đốc miền là những người đang điều hành các trung tâm khác nhau trên toàn cầu.

Dịp này L’Arche Foundation đã tặng Đức Thánh Cha tạp chí “Jesus” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. 

Đức Thánh Cha cũng gặp một trẻ em bị hội chứng Down.

– Con có hạnh phúc khi được ở đây với Đức Thánh Cha Phanxicô không?

– Con có hạnh phúc không?

– Thưa có

– Con hãy tặng Đức Thánh Cha một nụ hôn thay mặt cho tất cả chúng ta đi nào. 

L’Arche Foundation cung cấp một loạt các dịch vụ, mọi thứ từ nhà ở cho đến những buổi hội thảo về người khuyết tật.

Năm mươi năm sau khi được thành lập, L’Arche Foundation hiện có 137 trung tâm tại 36 quốc gia. Mỗi ngày L’Arche Foundation chiến đấu chống lại những điều đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả như là thứ “văn hóa loại bỏ” gạt sang ngoài lề những người khuyết tật và tất cả những ai không thể đem lại chút lợi lộc kinh tế nào cho xã hội.

5. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Malta

Hôm thứ Sáu 21 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã tiếp tổng thống nước Cộng hòa Malta, là ông George Abela đến thăm ngài trước khi kết thúc nhiệm kỳ của ông là vị nguyyên thủ của hòn đảo này.

Và mặc dù đó là một chuyến thăm chính thức, tổng thống đã nhân dịp này mang theo đông đảo các con cháu để chúng được dịp gặp gỡ Đức Thánh Cha. 

– Đã hai tuần này cháu cứ nói về chuyện sẽ tặng món quà này cho Đức Thánh Cha.

– Ồ vậy sao? Thực sự cho cha hả?

Cháu trai của tổng thống tên là Luca , được bốn tuổi. Bên cạnh đó cũng có một cháu bé đang được bồng trên tay, tên là Matthew . Đức Thánh Cha Phanxicô âu yếm hỏi.

– Cháu được mấy tháng rồi?

– Thưa, chưa đầy hai tháng.

– Chưa đầy hai tháng à!

Trong cuộc họp của hai vị, Đức Giáo Hoàng và Abela đã đề cập đến vấn đề nhập cư, vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong cả nước, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và y tế, cũng như mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Malta.

Đức Thánh Cha Phanxicô không dấu được cảm xúc khi nói lời tạm biệt.

– Cảm ơn chứng tá của tổng thống. Tôi thực sự rất xúc động.

Cháu gái Giorgia May là trung tâm của mọi cái nhìn khi chụp ảnh lưu niệm chính thức. Cháu đã làm tất cả mọi người phải cười .

Tổng thống Malta đã tặng Đức Thánh Cha bức chân dung của Thánh Phanxicô Assisi. Đáp lại Đức Thánh Cha tặng tổng thống một bản sao của Tông Huấn Evagelii Gaudium và một huy chương hình Thánh Martin. Tuy nhiên, món quà chính là niềm vui và nụ cười của con cháu vị Tổng thống.

6. Thư Viện Vatican đã ký thỏa thuận với một công ty kỹ thuật của Nhật để điện toán hoá 82,000 thủ bản của mình.

Thỏa thuận này được công bố trong một buổi họp báo tại Phòng Báo Chí của Tòa Thánh. NTT Data, một công ty cung cấp kỹ thuật cao cấp của Nhật, vốn nổi tiếng xưa nay về tài chuyên môn trong lãnh vực Kỹ Thuật Thông Tin và cơ cấu truyền thông.

Trong số những vị hiện diện tại buổi họp báo, người ta thấy có Đức TGM Jean-Louis Brugues, Dòng Đa Minh trưởng văn khố và là thủ thư của Giáo Hội, Đức Cha Cesare Pasini, trưởng thư viện Vatican, và các ông Toshio Iwamoto cùng Patrizio Mapelli, chủ tịch và tổng giám đốc hai Công Ty NTT Data Corporation và NTT Data EMEA.

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho hay: dự án này sẽ bao gồm một giai đoạn khởi đầu kéo dài trong bốn năm nhằm điện toán hóa 3,000 thủ bản. Thông cáo cho hay dự án này có thể được kéo dài qua giai đoạn hai để hoàn tất 82,000 mẫu sưu tập, tổng cộng lên tới 40 triệu trang, hiện đang được lưu giữ tại Thư Viện, có niên biểu từ thế kỷ thứ hai tới thế kỷ thứ hai mươi.

Ông Iwamoto ghi nhận ý nghĩa của việc biến các thủ bản xưa trở thành có thể sử dụng được đối với thế giới, nhất là giới học thuật. Ông cho hay: “Nhờ thế, nhiều nhà nghiên cứu trong các lãnh vực học thuật và trong nhiều ngành kiến thức khác nhau sẽ có khả năng giải thích các thủ bản có giá trị, mà xưa nay họ vốn bị giới hạn, trong hình thức nguyên thủy của nó”. 

Một khi được kỹ thuật số hóa, các thủ bản “sẽ được đăng trên trang mạng của Thư Viện Vatican dưới dạng các dữ kiện có độ phân giải cao”. 

Theo Anna Forrester, NTT Data đã được chọn để điện toán hóa trong bốn năm 3,000 mẫu sưu tập đang được lưu giữ bao gồm các thủ bản, sách, ảnh in và tranh vẽ, dưới khế ước trị giá 22.6 triệu mỹ kim. 

Chủ tịch Toshio Iwamoto của NTT Data cho rằng “Chúng tôi rất vui mừng được dự phần vào sáng kiến lịch sử dẫn đầu bởi Thư Viện Vatican trong việc lưu giữ các kho tàng vô giá của nhân loại”. Thư Viện Vatican hiện lưu giữ khoảng 82,000 mẫu sưu tập gồm trên 41 triệu trang sách. 

Thư Viện Vatican chọn NTT Data căn cứ vào việc đánh giá thành tích điện toán hóa của họ tại Thư Viện Quốc Hội Nhật cũng như khả năng và tài nguyên kỹ thuật của họ, trong đó có dịch vụ văn khố kỹ thuật số AMLAD. 

Đức Cha Cesare Pasini, quản thủ thư viện Vatican, thì cho hay: “Chúng tôi hân hoan đón nhận sự hợp tác của NTT Data trong việc hỗ trợ những cải tiến thêm cho dự án văn khố hóa theo kỹ thuật số các thủ bản của chúng tôi bằng cách sử dụng các kỹ thuật tân tiến. Khi làm vậy, chúng ta sẽ nuôi dưỡng hơn nữa sứ mệnh bảo tồn các kho tàng của nhân loại này và làm cho chúng được sử dụng rộng rãi và được biết đến nhiều hơn trong một tinh thần đại đồng sâu sắc, trong đó có sự đại đồng về kiến thức và sự đại đồng về hợp tác và thoả hiệp với các định chế và công ty khắp thế giới”.

7. Đức Thánh Cha kêu gọi kiến tạo “môi sinh” trong lãnh vực truyền thông

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các đài phát thanh và truyền hình Công Giáo Italia giúp kiến tạo một “hệ thống môi sinh” trong lãnh vực truyền thông xã hội.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Bẩy 22 tháng Ba dành cho 400 thành viên hiệp hội Corallo qui tụ 212 đài phát thanh và 69 đài truyền hình trên toàn nước Italia. Đây là một hiệp hội được thành lập hồi năm 1981 với mục đích làm điểm tham chiếu cho các đài phát thanh và truyền hình tư nhân có chủ trương tuân theo các nguyên tắc xã hội của Kitô giáo.

Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Anh chị em là tiếng nói của một Giáo Hội không sợ đi vào những sa mạc của con người, gặp gỡ họ, tìm kiếm họ trong những lo âu, ngỡ ngàng lạc hướng, đối thoại với tất cả mọi người, cả với những người xa lìa cộng đoàn Kitô và cảm thấy xa Chúa vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng thực tế, Thiên Chúa không bao giờ xa cách, Ngài luôn ở gần bên!”.

Đức Thánh Cha khích lệ giới truyền thông Công Giáo thuộc hội Corallo hãy chú ý đến những đề tài quan trọng của đời sống cá nhân, gia đình xã hội, bàn về những đề tài ấy không phải theo cách thức tìm những gì là “giật gân”, nhưng trong tinh thần trách nhiệm, chân thành quan tâm đến công ích và sự thật.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói rằng: “Một đóng góp khác anh chị em có thể thực hiện nhờ chất lượng nhân bản và luân lý đạo đức trong công việc của anh chị em, đó là kiến tạo một môi trường sinh thái trong lãnh vực truyền thông, nghĩa là một môi trường biết quân bình hóa giữa sự thinh lặng, lời nói, hình ảnh và tiếng nói, như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã đề nghị. Ngày nay có nhiều ô nhiễm, và có cả những bầu khí ô nhiễm trong lãnh vực truyền thông, dưới nhiều hình thức khác nhau. Dân chúng biết điều đó, nhận thấy thực tại ấy, nhưng rồi họ quen thở hít từ đài phát thanh và truyền hình một thứ không khí bẩn thỉu, gây hại cho con người. Cần truyền đi một bầu không khí trong sạch, mà dân chúng có thể hít thở một cách tự do, mang lại dưỡng khí cho tâm trí và linh hồn”.

8. Đức Thánh Cha lên tiếng chống nạn thất nghiệp

Trong buổi tiếp kiến 7 ngàn người, trong đó có 1,700 công nhân và cựu công nhân thuộc hãng thép ở thành phố Terni sáng 20 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ phê bình hệ thống kinh tế ngày nay không còn khả năng kiến tạo công ăn việc làm nữa.

Buổi tiếp kiến diễn ra nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập xưởng thép ở thành phố Terni, cách Roma khoảng 110 cây số về hướng bắc. Tháp tùng các công nhân viên cũng có Đức Giám Mục và chính quyền địa phương. Hãng này đang bị đe dọa đóng cửa làm cho hàng ngàn người mất công ăn việc làm.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nói: “Đứng trước sự phát triển kinh tế hiện nay và những khó khăn về công ăn việc làm, cần phải tái khẳng định rằng lao công là một thực tại thiết yếu đối với xã hội, gia đình và mỗi cá nhân. Thực vậy, lao công có liên hệ trực tiếp tới con người, tới cuộc sống, tự do và hạnh phúc của họ. Giá trị trước tiên của con người là thiện ích của con người.. Lao công không những có mục tiêu kinh tế và lợi nhuận, nhưng còn có một mục tiêu liên hệ tới con người và nhân phẩm. Nếu thiếu công ăn việc làm thì phẩm giá con người bị thương tổn!”

Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Ai bị thất nghiệp hoặc không đủ việc làm thì có nguy cơ bị đặt ra ngoài lề xã hội, trở thành nạn nhân bị gạt ra ngoài xã hội. Bao nhiêu lần xảy ra là những người không có việc làm – đặc biệt là những người trẻ thất nghiệp ngày nay – họ lâm vào tình trạng nản chí trường kỳ hoặc vô cảm”.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể làm được gì đứng trước tình trạng thất nghiệp rất trầm trọng tại nhiều nước Âu Châu? Đó là hậu quả của một chế độ kinh tế không còn khả năng kiến tạo việc làm, vì đặt nơi trung tâm một thần tượng mà người ta gọi là tiền bạc! Vì thế, các nhân vật chính trị, xã hội, kinh tế được kêu gọi tạo điều kiện để thiết định kinh tế một cách khác, dựa trên công bằng, và tình liên đới để đảm bảo cho mọi người cơ may được có công ăn việc làm xứng đáng.

“Lao công là một thiện ích của tất cả mọi người, và vì thế lao công cũng phải là điều mà mọi người có thể đạt được. Cần phải đối phó với giai đoạn khó khăn nặng nề và thất nghiệp trầm trọng bằng những phương thế có tính chất sáng tạo và liên đới. Óc sáng tạo của các chủ xí nghiệp và các nhà thủ công can đảm, hướng nhìn về tương lai trong sự tín thác và hy vọng. Chính sự liên đới giữa mọi thành phần xã hội, biết từ bỏ một cái gì đó, chấp nhận lối sống điều độ thanh đạm hơn, để giúp những người ở trong tình trạng túng thiếu và khó khăn”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, đừng bao giờ ngừng hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn. Đừng để mình bị cuốn vào cơn lốc bi quan! Nếu mỗi người thi hành phận sự của mình, nếu tất cả đặt con người ở trung tâm, với phẩm giá của họ, nếu thái độ liên đới và chia sẻ huynh đệ được củng cố theo tinh thần Tin Mừng, thì người ta có thể ra khỏi cánh đồng lầy của tình trạng kinh tế và lao công cơ cực và khó khăn”

9. Vị giám mục Dòng Tên, lãnh đạo của cộng đồng Công Giáo “thầm lặng” Trung Quốc qua đời

Đức Giám Mục Giuse Phạm Trung Lương (范忠良, Fan Zhong-liang), Dòng Tên, giám mục Thượng Hải, 96 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục của Cộng đồng Công Giáo “thầm lặng” Trung Quốc, và là người lãnh đạo cộng đồng Công Giáo “thầm lặng” tại Thượng Hải, đã qua đời tại Thượng Hải hôm Chúa Nhật 16 tháng Ba vừa qua, sau một thời gian dài lâm bệnh.

Đức Cha Giuse sinh năm 1918 và được rửa tội lúc 14 tuổi. Ngài được nhận vào nhà tập Dòng Tên Thượng Hải năm 1938, thụ phong linh mục năm 1951. Năm 1955 ngài bị bắt, bị khép vào “tội phản cách mạng” và bị kết án 20 năm tù giam ở tỉnh Thanh Hải. Tuy nhiên đến năm 1979, cha Phạm Trung Lương đã được trả tự do.

Năm 1985, ngài được bí mật tấn phong Giám mục phụ tá giáo phận Thượng Hải. Năm 2000, ngài được Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Thượng hải nhưng không được nhà nước Trung Quốc công nhận. Trong nhiều năm qua Đức Cha Lương bị bệnh mất trí nhớ, sống ẩn dật trong một căn hộ và vẫn bị quản chế.

Sau khi nghe tin Đức Cha Giuse qua đời, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, cũng là một người gốc Thượng Hải đã chia sẻ rằng: “Người tôi tớ trung tín và người mục tử tốt lành này đã hoàn tất ‘đường thập giá’ của mình và nay trở về nhà Cha. Chúng ta nhớ đến ngài như một mẫu gương và chúng ta chắc chắn rằng từ thiên quốc ngài sẽ bảo vệ đoàn chiên của mình”.

Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc có khoảng 8 – 12 triệu tín hữu và bị phân chia thành 2 cộng đồng. Cộng đồng thứ nhất được nhà nước công nhận và do Hội Công Giáo yêu nước lãnh đạo. Hội Công Giáo yêu nước này tự ý bổ nhiệm giám mục mà không có phép của Tòa Thánh. Cộng đồng thứ hai không được nhà nước công nhận và thường được gọi là cộng đồng “thầm lặng” hoặc cộng đồng “hầm trú”. Các giám mục thuộc cộng đồng “thầm lặng” được Tòa Thánh bổ nhiệm nhưng không được nhà nước công nhận. Các ngài thường bị bắt bớ, quản thúc và không được phép thi hành sứ vụ giám mục.

Giáo Hội Công Giáo tại Thượng Hải cũng có hai cộng đồng: cộng đồng “công khai” và cộng đồng “thầm lặng”. Cả hai cộng đồng này có khoảng 150.000 tín hữu với hơn 100 linh mục.

Trước khi Đức Cha Aloysius Kim Lỗ Hiền, Dòng Tên, giám mục giáo phận Thượng Hải, qua đời năm 2013, ngài đã truyền chức giám mục cho Đức Cha Tađêô Mã Đạt Khâm (được cả Vatican và nhà nước Trung Quốc công nhận) để kế nhiệm ngài chăm sóc giáo phận. Tuy nhiên, Đức Giám Mục Mã Đạt Khâm đã bị chính quyền quản thúc tại gia từ khi ngài công khai tuyên bố rút khỏi Hội Công Giáo Yêu nước, ngay sau khi được tấn phong giám mục vào ngày 07 tháng 07 năm 2012.

10. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ y tế

Trong buổi tiếp kiến sáng thứ Hai 24 tháng Ba dành cho Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, Đức Thánh Cha đề cao cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu như “trường học lớn nhất dành cho những ai dấn thân phục vụ anh chị em bệnh nhân và người đau khổ”.

80 tham dự viên, gồm các Hồng Y, Giám Mục, linh mục và nhiều chuyên gia cố vấn tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế về đề tài “Làm điều thiện với đau khổ và làm điều thiện cho người đau khổ”, một câu trích tứ Tông thư Salvifici doloris, Khổ đau cứu độ, của Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 (n.30), công bố cách đây 30 năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng: “Thực sự là cả trong đau khổ, không ai bị đơn độc, vì Thiên Chúa trong tình yêu thương từ bi của Ngài đối với con người và thế giới đã ấp ủ cả những hoàn cảnh vô nhân đạo nhất, trong đó hình ảnh của Đấng Tạo Hóa hiện diện nơi mỗi người bị lu mờ hoặc biến dạng. Chúa Giêsu cũng chịu như thế trong cuộc khổ nạn. Nơi Chúa, mọi đau khổ, lo âu đau đớn của con người được đón nhận với lòng yêu mến, với ý muốn được gần gũi và ở với chúng ta. Chính nơi đây, trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, có trường học lớn nhất đối với bất kỳ người nào muốn dấn thân tận tụy phục vụ anh chị em bệnh nhân và ngừơi đau khổ”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Kinh nghiệm về sự chia sẻ huynh đệ với người đau khổ mở cho chúng ta vẻ đẹp đích thực của cuộc sống con người, trong đó có bao gồm cả sự dòn mỏng. Khi bảo vệ và thăng tiến sự sống con người, ở bất kỳ giai đoạn và thân phận nào, chúng ta có thể nhận ra phẩm giá và giá trị của mỗi người, từ lúc mới được thụ thai cho đến lúc chết”. 

11. Đức Thánh Cha lên tiếng chống nạn thất nghiệp

Trong buổi tiếp kiến 7 ngàn người, trong đó có 1,700 công nhân và cựu công nhân thuộc hãng thép ở thành phố Terni sáng 20 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ phê bình hệ thống kinh tế ngày nay không còn khả năng kiến tạo công ăn việc làm nữa.

Buổi tiếp kiến diễn ra nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập xưởng thép ở thành phố Terni, cách Roma khoảng 110 cây số về hướng bắc. Tháp tùng các công nhân viên cũng có Đức Giám Mục và chính quyền địa phương. Hãng này đang bị đe dọa đóng cửa làm cho hàng ngàn người mất công ăn việc làm.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nói: 

12. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp ông Jean Vanier, người sáng lập của L’Arche Foundation

Hôm thứ Sáu 21 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ người sáng lập của L’Arche Foundation, là ông Jean Venier. Từ năm 1964, phong trào đã được thành lập để bảo vệ – nhân phẩm của những người khuyết tật và giúp tăng cường sự hội nhập của họ trong xã hội.

L’Arche Foundation hiện nay hiện diện trên toàn thế giới. Vì vậy, sau khi nói chuyện với người sáng lập, Đức Thánh Cha đã chào đón các giám đốc miền là những người đang điều hành các trung tâm khác nhau trên toàn cầu.

Dịp này L’Arche Foundation đã tặng Đức Thánh Cha tạp chí “Jesus” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. 

13. Ý Cầu Nguyện của Đức Thánh Cha trong Tháng Tư

Kính thưa quý vị và anh chị em

Trong tháng Tư, Ý chung, Đức Thánh Cha cầu cho các nhà cầm quyền thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo vệ và phân phối đồng đều các của cải và những tài nguyên thiên nhiên.

Ý truyền giáo: Cầu xin Chúa Kitô Phục Sinh ban dồi dào niềm hy vọng trong tâm hồn cho tất cả mọi người đang gặp thử thách vì đau khổ và bệnh tật.

14. Đức Thánh Cha công bố ngày hoà giải

Sau buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố ngày 29 và 30 tháng Ba này sẽ là ngày dành “24 giờ cho Chúa”, trong đó mọi người có thể tìm được cơ hội đặc biệt để cầu nguyện và tham dự bí tích hòa giải. 

Đức Thánh Cha giải thích với anh chị em tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô rằng: “Thứ Sáu và thứ Bẩy tới, chúng ta sẽ sống một thời khắc thống hối đặc biệt, gọi là ‘24 giờ dành cho Chúa’. Ngày này sẽ bắt đầu bằng một cử hành phụng vụ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào chiều thứ Sáu, rồi đến tối và đêm, một số nhà thờ trong trung tâm Rôma sẽ được mở cửa để các tín hữu cầu nguyện và xưng tội.

15. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Nigeria

Sáng thứ Hai 24 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã tiếp tổng thống Nigeria, ông Goodluck Jonathan. Trong cuộc họp, tổng thống Nigeria đã cảm ơn Đức Thánh Cha vì những đóng góp của Giáo Hội cho đất nước, đặc biệt là trong việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Hai nhà lãnh đạo đã nói về tự do tôn giáo, và lên án tất cả các hình thức bạo lực. Hai vị cũng nói lên mong muốn được thấy sự chung sống hoà bình trở lại trong nước.

Trong hơn hai năm, Nigeria đã – bị tấn công liên tục bởi nhóm khủng bố Boko Haram, một tổ chức có quan hệ chặt chẽ với Al -Qaeda. Nhóm này tìm cách áp đặt Luật Shar’ia tại nửa phía bắc của quốc gia châu Phi này. Các cuộc tấn công của họ đã cướp đi mạng sống của hàng ngàn Kitô hữu và người Hồi giáo.

Tổng thống Nigeria đã tặng Đức Giáo Hoàng một miếng vải thêu, trong khi đó Đức Thánh Cha Phanxicô tặng tổng thống một huy chương triều đại Giáo Hoàng của ngài.

16. Tân tổng quyền dòng Salêsiêng

Ngày 25 tháng 3 năm 2014: Tổng Tu Nghị thứ 27 vừa bầu linh mục Ángel Fernández Artime, Bề Trên Giám Tỉnh vùng Nam Á Căn Đình, làm Tân Tổng Quyền Dòng Salêsiêng Don Bosco. Tính đến nay, Ngài là vị thứ 10 kế nhiệm Thánh Gioan Bosco.

Ngài đắc cử ngay ở vòng bầu đầu tiên vào hồi 10:20 sáng. Toàn thể cử tọa đã đáp lại lời công bố chính thức kết quả này bằng một tràng pháo tay dài và nồng nhiệt.

Linh mục Ángel Fernández Artime, 53 tuổi, sinh ngày 21 tháng 8 năm 1960 tại Gozón-Luanco, Tây Ban Nha, thụ phong linh mục ngày 4 tháng 7 năm 1987. 

Xuất thân từ Tỉnh Dòng León,Ngài đã giữ các chức vụ như Ủy viên đặc trách Mục Vụ Giới Trẻ, Giám Đốc trường Ourense, thành viên Ban Cố Vấn Tỉnh và Phó Giám Tỉnh. Ngài giữ chức vụ Giám Tỉnh León từ năm 2000 đến 2006.

Ngài đã là thành viên ủy ban kỹ thuật chuẩn bị Tổng Tu Nghị thứ 26. Năm 2009, Ngài được chỉ định làm Giám Tỉnh vùng Nam Á Căn Đình. Với chức vụ này, Ngài đã rất quen thuộc và làm việc với Đức Tổng Giám Mục Buenos Aires, tức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, nay là đương kim Giáo Hoàng Phanxicô.

Ngài có bằng Tiến Sĩ Thần Học Mục Vụ và Thạc Sĩ Triết Học và Sư Phạm.

Này 23 tháng 12 năm 2013, Ngài được chỉ định làm Giám Tỉnh tân tỉnh dòng Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu tại Tây Ban Nha. Chức vụ này sẽ không thực hiện được vì nay Ngài đã trở thành người Cha của toàn thể Đại Gia Đình Salêdiêng.

17. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội đồng Giám mục Guinea Conakry

Sáng thứ Hai 24 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 3 Giám Mục nước Guinea Conakry và ngài khích lệ Giáo Hội địa phương kiên cường trước công tác truyền giáo mênh mông, đoàn kết và làm chứng tá cho các giá trị Tin Mừng bằng chính cuộc sống.

Guinea Conakry ở miền tây Phi châu, rộng gần bằng 2 phần 3 Việt Nam với gần 250 ngàn cây số vuông. Trong số 10 triệu rưỡi dân cư nước này, có tới 85% là tín hữu Hồi giáo, và chỉ có 250 ngàn tín hữu Công Giáo. Tình trạng đa thê là vấn đề phổ biến nhất tại quốc gia này.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đề cao một người con nổi bật của Giáo Hội Guinea đang phục vụ tại Tòa Thánh là Đức Hồng Y Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm. Ngài cũng nói rằng:

“Nhìn dưới con mắt con người, những phương diện truyền giáo của Giáo Hội anh em không có gì đáng kể, nhưng thay vì nản chí anh em không bao giờ được quên rằng việc loan báo Tin Mừng là công trình của chính Chúa Giêsu, vượt lên trên tất cả những gì chúng ta có thể khám phá và hiểu (Xc Evangelii Gaudium, n.12)… Tuy nhiên để Tin Mừng đánh động và hoán cải các tâm hồn trong chiều sâu, chúng ta phải nhớ rằng chỉ khi nào hiệp nhất trong tình yêu thương thì chúng ta mới có thể làm chứng về chân lý của Tin Mừng như lời Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: ‘Ước gì chúng nên một để thế gian tin’ (Ga 17,21)… Những bất hòa giữa các tín hữu Kitô là chướng ngại lớn nhất cản trở việc loan báo Tin Mừng. Chia rẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của những nhóm lợi dụng sự nghèo đói và dễ tin của dân chúng để đề nghị cho họ những giải pháp dễ dàng, nhưng là ảo tưởng, đối với các vấn đề của họ”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Trong một thế giới bị thương tổn vì các cuộc xung đột bộ tộc, chính trị và tôn giáo, các cộng đoàn của chúng ta phải có đặc tính huynh đệ đích thực và được hòa giải, điều này luôn luôn là một ánh sáng thu hút” (Evangelii Gaudium, n.100)… Để việc loan báo Tin Mừng mang lại thành quả, toàn thể cuộc sống của chúng ta phải phù hợp với Tin Mừng mà chúng ta loan báo”.

Đức Thánh Cha không quên ca ngợi sự sống động trong đời sống của các giáo phận ở Guinea Conakry về nhiều phương diện, đặc biệt là sự dấn thân của các giáo lý viên trong việc mục vụ. 

18. Lễ Truyền Tin tại Vatican

Trong Thánh Lễ Truyền Tin hôm 25 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô nói sự vâng phục của Đức Trinh Nữ Maria tháo gỡ gút mắc gây ra bởi sự bất tuân phục của Adam .

Tội lỗi của Adam là kết quả của niềm tự hào, và Mẹ Maria cho thấy nơi Mẹ hòan toàn không có tội kiêu ngạo đó. Đức Thánh Cha nói rằng thách đố cam go đối với các tín hữu là phải chiến đấu chống lại niềm tự hào.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng phụng vụ trong ngày lễ này hướng dẫn chúng ta dọc theo con đường phục hồi, khích lệ sự vâng phục và lòng khiêm cung trước Lời Chúa.

Ơn cứu rỗi không thể mua bán. Đó là một ân sủng được trao ban cho chúng ta cách nhưng không. Chúng ta không thể tự cứu độ chính bản thân chúng ta: Ơn cứu rỗi là một hồng ân nhưng không và để nhận hồng ân đó, chúng ta phải chuẩn bị đón nhận, và khiêm tốn nhìn nhận rằng đó không phải là vì những công đức của riêng của chúng ta. 

Tâm tình thích hợp trong ngày lễ này là sự đơn sơ và khiêm nhường. Và chúng ta hãy nói: “Tạ ơn Chúa, vì hôm nay Chúa nói với chúng con rằng Chúa đã ban cho chúng con ơn cứu rỗi .”

Nguồn: Vietcatholic

h1

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …